Trong một số năm gần đây đang có một cuộc tranh luận khá sôi nổi ở khu vực tài chính của Việt Nam về vai trò và vị trí của các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) đối với sự đổi mới và phát triển của các định chế tài chính và hầu hết các ý kiến đều khẳng định rằng, hoạt động của các Fintech sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tài chính và đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là hoạt động của các doanh nghiệp Fintech tác động như thế nào đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng? Làm thế nào để có thể phát huy các tác động tích cực của hoạt động Fintech nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng và sự phát triển của thị trường tài chính nói chung? Đây đã và đang tiếp tục là yêu cầu thực tiễn cần có lời giải đáp thỏa đáng. Bài viết tập trung đề cập sự ra đời và hoạt động của Fintech, các tác động có thể xảy ra đối với hoạt động ngân hàng, từ đó gợi mở một số vấn đề đối với Việt Nam.
Từ khóa: NHTM, Fintech, hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường tài chính.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, công nghệ được ứng dụng để giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng quản lý tốt hơn các hoạt động tài chính, quy trình và cuộc sống của họ bằng cách sử dụng phần mềm và thuật toán chuyên biệt được ứng dụng trên máy tính và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về ảnh hưởng của Fintech đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Một số ý kiến cho rằng, Fintech gây gián đoạn và đe dọa tới hệ thống ngân hàng, song một số ý kiến khác lại nhận định giữa các doanh nghiệp Fintech và các NHTM hoàn toàn có thể hợp tác phát triển, mang đến những sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng giá trị cho khách hàng.
Các số liệu thống kê cho thấy, hoạt động Fintech trên toàn cầu và tại Việt Nam là khá sôi động.
Trên phạm vi toàn cầu, tổng số doanh nghiệp Fintech năm 2019 là trên 7.000 doanh nghiệp, thu hút lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 150,3 tỷ USD (trong khi năm 2012 chỉ thu hút được 60,2 tỷ USD (Findexable, 2019).
Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Vinam Fintech Report, số lượng doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam tăng khá nhanh: Năm 2015, Việt Nam có 39 công ty. Con số này tăng lên 44 công ty vào năm 2017; 123 công ty năm 2020 và 150 công ty vào cuối năm 2021, đại diện cho 5 lĩnh vực hàng đầu là thanh toán cho vay ngang hàng (P2P Lending), Blockchain, POS, quản lý tài sản. Trong đó, lĩnh vực thanh toán chiếm 33% (tương đương 38 công ty), P2P Lending chiếm 15,5% (tương đương 18 công ty), Blockchain là 13%,… (Lương Hạnh, 2021). Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động P2P Lending và không gian tiền điện tử/Blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 công ty vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020. Việt Nam hiện có khoảng 46 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay (Trọng Đức, 2021). Sự phát triển khá sôi động của các Fintech đã và đang tiếp tục đem đến luồng sinh khí mới trên thị trường tài chính và hứa hẹn thị trường tài chính sẽ có sự phát triển bứt phá trong tương lai, đem đến cho người tiêu dùng trên toàn cầu những sản phẩm tài chính mới ngày càng tiện ích, an toàn, nhanh chóng với chi phí ngày càng giảm thiểu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động của doanh nghiệp Fintech đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng là rất cần thiết.
2. Tầm quan trọng của công nghệ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng
Hoạt động kinh doanh ngân hàng là loại hình kinh doanh bậc cao, với “đầu vào” và “đầu ra” đều là tiền, có liên quan tới mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội, nên mức độ rủi ro tiềm ẩn luôn rất cao, chính vì vậy, hoạt động này luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách tiền tệ với những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo được quy định trong những văn bản pháp luật. Tuy vậy, dịch vụ mà các NHTM cung cấp cho khách hàng tương tự nhau, mức độ cạnh tranh trong khu vực này vì thế luôn rất nóng, nên để tồn tại và phát triển thì các NHTM phải không ngừng sáng tạo ra các sản phẩm mới có ưu thế vượt trội so với đối thủ cạnh tranh và điều này chỉ có thể đạt được khi có sự “hậu thuẫn” của công nghệ hiện đại. Lịch sử ra đời và phát triển của hệ thống ngân hàng cho thấy, các NHTM luôn đi tiên phong trong việc triển khai áp dụng những kỹ thuật công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh để đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng về tính tiện ích, an toàn, nhanh chóng với chi phí thấp. Có 03 cách để các NHTM có thể hiện đại hóa công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình là tự triển khai nghiên cứu công nghệ mới, mua các phát minh, sáng chế công nghệ áp dụng vào hoạt động ngân hàng hoặc liên kết với các doanh nghiệp công nghệ.
Thứ nhất, tự triển khai nghiên cứu công nghệ ngân hàng. Với năng lực tài chính hùng hậu, các ngân hàng hoàn toàn có thể tự tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển nhằm liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm tài chính mới, hấp dẫn khách hàng. Song, nếu không có sự nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng thì điều này là rất tốn kém, đầu tư dàn trải, và vì vậy, tính khả thi không cao, bởi để có được những sản phẩm tài chính hiện đại buộc mỗi ngân hàng phải thành lập các viện nghiên cứu riêng, tuyển dụng những chuyên gia hàng đầu về công nghệ để tạo ra những sản phẩm công nghệ có thể ứng dụng trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, đàm phán với các nhà sáng chế để mua các phát minh sáng chế. Một biện pháp đơn giản hơn nhưng lại ít tốn kém đó là các ngân hàng có thể đàm phán mua các sản phẩm công nghệ mới để triển khai ứng dụng chúng trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, cách này luôn đối diện với những khó khăn, thậm chí là thách thức lớn: (i) Các công nghệ được sáng tạo ra cần phải được tiếp tục nghiên cứu triển khai mới có thể áp dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, việc nghiên cứu triển khai này rất có thể vẫn cần đến sự cộng tác của các nhà nghiên cứu. Mặt khác, việc mua các bí quyết công nghệ cũng rất cần đến nghệ thuật đàm phán bởi các công nghệ mới sẽ được định giá rất khác nhau căn cứ vào việc nó sẽ được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh nào, với lợi nhuận kỳ vọng cao hay thấp khi áp dụng công nghệ mới. Kinh doanh ngân hàng luôn được kỳ vọng là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao hơn đáng kể so với các lĩnh vực kinh doanh khác, do vậy, các nhà sáng chế luôn đòi hỏi chi phí chuyển nhượng cao. Làm thế nào để có thể đàm phán với các nhà phát minh sáng chế để có thể mua phát minh với giá “hợp lý” luôn là một thách thức bởi rủi ro trong hoạt động mua bán bản quyền này luôn rất cao do khó khăn trong việc xác định chính xác chi phí cơ hội của việc mua công nghệ mới trong kinh doanh ngân hàng; (ii) Các nhà sáng tạo công nghệ có thể tự mình triển khai áp dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nếu như pháp luật không cấm. Tuy vậy, ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các nhà sáng chế không dễ dàng triển khai áp dụng các nghiên cứu vào thực tiễn kinh doanh ngân hàng. Tuy vậy, nói không dễ dàng không có nghĩa là các nhà nghiên cứu công nghệ không thể triển khai các nghiên cứu của mình bởi thực tế những năm gần đây cho thấy, các nhà sáng tạo công nghệ đã từng bước “chen chân” vào khu vực kinh doanh ngân hàng thông qua hoạt động start-up (Vincent, 2017).
Thứ ba, liên kết giữa NHTM với các doanh nghiệp công nghệ. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhất, tuy vậy, việc phân phối kết quả kinh doanh lại là vấn đề bởi nếu dựa trên mức đóng góp về vốn thì các NHTM luôn có ưu thế vượt trội, nếu dựa trên mức đóng góp của công nghệ đến kết quả hoạt động cũng sẽ khó phân định bởi hoạt động kinh doanh ngân hàng chủ yếu dựa trên uy tín thương hiệu. Sự khó khăn trong phân phối kết quả hoạt động khiến việc liên kết sẽ luôn khó bền vững (Sinha, N., 2020).
Từ những phân tích trên đây, một số kết luận được rút ra là:
- Công nghệ luôn là điều kiện tiên quyết trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng việc vận dụng công nghệ mới vào thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng luôn có khá nhiều khó khăn cho dù các NHTM luôn muốn áp dụng những thành tựu công nghệ hiện đại nhất trong hoạt động của mình, nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ tài chính tốt nhất cho khách hàng.
- Sự hợp tác, liên kết giữa NHTM với các nhà sáng chế công nghệ luôn có những bất cập, cho dù các NHTM luôn muốn có sự liên kết này, nguyên nhân chủ yếu thuộc về các nhà sáng tạo công nghệ. Khi các nhà sáng chế công nghệ muốn khởi nghiệp trong khu vực tài chính thì sự liên kết, hợp tác chỉ là tạm thời, còn ý thức độc lập trong hoạt động là vĩnh viễn bởi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư vì những kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh hấp dẫn và nhu cầu về sự trải nghiệm chuyển từ ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn kinh doanh trong khu vực tài chính. Những start-up tài chính chỉ liên kết khi nhận thức được những khó khăn, thách thức ban đầu và khi những rào cản pháp luật còn gây ra những khó khăn, thách thức khó vượt qua.
3. Sự ra đời của các doanh nghiệp Fintech và tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh ngân hàng
3.1. Sự ra đời và tầm quan trọng của các doanh nghiệp Fintech
Theo Arner (2016), mặc dù sự liên kết giữa lĩnh vực kinh doanh tài chính và công nghệ đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX (năm 1866), nhưng thuật ngữ “Fintech” chỉ xuất hiện từ những năm 1990 khi Citigroup cho ra đời một dự án có tên gọi “Tập đoàn công nghệ dịch vụ tài chính” nhằm thúc đẩy sự hợp tác về công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính. Cho đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính dưới tên gọi Fintech hoạt động khá sôi động tại nhiều nước thông qua áp dụng các công nghệ hiện đại nhất vào việc thiết kế và trực tiếp cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính với những ưu điểm vượt trội về sự tiện ích, chi phí có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống vốn dĩ vẫn được các NHTM cung cấp. Đặc biệt, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009, trong khi các NHTM cho dù có ưu thế vượt trội về quy mô vốn cũng như tổng tài sản và lượng khách hàng bao trùm trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn nhưng rất chật vật trong ứng phó với nguy cơ bị sụt giảm thu nhập, thậm chí bị thôn tính hoặc phá sản1 thì các doanh nghiệp Fintech lại phát triển bùng nổ tại hầu hết các thị trường tài chính. Các Fintech không hoạt động kinh doanh đơn độc mà nó rất hấp dẫn các nhà đầu tư, thể hiện ở quy mô góp vốn từ các nhà đầu tư không ngừng tăng lên qua các năm. Những hoạt động đầu tư vào Fintech tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động mua bán - sáp nhập, vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân (Findexable, 2019). Cơ hội cho sự phát triển bùng nổ của các Fintech lại chính từ sự yếu kém cố hữu của các NHTM bị khoét sâu và phơi bày bởi cuộc khủng hoảng này khiến cho người tiêu dùng hoang mang, quan ngại. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) lại đặt ra những yêu cầu về các giao dịch tài chính phải an toàn, nhanh chóng, tiện ích với chi phí thấp và nó khiến người tiêu dùng khắt khe hơn khi ra các quyết định lựa chọn tổ chức cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Fintech với các công nghệ hiện đại trong giao dịch và năng lực quản trị an toàn hoạt động cao hơn đã là sự lựa chọn tốt hơn đối với khách hàng so với sản phẩm dịch vụ tương tự được các NHTM cung cấp. Bởi vậy, hoat động của các doanh nghiệp Fintech nhiều nước ngày càng mở rộng, tại một số nước như Anh hay Trung Quốc, các doanh nghiệp Fintech còn lấn sân sang lĩnh vực P2P Lending - vốn trước đây chỉ dành cho các NHTM. Với những ưu thế về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Fintech đã tăng cường chiếm lĩnh thị trường cho vay, cạnh tranh với các NHTM thông qua đáp ứng nhu cầu vay vốn của một bộ phận khách hàng vay cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (những khách hàng này vốn dĩ các NHTM thường rất ít quan tâm). Sự “lấn sân” từng bước sang lĩnh vực kinh doanh truyền thống của các NHTM vốn vẫn được hành lang pháp luật bảo hộ cho thấy các áp lực đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng đang ngày càng gia tăng, hoạt động kinh doanh vốn vẫn được xem là “vùng cấm” có xu hướng ngày càng bị thu hẹp do những loại hình dịch vụ tài chính mới được chính các doanh nghiệp Fintech sáng tạo ra và cung cấp cho người tiêu dùng không ngừng tăng lên, vượt qua các rào cản pháp luật. Mặc dù những năm gần đây, các Fintech đã gây ra những tác động tiêu cực nhất định đối với một số nền kinh tế, khiến Chính phủ nhiều nước đưa ra các quy định ngăn cấm các doanh nghiệp Fintech hoạt động P2P Lending (Huỳnh Thu Hiền, 2019), nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp Fintech trong đáp ứng nhu cầu của một bộ phận đông đảo người vay trong nền kinh tế vốn không được các NHTM quan tâm, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Với ưu thế nắm bắt công nghệ hiện đại, lại được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư trên toàn cầu, các doanh nghiệp Fintech được dự báo sẽ ngày càng đẩy mạnh nghiên cứu triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, tiện ích, thu hút lượng người dùng ngày càng tăng lên một khi các NHTM vẫn tự bằng lòng với bản thân, yên tâm với sự che chắn của hành lang pháp luật, không chịu đổi mới công nghệ. Theo Prasad (2019) thì các doanh nghiệp Fintech đang đi tiên phong trong CMCN 4.0 ở khu vực tài chính, mang đến sự tiện ích cho khách hàng thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin, làm thay đổi các kênh dịch vụ tài chính truyền thống, giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian và chi phí qua các kênh qua Internet. Việc ứng dụng công nghệ Big Data để phân tích hành vi của khách hàng có thể giúp các doanh nghiệp Fintech giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính. Arner et al (2020) cho rằng, hoạt động Fintech là động lực chính thúc đẩy sự phát triển tài chính toàn diện2, qua đó tạo nền tảng cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs)3. Về bản chất, tài chính toàn diện là một công cụ bình đẳng, cho phép mọi công dân đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu được lợi ích từ đó (Kapoor, 2014), nhưng để mọi công dân có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì trước tiên họ phải có vốn để đầu tư và tài chính toàn diện thông qua các doanh nghiệp Fintech sẽ giúp mọi người dân có thể tiếp cận vốn vay để phục vụ mục tiêu kinh doanh với lãi suất vừa phải - mức lãi suất này mặc dù cao hơn so với mức lãi suất do các NHTM áp dụng, nhưng nếu so sánh với mức lãi suất từ tín dụng đen thì lại thấp hơn nhiều (Huỳnh Thu Hiền, 2019). Như vậy, hoạt động doanh nghiệp Fintech sẽ là giải pháp tốt nhằm thúc đẩy sự phát triển tài chính toàn diện, các doanh nghiệp Fintech có thể thay thế hoạt động ngân hàng truyền thống bằng cách cung cấp các dịch vụ ngân hàng ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn đáng kể.
Cùng với sự phát triển năng động của các doanh nghiệp Fintech đang đặt ra những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực tài chính không chỉ phải có kiến thức sâu về tài chính, ngân hàng mà còn phải có kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin, từ đó, đặt ra yêu cầu các trường đại học cần thiết phải thay đổi các chương trình đào tạo.
3.2. Tác động của các doanh nghiệp Fintech đến hoạt động kinh doanh ngân hàng
Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Fintech đang là đối thủ cạnh tranh hiện hữu của các NHTM, “vùng cấm” trong hoạt động kinh doanh ngân hàng đang dần bị thu hẹp cùng với sự bùng nổ hoạt động start-up trong lĩnh vực tài chính. Câu hỏi đặt ra là sự hiện diện của các doanh nghiệp Fintech tác động thế nào đến hoạt động kinh doanh ngân hàng? Thời gian gần đây đã có một số nghiên cứu đi tìm lời giải đáp, trong đó nghiên cứu của Phan et al (2019) rất đáng chú ý. Thông qua việc kế thừa Lý thuyết người tiêu dùng4 và Lý thuyết đổi mới đột phá5 cũng như sử dụng mô hình định lượng nhằm đánh giá sự tác động của hoạt động Fintech đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng, Phan và các cộng sự dựa trên khung phân tích được sử dụng để đánh giá tác động của doanh nghiệp Fintech lên hoạt động của các NHTM là số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia thị trường (logarit tự nhiên số lượng doanh nghiệp Fintech hiện diện trong năm ) tác động cùng chiều hay ngược chiều và mức tác động là lớn hay nhỏ lên các chỉ số hoạt động của NHTM như NIM (biên lãi ròng), ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản), ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn cổ phần) và YEA (tỷ suất sinh lời của tài sản có sinh lãi). Nghiên cứu này chỉ ra rằng, hoạt động của các doanh nghiệp Fintech có ảnh hưởng tiêu cực đối với hiệu quả kinh doanh của các NHTM. Cụ thể, Lý thuyết người tiêu dùng của Aaker & Keller (1990) cho rằng, các dịch vụ mới (chẳng hạn như các dịch vụ do các doanh nghiệp Fintech cung cấp) đáp ứng cùng một nhu cầu của người tiêu dùng có thể thay thế các dịch vụ cũ (chẳng hạn như các dịch vụ do các NHTM truyền thống cung cấp). Lý thuyết này cho rằng, thái độ chung của khách hàng đối với sự mở rộng dịch vụ là biến phụ thuộc và phụ thuộc vào: Nhận thức về chất lượng cao hơn đối với thương hiệu mẹ khi thương hiệu mở rộng dịch vụ cung ứng; khả năng chuyển đổi giá trị có thể được thực hiện giữa hai sản phẩm tương thích với nhau; sự tương thích giữa hai sản phẩm; sự khó khăn để phát triển sản phẩm. Lý thuyết đổi mới đột phá hay siêu đổi mới của Christensen (1997) cho rằng, những người mới tham gia áp dụng công nghệ sáng tạo để cung cấp thêm sản phẩm dịch vụ dễ tiếp cận và hiệu quả về chi phí có thể tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường. Lý thuyết này khẳng định rằng, siêu đổi mới thường bắt đầu với một sản phẩm có tính năng không tốt bằng sản phẩm hiện tại, nhưng sau một thời gian cải tiến, sản phẩm kia sẽ tạo ra được sự dịch chuyển nhanh chóng trên thị trường. Có 04 giai đoạn của siêu đổi mới là: (1) Sự phá vỡ; (2) Sự tiến hóa; (3) Sự hội tụ và (4) Sự tái tạo. Trên cơ sở các lý thuyết này, Phan và các cộng sự đã tiến hành khảo sát 41 NHTM và các doanh nghiệp Fintech tại Indonesia trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2017 (tại nước này, mỗi năm có 7 doanh nghiệp Fintech6 mới được thành lập). Theo khung nghiên cứu của Phan và các cộng sự (2019), hoạt động ngân hàng là biến phụ thuộc và các biến độc lập lần lượt là:
(1) Số lượng doanh nghiệp Fintech đăng ký hàng năm tại Indonesia; (2) Hoạt động năm trước của ngân hàng; (3) Tỷ lệ vốn cổ phần trên tổng tài sản; (4) Tỷ lệ chi phí lợi nhuận; (5) Dự phòng rủi ro không trả nợ; (6) Tăng trưởng tiền gửi hàng năm; (7) Phần trăm thu nhập lãi; (8) Chi phí huy động vốn; (9) GDP và (10) Lạm phát. Sau khi sử dụng mô hình định lượng hồi quy để ước lượng thì một số kết quả chính được rút ra từ nghiên cứu này là:
(i) Fintech làm giảm NIM 0,38%, ROE 7,3%, ROA 1,73% và YEA 0,38% giá trị trung bình mẫu7 của chúng tương ứng.
(ii) Với mỗi doanh nghiệp Fintech mới ra đời, sự tác động tới các hệ số NIM, ROE, ROA và YEA lần lượt là 0,53%, 9,32%, 2,07% và 0,48% so với giá trị mẫu của chúng.
(iii) Sự tác động của hoạt động Fintech tới đặc điểm hoạt động kinh doanh ngân hàng là không giống nhau giữa các loại hình NHTM khác nhau (về giá trị thị trường, thời gian hoạt động và tính chất sở hữu). Cụ thể: Thứ nhất, Fintech tác động tới NHTM lớn mạnh hơn so với NHTM nhỏ. Lý do giải thích là các NHTM quy mô nhỏ thích ứng với đổi mới công nghệ nhanh hơn các NHTM lớn8; thứ hai, Fintech tác động tới các NHTM hoạt động lâu năm mạnh hơn so với các NHTM trẻ9; thứ ba, Fintech ảnh hưởng tới các ngân hàng sở hữu Nhà nước mạnh hơn so với các ngân hàng thuộc sở hữu tư nhân10.
Mặc dù nghiên cứu này thực hiện trong phạm vi một nước là Indonesia, nhưng các kết quả nhiên cứu lại rất có ý nghĩa thống kê và phù hợp với các kết quả từ những nghiên cứu khác có tính chất tương đương về những loại hình hoạt động kinh doanh khác và vì vậy, các kết luận rút ra từ nghiên cứu này có giá trị thực tiễn lớn trong điều hành vĩ mô khu vực tài chính của các nước, đặc biệt là với những nước có điều kiện tương đồng.
4. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp Fintech và hoạt động kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp Fintech đầu tiên đã được NHNN cấp phép hoạt động từ năm 2008, song chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền. Tuy mới xuất hiện, nhưng các doanh nghiệp Fintech phát triển rất nhanh về số lượng và quy mô. Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn là ở mảng thanh toán (60,526% so với toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp Fintech), tiếp đến là hoạt động gọi vốn cộng đồng (chiếm 10,526%), Bitcoin/Blockchain (7,895%), POS/mPOS (5,263%), quản lý dữ liệu (5,263%), tài chính cá nhân (5,263%), cho vay tiền (2,632%) và so sánh giá trực tuyến (2,632%). Bên cạnh đó, tính đến ngày 16/11/2021, có 46 tổ chức phi ngân hàng đã được NHNN cấp phép để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán, hỗ trợ chuyển tiền kiều hối, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, ví điện tử (NHNN, 2021).
Các số liệu từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp Fintech ở nước ta những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam chủ yếu là liên kết với các NHTM để cùng cung cấp các sản phẩm dịch vụ (72%)11, chỉ khoảng 14% phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với các NHTM trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng (Trần Thị Kim Chi, 2021). Sự liên kết này luôn đem đến lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam trong thụ hưởng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng tiện ích. Cũng như các doanh nghiệp Fintech tại các nước, các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam có những điểm mạnh về công nghệ, có nhiều ý tưởng mới và linh hoạt trong tổ chức hoạt động, nhưng lại có những điểm yếu về kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, uy tín, thương hiệu chưa đủ lớn để có thể mở rộng thị trường hoạt động, nên việc kinh doanh độc lập là một thách thức với phần lớn doanh nghiệp Fintech, liên kết với các NHTM là một sự lựa chọn tốt nhất hiện nay của các doanh nghiệp này để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới và sự liên kết này cũng giúp các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam có sự phát triển khá nhanh, tuy vậy, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì vẫn còn một số hạn chế: (i) Về số lượng: Các doanh nghiệp Fintech của nước ta chỉ khoảng trên 150 doanh nghiệp năm 2021, thấp xa so với Singapore (trên 1.150 doanh nghiệp), Indonesia (trên 510 doanh nghiệp), Malaysia (trên 370 doanh nghiệp); (ii) Về chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Fintech: Hầu hết các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động trong khu vực tài chính thông qua hoạt động start-up nên nhìn chung còn rất thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động. Trong điều kiện môi trường hoạt động kinh doanh có độ nhạy cảm cao thì việc thiếu kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đến nền kinh tế - xã hội, cho dù đa số các doanh nghiệp Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán; (iii) Về năng lực tài chính: Đa số các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ, năng lực tài chính rất hạn chế.
5. Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Thứ nhất, việc ứng dụng các sáng tạo công nghệ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là một yêu cầu khách quan nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng an toàn, tiện ích, nhanh chóng với chi phí giảm, nhưng luôn có những khó khăn, thậm chí là thách thức đối với các NHTM Việt Nam khi đáp ứng yêu cầu này, những khó khăn, thách thức không chỉ từ lý do khách quan mà chúng tôi đã đề cập trên đây, mà còn từ năng lực tài chính của hầu hết các NHTM Việt Nam còn yếu. Vietcombank là một trong số các NHTM có quy mô lớn nhất tại Việt Nam thì tổng vốn chủ sở hữu năm 2021 chỉ đạt xấp xỉ 111,171 tỷ đồng. Các NHTM khác có quy mô tương đương, thậm chí một số NHTM quy mô còn nhỏ hơn nhiều. Với quy mô vốn chủ sở hữu còn hạn chế như vậy sẽ có những hạn chế nhất định trong việc tự nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh ngân hàng, hơn nữa, những rủi ro và chi phí cơ hội từ việc đầu tư vào công nghệ ngân hàng luôn khá cao dưới tác động của CMCN 4.0. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Fintech để có thể tận dụng tốt các ý tưởng sáng tạo về Fintech từ các doanh nghiệp này vào thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng là rất cần thiết nhằm không ngừng thiết kế ra những sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, tăng tính trải nghiệm cho người tiêu dùng với những ưu thế ngày càng vượt trội.
Thứ hai, sự liên kết giữa các NHTM với hầu hết các doanh nghiệp Fintech hiện nay diễn ra khá suôn sẻ, nhưng theo chúng tôi nó chỉ là tạm thời, trong tương lai, chúng tôi cho rằng sự liên kết này sẽ ngày càng kém bền vững dưới sự tác động của CMCN 4.0: Tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp đều kéo theo sự biến đổi rất mạnh về kết cấu kinh tế - xã hội, theo đó, môi trường pháp luật cũng phải thay đổi. CMCN 4.0 sẽ còn tác động sâu sắc hơn tới mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường sống. Đối với khu vực tài chính, CMCN 4.0 khiến sức mạnh mềm phải được cân nhắc lại, những người có khả năng nắm bắt được các bí quyết công nghệ và không ngừng sáng tạo ra các sản phẩm mới làm tăng tính trải nghiệm với dân chúng sẽ tạo lực hấp dẫn cao và vì vậy, sức mạnh truyền thống của các NHTM về thông tin và lượng khách hàng lớn sẽ chỉ là tạm thời và sẽ bị đảo ngược rất nhanh. Các doanh nghiệp Fintech đều ý thức được điều này và họ sẽ nhanh chóng tạo vị thế trên thị trường bằng việc “đứng trên vai” các NHTM. Điều này cho thấy rằng, các NHTM không thể xem việc liên kết với các doanh nghiệp Fintech là một giải pháp tốt nhất và yên tâm với giải pháp này, các NHTM phải bằng mọi cách tự vươn lên để làm chủ về công nghệ mới có thể đứng vững trên thương trường, bởi các doanh nghiệp Fintech với các ưu thế của mình sẽ không ngừng sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ tài chính mới vượt qua khuôn khổ pháp luật để tạo dấu ấn, từng bước khẳng định vị thế và đây sẽ là một thách thức nghiêm trọng nhất của các NHTM trong tương lai khi khu vực được xem là “vùng cấm” sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Thứ ba, nghiên cứu quốc tế cho thấy, sự phát triển của loại hình Fintech sẽ khiến hiệu quả kinh doanh của các NHTM bị suy giảm, tuy vậy, chúng ta không thể bảo vệ hoạt động kinh doanh của các NHTM bằng mọi giá vì lợi ích của người tiêu dùng. Hoạt động của các NHTM hay các doanh nghiệp Fintech đều hướng tới phục vụ khách hàng và trên hết, phải hướng tới phát triển thị trường tài chính Việt Nam, cho nên môi trường kinh tế, hạ tầng tài chính hay hành lang pháp luật đều phải hướng tới mục tiêu tối thượng này và vì vậy, việc tạo ra một môi trường năng động để khuyến khích các start-up trong khu vực tài chính được ươm mầm và nở rộ là một đòi hỏi khách quan; sự quan tâm đẩy mạnh đầu tư nhằm hoàn thiện hạ tầng tài chính phải được xem là điều kiện tiên quyết để các Fintech hoạt động ngày càng hiệu quả - đây chính là ươm mầm để tạo hứng khởi cho các start-up ngày càng gia tăng; hành lang pháp luật nên cân nhắc đồng bộ và hoàn thiện để giúp các sản phẩm dịch vụ tài chính được các doanh nghiệp Fintech sáng tạo ra có thể ứng dụng trong thực tiễn, chẳng hạn, hoạt động P2P cần tiếp tục phải được nghiên cứu và tạo khuôn khổ pháp luật để hoạt động này mở rộng, giúp xử lý vấn đề vốn cho đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cũng như nhu cầu vay vốn của các cá nhân và hộ gia đình. Kinh nghiệm từ Singapore và một số nước ASEAN cho thấy, các nước này rất chú trọng phát triển hoạt động Fintech để qua đó thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện (Smith, 2021; Shrestha và Nursamsu, 2021).
1 Lehman Brother là một tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ với tổng tài sản Có lên đến khoảng 700 tỷ USD, vốn chủ sở hữu lên tới xấp xỉ 22,5 tỷ USD. Ngày 15/9/2008, tập đoàn này tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ. (Huệ Bình (2021): Khủng hoảng nợ từng đe dọa thế giới. https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-no-tung-de-doa-the-gioi-2021092421001858.htm
2 Tài chính toàn diện được định nghĩa là việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, quyết định rất nhiều đến sự phát triển kinh tế. Các cá nhân không bị loại trừ về mặt tài chính có thể đầu tư vào giáo dục và thành lập doanh nghiệp và điều này góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế (Bruhn & Love, 2014).
3 Tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc (LHQ) về phát triển bền vững, các nước đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. SDGs là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
4 Lý thuyết người tiêu dùng của Aaker và Keller (1990) cho rằng các dịch vụ mới (chẳng hạn như các dịch vụ do các doanh nghiệp Fintech cung cấp) bằng cách đáp ứng cùng một nhu cầu của người tiêu dùng có thể thay thế các dịch vụ cũ (chẳng hạn như các dịch vụ do các NHTM truyền thống cung cấp).
5 Lý thuyết đổi mới đột phá của Christensen (1997) cho rằng những người mới tham gia áp dụng công nghệ sáng tạo để cung cấp thêm sản phẩm dịch vụ dễ tiếp cận và hiệu quả về chi phí có thể tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường.
6 Các doanh nghiệp Fintech tại Indonesia phần lớn tập trung vào hoạt động cho vay (45%) sau đó là hoạt động thanh toán (38%) và các lĩnh vực dịch vụ khác (Phan và cộng sự, 2019).
7 Giá trị trung bình của các hệ số mỗi năm tại Indonesia như sau: NIM 4,94%, ROE 7,99%, ROA 0,40%, YEA trên 10%.
8 Scott et al. (2017) lập luận rằng doanh nghiệp lớn hơn phải chịu nhiều chi phí hơn đáng kể trong việc tổ chức lại do hệ thống kế thừa của họ so với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Khi có những chuyển đổi công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ có khả năng thích nghi hơn với những thay đổi bên trong và bên ngoài liên quan đến hoạt động của họ. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn hơn có thể phản ứng chậm do các hệ thống cũ yêu cầu sửa đổi đáng kể
9 Nghiên cứu của Haller và Siedschlag (2011) cho thấy, các doanh nghiệp trẻ thành công hơn trong việc áp dụng và sử dụng đổi mới công nghệ. Điều này là do họ áp dụng đổi mới công nghệ nhiều hơn.
10 Caudle et al (1991) lập luận rằng sở dĩ các doanh nghiệp nhà nước chịu sự tác động tiêu cực từ các hoạt động Fintech lớn hơn so với các doanh nghiệp tư nhân là bởi các doanh nghiệp nhà nước có khả năng chậm áp dụng và sử dụng các đổi mới công nghệ so với các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp thường chủ động áp dụng các đổi mới, các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng đưa ra các đổi mới có tính quan liêu. Các doanh nghiệp nhà nước chậm áp dụng đổi mới công nghệ còn do các hạn chế về thời gian ngân sách bởi chúng phụ thuộc vào các ràng buộc chu kỳ lập ngân sách do ảnh hưởng chính trị hoặc các thay đổi định kỳ trong các ưu tiên chính trị.
11 Thực tế tại Việt Nam cho thấy đa số các NHTM ký kết với một vài doanh nghiệp Fintech để cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng như dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại di động (smartphone) do NHTM cổ phần Quân đội kết hợp với Viettel triển khai thực hiện; nhiều NHTM liên kết với ví Momo để phát triển ví điện tử; VPBank hợp tác với VnPay, Bankplus… để đẩy mạnh mảng thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến; VietinBank hợp tác cùng 7 doanh nghiệp Fintech để cung cấp các sản phẩm dịch vụ có công nghệ hiện đại vượt trội (Nguyễn Hồng Nga, 2020).