Tóm tắt: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện là gánh nặng tài chính. Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức nhất định. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung: (i) Phân tích tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam;(ii) Đánh giá thực trạng áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; (iii) Đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Từ khóa: Khó khăn, doanh nghiệp, tài chính, Covid-19.
REMOVING DIFFICULTIES FOR BUSINESSES AFFECTED BY THE COVID-19 PANDEMIC IN TERMS OF FINANCIAL LEGISLATION
Abstract: In the face of the complex development of the Covid-19 pandemic, businesses have encountered many difficulties in survival and development, one of the biggest challenges that businesses are facing is the financial burden. Although Vietnamese Government has formulated and promulgated a number of policies and laws to provide timely support to enterprises in the face of the epidemic situation, this problem still exists some shortcomings, difficulties and challenges. Thereby, the focused article (i) analyzes the negative impact of the Covid-19 pandemic on Vietnamese enterprises, (ii) assesses the implementation of financial difficulties of enterprises in the context of Covid-19, (iii) thereby making a number of proposals to solve the difficulties of enterprises in finance in the context of the current Covid-19 pandemic.
Keywords: Difficulties, business, finance, Covid-19.
Đặt vấn đề
Covid-19 là một hiểm họa của thế giới, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người mà còn thử thách “sức đề kháng” của doanh nghiệp. Ngày 23/01/2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và hiện tại vẫn đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trước bối cảnh đại dịch hoành hành, các doanh nghiệp dường như đang phải bước vào cuộc chiến cân não với “bài toán tài chính” do chính thực tế tạo ra. Nếu hoàn thành tốt sẽ tiếp tục trụ vững và có triển vọng để vực dậy, ngược lại, nếu không giải đúng bài toán này thì doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản.
1. Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp tại Việt Nam
Kể từ khi xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người mà còn tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Hầu như các chủ thể trong xã hội đều chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và một trong số đó là cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực mãnh mẽ đến quá trình hoạt động, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện cụ thể qua các khía cạnh sau:
Một là, một số doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Trước sự nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng, chống dịch1. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa. Như vậy, tại thời điểm cao điểm, một số công ty kinh doanh dịch vụ như du lịch, vận tải, làm đẹp, karaoke… đều phải tạm ngưng hoạt động. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp. Theo Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam, với 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” 2. Trong đó, chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 03 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung. Mặt khác, việc tạm đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp cũng dẫn đến hệ quả là sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu của các doanh nghiệp này. Một số doanh nghiệp tuy không phải tạm dừng hoạt động kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cũng đã chọn cách rút lui khỏi thị trường bằng việc tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc giải thể.
Hai là, đại dịch Covid-19 đã kéo theo hàng loạt gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp. Các gánh nặng về tài chính doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh hiện nay gồm: Chi phí thuê mặt bằng, chi phí thanh toán lương và chế độ cho người lao động, công nợ và các khoản vay quá hạn… Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng trụ sở thuê, các hợp đồng thuê này thường có thời hạn dài 01 năm, 02 năm thậm chí là 05 đến 10 năm và doanh nghiệp thường sẽ phải đặt cọc một khoản tiền hoặc thanh toán trước chi phí thuê trong vài tháng. Tuy nhiên, sự tác động của dịch Covid-19 hầu như không loại trừ bất cứ chủ thể nào của nền kinh tế, do đó, doanh nghiệp khó có thể đi đến một thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê hay giảm chi phí thuê bởi cả doanh nghiệp và bên cho thuê đều đang trong tình trạng khó khăn như nhau. Do vậy, doanh nghiệp đứng trước hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nếu chấm dứt hợp đồng thuê thì phải đối diện với việc mất trắng tiền đặt cọc, tiền thuê đã thanh toán trước, bồi thường hợp đồng, nhưng nếu không chấm dứt hợp đồng thuê thì không thể gồng gánh nổi chi phí. Một trong số những vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” là giải quyết việc làm và lương, chế độ cho người lao động. Các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh buộc phải cho người lao động nghỉ việc, tuy nhiên phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc phải tạm ngưng các hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch dẫn đến các doanh nghiệp không tạo ra doanh thu trong khi phải giải quyết rất nhiều chi phí, nguồn tiền dự trữ của họ đôi khi không đủ để thanh toán lương và chế độ cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp được phép kinh doanh, để giảm thiểu gánh nặng khi kinh doanh không đạt hiệu quả nhưng vẫn phải chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì điều tiên quyết là phải có phương án cắt giảm chi phí, trong đó bao gồm việc cắt giảm người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hoặc cắt giảm các chi phí liên quan đến lương, thưởng. Tuy nhiên, việc cắt giảm lao động và giảm lương cần phải tuân thủ quy định pháp luật. Doanh nghiệp lúc này vừa gặp khó khăn trong việc “đối ngoại” là phải tìm cách để duy trì hoạt động, vừa khó khăn trong “đối nội” khi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề trong nội bộ công ty. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các chủ nợ, đối tác hay ngân hàng có tâm lý dè chừng về khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Ba là, nguồn cung nguyên liệu sản xuất khan hiếm; xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Đối với một số ngành nghề như sản xuất ô tô, điện tử, dệt may nguyên liệu thường được nhập khẩu từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, để đảm bảo an toàn cho quốc gia mình, một số quốc gia chọn cách đóng cửa, các đường bay quốc tế và vận chuyển đường biển rất hạn chế, do đó việc xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Từ đó dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề này gặp rất nhiều khó khăn vì không có nguyên liệu để sản xuất, đồng thời, việc xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều thách thức không kém.
2. Thực trạng áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Trước những tác động do dịch Covid-19 gây ra, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, nhất là về tài chính. Do đó, để đối mặt với hiện tại và ứng phó với tương lai khi dịch bệnh chưa biết thời gian dừng lại, các doanh nghiệp cần phải tự mình có các phương án hoặc tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian qua, một số biện pháp mà các doanh nghiệp thường thực hiện để tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính gồm:
Một là, thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả đã chọn phương án làm thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong một thời gian nhất định để giảm các chi phí về thuế, hóa đơn. Một số doanh nghiệp khác từ chỗ chịu đựng đang dần chuyển sang thích nghi với hoàn cảnh. Thay vì ngưng trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như thời điểm đại dịch mới xảy ra, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận ra đại dịch không thể kết thúc sớm, xác định cần linh hoạt thay đổi để thích nghi và tồn tại. Có doanh nghiệp chọn phương án tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy theo hướng sáp nhập hoặc loại bỏ các phòng ban không cần thiết, từ đó xây dựng phương án sử dụng lao động phù hợp với tình trạng của doanh nghiệp bằng cách cho người lao động nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu hoặc chuyển người lao động sang làm công việc khác với mức lương tối thiểu bằng 85% mức lương ở công việc cũ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chuyển hình thức làm việc từ trực tiếp sang làm việc online tại nhà (work from home - WFH) và thỏa thuận về mức lương khi WFH hay thỏa thuận về việc chậm thanh toán lương. Các phương án này có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí tiền lương, chi phí hoạt động.
Việc cắt giảm chi phí thuê mặt bằng cũng được các doanh nghiệp áp dụng như thỏa thuận giảm chi phí thuê mặt bằng hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng bằng việc viện dẫn sự kiện “bất khả kháng” là dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thỏa thuận này không hề dễ dàng bởi cả bên cho thuê và bên thuê đều có những khó khăn nhất định về tài chính trong thời điểm này. Hơn thế, chưa có văn bản nào xem xét dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng nên nếu trong Hợp đồng thuê mặt bằng các bên không thỏa thuận điều khoản này thì rất khó để áp dụng, thậm chí cần phải nhờ đến việc xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, khi xét theo quy định của Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì dịch Covid-19 hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bất khả kháng, bởi đây là sự kiện khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, nên cần mặc nhiên xem đây là một sự kiện bất khả kháng để thỏa thuận việc chấm dứt Hợp đồng thuê mặt bằng.
Hai là, doanh nghiệp tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, bảo hiểm xã hội trong dịch Covid-19. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong đó quan trọng nhất là triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, bao gồm các nhiệm vụ và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (được hướng dẫn bởi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có những văn bản cụ thể về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có thể kể đến các gói hỗ trợ lớn như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng3. Tuy nhiên, chỉ mới có một số ít doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách này, còn lại số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa tiếp cận được. Theo khảo sát của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có hơn 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách này4. Đánh giá về chính sách hỗ trợ Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đến ngày 27/5/2021, gói hỗ trợ tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ đồng, tương đương 36,5% quy mô gói (35.880 tỷ đồng). Tương tự, mới có 245 doanh nghiệp được vay để trả lương cho người lao động nghỉ việc do Covid-19 thông qua gói vay 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng, tức là gói hỗ trợ này mới giải ngân được 0,26%. Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng hiện cũng mới giải ngân được trên 12%, theo đó, 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng được thụ hưởng từ gói này. Theo thống kê, 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng chỉ 2% số này được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước5. Nguyên nhân dẫn đến việc thực thi chưa hiệu quả các chính sách này là do thủ tục còn khá rườm rà, các địa phương áp dụng không thống nhất các nội dung chỉ đạo, một số doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ.
Đối diện với đợt dịch bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các chính sách này có tiến bộ và phù hợp với thực tiễn hơn các chính sách trước đó theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 (được hướng dẫn bởi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020; sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020; sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020). Theo đó, để được hưởng chính sách về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng khi giảm 15% người lao động tham gia bảo hiểm trở lên thay vì 50% hay 20% như trước; đối với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất thì không còn quy định điều kiện về tỷ lệ giảm doanh thu so với quý trước (trước đó doanh nghiệp chỉ được vay để trả lương ngừng việc chứ không được vay để trả lương phục hồi sản xuất và phải đảm bảo điều kiện giảm 20% doanh thu trở lên so với quý trước thì mới được vay vốn6. Cũng theo hướng dẫn tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đã có hướng dẫn về thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là không quá 07 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp7. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, do đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tính đến ngày 31/12/2021, NHCSXH đã thực hiện giải ngân cho 2.474 lượt người sử dụng lao động với số tiền 2.316 tỷ đồng để trả lương cho 603.050 lượt người lao động.
Mới đây nhất, ngày 11/01/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng; hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác) là một sự kiện chưa từng có và lớn nhất trong chuỗi các gói hỗ trợ phục hồi và kích thích phát triển kinh tế trong suốt thời gian chống dịch Covid-19 từ trước đến nay, kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vực dậy và phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và không xác định được thời điểm kết thúc, do đó, việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp cần được ưu tiên áp dụng một cách nhanh chóng, kịp thời. Hiện tại, đa số các giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện đều có kết quả nhất định, các chính sách của Chính phủ cũng được đánh giá là phù hợp và được sự ủng hộ của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai các chính sách này trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc. Nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất để việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội, góp phần tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, cụ thể:
Một là, cần triển khai, hướng dẫn cụ thể về các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ để các cơ quan, ban, ngành có cách hiểu thống nhất, tránh cách hiểu mang tính địa phương, cục bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ xin hỗ trợ.
Hai là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện rà soát lại quy định của pháp luật để đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và báo cáo kết quả thực hiện chính sách, bởi điều doanh nghiệp cần là các quy định phù hợp, kịp thời nhưng phải thực thi hiệu quả, chứ không phải là quy định “trên giấy” và phải đáp ứng được tính hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Trên thực tế, có nhiều trường hợp khi doanh nghiệp đã vực dậy thì tiền hỗ trợ mới tới tay, điều này không đáp ứng nguyên tắc “Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”8 hay “Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện…”9.
Ba là, cần thiết phải có những thay đổi về các điều kiện của chính sách nhằm mở rộng phạm vi đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ bởi dù ít hay nhiều thì các doanh nghiệp đều bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Do đó, có thể đưa ra các điều kiện tương ứng với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp để làm căn cứ xem xét đưa doanh nghiệp vào diện được hỗ trợ. Điều này một mặt có thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mặc khác tạo niềm tin cho doanh nghiệp về sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước và hứa hẹn về sự cống hiến của doanh nghiệp trong tương lai cho nền kinh tế.
Kết luận
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Điều này đã gây ra không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp về nhiều mặt, trong đó có vấn đề về tài chính. Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành một số chính sách, pháp luật cụ thể để hỗ trợ về mặt tài chính cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết được các khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức, bất cập trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật hỗ trợ về mặt tài chính cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về mặt tài chính để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
1Mục 1 Chỉ thị số15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
5Anh Minh (2021), “Gói hỗ trợ Covid-19 chưa 'chạm' tới đối tượng dễ bị tổn thương”, VNvneExpress, truy cập ngày 26/11/2021,<https://vnexpress.net/goi-ho-tro-covid-19-chua-cham-toi-doi-tuong-de-bi-ton-thuong 4294503.html>.
6 Điểm b mục 1 Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
7 Khoản 4, 5 Điều 41 Quyết định số 23/2021/QĐ-Tg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
8 Điểm 2a Mục I Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
9Điểm 2c Mục I Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tài liệu tham khảo
1. Anh Minh (2021), “Gói hỗ trợ Covid-19 chưa “chạm” tới đối tượng dễ bị tổn thương”, VnExpress, truy cập ngày 26/11/2021, <
https://vnexpress.net/goi-ho-tro-covid-19-chua-cham-toi-doi-tuong-de-bi-ton-thuong-4294503.html>
2. Thu Trang (2021), “Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, Tin tức thông tấn xã Việt Nam, truy cập ngày 26/11/2021, <
https://baotintuc.vn/kinh-te/gan-90-doanh-nghiep-tai-viet-nam-bi-anh-huong-boi-dich-benh-covid19-20210312100553768.htm>
3. Huy Thắng (2020), “Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, xóa khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, Báo điện tử Chính phủ, truy cập ngày 26/11/2021, <
http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Ho-tro-DN-bi-anh-huong-do-dich-Covid-19 -xoa-khoang-cach-tu-chinh-sach-den-thuc-thi/416438.vgp>
4. Thanh Thanh (2021), “Doanh nghiệp khó khăn do Covid-19: Đề xuất nào cho gói hỗ trợ tiếp theo?”, Pháp luật Việt Nam, truy cập ngày 26/11/2021, <
https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-kho-khan-do-covid-19-de-xuat-nao-cho-goi-ho-tro-tiep-theo-post367250.html>
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Hòa giải viên thương mại, Trung tâm Trọng tài Thương mại Phía Nam (STAC)
LS. Nguyễn Cảnh Trường
Phó Giám đốc, Công ty Luật TNHH Đức và Thương