Thông cáo báo chí Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 135/CĐ-TTg ngày 16/12/2024 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng.
Công điện nêu rõ: Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tín dụng, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tăng trưởng kinh tế, tăng tốc, bứt phá để quyết tâm đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 theo đúng các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để đánh giá, phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác theo đúng các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2024 về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024 và các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tăng tốc, bứt phá đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên và tạo đà hướng đến tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 – 2030.
b) Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho
người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
c) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).
d) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
đ) Tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm.
e) Tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
2. Giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục nắm chắc tình hình, theo dõi sát, chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, công bố lãi suất huy động, cho vay…
3. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.
4. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Theo baochinhphu.vn