Tóm tắt: Các quốc gia hiện nay ngoài mục tiêu phát triển kinh tế thì đã từng bước chú trọng bảo vệ môi trường. Theo đó, các chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, con người, bảo tồn hệ sinh thái và các khoản chi khác nhằm chuyển dịch nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh. Từ kinh nghiệm ở một số quốc gia, bài viết sẽ đưa ra các kiến nghị chính sách chi cho môi trường hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: Ngân sách nhà nước, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng.
GOVERNMENT EXPENDITURES FOR GREEN GROWTH:
INTERNATIONAL EXPERIENCE AND RECOMMENDATIONS
Abstract: In addition to the goal of economic development, countries have gradually focused on environmental protection. Accordingly, policies have been issued, including government expenditure on science and technology, infrastructure, people, ecosystem conservation and other expenditures aimed at transforming the economy towards green growth. From experience in some countries, the article makes policy recommendations for expenditure on the environment towards green economic growth in Vietnam.
Keywords: State budget, green growth, clean energy, infrastructure.
1. Lí luận về chi ngân sách cho tăng trưởng xanh
Ô nhiễm môi trường và xả thải lượng khí carbon lớn gây ra hiệu ứng nhà kính đã đang là mối quan tâm lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được xem là mục tiêu của tăng trưởng xanh bền vững tại các quốc gia. Theo F. Han, M. U. Farooq, M. Nadeem và M. Noor, 2022, nghiên cứu tại 10 quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới cho thấy, khi quy mô nền kinh tế càng tăng thì càng dẫn tới ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xả thải khí carbon thông qua tiêu dùng quá mức năng lượng hóa thạch. Nhiều quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển đưa ra các ưu tiên chính sách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, trong đó có chính sách chi ngân sách nhà nước.
Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được xem là mục tiêu của tăng trưởng xanh bền vững
Các chính sách chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh bao gồm chính sách chi cho đầu tư công trong nghiên cứu và phát triển, chi ngân sách cho các lĩnh vực công nghiệp mới, cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái, nguồn nước và không khí, khoa học công nghệ, con người… Tiêu dùng, sản xuất các nguồn năng lượng hóa thạch hay các hàng hóa thông thường có thể gây tác động ngoại sinh tiêu cực tới môi trường và đây được xem là thất bại của thị trường nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Do đó, chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho các lĩnh vực cụ thể để hướng các hoạt động trong nền kinh tế đến tăng trưởng xanh và chi tiêu của chính phủ được xem là sẽ định hình tương lai cho phát triển kinh tế xanh của quốc gia.
2. Chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh tại các quốc gia trên thế giới
Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, Chính phủ đặt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hiệu ứng nhà kính đến năm 2030 là giảm 50% - 52% so với năm 2005. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hoa Kỳ đã chi tiêu đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch. Chính phủ Hoa Kỳ dự định chi tiêu ngân sách khoảng 52,2 tỉ USD trong năm tài khóa 2024 để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Mức chi tiêu này cao hơn 10,9 tỉ USD hay tăng 26% so với năm tài khóa 2023. Chi tiêu ngân sách này chủ yếu tập trung vào các vấn đề cơ sở hạ tầng, năng lượng, nước và các nhiên liệu như:
- Xây dựng các cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn năng lượng sạch: Chi ngân sách 4,5 tỉ USD cho năng lượng sạch như hỗ trợ cộng đồng và gia đình có thu nhập thấp trong lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ thanh toán một phần đối với các hóa đơn của các gia đình sử dụng ít năng lượng hằng tháng.
- Hỗ trợ các dự án năng lượng sạch tại một số trường đại học và cao đẳng: Ngân sách nhà nước chi 83 triệu USD để cung cấp thiết bị điện, hỗ trợ kĩ thuật cho các tòa nhà và chuyển đổi hệ thống điện sang sử dụng các năng lượng sạch.
- Đầu tư vào hệ thống năng lượng sạch trong các tòa nhà và giảm thiểu các chi phí năng lượng ở các vùng dân cư nông thôn: Ngân sách sẽ hỗ trợ trực tiếp 30 triệu USD và 1 tỉ USD các khoản vay cho các chủ trạng trại, các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng hệ thống năng lượng sạch.
- Đẩy nhanh phát triển công nghệ năng lượng sạch: Ngân sách nhà nước chi 75 triệu USD phát triển chuỗi cung ứng cho các công nghệ môi trường cốt lõi. Ngân sách nhà nước cũng chi 3,2 tỉ USD cho hiện đại hóa các tòa nhà công và 300 triệu USD để cải thiện hiệu quả hệ thống năng lượng, chống biến đổi khí hậu và chất lượng các tòa nhà công. Ngoài ra, Chính phủ còn chi ngân sách từ quỹ USDA cho nâng cao sử dụng hiệu quả hệ thống nước trong các hộ gia đình ở nông thôn. Chi ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng điện gió.
- Xây dựng hệ thống giao thông hiện đại thân thiện với môi trường: Ngân sách sẽ chi 60,1 tỉ USD cho Chương trình Phát triển đường cao tốc liên bang, 1,2 tỉ USD cho Chương trình Hỗ trợ cơ sở hạ tầng quốc gia và 560 triệu USD để hỗ trợ cho các dự án cho các ưu tiên khác nhằm chống ô nhiễm môi trường như xây dựng hệ thống trạm sạc điện cho các phương tiện giao thông. Chi tiêu 801 tỉ USD từ ngân sách để mua sắm cho các cơ quan bộ, ngành các loại phương tiện giao thông ít xả thải carbon ra môi trường. Việc mua sắm này sẽ góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, ngân sách hỗ trợ 570 triệu USD cho các sáng kiến hàng không xanh của NASA để phát triển công nghệ về động cơ máy bay chạy bằng năng lượng hybrid và điện.
- Đầu tư cho khoa học và nghiên cứu để giảm chi phí sản xuất các năng lượng sạch thông qua việc đầu tư 25 tỉ USD cho nghiên cứu sản xuất chíp, hỗ trợ 16,5 tỉ USD cho nghiên cứu đổi mới năng lượng sạch và khoa học về môi trường. Hỗ trợ các phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu ở các trường đại học và cao đẳng để nghiên cứu năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả nguồn năng lượng.
- Để giảm thiểu lượng xả thải gây ô nhiễm môi trường trong các ngành công nghiệp: Ngân sách nhà nước cũng đã chi 1,2 tỉ USD cho việc giảm thải khí carbon trong các ngành công nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo hỗ trợ các công nghệ và đầu tư. Chi ngân sách cho việc khôi phục hệ thống sinh thái biển như các vịnh, thượng nguồn các dòng sông, bờ biển.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, trong năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng hệ sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững. Ấn Độ hiện nay phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên, thiếu nguồn nước, việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế trong dài hạn sẽ bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Kinh tế Ấn độ đã mất khoảng 5,4% GDP do ảnh hưởng nắng nóng cực điểm năm 2021. Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ sẽ cam kết chi ngân sách để thực hiện các sáng kiến cụ thể chuyển dịch nền kinh tế đến tăng trưởng xanh bền vững. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các sáng kiến tăng trưởng kinh tế xanh như đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển dịch sang năng lượng sạch, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Để bảo tồn đa dạng hệ sinh học, Ấn Độ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp khi chi ngân sách hỗ trợ phát triển các trang trại hữu cơ, thúc đẩy các loại phân bón thay thế và sử dụng cân đối phân bón hóa học, đề xuất thành lập 10.000 trung tâm tài nguyên nhằm tạo ra một mạng lưới sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu.
Trung Quốc
Chiến lược phát triển xanh của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2012 nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái quốc gia như không khí, nước, đất, chất thải rắn, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Chính sách tài khóa cùng với các chính sách tiền tệ, chính sách công nghiệp, chính sách đất đai và chính sách an sinh xã hội đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Từ năm 2007, chi tiêu ngân sách cho môi trường được cho vào một khoản mục chi tiêu riêng trong ngân sách công của Chính phủ bên cạnh chi ngân sách cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các khoản mục chi tiêu khác.
Chi tiêu cho môi trường là khoản chi tiêu cho khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường chiếm khoảng trên 5% tổng chi tiêu ngân sách nhà nước chủ yếu vào đổi mới khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Tại châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra mục tiêu về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và các mục tiêu dài hạn về khí hậu, môi trường theo thỏa thuận Paris tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2015. Theo đó, các nước trong khối EU đã tăng cường đầu tư để dịch chuyển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Ngân sách được chi cho các mục tiêu về khí hậu và năng lượng vào khoảng 180 tỉ Euro trong giai đoạn 2014 - 2020. Để đạt được mục tiêu về giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2050, khối EU cũng đề xuất đầu tư cho các ngành năng lượng sạch và hệ thống giao thông thân thiện với môi trường hằng năm với mức 2% GDP. Tuy nhiên, trong đó EU chỉ chi khoảng 0,5 -1% GDP cho đầu tư tăng trưởng xanh còn lại sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư cho lĩnh vực mới này.
3. Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam
Định hướng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kì 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Liên quan đến ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Về chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đã đảm bảo bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách để chi cho bảo vệ môi trường và đây là khoản chi riêng biệt trong mục chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bên cạnh các nhiệm vụ chi cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ và các nhiệm vụ chi khác. Nếu tính các khoản chi gián tiếp cho môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển các công nghệ mới giải quyết các vấn đề môi trường thì chi ngân sách nhà nước hằng năm cho tăng trưởng xanh còn lớn hơn vì các khoản chi gián tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế xanh được thực hiện qua các khoản chi cho khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực và ngân sách hằng năm vẫn đảm bảo để giải quyết các vấn đề về môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế vẫn được quan tâm hiện nay vì nó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong dài hạn.
Một số hạn chế hiện nay của Việt Nam là nền kinh tế vẫn chưa đủ tiềm lực về vốn cho tăng trưởng xanh như các quốc gia khác. Ðể thực hiện mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035 và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 380 tỉ USD, trong khi từ năm 2023 đến năm 2030, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu vốn tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp1. Theo đó, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hoàn toàn nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường mà cần nguồn lực chủ yếu đến từ khu vực tư nhân. Vấn đề trọng tâm bảo vệ môi trường cụ thể trong từng thời kì cần gắn liền với ưu tiên phân bổ ngân sách hằng năm vì khái niệm bảo vệ môi trường khá rộng.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và hạn chế hiện nay, một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam được đề xuất như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần xác định các mục tiêu cụ thể, trọng tâm về môi trường để cân đối ngân sách nhà nước chi cho từng khoản mục theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Theo đó, trọng tâm bảo vệ môi trường là các vấn đề cụ thể như bảo vệ nguồn nước, không khí, giảm thiểu khí carbon, tài nguyên đất và chống biến đổi khí hậu.
Thứ hai, có thể chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như các hỗ trợ về tài khóa đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch trong tiêu dùng và sản xuất. Đồng thời, ngân sách nhà nước chi cho khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu công nghệ năng lượng sạch, chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng sử dụng tiết kiệm năng lượng cần được thống kê hằng năm cùng với ngân sách chi bảo vệ môi trường để đánh giá tổng quan về hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh.
Thứ ba, có thể định hướng chuyển dịch chi ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trụ sở công, mua sắm phương tiện giao thông công có sử dụng các công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Cân nhắc tăng chi ngân sách nhà nước cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào thực tế nền kinh tế.
Thứ tư, khuyến khích khu vực tư nhân chuyển dịch sản xuất nhằm hướng tới kinh tế xanh. Theo đó, Chính phủ có các ưu đãi về tài khóa và các ưu đãi khác để thúc đẩy đầu tư tư nhân cho ứng dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường. Đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế xanh được xem là vai trò chủ đạo bên cạnh chi ngân sách nhà nước trong dài hạn theo kinh nghiệm của các nước tại châu Âu.
1 https://nhandan.vn/tang-truong-xanh-trong-vao-nguon-von-tu-nhan-post745163.html
Tài liệu tham khảo:
1. Green Growth Group (2018). Financing EU climate action - reinforcing climate spending and mainstreaming in the next Multiannual Financial Framework (MFF).
2. H. Peltier, O. Pollin and J. Heintz (2014). Green Growth: A U.S. Program for Controlling Climate Change and Expanding Job Opportunities. Center for American Progress and Political Economy Research Institute.
3. W. Zhao and Y. Xu (2022). Public Expenditure and Green Total Factor Productivity: Evidence from Chinese Prefecture - Level Cities. International Journal of environmental research and public health, Vol 19.
4. Z. Darvas and G. Wolff (2021). A green fiscal pact: climate investment in times of budget consolidation. Policy Contribution Vol 18/2021.
5. F. Han, M. U. Farooq, M. Nadeem and M.Noor (2021). Public Spending, Green Finance, and Zero Carbon for Sustainable Development: A Case of Top 10 Emitting Countries. Journal of Environmental Economics and Management Vol 10, 2022.
ThS. Hồ Ngọc Tú (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính)