Keywords: State investment credit, Government-guaranteed bonds, VDB.
1. Giới thiệu
Tín dụng đầu tư là một hình thức hỗ trợ vốn của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn để đầu tư vào các dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Đặc trưng của loại hình tín dụng này là thường hàm chứa một số ưu đãi của Nhà nước dành cho bên vay vốn, trong đó nổi bật là ưu đãi về thời hạn và lãi suất cho vay.
Để có thể duy trì được đặc tính ưu đãi nói trên, Chính phủ tạo điều kiện cho tổ chức thực thi chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được sử dụng những nguồn vốn có đặc điểm phù hợp về kì hạn và chi phí, mà trong đó, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thường được ưu tiên sử dụng xuất phát từ những ưu thế vốn có của nó, đặc biệt là ưu thế về chi phí huy động do có mức độ rủi ro thấp.
Trong bối cảnh hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang được triển khai mạnh mẽ nhằm hoàn thành mục tiêu về kinh tế - xã hội theo các chiến lược và kế hoạch phát triển đã được đặt ra, việc mở rộng quy mô tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho nền kinh tế là rất cần thiết. Và cũng bắt nguồn từ sự cần thiết đó, nguồn vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cần được nghiên cứu để huy động với các điều kiện phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu về cung ứng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với nền kinh tế.
2. Khung khổ pháp lí về tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
Theo chính sách về tín dụng đầu tư của Nhà nước được Chính phủ ban hành qua các thời kì, loại hình tín dụng này được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn huy động từ phát hành được Chính phủ bảo lãnh. Đây là loại trái phiếu có kì hạn 01 năm trở lên, do cơ quan thực thi chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước là VDB1 phát hành và được Chính phủ bảo lãnh thanh toán. Mức bảo lãnh thanh toán tối đa trước đây được quy định tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 của Chính phủ là 100% giá trị gốc, lãi trái phiếu phát hành theo đề án phát hành trái phiếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do VDB phát hành tối đa là 100% hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Để được phát hành loại trái phiếu này, VDB phải gửi văn bản đề xuất cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính với các nội dung chính: Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm kế hoạch; nhu cầu huy động và sử dụng vốn thực hiện chương trình tín dụng đầu tư của Nhà nước năm kế hoạch, trong đó bao gồm nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; dự kiến nhu cầu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm kế hoạch. Cùng với đó, VDB cũng phải xây dựng đề án phát hành trái phiếu, trong đó bao gồm các nội dung cơ bản như: Dự kiến khối lượng, kì hạn, lãi suất, phương thức phát hành trái phiếu, kế hoạch phát hành trái phiếu, phương án sử dụng và quản lí nguồn vốn phát hành trái phiếu, phương án bố trí nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn...
Đề án phát hành trái phiếu của VDB phải được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho VDB để tổ chức phát hành trái phiếu theo đề án đã được phê duyệt. Việc phát hành trái phiếu phải dựa trên tiến độ thực hiện và giải ngân của chương trình, dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Tình hình tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong thời gian qua
Với khung khổ pháp lí được quy định như mô tả ở phần trên của bài viết, trong những năm qua, VDB đã phát hành một lượng lớn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, VDB đã thực hiện hơn 50 đợt phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn. Khối lượng vốn mà VDB huy động từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong thời kì này lên đến 268.796 tỉ đồng với nhiều kì hạn khác nhau: 02 năm, 03 năm, 05 năm, 07 năm, 10 năm và 15 năm. (Hình 1)
Hình 1: Quy mô phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB
Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: Báo cáo phát hành trái phiếu hằng năm của VDB
Ngoại trừ năm 2022 không phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, còn lại năm ít nhất (2011), VDB cũng huy động được 3.605 tỉ đồng từ loại trái phiếu này, năm nhiều nhất (2013), số vốn mà VDB huy động từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh lên đến 40.000 tỉ đồng. Nếu tính riêng các năm 2010, 2021, số vốn mà VDB huy động từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh bình quân mỗi năm là 22.400 tỉ đồng. Còn nếu tính cả năm 2022 thì số vốn huy động được từ loại trái phiếu này bình quân mỗi năm cũng lên đến 20.677 tỉ đồng.
Với khối lượng phát hành lớn như trên, nguồn vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thời gian qua giữ vị trí rất quan trọng trong nguồn vốn huy động cũng như tổng nguồn vốn của VDB. Thống kê cho thấy, bình quân trong giai đoạn 2010 - 2022, tỉ trọng nguồn vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong nguồn vốn huy động và trong tổng nguồn vốn của VDB lần lượt là 87% và 40,9%. Đặc biệt, từ năm 2017 trở lại đây, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thường xuyên chiếm tỉ trọng rất cao trong nguồn vốn huy động của VDB, với mức phổ biến là trên 90%. (Hình 2)
Hình 2: Tỉ trọng nguồn vốn trái phiếu trong nguồn vốn của VDB
Nguồn: Tính toán từ báo cáo thường niên của VDB
Với tỉ trọng thường xuyên được duy trì ở mức cao trong tổng nguồn vốn nói chung và nguồn vốn huy động nói riêng của VDB, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu vốn để giải ngân cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với tỉ trọng được nâng cao dần trong tổng nguồn vốn huy động như trên, cơ cấu huy động trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB từ năm 2010 đến nay cũng thay đổi theo hướng tích cực với việc các loại trái phiếu có kì hạn dài (07 năm, 10 năm, 15 năm) chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu của VDB. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2016, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành chủ yếu là trái phiếu trung hạn (02 năm, 03 năm và 05 năm) với tỉ trọng chiếm đến 92,1% số vốn VDB huy động từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, còn trái phiếu có kì hạn dài chỉ chiếm 7,9%. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, tỉ trọng trái phiếu có kì hạn dài đã được nâng lên 83,8%, trong khi trái phiếu trung hạn chỉ còn chiếm 16,2% trong tổng giá trị trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành. Tỉ trọng các loại trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành từng năm được thể hiện trên Hình 3.
Hình 3: Cơ cấu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB
Nguồn: Tính toán từ báo cáo phát hành trái phiếu hằng năm của VDB
Sự thay đổi cơ cấu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo hướng nâng dần tỉ trọng trái phiếu có kì hạn dài như trên đã làm nguồn vốn của VDB ngày càng có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về thời hạn cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, bởi thời gian cho vay tối đa theo chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước là rất dài, có thể lên đến 15 năm (theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ và các nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước được ban hành trước đây) hoặc có thể dài hơn (theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 07/11/2023).
Bên cạnh ưu thế về khối lượng và kì hạn như trên, nguồn vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành trong thời gian qua cũng có lãi suất thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường. Thống kê cho thấy, trong các năm 2015 - 2018, lãi suất bình quân của trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do VDB phát hành hằng năm thường thấp hơn từ 0,44 điểm phần trăm đến 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất bình quân của tiền gửi kì hạn trên 24 tháng. Tuy nhiên, trong 03 năm tiếp theo, chênh lệch giữa hai loại lãi suất này vượt lên trên 3 điểm phần trăm, thậm chí năm 2021, khoảng cách chênh lệch đó đã lên đến gần 4 điểm phần trăm. Tính chung trong cả giai đoạn 2015 - 2021, khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi kì hạn trên 24 tháng và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đều tăng lên theo từng năm, từ 0,44 điểm phần trăm (năm 2015) lên 3,96 điểm phần trăm (năm 2021). (Hình 4)
Hình 4: Lãi suất phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB
Đơn vị: %
Nguồn: Báo cáo phát hành trái phiếu hằng năm của VDB
và Niên giám Thống kê giai đoạn 2015 - 2022
Với lãi suất phát hành thấp như trên, nguồn vốn tạo lập từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã làm giảm đáng kể chi phí huy động vốn của VDB hằng năm. Điều này có tác dụng tích cực trong việc làm giảm lãi suất cho vay của VDB, từ đó làm giảm gánh nặng chi phí lãi vay đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, việc huy động vốn với lãi suất thấp từ loại trái phiếu này còn góp phần làm giảm các khoản chi ngân sách nhà nước cho VDB, bởi theo quy chế quản lí tài chính thì VDB được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức cấp bù được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất hòa đồng các nguồn vốn với lãi suất cho vay và dư nợ vay (theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) hoặc trên cơ sở chênh lệch giữa tổng chi phí cho việc huy động vốn với tổng thu nhập từ việc sử dụng vốn khi thực hiện chính sách này (theo Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ).
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, việc huy động vốn cho hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thời gian qua cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn mà trong đó, đáng lưu ý là trái phiếu dài hạn vẫn chiếm tỉ trọng thấp trong tổng khối lượng trái phiếu mà VDB phát hành. Số liệu trên Hình 1 và Hình 3 cho thấy, từ năm 2017 trở lại đây, khối lượng trái phiếu dài hạn (7 năm, 10 năm, 15 năm) được phát hành mỗi năm đều lớn hơn so với trái phiếu trung hạn được phát hành cùng năm hoặc so với trái phiếu dài hạn được phát hành các năm trước đó. Tuy nhiên, nếu tính chung trong cả giai đoạn 2010 - 2021 thì khối lượng các loại trái phiếu dài hạn chỉ chiếm 32,7% tổng khối lượng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành, trong khi tỉ trọng tương ứng của trái phiếu trung hạn lại lên đến 67,3%. (Hình 5)
Hình 5: Cơ cấu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB
giai đoạn 2010 - 2021
Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: Tính toán từ báo cáo phát hành trái phiếu hằng năm của VDB
Với cơ cấu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tập trung phần lớn vào các loại trái phiếu có kì hạn không quá 05 năm, thời gian qua, VDB gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước bởi thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường rất dài, hầu như không có dự án nào có thời gian thu hồi vốn dưới 05 năm. Việc sử dụng phần lớn nguồn vốn được huy động từ phát hành trái phiếu trung hạn để cho vay dài hạn đã tạo ra áp lực rất lớn cho VDB trong việc thu xếp vốn và quản trị rủi ro để vừa đáp ứng yêu cầu về thời gian vay vốn của các dự án vừa đảm bảo khả năng thanh khoản của bản thân ngân hàng.
Cùng với sự hạn chế về quy mô và tỉ trọng các loại trái phiếu dài hạn như trên, bắt đầu từ năm 2017, việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB cũng được ràng buộc chặt chẽ hơn theo chủ trương và giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Chính phủ phải khống chế hạn mức bảo lãnh cho VDB tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm. Việc khống chế hạn mức bảo lãnh của Chính phủ đối với VDB xuất phát từ yêu cầu thực tế về tăng cường quản lí nợ công nhằm bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia, song cũng làm ảnh hưởng khả năng mở rộng quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với nền kinh tế trong trường hợp việc huy động các nguồn vốn khác gặp khó khăn. Ngoài ra, với khối lượng trái phiếu được phát hành không vượt quá nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm, VDB cũng mất đi cơ hội cơ cấu lại danh mục trái phiếu để giảm chi phí sử dụng vốn khi mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm xuống so với các thời điểm phát hành trái phiếu trước đó. Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua số liệu về lãi suất phát hành và tỉ lệ chi phí trả lãi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB hằng năm được thể hiện trên Hình 6.
Hình 6: Lãi suất phát hành và tỉ lệ chi phí trả lãi trái phiếu
được Chính phủ bảo lãnh của VDB giai đoạn 2010 - 2021
Nguồn: Tính toán từ báo cáo thường niên và báo cáo phát hành trái phiếu hằng năm của VDB
Số liệu trên Hình 6 cho thấy, trong các năm 2010 - 2012, lãi suất bình quân của trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB huy động hằng năm là khá cao nhưng VDB chỉ phải trả lãi trái phiếu với tỉ lệ thấp hơn lãi suất bình quân của trái phiếu phát hành trong năm. Sang giai đoạn 2013 - 2021, lãi suất này giảm dần theo từng năm xuống các mức thấp hơn, song tỉ lệ chi phí trả lãi trái phiếu tính trên số dư bình quân nguồn vốn trái phiếu hằng năm lại cao hơn lãi suất bình quân của các loại trái phiếu phát hành trong năm mà nguyên nhân là do VDB vẫn phải trả lãi cho các trái phiếu chưa đến hạn theo lãi suất phát hành của các năm trước đó.
Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018, VDB có thể cơ cấu lại danh mục trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (thông qua nghiệp vụ mua lại hoặc hoán đổi trái phiếu) để giảm bớt nghĩa vụ trả lãi theo phương án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, với hạn mức bảo lãnh Chính phủ như quy định tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, VDB chỉ có thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với khối lượng không vượt quá khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm. Điều này sẽ kéo dài thời gian cơ cấu lại danh mục trái phiếu và có thể làm mất đi cơ hội cắt giảm chi phí huy động vốn của VDB nếu mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng lên trước khi việc cơ cấu lại danh mục trái phiếu được hoàn thành. Hệ quả là lãi suất cho vay của VDB sẽ trở nên kém hấp dẫn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.
4. Một số vấn đề đặt ra trong tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước được xác định bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh kì hạn 05 năm do VDB phát hành trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất cộng tỉ lệ chi phí quản lí hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 15/5/2017) đến nay, không có thêm dự án nào được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định này do các cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định tỉ lệ chi phí quản lí hoạt động làm cơ sở để VDB xác định lãi suất cho vay.
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo đó, VDB được quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kì. Cùng với đó, Chính phủ cũng quy định ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất đối với các khoản vay được kí hợp đồng tín dụng từ ngày Nghị định này có hiệu lực (22/12/2023).
Quy định nói trên của Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định lãi suất để triển khai hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước do không còn phải chờ tỉ lệ chi phí quản lí hoạt động được duyệt như quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP. Với sự thay đổi quan trọng này, dự kiến sau khi Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước sẽ được mở rộng do có thêm những dự án mới được vay vốn theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP và Nghị định số 78/2023/NĐ-CP bên cạnh các dự án được vay vốn theo các nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước mà Chính phủ ban hành trước đây.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh huy động các nguồn vốn có kì hạn dài như nguồn vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quy mô và thời hạn cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Thêm vào đó, với lãi suất phát hành thường thấp hơn đáng kể so với các nguồn vốn cùng kì hạn trên thị trường, nguồn vốn tạo lập từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có thể đáp ứng tốt yêu cầu về đảm bảo tính ưu đãi của lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư mà không cần được bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước cấp - như quy định của Chính phủ tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP.
Tuy nhiên, để nguồn vốn tạo lập từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có thể thỏa mãn các yêu cầu về chi phí và kì hạn sử dụng như kì vọng, thì Bộ Tài chính và các cơ quan quản lí nhà nước liên quan cần xem xét cho phép nâng tỉ trọng các loại trái phiếu có kì hạn dài (07 năm, 10 năm, 15 năm) trong số trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà VDB phát hành hằng năm. Cùng với đó, các cơ quan này cũng cần nghiên cứu kiến nghị Bộ Chính trị cho phép mở rộng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với các ngân hàng chính sách nói chung và VDB nói riêng được quy định tại Nghị quyết số 07-NQ/TW lên mức lớn hơn nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm trong những trường hợp cần thiết.
Việc điều chỉnh cơ cấu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và mở rộng giới hạn bảo lãnh Chính phủ như trên sẽ có tác dụng tích cực trong việc đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước trong trường hợp việc huy động vốn từ các nguồn khác gặp khó khăn, đồng thời cũng tạo điều kiện để VDB cơ cấu lại nguồn vốn khi mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường xuống thấp nhằm giảm bớt chi phí lãi vay đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Đây cũng chính là cơ sở để có thể duy trì được đặc tính ưu đãi về kì hạn và lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ các ngành, nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư - như đã đề cập ở phần đầu của bài viết.
1 VDB được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ phát triển, có chức năng thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lí nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
2. Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
3. Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
4. Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lí bảo lãnh
Chính phủ.
5. Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về chế độ quản lí tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với VDB.
6. Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
7. Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lí tài chính đối với VDB.
8. Niên giám Thống kê giai đoạn 2015 - 2022, Nhà xuất bản Thống kê.
9. Báo cáo thường niên VDB giai đoạn 2010 - 2022.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp (Ngân hàng Phát triển Việt Nam)
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa (Trường Đại học Lao động - Xã hội)