Keywords: Electronics industry, Ho Chi Minh City.
1. Giới thiệu
Ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, là ngành đóng vai trò kết nối, động lực phát triển chung cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và cả nước, hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Năm 2020, vùng KTTĐPN đóng góp 55,8% GDP công nghiệp của cả nước.
Công nghiệp điện tử là một trong các ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, khẳng định được vị thế trong nước và quốc tế. Đây cũng là ngành công nghiệp được Thành phố Hồ Chí Minh xác định là một trong các ngành đầu tư phát triển mạnh trong thời gian tới, gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng chất xám, công nghệ tiên tiến, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Do vậy, việc phân tích, đánh giá về những rào cản, tồn tại trong ngành công nghiệp điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
2. Tổng quan về ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2020
2.1. Số lượng doanh nghiệp
Ngành công nghiệp điện tử bao gồm ba nhóm ngành chính là sản xuất máy tính, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng. Công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển mạnh từ năm 2010 trở lại đây, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm lắp ráp linh kiện điện tử của thế giới với vị trí đứng thứ 12 thế giới, đứng thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử.
Vùng KTTĐPN có số lượng doanh nghiệp ngành điện tử chiếm 48% số lượng doanh nghiệp cùng ngành của cả nước vào năm 2011, số lượng doanh nghiệp của vùng KTTĐPN tăng đều qua các năm, tuy nhiên đến năm 2020, với quy mô 850 doanh nghiệp, tỉ trọng doanh nghiệp điện tử của toàn vùng KTTĐPN chỉ còn chiếm 33,9% số lượng doanh nghiệp cùng ngành của cả nước. Ngược lại, doanh nghiệp điện tử vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) tăng tỉ trọng từ 41% lên 46% số lượng doanh nghiệp cùng ngành của cả nước trong cùng giai đoạn. Chiến lược đuổi bắt trong ngành công nghiệp điện tử của các vùng tăng tốc khá mạnh, các địa phương ngoài vùng kinh tế trọng điểm của cả nước tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp, đưa tỉ trọng từ 7,4% số lượng doanh nghiệp ngành điện tử của cả nước gia tăng lên 18% trong cùng giai đoạn.
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp ngành điện tử dẫn đầu toàn vùng KTTĐPN với 73% số lượng doanh nghiệp điện tử; các địa phương khác của vùng KTTĐPN thu hút đầu tư rất thấp trong ngành điện tử. (Bảng 1)
Bảng 1: Số lượng doanh nghiệp ngành điện tử vùng KTTĐPN
so với các địa phương và cả nước
Đơn vị tính: Doanh nghiệp
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2011, 2016, 2020
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ cấu doanh nghiệp theo loại hình kinh tế có sự chuyển biến mạnh mẽ trong 10 năm qua. Năm 2011, các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ trọng cao nhất trong số lượng doanh nghiệp, kế đến là công ty cổ phần có vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư nhân, công ty TNHH có vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2020, số doanh nghiệp theo loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần không có vốn nhà nước chiếm tỉ trọng chủ yếu. Doanh nghiệp nước ngoài dưới hình thức 100% vốn nước ngoài và liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỉ trọng nhỏ về số lượng doanh nghiệp, khoảng 5,6% số lượng doanh nghiệp điện tử trong ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng 2)
Bảng 2: Số lượng và cơ cấu doanh nghiệp điện tử Thành phố Hồ Chí Minh
theo loại hình kinh tế giai đoạn 2011 - 2020
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp năm 2011, 2020
2.2. Giá trị sản xuất của doanh nghiệp ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh
Ngành điện tử vùng KTTĐPN mặc dù chỉ chiếm số lượng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 1,5% số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo của vùng KTTĐPN năm 2020), tuy nhiên, ngành đóng góp hằng năm 6,7% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo của toàn Vùng, góp phần thúc đẩy công nghiệp điện tử của Việt Nam và hoạt động xuất khẩu của cả nước. Với xu thế phát triển của các ngành công nghiệp 4.0, quy mô giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử cả nước và vùng KTTĐPN tăng mạnh qua các năm. Trong vòng 10 năm, quy mô giá trị sản xuất ngành điện tử của cả nước tăng gấp 9,7 lần, của toàn vùng KTTĐPN tăng gấp 5,1 lần; đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành điện tử của vùng KTTĐPN đạt hơn 269.782 tỉ đồng. (Bảng 3)
Bảng 3: Giá trị sản xuất ngành điện tử giai đoạn 2011 - 2020
của Thành phố Hồ Chí Minh so với các địa phương vùng KTTĐPN và cả nước
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê
Năng suất lao động được xác định bằng tiêu chí giá trị sản xuất bình quân đầu lao động của ngành điện tử vùng KTTĐPN, đạt bình quân 2.605 triệu đồng/lao động vào năm 2020, so với con số 688 triệu đồng/lao động vào năm 2011. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về năng suất lao động ngành điện tử so với toàn Vùng và cao hơn năng suất lao động cùng ngành so với cả nước; tốc độ tăng năng suất lao động ngành điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh vượt trội so với các địa phương trong cả nước.
Trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp điện tử cả nước, vùng KTTĐPN đóng góp về giá trị sản xuất của ngành có xu hướng giảm dần qua các năm, từ 19,5% năm 2011 xuống còn 10,2% năm 2020. Đồng thời, tương quan giữa tỉ trọng doanh nghiệp và tỉ trọng giá trị sản xuất của doanh nghiệp điện tử vùng KTTĐPN trong cùng ngành đối với cả nước cho thấy, mặc dù Vùng chiếm tỉ trọng lớn về số lượng doanh nghiệp của ngành điện tử cả nước nhưng đóng góp về giá trị sản xuất của ngành đối với cả nước chưa tương xứng. Năm 2011, vùng KTTĐPN chiếm 48,2% số doanh nghiệp điện tử cả nước, nhưng đóng góp về giá trị sản xuất của ngành điện tử của vùng KTTĐPN đối với cả nước chỉ đạt 19,5%, đến năm 2020, tỉ lệ tương ứng là 33,9% và 10,2%. Tương quan giữa đóng góp về giá trị sản xuất và phân bổ doanh nghiệp vùng KTTĐPN, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và đóng góp về giá trị sản xuất ngành điện tử. Tỉ trọng đóng góp của 03 tỉnh, thành này chiếm gần 98% giá trị sản xuất của ngành điện tử toàn Vùng giai đoạn 2011 - 2020; Long An đóng góp 1%; các địa phương khác là Bình Phước, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp 1% giá trị sản xuất của ngành.
Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trong giá trị sản xuất của ngành điện tử toàn vùng KTTĐPN gia tăng mạnh từ 46% năm 2011 lên 63% năm 2020, Bình Dương sụt giảm từ 36% xuống còn 23% trong cùng giai đoạn. Như vậy, tác động lan tỏa của công nghiệp điện tử đối với các địa phương khác trong vùng KTTĐPN chậm so với các nhóm ngành khác. (Hình 1)
Hình 1: Cơ cấu giá trị sản xuất ngành điện tử vùng KTTĐPN
theo địa phương giai đoạn 2011 - 2020
Đơn vị tính: %
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê
Trong giá trị sản xuất ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có sự gia tăng rất mạnh về giá trị sản xuất trong các thành phần kinh tế của ngành điện tử giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2011, khu vực doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài chiếm 53% giá trị sản xuất ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp khác liên doanh với nước ngoài chiếm 40%, trong khi các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm tỉ trọng 0,47% giá trị sản xuất. Tuy nhiên, đến năm 2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực 100% vốn nước ngoài chiếm đến 96% giá trị sản xuất của toàn ngành điện tử; khu vực liên doanh nước ngoài chỉ chiếm tỉ trọng 0,025% giá trị sản xuất của ngành điện tử. Điều này cho thấy, sự phát triển của ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc rất lớn từ khu vực doanh nghiệp nước ngoài.
2.3. Vốn sản xuất của doanh nghiệp ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh
Mặc dù phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực tư nhân trong nước, tuy nhiên, quy mô vốn của các doanh nghiệp trong nước phần lớn là quy mô vốn nhỏ và vừa. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài quy mô vốn bình quân cao gấp 52 lần so với quy mô vốn bình quân của loại hình công ty TNHH tư nhân; gấp 122 lần so với loại hình công ty cổ phần trong nước; gấp 163 lần so với công ty TNHH 100% vốn nhà nước. (Bảng 4)
Bảng 4: Vốn trong doanh nghiệp ngành điện tử
tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp năm 2020
2.4. Lao động ngành điện tử
Về số lượng lao động sử dụng trong ngành điện tử cho thấy, đến năm 2020, quy mô lao động của ngành điện tử vùng KTTĐPN là 103.563 lao động, gấp 1,3 lần lao động của ngành năm 2011 và bằng 1/7 lao động của ngành dệt may toàn vùng KTTĐPN năm 2020. Tỉ trọng lao động ngành điện tử vùng KTTĐPN so với cả nước có xu hướng giảm dần từ 35,9% năm 2011 còn 13,6% trong năm 2020, ngược lại, vùng KTTĐBB có xu hướng mở rộng về quy mô và tỉ trọng lao động nhanh nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm.
Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp điện tử trong toàn vùng KTTĐPN, tuy nhiên, phân bổ lao động ngành điện tử năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 36,6%, Bình Dương chiếm 34%, Đồng Nai chiếm 23,6%. (Bảng 5)
Bảng 5: Quy mô và cơ cấu lao động ngành điện tử vùng KTTĐPN
so với các địa phương và cả nước
Đơn vị tính: Người; %
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê
Về tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô sử dụng lao động bình quân cao hơn tất cả các loại hình doanh nghiệp khác. Về tỉ trọng lao động sử dụng theo thành phần kinh tế của ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, nếu năm 2011 số lao động ngành điện tử trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 76% tổng số lao động ngành điện tử của Thành phố (quy mô 18.535 lao động), thì đến năm 2020, số lao động trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tăng lên 32.797 lao động, chiếm 86,5% số lao động toàn ngành điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm ngành điện tử.
2.5. Quy mô và hiệu quả sản xuất doanh nghiệp ngành điện tử
Về quy mô doanh nghiệp ngành điện tử có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2011 - 2020, riêng năm 2020, quy mô lao động bình quân của ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh do bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai có quy mô lao động ngành điện tử/doanh nghiệp dẫn đầu toàn vùng KTTĐPN, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô bình quân/lao động có xu hướng giảm. Về quy mô vốn bình quân/doanh nghiệp, doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước có quy mô vốn/doanh nghiệp cao hơn so với các địa phương khác. (Bảng 6)
Bảng 6: Quy mô doanh nghiệp ngành điện tử
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê
Điều đáng lưu ý, số doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ trọng chủ yếu trong tổng số doanh nghiệp của ngành điện tử, tuy nhiên, quy mô vốn bình quân của các doanh nghiệp tư nhân trong nước rất thấp và chênh lệch lớn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết quả đóng góp về doanh thu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 96% vốn của toàn ngành, trong khi số lượng doanh nghiệp của khu vực này chỉ có 22%. Đồng thời, trong đóng góp doanh thu ngành điện tử của vùng KTTĐPN năm 2020 thì Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 63%, Bình Dương 23%, Đồng Nai 11%. Các chỉ tiêu khác về doanh thu, lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp ngành điện tử khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều vượt trội so với các thành phần kinh tế khác, bất chấp những khó khăn của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020. Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI đóng vai trò trọng yếu trong sự phát triển của ngành và có tính chất hội tụ tại tam giác trọng điểm của Vùng.
Nhìn chung tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành điện tử có tốc độ phát triển nhanh trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉ trọng doanh nghiệp, giá trị sản xuất, lao động chiếm tỉ trọng cao trong toàn vùng KTTĐPN, năng suất lao động của doanh nghiệp ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu toàn Vùng. Mặc dù vậy, sự phát triển của ngành điện tử phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô vốn, lao động nhỏ, mặc dù chiếm số lượng lớn về số doanh nghiệp nhưng đóng góp về giá trị sản xuất của ngành điện tử của khu vực tư nhân trong nước chiếm tỉ trọng rất thấp. (Bảng 7)
Bảng 7: Các chỉ tiêu năm 2020 theo loại hình doanh nghiệp ngành điện tử
tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Xử lí dữ liệu điều tra doanh nghiệp năm 2020
3. Một số tồn tại, hạn chế và khuyến nghị chính sách phát triển ngành công nghiệp điện tử Thành phố Hồ Chí Minh
Công nghiệp điện tử là một trong 04 ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù ngành có tốc độ phát triển nhanh trong giai đoạn 2011 - 2020, song, vẫn tồn tại một số hạn chế trong quá trình phát triển.
Thứ nhất, sự phát triển công nghiệp ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Quy mô doanh nghiệp trong nước phần lớn thuộc quy mô nhỏ và vừa, mặc dù số lượng doanh nghiệp khu vực trong nước ngành điện tử chiếm tỉ trọng cao, song, đóng góp rất hạn chế trong sự phát triển của ngành điện tử Thành phố Hồ Chí Minh về giá trị đầu ra, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kém so với khu vực FDI.
Thứ hai, thiếu tính liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng KTTĐPN trong phát triển ngành điện tử.
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI gần như sử dụng chuỗi đầu vào khép kín, số doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi liên kết ngành điện tử rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đồng bộ về tiêu chuẩn kĩ thuật, linh kiện. Dữ liệu cho thấy, nguồn nguyên liệu sử dụng nhập khẩu từ ngoài ASEAN chiếm tỉ trọng cao nhất, kế đến là từ các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, song, việc liên kết với các doanh nghiệp khác trong vùng KTTĐPN chỉ chiếm 5,5% cho thấy mức độ lan tỏa, liên kết của công nghiệp điện tử từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành khác còn khá yếu. (Hình 2)
Hình 2: Cơ cấu nguyên liệu đầu vào cung cấp cho ngành điện tử
Đơn vị tính: %
Nguồn: Xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê
Thứ ba, thiếu hụt đội ngũ nhân lực lao động ngành điện tử cho Thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng KTTĐPN.
Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số trường đào tạo các ngành điện tử - công nghệ thông tin hệ đại học với chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm dẫn đầu trong năm 2021 - 2022 là Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô tuyển sinh 2.045 chỉ tiêu; các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với tổng quy mô tuyển sinh khoảng 4.000 sinh viên. Ngoài hệ thống các trường đại học, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đào tạo ngành điện tử, viễn thông với số lượng tuyển sinh không nhỏ. Song một thực tế, ngoại trừ các trường thuộc khối Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển đủ chỉ tiêu, các ngành đào tạo điện tử - công nghệ thông tin các trường khối dân lập, tư thục tuyển sinh thường không đủ chỉ tiêu các ngành này. Nguyên nhân cho thấy, người học theo đuổi các ngành học này đòi hỏi tư duy toán học, tư duy phân tích cao, do vậy, nhiều học sinh không đạt vào hệ công lập hoặc ngại lựa chọn các chương trình này để theo học vì cho rằng không đủ năng lực. Ngoài ra, sinh viên theo học các chương trình này khó tốt nghiệp hơn so với các ngành học khác. (Bảng 8)
Bảng 8: Chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành điện tử - công nghệ thông tin
Đơn vị tính: Sinh viên
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Theo dự báo của Trung tâm dự báo nhân lực và nhu cầu thông tin thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh đối với ngành điện tử - công nghệ thông tin dao động khoảng 25.594 - 28.843 chỗ làm việc/năm, chiếm 9,06% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm của Thành phố. Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo là 95,21%; trong đó, trình độ sơ cấp: 22%, trung cấp: 21,08%, cao đẳng: 22,29%, đại học trở lên: 29,84% (FAMI, 2022). Các doanh nghiệp FDI ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dừng lại ở các công nghệ cơ bản, các phân khúc cao trong chuỗi giá trị ngành điện tử chưa được đầu tư mạnh liên quan đến rào cản chất lượng nhân lực trong đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước.
Thứ tư, tác động lan tỏa và liên kết công nghiệp điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phụ cận còn chậm phát triển.
Như trên đã đề cập, mức độ hội tụ về số lượng doanh nghiệp trong 10 năm qua của ngành điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh rất cao và có xu hướng dịch chuyển sang Bình Dương, Đồng Nai, song tốc độ dịch chuyển còn chậm.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động (theo đánh giá từ 0 đến 10, trong đó, càng tiến về 10 càng rất quan trọng, càng tiến về 1 càng ít quan trọng, 0: Không liên quan). Theo đó, máy móc thiết bị, trình độ lao động, vốn, trình độ chuyên môn là những yếu tố bên trong có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo mức độ cao; trong khi đó, các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng cơ bản, cơ sở hạ tầng truyền thông là những yếu tố cho rằng có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Sự thiếu vắng doanh nghiệp điện tử các địa phương khác vùng KTTĐPN trong phát triển công nghiệp điện tử có liên quan chặt chẽ đến yếu tố nội tại về khoa học công nghệ, trình độ chuyên môn của người lao động trong tiếp nhận đầu tư. (Bảng 9)
Bảng 9: Các rào cản đối với doanh nghiệp điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh
trong tham gia đổi mới sáng tạo năm 2020
Nguồn: Kết quả xử lí từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp năm 2020
Thứ năm, công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp ngành điện tử còn lạc hậu.
Công nghệ sử dụng trong ngành điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay qua kênh tự mua chiếm tỉ trọng chủ yếu (93,9%) so với các kênh doanh nghiệp khác cung cấp (6%), hoặc kênh tự phát triển (0,1%). Hoạt động bảo trì, bảo dưỡng công nghệ trong ngành điện tử được thực hiện theo kênh tự bảo dưỡng (8,3%), thuê ngoài bảo dưỡng (12,5%), hoặc kết hợp cả hai (79%). Việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng được thực hiện bởi người nước ngoài (21%), người Việt Nam (75%) và kiều bào về Việt Nam làm việc (4%). Tính theo tuổi đời máy móc sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử, doanh nghiệp sử dụng máy móc được sản xuất trước năm 2000 còn chiếm tỉ trọng cao so với mức bình quân của toàn Vùng và Việt Nam.
Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng KTTĐPN, theo nhóm tác giả, cần có một số giải pháp đột phá sau:
Một là, hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành điện tử vùng KTTĐPN.
Theo Marshall (1920), sự hội tụ có tác động ngoại tác tích cực đến phát triển các ngành công nghiệp. Để thúc đẩy sự phát triển ngành điện tử có tính chất bền vững cần hoàn thiện công tác quy hoạch công nghiệp điện tử toàn vùng KTTĐPN, xác định vùng lõi phát triển tại tam giác Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; vùng chuyển giao giai đoạn 2 tại Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng tiềm năng phát triển giai đoạn 3 tại Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang. Trong quy hoạch phát triển và triển khai quy hoạch cần thúc đẩy hình thành phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong vùng và liên kết với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ.
Hai là, hoàn thiện thể chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Tận dụng lợi thế dịch chuyển đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang các nước khác để đón đầu cơ hội dịch chuyển, trong đó, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, năng động, thích ứng với sự phát triển bền vững sẽ tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong dịch chuyển đầu tư. Đối với lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin là lĩnh vực có tính đổi mới sáng tạo cao, do vậy, về phía Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường đầu tư của khu vực nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư cho R&D để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tăng cường vai trò của công cụ pháp luật trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho doanh nghiệp khoa học công nghệ để thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu, rút ngắn giữa kết quả nghiên cứu và ứng dụng trong thương mại hóa sản phẩm. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có vai trò ươm tạo các doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo bao gồm đổi mới sáng tạo sản phẩm, quy trình, marketing, tổ chức.
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Rà soát lại năng lực đào tạo các ngành, nghề của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn; tính toán lại nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong ngành để đào tạo nhân lực. Cập nhật chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn quốc tế; gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp để tăng trải nghiệm và thực tiễn trong đào tạo.
Cập nhật và trang bị các thiết bị, hạ tầng trong đào tạo nhân lực ngành điện tử tại các trường trọng điểm khu vực phía Nam, đặc biệt là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Công nghiệp. Song song đó, cần phát triển hệ thống trường cao đẳng, đào tạo nghề trong lĩnh vực điện tử để giải quyết bài toán lao động cho các doanh nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Các hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ bản, hạ tầng truyền thông đóng vai trò động lực mở đường cho dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp. Song hiện nay, sự phát triển của khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng bão hòa về quỹ đất phát triển, trong đó có các lĩnh vực đầu tư trong ngành điện tử - công nghệ thông tin. Do vậy, xu hướng liên kết với các địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong kết nối, thúc đẩy liên kết công nghiệp điện tử toàn vùng KTTĐPN. Dịch chuyển cơ cấu đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển các dự án công nghệ cao trong các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường liên kết về không gian phát triển công nghiệp cho vùng lõi Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và phát triển sang các địa phương khác trong vùng. Phát triển cụm công nghiệp tri thức dựa trên 03 yếu tố cốt lõi: Thiết lập hạ tầng về tri thức, hấp dẫn đầu tư của tư nhân vào cụm, thiết lập liên kết với người sử dụng dẫn dắt là một trong những kinh nghiệm thành công của Singapore mà Thành phố Hồ Chí Minh có thể áp dụng trong hình thành và phát triển cụm công nghiệp điện tử (Wong và cộng sự, 2010).
Thứ năm, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và liên kết với doanh nghiệp FDI
Để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia liên kết với các doanh nghiệp FDI cần tăng cường cải tiến, học hỏi công nghệ, chuyển giao công nghệ. Trong đó, nâng cao năng lực vốn, kĩ năng lao động, quản lí của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ thuộc về trách nhiệm của từng doanh nghiệp mà còn liên quan đến phát triển hệ sinh thái của ngành công nghiệp điện tử.
4. Kết luận
Công nghiệp điện tử Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng KTTĐPN nói chung là ngành có tiềm năng phát triển. Trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp điện tử có tốc độ đổi mới sáng tạo cao, do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với cuộc chạy đua đầu tư ngành điện tử gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ. Để phát triển công nghiệp điện tử Thành phố Hồ Chí Minh mang tính bền vững, cần chú trọng mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước - doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng KTTĐPN và các doanh nghiệp nước ngoài. Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh cần gắn kết chặt chẽ trong tổng thể quy hoạch công nghiệp toàn Vùng; hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết công nghiệp; đào tạo nhân lực ngành điện tử và phát triển hạ tầng kết nối toàn vùng KTTĐPN.
Tài liệu tham khảo:
1. FALMI (2022). Dự báo nhu cầu nhân lực của 06 ngành công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/8846.du-bao-nhu-cau-nhan-luc-cua-6-nganh-cong-nghiep-tai-tp-hcm.html
2. Marshall, (1920). The Economics of Industry. Principles of Economics. 8th Edition, Macmillan, London.
3. Tổng cục Thống kê. Dữ liệu điều tra doanh nghiệp các năm 2011, 2016, 2020.
4. Wong, P-K., Ho Y-P., and Singh, A., (2010). Industrial Cluster Development and Innovation in Singapore. In From Agglomeration to Innovation: Upgrading Industrial Clusters in Emerging Economies. Palgrave Macmillan. pages 52- 116.