Tác động của dự phòng rủi ro tín dụng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Dự phòng rủi ro tín dụng là các ước tính về phương diện kế toán cho những tổn thất tiềm năng có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD)...
Tóm tắt:
Dự phòng rủi ro tín dụng là các ước tính về phương diện kế toán cho những tổn thất tiềm năng có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), từ đó giúp các TCTD đánh giá chính xác hơn về chất lượng danh mục tín dụng cũng như tình hình tài sản có của họ. Tuy nhiên, do dự phòng rủi ro tín dụng được tính vào chi phí hoạt động và là các khoản chi phí không bằng tiền nên nó có ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, lợi nhuận, dòng tiền từ hoạt động, khả năng trích lập quỹ, khả năng chi trả cổ tức, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ an toàn vốn cũng như thị giá cổ phần của các TCTD. Nói cách khác, dự phòng rủi ro tín dụng không phải là “công cụ” giúp các TCTD có được “nguồn dự phòng rủi ro tín dụng” hay trích lập được “Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng”. Vì thế, rất cần có những quy định kèm theo để các ước tính kế toán này phát huy tác dụng như kỳ vọng của các nhà quản lý. Trên cơ sở đó, bài viết cho thấy: (1) Bản chất của dự phòng rủi ro tín dụng; (2) Tác động của dự phòng rủi ro tín dụng đến hoạt động của các TCTD; (3) Để dự phòng rủi ro tín dụng phát huy tác dụng như kỳ vọng, nhóm tác giả đề xuất các biện pháp nhằm giúp các TCTD có được lượng “tiền tươi - thóc thật” dự phòng cho các tổn thất trong hoạt động tín dụng của mình.
Từ khóa: Chi phí không bằng tiền, tiết kiệm thuế, dự phòng rủi ro, phân loại nợ.
1. Bản chất của dự phòng rủi ro tín dụng
Tín dụng là tài sản sinh lời chủ yếu của các TCTD, tuy nhiên, tín dụng cũng là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các TCTD do khả năng khách hàng không trả được nợ khi đến hạn. Sự kiện này được gọi là rủi ro tín dụng. Do đó, để ổn định thu nhập và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các TCTD cần ước tính được những tổn thất của hoạt động tín dụng, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và tìm cách duy trì được lượng tiền tương ứng để bù đắp được những tổn thất trong hoạt động tín dụng của mình.
Tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì dự phòng rủi ro tín dụng được giải thích là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của TCTD. Dự phòng rủi ro tín dụng bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Dự phòng cụ thể là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể. Dự phòng chung là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể.
Để làm cơ sở cho việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, Thông tư số 11/2021/TT-NHNN yêu cầu các TCTD ít nhất mỗi tháng 1 lần phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Nợ của các TCTD được phân thành 5 nhóm nợ theo phương pháp định tính hoặc định lượng, bao gồm: Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn); nhóm 2 (nợ cần chú ý); nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn); nhóm 4 (nợ nghi ngờ); nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Trong đó, nợ quá hạn là khoản nợ mà khách hàng không trả được đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi theo thỏa thuận với TCTD. Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Cũng theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN thì các TCTD phải trích dự phòng chung bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 (có loại trừ các khoản tiền gửi tại TCTD, khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, khoản mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD phát hành trong nước, khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ). Dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể được tính bằng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể nhân với dư nợ tín dụng của từng khoản cấp tín dụng sau khi đã khấu trừ giá trị tài sản bảo đảm. Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau: Nhóm 1: 0%; nhóm 2: 5%; nhóm 3: 20%; nhóm 4: 50%; nhóm 5: 100%.
Các TCTD được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản; cá nhân bị chết, mất tích, các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5. Các TCTD sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro theo nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng chung hoặc sử dụng dự phòng cụ thể, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng chung. Các TCTD phải hạch toán ngoại bảng phần dư nợ đã sử dụng dự phòng cụ thể, dự phòng chung để xử lý rủi ro. Các TCTD không được thông báo cho khách hàng về việc khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Để hạch toán và theo dõi dự phòng rủi ro tín dụng, các TCTD phải mở tài khoản dự phòng rủi ro tín dụng chung và dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể cho từng loại hình cấp tín dụng (cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu, trả thay các cam kết ngoại bảng,…). Bên Có của các tài khoản dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận các khoản trích lập hay trích lập bổ sung dự phòng rủi ro tín dụng tính vào chi phí hoạt động. Bên Nợ của các tài khoản dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận các khoản sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để bù đắp tổn thất (nợ có khả năng mất vốn) và hoàn nhập số chênh lệch thừa dự phòng đã lập theo quy định. Số dư Có của tài khoản dự phòng rủi ro tín dụng phản ánh số dự phòng rủi ro tín dụng hiện có cuối kỳ của TCTD.
Để đánh giá chất lượng danh mục tín dụng, các TCTD có thể sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng được tính bằng cách chia dự phòng rủi ro tín dụng cho tổng dư nợ tín dụng của các TCTD. Để phản ánh khả năng bù đắp nợ xấu bằng dự phòng rủi ro tín dụng, các TCTD sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ nợ xấu được tính bằng cách chia dự phòng rủi ro tín dụng cho số dư nợ xấu bao gồm nợ thuộc nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5. Thông thường, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng thấp hơn 100% nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể lớn hơn 100% do tỷ lệ nợ xấu khá thấp (có khi chưa đến 1% tổng dư nợ tín dụng) trong khi dự phòng rủi ro tín dụng tích lũy lớn hơn tổng nợ xấu của TCTD rất nhiều.
2. Tác động của dự phòng rủi ro tín dụng đến hoạt động của các TCTD
Từ các quy định về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng cho thấy, bản chất của dự phòng rủi ro tín dụng là các ước tính về phương diện kế toán cho những tổn thất tiềm năng trong hoạt động tín dụng của các TCTD. Nhờ các ước tính này mà chất lượng danh mục tín dụng của các TCTD được phản ánh chính xác hơn, từ đó, giúp các TCTD đánh giá được chính xác hơn tài sản Có của TCTD. Mặt khác, do dự phòng rủi ro tín dụng được tính vào chi phí hoạt động và là một khoản chi phí không bằng tiền nên nó có tác động đến chi phí hoạt động, lợi nhuận, dòng tiền từ hoạt động, khả năng trích lập quỹ, khả năng chi trả cổ tức, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ an toàn vốn, cũng như giá cổ phần của các TCTD trên thị trường.
Tác động đến danh mục tín dụng và tài sản Có của các TCTD
Do dự phòng rủi ro tín dụng là các ước tính kế toán cho những tổn thất tiềm năng trong hoạt động tín dụng của các TCTD nên các khoản dự phòng rủi ro tín dụng này sẽ được điều chỉnh giảm với dư nợ các khoản cấp tín dụng Bên tài sản Có của Bảng cân đối kế toán của các TCTD, các khoản mục dự phòng rủi ro tín dụng điều chỉnh giảm này sẽ giúp các TCTD xác định được dư nợ tín dụng thuần, một chỉ tiêu phản ánh chính xác chất lượng danh mục tín dụng hơn so với chỉ tiêu dư nợ tín dụng của các TCTD cũng như tài sản Có hiện tại của các TCTD.
Tác động đến chi phí hoạt động và lợi nhuận trước thuế
Do khoản dự phòng rủi ro tín dụng này được hạch toán vào chi phí hoạt động nên nó có tác động làm tăng chi phí hoạt động của các TCTD, dẫn đến làm giảm tỷ lệ thu nhập hoạt động cận biên được đo lường bằng tỷ lệ giữa hiệu số thu nhập hoạt động và chi phí hoạt động với tổng tài sản bình quân của TCTD, khiến cho các TCTD không muốn giảm thêm lãi suất cho vay hoặc thậm chí có xu hướng muốn gia tăng lãi suất cho vay để bù đắp cho sụt giảm trong tỷ lệ thu nhập hoạt động cận biên của các TCTD. Chi phí hoạt động tăng cũng làm giảm lợi nhuận trước thuế của các TCTD.
Tác động đến chi phí thuế thu nhập và lợi nhuận sau thuế
Do dự phòng rủi ro tín dụng được hạch toán vào chi phí hoạt động nên nó có tác động làm giảm chi phí thuế thu nhập hiện hành của các TCTD.
Tác động đến dòng tiền từ hoạt động
Mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng làm giảm lợi nhuận sau thuế của các TCTD nhưng do nó là chi phí không bằng tiền nên có tác dụng giúp các TCTD tiết kiệm được chi phí thuế thu nhập hiện hành, từ đó có tác dụng làm tăng dòng tiền từ hoạt động cho các TCTD.
Tác động đến khả năng trích lập các quỹ, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ an toàn vốn và thị giá cổ phần
Do dự phòng rủi ro tín dụng tác động làm giảm lợi nhuận sau thuế nên nó cũng tác động làm giảm khả năng trích lập quỹ của các TCTD (Quỹ bổ sung vốn điều lệ, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính và các quỹ khác). Mặt khác, lợi nhuận sau thuế giảm làm giảm lợi nhuận chưa phân phối, vì vậy, nó tác động trực tiếp làm giảm vốn chủ sở hữu của các TCTD. Vốn chủ sở hữu giảm cũng có tác động làm giảm tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế giảm do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tác động làm giảm khả năng chi trả cổ tức cho các cổ đông. Thông tin này cùng với thông tin về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng làm giảm lợi nhuận sau thuế của các TCTD, cuối cùng có tác động đến giá cổ phần của các TCTD trên thị trường.
3. Để dự phòng rủi ro tín dụng phát huy tác dụng như kỳ vọng
Nhận biết được bản chất của dự phòng rủi ro tín dụng và các tác động của dự phòng rủi ro tín dụng đến hoạt động của các TCTD về phương diện chi phí và lợi nhuận, tài sản, vốn và quỹ, tỷ lệ an toàn vốn và thị giá cổ phần cho thấy rằng, dự phòng rủi ro tín dụng không phải là “công cụ” giúp cho các TCTD có được “nguồn dự phòng rủi ro tín dụng” hay “Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng” như kỳ vọng của các nhà quản lý. Do đó, cần có những quy định kèm theo để dự phòng rủi ro tín dụng giúp cho các TCTD tạo ra được lượng “tiền tươi - thóc thật” để xử lý rủi ro tín dụng, đảm bảo được năng lực tài chính và khả năng chi trả cho các TCTD. Do vậy, nhóm tác giả có một số đề xuất bổ sung các quy định kèm theo bao gồm:
Một là, loại trừ dự phòng rủi ro tín dụng trong tài sản có tính thanh khoản cao khi tính tỷ lệ khả năng chi trả của các TCTD để đảm bảo các TCTD có được lượng “tiền tươi - thóc thật” để xử lý rủi ro tín dụng. Điều này sẽ giúp cho việc xử lý rủi ro tín dụng không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các TCTD.
Hai là, khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt đến 100% thì các TCTD có thể dừng trích lập dự phòng chung, đặc biệt là dự phòng chung cho nợ nhóm 1 vì thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ nhóm 1 chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng của các TCTD, nên việc trích lập dự phòng chung cho nợ nhóm 1 trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao và chất lượng tăng trưởng tín dụng được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nhanh dự phòng rủi ro tín dụng của các TCTD một cách không cần thiết.
Ba là, khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn hơn 100% đến một tỷ lệ nào đó (chẳng hạn 200% hay 300%) thì các TCTD phải hoàn nhập dự phòng phần vượt quá tỷ lệ tối đa được phép. Quy định này sẽ giúp các TCTD giải phóng được lượng tài sản có thanh khoản cao cho các mục đích sinh lời khác như cấp tín dụng hoặc đầu tư. Mặt khác, quy định này cũng nhằm giúp cho các TCTD hạn chế được những tác động tiêu cực do bị giảm lợi nhuận sau thuế, khả năng trích lập quỹ và tỷ lệ an toàn vốn, khả năng chi trả cổ tức. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân sách Nhà nước không bị giảm thu từ nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của các TCTD. Thử hình dung rằng, một TCTD có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 100% hay thậm chí cao hơn nữa giúp cho các TCTD tiết kiệm được thuế thu nhập đáng kể như thế nào. Mặt khác, một khi vốn khả dụng và các khoản đầu tư (tín phiếu, chứng khoán và giấy tờ có giá) hiện có của TCTD thấp hơn dự phòng rủi ro tín dụng thì điều này có nghĩa là TCTD không còn đảm bảo được tỷ lệ khả năng chi trả tối thiểu theo quy định, thậm chí một lượng tiền thay vì để dự phòng rủi ro tín dụng đã bị các TCTD sử dụng vào mục đích cấp tín dụng và/hoặc các mục đích sinh lời khác. Khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng không còn tác dụng gì nữa.
Bốn là, ban hành thông tư hướng dẫn thẩm định giá tài sản bảo đảm hoặc yêu cầu các TCTD phải ban hành các quy định nội bộ về thẩm định giá tài sản bảo đảm phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế. Quy định này sẽ hạn chế việc các TCTD thẩm định giá hoặc tái thẩm định giá tài sản bảo đảm một cách có chủ ý để cố tình tăng hoặc giảm trích dự phòng rủi ro tín dụng không phù hợp với giá trị thị trường của tài sản bảo đảm được khấu trừ.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Xuân Quỳnh, Trần Đức Tuấn (2019), Nghiên cứu dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Tài chính online 23/4/2019.
2. Nguyễn Văn Thuận, Dương Hồng Ngọc (2015), Phân tích các yếu tố tác động đến dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - số 10 (3) 2015.
3. Hà Phương (2021), Soi mức trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại ngân hàng, https://sohuutritue.net.vn/soi-muc-trich-lap-chi-phi-du-phong-rui-ro-tin-dung-tai-ngan-hang-d24961.html
4. Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc NHNN ban hành Hệ thống tài khoản kế toán các TCTD.
6. Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, TS. Phan Ngọc Minh (Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM)
ThS. Đinh Văn Hoàn (Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình)