Giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân hướng đến phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam
05/07/2024 19:37 506 lượt xem
Tóm tắt: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều biến động, việc huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn nhưng cũng không kém phần rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Để hướng tới một thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân là hết sức cần thiết. Bài viết phân tích thực trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2023, từ đó đề xuất các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả. Bài viết không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường này mà còn đưa ra các giải pháp thực tiễn để tăng cường tính minh bạch, an toàn và khả năng sinh lời cho nhà đầu tư cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
 
Từ khóa: Trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, rủi ro.
 
SOLUTIONS TO MITIGATE RISKS FOR INDIVIDUAL INVESTORS TOWARDS THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF THE CORPORATE BOND MARKET IN VIETNAM

Abstract: In the context of numerous fluctuations in both the global and domestic economies, mobilizing capital through the corporate bond market is becoming an increasingly attractive yet risky investment channel for individual investors in Vietnam. To foster a sustainable corporate bond market, it is essential to research and propose solutions to mitigate risks for individual investors. This article will analyze the current status of the corporate bond market in Vietnam from 2018 to 2023, and subsequently recommend timely and effective intervention measures. The article not only provides an insightful overview of the factors influencing the development of this market but also presents practical solutions to enhance transparency, safety, and profitability for individual investors, contributing to the sustainable development of Vietnam’s corporate bond market.
 
Keywords: Corporate bond, individual investors, risk.
 
1. Mở đầu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng biến động và phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của các yếu tố như dịch bệnh và các thay đổi trong chính sách tài chính quốc tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần thách thức. Việc tăng trưởng nhanh chóng của thị trường này đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ phía các nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên, mặt trái của sự tăng trưởng đó là rủi ro tiềm ẩn cao, đặc biệt là khi các nhà đầu tư thiếu thông tin và kỹ năng cần thiết để phân tích và đánh giá đúng đắn. Do đó, việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp hạn chế rủi ro, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân và đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. 
 
2. Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam

Trong giai đoạn 2018 - 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị phát hành, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể trong phát hành riêng lẻ so với phát hành ra công chúng. (Hình 1)
 
Hình 1: Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành và dư nợ giai đoạn 2018 - 2023

                                                                                                        Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: HNX, GSO, VBMA

Dựa vào số liệu ở Hình 1 cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2021, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã tăng trưởng vượt bậc, từ khoảng 200.000 tỉ đồng lên tới gần 800.000 tỉ đồng, chứng tỏ sự tin tưởng ngày càng tăng từ phía các nhà đầu tư lớn hay các tổ chức tài chính đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điểm nhấn quan trọng là vào năm 2021, khi giá trị phát hành đạt đỉnh, phản ánh sự đầu tư mạnh mẽ vào các doanh nghiệp có tiềm năng trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, đến năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm, điều này là do các yếu tố như sự thay đổi trong chính sách tài chính, điều kiện kinh tế vĩ mô, cũng như sự chuyển hướng của các nhà đầu tư sang các kênh đầu tư khác có tính thanh khoản cao hơn hoặc ít rủi ro hơn trong giai đoạn bất ổn. Đến năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng trở lại, với tổng giá trị phát hành đạt 333.988 tỉ đồng, tăng 37,8% so với năm 2022. Phát hành riêng lẻ chiếm 296.917 tỉ đồng, tăng 19,4%, phát hành công chúng đạt 37.070 tỉ đồng, tăng 74,6%. Sự cải thiện này diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP
ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát hành trái phiếu. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cũng cho phép các doanh nghiệp đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác và cơ cấu lại điều khoản trái phiếu, giúp giảm áp lực tài chính và ổn định tâm lý nhà đầu tư. Hầu hết giá trị phát hành năm 2023 diễn ra trong nửa cuối năm, cho thấy sự sôi động của thị trường sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực. (Hình 2)

Hình 2: Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 
trước và sau Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực

Nguồn: VBMA

Bên cạnh đó, từ dữ liệu ở Hình 1 cũng cho thấy tỉ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp so với GDP đã có sự tăng lên từ 9,0% vào năm 2018 lên đến 11,9% vào năm 2023, khẳng định sự phụ thuộc ngày càng cao của nền kinh tế vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn quan trọng. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự mở rộng của thị trường trái phiếu mà còn là thách thức đối với cơ quan quản lý nhằm đảm bảo tính ổn định và khả năng thanh khoản của thị trường trong trường hợp xảy ra biến động.
 
Về loại hình trái phiếu, đến năm 2023, có 33% giá trị trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được phát hành với tài sản bảo đảm, trong khi 67% giá trị trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, bao gồm 2,8% là trái phiếu chuyển đổi. Cũng trong năm này, lần đầu tiên, trái phiếu xanh được Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành theo chuẩn ICMA với giá trị 2.500 tỉ đồng, và trái phiếu liên kết bền vững được phát hành bởi Công ty cổ phần Bất động sản BIM và Công ty cổ phần Thanh Xuân với tổng giá trị 3.500 tỉ đồng. Trong phát hành riêng lẻ, 34,3% có tài sản bảo đảm và 3,2% là trái phiếu chuyển đổi. Trong phát hành ra công chúng, 15% có tài sản bảo đảm và 85% là trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản bảo đảm. (Hình 3)
 
Hình 3: Cơ cấu giá trị phát hành theo tài sản bảo đảm và tính chuyển đổi


 
Về lãi suất phát hành, trong năm 2023, lãi suất phát hành bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 10,1%/năm, tăng 2% so với năm trước. Các ngành xây dựng và bất động sản ghi nhận mức lãi suất huy động cao hơn mức trung bình, phản ánh rủi ro lớn hơn của hai ngành này. Riêng lãi suất phát hành riêng lẻ đạt khoảng 8,6%/năm, với sự phân bổ đều của lãi suất. Trong khi đó, lãi suất phát hành ra công chúng trung bình là 9,4%, với khoảng 38% đợt phát hành áp dụng lãi suất thả nổi dựa trên lãi suất tham chiếu của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh chính. (Hình 4)

Hình 4: Lãi suất phát hành bình quân năm 2023 (%/năm)

Nguồn: VBMA

Về doanh nghiệp phát hành, tính đến năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) và các doanh nghiệp bất động sản là những nhà phát hành chính, chiếm lần lượt 58,3% và 22,5% tổng giá trị phát hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất chỉ chiếm 8% và 1,4%. Đối với phát hành riêng lẻ, TCTD chiếm 50,1% tổng giá trị, và giá trị phát hành của doanh nghiệp bất động sản tăng 48,3%, chiếm 22%. Trong phát hành ra công chúng, 74% giá trị phát hành thuộc về nhóm TCTD, 15% cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và 3,9% cho các doanh nghiệp bất động sản. (Hình 5)
 
Hình 5: Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023

Nguồn: VBMA

Về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2024, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ là 277,5 nghìn tỉ đồng, trong đó 41% (khoảng 114.947 tỉ đồng) thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Năm 2025, số trái phiếu đáo hạn sẽ là 295.200 tỉ đồng, với 36,8% (khoảng 108.558 tỉ đồng) thuộc về nhóm bất động sản. Các TCTD sẽ có trái phiếu đáo hạn lần lượt là 59.197 tỉ đồng vào năm 2024 và 137.689 tỉ đồng vào năm 2025. (Hình 6)

Hình 6: Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo ngành 
giai đoạn 2024 - 2025

                                                                                                       Đơn vị : Tỉ đồng
Nguồn: VBMA

Về giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc, trong năm 2023, khoảng 100,1 nghìn tỉ đồng trái phiếu (gốc và lãi) không được thanh toán đúng hạn, trong đó đã có 57% giá trị trái phiếu được xử lý giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Phương án phổ biến nhất là kéo dài thời gian trả nợ, chiếm 61% giá trị đã xử lý, trong khi 25% đã được thanh toán một phần hoặc toàn bộ, và 14% đã hoán đổi thành tài sản khác. (Hình 7, 8)

Hình 7: Giá trị trái phiếu chậm trả lãi, gốc theo nhóm ngành năm 2023

                                                                                                         Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: VBMA

Hình 8: Tổ chức phát hành và nhà đầu tư thỏa thuận 
xử lý trái phiếu chậm trả lãi, gốc năm 2023
Nguồn: VBMA

Ngoài ra, khoảng 90.000 tỉ đồng trái phiếu đã được gia hạn thời gian đáo hạn từ 1 đến 2 năm để tránh chậm trả. Trong số này, 70.900 tỉ đồng thuộc về ngành bất động sản, chiếm 78,8%; ngành dịch vụ tiêu dùng là 7.400 tỉ đồng, tương ứng 8,2%. Một số tổ chức cũng đã tăng lãi suất hoặc bổ sung tài sản bảo đảm trong thời gian gia hạn để đền bù cho sự chậm trả này. (Hình 9)
 
Hình 9: Giá trị trái phiếu được gia hạn theo nhóm ngành 

                                                                                                       Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: VBMA
 

3. Một số quy định của pháp luật hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư
 
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc quản lý và giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường này và nhằm mục tiêu tăng cường công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Cụ thể như:
 
Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, là một công cụ pháp lý quan trọng nhằm quản lý và kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu trong nước. Các điều khoản của Nghị định này không chỉ cung cấp một khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, mà còn bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và duy trì trật tự, sự ổn định của thị trường tài chính. Nghị định này không hạn chế đối tượng nhà đầu tư, cho phép cả tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia mua trái phiếu. Điều này thể hiện sự mở cửa và thu hút nguồn vốn đầu tư đa dạng, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Về quyền lợi, nhà đầu tư được đảm bảo các quyền liên quan đến việc thanh toán, chuyển nhượng và sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện, phương án phát hành, hồ sơ phát hành và công bố thông tin. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa các hoạt động phát hành mà còn tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, trách nhiệm về việc thanh toán đầy đủ và đúng hạn gốc, lãi trái phiếu là yếu tố then chốt đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và duy trì uy tín của doanh nghiệp phát hành. Các yêu cầu về hồ sơ chào bán trái phiếu đặt ra các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin, đồng thời yêu cầu các báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Sự cẩn trọng trong yêu cầu này thể hiện sự nghiêm túc của pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và nâng cao chất lượng của hoạt động phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, theo Nghị định, trái phiếu doanh nghiệp không được phép giao dịch tự do cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Sau thời gian này, trái phiếu có thể được giao dịch tự do không hạn chế số lượng nhà đầu tư, trừ khi có quyết định khác từ phía doanh nghiệp phát hành. Quy định này nhằm mục đích chính là hạn chế rủi ro đầu cơ và giảm thiểu sự biến động giá đột ngột có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Bằng cách giới hạn số lượng nhà đầu tư trong năm đầu, Nghị định giúp đảm bảo rằng các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những người có khả năng đánh giá và chấp nhận được mức độ rủi ro tương ứng. Điều này cũng góp phần hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư ngắn hạn, những người có thể gây ra sự biến động giá không mong muốn. Mặc dù quy định này có thể coi là một bước tiến trong việc tạo dựng một môi trường đầu tư ổn định và bền vững, nó cũng có thể hạn chế khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau khi phát hành trái phiếu. Sự hạn chế này có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp trong năm đầu tiên, khiến cho việc mua bán trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bằng cách cân bằng giữa quyền lợi của nhà đầu tư và nhu cầu vốn của doanh nghiệp, quy định này thể hiện một nỗ lực nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.
 
Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế. Nghị định này hạn chế số lượng nhà đầu tư chiến lược không quá 100 nhà đầu tư và chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên. Điều này góp phần vào việc kiểm soát chất lượng của thị trường trái phiếu, giảm bớt tình trạng đầu cơ và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư có ít kinh nghiệm hơn. Việc bổ sung quy định về quyền tiếp cận thông tin đầy đủ và hồ sơ chào bán trái phiếu là một bước tiến tích cực trong việc tăng cường tính minh bạch và giúp nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư một cách thông minh và có trách nhiệm. Điều này không chỉ tăng cường quyền lực cho nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển của một thị trường trái phiếu lành mạnh hơn. Việc quy định chi tiết trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm, kể cả hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, là một dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc của Nhà nước trong việc điều chỉnh thị trường trái phiếu. Các biện pháp này nhằm mục đích đảm bảo rằng các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp lý một cách nghiêm túc, qua đó tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư. Việc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các hợp đồng liên quan đến đợt phát hành cụ thể làm tăng tính minh bạch và giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về năng lực và uy tín của doanh nghiệp phát hành. Quy định trái phiếu doanh nghiệp chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các hạn chế chuyển nhượng đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc kèm chứng quyền nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư không chuyên, giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường.
 
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, đã đưa ra những thay đổi quan trọng liên quan đến quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Các sửa đổi này nhằm mục đích tăng cường sự minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, Nghị định này đã hạn chế số lượng nhà đầu tư mua trái phiếu trong một đợt phát hành riêng lẻ, chỉ cho phép các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia. Điều này nhằm đảm bảo rằng, chỉ những nhà đầu tư hiểu biết và có khả năng đánh giá rủi ro mới có thể tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, giảm thiểu nguy cơ mất mát cho những nhà đầu tư không chuyên. Nghị định cũng đã tăng cường quyền lợi của nhà đầu tư bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch hơn về tình hình tài chính và các rủi ro liên quan đến đợt phát hành trái phiếu, giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư một cách có thông minh và chính xác hơn. Với các quy định mới, trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành được nâng cao. Các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng họ tuân thủ tất cả các yêu cầu pháp lý trong quá trình chào bán trái phiếu, bao gồm cả việc bảo đảm tính chính xác của thông tin được cung cấp cho nhà đầu tư. Nghị định cũng quy định rõ ràng các hình phạt đối với vi phạm để đảm bảo rằng các doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý; yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu một cách cẩn thận và chi tiết hơn, bao gồm thông tin về điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn, và các thông tin tài chính liên quan. Điều này nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch và giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc họ đang đầu tư vào đâu. Nghị định cũng có các quy định về việc giao dịch trái phiếu sau khi đã phát hành, đặc biệt là những quy định về việc giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Các quy định này nhằm đảm bảo rằng giao dịch trái phiếu được thực hiện một cách công bằng và minh bạch, hạn chế tối đa các hoạt động giao dịch nội gián và lạm dụng thị trường, qua đó bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
 
Tóm lại, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã tạo ra sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và yêu cầu về tính minh bạch, trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do yêu cầu về thông tin và quy trình phức tạp hơn, điều này có thể làm tăng chi phí liên quan đến việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, những thay đổi này là cần thiết để đảm bảo thị trường trái phiếu Việt Nam hoạt động một cách hiệu quả, minh bạch và an toàn, đồng thời giúp chúng ta hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường tài chính quốc tế.
 
4. Một số giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam
 
4.1. Đối với Nhà nước
 
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường này, Nhà nước có thể cân nhắc áp dụng một số khuyến nghị sau:
 
Thứ nhất, cần tăng cường tính minh bạch thông tin. Tăng cường minh bạch thông tin là một trong những yếu tố then chốt giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển một cách bền vững và an toàn. Việc này đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố rõ ràng và đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của họ. Minh bạch thông tin không chỉ giúp nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ về mức độ an toàn và tiềm năng sinh lời của các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của chính các doanh nghiệp phát hành. Khi thông tin được công khai, minh bạch, nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận, phân tích và đánh giá các yếu tố rủi ro liên quan, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân. Nhà nước có thể thực hiện điều này thông qua việc ban hành các quy định bắt buộc về báo cáo tài chính định kỳ, kiểm toán nội bộ và bên ngoài, cũng như yêu cầu công bố thông tin về các dự án và hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán quốc tế cũng có thể giúp tăng cường chất lượng và độ tin cậy của thông tin được công bố. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới như Blockchain để ghi chép và lưu trữ thông tin một cách minh bạch và không thể thay đổi, nhằm hỗ trợ quá trình quản lý và giám sát thông tin một cách hiệu quả hơn. Các sàn giao dịch trái phiếu cũng cần được yêu cầu tăng cường công tác giám sát và cung cấp các công cụ phân tích để giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin và hiểu rõ giá trị thực của các khoản đầu tư của mình. Thông qua việc thực hiện các biện pháp trên, Nhà nước không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, từ đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
 
Thứ hai, cần thiết lập các tiêu chuẩn phát hành chặt chẽ hơn. Việc thiết lập các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu chặt chẽ hơn là một bước quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn và minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao ngày càng gia tăng. Quy định chặt chẽ hơn trong điều kiện phát hành không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư mà còn góp phần nâng cao uy tín và sự ổn định của thị trường tài chính. Nhà nước cần xem xét việc đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính của các doanh nghiệp trước khi cho phép phát hành trái phiếu. Điều này bao gồm việc kiểm tra các báo cáo tài chính đã được kiểm toán, xem xét các chỉ số tài chính quan trọng như tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, tỉ lệ thanh khoản và lợi nhuận ròng. Các chỉ số này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và khả năng sinh lời, từ đó giúp đánh giá được mức độ an toàn của khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đó. Ngoài ra, mục đích sử dụng vốn cũng là yếu tố quan trọng cần được xem xét. Nhà nước nên yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai rõ ràng các kế hoạch và mục tiêu sử dụng số vốn thu được từ việc phát hành trái phiếu. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư hiểu rõ được tiềm năng tăng trưởng và rủi ro của khoản đầu tư, mà còn góp phần kiểm soát việc sử dụng vốn vào các dự án không hiệu quả hoặc rủi ro cao. Cuối cùng, khả năng thanh toán nợ là yếu tố không thể bỏ qua khi thiết lập các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu. Nhà nước cần đánh giá khả năng thanh toán dài hạn của doanh nghiệp dựa trên dòng tiền hoạt động và các cam kết tài chính hiện tại. Việc này đảm bảo rằng doanh nghiệp không chỉ có khả năng trả lãi định kỳ cho các nhà đầu tư mà còn có thể hoàn trả gốc trái phiếu khi đến hạn. Bằng cách áp dụng một cách nghiêm ngặt các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu, Nhà nước sẽ góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư an toàn hơn cho các nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
 
Thứ ba, cần cải thiện khung pháp lý. Việc cải thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố then chốt trong việc đảm bảo sự minh bạch và ổn định của thị trường tài chính. Sửa đổi và bổ sung các quy định pháp lý không chỉ giúp tăng cường sự giám sát và quản lý của các cơ quan chức năng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ, đôi khi không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc thiếu minh bạch và tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần phải có quyền lực và công cụ cần thiết để giám sát chặt chẽ các hoạt động này. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn phát hành rõ ràng hơn, yêu cầu công bố thông tin đầy đủ và kịp thời, thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát trước và sau khi trái phiếu được phát hành. Nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan chức năng cũng là một phần quan trọng của quá trình cải thiện khung pháp lý. Các cơ quan này cần được trang bị đầy đủ nhân lực, kỹ năng và công nghệ để có thể phân tích và đánh giá hiệu quả tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến rủi ro. Bên cạnh đó, việc tăng cường khung pháp lý cũng nên bao gồm việc xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong quá trình phát hành và giao dịch trái phiếu. Điều này không chỉ thúc đẩy trách nhiệm giải trình mà còn tạo dựng lòng tin trong cộng đồng đầu tư. Những cải tiến trong khung pháp lý nhằm tăng cường giám sát và quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng một thị trường tài chính lành mạnh và ổn định, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế tổng thể.
 
4.2. Đối với các nhà đầu tư cá nhân
 
Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mang lại cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro, đặc biệt là với các nhà đầu tư cá nhân. Dưới đây là một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà đầu tư cá nhân hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường này:
 
Thứ nhất, để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, việc xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng là hết sức quan trọng đối với nhà đầu tư cá nhân. Khi đầu tư, nếu chỉ tập trung vào một hoặc một số ít doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rủi ro tập trung cao, nghĩa là rủi ro liên quan đến sự suy giảm của một hoặc một số ít doanh nghiệp có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tổng thể của danh mục đầu tư. Để hạn chế rủi ro này, nhà đầu tư nên phân bổ vốn vào nhiều loại trái phiếu khác nhau. Trái phiếu có bảo đảm là loại trái phiếu mà khoản vay được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nếu doanh nghiệp không thể thanh toán nợ. Ngược lại, trái phiếu không bảo đảm là trái phiếu không có tài sản bảo đảm, nhưng thường có lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro cao hơn. Trái phiếu chuyển đổi là một lựa chọn khác, cho phép chủ sở hữu chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của công ty phát hành tại một mức giá nhất định trong tương lai. Loại trái phiếu này cung cấp cơ hội tăng giá cổ phiếu đồng thời giảm thiểu rủi ro bởi vì chúng vẫn mang tính chất của một khoản nợ. Cuối cùng, trái phiếu xanh - là trái phiếu được phát hành để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Chúng không chỉ đa dạng hóa danh mục đầu tư mà còn phù hợp với xu hướng đầu tư bền vững, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề môi trường. Thông qua việc đầu tư vào nhiều loại trái phiếu khác nhau, nhà đầu tư cá nhân có thể giảm thiểu rủi ro tập trung, từ đó bảo vệ vốn đầu tư và tăng cơ hội sinh lời trong bất kỳ điều kiện thị trường nào. Đa dạng hóa không chỉ giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của sự cố tài chính tại một doanh nghiệp mà còn giúp tận dụng cơ hội từ nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
 
Thứ hai, khi tham gia thị trường trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân cần hết sức thận trọng với các loại trái phiếu có mức lãi suất đặc biệt cao so với mặt bằng chung của thị trường. Bởi mức lãi suất cao bất thường thường phản ánh một mức độ rủi ro cao hơn mà doanh nghiệp phát hành phải đối mặt. Trong cơ chế thị trường, một mức lãi suất cao được cung cấp như một hình thức bù đắp cho những nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro cao hơn, có nghĩa là doanh nghiệp có thể đang gặp khó khăn trong tài chính hoặc đối mặt với những thách thức kinh doanh nhất định mà khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Trước khi đầu tư vào loại trái phiếu này, nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ lý do đằng sau mức lãi suất cao. Điều này bao gồm việc phân tích sâu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hiểu biết về ngành nghề hoạt động và đánh giá các yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và thanh toán nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần đánh giá xem rủi ro có được bù đắp xứng đáng bởi mức lãi suất cao đó hay không. Điều này có nghĩa là cân nhắc giữa lợi ích tiềm năng từ lãi suất cao và khả năng mất vốn do doanh nghiệp không thể hoàn trả nợ. Cân nhắc này phải dựa trên một phân tích rủi ro tổng thể và đa chiều, không chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất. Do đó, việc đầu tư vào các trái phiếu có lãi suất cao đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và cẩn trọng để đảm bảo rằng những rủi ro tiềm ẩn được quản lý một cách hiệu quả và nhà đầu tư có thể đạt được tỉ suất sinh lời hợp lý mà vẫn giữ được an toàn cho vốn đầu tư của mình.
 
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nhà đầu tư cá nhân cần phải theo dõi sát sao các chính sách mới của Chính phủ và các điều kiện kinh tế vĩ mô, vì những yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường trái phiếu. Đầu tiên, lãi suất do Ngân hàng Nhà nước đặt ra có vai trò quan trọng trong việc xác định chi phí vốn và hấp dẫn của trái phiếu. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu thường sẽ giảm và ngược lại, làm thay đổi lợi nhuận tiềm năng từ trái phiếu so với các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu hay bất động sản. Thứ hai, các biến động trong nền kinh tế toàn cầu, như suy thoái kinh tế, lạm phát, hoặc sự bất ổn chính trị, cũng ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu. Ví dụ, trong một nền kinh tế suy thoái, người ta có thể dự đoán rằng ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, điều này có thể làm tăng giá trái phiếu hiện hữu và thu hút đầu tư vào trái phiếu. Cuối cùng, các quy định mới về thị trường trái phiếu cũng có thể tác động đến giá trị và tính thanh khoản của trái phiếu. Chẳng hạn, các quy định mới nhằm tăng cường minh bạch và an toàn cho các nhà đầu tư có thể làm tăng chi phí phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng giúp tăng sự tin cậy của thị trường trái phiếu. Do đó, việc theo dõi các chính sách và điều kiện kinh tế vĩ mô không chỉ giúp các nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư trái phiếu của họ, mà còn giúp họ đưa ra quyết định đầu tư thông minh hơn, phù hợp với môi trường kinh tế hiện tại và tương lai.
 
5. Kết luận
 
Để hướng tới một thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, các biện pháp cần được thực hiện một cách bài bản và toàn diện. Trước hết, việc tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng công bố thông tin từ phía các doanh nghiệp phát hành là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư có đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư một cách chính xác, mà còn góp phần nâng cao niềm tin vào thị trường. Thứ hai, việc đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững và trái phiếu chuyển đổi, sẽ mở rộng lựa chọn cho nhà đầu tư và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Thứ ba, cơ quan quản lý cần có những chính sách và quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho việc phát hành và giao dịch trái phiếu, đồng thời tăng cường giám sát thị trường để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, qua đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Với sự kết hợp của các giải pháp này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 
2. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
3. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
4. Phong, V. (2023). Hồi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp. VnEconomy, https://vneconomy.vn/hoi-phuc-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep.html (truy cập ngày 16/5/2024).
5. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA (2023). Báo cáo thị trường trái phiếu các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.

PGS., TS. Đào Văn Hùng
Học viện Chính sách và Phát triển

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Đào tạo cá nhân hóa tại ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Đào tạo cá nhân hóa tại ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
14/08/2024 15:59 229 lượt xem
Phát triển nguồn nhân lực luôn là một trong các nhiệm vụ hàng đầu của NHTM; trong đó, đào tạo cá nhân hóa được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các NHTM trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Mối quan hệ giữa quy định vốn theo Basel III với một số giải pháp chính và khuyến nghị
Mối quan hệ giữa quy định vốn theo Basel III với một số giải pháp chính và khuyến nghị
06/08/2024 08:47 372 lượt xem
Bài viết tập trung nghiên cứu khảo sát định lượng 115 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, phân tích hồi quy đa biến mối quan hệ giữa mức độ thực hiện các quy định vốn Basel III với một số giải pháp chính (liên quan đến tăng vốn và hệ thống) bằng phần mềm SPSS, AMOS
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
12/07/2024 08:35 724 lượt xem
Quản lý tài chính cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng để xác định phúc lợi tài chính của mỗi cá nhân (Xiao và cộng sự, 2009). Theo đó, quản lý tài chính cá nhân liên quan đến việc áp dụng các hoạt động khác nhau để lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát chi tiêu của một người.
Cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương tại một số tỉnh, thành Việt Nam
Cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương tại một số tỉnh, thành Việt Nam
26/06/2024 10:21 433 lượt xem
Nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương trong tương lai cho các tỉnh, thành nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tác động của phát triển thị trường vốn đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Tác động của phát triển thị trường vốn đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN và hàm ý chính sách cho Việt Nam
14/06/2024 08:30 570 lượt xem
Thị trường vốn đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế quốc gia nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá thực nghiệm tác động của phát triển thị trường vốn đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN trong giai đoạn 2013 - 2023.
Bàn về quy định chuyển nhóm nợ và tài sản có rủi ro trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn và vốn kinh tế đối với ngân hàng thương mại
Bàn về quy định chuyển nhóm nợ và tài sản có rủi ro trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn và vốn kinh tế đối với ngân hàng thương mại
04/06/2024 08:54 955 lượt xem
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích luật viết và phương pháp so sánh trong luật học để làm rõ một số bất cập của quy định về chuyển nhóm nợ, tài sản có rủi ro trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn và vốn kinh tế trong đánh giá mức đủ vốn tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tác động của nghiên cứu - phát triển, môi trường - xã hội - quản trị đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng
Tác động của nghiên cứu - phát triển, môi trường - xã hội - quản trị đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng
15/05/2024 07:56 3.805 lượt xem
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ số đang bùng nổ trong kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) được xem là chiến lược quan trọng với doanh nghiệp (trong đó có ngân hàng) để duy trì tính cạnh tranh, R&D cho phép các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới mà đối thủ khó có thể sao chép được, bên cạnh đó, quy trình tạo ra sản phẩm mới, cũng như công năng của sản phẩm mang lại đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình phát triển bền vững.
Thực thi bộ tiêu chuẩn ESG trong hoạt động của ngân hàng thương mại: Tổng quan lí luận và hàm ý cho Việt Nam
Thực thi bộ tiêu chuẩn ESG trong hoạt động của ngân hàng thương mại: Tổng quan lí luận và hàm ý cho Việt Nam
07/05/2024 08:10 1.028 lượt xem
Mục tiêu của bài nghiên cứu này là đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy quá trình thực thi bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social và Governance - ESG) trong hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam.
Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ tại ngân hàng thương mại theo định hướng rủi ro bằng mô hình định lượng
Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ tại ngân hàng thương mại theo định hướng rủi ro bằng mô hình định lượng
02/05/2024 09:10 1.035 lượt xem
Nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để xác định yếu tố tác động chính gây ra các rủi ro trọng yếu trong ngân hàng thương mại (NHTM) (đo bằng lỗi) dẫn đến tổn thất trong kinh doanh (mức độ thiệt hại quy ra bằng tiền). Nghiên cứu sử dụng mô hình tối ưu hóa tuyến tính theo dữ liệu nội bộ phát sinh tại từng đơn vị để lập kế hoạch kiểm toán theo định hướng rủi ro.
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
26/04/2024 08:20 5.071 lượt xem
Việc quản lý và phát triển thị trường ngoại tệ Việt Nam vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập của nền kinh tế hiện nay nhằm mục tiêu xây dựng một thị trường ngoại tệ hoạt động hiệu quả, an toàn, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
01/04/2024 11:21 1.161 lượt xem
Nghiên cứu phân biệt ba nhóm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, gồm: Doanh nghiệp không có nợ xấu, doanh nghiệp có nợ xấu còn hoạt động và doanh nghiệp có nợ xấu dừng hoạt động.
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
21/03/2024 08:50 2.027 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính.
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
18/03/2024 08:33 1.161 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng.
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
29/02/2024 09:00 5.914 lượt xem
Bài viết đánh giá mức độ tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
19/01/2024 08:37 1.067 lượt xem
Hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nghiên cứu này được tiếp cận theo hướng sự ủng hộ của khách hàng, được đo lường bằng 3 chỉ tiêu: Doanh số, lợi nhuận và tỉ lệ giữ chân khách hàng. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ 238 nhân viên đang làm việc tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

Vàng SJC 5c

78.500

80.520

Vàng nhẫn 9999

77.250

78.550

Vàng nữ trang 9999

77.150

78.150


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,680 25,050 26,865 28,339 31,919 33,277 166.59 176.32
BIDV 24,715 25,055 27,100 28,350 32,343 33,287 168.25 176.53
VietinBank 24,695 25,035 27,117 28,317 32,408 33,418 167.81 175.56
Agribank 24,700 25,050 27,024 28,258 32,139 33,263 167.38 175.81
Eximbank 24,700 25,130 27,103 28,113 32,263 33,415 169.08 175.43
ACB 24,670 25,030 27,094 28,034 32,350 33,337 168.31 175.02
Sacombank 24,710 25,050 27,321 28,074 32,561 33,263 169.55 175.56
Techcombank 24,678 25,069 26,942 28,299 32,019 33,351 164.87 177.39
LPBank 24,490 25,250 26,981 28,628 32,421 33,426 167.40 179.30
DongA Bank 24,740 25,050 27,120 27,950 32,280 33,250 166.80 174.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,20
2,20
2,50
3,50
3,50
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,60
3,60
3,60
4,90
4,90
5,30
5,20
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?