Tại sao các ngân hàng trung ương mua vàng?
Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương (NHTW) vào cuối năm 2023 lập kỷ lục cao thứ hai sau năm 2022. Năm 2024, trong số 70 NHTW được Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council - WGC) tiến hành khảo sát thì có gần 1/3 có ý định bổ sung dự trữ vàng - đây là tỉ lệ cao nhất trong thời gian sáu năm qua.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Theo báo cáo năm 2024 của WGC, cuối năm 2023, các NHTW đã bổ sung thêm 1.037 tấn vàng dự trữ, đây là kỷ lục thứ hai sau năm 2022 (1.082 tấn). Trên cơ sở số liệu từ khảo sát của WGC đối với 70 NHTW từ tháng 2 đến tháng 4/2024, có tới 29% các NHTW có ý định tiếp tục mua vàng trong 12 tháng tới. Đây là tỉ lệ cao nhất kể từ năm 2018, khi WGC bắt đầu tiến hành khảo sát. Năm 2023, 24% NHTW dự định bổ sung dự trữ vàng và năm 2019 - chỉ 8%. (Biểu đồ 1).
Đồng thời, 81% NHTW được khảo sát trong năm 2024 cho rằng, dự trữ vàng của các NHTW trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm tới - đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong sáu năm qua (phần còn lại 19% NHTW tin rằng dự trữ vàng sẽ không thay đổi). (Biểu đồ 2)
Biểu đồ 1: Kỳ vọng thay đổi dự trữ vàng của NHTW trong 12 tháng tới
Từ năm 2023, lựa chọn “Không biết” đã được loại bỏ khỏi khảo sát.
Nguồn: WGC (2024)
Biểu đồ 2: Dự trữ vàng của các NHTW trên toàn cầu trong 12 tháng tới
Từ năm 2023, lựa chọn “Không biết” đã được loại bỏ khỏi khảo sát.
Nguồn: WGC (2024)
Bảo hiểm rủi ro
Trong những năm qua, các NHTW coi vị thế lịch sử của vàng là lý do chính để mua vàng. Từ xa xưa, người dân thuộc mọi nền văn hóa đều coi trọng vàng và những nhà cai trị tích trữ nó để củng cố vị thế và quyền lực kinh tế của họ. Ngoài vai trò là tiền, vàng còn là một mặt hàng tương đối khan hiếm (ví dụ như so với đồng hoặc sắt). Việc vàng được sử dụng trong nhiều thế kỷ làm thước đo giá trị đã mang lại cho nó một vị trí lịch sử vững chắc.
Nhưng trong cuộc khảo sát năm 2024, tầm quan trọng (được xếp hạng theo tổng của các mức “liên quan cao” và “có liên quan”) của nguyên nhân lịch sử trên đã giảm xuống vị trí thứ năm (46% cho rằng có liên quan cao và 25% cho rằng có liên quan). Và nhân tố quan trọng nhất khuyến khích các NHTW mua vàng là khả năng của vàng trong phòng ngừa lạm phát và bảo toàn giá trị của các khoản đầu tư vào vàng trong dài hạn (42% cho rằng có liên quan cao và 46% cho rằng có liên quan).
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, có 5 lý do hàng đầu khiến các NHTW mua vàng như sau: (i) Nơi bảo tồn giá trị dài hạn và phòng ngừa lạm phát (88%); (ii) Tài sản chống khủng hoảng (82%); (iii) Phương tiện đa dạng hóa danh mục đầu tư (76%); (iv) Tài sản không có rủi ro vỡ nợ (73%); và (v) Vị trí lịch sử của vàng (71%) (Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Các nhân tố tác động đến việc mua vàng của NHTW
Nguồn: WGC (2024)
Cụ thể, theo kết quả khảo sát vào năm 2023, lý do đầu tiên các NHTW mua vàng vì coi đây là một biện pháp bảo hiểm chống lạm phát và bảo tồn giá trị dài hạn, được chỉ ra bởi 27% NHTW ở các nền kinh tế phát triển và 89% NHTW ở các nền kinh tế đang phát triển; tương ứng năm 2024, lý do này được chỉ ra bởi 83% NHTW các nền kinh tế phát triển và 90% các nền kinh tế đang phát triển (Biểu đồ 4 và 5); vàng là một tài sản có nguồn cung hạn chế (nó không thể được “phát hành thêm” theo quyết định của chính phủ), điều này khiến nó có khả năng chống lại lạm phát. Lý do thứ hai các NHTW mua vàng vì vàng được coi là tài sản chống khủng hoảng, là tài sản trú ẩn an toàn, một giải pháp thay thế cho việc đầu tư vào tài sản tài chính trong những thời điểm không ổn định. Cả hai lý do trên đều được hơn 80% NHTW ghi nhận (Biểu đồ 5).
Đứng ở vị trí cuối cùng trong danh mục 15 lý do nêu ra trong khảo sát năm 2023 là chính sách phi đô la hóa: Không một NHTW nào đánh giá nó có tương quan cao; 11% cho rằng nó có liên quan một chút; còn đại đa số (68%) cho rằng nó không liên quan; chỉ có NHTW các nền kinh tế đang phát triển chỉ ra lý do này là có liên quan. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát năm 2024, lý do này cũng đã được 6% NHTW các nền kinh tế phát triển ghi nhận (Biểu đồ 3; 4 và 5).
Biểu đồ 4: Các nhân tố tác động đến quyết định mua vàng của NHTW
phân theo hai nhóm nước năm 2023
Nguồn: WGC (2024)
Biểu đồ 5: Các nhân tố tác động đến quyết định mua vàng của NHTW phân theo nhóm nước năm 2024
Nguồn: WGC (2024)
Sự khác biệt và hội tụ giữa các nước phát triển và đang phát triển
Có sự khác biệt đáng chú ý giữa NHTW ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển về động cơ mua vàng. Đồng thời, một số lý do trước đây chủ yếu liên quan đến NHTW của các nền kinh tế đang phát triển thì vào năm 2024, đã trở thành vấn đề tương tự đối với NHTW của các nền kinh tế phát triển (Biểu đồ 5). Cụ thể:
Thứ nhất, hơn một nửa số NHTW được khảo sát đưa ra lý do mua vàng do lo ngại về rủi ro tài chính hệ thống (62%) và không có rủi ro chính trị đối với vàng như một tài sản (54%); trong khi chỉ có 33% NHTW các nền kinh tế phát triển đồng tình với hai lý do này.
Thứ hai, vàng được coi như một công cụ của chính sách tiền tệ, mua vàng do tâm lý lo ngại về các biện pháp trừng phạt và kỳ vọng về những thay đổi trong hệ thống tiền tệ quốc tế được 23% đến 33% NHTW ở các nền kinh tế đang phát triển chỉ ra; trong khi đó, không có NHTW thuộc các nền kinh tế phát triển đề cập đến lý do này.
Thứ ba, các NHTW mua vàng vì nó được sản xuất trong nước và được độc quyền bởi NHTW, lý do này được chỉ ra bởi 44% NHTW các nền kinh tế đang phát triển, trong khi tỉ lệ này ở NHTW các nền kinh tế phát triển là 0%.
Thứ tư, lý do vàng đã trở nên quan trọng như một phương pháp đa dạng hóa rủi ro địa chính trị được chỉ ra bởi 67% NHTW các nền kinh tế phát triển và 64% NHTW các nền kinh tế đang phát triển. Đối với NHTW các nền kinh tế phát triển, tầm quan trọng của nhân tố này đã tăng hơn 1,5 lần trong năm, khiến vị thế của hai nhóm nước xích lại gần nhau hơn (1 năm trước đó, nhân tố rủi ro địa chính trị được 45% NHTW các nền kinh tế phát triển và 61% các nền kinh tế đang phát triển đồng tình).
Thứ năm, số lượng NHTW các nền kinh tế phát triển bắt đầu xem xét vàng như một tài sản có tính thanh khoản cao tăng gấp 2,2 lần so với năm trước (61% so với 27% một năm trước đó; câu trả lời của NHTW các nền kinh tế đang phát triển lần lượt là 67% và 72%). Nếu xét đến tỉ trọng NHTW các nền kinh tế phát triển đánh giá sự đa dạng hóa danh mục đầu tư và “đặc tính chống khủng hoảng” của tài sản này là một trong các lý do mua vàng ngày càng tăng thì có vẻ như các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu đánh giá cao vai trò tài chính của vàng so với những năm trước đây.
WGC lưu ý rằng, sự hội tụ quan điểm của NHTW các nền kinh tế phát triển và đang phát triển về vai trò của vàng trước sự bất ổn địa chính trị và những lo ngại về ổn định tài chính cho thấy rõ các bối cảnh kinh tế và chiến lược khó khăn mà cả hai nhóm quốc gia phải đối mặt.
Vàng so với Đô la Mỹ
Dự báo của NHTW các nền kinh tế phát triển và đang phát triển về triển vọng tỉ trọng USD và vàng trong cơ cấu dự trữ quốc tế nhìn chung là giống nhau - phần lớn dự đoán tỉ trọng USD sẽ giảm và vàng sẽ tăng; nhưng khác nhau về quy mô - đại diện của các nền kinh tế phát triển có kỳ vọng bảo thủ hơn.
Một là, gần 2/3 (62%) NHTW được khảo sát năm 2024 kỳ vọng tỉ trọng USD trong dự trữ quốc tế sẽ giảm trong 5 năm tới, tăng từ 55% năm 2023 và 42% năm 2022; 20% kỳ vọng tỉ lệ này sẽ tăng, 18% kỳ vọng tỉ trọng này không đổi so với tỉ trọng dự trữ bằng USD hiện tại là 49% (Biểu đồ 6).
Biểu đồ 6: Kỳ vọng tỉ trọng USD trong dự trữ toàn cầu trong 5 năm tới
Nguồn: WGC (2024)
Hai là, NHTW các nền kinh tế đang phát triển có thiên hướng bi quan hơn về vai trò dự trữ của USD với 64% kì vọng tỉ trọng USD sẽ giảm so với mức 56% đối với NHTW các nền kinh tế phát triển. Trong khi 30% đáp viên từ NHTW các nền kinh tế phát triển cho rằng tỉ trọng USD trong dự trữ toàn cầu sẽ không thay đổi trong vòng 5 năm tới thì chỉ có 11% các đáp viên từ NHTW các nền kinh tế đang phát triển ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỉ lệ các đáp viên từ các nền kinh tế phát triển tin rằng tỉ trọng USD trong dự trữ toàn cầu sẽ sụt giảm đã tăng từ 46% vào năm 2023 lên 56% vào năm 2024 (Biểu đồ 7). Điều này phản ánh tâm lý ngày càng bi quan về triển vọng tỉ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu ngay cả với các đáp viên từ các nền kinh tế phát triển.
Biểu đồ 7: Kỳ vọng tỉ trọng USD trong dự trữ toàn cầu trong 5 năm tới phân theo nhóm nước
Nguồn: WGC (2024)
Ba là, 69% NHTW (46% năm 2022 và 62% năm 2023) cũng dự đoán tỉ trọng vàng trong dự trữ quốc tế toàn cầu sẽ tăng từ mức 16% hiện tại (Biểu đồ 8); trong đó, 75% các đáp viên từ NHTW các nền kinh tế phát triển kỳ vọng điều này so với mức 57% ở NHTW các nền kinh tế đang phát triển. Trong khi đó, 35% đáp viên từ NHTW các nền kinh tế phát triển cho rằng tỉ trọng vàng trong dự trữ quốc tế sẽ không thay đổi trong 5 năm tới, quan điểm này chỉ được 9% các đáp viên từ NHTW các nền kinh tế đang phát triển đồng tình (Biểu đồ 9).
Biểu đồ 8: Kỳ vọng tỉ trọng vàng trong dự trữ toàn cầu trong 5 năm tới
Nguồn: WGC (2024)
Biểu đồ 9: Kỳ vọng tỉ trọng vàng trong dự trữ toàn cầu trong 5 năm tới phân theo nhóm nước
Nguồn: WGC (2024)
WGC (2024) dẫn lời một đáp viên trong cuộc khảo sát: “Vai trò của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát, biến động thị trường và rủi ro địa chính trị sẽ tăng dần, bất chấp lãi suất toàn cầu tăng, nếu môi trường lạm phát, bất ổn tài chính và/hoặc căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra như hiện nay”.
Tóm lại, căng thẳng địa chính trị và các nhân tố kinh tế vĩ mô như lạm phát và lãi suất được nhiều nhà quản lý dự trữ ngoại hối của các NHTW quan tâm đặc biệt. NHTW các nền kinh tế đang phát triển đã bày tỏ mối lo ngại thường trực về tác động của rủi ro địa chính trị và sự bất ổn tài chính tiềm tàng đối với các quyết định quản lý dự trữ của họ; trong đó, nhiều NHTW xem vàng như một phương thức để quản lý các rủi ro đó. Tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế tiếp tục thay đổi, cùng với việc NHTW bày tỏ ít tin tưởng hơn vào sự thống trị lâu dài của USD. Với những xu hướng này và môi trường đầu tư luôn thay đổi, nhu cầu vàng từ các NHTW trên toàn cầu chắc chắn vẫn mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
World Gold Council (2024). 2024 Central Bank Gold Reserves Survey. https://www.gold.org/goldhub/data/2024-central-bank-gold-reserves-survey
Trường Đại học Hòa Bình