Keywords: Insurance deposit premium, willingness, simulation.
1. Giới thiệu hệ thống phí BHTG phân biệt
BHTG là công cụ hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hành vi của người gửi tiền cũng như hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG còn tồn tại yếu tố rủi ro đạo đức, từ đó, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng. Nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức, tăng tính công bằng và kỉ luật thị trường, hệ thống phí BHTG phân biệt đã ra đời, trong đó, việc tính phí bảo hiểm sẽ dựa vào mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG.
Về mặt thực tiễn, theo khảo sát thường niên năm 2019 của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hiện có 52% số tổ chức BHTG áp dụng hình thức phí đồng hạng, 36% áp dụng phương pháp tính phí phân biệt và 12% kết hợp cả hai cách tính phí trên. Kết quả khảo sát về phí phân biệt của IADI cho thấy, mục tiêu của các tổ chức thành viên khi áp dụng phí phân biệt là giảm rủi ro đạo đức thông qua việc hạn chế các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi rủi ro cao và tăng tính công bằng trong việc nộp phí của các tổ chức tham gia BHTG.
Về các phương pháp định lượng để đánh giá hệ thống phí phân biệt, phương pháp đơn giản nhất là so sánh định kì giữa số phí thu được và các chỉ số rủi ro như xác suất vỡ nợ trước đây hoặc tổn thất do chi trả bảo hiểm. Chẳng hạn, tổ chức tín dụng có rủi ro cao sẽ phải đóng phí cao hơn và cũng có xác suất vỡ nợ cao hơn. Một số phương pháp phức tạp hơn sử dụng số liệu thống kê tương quan với xác suất vỡ nợ hoặc tổn thất và các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng tỉ lệ phí phân biệt.
Nhìn chung, hệ thống phí BHTG phân biệt có thể được sử dụng nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm hành vi rủi ro và đảm bảo tính công bằng trong việc nộp phí BHTG. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam hiện nay đang áp dụng hệ thống phí cố định. Do đó, việc nghiên cứu về khả năng áp dụng hệ thống phí phân biệt đối với hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam là vô cùng cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định tác động của hệ thống phí BHTG phân biệt đến các NHTM Việt Nam, mức độ sẵn sàng chấp nhận và phân tích các điều kiện áp dụng tại Việt Nam.
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Tổng quan về hệ thống phí BHTG phân biệt
Theo IADI, hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro (Differential Premiums System - DPS) là hệ thống phí mà các tổ chức tham gia BHTG đóng phí theo nguyên tắc tỉ lệ phí phải nộp tăng theo mức độ rủi ro và mức độ hiệu quả của tổ chức tham gia BHTG và ngược lại. DPS thiết lập một hệ thống để phân loại các tổ chức tham gia BHTG thành các hạng khác nhau nhằm mục đích tính phí bảo hiểm hằng năm. Theo CDIC (Canada Deposit Insurance Corporation) (2022a), mục tiêu cốt lõi của DPS là đưa ra một tín hiệu cảnh báo sớm về rủi ro vỡ nợ của các tổ chức tham gia BHTG đến ban quản trị và ban giám đốc.
Hệ thống phí BHTG phân biệt được thiết kế nhằm phản ánh mức độ rủi ro riêng lẻ của các thành viên tham gia đóng góp vào rủi ro tổng thể của tổ chức BHTG. Với mức phí phân biệt được ước tính theo mức độ rủi ro của từng ngân hàng sẽ mang lại sự công bằng đối với các thành viên tham gia hệ thống và cũng tạo động lực khuyến khích các ngân hàng phải nâng cao hoạt động quản trị rủi ro của mình. Một hệ thống phí BHTG phân biệt hiệu quả cho thấy tỉ lệ phí sẽ cao hơn đối với các ngân hàng có rủi ro gia tăng và ngược lại sẽ thấp đi đáng kể đối với các ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro.
Yoshino (2017) cho rằng, để xác định, đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG lành mạnh và ổn định hơn, các tổ chức BHTG cần có các phương pháp và mô hình dự báo về các khoản nợ xấu, các cú sốc vĩ mô và những cú sốc mang tính riêng biệt.
2.2. Nguyên tắc xây dựng phương pháp phí BHTG phân biệt
Để đảm bảo mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hệ thống phí BHTG phân biệt phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, phải có một hệ thống đánh giá rủi ro và xếp hạng có chất lượng.
Thứ hai, hệ thống phí cần được áp dụng một cách bình đẳng đối với tất cả các tổ chức tham gia.
Thứ ba, hệ thống phí tạo ra các động cơ/động lực thúc đẩy các tổ chức tham gia phấn đấu để được xếp hạng tốt hơn và có thể được hưởng mức phí thấp hơn.
Thứ tư, tỉ lệ phí được xác định trên cơ sở vốn hay quỹ mục tiêu của BHTG Việt Nam trong từng thời kì và mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG.
Thứ năm, hệ thống phí phải khách quan và minh bạch để các tổ chức tham gia hiểu và quản lí được rủi ro của mình. Các số liệu tài chính dựa trên các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực an toàn do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố và các quy định khác.
Thứ sáu, hệ thống phí nên có những quy định riêng đối với tổ chức có tính đặc thù như mới thành lập, sáp nhập hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm đã chia quá trình nghiên cứu làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là đề xuất hệ thống phân loại, tính phí phân biệt cho thị trường Việt Nam và phân tích mô phỏng tác động của hệ thống này. Giai đoạn 2 là nghiên cứu về mức độ sẵn sàng tham gia của các tổ chức tín dụng đối với hệ thống phí phân biệt.
3.1. Đề xuất hệ thống phân loại và tính phí BHTG phân biệt cho thị trường Việt Nam
Trên cơ sở tìm hiểu phương pháp đánh giá, phân loại của những quốc gia đã triển khai thành công hệ thống phí bảo hiểm trên cơ sở rủi ro là BHTG Malaysia, BHTG Canada và BHTG Đài Loan, nhóm nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí đánh giá gồm các tiêu chí định tính và định lượng như trong Bảng 1. Điểm đề xuất cho các tiêu chí này cũng được nghiên cứu đề xuất, với 60% điểm thuộc về các yếu tố định lượng và 40% điểm thuộc về các yếu tố định tính.
Bảng 1: Các tiêu chí định lượng và định tính trong đề xuất
cho hệ thống phí BHTG phân biệt của Việt Nam
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
Về phương án phí BHTG phân biệt, do quy mô vốn của BHTG còn rất nhỏ và mức phí hiện nay đang áp dụng là thấp hơn so với các quốc gia như Malaysia, Đài Loan và Canada, nên tỉ lệ phí dự kiến áp dụng đối với các tổ chức tham gia được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2: Các phương án phí BHTG phân biệt áp dụng tại Việt Nam
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
3.2. Phương pháp khảo sát sự sẵn sàng của tổ chức tham gia BHTG trong việc triển khai hệ thống phí BHTG phân biệt
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá sự sẵn sàng của tổ chức tham gia BHTG trong việc triển khai hệ thống phí BHTG dựa trên cơ sở mô hình lí thuyết hành vi dự định của Ajzen (1991). Mô hình cho thấy, hành vi được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi đó. Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định là thái độ cá nhân và chuẩn chủ quan, trong đó, thái độ cá nhân được đo lường bằng niềm tin và sự đánh giá đối với kết quả của hành vi đó. Chuẩn chủ quan là nhận thức của những người có ảnh hưởng nghĩ rằng cá nhân đó nên thực hiện hay không thực hiện hành vi, nhân tố này cũng thường được hiểu là nhận thức về áp lực xã hội. Nhân tố thứ ba mà Ajzen (1991) cho là có ảnh hưởng đến ý định của con người là yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi. Nhận thức kiểm soát hành vi phản ánh việc dễ dàng hay khó khăn khi thực hiện hành vi và việc thực hiện hành vi đó có bị kiểm soát hoặc hạn chế hay không. (Hình 1)
Hình 1: Thuyết hành vi dự định
Trên thuyết hành vi dự định, nhóm nghiên cứu xây dựng thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt như trong Bảng 3.
Bảng 3: Thang đo các nhân tố
Nhóm nghiên cứu tiếp tục sử dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) nhằm tìm ra mối quan hệ giữa các yếu tố trong mô hình với mức độ sẵn sàng trong việc chấp nhận hệ thống phí BHTG phân biệt.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kết quả phân nhóm và đánh giá tác động của hệ thống phí BHTG phân biệt đến các tổ chức tham gia
Nội dung phần này sẽ mô phỏng một hệ thống phí BHTG phân biệt và so sánh với hệ thống phí BHTG cố định nhằm minh họa và đánh giá tác động của việc áp dụng hệ thống này đối với các NHTM tham gia.
Mẫu nghiên cứu bao gồm 22 NHTM trong hệ thống với dữ liệu thu thập từ năm 2018 đến năm 2022. Đây là các NHTM có thông tin được công bố đầy đủ và cập nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu và thực hiện việc đánh giá.
4.2. Kết quả phân nhóm các ngân hàng dựa trên bảng chấm điểm rủi ro
Áp dụng bảng chấm điểm được đề xuất ở Bảng 1, nhóm thu thập số liệu để tính toán các chỉ tiêu phân loại và đã đạt được các kết quả như sau:
Hình 2: Kết quả phân loại ngân hàng dựa trên hệ thống phí BHTG phân biệt
Nguồn: Thu thập của nhóm tác giả
Dựa trên Hình 2, có thể thấy các NHTM trong mẫu nghiên cứu đều được xếp loại vào các nhóm từ 1 đến 3 dựa trên mức điểm tổng hợp. Như vậy, tất cả các ngân hàng trong mẫu nghiên cứu đều có chất lượng tốt, không có ngân hàng nào bị phân loại yếu kém. Số lượng các ngân hàng thuộc nhóm 1 dao động từ 3 - 6 ngân hàng trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022. Số ngân hàng nhóm 2 và 3 có sự biến động mạnh trong khoảng thời gian 2020 - 2021, trong đó, có đến 50% ngân hàng từ nhóm 3 đã dịch chuyển lên nhóm 2.
Dữ liệu để ước tính các tiêu chí định lượng đã được nhóm thu thập từ báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của các NHTM. Đối với các tiêu chí định tính như đánh giá của cơ quan giám sát, việc nộp phí đầy đủ, chất lượng thông tin báo cáo và kết quả giám sát năm, nhóm giả định rằng các ngân hàng trong mẫu quan sát đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này do những hạn chế trong việc tiếp cận các thông trên.
Dưới đây là một số thống kê đáng chú ý về các tiêu chí phân loại về mặt định tính theo mỗi nhóm. Nhóm 1 có hệ số an toàn vốn và hệ số vốn cấp 1 đều cao hơn các nhóm còn lại, thể hiện mức độ an toàn của các ngân hàng trong nhóm này. Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ nợ của các nhóm dao động từ 0,011 đến 0,013 và không có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm. Tỉ lệ nợ xấu dao động trong khoảng từ 1,8% đến 2,2%, trong đó, nhóm 3 có tỉ lệ nợ xấu là cao nhất. Về khía cạnh khả năng sinh lời, tỉ lệ ROA và ROE của nhóm 3 thấp hơn hai nhóm còn lại trong khoảng thời gian nghiên cứu. (Bảng 4, 5, 6)
Bảng 4: Thống kê mô tả các tiêu chí đo lường của các NHTM nhóm 1
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Bảng 5: Thống kê mô tả các tiêu chí đo lường của các NHTM nhóm 2
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Bảng 6: Thống kê mô tả các tiêu chí đo lường của các NHTM nhóm 3
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
4.3. Đánh giá tác động của phí BHTG lên từng nhóm và đối với tổng thể danh mục
Trong giai đoạn 2, nhóm thu thập dữ liệu về số dư tiền gửi của các ngân hàng theo quý nhằm ước tính mức phí bảo hiểm cần thiết theo từng năm đối với các khoản tiền gửi.
Hình 3: Số dư tiền gửi của các nhóm NHTM từ năm 2018 đến năm 2022
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Bảng 7: Thống kê tỉ trọng tiền gửi của các NHTM theo nhóm
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Hình 3 cho thấy, có sự tăng trưởng trong lượng tiền gửi ở nhóm 1 và nhóm 3, trong khi đó, tiền gửi ở các ngân hàng thuộc nhóm 2 lại có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2021 - 2022. Xét về mặt tỉ trọng, lượng tiền gửi tập trung nhiều ở nhóm 2 và nhóm 3, vì đây là nhóm có số lượng ngân hàng chiếm tỉ lệ cao trong mẫu nghiên cứu. Dựa trên Bảng 7, có thể thấy, tồn tại xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ nhóm 2 sang các nhóm còn lại trong giai đoạn 2021 - 2022. Do đó, một số nhận định ban đầu là nguồn thu BHTG sẽ có nhiều biến động theo sự dịch chuyển của các NHTM từ nhóm này sang nhóm khác, trong đó, nguồn phí sẽ có xu hướng tăng vì số lượng dịch chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 3 là cao hơn so với sự dịch chuyển sang nhóm 1.
Bảng 8: So sánh kết quả thu phí giữa hệ thống phí BHTG phân biệt
và hệ thống phí BHTG cố định theo năm
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Để kiểm chứng nhận định trên, nhóm tác giả thực hiện việc mô phỏng quy trình tính phí theo hệ thống phí BHTG cố định và phí BHTG phân biệt và thực hiện việc so sánh. Chúng tôi áp dụng mức phí cố định và mức phí phân biệt tính trên lượng tiền gửi theo quý của các NHTM, sau đó, tổng hợp mức phí thu được theo năm làm cơ sở để so sánh.
Trong phần này, chúng tôi áp dụng mức phí điều chỉnh cơ sở theo đề xuất, trong đó, nhóm 1 sẽ chịu mức phí thấp hơn với phí BHTG cố định tại thời điểm hiện tại (0,15%), và các nhóm còn lại sẽ chịu mức phí cao hơn, dao động từ 0,2% đến 0,6%. Cụ thể mức phí tương ứng với nhóm 1, 2, 3, 4 lần lượt là 0,1%, 0,2%, 0,4% và 0,6%. (Hình 4)
Hình 4: Chênh lệch mức đóng phí giữa BHTG cố định
và BHTG phân biệt theo năm
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Có thể thấy, nhìn chung, tỉ lệ phí thu được sẽ tăng trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 với mức tăng bình quân 14,89%/năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020 mức thu phí tăng mạnh (91,8%) do giai đoạn này điều kiện vĩ mô bất lợi khiến các chỉ số đo lường của ngân hàng bị suy giảm và nhiều NHTM bị phân loại sang nhóm xấu hơn, đồng nghĩa với việc phải chịu tỉ lệ phí BHTG cao hơn. (Bảng 9, Hình 5)
Bảng 9: So sánh kết quả thu phí
giữa hệ thống phí BHTG phân biệt
và hệ thống phí BHTG cố định theo nhóm rủi ro
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Hình 5: Chênh lệch mức đóng phí giữa BHTG cố định
và BHTG phân biệt theo nhóm rủi ro
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Tuy nhiên, nếu xét trên mức phí từng nhóm đóng góp thì có thể thấy phí BHTG phân biệt thu được của nhóm 1 sẽ giảm 29,2% so với trong trường hợp thu theo phí BHTG cố định. Trong khi đó, mức phí tăng khoảng 36% đối với nhóm 2 và đặc biệt tăng mạnh (154,8%) đối với nhóm 3. Điều này cho thấy sự chênh lệch trong việc đóng phí giữa các nhóm theo phương pháp phí BHTG phân biệt là đáng kể, và tỉ lệ phí đã phân biệt phù hợp với mức độ rủi ro tăng thêm của các nhóm.
Hình 6 cho thấy số lượng ngân hàng tăng hoặc giảm đóng phí BHTG từ năm 2018 đến năm 2022. Trong điều kiện nền kinh tế thuận lợi thì số lượng ngân hàng có mức phí được giữ nguyên hoặc giảm được kì vọng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu điều kiện vĩ mô bất lợi thì số lượng ngân hàng phải đóng phí cao sẽ có xu hướng tăng lên (giai đoạn 2020 - 2022).
Bước tiếp theo nhóm tác giả sẽ đánh giá tác động trong trường hợp mức phí phân biệt được đề xuất cao hơn 1,5 lần so với mức phí phân biệt cơ sở, tạm gọi là phí phân biệt mức 2.
Bảng 10: So sánh kết quả thu phí giữa hệ thống phí BHTG phân biệt mức 2
và hệ thống phí BHTG cố định theo năm
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Bảng 11: So sánh kết quả thu phí giữa hệ thống phí BHTG phân biệt mức 2
và hệ thống phí BHTG cố định theo nhóm rủi ro
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Trong trường hợp mức phí BHTG được xác lập ở mức cao hơn (mức 2) thì dòng tiền phí bảo hiểm sẽ tăng mạnh trong các năm, từ năm 2018 đến năm 2022. Trong đó, tốc độ tăng sẽ rất mạnh trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. (Bảng 10, 11)
Có thể thấy, khi tăng mức phí phân biệt sẽ làm cho mức tăng thu BHTG tăng lên 146%, và phí bảo hiểm sẽ tăng đối với tất cả các nhóm. Nhóm 1 sẽ có mức tăng thấp nhất là 26%, trong khi ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ tăng mạnh với tỉ lệ tăng lần lượt là 117% và 226%. Các NHTM trong nhóm 3 sẽ chịu mức phí đóng cao nhất so với các nhóm NHTM còn lại. (Hình 8)
Hình 8: Chênh lệch mức đóng phí giữa BHTG cố định
và BHTG phân biệt mức 2 theo năm
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
4.4. Kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt
4.4.1. Thống kê mô tả mẫu
Để thu thập dữ liệu nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của các đơn vị, nhóm nghiên cứu đã phát ra 250 phiếu khảo sát dưới hình thức mã QR, số phiếu trả lời là 215 phiếu. Do thu thập dưới hình thức mã QR nên 215 phiếu đều đảm bảo yêu cầu về số liệu. Thống kê mô tả các biến quan sát trong mô hình được nhóm tác giả trình bày trong Bảng 12.
Bảng 12: Thống kê mô tả các biến quan sát trong mô hình
Nguồn: Thu thập và tính toán của nhóm tác giả
Bảng 12 cho thấy giá trị của các biến đo lường đều có hệ số đối xứng Skewness và hệ số tập trung Kurtosis phân bố trong khoảng [- 1, +1] nên có phân phối gần phân phối chuẩn, do đó, thích hợp cho việc áp dụng phân tích nhân tố khám phá và các kĩ thuật định lượng khác.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm định độ tin cậy của các thang đo trong mô hình bằng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích EFA với các nhân tố độc lập. Kết quả được trình bày trong Bảng 13.
Bảng 13: Kết quả kiểm định độ tin cậy và phân tích EFA
với các nhân tố độc lập
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS 20.0
Kết quả kiểm định độ tin cậy cho thấy, các thang đo trong mô hình đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6. Bên cạnh đó, hệ số tương quan biến - tổng của các biến quan sát trong từng thang đo đều có giá trị lớn hơn 0,3. Do đó, các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy để tiến hành phân tích EFA.
Hệ số KMO có giá trị là 0,821 lớn hơn 0,5 và nhỏ hơn 1, cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu. Kiểm định Bartlett có giá trị Sig. là 0,000, do đó, các biến quan sát có tương quan với nhân tố đại diện.
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA trích ra được 3 nhân tố đại diện cho 9 biến quan sát trong các thang đo tại giá trị Eigenvalues là 1,072 lớn hơn 1.
Bên cạnh đó, 3 nhân tố đại diện giải thích được 70,937% (lớn hơn 50%) mức độ biến động của 9 biến quan sát trong thang đo. Các nhân tố trích ra được như sau:
Nhân tố 1: Bao gồm các biến quan sát KS2, KS1, KS3. Đặt tên cho nhân tố này là KS, đại diện cho nhân tố nhận thức về sự kiểm soát.
Nhân tố 2: Bao gồm biến quan sát là XH3, XH2, XH1. Đặt tên cho nhân tố này là XH, đại diện cho nhân tố nhận thức về áp lực xã hội.
Nhân tố 3: Bao gồm các biến quan sát TD2, TD3, TD1. Đặt tên cho nhân tố này là TD, đại diện cho nhân tố thái độ.
Kết quả kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích EFA với các nhân tố phụ thuộc được trình bày trong Bảng 14.
Bảng 14: Kết quả kiểm định độ tin cậy và
phân tích EFA với nhân tố phụ thuộc
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS 20.0
Kết quả kiểm định độ tin cậy cho thấy, thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6. Bên cạnh đó, hệ số tương quan biến - tổng của các biến quan sát trong từng thang đo đều có giá trị lớn hơn 0,3. Do đó, thang đo đảm bảo độ tin cậy để tiến hành phân tích EFA.
Hệ số KMO có giá trị là 0,718 lớn hơn 0,5 và nhỏ hơn 1, cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu. Kiểm định Bartlett có giá trị Sig là 0,000, do đó, các biến quan sát có tương quan với nhân tố đại diện.
Kết quả phân tích EFA trích ra được 1 nhân tố đại diện cho 3 biến quan sát trong các thang đo tại giá trị Eigenvalues là 2,254 lớn hơn 1.
Bên cạnh đó, 1 nhân tố đại diện giải thích được 75,137% (lớn hơn 50%) mức độ biến động của 3 biến quan sát trong thang đo. Nhân tố trích ra được bao gồm: SS1, SS3, SS2 đặt tên nhân tố là SS đại diện cho mức độ sẵn sàng tham gia hệ thống phí BHTG phân biệt của các đơn vị.
Để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng tham gia hệ thống phí BHTG phân biệt của các đơn vị, chúng tôi thực hiện phân tích hồi quy bội. Kết quả được trình bày trong Bảng 15.
Bảng 15: Kết quả ước lượng mô hình
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS 20.0
Kiểm định F có giá trị Sig. là 0,000. Như vậy, tồn tại ít nhất một hệ số hồi quy khác 0 và mô hình có ý nghĩa.
Bảng 15 cho thấy, kiểm định đa cộng tuyến có hệ số VIF của các biến độc lập trong mô hình đều nhỏ hơn 5. Như vậy, mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến. Bên cạnh đó, Bảng 15 cũng cho thấy hệ số Durbin - Watson có giá trị là 2,076, lớn hơn 1 nhỏ hơn 3 nên mô hình không có hiện tượng tự tương quan.
Bảng 16: Kết quả kiểm định phương sai thay đổi
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS 20.0
Bảng 16 cho thấy kiểm định Breusch-Pagan có giá trị Sig. là 0,288 > 0,05. Như vậy, mô hình không có hiện tượng phương sai thay đổi.
Mô hình hồi quy cuối cùng có dạng:
SS = 0,226 + 0,268xTD + 0,180xXH + 0,479xKS
Như vậy, các nhân tố thái độ, nhận thức về áp lực xã hội, nhận thức về sự kiểm soát đều có ảnh hưởng tích cực, thúc đẩy mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt.
4.4.2. Thảo luận kết quả
Nhân tố thái độ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số hồi quy của nhân tố thái độ có giá trị là 0,268 mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Như vậy, nhân tố thái độ có tác động thúc đẩy mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt. Cụ thể, khi nhân tố thái độ được các đơn vị tham gia đánh giá tăng 1 điểm thì mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của họ sẽ tăng 0,268 điểm. Kết quả này phù hợp với mô hình lí thuyết hành vi dự định.
Nhân tố nhận thức về áp lực xã hội
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số hồi quy của nhân tố nhận thức về áp lực xã hội có giá trị là 0,180 mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Như vậy, nhân tố nhận thức về áp lực xã hội có tác động thúc đẩy mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt. Cụ thể, khi nhận thức về áp lực xã hội được các đơn vị tham gia đánh giá tăng 1 điểm thì mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của họ sẽ tăng 0,180 điểm. Kết quả này phù hợp với mô hình lí thuyết hành vi dự định.
Nhân tố nhận thức về sự kiểm soát
Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số hồi quy của nhân tố nhận thức về sự kiểm soát có giá trị là 0,479 mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Như vậy, nhân tố nhận thức về sự kiểm soát có tác động thúc đẩy mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt. Cụ thể, khi nhận thức về sự kiểm soát được các đơn vị đánh giá tăng 1 điểm thì mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của họ sẽ tăng 0,479 điểm. Kết quả này phù hợp với mô hình lí thuyết hành vi dự định.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
5.1. Kết luận
Dựa trên kết quả mô phỏng về tác động của hệ thống phí BHTG phân biệt, nhóm tác giả đưa ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, việc xây dựng hệ thống phí BHTG phân biệt với các tiêu chí phân loại như đã phân tích ở trên giúp phân loại hiệu quả các ngân hàng vào các nhóm rủi ro. Trong những nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo, nếu có số liệu nội bộ về các khoản mục rủi ro của các NHTM, nhóm có thể tiến hành tính xác suất vỡ nợ của các ngân hàng trong mẫu quan sát nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm để củng cố kết quả trên.
Thứ hai, việc áp dụng phí BHTG phân biệt mang lại kết quả chung là tăng nguồn thu đối với quỹ BHTG so với mức thu phí cố định hiện nay. Đặc biệt trong các giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động vĩ mô, nguồn thu này sẽ tăng cao hơn, phản ánh mức độ rủi ro tăng cao mà các NHTM đang đối mặt.
Thứ ba, mức đóng phí của các thành viên có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm tốt nhất (nhóm 1) và các nhóm còn lại. Các NHTM thuộc nhóm 1 có khả năng giảm bớt mức phí đóng so với mức thu phí cố định hiện nay và họ sẽ tiết kiệm được chi phí nếu duy trì được chất lượng ngân hàng tốt trong các năm tiếp theo. Ngược lại, mức phí có xu hướng tăng mạnh ở nhóm 3 và sẽ tiếp tục tăng nếu các ngân hàng trong nhóm này không cải thiện được hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng.
Thứ tư, việc áp dụng tăng phí ở mức cao có thể tác động mạnh đến mức phí BHTG thu được, đặc biệt ở giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động bất lợi. Chênh lệch trong mức thu phí là rất lớn giữa các nhóm ngân hàng, do đó, việc xác định tỉ lệ phí cho từng nhóm cần được nghiên cứu kĩ lưỡng. Nhóm nghiên cứu cho rằng, khi các thành viên phải chịu mức phí quá lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn thì sẽ là gánh nặng về chi phí, làm xói mòn lợi nhuận và tăng thêm khó khăn cho các NHTM.
5.2. Hàm ý chính sách nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của các đơn vị
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, các nhân tố thái độ, nhận thức về áp lực xã hội, nhận thức về sự kiểm soát đều có ảnh hưởng tích cực đến mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của các đơn vị. Do đó, để nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của các đơn vị, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào thúc đẩy sự đánh giá tích cực của các đơn vị tham gia về các nhân tố này. Cụ thể:
Với nhân tố thái độ
Hầu hết các đơn vị tham gia đánh giá nhân tố thái độ với các biến quan sát ở mức trên 3, thể hiện hầu hết các đơn vị đều có nhận thức tích cực về việc tham gia phí BHTG phân biệt. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa thái độ tham gia của các đơn vị, các nhà hoạch định chính sách cần ban hành các hệ thống văn bản pháp lí cụ thể quy định việc tham gia phí BHTG phân biệt, tổ chức các buổi tọa đàm làm rõ khía cạnh lợi ích của các đơn vị khi tham gia nói riêng và của nền kinh tế nói chung. (Bảng 17)
Bảng 17: Đánh giá của các đơn vị về nhân tố thái độ
Nguồn: Kết quả tính toán từ phần mềm SPSS 25.0
Với nhân tố nhận thức về áp lực xã hội
Hầu hết các đơn vị tham gia đánh giá nhận thức về áp lực xã hội với các biến quan sát ở mức dưới 3. Kết quả này thể hiện áp lực từ xã hội, từ đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng không lớn đến mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt. Đây thực sự là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần đầu tư nguồn lực để gia tăng nhận thức của các đơn vị tham gia. Các đơn vị tham gia chưa cảm nhận áp lực cạnh tranh từ các đơn vị khác khi tham gia phí BHTG phân biệt, cũng chưa nhận thấy được sự quan tâm đánh giá của cơ quan quản lí nhà nước về việc tham gia tích cực vào hệ thống phí mới này. Do đó, về phía cơ quan quản lí nhà nước cần làm rõ các khía cạnh liên quan đến việc khen thưởng và chế tài đối với việc tham gia hệ thống phí BHTG phân biệt của các đơn vị trong tương lai. (Bảng 18)
Bảng 18: Đánh giá của các đơn vị về nhân tố nhận thức về áp lực xã hội
Nguồn: Kết quả tính toán từ phần mềm SPSS 25.0
Với nhân tố nhận thức về sự kiểm soát
Hầu hết các đơn vị tham gia đánh giá nhân tố nhận thức về sự kiểm soát với các biến quan sát ở mức trên 3. Kết quả này thể hiện, các đơn vị tham gia đều cho rằng, họ có thể kiểm soát được các mức phí khi tham gia, cũng như việc hiểu và áp dụng các phương pháp tính trong hệ thống phí mới. Đồng thời, các đơn vị tham gia hầu hết cho rằng họ có đủ nhân lực và vật lực khi tham gia phí BHTG phân biệt. (Bảng 19)
Bảng 19: Đánh giá của các đơn vị về nhân tố nhận thức về sự kiểm soát
Nguồn: Kết quả tính toán từ phần mềm SPSS 25.0
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1985). From Intentions to Actions: A Theory of Planned Behavior. In J. Kuhl & J. Beckmann (Eds.), Action Control: From Cognition to Behavior (pages 11-39). Springer. https://doi.org/10.1007/978-3-642-69746-3_2
2. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
3. CDIC (2023). Canada Deposit Insurance Corporation Differential Premiums By-law SOR/99-120. https://laws.justice.gc.ca/eng/regulations/SOR-99-120/FullText.html.
4. Chính phủ (2020), Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
5. DIV (2022). Phí BHTG phân biệt - Kinh nghiệm của Malaysia và liên hệ với Việt Nam, truy cập ngày 30/6/2023 tại http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&CatID=&ArticleId=9167.
6. IADI (2011). General Guidance for Developing Differential Premium Systems.
7. IADI (2020). Evaluation of Differential Premium Systems for Deposit Insurance.
8. Nier, E., & Baumann, U. (2006). Market discipline, disclosure and moral hazard in banking. Journal of Financial Intermediation, 15(3), pages 332-361. https://doi.org/10.1016/j.jfi.2006.03.001
9. PIDM (2020). Guidelines on the Differential Premium Systems for Deposit Insurance System.
10. Ufier, A., Martin, C., & Puri, M. (2017). On Deposit Stability in Failing Banks (SSRN Scholarly Paper ID 2998858). Social Science Research Network. https://papers.ssrn.com/abstract=2998858
11. UNCTAD. (2008). Creative economy report. Retrieved from http://unctad.org/en/docs/ditc20082cer_en.pdf
PGS., TS. Nguyễn Đức Trung, Trần Kim Long, Lê Hoàng Anh
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh