Keywords: Performance, commercial bank, Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Ở thời kì mở cửa nền kinh tế, hệ thống NHTM Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ và kĩ thuật hiện đại của hệ thống ngân hàng thế giới. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021), thị trường tài chính nước ta có khoảng 60 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động, trong đó có 09 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài. Do đó, sức ép cạnh tranh giữa các NHTM là rất lớn, nếu NHTM không có tiềm lực tài chính, năng lực quản lí cũng như chiến lược kinh doanh hợp lí sẽ không đạt hiệu quả. Khi hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, tất yếu NHTM phải dừng cuộc đua. Vì lí do trên, các NHTM phải nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của mình để thích ứng với môi trường kinh doanh năng động và ngày càng biến động. Do đó, nghiên cứu “Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam” là cấp thiết, cần được thực hiện.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập số liệu
Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp là những thông tin của 26 NHTM để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Theo đó, các thông tin về: Lợi nhuận sau thuế, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, dư nợ, huy động vốn, nợ xấu, số thành viên trong hội đồng quản trị, thu nhập ngoài lãi, tổng thu nhập, chi phí, doanh thu... được thu thập tại báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của các NHTM trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2021, tại Website: https://finance.vietstock.vn/hoặc trang web của các NHTM.
2.2. Mô hình nghiên cứu
Xuất phát từ lí thuyết và kế tiếp các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu với 09 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam là: Tổng tài sản, tài sản của mỗi ngân hàng/tổng tài sản của các ngân hàng, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, dư nợ/huy động vốn, nợ xấu/dư nợ, số thành viên hội đồng quản trị, thu nhập ngoài lãi, chi phí/doanh thu, huy động vốn/tổng tài sản. Hình 1 thể hiện mô hình nghiên cứu đề xuất.
2.3. Phương pháp phân tích
a) Mô hình hiệu ứng cố định
Mô hình hiệu ứng cố định được sử dụng để kiểm tra mối tương quan giữa phần dư của từng quan sát đến các biến độc lập, từ đó kiểm tra và tách ảnh hưởng từ các đặc điểm riêng biệt (không thay đổi theo thời gian) ra khỏi các biến độc lập để có thể ước lượng được những ảnh hưởng thực tế của biến độc lập lên biến phụ thuộc.
Phương trình hồi quy của mô hình hiệu ứng cố định có dạng như sau:
ROAi,t = B1X1 i,t + B2X2 i,t+ B3X3 i,t+ B4X4 i,t + B5X5 i,t+ B6X6 i,t + B7X7 i,t + B8X8 i,t+ B9X9 i,t + αi + ui,t
ROEi,t = B1X1 i,t + B2X2 i,t+ B3X3 i,t+ B4X4 i,t + B5X5 i,t+ B6X6 i,t+ B7X7 i,t + B8X8 i,t + B9X9 i,t+ αi+ ui,t
Trong đó:
ROAi,t là tỉ suất sinh lời của tài sản là tỉ lệ giữa lợi nhuận sau thuế và tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
ROEi,t là tỉ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu là tỉ lệ giữa lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu của ngân hàng i ở năm t.
B1,..., B9 là hệ số của các biến độc lập tương ứng.
X1 i,t là giá trị tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
X2 i,t là tỉ lệ giữa tổng tài sản của ngân hàng i và tổng tài sản của các ngân hàng ở năm t.
X3 i,t là tỉ lệ giữa vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
X4 i,t là tỉ lệ giữa dư nợ và huy động vốn của ngân hàng i ở năm t.
X5 i,t là tỉ lệ giữa nợ xấu và dư nợ của ngân hàng i ở năm t.
X6 i,t là số thành viên trong hội đồng quản trị của ngân hàng i ở năm t.
X7 i,t là thu nhập ngoài lãi của ngân hàng i ở năm t.
X8 i,t là tỉ lệ giữa chi phí và doanh thu của ngân hàng i ở năm t.
X9 i,t là tỉ lệ giữa huy động vốn và tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
αi là hệ số chặn.
ui,t là nhiễu trắng (sai số).
b) Mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên
Kết quả mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên mà có sự biến động của các quan sát riêng lẻ không tương quan đến biến độc lập, thì mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên sẽ phù hợp.
Phương trình hồi quy hiệu ứng ngẫu nhiên có dạng như sau:
ROAi,t = B1X1 i,t + B2X2 i,t + B3X3 i,t + B4X4 i,t + B5X5 i,t + B6X6 i,t + B7X7 i,t + B8X8 i,t + B9X9 i,t + αi + µi,t + ui,t
ROEi,t = B1X1 i,t + B2X2 i,t + B3X3 i,t + B4X4 i,t + B5X5 i,t + B6X6 i,t + B7X7 i,t + B8X8 i,t + B9X9 i,t + αi + µi,t + ui,t
Trong đó:
B1,…, B9 là hệ số của các biến độc lập tương ứng;
X1 i,t là giá trị tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t;
X2 i,t là tỉ lệ giữa tổng tài sản của ngân hàng i và tổng tài sản của các ngân hàng ở năm t;
X3 i,t là tỉ lệ giữa vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
X4 i,t là tỉ lệ giữa dư nợ và huy động vốn của ngân hàng i ở năm t.
X5 i,t là tỉ lệ giữa nợ xấu và dư nợ của ngân hàng i ở năm t.
X6 i,t là số thành viên trong hội đồng quản trị của ngân hàng i ở năm t.
X7 i,t là thu nhập ngoài lãi của ngân hàng i ở năm t.
X8 i,t là tỉ lệ giữa chi phí và doanh thu của ngân hàng i ở năm t.
X9 i,t là tỉ lệ giữa huy động vốn và tổng tài sản của ngân hàng i ở năm t.
αi là hệ số chặn.
µi,tlà đại diện cho tất cả các yếu tố không quan sát được thay đổi giữa các ngân hàng i theo thời gian t.
ui,tlà nhiễu trắng (sai số).
3. Phân tích và thảo luận kết quả nghiên cứu
3.1. Phân tích tương quan
Phân tích tương quan được sử dụng để phân tích mối quan hệ giữa các thành phần trong mô hình nghiên cứu. Khi tồn tại mối quan hệ giữa các biến độc lập sẽ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, khi đó, vi phạm điều kiện thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính. Theo Mai Văn Nam (2008), khi hệ số tương quan có giá trị lớn hơn 0,8 sẽ có mối tương quan giữa hai thành phần.
Kết quả kiểm tra mối tương quan giữa các biến X1; X2; X3; X4; X5; X6; X7; X8; X9 được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1: Ma trận tương quan
Nguồn: Phân tích từ số liệu báo cáo tài chính của 26 NHTM, 2023
Kết quả phân tích ở Bảng 1 cho thấy, phần lớn hệ số tương quan giữa các biến độc lập đều có giá trị nhỏ hơn 0,8, do đó, không có mối tương quan giữa các biến. Tuy nhiên, hệ số tương quan giữa các biến X1; X2 có giá trị là 0,824 lớn hơn 0,8 thể hiện mối tương quan. Nhưng mối quan hệ này là mối quan hệ theo dạng phi tuyến tính nên không liên quan đến vấn đề đa cộng tuyến. Do đó, vẫn phù hợp để thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính.
3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM
a) Các yếu tố ảnh hưởng đến ROA
Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến ROA các NHTM được thể hiện qua Bảng 2.
Bảng 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến ROA
Chú thích: ***: Có ý nghĩa thống kê ở mức 1%; **: Có ý nghĩa thống kê ở mức 5%;
*: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%; ns: Không có ý nghĩa thống kê.
Nguồn: Phân tích từ số liệu báo cáo tài chính của 26 NHTM, 2023
Kết quả phân tích ở Bảng 2 cho thấy, kiểm định Hausman có giá trị là 0,003 nhỏ hơn 0,05 do đó, mô hình hiệu ứng cố định được lựa chọn để giải thích các yếu tố ảnh hưởng đến ROA của các NHTM. Hơn thế, kết quả còn cho biết, X1; X3; X4; X6; X7; X8 là những yếu tố có ý nghĩa thống kê, hay nói cách khác có ảnh hưởng đến ROA.
b) Các yếu tố ảnh hưởng đến ROE
Tương tự, ROE đo lường cho hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam. Bảng 3 thể hiện kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ROE của các NHTM ở Việt Nam.
Bảng 3: Các yếu tố ảnh hưởng đến ROE
Chú thích: ***: Có ý nghĩa thống kê ở mức 1%; **: Có ý nghĩa thống kê ở mức 5%;
*: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%; ns: Không có ý nghĩa thống kê
Nguồn: Phân tích từ số liệu báo cáo tài chính của 26 NHTM,2023
Kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, kiểm định Hausman có giá trị là 0,000 bé hơn 0,05. Do đó, mô hình hiệu ứng cố định là mô hình được lựa chọn để giải thích cho các yếu tố ảnh hưởng đến ROE của các NHTM ở Việt Nam.
Kết quả cũng thể hiện, các yếu tố: X1; X3; X7; X8 là những yếu tố có ý nghĩa thống kê, hay có ảnh hưởng đến ROE của các NHTM ở Việt Nam.
Từ kết quả phân tích trên có thể nhận định như sau:
X1: Tổng tài sản. Quy mô ngân hàng có ảnh hưởng thuận chiều đến cả ROA với hệ số tác động là 0,672 ở mức ý nghĩa thống kê 1% và ROE với hệ số tác động là 4,706 ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả tương đồng với nghiên cứu thực nghiệm của Elouali và Oubdi (2018).
X2: Tổng tài sản của mỗi ngân hàng/tổng tài sản các ngân hàng. Kết quả nghiên cứu trong trường hợp này chưa đủ cơ sở để kết luận về sự tác động của tỉ số tổng tài sản của mỗi ngân hàng trên tổng tài sản của 26 ngân hàng. Điều này cho thấy, đây là yếu tố không có ý nghĩa thống kê hay không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2021.
X3: Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản. Tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có ảnh hưởng cùng chiều đến ROA với hệ số tác động là 0,059 ở mức ý nghĩa thống kê 1% và tác động nghịch chiều đến ROE của các NHTM ở Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2021, với hệ số tác động là -0,601 ở mức ý nghĩa thống kê 1%.
X4: Dư nợ/huy động vốn. Với hệ số tác động là 0,005 ở mức ý nghĩa thống kê 10% có thể kết luận, khi tỉ lệ dư nợ trên huy động vốn của ngân hàng càng lớn, thì hiệu quả hoạt động của ngân hàng càng lớn.
X5: Nợ xấu/dư nợ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ giữa nợ xấu trên dư nợ không có ý nghĩa thống kê.
X6: Thành viên hội đồng quản trị. Với hệ số tác động là 0,047 ở mức ý nghĩa thống kê 5% cho biết, số lượng thành viên trong hội đồng quản trị có ảnh hưởng cùng chiều đến ROA của các NHTM ở Việt Nam, nhưng sự tác động không nhiều. Đồng thời, nghiên cứu chưa thể khẳng định được sự tác động từ số lượng thành viên trong hội đồng quản trị đến ROE.
X7: Thu nhập ngoài lãi. Hệ số tác động của thu nhập ngoài lãi đến ROA là 0,005 ở mức ý nghĩa thống kê 10%; chưa phát hiện sự tác động từ thu nhập ngoài lãi đến ROE. Kết quả nghiên cứu tương đồng với nhiều nghiên cứu thực nghiệm như: Ammar và Hana (2021).
X8: Chi phí/doanh thu. Tỉ lệ chi phí trên doanh thu có tác động đến ROA với hệ số tác động là -0,024 ở mức ý nghĩa thống kê 1%, tác động đến ROE với hệ số tác động là -0,329 ở mức ý nghĩa thống kê 1%. Kết quả nghiên cứu của tác giả khá tương đồng với nhiều nghiên cứu thực nghiệm như: Hosen (2020), Kiran và Muhamad (2019).
X9: Huy động vốn/tổng tài sản. Kết quả nghiên cứu thể hiện, tỉ số huy động vốn trên tổng tài sản không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM ở Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2021. Kết quả nghiên cứu của tác giả khá tương đồng với các nghiên cứu thực nghiệm của: Hossain và Ahamed (2021); Ekaterina và cộng sự (2021).
4. Kết luận và một số khuyến nghị
4.1. Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được các nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2021, mà cụ thể là qua 2 chỉ tiêu đo lường hiệu quả là: ROA và ROE. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, dư nợ/huy động vốn, thành viên hội đồng quản trị, thu nhập ngoài lãi, chi phí/doanh thu là những yếu tố ảnh hưởng đến ROA. Còn đối với ROE thì chịu tác động của: Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, chi phí/doanh thu.
4.1. Một số khuyến nghị
Xuất phát từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị giúp các NHTM nâng cao hiệu quả hoạt động như sau:
Một là, gia tăng quy mô hoạt động của ngân hàng
Kết quả nghiên cứu cho biết, quy mô hoạt động của ngân hàng thể hiện qua giá trị tổng tài sản có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả hoạt động. Do đó, NHTM cần có biện pháp cải thiện giá trị tổng tài sản. Mặt khác, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản cũng tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động. Vì vậy, nên có chính sách cải thiện vốn chủ sở hữu. Kết quả phân tích này phù hợp với thực trạng của các NHTM ở Việt Nam, với quy mô nhỏ gọn và vốn chủ sở hữu khá hạn chế cho nên tiềm lực về tài chính chưa mạnh.
Việc tăng tổng tài sản thông qua tăng vốn chủ sở hữu cần được thực hiện dưới nhiều hình thức. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của các NHTM, những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả sẽ thuộc diện theo dõi và có thể quy hoạch sáp nhập phù hợp. Điều này giúp gia tăng tiềm lực tài chính cho ngân hàng, quy mô hoạt động được mở rộng. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể xem xét việc gia tăng nguồn vốn dưới hình thức phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc những nhà đầu tư tài chính trên thị trường. Theo đó, nguồn vốn sẽ được mở rộng thông qua việc kêu gọi vốn đầu tư.
Ngoài ra, NHTM cần phân chia cổ tức theo hướng giữ lợi nhuận bổ sung vốn chủ sở hữu hợp lí và có thể chia bằng cổ phiếu.
Hai là, cần cân đối giữa huy động và cho vay
Tỉ lệ dư nợ trên huy động vốn có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Điều này cho thấy, cơ cấu giữa huy động vốn và cho vay cần cân đối tương xứng để nguồn vốn huy động có thể phát huy tối đa được vai trò trong hoạt động tín dụng. Theo đó, ngân hàng phải luôn theo sát những chính sách, quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện đúng. Trên cơ sở đó, định kì ngân hàng lên kế hoạch cụ thể cho hoạt động tín dụng, nghiệp vụ huy động vốn và cho vay cần được thực hiện tương xứng. Tránh trường hợp huy động vốn được mở rộng vượt mức, dẫn đến ngân hàng chịu khoản chi phí lãi huy động và không thu được từ lãi cho vay. Hơn thế, việc huy động vượt mức cũng có thể sẽ dẫn đến những áp lực trong hoạt động tín dụng, dẫn đến ngân hàng sẽ giải ngân những khoản vay có thể ẩn chứa nhiều rủi ro, làm giảm chất lượng tín dụng.
Ba là, xem xét cơ cấu hội đồng quản trị phù hợp
Số lượng thành viên hội đồng quản trị có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Điều này cho thấy, với quy mô hội đồng quản trị lớn sẽ có thêm đóng góp cho chiến lược hoạt động của ngân hàng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo Điều 154 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, số lượng thành viên hội đồng quản trị từ 3 đến 11 thành viên. Hơn thế, với số lượng thành viên trong hội đồng không phù hợp có thể sẽ gây ra những khó khăn trong việc ra quyết định và lựa chọn chiến lược. Do đó, ngân hàng cần xem xét cơ cấu hội đồng quản trị đúng quy định và phù hợp với quy mô hoạt động của ngân hàng.
Bốn là, phát triển các hoạt động tạo thu nhập ngoài lãi phù hợp
Thu nhập ngoài lãi có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Thu nhập ngoài lãi của các NHTM phần lớn đến từ việc thu phí dịch vụ, một phần từ các hoạt động đầu tư, vì các NHTM ở Việt Nam còn rất hạn chế trong việc đa dạng hóa thu nhập, thu nhập chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng. Hoạt động tín dụng có thể ẩn chứa những rủi ro khi khách hàng không hoàn trả nợ, do đó, việc mở rộng thu nhập ngoài lãi không những giúp gia tăng nguồn thu, mà còn giảm bớt rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, do là những hoạt động không chủ yếu, nên các ngân hàng cần cân nhắc lựa chọn phát triển nguồn thu nhập ngoài lãi phù hợp. Theo đó, ngân hàng có thể xem xét đến việc phát triển dịch vụ thẻ, bên cạnh thu hút khách hàng sử dụng thì ngân hàng cần gia tăng tính năng cho dịch vụ thẻ, mở rộng đối tác để thuận tiện thanh toán cho khách hàng qua thẻ... và cần xây dựng biểu phí dịch vụ phù hợp và cạnh tranh. Mặt khác, ngân hàng nên chủ động phát triển các loại dịch vụ ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể quan tâm và định hướng các kế hoạch đầu tư tài chính khác để có thêm nguồn thu nhập cho ngân hàng.
Năm là, tích cực quản lí chi phí
Tỉ lệ giữa chi phí và doanh thu có ảnh hưởng nghịch chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Thực tế, chi phí hoạt động gắn liền với hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức kinh tế, vì việc quản lí tốt chi phí hoạt động giúp cho tổ chức tinh giản được chi phí và gia tăng thu nhập. Chính vì thế, việc quản lí chi phí luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà quản trị. Chi phí hoạt động của ngân hàng đến từ chi phí lãi, chi phí quản lí, chi phí nhân viên và các khoản chi phí khác. Do đó, các ngân hàng cần xem xét các khoản chi phí của ngân hàng, từ đó phân tích khả năng tạo ra nguồn thu nhập từ các khoản chi phí. Những khoản chi phí không cần thiết hoặc tạo ra giá trị nguồn thu thấp cần có biện pháp tinh giản. Điều này góp phần giúp cho các NHTM giảm bớt được gánh nặng về chi phí, giúp tăng trưởng hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Ammar, J. & Hana, B. (2021). Determinants of Banks Profitability in the Middle East and North Africa Region. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(6), pages 0701 - 0711. doi:10.13106/jafeb.2021.vol8.no6.0701.
2. Ekaterina, K., Shawuya, J., Anqi, M. & Angi, S. (2021). Determinants Affecting Profitability of State-Owned Commercial Banks: Case Study of China. Risks 9(150), pages 1 - 19. doi.org/10.3390/risks9080150.
3. Elouali, J. & Oubdi, L. (2018). Factors Affecting Bank Performance: Empirical Evidence from Morocco. European Scientific Journal, 14(34), pages 255 - 267.
4. Hosen, Z. (2020). Internal Factors Influencing the Profitability of Commercial Banks in Bangladesh. International Journal of Economics and Financial Research, 6(7), pages 192 - 200.
5. Hossain, S. & Ahamed, F. (2021). Comprehensive analysis on determinants of bank profitability in Bangladesh. General Economics, pages 1-31. doi.org/10.48550/arXiv.2105.14198.
6. Hausman, J. (1978). Specification Tests in Econometrics. Econometrica, 46, pages 1251 - 1271. https://doi.org/10.2307/1913827
7. Kiran, L. & Muhamad, K. (2019). Factors Affecting the Profitability of Banks in Developing Countries. International Journal of Business & Management, 14(2), pages 4 - 91.
8. Mai Văn Nam (2008), Kinh tế lượng, Nxb. Thống kê.