Tiền số của Ngân hàng Trung ương với khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ

Quốc tế
Tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện tại nước ta do có thể mang lại cho những người dân và doanh nghiệp hiện chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng...
aa

Tóm tắt: Tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện tại nước ta do có thể mang lại cho những người dân và doanh nghiệp hiện chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng - đặc biệt là nhóm cư dân dễ tổn thương về mặt tài chính, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao hiểu biết về quản lí tài chính. CBDC cũng tăng cường hiệu quả của chính sách tiền tệ (CSTT) bằng cách cho phép ngân hàng trung ương (NHTW) có quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với nguồn cung tiền, sử dụng kênh lãi suất hiệu quả với độ trễ thấp hơn và cho phép áp dụng phương thức điều hành CSTT theo hướng lập trình hóa. Qua đó, CBDC sẽ mang lại cơ hội và lợi thế vượt trội nhằm tăng cường mức độ phát triển tài chính toàn diện cũng như hiệu quả thực thi của CSTT. Tuy nhiên, việc triển khai CBDC cũng có nhiều thách thức như mức độ phát triển tài chính toàn diện ở nước ta còn ở mức trung bình thấp, rủi ro an ninh mạng, lo ngại về quyền riêng tư và tác động tiềm ẩn đối với hệ thống ngân hàng truyền thống. Do vậy, bài viết đã đưa ra một số định hướng và đề xuất đối với việc triển khai áp dụng CBDC nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường hiệu quả CSTT tại Việt Nam.

Từ khóa: NHTW; CBDC; thúc đẩy tài chính toàn diện.

CENTRAL BANK DIGITAL CURRENCIES PROMOTE FINANCIAL INCLUSION
AND ENHANCE THE EFFECTIVENESS OF MONETARY POLICY

Abstract: Central bank digital currencies (CBDC) have the potential to promote financial inclusion (FI) in our country due to their ability to have benefits to people and businesses currently unavailable or unable to access to a bank- especially financially vulnerable populations as well as reduce transaction costs and improves the literacy on financial management. CBDC also enhances the effectiveness of monetary policy by allowing the central banks to have more direct control over the money supply, using an efficiently interest rate channel with lower latency and enabling to apply a new way of operating monetary policy in the direction of programming. Thereby, CBDC will bring great opportunities and outstanding advantages to enhance the level of FI as well as the effectiveness of implementing the monetary policy. However, CBDC implementation is also associated with many significant challenges such as the low average level of FI in our country, cybersecurity risks, privacy concerns and potential impacts on the traditional banking system. Thus, this article proposes some recommendations for the CBDC implementation to promote FI and enhance the effectiveness of monetary policy in Vietnam.

Keywords: CBDC; financial inclusion promotion.

1. CBDC đối với tài chính toàn diện và CSTT


1.1. CBDC thúc đẩy tài chính toàn diện


Thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện là một ưu tiên quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Hiện nay, nhiều tổ chức quản lí tài chính và NHTW trên toàn cầu đã được bổ sung thêm trách nhiệm thúc đẩy tài chính toàn diện cùng với trách nhiệm ổn định thị trường tài chính - tiền tệ. Theo nghiên cứu của Hoàng Công Gia Khánh và cộng sự (2021), CBDC được cho là sẽ giúp tài chính toàn diện tại các quốc gia được cải thiện. CBDC làm tăng sự tiện lợi và an toàn trong việc thanh toán của người dân, kết hợp được cả tính linh hoạt của tiền mặt và tính an toàn của tài khoản ngân hàng (Dyson và Hodgson, 2016). Theo Barontini và Holden (2019), các quốc gia mới nổi đang tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện tài chính toàn diện so với các nước phát triển khi xem xét phát hành CBDC. Điều này cũng cho thấy, sự phát triển của CBDC sẽ có lợi cho tài chính toàn diện tại các quốc gia mới nổi. Đối với Việt Nam, việc phát hành CBDC giúp thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua nhiều khía cạnh khác nhau.

- Cho phép các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận với ngân hàng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính số.

Thứ nhất, CBDC có thể giúp các cá nhân và doanh nghiệp mở tài khoản ví kĩ thuật số và truy cập các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn mà không cần phải thông qua tài khoản ngân hàng truyền thống (Raghuveera, 2020). Đó là bởi CBDC có thể được truy cập thông qua điện thoại thông minh hoặc kết nối Internet. Điều này được xem là rất quan trọng cho các cá nhân và doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực thiếu ngân hàng, những người có thể khó tiếp cận hoặc chưa tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, từ đó giúp CBDC có thể được triển khai rộng rãi đến mọi người dân trong nước.

Thứ hai, CBDC có thể cung cấp quyền truy cập trực tiếp vào một dạng tiền kĩ thuật số của NHTW mà cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng để thanh toán và giao dịch tài chính khác, ngay cả khi họ không có tài khoản ngân hàng (ADB, 2023).

Thứ ba, chi phí giao dịch thấp hơn (Ferrari và Mehl, 2021). CBDC có thể giảm chi phí liên quan đến giao dịch tài chính, điều này giúp các cá nhân và doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động kinh tế với chi phí hợp lí hơn.

Nhìn chung, CBDC có tiềm năng hỗ trợ tài chính toàn diện bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp hiện chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, điều này có thể giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

- Tiết giảm chi phí thanh toán và sử dụng tiền mặt, nhất là với các khoản thanh toán nhỏ lẻ.

CBDC có thể giúp giảm thiểu chi phí liên quan đến xử lí tiền mặt (Ozili, 2021), điều này đặc biệt quan trọng đối với các giao dịch nhỏ, có tác dụng khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế dễ dàng, thường xuyên hơn do ít bị cản trở bởi vấn đề chi phí giao dịch hay các hoạt động kinh tế nhỏ lẻ. Đối với các giao dịch bằng CBDC, khâu xử lí tiền mặt như vận chuyển, lưu trữ, kiểm đếm hoàn toàn bị loại bỏ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các chủ thể trong nền kinh tế. Giao dịch bằng CBDC ít tốn chi phí hơn so với tiền mặt (Wong và Maniff, 2020), hạn chế sự e ngại đối với các khoản thanh toán nhỏ và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thanh toán bằng CBDC. Mặt khác, CBDC giúp gia tăng hiệu quả của các giao dịch bằng cách giảm thời gian và nguồn lực cần thiết để xử lí thanh toán (Vota, 2022), điều này có tác dụng làm giảm chi phí liên quan đến xử lí giao dịch và càng thúc đẩy nhiều người dân sử dụng dịch vụ thanh toán bằng CBDC.

- Khuyến khích cạnh tranh và đổi mới trong lĩnh vực tài chính, giúp thu hút được nhiều thành phần tham gia và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới.

CBDC có thể làm giảm rào cản gia nhập đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mới (Adcock, 2023), điều này có thể làm tăng tính cạnh tranh và đổi mới trong lĩnh vực tài chính, từ đó dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới và dễ tiếp cận hơn đối với nhiều người dân. CBDC có thể cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng của NHTW, chẳng hạn như hệ thống thanh toán và trung tâm thanh toán bù trừ mà không phải tốn kém chi phí so với việc phải tự xây dựng và duy trì như các tổ chức tài chính lớn đã làm trước đây. CBDC cũng có thể cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đảm bảo việc tuân thủ các quy định và xác thực danh tính khách hàng (KYC) thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn (AFI, 2022). Theo BIS (2021), CBDC có thể được thiết kế với kiến trúc mở, có nghĩa là chúng có thể được tích hợp với các dịch vụ và ứng dụng của bên thứ ba. Điều này mang lại khả năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới và sáng tạo dựa trên CBDC. Như vậy, các đặc điểm nêu trên của CBDC có tác dụng thúc đẩy đổi mới, tạo sân chơi thuận lợi và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mới cạnh tranh với những tổ chức tài chính đã có tên tuổi trên thị trường. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới luôn có những chương trình khuyến khích và thu hút người dùng, qua đó giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ liên quan đến CBDC.

- Giúp nâng cao hiểu biết và kĩ năng về quản lí tài chính.


Việc áp dụng CBDC làm gia tăng hiểu biết về tài chính (Raghuveera, 2020) và tạo cơ hội để các cá nhân và doanh nghiệp có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hoạt động tài chính của họ (AFI, 2022). Hệ thống CBDC có thể cung cấp kiến thức và kĩ năng quản lí tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp bằng cách tăng khả năng tiếp cận thông tin tài chính, cải thiện ngân sách chi tiêu và các công cụ lập kế hoạch tài chính, giáo dục tài chính, hiểu biết sâu sắc về tài chính theo thời gian thực cũng như trách nhiệm quản lí tài chính tốt hơn. CBDC có thể được thiết kế bao gồm các tính năng giúp cá nhân và doanh nghiệp quản lí tài chính của họ, chẳng hạn như các công cụ lập ngân sách và tư vấn lập kế hoạch tài chính, cung cấp thông tin chi tiết về tài chính theo thời gian thực, cảnh báo giao dịch... Theo Auer và cộng sự (2022), nhiều NHTW đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình và hoạt động nâng cao hiểu biết về tài chính nhằm khuyến khích sự tiếp nhận và sử dụng CBDC. Nhờ khả năng tích hợp linh hoạt, ứng dụng CBDC có thể được dùng như một nền tảng để cung cấp các chương trình giáo dục và kiến thức tài chính, qua đó giúp cá nhân và doanh nghiệp trong nước hiểu rõ hơn về các khái niệm tài chính và cải thiện kĩ năng quản lí tài chính.

- CBDC mang đến cơ hội hòa nhập tài chính đối với nhóm cư dân lao động nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương.

Việc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ở Việt Nam mang lại lợi ích thiết thực đối với nhiều chủ thể tham gia trong nền kinh tế và đối với việc điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, một bộ phận người nghèo có trình độ học vấn và thu nhập thấp ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Những nhóm, bộ phận cư dân nêu trên thường có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn để thực hiện các giao dịch thanh toán cho bản thân, gia đình và xem tiền mặt là công cụ hữu ích trong việc kiểm soát chi tiêu của họ.

Với dân số đạt trên 100 triệu dân và gần 62% tập trung ở khu vực nông thôn tại Việt Nam (Hà Quang Minh, 2023), việc giảm thiểu các rào cản gia nhập hệ thống tài chính chính thức đối với nhóm cư dân tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phổ cập các dịch vụ tài chính - ngân hàng, thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ trở thành một thách thức không nhỏ và cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện. Trong bối cảnh đó, việc triển khai CBDC đối với nhóm đối tượng nêu trên sẽ trở nên khả thi và có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trong công cuộc mở rộng tài chính toàn diện trên địa bàn cả nước. Nghiên cứu của Náez Alonso, Jorge-Vazquez và cộng sự (2020) trong việc nhận biết về tài chính toàn diện tại các khu vực nông thôn dễ tổn thương thông qua chỉ số tiếp cận tiền mặt cũng chỉ ra có đến 75% người dân tại khu vực nông thôn khi được hỏi cho biết họ sẽ dùng CBDC thay cho tiền mặt hoặc xem xét sử dụng CBDC. CBDC với ưu thế không phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), hầu như không tốn phí và không đòi hỏi thiết bị có cấu hình cao sẽ dễ dàng thâm nhập vào nhóm đối tượng cư dân này, từng bước cung cấp các dịch vụ về thanh toán... rồi dần kết nối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng khác, qua đó mở ra cơ hội cho nhóm cư dân dễ tổn thương về mặt tài chính có thể sớm hòa nhập, nâng cao kĩ năng sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại bằng CBDC và mở rộng sang các dịch vụ ngân hàng, góp phần làm giảm nhanh tỉ lệ thanh toán bằng tiền giấy truyền thống và tăng cường nền tài chính toàn diện trong nước.

1.2. CBDC giúp tăng cường hiệu quả của CSTT

- CBDC sẽ làm thay đổi nhu cầu tiền mặt, tăng tốc độ lưu thông tiền tệ, giúp NHTW kiểm soát và cung ứng nguồn tiền thông minh hơn.

CBDC được phát hành nhằm bảo đảm người dân sử dụng để thanh toán một cách hợp pháp thay thế cho việc sử dụng tiền mặt truyền thống. Mặc dù nhu cầu tiền mặt hiện nay đã giảm nhiều nhờ khả năng thanh toán dễ dàng bằng thẻ và các ứng dụng di động, tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tiền mặt vẫn hiện hữu và chiếm tỉ trọng đáng kể trong các giao dịch thanh toán. Với những nhược điểm cố hữu của tiền mặt như khó theo dõi, thường được dùng trong các giao dịch bất hợp pháp, trốn thuế... chính phủ các nước có xu hướng ngày càng thu hẹp giao dịch bằng tiền mặt để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an ninh, thanh toán và cải thiện việc thu thuế. CBDC được tạo ra với mục đích đảm bảo tính linh hoạt và an toàn cho việc thanh toán của người dân, đồng thời cải thiện hiệu quả và tính an toàn của cả hệ thống thanh toán, gia tăng tốc độ lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế. Nhờ khả năng thâm nhập sâu vào mọi tầng lớp dân cư, CBDC có thể cải thiện hiệu quả và tiện lợi trong việc thanh toán bán lẻ, bao gồm các hoạt động thanh toán tại điểm bán (POS), thanh toán trực tuyến và thanh toán ngang hàng (P2P) (Lê Đạt Chí và cộng sự, 2021). Bên cạnh đó, nó còn giúp tối ưu hóa các hoạt động thanh toán bán buôn và liên ngân hàng, đảm bảo các giao dịch được xử lí nhanh hơn và không còn gặp hạn chế về thời gian chuyển tiền. Tương tự như Bitcoin và các loại tiền mã hóa, CBDC sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để xác minh quyền sở hữu và xác thực các giao dịch thanh toán mà không cần sự tham gia của bên trung gian thanh toán bù trừ (Lê Đạt Chí và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, CBDC khác biệt với các loại tiền mã hóa khác ở chỗ NHTW chịu trách nhiệm xác định nguồn cung của mã thông báo CBDC, giá trị của CBDC sẽ được cố định về mặt danh nghĩa và được coi là hợp pháp trong việc thanh toán. Đồng thời, NHTW có thể thiết lập thủ tục minh bạch hóa các giao dịch, cập nhật và tích hợp các giao dịch khác vào sổ cái phân tán, tăng cường tính bảo mật cho quá trình thanh toán (Chu và cộng sự, 2022). Thông qua phát hành CBDC và tổng hợp số liệu người dùng từ các đơn vị vận hành ví điện tử CBDC, NHTW sẽ có công cụ để kiểm soát chính xác lượng tiền cung ứng, quy mô và tốc độ lưu chuyển tiền tệ... từ đó đưa ra các quyết định tác động đến thị trường với độ trễ thấp, khiến cho hiệu quả trong điều hành CSTT được tăng cường rõ rệt. Tham khảo kết quả triển khai thí điểm đồng Nhân dân tệ số (e-CNY), Yang và Zhou (2022) cho biết, việc phát hành, chuyển đổi và lưu thông e-CNY hiện nay có thể được chia ra thành 4 kênh: Một là người dùng có thể chuyển đổi trực tiếp từ tiền giấy truyền thống sang CBDC và lưu trữ tại ví điện tử; hai là, CBDC được phân phối đến ví điện tử của người dùng theo hình thức chi trả lương, trợ cấp, phúc lợi... thông qua NHTM; ba là, người dùng chủ động chuyển đổi CBDC với tiền gửi tại ngân hàng thông qua ứng dụng ví điện tử do ngân hàng phát hành; bốn là, người dùng thanh toán, chuyển khoản CBDC trực tiếp với nhau thông qua ví điện tử mở tại các NHTM.

- CBDC có thể thúc đẩy sự cạnh tranh của hệ thống NHTM và trang bị cho NHTW công cụ lãi suất một cách hữu hiệu.

Xét về khía cạnh kĩ thuật, với cơ chế hợp đồng thông minh của hệ thống CBDC, NHTW có thể tiến hành trả lãi một cách dễ dàng và qua đó đóng vai trò như một cơ quan dự trữ tiền gửi quốc gia. Thậm chí, tất cả số tiền CBDC được giữ tại NHTW có thể sẽ được áp dụng chung mức lãi suất danh nghĩa đối với các cá nhân, công ty, tổ chức (Levin và Bordo, 2017). Điều này, một mặt có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, bởi vì khách hàng có thể chọn chuyển tiền vào tài khoản CBDC của NHTM nào đó để hưởng lãi suất cao hơn (Denecker và cộng sự, 2022). Vì vậy, các NHTM phải cung cấp mức lãi suất huy động hấp dẫn và dịch vụ vượt trội để thu hút và giữ chân khách hàng của mình.

Mặt khác, trong trường hợp nền kinh tế gặp phải bất ổn nghiêm trọng, khi các công cụ CSTT truyền thống không còn phát huy được tác dụng cần thiết để ngăn chặn đà suy thoái hay khủng hoảng, NHTW có thể chủ động giảm lãi suất của CBDC để thúc đẩy kinh tế phục hồi và ổn định giá cả khi cần thiết. Việc giảm lãi suất tiền gửi CBDC tùy theo từng nhóm đối tượng mà áp dụng khác nhau. Đối với các cá nhân và tổ chức gửi tiền, việc giảm lãi suất tiền gửi CBDC thậm chí về mức âm (người gửi phải trả chi phí cho khoản tiền gửi CBDC) sẽ không khuyến khích việc gửi tiền và có tác dụng kích thích chi tiêu, do vậy dẫn đến hành vi rút tiền để chi tiêu hoặc chuyển sang các kênh khác mang lại lợi nhuận tốt hơn, trong đó một phần đáng kể sẽ chảy vào nền kinh tế thực thông qua hình thức đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, CBDC rõ ràng mang lại hiệu quả truyền dẫn tốt hơn so với tiền giấy truyền thống. Bởi lẽ, giới hạn dưới của lãi suất đối với tiền giấy là 0% và do đó các biện pháp kích thích sẽ bị giới hạn tại mức này.

Đối với các định chế tài chính, điển hình là NHTM, trong những trường hợp hết sức cần thiết, việc NHTW áp dụng một mức lãi suất âm đối với phần dự trữ vượt mức (DTVM) sẽ được cài đặt rất dễ dàng đối với CBDC và không gặp phải giới hạn về ngưỡng lãi suất chính sách bằng 0 như đối với tiền giấy truyền thống (Bindseil, 2022). Theo đó, các NHTM bị tính phí cho phần DTVM bằng CBDC tại NHTW thay vì nhận được lãi suất tiền gửi dương (> 0%/năm) như thông thường. Các loại lãi suất chính sách khác (lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn...) giảm xuống cho đến khi lãi suất vay qua đêm (lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn) giảm dần về mức âm theo kì vọng của NHTW. Các NHTM sẽ tích cực cho vay ra nền kinh tế (thay vì nắm giữ DTVM) với mức lãi suất cho vay thấp hơn, tạo điều kiện cho các chủ thể đi vay vượt qua những khó khăn về tài chính, tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để tiếp tục cầm cự trong giai đoạn bất ổn và dần dần phục hồi.

Như vậy, sử dụng công cụ lãi suất CBDC thay thế cho tiền giấy truyền thống sẽ giúp CSTT đạt được hiệu quả nhanh chóng nhờ khả năng tác động tức thời đến các chủ thể gửi tiền trong nền kinh tế, loại bỏ được hạn chế khi giới hạn dưới bằng 0 (ZLB) và mở rộng biên độ cho lãi suất chính sách, cho phép NHTW dễ dàng thực hiện chính sách lãi suất âm trong trường hợp nền kinh tế rơi vào suy thoái. Với khả năng độc đáo này, lãi suất CBDC có thể trở thành công cụ chính của CSTT (Levin và Bordo, 2017; Rashid và Agabekian, 2022). NHTW có thể không cần phải triển khai các công cụ tiền tệ thay thế như nới lỏng định lượng hoặc trông chờ vào các biện pháp can thiệp tài khóa nhằm khôi phục sự ổn định giá cả. Khi đó, CSTT có thể được NHTW thực hiện thông qua lãi suất như một kênh chính yếu để đạt được mục tiêu kinh tế mà không cần phải lo ngại về ZLB cũng như hiệu quả tác động của nó.

- CBDC có thể đóng vai trò thay đổi công cuộc điều hành CSTT theo hướng lập trình hóa và mang lại hiệu quả tức thời.


Theo Sinelnikova - Muryleva (2020), CBDC nếu được thiết kế phù hợp sẽ có tiềm năng trở thành một công cụ hiệu quả mới của cơ quan quản lí tiền tệ. Đồng tình với quan điểm trên, Lee và cộng sự (2020) cũng cho rằng, thiết kế của CBDC cho phép NHTW quản lí được tiến trình vận hành của nó, tập trung nhiều hơn vào việc giám sát và kiểm soát mà không phải chịu toàn bộ gánh nặng hay áp lực do rủi ro tập trung vượt mức. Vì vậy, việc chuyển từ tiền mặt truyền thống sang tiền số thông qua phát hành CBDC sẽ giúp mang lại hiệu quả trong việc thực thi CSTT đối với các NHTW.

Đối với CBDC, lượng tiền cung ứng cho NHTM sẽ được lập trình kích hoạt khi hồ sơ vay của các khách hàng từ NHTM đáp ứng các tiêu chí dự ước (được NHTW thiết kế theo từng đợt của chính sách) mang lại tính khả thi rất cao đối với cơ chế đấu thầu tín dụng theo đề xuất của Stiglitz (2017).

Ở mức độ lí tưởng hơn, các mô hình về điều kiện cũng như các điều chỉnh/phản ứng chính sách tương ứng của NHTW còn có thể được thiết kế và lập trình trước trên hệ thống CBDC và cho phép tự động được kích hoạt khi các thông tin phản hồi thu thập từ thị trường đáp ứng các điều kiện của mô hình.

CBDC sẽ giúp cho các mục tiêu trung gian của CSTT trở nên dễ kiểm soát và đáng tin cậy hơn, đồng thời mang lại tác động tích cực đến mục tiêu cuối cùng của CSTT thông qua việc truyền tải thông suốt các kênh CSTT. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu về CBDC, phát huy hết vai trò tích cực của CBDC trong bối cảnh hiện nay và qua đó giúp nâng cao hiệu quả của CSTT.

2. Những thách thức sẽ gặp phải khi triển khai CBDC tại Việt Nam

Để có thể phát hành CBDC, một quốc gia cần phải đáp ứng hai điều kiện chính, đó là phải có một nền tảng công nghệ Blockchain vững mạnh và một nền tài chính toàn diện (Kha Hoàng, 2023). Mặc dù, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể ở cả hai lĩnh vực trên trong những năm qua, mở ra cơ hội cho CBDC, tuy nhiên, việc phát hành CBDC khó tránh khỏi những thách thức cần vượt qua để đạt được mục tiêu và hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu phát triển của loại tiền mới này.

Thứ nhất, việc thay thế hoàn toàn tiền giấy bằng CBDC là rất khó khăn và cần có thời gian để thực hiện. Vì vậy, có thể CBDC và tiền giấy sẽ tồn tại song song với nhau trong một giai đoạn nhất định. Một trong những nguyên nhân của khó khăn trong triển khai CBDC trên diện rộng là do mức độ tài chính toàn diện ở Việt Nam còn đang ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Theo khảo sát của tổ chức Principal Financial Services Inc1. (2022) về chỉ số tài chính toàn diện (FI Score) năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 trên 42 quốc gia được khảo sát với FI Score là 41,25 và đứng cuối trong nhóm các nước châu Á.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (2022) cho thấy, hơn 60% dân số Việt Nam đang sinh sống tại các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại tại các khu vực này vẫn còn hạn chế. Theo Nguyễn Thị Thu Hoài (2020), mặc dù hệ thống các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã được mở rộng theo hướng bảo đảm tính bao phủ, nhưng tỉ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ tài chính vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng phát triển của cả nước. Ngoài ra, mức độ tiếp cận với dịch vụ tài chính ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của các nước trên thế giới. Nghiên cứu của Nguyễn Đặng Hải Yến (2021) cũng cho rằng, chỉ số tài chính toàn diện của Việt Nam được cải thiện trong thời gian qua, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn ở nhóm trung bình trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận và triển khai dạng công nghệ mới như CBDC đến phần đông nhóm đối tượng người dân đang sinh sống tại khu vực nông thôn.

Thứ hai, sự thành công của việc phát hành CBDC phụ thuộc vào khả năng thiết kế và lập trình của nhà phát triển cũng như tính an toàn của hệ thống. Vì CBDC được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain, do đó, một lỗi nhỏ trong quá trình phát hành có thể tạo ra những lỗ hổng lớn, đặc biệt là khi CBDC sẽ được sử dụng để thay thế cho tiền mặt truyền thống. Việc này có thể gây ra những hậu quả không lường trước được và cần phải đảm bảo tính bảo mật tối đa khi triển khai. Trong nghiên cứu của Náez Alonso, Echarte Fernández và cộng sự (2020) về lí do các quốc gia từ chối chưa phát hành CBDC, một trong những lí do được rất nhiều nước đưa ra là “Thử nghiệm hỏng/Cần thêm về độ bảo mật hoặc cần điều tra thêm”.

Thứ ba, vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Chính phủ đang đối mặt khi triển khai CBDC là cân bằng giữa việc bảo vệ quyền riêng tư của người dân và sự minh bạch cần thiết trong các giao dịch liên quan đến CBDC. Để làm được điều này, cần phải đưa ra các biện pháp bảo mật hiệu quả để đảm bảo tính riêng tư và an toàn của dữ liệu cá nhân, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm của các bên tham gia trong các giao dịch CBDC. Việc cân bằng này rất quan trọng để góp phần xây dựng nền tài chính kĩ thuật số an toàn và hiệu quả.

Thứ tư, đối với hệ thống ngân hàng trung gian, một trong những thách thức lớn là sự suy giảm vai trò trung gian của NHTM khi CBDC được phát hành và sử dụng rộng rãi trong mọi người dân. Việc cho phép người gửi tiền rút CBDC theo nhu cầu có thể gây ra những tác động đáng kể đối với thanh khoản và tài trợ của ngân hàng. Điều này là do khi chuyển từ tiền gửi truyền thống sang CBDC, Broadbent (2016) cho rằng, các NHTM sẽ mất cả tiền gửi và CBDC. Nếu NHTM không có nguồn tiền từ các khách hàng khác để bù đắp, các khoản tiền gửi của NHTM sẽ giảm và có thể dẫn đến điều chỉnh quy mô bảng cân đối tài sản. Tình trạng này có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định và bền vững của các mô hình kinh doanh ngân hàng hiện tại. NHNN sẽ cần cân nhắc đến viễn cảnh nêu trên cũng như tính sẵn sàng của các NHTM trong cung ứng các phương tiện thanh toán điện tử. Những rủi ro này đã được nhấn mạnh trong các nghiên cứu về CBDC của Broadbent (2016) và Carney (2018). Đó cũng là thách thức lớn đối với tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai CBDC tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đề xuất triển khai áp dụng CBDC nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường hiệu quả CSTT tại Việt Nam

Trên cơ sở phân tích về tác động của CBDC và những thách thức đối với triển khai thực tiễn tại Việt Nam, bài viết nêu ra một số khuyến nghị chính sách cho quá trình phát hành và quản lí CBDC tại Việt Nam đạt được mục tiêu và hiệu quả cần thiết như sau:

Một là, cần đẩy nhanh hơn quá trình hoàn thiện hệ thống pháp lí, tạo cơ sở cho việc quản lí và vận hành CBDC tại Việt Nam. Hiện tại, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa công nhận các loại tiền ảo hay tiền mã hóa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát hành CBDC là xu hướng tất yếu, chính vì vậy, NHNN là đầu mối để hoàn thiện khung pháp lí nhằm đưa ra các quan điểm chính thống và lộ trình của Việt Nam đối với CBDC. Việc tham khảo các quy định về tiền mã hóa cũng rất cần thiết cho quá trình xây dựng và ban hành các quy định về CBDC. Tháng 5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua và đạt được thỏa thuận chung về bộ quy tắc trong Đạo luật Thị trường tiền điện tử (MiCA) giúp EU thiết lập được một khung pháp lí thống nhất và trở thành khu vực tài phán lớn đầu tiên trên thế giới có chương trình cấp phép tiền điện tử. Ngay sau đó, Hồng Kông cũng ban hành các quy định hợp pháp hóa giao dịch tiền điện tử kể từ ngày 01/6/2023 với mục tiêu trở thành một trung tâm tiền điện tử tại khu vực châu Á. Mặc dù các quy định trên áp dụng cho đối tượng tiền mã hóa và các loại tài sản mã hóa, song, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lí về quản lí CBDC của mình.

Một trong những biện pháp để thúc đẩy quá trình này là NHNN có thể xem xét áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát cho CBDC, tương tự như đã từng áp dụng đối với tiền di động. Khung thử nghiệm sẽ giúp đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu phát triển CBDC và tạo tiền đề nền tảng để triển khai CBDC tại Việt Nam. Có được một khung pháp lí chặt chẽ, rõ ràng ngay từ ban đầu sẽ giúp cho công tác triển khai CBDC được diễn ra linh hoạt, hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và kinh tế đất nước.

Hai là, trong quá trình triển khai CBDC tại Việt Nam, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật số quốc gia là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính tương thích và bảo mật của hệ thống. Điều này đòi hỏi các hệ thống hạ tầng kĩ thuật số cần phải được đầu tư và phát triển để đáp ứng yêu cầu phức tạp của CBDC, cùng với đó là các yêu cầu cần thiết về tính bảo mật của CBDC. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, đơn vị thanh toán và các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng tốt hơn với các yêu cầu tương thích của CBDC. Việc nâng cấp hạ tầng kĩ thuật số và công nghệ thông tin sẽ giúp tăng cường tính bảo mật, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính ổn định cho hệ thống CBDC.

Như vậy, việc triển khai CBDC tại Việt Nam đòi hỏi những cải tiến, phát triển trong cơ sở hạ tầng kĩ thuật số và công nghệ thông tin ở cấp độ toàn hệ thống. Thiết nghĩ, quá trình này không chỉ dựa vào nguồn lực nội tại mà còn cần đến sự hỗ trợ và hợp tác sâu rộng với nhiều tổ chức, đối tác chuyên nghiệp trên toàn cầu.

Một trong những kinh nghiệm có thể học hỏi để nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn của CBDC là Chương trình triển khai thí điểm đồng Đô la Hồng Kông kĩ thuật số (e-HKD) của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA). Họ đã hợp tác với một nhóm 16 công ty, tổ chức được tuyển chọn từ các lĩnh vực tài chính, thanh toán và công nghệ (HKMA, 2023; Phillips, 2023) với đại diện nổi bật là Ripple - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán tiền mã hóa và tài sản được token hóa. Ripple trước đây đã có kinh nghiệm hợp tác trong nhiều dự án thí điểm CBDC tại Anh, châu Âu, Mỹ... Bằng cách tích hợp với hệ thống công nghệ hiện đại của Ripple (XRP) nói riêng và nhóm các tổ chức được tuyển chọn nói chung, Hồng Kông có thể xây dựng được một nền tảng CBDC mạnh mẽ, chuyên nghiệp, hoàn toàn sẵn sàng cho quá trình triển khai e-HKD trong thời gian tới đây.

Bên cạnh các đối tác về công nghệ thanh toán, NHNN cần tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế; các quốc gia đã và đang triển khai thí điểm CBDC. Bởi CBDC là một vấn đề liên quan đến cả hệ thống thanh toán và tài chính đa quốc gia, cho nên việc hợp tác này là rất cần thiết để đảm bảo tính liên thông và đồng nhất khung pháp lí, nền tảng công nghệ và tiêu chuẩn kĩ thuật của CBDC trên phạm vi toàn cầu.

Nhìn chung, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật số đặt trong bối cảnh kết nối mang tính toàn cầu hóa là một đòi hỏi không hề đơn giản đối với NHNN, tuy nhiên nếu thực hiện được sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với người dân và kinh tế đất nước trong tương lai, đồng thời giúp Việt Nam tiến thêm một bước trong đà phát triển của nền kinh tế số.

Ba là, để đảm bảo thành công cho việc phát hành CBDC, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là yếu tố quan trọng nhất. Nguồn nhân lực giỏi sẽ giúp đảm bảo cho quá trình hợp tác, nghiên cứu và phát hành CBDC được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống CBDC, NHNN cần lập kế hoạch xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này, cùng với đó là các chương trình quốc gia về phổ cập kiến thức tài chính để nâng cao nhận thức và kiến thức cho toàn dân về tiền tệ số và CBDC.

Bốn là, vị trí của các NHTM sẽ có nhiều thay đổi khi hệ thống CBDC được đưa vào áp dụng. Các NHTM vẫn giữ vai trò chính là trung gian cho việc thực thi CSTT của NHNN thông qua việc tái phân phối cung tiền và điều tiết lãi suất tín dụng đối với CBDC trong nền kinh tế. Tuy vậy, các NHTM sẽ phải phân bổ lại nguồn lực, tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đối diện với các thách thức của nền tài chính số tự do và minh bạch nhằm có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Trong hệ thống CBDC, các NHTM có thể đóng vai trò là nút mạng chính (core node) của hệ thống Blockchain, tiến hành bỏ phiếu đồng thuận/bác bỏ các chính sách hoặc quy định của hệ thống, xác thực các giao dịch và nhận được thù lao cho quá trình tham gia của mình. Bên cạnh đó, các NHTM sẽ tham gia vào quá trình vận hành và nâng cấp hệ thống CBDC dựa trên cơ chế biểu quyết đồng thuận nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng cao của các cá nhân, tổ chức trên toàn lãnh thổ.

Đối với nhiệm vụ thúc đẩy tài chính toàn diện, NHTM sẽ đóng vai trò là cánh tay nối dài của NHNN để triển khai các dịch vụ tài chính hiện đại đối với CBDC đến mọi người dân, nhất là những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Các NHTM cũng sẽ nhận được những kết quả hoạt động tương ứng với kết quả thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua hệ thống CBDC đã được thiết lập và giám sát quá trình thực thi theo thời gian thực. Bằng cách như vậy, cơ chế thúc đẩy các NHTM thực hiện nhiệm vụ nâng cao nền tài chính toàn diện của quốc gia sẽ được áp dụng một cách hiệu quả và mang đến những bước tiến vượt bậc.

Năm là, cùng với quá trình chuẩn bị về mặt pháp lí, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... việc lựa chọn đối tượng triển khai từ ban đầu cũng cần cân nhắc thận trọng. Theo những phân tích và đúc rút từ quá trình giải quyết các câu hỏi nghiên cứu nêu ra, nhóm nghiên cứu đề xuất NHNN nên áp dụng cơ chế thử nghiệm CBDC bán buôn trong giai đoạn đầu với công nghệ sổ cái phân tán. Đây là giải pháp hợp lí, phù hợp với thực tế của Việt Nam trong quá trình phát triển CBDC. Việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán giúp tối ưu hóa tính bảo mật và đảm bảo tính ổn định cho hệ thống CBDC. Triển khai CBDC bán buôn cho phép việc hoàn thiện hệ thống được diễn ra dần dần và kiểm soát được rủi ro có thể xảy ra trong quá trình triển khai. Đồng thời, việc thí điểm CBDC bán buôn còn giúp NHNN đánh giá được hiệu quả của hệ thống CBDC trên thực tế, qua đó có thể đưa ra những điều chỉnh và cải tiến phù hợp. Sau giai đoạn thí điểm, CBDC bán buôn nên sớm được triển khai trong vòng 2 - 3 năm nhằm tăng cường khả năng thanh toán xuyên quốc gia, tận dụng những lợi thế khi sớm tham gia hệ thống thanh toán đa phương bằng CBDC. Mặt khác đó cũng là một cách gửi tín hiệu đến thị trường tiền tệ trong nước nhằm chuẩn bị các bước sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi (sang CBDC) khi cần thiết.

Ở mặt còn lại, quá trình triển khai CBDC bán lẻ cần được tiến hành thận trọng theo thời điểm phù hợp dựa vào tình hình phát triển của nền kinh tế, các xu thế đổi mới công nghệ thanh toán và nhất là niềm tin của người dân vào đồng tiền số của quốc gia. NHNN cũng cần hoạch định chiến lược triển khai CBDC bán lẻ gắn với mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện song song với hiệu quả của CSTT. Đây có thể là một chiến lược lâu dài với sự hỗ trợ và phối hợp của nhiều bên nhằm đưa CBDC vào sâu trong mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương kèm theo các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy sử dụng loại tiền mới và tăng cường giáo dục về tài chính số.

Tóm lại, để triển khai thành công CBDC tại Việt Nam, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan nhằm xây dựng khung pháp lí hoàn chỉnh, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo tính tương thích và bảo mật, cùng với kế hoạch triển khai thử nghiệm loại CBDC phù hợp. Quan trọng hơn cả là cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng chuyên môn và tập trung vào những nhóm đối tượng phù hợp ngay từ ban đầu nhằm đảm bảo cho quá trình triển khai CBDC diễn ra đúng theo lộ trình dựa trên sự tham vấn và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm triển khai từ các quốc gia khác. CBDC sẽ thổi luồng sinh khí mới vào hệ thống tài chính quốc gia, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và thực thi hiệu quả CSTT tại Việt Nam, góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững trong tương lai không xa.

1 Principal Financial Services Inc. thuộc tập đoàn đầu tư tài chính Principal Financial Group của Mỹ, thành lập từ năm 1879, là thành viên của FORTUNE 500® và SIPC (Securities Investor Protection Corporation).

Tài liệu tham khảo:

1. Auer, R., Banka, H., Boakye-Adjei, N. Y., Faragallah, A., Frost, J., Natarajan, H., & Prenio, J. (2022). Central bank digital currencies: A new tool in the financial inclusion toolkit? https://www.bis.org/fsi/publ/insights41.htm

2. Chu Tuệ Anh (2021). Tác động của xu hướng phát triển tiền kĩ thuật số của NHTW các nước đến hệ thống tài chính Việt Nam. https://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-xu-huong-phat-trien-tien-ky-thuat-so-cua-ngan-hang-trung-uong-cac-nuoc-den-he-thong-tai.htm

3. Kha Hoàng (2023). Tiền điện tử do NHTW phát hành “CBDC”: Cơ hội và thách thức cho việc phát triển chính sách ở Việt Nam. Lexology. https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=950718e9-23a9-4612-996d-5ba15da256ed

4. Hoàng Công Gia Khánh và cộng sự (2021). Ngân hàng số từ đổi mới đến cách mạng (tái bản lần thứ nhất). Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

5. John, K., Jihad, A., Sonja, D., Aquiles, F., Ashraf, K., Tanai, K., Majid, M., Hunter, M., Nobu, S., Hervé, T., & Peter, Z. (2020). A Survey of Research on Retail Central Bank Digital Currency. IMF.

6. Lee, D. K. C., Yan, L., & Wang, Y. (2020). A Global Perspective on Central Bank Digital Currency (SSRN Scholarly Paper 3770537). https://papers.ssrn.com/abstract=3770537

7. Levin, A., & Bordo, M. (2017). Central bank digital currency and the future of monetary policy. CEPR. https://cepr.org/voxeu/columns/central-bank-digital-currency-and-future-monetary-policy

8. Lê Đạt Chí, Trương Trung Tài, Nguyễn Triều Đông (2021). Tiền tệ kĩ thuật số và hệ thống tiền tệ toàn cầu thế hệ mới. https://digital.lib.ueh.edu.vn/viewer/simple_document.php?subfolder

9. Náez Alonso, S. L., Echarte Fernández, M. Á., Sanz Bas, D., & Kaczmarek, J. (2020). Reasons Fostering or Discouraging the Implementation of Central Bank-Backed Digital Currency: A Review. Economies, 8(2), Article 2. https://doi.org/10.3390/economies8020041

10. Nguyễn Kim Anh (2022). “Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện sau 2 năm nhìn lại. https://thitruongtaichinhtiente.vn/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-muc-tieu-cua-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-sau-2-nam-nhin-lai-39060.html

11. Nguyễn Thị Thu Hoài (2020). Phát triển tài chính toàn diện và giải pháp cho Việt Nam trong bối cảnh mới. https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-tai-chinh-toan-dien-va-giai-phap-cho-viet-nam-trong-boi-canh-moi-328422.html

12. Trần Hùng Sơn, Hoàng Trung Nghĩa (2019). NHTW và tương lai của tiền kĩ thuật số, NC02. Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. https://ibt.uel.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/ibt/

13. Trương Thị Hoài Linh (2020). Quy định về quản lý tiền điện tử của một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng số 3, tháng 02/2020.


ThS. Nguyễn Đức Hiền (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương)

TS. Nguyễn Thế Bính (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho  Việt Nam

Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho Việt Nam

Xếp hạng tín nhiệm không phải là một thuật ngữ xa lạ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”

Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”

Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc năm 2023 xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu mà đã, đang và sẽ lan rộng sang khu vực châu Á, tạo ra những cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, xã hội.
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho  Việt Nam

Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho Việt Nam

Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và lĩnh vực tài chính trong những năm qua đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng và hệ thống tài chính trên toàn cầu.
Xem thêm
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3

Thông tư số 52/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 Quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đồng và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15

Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 06/11/2024 Về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024 - 2028

Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25/10/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đông Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài