Ngày nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đây là những yếu tố đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của nước ta. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, để giải quyết các vấn đề trên, Việt Nam cần phải chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (hay còn gọi là kinh tế truyền thống) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Đây là mô hình kinh tế phát triển bền vững, đáp ứng được nhiều mục tiêu, bao gồm: Giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển ở đầu ra, ứng phó với cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu.
1. Đặt vấn đề
Sự tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu đầu vào và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Để giải quyết những vấn đề trên, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hướng đến phát triển nền KTTH để đạt được sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.
Thuật ngữ KTTH còn khá mới lạ ở Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, thuật ngữ này được nhiều hội thảo khoa học trong và ngoài nước đề cập đến vì những giá trị mà mô hình kinh tế này hướng đến. Đó là, tối ưu hóa lợi ích của nền kinh tế, sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống. Các doanh nghiệp ở nước ta cũng đã bước đầu tiếp cận với KTTH như một sự thay đổi về tư duy trong kinh tế và góp phần định hướng lại mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, chọn mô hình KTTH là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống trước đây. Qua đó, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên gắn với mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững và bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, để phát triển mô hình KTTH đòi hỏi rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt về thể chế, pháp lý cùng các nguồn lực của một đất nước. Vì thế, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ về mô hình KTTH của các quốc gia đi trước, từ đó, đúc kết những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và vận dụng vào điều kiện kinh tế một cách phù hợp.
2. Giới thiệu về nền KTTH
2.1. Khái niệm và đặc điểm
KTTH là khái niệm đối lập với kinh tế tuyến tính ở mô hình và cách thức phát triển. Kinh tế tuyến tính là cách thức phát triển kinh tế theo mô hình đường thẳng, từ quá trình khai thác tài nguyên ở đầu vào cho sản xuất, đến phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là chất thải. Do đó, mô hình kinh tế tuyến tính sẽ đẩy nhanh quá trình khai thác tài nguyên, tạo chất thải nên tất yếu dẫn đến tài nguyên ngày càng cạn kiệt và môi trường bị ô nhiễm (Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự, 2020).
Thuật ngữ KTTH đã ra đời từ cuối những năm 1970 (MacArthur, 2013), nguồn gốc của thuật ngữ là ở châu Âu và gần đây, được rất nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, bắt đầu từ các tác giả người Trung Quốc sau khi thực hiện các biện pháp kiểm soát quy định ở nước này. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ các ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường xung quanh (Potting và cộng sự, 2017). Yuan và cộng sự (2008) cho rằng, cốt lõi của nền KTTH là chu trình luân chuyển khép kín của nguyên liệu ở khâu đầu vào và chất thải ở đầu ra.
Các hệ thống tuần hoàn áp dụng quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra chu trình khép kín trong việc sử dụng tài nguyên, giảm tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng ở khâu đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường và chất thải (Geissdoerfer và cộng sự, 2017; Potting và cộng sự, 2017).
Đây là mô hình kinh tế đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai, vì nó đạt được 3 mục tiêu: (i) Ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên ở khâu đầu vào; (ii) Khắc phục vấn nạn ô nhiễm môi trường ở đầu ra; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mô hình KTTH còn đem đến nhiều lợi ích cho các quốc gia như tiết kiệm chi phí, giảm sự biến động về giá cả, rủi ro từ các nhà cung cấp, phát huy tính đổi mới, sáng tạo thông qua các sản phẩm thay thế. Theo Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền KTTH có thể mang về 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc¹ (Trương Thị Mỹ Nhân, 2019).
Nói một cách dễ hiểu, mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất rồi vứt bỏ sau tiêu dùng, gây ra một lượng phế thải lớn. Trong khi đó, mô hình KTTH lại chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín nhằm giảm lượng phế thải tạo ra. Nếu vận dụng triệt để tư duy tuần hoàn trong quá trình thiết kế, sản xuất và tái chế sản phẩm thì nền KTTH sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp toàn cầu, cùng với đó là hàng trăm triệu việc làm mới được tạo ra.
Trên thế giới, đã có một số tập đoàn lớn bắt đầu hoạt động theo mô hình KTTH. Ví dụ như IKEA (tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình KTTH vào năm 2030; Lego (tập đoàn nổi tiếng với những bộ sản phẩm lắp ghép đồ chơi) đã bắt đầu triển khai kế hoạch xanh hóa hệ sinh thái với bộ lắp ghép đầu tiên sử dụng bằng nhựa thực vật; Carlsberg (Công ty sản xuất rượu bia của Đan Mạch) cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Tại Schneider Electric (Pháp), các hoạt động KTTH chiếm 12% doanh thu và giúp tiết kiệm khoảng 100 nghìn tấn tài nguyên từ năm 2018 đến năm 2020.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có đề cập đến chính sách khuyến khích áp dụng mô hình KTTH trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải, tầm nhìn đến năm 2030, tuy nhiên, đến nay triển khai trong thực tế cũng còn hạn chế. Ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm phát triển kinh tế hiệu quả; bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy nền KTTH và phát triển bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã tồn tại một vài mô hình kinh tế mới hướng đến gần hơn với KTTH. Chẳng hạn như mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (đầu tôm, vỏ tôm) sản xuất ra SSE, Chitosan; mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Bình; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang; Heineken Việt Nam với những sáng kiến tái sử dụng phế thải hoặc phụ phẩm nhằm giảm phát thải ra môi trường; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Hà Văn Thắng, 2020). Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện về KTTH cho nước ta trong thời gian sắp tới.
2.2. KTTH và sự phát triển bền vững.
Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (1987), phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của những thế hệ trong tương lai. Tại Việt Nam, khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.
Cách tiếp cận của KTTH giúp các nền kinh tế giải quyết được vấn đề nan giải giữa phát triển kinh tế và tác hại đến ô nhiễm môi trường (Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc UNEP, 2011a). Theo đó, phát triển kinh tế một mặt giảm phụ thuộc vào tài nguyên và hạn chế phát thải, mặt khác, các mô hình KTTH còn mang lại lợi ích to lớn về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Thật vậy, theo mô hình ước tính của tổ chức Accenture Strategy, KTTH có thể tạo ra lợi ích 4,5 nghìn tỷ USD ở quy mô toàn cầu từ 2015 đến 2030 (Lacy và Rutqvist, 2015). Riêng tại châu Âu, KTTH có thể đem lại 600 tỷ EUR lợi ích ròng hằng năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và đồng thời, giúp giảm một lượng rất lớn rác thải khí nhà kính của khu vực này (Within, 2015). Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, KTTH là con đường tất yếu phải thực hiện nhằm xây dựng một nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Nghiên cứu của Geissdoerfer và cộng sự (2017) cũng cho thấy, tính bền vững là sự kết hợp cân bằng giữa kết quả hoạt động kinh tế, hòa nhập xã hội và khả năng chống chịu với môi trường, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, nền KTTH được xem như một điều kiện nền tảng cho sự phát triển bền vững và có sự tương quan thuận giữa hai yếu tố này. Điều đó được thể hiện thông qua tám loại liên hệ giữa tính bền vững và KTTH.
Bên cạnh đó, Hannon và cộng sự (2016) cũng chỉ ra rằng, để đạt mục tiêu phát triển bền vững thì các doanh nghiệp phải sản xuất được sản phẩm phù hợp với nền KTTH. Theo đó, các doanh nghiệp phải thiết kế được sản phẩm có lợi cho việc tái sử dụng, sửa chữa và tái chế. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có các quy trình và hệ thống để hỗ trợ khách hàng khi sản phẩm bị lỗi, hư hỏng hoặc không còn mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
3. Cơ hội và thách thức đối với phát triển nền KTTH tại Việt Nam
3.1. Cơ hội
Thứ nhất, KTTH đang là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, và đã được chứng minh thành công ở nhiều nước như Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Singapore, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật Bản,… Do đó, Việt Nam sẽ đúc kết được nhiều bài học từ các nước đi trước và vận dụng phù hợp vào tình hình kinh tế - xã hội của mình.
Thứ hai, nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình KTTH sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và theo hướng bền vững.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang tận dụng nhiều lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển KTTH gắn với nền tảng công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thứ tư, áp lực về ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn tài nguyên, lượng phát thải lớn, đặc biệt là chất thải nhựa sẽ giảm đáng kể khi phát triển mô hình KTTH. Bên cạnh đó, nước ta đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, nên phát triển mô hình KTTH sẽ giúp giảm thiểu các chất gây ra hiệu ứng nhà kính. Đây chính là phương thức phát triển giúp Việt Nam đạt nhiều tiêu chí về mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 như tinh thần của Quyết định số 889/QĐ-TTg.
Thứ năm, phát triển mô hình KTTH sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của toàn xã hội, vì đây là cách thức phát triển kinh tế giúp giải quyết được sự khan hiếm về tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường sống, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.
3.2. Thách thức
Thứ nhất, hiện tại, nước ta chưa có hành lang pháp lý quy định cụ thể về KTTH. Ngoài ra, bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá và phân loại về mức độ phát triển của KTTH cũng chưa được xây dựng.
Thứ hai, còn khó khăn trong việc tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức đúng đắn về bản chất của KTTH, từ việc thiết kế đến triển khai trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý. Việc này cũng dễ hiểu, vì KTTH là một thuật ngữ không lạ với các nước phát triển nhưng khá mới mẻ với Việt Nam, đặc biệt là phổ cập đến người dân về KTTH.
Thứ ba, phát triển KTTH phải đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, hầu hết công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, nền KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi trong các khâu của quy trình sản xuất, nhất là khâu sau cùng - tái sử dụng, tái chế chất thải một cách hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, nước ta hiện nay chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nên phần lớn dựa vào liên kết và nhận tài trợ từ các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc và một số quốc gia thuộc khu vực Liên minh châu Âu.
Thứ tư, năng lực về công nghệ tái sử dụng và tái chế của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thói quen trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm bằng nhựa, nilon dùng một lần của người dân rất lớn, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Đây thật sự là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi, vì mô hình KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch phát thải trước khi đưa vào tái chế và tái sử dụng.
4. Một số khuyến nghị nhằm phát triển nền KTTH tại Việt Nam
Một là, phải có hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các chính sách hỗ trợ cho quá trình thực hiện các mô hình KTTH từ chủ trương của Đảng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm từ một số quốc gia đã và đang thực hiện KTTH chỉ ra rằng, cần có luật và quy định pháp lý rõ ràng về vấn đề này. Khi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, cần có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện và tiến đến hoàn thiện thể chế cho phát triển KTTH.
Hai là, cần triển khai nghiên cứu sâu, rộng về phát triển KTTH, từ cách tiếp cận ban đầu đến triển khai mô hình thực hiện và các tiêu chí của mô hình, nhằm tạo sự đồng thuận chung từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và cả người dân. Qua đó, sẽ huy động được sự tham gia của cả cộng đồng vào phát triển nền KTTH, trong đó, vai trò của Nhà nước và các doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ba là, xây dựng nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao. Đây là một trong những vấn đề tiên quyết để xây dựng KTTH, vì chỉ có công nghệ hiện đại mới mang lại một tương lai không phát thải và phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đổi mới, sáng tạo trong sản xuất với những sản phẩm thân thiện với môi trường cùng khả năng tái sử dụng cao. Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại được thu gom, làm sạch, vận chuyển trước khi đưa vào khâu tái chế, tái sử dụng. Phân loại rác tại nguồn đã thật sự trở thành yêu cầu bắt buộc, một tiêu chí để đánh giá văn hóa người dân, và dần dần, sẽ thay đổi được nhận thức của toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển KTTH của đất nước.
Bốn là, các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội, lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện phát triển KTTH gắn với công nghệ cao, đồng thời, tăng cường trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã và đang triển khai thành công mô hình kinh tế này. Mặt khác, cần tiếp tục phát triển thêm một bước nữa đối với các mô hình KTTH đã có tại nước ta thời gian qua, nhất là các sản phẩm bằng nhựa và nilon phải được thực hiện, giải quyết triệt để trong thời gian gần nhất nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường.
5. Kết luận
Để phát triển KTTH ở Việt Nam đòi hỏi tất cả các thành phần trong xã hội phải hiểu rõ bản chất và mục đích của mô hình kinh tế này. Do vậy, Nhà nước và các ban, ngành có liên quan cần tổng kết và đánh giá lại những mô hình phát triển đã có đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, từ đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí của nền KTTH trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tận dụng những cơ hội về mô hình này và có các biện pháp khắc phục với những thách thức trong quá trình phát triển KTTH.
¹ Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG), còn được gọi là mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh, đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.