Bài viết này nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa đầu tư phát triển công nghệ và thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, chi tiêu công nghệ góp phần đáng kể đến gia tăng thu nhập ngoài lãi. Do vậy, kết quả nghiên cứu ủng hộ việc gia tăng đầu tư hơn nữa vào phát triển công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, nghiên cứu là hữu ích cho cả các nhà quản trị lẫn cơ quan quản lý trong việc điều hành cũng như định hướng chính sách phát triển, đặc biệt khi ứng dụng phát triển công nghệ đã chứng tỏ được vai trò tối quan trọng của chúng trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.
The article investigates the relationship between investment in technology development and non-interest income of Vietnamese commercial banks from 2011 to 2020. The empirical evidence shows that a higher technology spending contributes significantly to the increase in non-interest incomes, supporting further increased investment in developing technology in Vietnam. We believe that the research is useful for both managers, regulators and policy makers, especially in the context of technology development applications have proven their paramount role when Vietnam has just experienced the 4th wave of Covid-19 epidemic.
1. Giới thiệu
Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đóng một vai trò thiết yếu ở hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội trên thế giới, đơn cử như giao dịch ngân hàng số đã chứng minh là phương tiện hữu ích trong đại dịch Covid-19. Tuy vậy, nó cũng gây nên nhiều mối bận tâm, đặc biệt đối với các ngân hàng. Uddin & ctg (2020) cảnh báo rằng, để tồn tại trong môi trường thay đổi nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, các ngân hàng có ít lựa chọn để đối phó, ngoại trừ việc gia tăng chi tiêu vào đầu tư công nghệ bất chấp các hiệu quả của những khoản đầu tư này. Hơn nữa, việc xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới, các công ty công nghệ tài chính (Fintech), có thể trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận và thị phần của các ngân hàng truyền thống (Vives, 2019).
Chính những điều này khiến cho việc tìm hiểu tác động của đầu tư phát triển công nghệ đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng trở nên vô cùng cần thiết. Với ý nghĩ đó, bài viết này nhằm điều tra thực nghiệm về việc chi tiêu hàng năm vào đầu tư công nghệ ảnh hưởng ra sao đến thu nhập ngoài lãi, bởi lẽ gia tăng những khoản thu nhập này là mục tiêu chiến lược của các ngân hàng Việt Nam trong những năm qua. Dựa trên bộ dữ liệu của 12 NHTM niêm yết giai đoạn 2011 - 2020, kết quả hồi quy cho thấy mối quan hệ tích cực giữa đầu tư công nghệ và thu nhập ngoài lãi. Kết quả của chúng tôi vẫn đứng vững sau các bài kiểm tra độ bền vững của mô hình.
Thông qua bằng chứng thực nghiệm này, chúng tôi hy vọng đóng góp thêm vào nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ số đến hoạt động NHTM. Nghiên cứu đã đánh giá mối quan hệ giữa gia tăng đầu tư công nghệ tác động đến hoạt động thu nhập ngoài lãi trong khoảng thời gian đánh dấu sau hơn 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, nghiên cứu là thật sự hữu ích đối với các nhà điều hành ngân hàng khi đối mặt với một trong những chiến lược kinh doanh quan trọng của ngân hàng hiện đại - phát triển công nghệ số.
2. Những cảnh báo từ đổi mới công nghệ
Dường như cuộc cách mạng kỹ thuật số toàn cầu làm nảy sinh một số lo ngại về hoạt động của các ngân hàng. Các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh vào sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng mới như Fintech sẽ dẫn dắt thị trường ngân hàng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn.
Lee & ctg (2021) cho rằng, các công ty Fintech - một sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ đối với lĩnh vực tài chính, với khả năng đưa ra một số lượng lớn những đổi mới và đột phá như mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình vận hành với chi phí thấp hơn và tiện ích hiện đại hơn, sẽ định hình các hoạt động chính của các ngân hàng trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Do vậy, việc mở rộng liên tục đầu tư vào công nghệ đã trở thành một chiến lược cần thiết cho các ngân hàng truyền thống do sự thâm nhập vào thị trường ngân hàng của các đối thủ cạnh tranh này, dẫn đến ảnh hưởng lợi nhuận và thị phần của các ngân hàng truyền thống (Buchak & ctg, 2018; Vives, 2019). Kauffman & ctg (2015) cũng cảnh báo rằng, các ngân hàng dường như phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải liên tục phân bổ ngân sách của họ cho cơ sở hạ tầng công nghệ bất kể những chi tiêu này có thể không mang lại lợi ích. Hơn nữa, việc có ít kinh nghiệm trong áp dụng hình thức kinh doanh mới có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của ngân hàng (Jiménez & Saurina, 2004). Hệ quả là, các ngân hàng dần đi vào vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào đầu tư công nghệ (Ngonzi, 2016).
Ở một góc độ khác, các nghiên cứu nhấn mạnh vào quan điểm ngược lại để giải thích sự liên kết giữa đầu tư công nghệ và hoạt động của các ngân hàng. Berger (2003) cho rằng, tăng trưởng công nghệ khuyến khích chiến lược đa dạng hóa của các ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ mới và sản phẩm bên cạnh củng cố khả năng phục hồi bằng cách chia sẻ việc chấp nhận rủi ro của các ngân hàng (Allen & Gale, 1996). Do vậy, việc không ngừng mở rộng đầu tư công nghệ trở thành cơ hội chiến lược của các ngân hàng như một nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững (xem thêm: Strassman (2003); Seely Brown & Hagel III (2003)).
Như vậy, câu hỏi phát sinh lúc này đó là việc đầu tư vào phát triển công nghệ có thực sự đem lại lợi ích cho các ngân hàng. Nói cách khác, đây là chiến lược tạo nên cơ hội khác biệt hay đơn giản chỉ là một hoạt động đầu tư cần thiết. Ở nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ câu hỏi trên thông qua việc điều tra thực nghiệm mối quan hệ giữa gia tăng đầu tư vào phát triển công nghệ và thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng Việt Nam.
3. Dữ liệu và các biến
Dựa trên tính sẵn có của thông tin công khai, dữ liệu được chúng tôi thu thập và tính toán từ báo cáo tài chính kiểm toán (BCTC) của 12 NHTM cổ phần niêm yết trên sàn HOSE, HNX và UPCOM trong giai đoạn 2011 - 2020 và kết hợp số liệu vĩ mô từ Ngân hàng Thế giới (WB) trong cùng khoảng thời gian này. (Bảng 1)
Bảng 1: Danh sách các NHTM thuộc mẫu nghiên cứu
Theo Uddin & ctg (2020), Nguyễn Đức Trung & ctg (2021), chúng tôi sử dụng tổng chi tiêu hàng năm của các NHTM vào các chi phí liên quan đến phần mềm và công nghệ được thu thập thủ công từ thuyết minh BCTC làm biến giải thích chính (TECH). Các biến giải thích kiểm soát khác bao gồm tổng tài sản (ASSET), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAPR), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (EXPR) và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR).
Đối với biến phụ thuộc, chúng tôi sử dụng logarit tự nhiên của tổng thu nhập ngoài lãi (NII). Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên hoạt động thuần thu nhập (NIIR) như là thước đo thay thế. Theo đó, NII được thể hiện dưới dạng thước đo tổng hợp, bên cạnh NIIR được thể hiện như một mức tương đối. Ở một mức độ nào đó, hai chỉ số này cũng làm sáng tỏ hoạt động đa dạng hóa của các ngân hàng và được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khác nhau (xem thêm: Trần & ctg, 2019; Trần, 2020).
Chúng tôi xác lập mô hình hồi quy đa biến như sau:
Trong đó, biến giải thích quan tâm chính là TECHit, Zit là tập hợp các biến giải thích kiểm soát, NIIit là biến phụ thuộc thể hiện thu nhập ngoài lãi. Chúng tôi cũng bao gồm kiểm soát các tác động cố định theo thời gian, θi, nhằm kiểm soát các điều kiện kinh tế vĩ mô. Chi tiết diễn giải các biến được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2: Mô tả các biến và kỳ vọng
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Thống kê mô tả
Bảng 3: Thống kê mô tả các biến
Bảng 3 thể hiện thống kê mô tả các biến. Chúng ta thấy rằng, hoạt động trung gian tiền gửi vẫn đóng một vai trò đáng kể đối với các NHTM trong nước. Theo đó, NIIR có giá trị bình quân vào khoảng 20,3%, điều này một mặt nào đó cho thấy các NHTM có sự chuyển biến nhất định trong hoạt động đa dạng hóa kinh doanh so với kênh truyền thống. Trong khi đó, theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ giữa chi tiêu dành cho công nghệ hàng năm so với tổng chi phí hoạt động ngoài lãi của các NHTM, về trung bình, chỉ vào khoảng 1,44%.
4.2. Phân tích tương quan
Pairwise correlations Bảng 4: Ma trận tương quan giữa các biến
Bảng 4 thể hiện hệ số tương quan giữa các biến trong mẫu nghiên cứu, theo đó, tất cả biến đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5% với TECH tác động khá mạnh và tích cực đến NII trong khi EXPR ảnh hưởng theo chiều ngược lại.
4.3. Kết quả hồi quy
Bảng 5: Kết quả hồi quy
Bảng 5 trình bày kết quả hồi quy đa biến theo phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) bao gồm kiểm soát các tác động cố định theo thời gian. Ở Model 1 chúng tôi chỉ đo lường biến giải thích chính là TECH ảnh hưởng đến NII, kết quả cho thấy một mối quan hệ thuận chiều đáng kể và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%.
Tại Model 2, chúng tôi bổ sung vào các biến kiểm soát khác nhằm giảm thiểu hiện tượng bỏ sót biến (omitted variables). Kết quả thu được tương đồng với Model 1, khẳng định mối quan hệ cùng chiều giữa TECH và NII ở mức ý nghĩa 1%.
Ở Model 3, chúng tôi thêm biến giả STATE nhằm đo lường ảnh hưởng của khả năng đầu tư và phát triển công nghệ của các NHTM có vốn Nhà nước. Kết quả gần như không thay đổi so với Model 2.
Trong đó, STATE tác động tiêu cực mạnh đến NII ở mức ý nghĩa 1%. Điều này, mặt nào đó cho thấy, việc phát triển thu nhập ngoài lãi ở các NHTM Nhà nước chưa được chú trọng tương đối so với các NHTM khác.
Model 4, chúng tôi thêm GDP và INFLA để đo lường hơn nữa các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến đầu tư công nghệ và hiệu quả hoạt động của NHTM. Kết quả Model 4 là khá tương đồng với Model 2.
Điều đáng chú ý là, quy mô ngân hàng (ASSET) và nguồn vốn (CAPR) tác động tích cực mạnh mẽ đến thu thuần ngoài lãi. (Bảng 5).
Một số nghiên cứu cho rằng, các khoản đầu tư công nghệ thường có độ trễ nhất định tới hoạt động ngân hàng (DeLone & McLean (1992), Beccalli (2007)). Chúng tôi kiểm định vấn đề này tại Bảng 6 với L.TECH - biến trễ một kỳ. Kết quả cho thấy, TECH ở các mô hình đều tác động tích cực đến NII và ở mức ý nghĩa thống kê.
Như đã trình bày, để củng cố niềm tin vào tính thuyết phục của những phát hiện của mình, chúng tôi tiến hành ước tính lại Model 5, 6, 7 bằng cách thay thế biến phụ thuộc là NIIR. Bảng 7 trình bày các kết quả hồi quy. Theo đó, một lần nữa, bằng chứng thực nghiệm của chúng tôi cho thấy, TECH tác động tích cực đáng kể đến NII và đều ở mức ý nghĩa 5% (ngoại trừ Model 9 là không có ý nghĩa thống kê khi chúng tôi thêm biến STATE vào mô hình cơ sở). Tóm lại, kết quả thực nghiệm của chúng tôi tái khẳng định về việc đầu tư công nghệ góp phần gia tăng hoạt động trung gian tiền gửi của các NHTM Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi ước tính lại mô hình cơ sở theo quy mô ngân hàng khác nhau. Theo Uddin & ctg (2020), chúng tôi chia mẫu nghiên cứu thành hai nhóm: Ngân hàng lớn (Model 11) và ngân hàng nhỏ (Model 12) dựa trên giá trị trung bình của tổng tài sản toàn bộ mẫu. Kết quả chỉ ra rằng, TECH tác động tích cực đến NII ở các ngân hàng nhỏ ở mức ý nghĩa 5% trong khi ở các ngân hàng lớn không có ý nghĩa thống kê mặc dù hệ số của TECH là dương. Do đó, kết quả ủng hộ lập luận của Scherer (1984) khi cho rằng, các công ty nhỏ có nhiều động lực hơn để trở thành những nhà đổi mới mạnh mẽ do không có áp lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp lớn.
5. Thảo luận kết quả và một số khuyến nghị
Như đã trình bày, bằng chứng thực nghiệm của chúng tôi cho thấy, đầu tư công nghệ góp phần tác động tích cực đáng kể đến việc gia tăng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng, từ đó góp phần xóa mờ những nghi ngờ về tính hiệu quả của chi tiêu cho công nghệ tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị đối với các NHTM trong nước, cụ thể như sau:
Trong thời đại mà sự đổi mới công nghệ diễn ra nhanh chóng, chúng tôi ủng hộ quan điểm rằng, các ngân hàng gần như không có bất kỳ giải pháp thay thế nào ngoài việc tăng ngân sách công nghệ để giải quyết nguy cơ an ninh mạng và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng (Nguyễn Đức Trung & ctg, 2021). Thực tế đã cho thấy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Việt Nam, việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ đã và đang phát huy công dụng hữu ích của chúng không chỉ trong việc thúc đẩy hoạt động của ngân hàng nói riêng mà còn hỗ trợ các hoạt động khác trong nền kinh tế. Một điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng công nghệ đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo sự “trơn tru” trong kinh doanh cũng như trong đời sống, nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt trong nước. Tuy nhiên, thực trạng tại Việt Nam cho thấy, tỷ trọng chi phí dành cho các khoản đầu tư này tại các NHTM còn khá thấp. Chính vì thế, các ngân hàng cần mở rộng đầu tư công nghệ hơn, coi đây là một chiến lược trọng tâm trong thời gian tới. Song song với đó, cần phải xác định ngưỡng đầu tư công nghệ một cách hợp lý mặc dù điều này là thách thức bởi đặc trưng cơ bản mỗi ngân hàng cũng như điều kiện môi trường kinh tế - công nghệ ở các quốc gia là khác nhau.
Cùng với ý nghĩa trên, các quy định quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần đáp ứng những thay đổi từ phát triển công nghệ nhằm thúc đẩy hơn nữa công cuộc phát triển chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam bởi lẽ đây được xem là nhiệm vụ “sống còn” và “bắt buộc” đối với hệ thống ngân hàng trong nước (Bùi Hữu Toàn, 2021). Một trong những khía cạnh cần hướng đến là việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy tắc thống nhất về mã phản hồi nhanh (QR Code) cũng như các vấn đề bảo mật và an toàn thông tin khi khách hàng sử dụng các sản phẩm số của ngân hàng như nghiên cứu của Bùi Hữu Toàn (2021) đã chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực thực sự am hiểu công nghệ và có trình độ cao luôn là điều tối cần thiết. Bồi dưỡng và bổ sung liên tục nguồn lực này, theo chúng tôi, là yếu tố sống còn đối các ngân hàng khi mà “không gian truyền thống” như các chi nhánh/phòng giao dịch sẽ được thay thế bởi không gian ảo và giao dịch từ xa. Do đó, việc hợp tác với các ngân hàng nước ngoài cũng như các công ty công nghệ sẽ là bước khởi đầu khả dĩ để học hỏi kinh nghiệm và có những chuẩn bị cần thiết cho chiến lược kinh doanh hoàn toàn mới - chiến lược về cạnh tranh công nghệ.
Cuối cùng, mặc dù tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa đầu tư công nghệ và thu nhập ngoài lãi, chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa vào việc xác định mức chi tiêu hiệu quả vẫn là điều cần thiết như cảnh báo của Uddin & ctg (2020) nhằm hạn chế các vấn đề liên quan tới người đại diện. Chúng tôi hy vọng rằng, nghiên cứu này sẽ mở đường cho các nghiên cứu trong tương lai để làm sáng tỏ vấn đề quan trọng trên.
Tài liệu tham khảo:
1. Allen, L., and Rai, A. (1996) Operational efficiency in banking: An international comparison. Journal of Banking & Finance, 20(4), 655-672.
2. Berger, A. N. (2003) The economic effects of technological progress: Evidence from the banking industry. Journal of Money, Credit and Banking, 35(2), 141-176.
3. Buchak, G., Matvos, G., Piskorski, T., & Seru, A. (2018). Fintech, regulatory arbitrage, and the rise of shadow banks. Journal of Financial Economics, 130(3), 453-483.
4. Bùi Hữu Toàn: "Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam". Tạp chí Ngân hàng, số 19/2021.
5. Jiménez, G., and Saurina, J. (2004). Collateral, type of lender and relationship banking as determinants of credit risk. Journal of Banking & Finance, 28, 2191-2212. https://doi.org/10.1016/j.jbankfn.2003.09.002
6. Kauffman, R. J., Liu, J., and Ma, D. (2015). Technology investment decision-making under uncertainty. Information Technology and Management, 16(2), 153-172.
7. Lee C.-C., Li X., Yu C.-H. and Zhao J., (2021). Does fintech innovation improve bank efficiency? Evidence from China’s banking industry, International Review of Economics and Finance, doi: https://doi.org/10.1016/j.iref.2021.03.009
8. Ngonzi, T. T. (2016). Theorizing ICT-based social innovation on development in the context of developing countries of Africa. Captown: University of Cape Town.
9. Nguyễn Đức Trung, Trần Việt Dũng & Lữ Hữu Chí (2021). Tác động của phát triển công nghệ đến hoạt động ngân hàng Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ, số 10(571), 37-41.
10. Seely Brown, J., Hagel III, J. (2003). Does IT Matter? An HBR Debate. Harvard Business Review, June, 1-17.
11. Strassmann, P.A. (2003). Does IT Matter? An HBR Debate. Harvard Business Review, June, 1-17.
12. Tran, Dung Viet, Kabir M. Hassan, and Reza Houston, (2019). Activity strategies, information asymmetry, and bank opacity, Economic Modelling 83, 160-172.
13. Tran, D. V. (2020). Does bank diversification affect funding cost? Evidence from US banks. Asian Academy of management Journal of Accounting and Finance, 16(1), 87–107. https://doi.org/10.21315/aamjaf2020.16.1.5
14. Uddin, Md Hamid and Mollah, Sabur & Ali, Md Hakim, Does CyberTech Spending Matter for Bank Stability? (September 7, 2020). Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3688512 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3688512
15. Vives, X. (2019). Competition and stability in modern banking: A post-crisis perspective.
International Journal of Industrial Organization, 64, 55-69 (In press).
Trần Việt Dũng, Lữ Hữu Chí (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)