Sự điều chỉnh chính sách ngoại thương của Ấn Độ và gợi mở cho Việt Nam
Tóm tắt: Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách ngoại thương (Foreign Trade Policy - FTP) của Ấn Độ. Từ việc tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiến lược “Make in India”, quốc gia Nam Á này chuyển hướng sang chính sách “Atmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường), nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự lực, tự cường; trong đó ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bài nghiên cứu phân tích, đánh giá sự điều chỉnh FTP năm 2023 so với FTP giai đoạn 2015 - 2020 của Ấn Độ, để thấy rõ sự thay đổi này không chỉ là một động thái chiến lược để tăng cường vị thế kinh tế quốc tế, mà còn là một minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và định hướng phát triển của quốc gia đang trên đà vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc hoạch định các FTP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế quốc tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.
Từ khóa: Điều chỉnh, chính sách, ngoại thương, Ấn Độ, gợi mở, Việt Nam.
ADJUSTMENT OF INDIA’S FOREIGN TRADE POLICY AND IMPLICATIONS FOR VIETNAM
Abstract: The year 2023 marks a turning point in India’s foreign trade policy. From focusing on attracting foreign investment under the “Make in India” strategy, this South Asian country shifted to the “Self-reliant India” policy, aiming to turn India into a self-reliant country; Prioritizing the development of domestic production, reducing dependence on imports and enhancing its position in the global supply chain. The study analyzes and evaluates the adjustment of India’s foreign trade policy 2023 (FTP 2023) compared to India’s foreign trade policy in the period of 2015 - 2020 (FTP 2015 - 2020) to clearly see that this change is not just a strategic move to strengthen its international economic position, but also an evidence to the change in thinking and development orientation of a country on the rise to become a global economic power. On that basis, the author offers some suggestions for Vietnam in planning foreign trade policies to promote sustainable economic development and enhance its international position in the changing world context.
Keywords: Adjustment, policy, foreign trade, India, suggestions, Vietnam.
1. Sự cần thiết phải điều chỉnh FTP của Ấn Độ
FTP của Ấn Độ đã có những thay đổi đáng kể từ năm 2015, phản ánh sự thay đổi trong chiến lược kinh tế và chính trị của quốc gia này cũng như thích ứng với biến động của khu vực và toàn cầu. FTP năm 2023 được đánh giá là có nhiều thay đổi tích cực so với các FTP cũ và được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính: (i) Từ hỗ trợ trực tiếp sang miễn giảm thuế; (ii) Xác định tiềm năng sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của các bang, thị trấn cụ thể, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp; (iii) Áp dụng công nghệ, tự động hóa và tái cấu trúc quy trình liên tục để tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại, mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa như Dubai, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc); và (iv) Tập trung vào các khu vực mới nổi như xuất khẩu thương mại điện tử, phát triển các quận thành trung tâm xuất khẩu và hợp lý hóa chính sách phát triển từng sản phẩm đặc biệt để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới2.
Dưới đây là những lý do chính khiến Ấn Độ điều chỉnh từ FTP giai đoạn 2015 - 2020 sang FTP năm 2023.
1.1. Yếu tố khách quan
Thứ nhất, thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu: (i) Cạnh tranh thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Điều này gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, như ngành dệt may Ấn Độ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Việt Nam, dẫn đến việc giảm thị phần xuất khẩu và suy giảm sản lượng của ngành; (ii) Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã làm giảm sức hấp dẫn của thị trường xuất khẩu truyền thống của Ấn Độ. Chính sách thuế quan và hạn chế thương mại của Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang thị trường này; (iii) Tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường xuất khẩu. Điều này đã buộc Ấn Độ phải xem xét lại chiến lược ngoại thương của mình, nhằm thích nghi với tình hình mới và đảm bảo an ninh kinh tế.
Thứ hai, thách thức về tăng trưởng kinh tế nội địa: (i) Mức tăng trưởng chậm: Mặc dù FTP giai đoạn 2015 - 2020 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Tỉ lệ tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong giai đoạn 2015 - 2020 dao động quanh mức 7%, thấp hơn so với mục tiêu 8% được đặt ra; (ii) Thiếu việc làm: Mặc dù tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ vẫn ở mức cao, đặc biệt là đối với người lao động trẻ. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, tỉ lệ thất nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020 dao động quanh mức 5%, gây áp lực lớn lên Chính phủ trong việc tạo ra nhiều việc làm; (iii) Tăng trưởng bất bình đẳng: Sự tăng trưởng kinh tế chưa được phân bổ đồng đều, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội phát triển. Khoảng cách giàu, nghèo tại Ấn Độ ngày càng lớn, làm gia tăng căng thẳng xã hội và ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia.
1.2. Yếu tố chủ quan
Thứ nhất, yếu tố chính trị: (i) Chủ nghĩa dân tộc kinh tế: Chính phủ Ấn Độ hiện tại ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại, nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, như thuế quan, hạn chế nhập khẩu, ưu tiên các nhà cung cấp trong nước…, là một phần trong chiến lược chính trị của Chính phủ Ấn Độ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (ii) Mục tiêu: “Ấn Độ tự cường” cũng là một phần trong chiến lược chính trị của Chính phủ Ấn Độ, nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia, nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế. FTP mới, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ và đóng góp vào việc củng cố vị thế của Ấn Độ.
Thứ hai, yếu tố tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế: Sự cần thiết phải điều chỉnh FTP năm 2023 của Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quan trọng nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của quốc gia này. Cốt lõi của việc điều chỉnh trong FTP năm 2023 là hướng mục tiêu đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng cường nhập khẩu và xuất khẩu. Bằng cách thúc đẩy mạnh thương mại, Ấn Độ có thể hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập quốc gia. Việc mở rộng thương mại trong việc điều chỉnh chính sách cho phép tiếp cận rộng hơn với các nguồn tài nguyên và tư liệu sản xuất/tài sản hữu hình, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp lâu dài. Theo Cục Thông tin báo chí của Chính phủ Ấn Độ, FTP năm 2023 là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ và việc điều chỉnh chính sách này là hoàn toàn có cơ sở.
2. Điều chỉnh FTP năm 2023 so với chính sách FPT giai đoạn 2015 - 2020 của Ấn Độ
FTP của Ấn Độ đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể từ năm 2015, phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược kinh tế và chính trị của quốc gia này. FPT giai đoạn 2015 - 2022 tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất đã nhường chỗ cho FPT năm 2023 ưu tiên sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Sự thay đổi này đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến các mục tiêu, cách thức triển khai, ưu tiên và trọng tâm của FTP. Sự điều chỉnh chính sách năm 2023 cho thấy một sự chuyển hướng rõ rệt, từ việc mở cửa thị trường và khuyến khích xuất khẩu sang việc ưu tiên sản xuất trong nước, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược. Chuyển đổi này không chỉ là thay đổi về ngôn ngữ mà còn là thay đổi về bản chất của chính sách kinh tế nhằm nâng cao vị thế quốc tế của Ấn Độ. (Bảng 1)
Bảng 1: Những điều chỉnh chính trong FTP năm 2023 so với FTP giai đoạn 2015 - 2020 của Ấn Độ
Nguồn: BDO (2023), Government of India (2015), Ministry of Commerce & Industry (2020), ISSA (2023)
2.1. Điều chỉnh mục tiêu
FTP năm 2023 so với FTP giai đoạn 2015 - 2020 có mục tiêu rộng hơn, tham vọng hơn, tập trung vào việc thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu, tự cường kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và hợp tác thương mại đa phương. Điều này cho thấy Ấn Độ đang hướng đến một vị thế kinh tế quốc tế mạnh mẽ hơn, độc lập hơn và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi FTP giai đoạn 2015 - 2020 tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, thì FTP năm 2023 đi xa hơn bằng cách nhấn mạnh vai trò của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này thể hiện trong việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như dược phẩm, thiết bị y tế, năng lượng tái tạo, điện tử và công nghệ thông tin. FTP năm 2023 thể hiện mong muốn của Ấn Độ không chỉ là nhà sản xuất xuất khẩu đơn thuần, mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại lợi ích từ sự kết nối và hợp tác quốc tế.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng chưa thể hiện sâu về việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. FTP năm 2023 đã đưa ra mục tiêu xây dựng một nền kinh tế “Ấn Độ tự cường”. Điều này thể hiện rõ ràng trong việc ưu tiên phát triển các ngành sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu và tăng cường tự chủ kinh tế. Mục tiêu này cho thấy Ấn Độ muốn giảm phụ thuộc vào các nước khác, nâng cao khả năng tự cung tự cấp và độc lập về kinh tế.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu, còn FTP năm 2023 tập trung vào mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và đa phương một cách rõ ràng hơn. Điều này thể hiện trong việc tăng cường kết nối kinh tế khu vực và quốc tế, đẩy mạnh hợp tác thương mại với các quốc gia khác. Ấn Độ muốn tạo dựng một hệ thống thương mại quốc tế thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của mình.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu tập trung vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu hiện tại, còn FTP năm 2023 đưa ra mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu mới bên cạnh việc mở rộng thị trường hiện tại; cho thấy Ấn Độ muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường mới.
2.2. Điều chỉnh cách thức triển khai
FTP giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa truyền thống, còn FTP 2023 áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu, FTP năm 2023 điều chỉnh mới bằng việc tập trung phát triển Chương trình khuyến khích xuất khẩu, bổ sung các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể, nhằm thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Chương trình khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 đưa ra sáng kiến “Make in India” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước, còn FTP năm 2023 tăng cường thêm tính hữu dụng của sáng kiến này bằng việc đưa ra các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Ấn Độ. Mục tiêu là tăng cường sản xuất trong nước, tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 đã có chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng điểm, FTP năm 2023 đưa thêm các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho các ngành công nghiệp trọng điểm như dược phẩm, thiết bị y tế, năng lượng tái tạo, điện tử và công nghệ thông tin. Điều này thể hiện Ấn Độ muốn thông qua các ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các ngành này.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 chưa đề cập đến việc thúc đẩy thương mại điện tử, còn FTP năm 2023 đưa ra mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử nhằm tăng cường tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng phạm vi kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
2.3. Điều chỉnh nhóm ngành ưu tiên
FTP năm 2023 đã chuyển hướng sang ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, đồng thời vẫn quan tâm đến phát triển ngành nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu. Sự thay đổi này cho thấy Ấn Độ đang hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tự cường và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 ưu tiên các ngành truyền thống như dệt may, da giày, nông sản và sản phẩm chế biến. Đây là những ngành đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. FTP năm 2023 chuyển hướng sang tập trung phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như dược phẩm, thiết bị y tế, năng lượng tái tạo, điện tử, công nghệ thông tin, ô tô, hàng không vũ trụ, sản xuất quốc phòng. Sự thay đổi này phản ánh mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển một nền kinh tế hiện đại, công nghệ cao của Ấn Độ.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 mới đề cập đến việc hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, còn FTP năm 2023 đã đưa ra mục tiêu rõ ràng hơn cho ngành nông nghiệp như tăng cường an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Điều này thể hiện việc Ấn Độ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp trên thị trường quốc tế.
2.4. Điều chỉnh mức độ can thiệp của Chính phủ
FTP năm 2023 đã chuyển đổi từ mô hình can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Ấn Độ trong FTP giai đoạn 2015 - 2020, sang cách tiếp cận tập trung hơn vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm. Thay vì chỉ dựa vào các biện pháp quản lý truyền thống như thuế quan và hạn ngạch, chính sách mới đã nâng cấp các quản lý truyền thống và dần chuyển hướng sang các chương trình khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng một nền kinh tế “Ấn Độ tự cường”.
FTP giai đoạn 2015 - 2020 thể hiện vai trò can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ thông qua các biện pháp quản lý như thuế quan, hạn ngạch và các chính sách hỗ trợ tài chính. Mục tiêu chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa truyền thống. Tuy nhiên, FTP năm 2023 đã chuyển hướng sang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi, thu hút đầu tư nước ngoài, và xây dựng một nền kinh tế tự cường.
FTP năm 2023 tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm, thể hiện trong việc đưa ra các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ. FTP năm 2023 có xu hướng hạn chế can thiệp vào các hoạt động thương mại, thay vào đó là tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tự do. Điều này thể hiện trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm bớt các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.
2.5. Đánh giá về FTP năm 2023
Để đánh giá đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của FTP năm 2023 so với FTP giai đoạn 2015 - 2020, mô hình SWOT được sử dụng như một công cụ phân tích chiến lược hiệu quả, giúp hiểu rõ hơn về những tác động của chính sách mới đến sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Việc phân tích SWOT sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về những cơ hội và thách thức mà Ấn Độ sẽ đối mặt trong quá trình thực thi FTP mới, từ đó có thể đưa ra những dự đoán về sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới trong tương lai. (Bảng 2)
Bảng 2: Đánh giá sự điều chỉnh FTP năm 2023 so với FTP giai đoạn 2015 - 2020
của Ấn Độ theo mô hình SWOT
Nguồn: Theo phân tích của tác giả
3. Gợi mở cho Việt Nam
Sự điều chỉnh FTP năm 2023 của Ấn Độ mang đến nhiều bài học quý giá cho Việt Nam, đặc biệt khi cả hai quốc gia đều đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng đến mục tiêu tự cường, bền vững và năng động hơn. Từ việc tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đã chuyển hướng sang ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sự chuyển đổi này phản ánh sự thay đổi trong tư duy và chiến lược phát triển của Ấn Độ, đồng thời cũng gợi mở nhiều ý tưởng cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách kinh tế.
Thứ nhất, việc Ấn Độ chuyển từ ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài sang tập trung phát triển sản xuất trong nước, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam, với vị thế là một quốc gia đang phát triển, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng đầu tư vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, chính sách “Ấn Độ tự cường” là một bài học về tự cường kinh tế, điều mà Việt Nam cần chú trọng trong bối cảnh thế giới đang ngày càng bất ổn. Việt Nam cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, ưu tiên các ngành công nghệ cao, sản xuất linh kiện, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời hạn chế nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh.
Thứ ba, việc Ấn Độ chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa thị trường và thúc đẩy thương mại điện tử là những chiến lược mà Việt Nam cần học hỏi và áp dụng. Việt Nam cần đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng quốc tế. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia, đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ.
Cuối cùng, việc Ấn Độ chuyển từ can thiệp mạnh mẽ sang hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng hơn nữa sự công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, đồng thời tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Tóm lại, sự điều chỉnh FTP của Ấn Độ là một minh chứng cho việc quốc gia này đang chủ động thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Việt Nam cần học hỏi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, thực hiện những thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế quốc tế. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo trong việc ứng dụng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
1 Bài viết thuộc đề tài cấp cơ sở "Sự điều chỉnh chính sách ngoại thương của Ấn Độ" của Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2024.
2 Tạp chí Quản lý thị trường, 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. BOD (2023). Foreign Trade Policy 2023: Overview. BOD in India 2023. https://www.bdo.in/getmedia/66c12148-82d1-4e1e-a222-cfd7fa2bb792/Foreign-Trade-Policy_Key-Amendments_BDO-in-India_2.pdf.aspx?ext=.pdf
2. Government of India (2015). Foreign Trade Policy [1st April, 2015-31st March, 2020]. Update upto 30-06-2015. Ministry of Commerce and Industry, Department of Commerce.
3. Ministry of Commerce & Industry (2020). Foreign Trade Policy 2015-2020 extended for one year. https://pib.gov.in/PressReleasePage.aspx?PRID= 1609704
4. ISAS (Institute of South Asian Studies) (2023). India’s Foreign Trade Policy 2023: New Ideas and Old Challenges. https://www.isas.nus.edu.sg/papers/indias-foreign-trade-policy-2023-new-ideas-and-old-challenges/
5. Press Information Bureau, Government of India (2023). India’s Foreign Trade Policy 2023 - An enabler to increase India’s economy?; https://saspartners.com/indias-foreign-trade-policy-2023/
6. Tạp chí Quản lý thị trường (2023). Ấn Độ ban hành FTP năm 2023. https://qltt.vn/an-do-ban-hanh-chinh-sach-ngoai-thuong-nam-2023-95276.html
PGS., TS. Đặng Thu Thủy
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam