Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
26/05/2023 13.074 lượt xem
Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mô hình hình nghiên cứu tác động của các biến số bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài sản đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIA) và nợ đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL)) lên GDP; biến tăng trưởng kinh tế và các biến trung gian gồm có tổng vốn đầu tư toàn xã hội (CAP), trị giá xuất khẩu hàng hóa (EX) và trị giá nhập khẩu hàng hóa (IM). Dựa trên dữ liệu theo quý giai đoạn 2006 - 2021, kết quả kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen chỉ ra mối đồng liên kết trong mô hình nghiên cứu. Ước lượng Mô hình véc - tơ hiệu chỉnh sai số hồi quy (Vector Error Correction Model - VECM) cho thấy, tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế và CAP trong dài hạn không có ý nghĩa thống kê, trong khi FDI tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu có ý nghĩa thống kê trong dài hạn. Kiểm định nhân quả Granger cho thấy, FDI tác động tích cực đến các biến trung gian bao gồm CAP và EX trong ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, bên cạnh một số tác động mà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại cho nền kinh tế như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế còn tồn tại một số hạn chế do hoạt động khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Từ kết quả nghiên cứu, các kiến nghị về chính sách và giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
 
Từ khóa: FDI, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam.
 
IMPACTS OF FOREIGN DIRECT INVESTMENT ON ECONOMIC GROWTH IN VIETNAM
 
Abstract: The study was conducted with the goal of assessing the impact of foreign direct investment on Vietnam’s economic growth. The research model investigates the impact of variables, including foreign direct investment (FDI, DIA and DIL) on GDP - variables indicating economic growth and mediators including gross capital formation (CAP), exports of goods by value (EX) and imports of goods by value (IM). Based on quarterly data from 2006 to 2021, the cointegration test result shows the existence of cointegrations in the research model. Estimating VECM illustrates the positive and insignificant impact of FDI on economic growth and CAP in the long run, while FDI has a short-run negative effect on IM. Granger causality test indicates that existing a short-run positive impact of FDI on mediators, including CAP and EX. Qualitative research results show that, in addition to positive benefits such as boosting exports and employment creation, some effects caused by FDI on economic growth are still limited, due to inefficient activities of the FDI sector. Based on the research results, policy recommendations and solutions are given to improve the efficiency of FDI, thereby contributing to promoting Vietnam’s economic growth.
 
Keywords: FDI, economic growth, Vietnam.
 
1. Đặt vấn đề
 
Đầu tư trực tiếp nước ngoài được coi là yếu tố then chốt trong quá trình hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã định nghĩa như sau: "Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một loại hình đầu tư xuyên biên giới, trong đó nhà đầu tư ở nền kinh tế khác sở hữu từ 10 phần trăm trở lên quyền biểu quyết trong một doanh nghiệp ở một nền kinh tế cư trú nhằm thiết lập mối quan tâm về lợi ích lâu dài"  (OECD Library, 2022). Kể từ năm 2000, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng không ngừng, đặc biệt trong giai đoạn từ 2006 - 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có bước phát triển vượt bậc (World Bank, 2022). Sự gia tăng trong dòng vốn đã mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỉ USD tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021 (Phạm Thị Thanh Bình và cộng sự, 2023). Bên cạnh đó, hoạt động thương mại quốc tế và năng suất lao động cũng được cải thiện.
 
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm làm rõ tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung. Nghiên cứu của Nguyễn Thành Nam (2018) đã cho thấy, dưới tác động của các nhân tố thể chế và môi trường vĩ mô, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có tác động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cùng kết quả nghiên cứu, Panagiotis Pegkas (2015) chỉ ra rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Âu. Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều nghiên cứu lại cho thấy rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài không có mối quan hệ đối với tăng trưởng kinh tế hay nếu có tác động thì cũng theo chiều hướng tiêu cực. Dựa trên sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian giai đoạn 1970 - 2005,  kết quả nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế Malaysia của Karimi và Yusop (2009) đã đưa ra kết luận rằng, không có bằng chứng chắc chắn về mối quan hệ nhân quả hai chiều và mối quan hệ lâu dài giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Shimul và cộng sự (2009) cũng chỉ ra kết quả tương tự. Buckley và cộng sự (2002) đã đưa ra khẳng định, doanh nghiệp nhà nước không thu được lợi ích và nhận được tác động lan tỏa tiêu cực từ các nhà đầu tư nước ngoài với nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc.
 
Do đó, nhằm củng cố lại tính thực nghiệm về tác động trên cũng như quan sát rõ hơn tác động cụ thể của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua các yếu tố khác ngoài vốn, nghiên cứu là cần thiết để Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc và đưa ra chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả cho khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
2. Cơ sở lí thuyết và lược khảo các công trình nghiên cứu liên quan
 
Nghiên cứu về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế đã được nghiên cứu rộng rãi. Tuy nhiên, nhìn chung, các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế đã đưa ra nhiều kết quả khác nhau. Trong đó, ba xu hướng tác động chính mà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại bao gồm: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế; (ii) Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế chưa rõ ràng; (iii) Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
 
Về xu hướng tác động đầu tiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu của Khun (2018) về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế của Campuchia với dữ liệu chuỗi thời gian trong suốt giai đoạn 2006 - 2016 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị rằng, Chính phủ nên cải cách thị trường trong nước để thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia. Silajdzic và Mehic (2015) ủng hộ giả thuyết đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thông qua lan tỏa tri thức và những nền kinh tế chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, chứng kiến mức độ phát triển công nghệ cao hơn và hiệu suất tăng trưởng tốt hơn. Kết quả nghiên cứu của Borensztein và cộng sự (1998) với dữ liệu nghiên cứu từ 69 quốc gia công nghiệp và đang phát triển trong hai thập kỉ từ 1970 - 1979 và 1980 - 1989 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự có tác động tích cực đến nền kinh tế và chỉ ra đầu tư trực tiếp nước ngoài là phương tiện quan trọng để chuyển giao công nghệ, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng so với đầu tư trong nước. Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Hiếu (2020) nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2000 - 2018 đã cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế có tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nghiên cứu của Sử Đình Thành và cộng sự (2020) với nghiên cứu trên 43 tỉnh, thành tại Việt Nam giai đoạn 1997 - 2012 đã cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác cùng chiều với tăng trưởng kinh tế địa phương trong dài hạn. Bên cạnh đó, các biến trung gian khác như nguồn nhân lực, thuế, độ mở thương mại, cơ sở hạ tầng cũng có mối quan hệ nhân quả với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cũng nghiên cứu dựa trên các tỉnh, thành Việt Nam, Sajid Anwar và Nguyễn Phi Lân (2010) với bộ dữ liệu bảng dựa trên 61 tỉnh của Việt Nam giai đoạn 1996 - 2005 đã đưa ra kết luận, tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tồn tại mối liên kết hai chiều và tăng cường lẫn nhau. Trịnh Hoài Nam và Nguyễn Mai Ánh Quỳnh (2015) nghiên cứu tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2013 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước, mở cửa thương mại và giáo dục có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Lê Hà Thu và Phạm Thị Hoàng Anh (2014) đưa ra kết luận, đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động rất tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam thông qua các yếu tố như tác động mạnh đến tổng vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến các yếu tố: Hoạt động xuất khẩu, lực lượng lao động và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự rõ ràng.
 
Đối với kết luận tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế chưa rõ ràng, nghiên cứu của Phyoe (2015) xem xét mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia ASEAN bao gồm Myanmar, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong giai đoạn nghiên cứu từ năm 1991 đến năm 2013, kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng, không thể kết luận đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực hay tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn vì kết quả không đáng kể. Nghiên cứu của Žilinsk (2010) cho rằng, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tích cực và tiêu cực, điều này phụ thuộc vào loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực, quy mô, thời gian, địa điểm kinh doanh, mật độ các doanh nghiệp địa phương trong ngành và nhiều tác động phụ khác. Nghiên cứu của Beugelsdijk và cộng sự (2008) mang lại kết quả tương đồng. Karimi và Yusop (2009) đưa ra kết luận cuối cùng rằng, không có mối liên hệ lâu dài giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tại Malaysia giai đoạn 1970 - 2005. Nghiên cứu về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc của Zhao và Du (2007) cũng đưa ra kết luận rằng, tác động kích thích nền kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài không có ý nghĩa thống kê. 
 
Về xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Durham (2004) xem xét tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư danh mục (EFPI) đối với tăng trưởng kinh tế với dữ liệu của 80 quốc gia từ năm 1979 đến năm 1998. Kết quả cho thấy, các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và EFPI phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nước chủ nhà. Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài có những tác động không đáng kể hoặc thậm chí là tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển. Ông cho rằng, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài phụ thuộc vào khả năng hấp thụ năng lực của nước sở tại. Tương tự, kết quả nghiên cứu của Carkovic và Levine (2002) không phù hợp với quan điểm rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng mà không phụ thuộc vào các yếu tố quyết định tăng trưởng khác. Buckley và cộng sự (2002) sử dụng dữ liệu năm 1995 với đối tượng là các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đã đưa ra khẳng định, doanh nghiệp nhà nước không thu được lợi ích và nhận được tác động lan tỏa tiêu cực từ các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Có thể thấy, có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, việc nghiên cứu trong các giai đoạn khác nhau và phương pháp nghiên cứu khác nhau cho ra các kết quả có chiều hướng tác động trái chiều và tồn tại một số khoảng trống nhất định. Nhiều nghiên cứu vẫn chưa cho thấy các đặc tính năng động ngắn hạn và đồng liên kết dài hạn. Cụ thể như nghiên cứu của Sử Đình Thành và cộng sự (2020), Lê Hà Thu và Phạm Thị Hoàng Anh (2014). Một số nghiên cứu khác cho thấy mối quan hệ trong cả ngắn hạn và dài hạn như nghiên cứu của Hà Thành Công (2019), Nguyễn Hữu Hiếu (2020) và Nguyễn Anh Tú (2017). Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mới xem xét tác động trực tiếp của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế chứ chưa xem xét mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài tới các biến trung gian đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
 
3. Mô hình, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
 
Dựa vào các lí thuyết liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hill (2021), các lí thuyết về tăng trưởng kinh tế nói chung bao gồm các học thuyết kinh tế học cổ điển, lí thuyết tăng trưởng của trường phái tân cổ điển và các nghiên cứu của Mohamed và cộng sự (2013), Hà Thành Công (2019), nghiên cứu đề xuất mô hình VECM nhằm xác định tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mô hình được mô tả như sau:
 
Yt = [GDPt, CAPt, EXt, IMt, FDIt, DIAt, DILt]
 

 
Trong đó, α là véc - tơ của hằng số, βi là hệ số ước lượng ngắn hạn trong mô hình VECM, λi là tốc độ của thông số điều chỉnh có dấu âm; ECTt-1 là hàm hiệu chỉnh sai số chứa thông tin dài hạn có được từ mối quan hệ đồng liên kết trong dài hạn, k là độ trễ của mô hình. Trong mô hình (1), biến GDP đại diện cho tăng trưởng kinh tế, các biến trung gian bao gồm CAP, EX và IM. Bên cạnh đó, FDI, DIA và DIL là các biến đại diện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. (Bảng 1)

Bảng 1: Cơ sở đề xuất mô hình

Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu trước

Nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nghiên cứu sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian thứ cấp với tần suất quý từ quý I/2006 đến quý IV/2021, được thu thập từ Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổng cục Thống kê. Trước khi đưa vào phân tích, dữ liệu đã được xử lí tính mùa vụ bằng phương pháp Census X-12 trên phần mềm Eview 10 và được logarit hóa theo cơ số tự nhiên nhằm đảm bảo tính ổn định cho các biến khi đưa vào mô hình. Thống kê mô tả các biến được thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 2: Tóm tắt thống kê mô tả các biến trong mô hình

Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả
 
Về phương pháp nghiên cứu, mô hình VECM cho chuỗi thời gian được sử dụng với sự hỗ trợ của phần mềm Eview 10 nhằm kiểm định mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các biến trung gian. Để kiểm định mối quan hệ giữa các biến trong mô hình, nghiên cứu thực hiện kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen và kiểm định nhân quả Granger. Sau đó, các kiểm định chẩn đoán được sử dụng nhằm đánh giá sự phù hợp cho mô hình. 
 
Trình tự nghiên cứu được thực hiện dựa trên các bước như sau: 
 
(i) Kiểm tra tính dừng cho chuỗi dữ liệu bằng kiểm định nghiệm đơn vị Augmented Dickey-Fuller (ADF); (ii) Xác định độ trễ dựa vào chuẩn thông tin Akaike và kiểm định tính đồng liên kết giữa các biến cho mô hình bằng phương pháp Johansen; (iii) Ước lượng mô hình VECM nhằm xác định mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa FDI và tăng trưởng kinh tế; (iv) Kiểm định nhân quả Granger xác định mối quan hệ nhân quả của các biến trong mô hình; (v) Xác định chiều hướng và mức độ tác động dựa trên phân tích phản ứng xung và phân rã phương sai; (vi) Kiểm định chẩn đoán sự phù hợp của mô hình.
 
Kiểm định nghiệm đơn vị ADF được thực hiện nhằm kiểm định tính dừng cho các biến. Kết quả kiểm định trong Bảng 3 cho thấy, các biến đều dừng tại sai phân bậc 1, I(1), trừ biến FDI và biến DIL dừng tại bậc gốc, I(0). (Bảng 3)

Bảng 3: Kết quả kiểm định tính dừng
 
                                    Ghi chú: ***, **, * tương ứng với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%
Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 
 
4.1. Mối quan hệ trong dài hạn
 
Sau khi xác định bậc trễ tối ưu cho mô hình dựa trên khuyến nghị của chuẩn thông tin Akaike cho hai bậc trễ, kiểm định đồng liên kết cho các chuỗi dữ liệu theo phương pháp Johansen được thực hiện với kết quả kiểm định được thể hiện trong Bảng 4. Kết quả kiểm định cho thấy, có hai mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến trong mô hình. Dựa vào kết quả kiểm định, nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình VECM nhằm ước lượng tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế cũng như tác động của các biến số trong ngắn hạn và dài hạn. (Bảng 4, 5, 6)

Bảng 4: Kết quả kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen

Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10

Bảng 5: Kết quả ước lượng phương trình trong dài hạn
 
Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10
 
Bảng 6: Ý nghĩa thống kê các biến phụ thuộc 
của phương trình trong dài hạn
                                     Ghi chú: ***, **, * tương ứng với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%
Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10

Kết quả ước lượng mô hình VECM trong dài hạn được thể hiện trong Bảng 5. Kết quả ước lượng mô hình VECM với bậc trễ là hai và hai mối đồng liên kết được xác định theo phương pháp Johansen cho thấy, dòng FDI có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Cụ thể, FDI tăng 1% làm GDP tăng tương ứng là 4,03%. Tác động theo chiều ngược lại, DIA và DIL có tác động ngược chiều đến GDP. Cụ thể DIA và DIL tăng 1% làm GDP giảm tương ứng là 2,05% và 5,14%. Tuy nhiên, phân tích ý nghĩa thống kê các biến phụ thuộc trong phương trình dài hạn tại Bảng 6 cho thấy kết quả ước lượng mô hình ngoại trừ hai trường hợp với biến DGDP và biến DCAP làm biến phụ thuộc, thì tất cả các biến phụ thuộc còn lại đều có ý nghĩa thống kê. Do đó, không thể kết luận rằng có mối quan hệ dài hạn giữa GDP và FDI.
 
4.2. Mối quan hệ trong ngắn hạn 

Bảng 7: Kết quả ước lượng mô hình VECM trong ngắn hạn


                                    Ghi chú: ***, **, * tương ứng với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%
Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10
 
Kết quả ước lượng mô hình VECM trong ngắn hạn trong Bảng 7 cho thấy tác động giữa các biến số. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy các tác động có ý nghĩa thống kê bao gồm tác động của biến FDI đến biến GDP, tác động của ba biến FDI, DIA và DIL lên biến CAP, mối quan hệ hai chiều trong ngắn hạn giữa CAP và DIL, tác động của FDI và DIL tới EX. Phân tích kết quả kiểm định Granger sau đây sẽ thể hiện rõ hơn về tác động giữa các biến trong ngắn hạn. (Bảng 8)

Bảng 8: Tóm tắt kết quả phân tích kiểm định Granger
 
                                    Ghi chú: ***, **, * tương ứng với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%
Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10

Kiểm định Granger trong Bảng 8 cho thấy, trong ngắn hạn, các biến FDI, DIA và DIL không là nguyên nhân gây biến động GDP. Tuy nhiên, FDI và DIL lại có tác động tới CAP tại các mức ý nghĩa tương ứng là 5% và 1% và tác động tới EX tại mức ý nghĩa 10%. Ngược lại, tác động của CAP đến DIL và DIA cũng được tìm thấy trong kết quả phân tích.
 
Nghiên cứu tiếp tục phân tích hàm phản ứng xung để thấy được tác động của FDI, DIA, DIL đến GDP và các biến trung gian. Kết quả phân tích hàm phản ứng xung của các biến trong mô hình ước lượng VECM trong Hình 1 cho thấy, đối với 1% tăng trong FDI, phản ứng của các biến được đo lường như sau: GDP tăng nhẹ 0,004% trong quý thứ 2 sau đó giảm sâu với mức 0,021% trong quý thứ 3, phản ứng tiêu cực của GDP trước cú sốc về FDI nhẹ dần và kéo dài đến quý thứ 35 thì không còn phản ứng, duy trì ở mức 0,005%. Ở chiều ngược lại, CAP phản ứng tích cực với mức tăng 0,038% trong quý thứ 3 sau sốc, sau đó mức độ tăng giảm dần và duy trì ở mức 0,02% từ quý thứ 20. Đối với biến EX, phản ứng tiêu cực với mức giảm nhẹ 0,0029% trong quý thứ 2 sau sốc, sau đó EX đảo ngược chiều, bắt đầu tăng và đạt đỉnh vào quý thứ 4 sau sốc với mức tăng 0,0096%. Phản ứng giảm dần và duy trì mức tăng 0,0039% sau 30 quý. 
 
Đối với cú sốc trong DIA, CAP có phản ứng tiêu cực và giảm 0,038% trong quý thứ 4. Sau đó, phản ứng nhẹ dần và duy trì mức giảm tại 0,013% sau khoảng 30 quý.
 
Đối với cú sốc trong DIL, phản ứng của CAP cũng có sự biến động tăng giảm liên tục sau 10 quý đầu sau đó phản ứng tắt dần và gần như không còn phản ứng sau 15 quý. EX phản ứng theo chiều hướng tiêu cực trước cú sốc trong DIL với mức giảm 0,0189% trong quý thứ 3. Phản ứng nhẹ dần và duy trì mức 0,0117% sau 33 quý. (Hình 1)
 
Hình 1: Kết quả phân tích phản ứng xung


Kết quả phân rã phương sai trong Bảng 9 cho thấy, biến động của GDP chủ yếu được giải thích bởi chính nó và DIA. FDI và DIL cũng giải thích cho GDP, tuy nhiên, mức độ giải thích không đáng kể. Trong khi diễn biến của CAP được giải thích bởi chính nó là chủ yếu, bên cạnh đó còn được giải thích bởi FDI, DIA và DIL. Đối với diễn biến của EX và IM, mức độ quyết định bởi các biến FDI, DIA, DIL là không đáng kể. Riêng DIL giải thích khoảng 3,46% cho EX và DIA giải thích cho IM 4,14% sau 20 quý. Từ đó, có thể kết luận như sau: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động khá nhỏ tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; (ii) Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động đáng kể tới vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; (iii) Trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu bị tác động không nhỏ bởi diễn biến trong nợ và tài sản đầu tư trực tiếp. (Bảng 9)

Bảng 9:  Kết quả phân rã phương sai

Nguồn: Theo tính toán của nhóm tác giả từ phần mềm Eview 10
 
Sau khi ước lượng mô hình, các kết quả kiểm định chẩn đoán bao gồm kiểm định nghiệm đặc trưng tự hồi quy đều nằm trong vòng tròn đơn vị nên mô hình có tính ổn định (Hình 2); kiểm định LM và Portmanteau cho thấy phần dư của VECM không có hiện tượng tự tương quan; kiểm định White cho thấy phần dư của mô hình không có hiện tượng phương sai thay đổi (Bảng 10). Do đó, có thể kết luận rằng, mô hình là phù hợp và có ý nghĩa thống kê.

Hình 2: Kết quả kiểm định nghiệm đặc trưng AR


 
Bảng 10: Kết quả chẩn đoán cho mô hình

 
4.3. Thảo luận
 
Nghiên cứu đã kiểm định tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua ba biến bao gồm FDI, DIA và DIL đến tăng trưởng kinh tế và các biến trung gian bao gồm CAP, EX và IM. Kết quả cho thấy, sự tương đồng trong dấu kì vọng ở một vài biến, tuy nhiên, cũng có kết quả trái với kì vọng. So sánh kết quả so với dấu kì vọng được tóm tắt trong Bảng 11.

Bảng 11: So sánh kết quả ước lượng mô hình nghiên cứu 
và kì vọng về chiều hướng tác động
 
                                    Ghi chú N/A: Không có ý nghĩa thống kê
 
Đối với biến GDP biểu thị cho tăng trưởng kinh tế: Về dài hạn, kết quả ước lượng mô hình VECM cho thấy mối quan hệ dài hạn đồng biến giữa FDI và GDP, tuy nhiên, kết quả không có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 10%. Tuy nhiên, ước lượng ngắn hạn mô hình VECM cho thấy FDI có tác động nhẹ đến GDP tại mức ý nghĩa 5% trong khi kết quả phân tích Granger không tìm thấy mối quan hệ giữa hai biến này. Do đó, có thể kết luận rằng, FDI không có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Kết quả này mặc dù đi ngược với kết luận rằng FDI có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một số nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Lê Hà Thu và Phạm Thị Hoàng Anh (2014); Nguyễn Minh Kiều và cộng sự (2016) nhưng cũng đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Phyoe (2015), Beugelsdijk và cộng sự (2008), Karimi và Yusop (2009), Zhao và Du (2007). Kết quả này chứng minh rằng, mặc dù lượng FDI vào Việt Nam có sự gia tăng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Nghiên của Tú (2022) đã cho thấy, vấn đề thất thoát trong thu ngân sách nhà nước gây ra bởi hiện tượng chuyển giá và tác động lan tỏa của FDI là hai thực trạng lớn tồn tại trong hoạt động của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 - 2015, ghi nhận khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kê khai lỗ, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hơn 14.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài báo lỗ trên cả nước năm 2021, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp. Về tác động lan tỏa, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất lao động nhờ vào tiến bộ công nghệ, tuy nhiên tác động lan tỏa và chuyển giao công nghệ mà khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chưa thực sự lớn. 
 
Đối với biến CAP: Kết quả ước lượng mô hình VECM cho thấy tác động tích cực của FDI đến CAP nhưng lại không có ý nghĩa thống kê trong dài hạn. Tuy nhiên, kết luận trong ngắn hạn thông qua ước lượng mô hình và kiểm định Granger cho thấy, FDI thực sự tác động đến CAP và mối quan hệ hai chiều giữa DIL và CAP. Trong đó, FDI thúc đẩy CAP. Kết quả này trùng khớp với kết luận của Krkoska (2002), Lê Hà Thu và Phạm Thị Hoàng Anh (2014), Olorogun và cộng sự (2022). Trong 10 năm trở lại đây, tỉ lệ đóng góp của FDI đến CAP đã giảm đáng kể từ 20,5% (2010) xuống 15,8% (2021). Tác động tích cực của FDI đến CAP cho thấy hiệu quả sử dụng vốn có sự cải thiện. Thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng vốn tại Việt Nam đã tăng từ 5,5 đến 15,54 trong giai đoạn 2010 - 2021, với phần lớn số vốn được sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản (Tổng cục Thống kê, 2021). Đo lường tác động tiêu cực của DIL tới CAP cho thấy ảnh hưởng là không đáng kể, gần như bằng 0 trong hầu hết các giai đoạn. 
 
Đối với biến EX: Kết quả ước lượng cho thấy tác động tiêu cực của FDI đến xuất khẩu trong dài hạn. Kết quả này tương đồng với phát hiện được tìm thấy trong nghiên cứu của Zenegnaw Abiy Hailu (2010) tại các quốc gia châu Phi và nghiên cứu của Yang và Zou (2007) tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, EX lại có phản ứng tích cực trước tác động của FDI. Tác động trái chiều của EX trong ngắn hạn và dài hạn tại Việt Nam có thể được giải thích như sau: Theo nghiên cứu của UNCTAD (1999), FDI có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng, hầu hết tác động có ý nghĩa đối với xuất khẩu công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao đối với các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp hơn 70% trị giá xuất khẩu, do đó có thể thấy được tác động của khu vực này. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận các lĩnh vực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Debackere (2003) cũng cho thấy FDI không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước. Đây có thể là nguyên nhân khiến FDI tác động tiêu cực đến xuất khẩu trong dài hạn. 
 
Đối với biến IM: Kết quả ước lượng cũng cho thấy tác động tiêu cực của FDI đến nhập khẩu trong dài hạn trong khi mối quan hệ trong ngắn hạn không có ý nghĩa thống kê. Kết quả nghiên cứu đi ngược lại với kết luận của Alguacil và Orts (2003), Damooei và Tavakoli (2006), Tabassum và cộng sự (2012) rằng FDI có tác động thúc đẩy nhập khẩu.
 
5. Kết luận và hàm ý chính sách
 
Nghiên cứu về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sử dụng mô hình VECM với các biến số theo tần suất quý giai đoạn 2006 - 2021 cho thấy:
 
Thứ nhất, FDI có mối quan hệ đồng biến với GDP trong dài hạn, tuy nhiên, không có ý nghĩa thống kê. Xét về tác động ngắn hạn, nghiên cứu cũng không nhận thấy mối tương quan giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và GDP. Do đó, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện cho các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả, trước tiên cần phải hoàn thiện môi trường kinh doanh bao gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô như tỉ lệ lạm phát, nợ xấu; các vấn đề xã hội bao gồm dân số, trình độ lao động, văn hóa, đến các vấn đề về thể chế chính trị. Từ đó, duy trì và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
 
Thứ hai, nghiên cứu phát hiện ra tác động của FDI đến các biến trung gian bao gồm CAP, EX và IM. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong dài hạn, FDI có tác động theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, EX lại có phản ứng tích cực trước tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phản ứng trái chiều cho thấy, một mặt đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu khi đóng góp trên 50% tổng kim ngạch, tuy nhiên, mặt khác, muốn duy trì tác động tích cực thì cần phải cải thiện hiệu quả khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực mang lại chuỗi giá trị cao cũng như hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực này. Đối với hoạt động xuất khẩu, chuyển từ gia công xuất khẩu sang sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn. Đối với hoạt động nhập khẩu, tiếp tục giảm nhập khẩu nhóm hàng hóa tiêu dùng trong nước, thay vào đó chỉ nhập khẩu các nhóm hàng hóa không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, công nghệ cao. Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ trong nước, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tạo liên kết với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm nâng cao khả năng học hỏi, tiếp thu và chuyển giao công nghệ mới.
 
Đối với tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nghiên cứu không phát hiện mối liên hệ có ý nghĩa giữa FDI với nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong dài hạn. Tuy nhiên, FDI có tác động thúc đẩy CAP trong ngắn hạn. Trong thực tiễn, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói riêng mà cả đối với cơ cấu các ngành và nền kinh tế nói chung. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, một số hàm ý chính sách được đề xuất như sau: (i) Một là, phân bổ lại nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài  vào các nhóm ngành dựa trên năng suất, mang lại giá trị gia tăng cao và nhóm ngành có lợi thế như lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, giảm mức độ tập trung vào nhóm ngành thay thế nhập khẩu, khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Để làm được điều này, cần quy định rõ ràng và minh bạch các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực hạn chế/cấm đầu tư (các lĩnh vực gây hại cho tài nguyên, môi trường, hiệu quả thấp và thời gian thu hồi vốn dài), lĩnh vực cần thu hút đầu tư với những hạn chế/ưu đãi cụ thể; (ii) Hai là, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thúc đẩy đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tổng vốn phục vụ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống pháp lí quy định chặt chẽ các yêu cầu trong quy trình hoạt động kinh doanh, nhằm tránh gian lận và thất thoát thuế, đặc biệt là vấn đề chuyển giá. 
 
Bên cạnh những kết quả mang lại, nghiên cứu còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, FDI tác động nhiều đến nền kinh tế thông qua việc đóng góp vào tăng GDP, hoạt động xuất khẩu, cải tiến công nghệ và nguồn lao động. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu tác động trực tiếp đến các yếu tố là tăng GDP, vốn và hoạt động thương mại. Trong khi kết quả cho thấy, tác động trực tiếp của FDI đến tăng trưởng kinh tế là không có ý nghĩa thống kê. Thứ hai, mặc dù có đưa thêm hai biến là DIL và DIA để quan sát diễn biến tác động đến nền kinh tế, song tác động chưa thực sự rõ ràng mà chỉ đóng góp mức độ ý nghĩa cho mô hình. Thứ ba, nghiên cứu phân tích tác động của FDI chưa dựa trên các yếu tố thể chế và môi trường kinh doanh. Đây là hai yếu tố quan trọng trong việc xác định tác động đến tăng trưởng kinh tế. 
 
Qua các lí thuyết và kết quả thực nghiệm, có thể thấy rằng, tăng trưởng kinh tế không chỉ được tác động thông qua GDP mà còn được điều chỉnh bởi các biến trung gian khác, trong đó tác động về công nghệ và nguồn vốn lao động là hai biến số mạnh mẽ. Do đó, nên kết hợp các biến này vào trong các nghiên cứu tiếp theo. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tới có thể phân tích sâu hơn về tác động của hai biến DIL và DIA nhằm đánh giá, đo lường rủi ro trong nền kinh tế và tài chính, đặc biệt trong môi trường hội nhập như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Alguacil, M. T., and Orts, V. (2003). Inward Foreign Direct Investment and Imports in Spain. International Economic Journal, 17(3), pages 19-38. https://doi.org/10.1080/10168730300080017
2. Beugelsdijk, S., Smeets, R., and Zwinkels, R. (2008). The impact of horizontal and vertical FDI on host’s country economic growth. International Business Review, 17(4), pages 452-472. https://doi.org/10.1016/j.ibusrev.2008.02.004
3. Borensztein, E., Gregorio, J. D., and Lee, J.-W. (1998). How does foreign direct investment affect economic growth? Journal of International Economics, 45, (1), pages 115-135.
4. Buckley, P. J., Clegg, J., and Wang, C. (2002). The Impact of Inward FDI on the Performance of Chinese Manufacturing Firms. Journal of International Business Studies, 33(4), pages 637-655. https://doi.org/10.1057/palgrave.jibs.8491037
5. Carkovic, M., and Levine, R. E. (2002). Does Foreign Direct Investment Accelerate Economic Growth? SSRN Electronic Journal. https://doi.org/10.2139/ssrn.314924
6. Damooei, J., and Tavakoli, A. (2006). The Effects of Foreign Direct Investment and Imports on Economic Growth: A Comparative Analysis of Thailand and the Philippines (1970-1998). The Journal of Developing Areas, 39(2), pages 79-100.
7. Debackere, K. (2003). Does Foreign Direct Investment Crowd Out Domestic Entrepreneurship? SSRN Electronic Journal. https://doi.org/10.2139/ssrn.320762
8. Durham, J. B. (2004). Absorptive capacity and the effects of foreign direct investment and equity foreign portfolio investment on economic growth. European Economic Review, 48(2), pages 285-306. https://doi.org/10.1016/S0014-2921(02)00264-7
9. Hailu, Z. A. (2010). Impact of Foreign Direct Investment on Trade of African Countries. International Journal of Economics and Finance, 2(3), p122. https://doi.org/10.5539/ijef.v2n3p122
10. Hieu, N. H. (2020). Impact of Foreign Direct Investment and International Trade on Economic Growth: Empirical Study in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(3), pages 323-331. https://doi.org/10.13106/JAFEB.2020.VOL7.NO3.323
11. Hill, C. W. (2021). Foreign Direct Investment. Trong Global Business Today (8th a.b, pages 210-240). McGraw Hill.
12. Karimi, M. S., and Yusop, Z. (2009). FDI and Economic Growth in Malaysia.
Khun, S. (2018). The Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth in Cambodia: Empirical Evidence. https://doi.org/10.18775/ijied.1849-7551-7020.2015.45.2004
13. Krkoska, L. (2002). Foreign direct investment financing of capital formation in Central and Eastern Europe. United Nation, 18.
14. Nam, T. H., and Quynh, N. M. A. (2015). The Impact of Foreign Direct Investment on Economic Growth: Evidence from Vietnam. 9.
15. OECD ilibrary. (2022). Foreign direct investment (FDI) [Text]. https://www.oecd-ilibrary.org/finance-and-investment/foreign-direct-investment-fdi/indicator-group/english_9a523b18-en
16. Olorogun, L. A., Salami, M. A., and Bekun, F. V. (2022). Revisiting the Nexus between FDI, financial development and economic growth: Empirical evidence from Nigeria. Journal of Public Affairs, 22(3). https://doi.org/10.1002/pa.2561
17. Pegkas, P. (2015). The impact of FDI on economic growth in Eurozone countries. The Journal of Economic Asymmetries, 12(2), pages 124-132. https://doi.org/10.1016/j.jeca.2015.05.001
18. Phyoe, E. E. (2015). The Relationship between Foreign Direct Investment and Economic Growth of Selected ASEAN Countries. International Journal of Business and Administrative Studies, 1(4). https://doi.org/10.20469/ijbas.10002-4
19. Sajid, A., and Lan, N. P. (2010). Foreign direct investment and economic growth in Vietnam. Asia Pacific Business Review, 16(1-2), pages 183-202. https://doi.org/10.1080/10438590802511031
20. Shimul, S. N., Abdullah, S. M., and Siddiqua, S. (2009). An examination of FDI and growth nexus in Bangladesh: Engle Granger and Bound Testing Cointegration Approach. 8.
21. Silajdzic, S., and Mehic, E. (2015). Knowledge Spillovers, Absorptive Capacities and the Impact of FDI on Economic Growth: Empirical Evidence from Transition Economies. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 195, pages 614-623. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2015.06.142
22. Tabassum, U., Nazeer, M., & Siddiqui, A. A. (2012). Impact of FDI on Import Demand and Export Supply Functions of Pakistan: An Econometric Approach. Journal of Basic and Applied Sciences, 8(1), pages 151-159. https://doi.org/10.6000/1927-5129.2012.08.01.16
23. The World Bank. (2022). Foreign direct investment, net inflows (BoP, current US$)-Vietnam | Data. https://data.worldbank.org/indicator/BX.KLT.DINV.CD.WD?locations=VN
24. UNCTAD. (1999). World Investment Report 1999: Foreign Direct Investment and the Challenge of Development. United Nation. https://doi.org/10.18356/8e79f24c-en
25. US Department of Commerce, B. E. A. (2022). Bureau of Economic Analysis. https://apps.bea.gov/iTable/definitions.cfm?did=108&reqId=2
26. Yang, L., and Zou, Y. (2007). Empirical Analysis of the Impact of FDI on China’s Balance of Payments. 2007 International Conference on Wireless Communications, Networking and Mobile Computing, pages 3968-3971. https://doi.org/10.1109/WICOM.2007.982
27. Zhao, C., & Du, J. (2007). Causality Between FDI and Economic Growth in China. The Chinese Economy, 40(6), pages 68-82. https://doi.org/10.2753/CES1097-1475400604
28. Žilinsk, A. (2010). Negative and positive effects of foreign direct investment. Economics and Management, 5.
29. Công H. T. (2019). Tác động của vốn FDI và thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
30. Kiều N. M., Diệp N. T. N., Nam N. K., và Nga N. T. H. (2016). Tác động của FDI và phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế các quốc gia ASEAN giai đoạn 1995-2014. 9.
31. Nam, N. T. (2018). Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới tác động của các yếu tố chất lượng thể chế và môi trường kinh tế vĩ mô. http://library.buh.edu.vn/Components/pdfjs/web/viewer.html?file=/Services/DocumentReading.ashx?bookid%3d16988.
32. Thành, S. Đ., và Tiến, N. M. (2020). Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế địa phương ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, trang 21-41.
33. Thu L. H., và Anh P. T. H. (2014). Đánh giá tác động của FDI và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Học viện Ngân hàng, 15.
34. Tổng cục Thống kê. (2021). Niên giám thống kê 2021. General Statistics Office of Vietnam. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/08/nien-giam-thong-ke-2021-2/
35. Tú N. A. (2017). Mối quan hệ nhân quả giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
36. Tú, N. N. (2022). Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI - Bài 2: Lỗ giả, lãi thật và bài toán hiệu quả. Trang Ngoại giao Kinh tế. https://ngkt.mofa.gov.vn/toi-uu-hoa-loi-ich-dong-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-bai-2-lo-gia-lai-that-va-bai-toan-hieu-qua/

TS. Nguyễn Minh Sáng, Bùi Thị Lệ Chi 
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
26/04/2024 57 lượt xem
Việc quản lý và phát triển thị trường ngoại tệ Việt Nam vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập của nền kinh tế hiện nay nhằm mục tiêu xây dựng một thị trường ngoại tệ hoạt động hiệu quả, an toàn, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
01/04/2024 374 lượt xem
Nghiên cứu phân biệt ba nhóm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, gồm: Doanh nghiệp không có nợ xấu, doanh nghiệp có nợ xấu còn hoạt động và doanh nghiệp có nợ xấu dừng hoạt động.
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
21/03/2024 1.287 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính.
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
18/03/2024 533 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng.
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
29/02/2024 1.852 lượt xem
Bài viết đánh giá mức độ tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
19/01/2024 604 lượt xem
Hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nghiên cứu này được tiếp cận theo hướng sự ủng hộ của khách hàng, được đo lường bằng 3 chỉ tiêu: Doanh số, lợi nhuận và tỉ lệ giữ chân khách hàng. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ 238 nhân viên đang làm việc tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
29/12/2023 849 lượt xem
Tín dụng đầu tư là một hình thức hỗ trợ vốn của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn để đầu tư vào các dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
18/12/2023 1.489 lượt xem
Nghiên cứu này với mục đích cung cấp phương pháp đo lường về khả năng thanh toán dựa trên trạng thái vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua mô hình kì tới hạn (The Maturity Model) trong quản lí rủi ro lãi suất.
Giám sát rủi ro biến đổi khí hậu của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và gợi ý cho Việt Nam
Giám sát rủi ro biến đổi khí hậu của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và gợi ý cho Việt Nam
05/12/2023 1.253 lượt xem
Rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm phát sinh những rủi ro đáng kể cho sự ổn định tài chính ở mỗi quốc gia.
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
04/12/2023 2.576 lượt xem
Chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống các công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ.
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
01/12/2023 1.692 lượt xem
Quá trình chuyển đổi của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam là một sự phát triển tất yếu theo quan điểm học thuật và thực tiễn quá trình hoạt động của TCVM trên thế giới.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
30/11/2023 2.277 lượt xem
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ CASA của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
29/11/2023 2.613 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung vào vấn đề rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
28/11/2023 1.820 lượt xem
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của dân trí tài chính dưới góc độ xem xét cả ba yếu tố: Kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính lên khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số (Digital financial services - DFS) của người trung niên tại Việt Nam.
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
27/11/2023 2.667 lượt xem
Nghiên cứu phân tích tác động của cấu trúc thị trường tập trung đến khả năng mở rộng cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM).
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?