Đường sắt cao tốc - biểu tượng và động lực của kỷ nguyên vươn mình
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông mà còn là động lực, mang tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là Dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
1. Quyết định lịch sử và kỳ vọng lớn lao
Với 443/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV họp chiều ngày 30/11/2024 đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phác họa các thông số chủ yếu đầy ấn tượng và làm nức lòng nhân dân cả nước:
Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; đường đôi khổ 1.435 mm; tốc độ thiết kế 350 km/h; tải trọng 22,5 tấn/trục; sử dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hành khách và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Biểu tượng phát triển, động lực kinh tế,
đánh dấu kỷ nguyên mới của Việt Nam (Nguồn ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về thời gian triển khai, từ năm 2025 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035. Tổng mức đầu tư của Dự án này là khoảng 1.713.548 tỉ đồng (tương đương 67,3 tỉ USD) do ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Như vậy, có thể thấy, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam cho tới nay mà còn kỳ vọng tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước và những ngành liên quan. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cho phép đa dạng và hiện đại hóa hệ thống vận tải đường sắt, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xuống còn 5,5 giờ, mang lại thay đổi lớn cả về lượng và về chất trong hệ thống giao thông Việt Nam nói chung.
Hơn nữa, Dự án sẽ đóng góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập, lan tỏa sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam và các tỉnh có đường sắt đi qua, duy trì động lực và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam trong thập kỷ tới. Dự án sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông đường bộ và cắt giảm lượng khí thải nhờ sử dụng hệ thống giao thông xanh. Hơn nữa, sự phát triển của hệ thống giao thông đường sắt sẽ giảm tải cho hệ thống đường bộ, vốn đang chịu áp lực lớn từ tốc độ đô thị hóa cao.
Các ngành hưởng lợi lớn nhất được xác định bao gồm: Xây dựng, sản xuất thiết bị và dịch vụ tư vấn. Với tổng chi phí xây dựng chiếm 49,5% (33,3 tỉ USD), ngành xây dựng sẽ là một trong những ngành trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, ngành sản xuất thiết bị, chiếm 16,3% tổng vốn (11 tỉ USD), sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hợp tác và cung cấp công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, ngành du lịch nội địa sẽ nhận được động lực mạnh mẽ và tích cực để sớm phát triển các tour và sản phẩm du lịch mới, gắn liền với việc xây dựng và khai thác tuyến Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Những địa phương nằm trên tuyến đường này hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút đông đảo khách du lịch. Sự gia tăng lượng khách du lịch không chỉ thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng và giải trí phát triển mà còn tạo động lực cho thị trường bất động sản trên toàn tuyến, dự báo sẽ gia tăng giá trị nhờ hạ tầng kết nối hiện đại. Đồng thời, doanh thu từ du lịch, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ cũng sẽ tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự khởi sắc của ngành du lịch cả nước và kinh tế từng địa phương, tạo nên một thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ trong hành trình phát triển của đất nước.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với khả năng chuyên chở hàng hóa khi cần thiết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, vật tư và nhân lực trên khắp cả nước, không chỉ trong thời bình mà còn trong thời chiến, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh quốc phòng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, việc xây dựng 5 ga hàng hóa tại các trung tâm kinh tế lớn dọc tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí logistics, cải thiện tốc độ và hiệu quả vận chuyển. Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, dự án còn mang lại lợi ích to lớn cho các ngành công nghiệp phụ trợ, bao gồm đóng tàu, sản xuất thiết bị cơ khí, và dịch vụ bảo trì đường sắt, tạo đà phát triển bền vững cho nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan.
Việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ đánh dấu bước khởi đầu mang tính biểu tượng mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hiện đại hóa ngành đường sắt. Đồng thời, Dự án này sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Đây là bước tiến cụ thể để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa với thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra. Đồng thời, đây cũng là hành động thiết thực nhằm đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Một số chính sách đặc thù và vấn đề cần lưu ý
Một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là bảo đảm nguồn vốn và duy trì an toàn nợ công. Với quy mô đầu tư lớn chưa từng có, việc quản lý tài chính hiệu quả và tránh thất thoát ngân sách trở thành ưu tiên hàng đầu. Nguồn vốn đầu tư cho dự án chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 70% tổng vốn, trong khi tỉ lệ vay nợ được giới hạn ở mức 30% để duy trì nợ công trong ngưỡng an toàn, dao động từ 36 - 37% GDP. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nguồn vốn ODA giúp giảm áp lực lên ngân sách và bảo đảm nguồn lực triển khai Dự án một cách bền vững. Dự án cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước tham gia cung cấp tín dụng, bảo lãnh vốn và tư vấn tài chính, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính quốc gia.
Để bảo đảm tiến độ và hiệu quả, một số chính sách đặc thù đã được ban hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Dự án. Chính phủ được phép linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung vốn, hoặc huy động các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong những trường hợp cần thiết, Thủ tướng có quyền sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương, mà không cần tuân thủ thứ tự ưu tiên theo quy định thông thường.
Ngoài ra, các quyết định quan trọng như điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, bổ sung cơ chế, hay chính sách đặc thù sẽ được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngay cả khi Quốc hội không họp. Điều này bảo đảm sự linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về sự giám sát chặt chẽ và trách nhiệm của các bên liên quan.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư lớn và thời gian thực hiện kéo dài, có nhiều rủi ro và thách thức khi triển khai. Điển hình là chi phí sẽ gia tăng cao. Việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, chiếm tới 8,8% tổng chi phí (tương đương 5,9 tỉ USD), cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận từ cộng đồng địa phương. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải chủ động xây dựng những kịch bản dự báo và đối phó từ sớm để ngăn chặn nguy cơ gia tăng nợ xấu, lãng phí và thất thoát ngân sách.
Bên cạnh đó, việc quản lý và điều hành Dự án cần có năng lực chuyên môn cao và kỷ luật công vụ nghiêm ngặt. Chính phủ phải bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong mọi khâu, từ lập kế hoạch, phê duyệt, đến thực hiện Dự án, nhằm tránh các vấn đề tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, hay thất thoát vốn.
Ngoài ra, để Dự án đạt được hiệu quả tối ưu, cần chú trọng kết nối Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các tuyến đường sắt khác và hệ thống hạ tầng giao thông trên cả nước. Công tác nghiên cứu khả thi phải được thực hiện kỹ lưỡng, với sự tính toán cẩn trọng về yếu tố kỹ thuật, vận hành, bảo trì và rủi ro. Việc chuyển giao công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công lâu dài của Dự án. Không chỉ tập trung vào vận hành tuyến đường, quá trình chuyển giao còn bao gồm sản xuất, lắp đặt trang thiết bị và làm chủ các công nghệ cốt lõi như chế tạo tàu điện, đường ray, và hệ thống tín hiệu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp đường sắt nội địa bền vững.
Dự án cũng mở ra cơ hội lớn cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các hạng mục đầu tư, thông qua cơ chế hợp tác công - tư. Chính phủ cần đặt hàng các doanh nghiệp tư nhân với hợp đồng rõ ràng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Các nhà thầu quốc tế tham gia đấu thầu phải liên danh với đối tác trong nước, bảo đảm hoàn thành chuyển giao công nghệ trước khi triển khai, đồng thời ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh. Những yêu cầu này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra giá trị gia tăng lâu dài, góp phần phát triển ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam, sẵn sàng sánh vai với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, việc rà soát, kiện toàn mô hình quản lý đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; phát triển nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ trong ngành đường sắt sẽ giúp tiết kiệm hàng chục tỉ USD, tránh được tình trạng đội vốn và tăng chi phí bảo trì gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội liên quan đến Dự án./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Điện tử Chính phủ, 2024, “Danh sách ga hành khách, ga hàng hóa dự kiến đường sắt tốc độ cao đi qua”, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/danh-sach-cac-ga-du-kien-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-di-qua-119241001210325512.htm
2. Trường Thanh, 2024, “4 ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, https://nguoiquansat.vn/4-nganh-kinh-te-se-duoc-huong-loi-nhieu-nhat-tu-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-182143.html
3. Kỳ Nam, 2024, “Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Quyết tâm cao nhất triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, https://www.baogiaothong.vn/nganh-gtvt-san-sang-quyet-tam-cao-nhat-thuc-hien-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-192241130152101187.htm
4. Hà Văn, 2024, “Thủ tướng: Đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, https://baochinhphu.vn/thu-tuong-de-xuat-co-che-dac-thu-dac-biet-cho-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-102241005111816962.htm
TS. Nguyễn Minh Phong
Hà Nội