Giám sát rủi ro biến đổi khí hậu của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và gợi ý cho Việt Nam
05/12/2023 1.259 lượt xem
Tóm tắt: Rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm phát sinh những rủi ro đáng kể cho sự ổn định tài chính ở mỗi quốc gia. Nghiên cứu này phân tích kênh truyền dẫn của rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu từ rủi ro vật chất, rủi ro chuyển đổi sang rủi ro đối với hệ thống tài chính và hành động ứng phó của ngân hàng trung ương các nước châu Âu. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị về mặt chính sách đối với Việt Nam trong giám sát tài chính trước những tác động từ biến đổi khí hậu.
 
Từ khóa: Rủi ro vật chất, rủi ro chuyển đổi, giám sát tài chính, Ngân hàng Trung ương, Châu Âu.
 
SUPERVISING RISKS RELATED TO CLIMATE CHANGE IN THE CENTRAL BANKS OF EUROPEAN COUNTRIES AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
 
Abstract: Financial risks related to climate change have created significant risks to financial stability in each country. This study analyzes the risk transmission channel related to climate change from physical risks, transition risks to the financial system, and response actions of European countries' Central Banks on that basis, the study offers some policy recommendations for Vietnam in financial supervision against the impacts of climate change.
 
Keywords: Physical risk, transition risk, financial supervision, Central Banks, Europe.
 
 
1. Đặt vấn đề
 
Biến đổi khí hậu được coi là một trong những vấn đề trọng tâm trong thế kỉ XXI của mỗi nền kinh tế. Nhiệt độ trái đất đã tăng hơn 2°C so với mức thời kì tiền công nghiệp và nếu quỹ đạo phát thải nhà kính, đặc biệt là khí thải carbon (CO2) hiện tại tiếp tục tăng thì mức tăng nhiệt độ trung bình có thể vượt quá 2°C vào năm 2030 và 4°C trở lên vào năm 2100 (Bernal - Ramírez và Ocampo, 2020). Theo Burke và cộng sự (2018), điều này có nghĩa là “đảo ngược xu hướng làm mát” hàng triệu năm trong vòng chưa đầy hai thế kỉ, gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nặng nề trên phạm vi toàn cầu. Thỏa thuận Paris kí kết năm 2015 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030 về phát triển bền vững đã đánh dấu điểm khởi đầu để các quốc gia hợp lực và khởi động một chương trình hoạt động được thiết kế nhằm ngăn sự gia tăng nhanh chóng của nhiệt độ toàn cầu và hướng tới một nền kinh tế khử carbon hoàn toàn. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp kéo theo những thay đổi về cơ cấu kinh tế, tác động thực tế đến tất cả các ngành và hoạt động kinh tế, đồng thời đòi hỏi phải huy động các nguồn lực tài chính trên quy mô lớn và do đó cần có sự tham gia của khu vực tài chính.
 
Theo ước tính, thiệt hại kinh tế lên tới hàng nghìn tỉ USD xuất phát từ thiệt hại vật chất đối với tài sản, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tài sản bị suy giảm hoặc xóa sổ do biến đổi khí hậu gây ra (khoảng 16,9% giá trị tài sản tài chính toàn cầu, tương đương 24 nghìn tỉ USD (Dietz và cộng sự, 2016). Những tổn thất này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng tồn tại của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính và gây rủi ro hệ thống đối với nền kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Do vậy cần phải tạo nguồn lực đủ mạnh để giải quyết những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Ước tính khoản đầu tư cần thiết trung bình hằng năm trên toàn cầu sẽ phải vượt quá 4 nghìn tỉ USD mỗi năm trong những thập kỉ tới để đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong các đô thị, nguồn tài chính cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững vượt quá một nghìn tỉ USD mỗi năm (Floater và cộng sự, 2017).
 
Những thiệt hại trên do biến đổi khí hậu gây ra sẽ làm phát sinh những rủi ro đáng kể cho sự ổn định tài chính của mỗi quốc gia. Rủi ro này đến từ các hành động do khu vực tư nhân thực hiện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm nảy sinh những tác động tiêu cực đối với hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp nếu xảy ra đột ngột hoặc không có hệ thống có thể gây tổn hại đáng kể đến hoạt động của ngành tài chính. Do đó, nghiên cứu này sẽ phân tích, đánh giá những rủi ro khí hậu đến sự ổn định của hệ thống tài chính và phản ứng của các cơ quan quản lí tài chính dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thông qua đó gợi ý một số hướng đi cho Việt Nam.
 
2. Rủi ro khí hậu và sự ổn định tài chính
 
Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BSBC), rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu đề cập đến tập hợp các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sự an toàn và lành mạnh của các tổ chức tài chính và rộng hơn là có tác động đến sự ổn định tài chính của toàn bộ hệ thống ngân hàng. 
 
Có sự đồng thuận rộng rãi trong các nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hệ thống tài chính được chia thành hai loại, đó là: (i) Rủi ro vật chất (physical risk) - bắt nguồn từ những thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng và đất đai; (ii) Rủi ro chuyển đổi (transition risk) - là kết quả của những thay đổi trong chính sách khí hậu, công nghệ, tâm lí thị trường và người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính cũng như nâng cao khả năng tương thích với các tác động của biến đổi khí hậu (IMF, 2019 và NGFS, 2019).
 
Tùy thuộc các yếu tố thúc đẩy rủi ro khí hậu mà đối tác, tài sản của ngân hàng và nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng ở những mức khác nhau. BCBS (2021) phân loại các kênh truyền dẫn ra thành hai nhóm là kinh tế vi mô hoặc kinh tế vĩ mô. Loại thứ nhất, dưới góc độ vi mô, bao gồm các kênh truyền dẫn liên kết các yếu tố thúc đẩy rủi ro khí hậu với rủi ro tài chính thông qua các hộ gia đình, doanh nghiệp hoặc chính phủ cụ thể. Thứ hai, kênh truyền dẫn vĩ mô như năng suất lao động, tỉ lệ thất nghiệp hoặc tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thúc đẩy rủi ro khí hậu. 
 
2.1. Rủi ro vật chất và sự ổn định tài chính
 
Sự truyền dẫn từ rủi ro vật chất do biến đổi khí hậu đến sự ổn định tài chính được thể hiện cụ thể qua Hình 1.
 
Hình 1: Kênh truyền dẫn từ rủi ro vật chất sang rủi ro tài chính

Nguồn: NGFS(2019)

Như vậy, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khỏe và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và tài sản tư nhân, làm giảm của cải và năng suất lao động. Những sự kiện này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh tế và thương mại, tạo ra sự thiếu hụt tài nguyên và chuyển vốn từ các mục đích sử dụng hiệu quả hơn (ví dụ như công nghệ và đổi mới) sang tái thiết và thay thế. Sự không chắc chắn về tổn thất trong tương lai cũng có thể dẫn đến tiết kiệm, phòng ngừa cao hơn và đầu tư thấp hơn.
 
Nhìn chung, chi phí kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra trong 7 năm gần đây đã vượt quá mức trung bình 140 tỉ USD giai đoạn 30 năm trước đó. Kể từ những năm 1980, số lượng các sự kiện thời tiết cực đoan đã tăng hơn gấp ba lần (Munich Company, 2019). Các nghiên cứu đã ước tính giá trị tài chính chịu rủi ro có thể lên tới 17% tùy thuộc vào mức tăng nhiệt độ trung bình (Dietz và cộng sự, 2016). Theo Mạng lưới các ngân hàng trung ương và giám sát viên đối với Hệ thống tài chính xanh (NGFS, 2019), nếu tổn thất được bảo hiểm, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty bảo hiểm thông qua yêu cầu bồi thường cao hơn và khách hàng của họ gián tiếp thông qua phí bảo hiểm cao hơn. Nếu tổn thất không được bảo hiểm, gánh nặng sẽ đổ lên vai các hộ gia đình, công ty và cuối cùng là ngân sách của chính phủ. Sự thay đổi trong khả năng trả nợ của người đi vay hoặc sự sụt giảm giá trị tài sản thế chấp có thể làm tăng rủi ro tín dụng cho ngân hàng và những người cho vay khác. Sự thay đổi trong thu nhập dự kiến của người cho vay cũng sẽ được phản ánh trên thị trường tài chính, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và chủ sở hữu tài sản.
 
2.2. Rủi ro chuyển đổi và sự ổn định tài chính
 
Mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn các tác động vật chất của biến đổi khí hậu và mối tương quan trực tiếp với nồng độ khí nhà kính (GHG) đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế cam kết giảm lượng khí thải tại Paris vào tháng 12/2015. Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C so với mức thời kì tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C. Các bên kí kết đã đồng ý đạt mức phát thải khí nhà kính cao nhất toàn cầu càng sớm càng tốt và tiến hành cắt giảm nhanh chóng sau đó, để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” trong nửa sau của thế kỉ này. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải khí nhà kính thấp đòi hỏi những chuyển đổi nhanh chóng, sâu, rộng về năng lượng, đất đai, đô thị, cơ sở hạ tầng và các hệ thống công nghiệp, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự ổn định tài chính. Kênh truyền dẫn rủi ro chuyển đổi do biến đổi khí hậu đến sự ổn định tài chính được trình bày tại Hình 2. 

Hình 2: Kênh truyền dẫn từ rủi ro chuyển đổi sang rủi ro tài chính

Nguồn: NGFS(2019)

Quy mô của chuyển đổi kinh tế và tài chính liên quan đến quá trình chuyển đổi này là rất lớn, mang lại cả cơ hội lẫn rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống tài chính. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự kiến các khoản đầu tư bổ sung cần thiết liên quan đến năng lượng tương thích với kịch bản 1,5°C trong giai đoạn 2016 - 2050 sẽ đạt 830 tỉ USD mỗi năm. Chỉ riêng Liên minh châu Âu đã xác định khoản đầu tư hằng năm lên tới gần 180 tỉ EUR để đạt được các mục tiêu về khí hậu và năng lượng (European Commission, 2018). Mặc dù thay đổi gia tăng trong tổng vốn đầu tư không lớn, nhưng nó sẽ đòi hỏi phải chuyển hướng vốn đáng kể sang tài chính xanh. OECD ước tính rằng để đạt được 2°C mục tiêu, tài trợ trái phiếu và tái cấp vốn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và phương tiện ít phát thải có tiềm năng đạt từ 620 tỉ USD đến 720 tỉ USD trong đợt phát hành hằng năm và 4,7 nghìn tỉ USD đến 5,6 nghìn tỉ USD dưới dạng chứng khoán chưa lưu hành vào năm 2035 (OECD, 2017).
 
Rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính từ quá trình chuyển đổi là lớn nhất trong các tình huống khi việc chuyển hướng vốn và các biện pháp chính sách như áp dụng thuế carbon xảy ra một cách bất ngờ hoặc theo cách khác không theo trật tự. Cho đến nay, các kịch bản chủ yếu tập trung vào khả năng tài sản bị mắc kẹt khi cơ sở hạ tầng phải ngừng hoạt động trước khi hết thời hạn sử dụng để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải. Tài sản bị mắc kẹt sẽ giảm giá trị không những dẫn đến thiệt hại cả về vốn và thu nhập cho chủ sở hữu mà còn làm tăng rủi ro tín dụng và thị trường đối với người cho vay và nhà đầu tư.
 
3. Hành động của ngân hàng trung ương các nước châu Âu và những gợi ý cho Việt Nam
 
3.1. Hành động ngân hàng trung ương các nước châu Âu 
 
Trong những năm qua, ngân hàng trung ương các nước châu Âu đã đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến kết hợp rủi ro do biến đổi khí hậu vào trong các hoạt động của các ngân hàng. Những sáng kiến đã triển khai bao gồm phân tích mức độ rủi ro của hệ thống tài chính đối với những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi rủi ro biến đổi khí hậu, sự phát triển của các bài kiểm tra căng thẳng khí hậu và kì vọng giám sát, sự kết hợp của phát triển bền vững và hình thành nguyên tắc chịu trách nhiệm trong việc quản lí danh mục đầu tư của ngân hàng.
 
Để giảm thiểu tác động của những rủi ro do biến đổi khí hậu đến sự ổn định tài chính, các cơ quan quản lí tài chính đang yêu cầu đánh giá rủi ro khí hậu nhiều hơn. Trong khi các tổn thất và rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu có thể gây hại cho nhiều cá nhân và tổ chức, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lí tài chính ngày càng lo lắng về những tác động đối với lĩnh vực tài chính (Rudebusch, 2019). 
 
Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính đã thiết kế một khung kịch bản cho ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát nhằm đo lường tác động truyền dẫn của rủi ro liên quan đến khí hậu đối với nền kinh tế và sự ổn định tài chính. NGFS kết luận rằng, có hai khía cạnh quan trọng cần xem xét khi đánh giá kênh truyền dẫn của rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính: (i) Tổng mức giảm thiểu hay nói cách khác là những hoạt động được thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính (dẫn đến một kết quả khí hậu cụ thể); (ii) Quá trình chuyển đổi xảy ra theo cách có trật tự hay không, nghĩa là các hành động giảm thiểu được thực hiện một cách thuận tiện và dự đoán trước được như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng trung ương ở các nước châu Âu với vai trò là các cơ quan giám sát tài chính đã thực hiện một số sáng kiến chính thức với tình trạng biến đổi khí hậu. Bước đầu tiên mà các tổ chức khác nhau đã thực hiện là tiếp tục phân tích mức độ ảnh hưởng của hệ thống tài chính của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu và đặc biệt là đối với các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Về khía cạnh này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phân tích các kênh mà qua đó biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và gây ra rủi ro tài chính của các tổ chức tài chính khu vực đồng Euro cho các lĩnh vực nhất định. ECB kết luận rằng, việc tiếp xúc với rủi ro chuyển đổi về con số tuyệt đối có thể là đáng kể đối với một số ngân hàng. ECB cũng chỉ ra những hạn chế liên quan đến việc thiếu toàn diện và dữ liệu so sánh, chứng minh nhu cầu có thêm thông tin về lượng khí thải carbon, cũng như rủi ro của các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, để thực hiện kịch bản phân tích và/hoặc các bài kiểm tra căng thẳng để giải quyết rủi ro chuyển đổi trong tương lai (ECB, 2021).
 
Về đánh giá mức độ tiếp xúc với các loại rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, Ngân hàng Trung ương Anh, Cơ quan Quản lí và giải quyết thận trọng Pháp (ACPR), Ngân hàng Trung ương Hà Lan, Cơ quan Giám sát tài chính của Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và Ngân hàng Trung ương Bỉ cũng đã tiến hành thực hiện trong hệ thống hoạt động. Cụ thể ở Pháp, báo cáo của ACPR cho thấy rủi ro vật chất tiếp tục được coi là vừa phải bởi hầu hết các tổ chức được khảo sát chỉ tiếp xúc ở mức độ ít. Trong khi đó, đánh giá của Ngân hàng Hà Lan cho thấy tổn thất lớn nhất từ rủi ro vật chất (đến từ lũ lụt) và điều này ảnh hưởng lớn đến bảng cân đối kế toán của Ngân hàng. Như vậy, ở mỗi ngân hàng trung ương khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của các loại rủi ro đến hệ thống có những điểm khác biệt.
 
Bên cạnh đó, một số ngân hàng trung ương cũng đã bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng khí hậu. Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã tiến hành một bài kiểm tra căng thẳng cho rủi ro chuyển tiếp với tầm nhìn 5 năm. Ngân hàng này đã xem xét bốn kịch bản có thể xảy ra liên quan đến thực hiện các chính sách được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tiến bộ công nghệ để giảm lượng khí thải CO2. Năm 2021, Ngân hàng Trung ương Anh cũng tiến hành tích hợp các kịch bản khí hậu với các mô hình kinh tế vĩ mô và tài chính, đồng thời kết hợp các yếu tố vật chất và chuyển rủi ro thành các bài kiểm tra căng thẳng theo định kì 2 năm một lần. Ngân hàng Trung ương Pháp đã phát triển một khuôn khổ cho một bài tập thí điểm về khí hậu tập trung vào các rủi ro chuyển đổi dựa trên các kịch bản do NGFS đề xuất. Năm 2020, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch đã thực hiện bài kiểm tra căng thẳng khí hậu tập trung vào các rủi ro chuyển đổi và tiến hành phân tích độ nhạy thay vì kiểm tra căng thẳng khí hậu đã được phát triển đầy đủ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) và các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm xã hội và bền vững trong việc quản lí danh mục đầu tư của chính họ. Kể từ năm 2019, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đã áp dụng các nguyên tắc đầu tư bền vững như một phần của chính sách đầu tư đối với danh mục đầu tư của chính mình. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Ý đã điều chỉnh chính sách đầu tư cho quỹ riêng của mình bằng cách tích hợp tiêu chí ESG cho danh mục đầu tư vốn cổ phần được quản lí nội bộ.
 
Về chính sách tiền tệ, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu xây dựng chính sách cụ thể các chương trình trong khuôn khổ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Hungary đã thực hiện cân nhắc về môi trường trong bộ công cụ chính sách tiền tệ của mình, Ngân hàng Trung ương Anh cũng tiến hành xem xét lại khuôn khổ chính sách tiền tệ để đưa vào cân nhắc về biến đổi khí hậu vào trong quá trình thực thi chính sách.
 
 Những công cụ được ngân hàng trung ương các nước châu Âu thực hiện để giám sát rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu được thể hiện cụ thể trong Bảng 1.
 
Bảng 1: Công cụ các ngân hàng trung ương ở châu Âu sử dụng

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

3.2. Một số gợi ý cho Việt Nam
 
Hành động của các ngân hàng trung ương các nước châu Âu trong giám sát tài chính trước những tác động từ biến đổi khí hậu đã cho thấy sự quan tâm cũng như mức độ quan trọng của vấn đề này. Đối với Việt Nam, trước những biến đổi đáng lo ngại về khí hậu, trong thời gian sắp tới, Việt Nam có thể tham khảo những hướng đi sau:
 
Thứ nhất, định hướng, hướng dẫn và tiến tới bắt buộc các ngân hàng thương mại thực hiện kiểm tra căng thẳng. Các ngân hàng trung ương châu Âu thường thực hiện kiểm tra căng thẳng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống tài chính. Việt Nam cũng nên tiến hành các bài kiểm tra căng thẳng tương tự để xác định khả năng chịu đựng của các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính trước các rủi ro khí hậu.
 
Thứ hai, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh (green bonds). Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chính phủ có thể hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh thông qua các kích thích thuế và khuyến nghị của các ngân hàng trung ương châu Âu.
 
Thứ ba, tích hợp rủi ro khí hậu vào quản lí rủi ro. Ngân hàng trung ương các nước châu Âu tích hợp rủi ro khí hậu vào quy trình quản lí rủi ro của họ. Tương tự, các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Việt Nam cần đảm bảo rằng họ hiểu rõ và tích hợp rủi ro khí hậu vào quản lí rủi ro, đặc biệt là trong việc xác định tài sản bảo đảm và triển khai xét duyệt các khoản vay theo các nguyên tắc đầu tư bền vững và có trách nhiệm xã hội. Theo nguyên tắc này, các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam sẽ thúc đẩy việc đầu tư bền vững và có trách nhiệm xã hội thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính hỗ trợ các mục tiêu xã hội và môi trường.
 
Thứ tư, công bố thông tin liên quan đến khí hậu theo các tiêu chí của Lực lượng đặc nhiệm về tiết lộ tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD). Việt Nam nên xem xét việc thực hiện hướng dẫn TCFD để cung cấp thông tin theo thông lệ chung của quốc tế. Với các thông tin so sánh được, Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn được cung cấp bởi các tổ chức quốc tế gắn với các tiêu chí cho vay xanh.
 
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là trở thành thành viên của mạng lưới NGFS. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác về cách tích hợp giám sát rủi ro khí hậu vào hệ thống tài chính.
 
Nếu việc triển khai thực hiện các biện pháp trên để giảm thiểu rủi ro khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững hơn không chỉ từ hệ thống tài chính mà còn từ sự đồng lòng của các bộ, ban, ngành thì việc Việt Nam hoàn thành cam kết trung hòa phát thải vào năm 2050 là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
 
PGS., TS. Hạ Thị Thiều Dao (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Nguyễn Thị Quý (Trường Đại học Tài chính - Marketing) 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh tế đối ngoại - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
26/04/2024 101 lượt xem
Việc quản lý và phát triển thị trường ngoại tệ Việt Nam vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập của nền kinh tế hiện nay nhằm mục tiêu xây dựng một thị trường ngoại tệ hoạt động hiệu quả, an toàn, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Phân loại trong xử lí nợ xấu tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
01/04/2024 381 lượt xem
Nghiên cứu phân biệt ba nhóm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, gồm: Doanh nghiệp không có nợ xấu, doanh nghiệp có nợ xấu còn hoạt động và doanh nghiệp có nợ xấu dừng hoạt động.
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cho thuê tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
21/03/2024 1.300 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tác động của cho thuê tài chính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính.
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
Bộ đệm vốn nghịch chu kì - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III
18/03/2024 542 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng.
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
29/02/2024 1.894 lượt xem
Bài viết đánh giá mức độ tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
Ảnh hưởng của biểu hiện vật chất tại các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến hành vi tiêu dùng của khách hàng
19/01/2024 610 lượt xem
Hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nghiên cứu này được tiếp cận theo hướng sự ủng hộ của khách hàng, được đo lường bằng 3 chỉ tiêu: Doanh số, lợi nhuận và tỉ lệ giữ chân khách hàng. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ 238 nhân viên đang làm việc tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay
29/12/2023 860 lượt xem
Tín dụng đầu tư là một hình thức hỗ trợ vốn của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn để đầu tư vào các dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
Đo lường khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại từ mô hình kì tới hạn trong quản lí rủi ro lãi suất
18/12/2023 1.501 lượt xem
Nghiên cứu này với mục đích cung cấp phương pháp đo lường về khả năng thanh toán dựa trên trạng thái vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua mô hình kì tới hạn (The Maturity Model) trong quản lí rủi ro lãi suất.
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam
04/12/2023 2.592 lượt xem
Chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống các công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ.
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
01/12/2023 1.707 lượt xem
Quá trình chuyển đổi của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam là một sự phát triển tất yếu theo quan điểm học thuật và thực tiễn quá trình hoạt động của TCVM trên thế giới.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ
30/11/2023 2.293 lượt xem
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ CASA của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
Rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại
29/11/2023 2.626 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung vào vấn đề rủi ro đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gây ra rủi ro đạo đức của nhân viên trong bộ phận tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính
28/11/2023 1.828 lượt xem
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của dân trí tài chính dưới góc độ xem xét cả ba yếu tố: Kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính lên khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số (Digital financial services - DFS) của người trung niên tại Việt Nam.
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
Hoạt động cho vay của ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của thị trường tập trung
27/11/2023 2.692 lượt xem
Nghiên cứu phân tích tác động của cấu trúc thị trường tập trung đến khả năng mở rộng cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM).
Các nhân tố ảnh hướng đến nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam
Các nhân tố ảnh hướng đến nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam
21/11/2023 3.530 lượt xem
Nợ xấu là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới như “Non - performing loans” (NPLs), “doubtful debt” chỉ các khoản nợ khó đòi (Fofack, 2005) hoặc các khoản vay có vấn đề (Berger và De Young, 1997) hoặc khoản nợ không trả được (defaulted loans) mà ngân hàng không thể thu lợi từ nó (Ernst và Young, 2004) hay các khoản cho vay bắt đầu được đưa vào nợ xấu khi đã quá hạn trả nợ gốc và lãi 90 ngày trở lên (Peter Rose, 2004; Mishkin, 2010).
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?