Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tóm tắt: Sự an toàn và lành mạnh của các ngân hàng là chìa khóa cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Những điểm yếu trong quản trị công ty tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trở thành một tác nhân có thể dẫn đến rủi ro hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế1. Trong thời gian qua, hoạt động quản trị công ty tại các quốc gia phát triển với nhiều mô hình quản trị đa dạng, song song cùng các quy định pháp luật nội địa cũng như các thông lệ chung của quốc tế. Trên cơ sở phân tích nội dung các nguyên tắc và quy định pháp luật về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh, bài viết rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam đối với việc hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng.
Từ khóa: Quản trị công ty, NHTM, Vương quốc Anh.
REGULATIONS ON CORPORATE GOVERNANCE IN THE BANKING SECTOR IN UNITED KINGDOM
AND LESSONS FOR VIETNAM
Abstract: Banks’ safety and soundness is key to the stability of the financial system. Weaknesses in corporate governance at commercial banks can become a factor leading to risks in the banking system and the entire economy. Recently, corporate governance in countries has significantly developed with a variety of governance models, alongside national and international legal regulations. Based on an analysis about the principles and legal regulations on corporate governance in United Kingdom’s banking sector, this article draws lessons for Vietnam to improve the legal framework for corporate governance in the banking sector.
Keywords: Corporate governance, commercial banks, United Kingdom.
1. Tổng quan về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh
Sau cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại các quốc gia châu Âu và Mỹ giai đoạn 2007 - 2008 khiến cho hàng loạt hệ thống ngân hàng sụp đổ, các chuyên gia cho rằng quản trị ngân hàng yếu kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của ngành Ngân hàng. Theo một số chính trị gia và chuyên gia tài chính trên thế giới, hoạt động quản trị công ty tại các ngân hàng trong thời gian trước cuộc khủng hoảng lỏng lẻo đến mức việc bảo vệ lợi ích các bên liên quan đã trở thành vấn đề thứ yếu, trong khi việc tối đa hóa lợi nhuận là vấn đề đầu tiên. Do đó, tại Vương quốc Anh, để ứng phó với những tác động đáng kể của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thủ tướng khi đó là Gordon Brown đã giao cho chuyên gia David Walker nhiệm vụ tiến hành đánh giá quản trị công ty tại các ngân hàng để xác định những vấn đề gặp phải và đề xuất cải tiến (Walker, 2009). Những đánh giá của Walker đã xác định, bên cạnh các yếu tố khác, thành phần và chức năng của hội đồng quản trị (HĐQT) là một điểm yếu trong hệ thống quản trị công ty ngành Ngân hàng Vương quốc Anh. Do đó, Walker khuyến nghị thay đổi thành phần HĐQT bằng cách đưa nhiều thành viên hơn từ trong và ngoài các ngân hàng mà họ đại diện, đặc biệt, cần chú ý hơn đến quản lý rủi ro, thay vì chỉ tập trung vào doanh thu và tạo ra lợi nhuận (Walker, 2009). Những đánh giá này đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu chuyên sâu hơn về quản trị ngân hàng tại Anh sau này.
Những nghiên cứu về quản trị NHTM tại Anh cho thấy, ngân hàng có một số đặc điểm khiến hoạt động quản trị công ty tại các NHTM có sự khác biệt so với những doanh nghiệp thông thường.
Thứ nhất, ngân hàng là một trong số các lĩnh vực được chính phủ quan tâm và quản lý chặt chẽ vì tầm quan trọng trong nền kinh tế. Với vai trò cung cấp nguồn tài chính cho toàn bộ nền kinh tế, sự sụp đổ của một NHTM sẽ kéo theo hiệu ứng cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Vậy nên, chính phủ tại các quốc gia luôn hướng đến mục tiêu quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng một cách chặt chẽ, theo đó, hoạt động quản trị công ty trong NHTM phải tuân thủ quy định riêng cho ngành Ngân hàng bên cạnh quy định chung cho những doanh nghiệp khác.
Thứ hai, với đặc thù riêng của mình, hoạt động NHTM liên quan đến nhiều chủ thể hơn các doanh nghiệp phi tài chính khác, nó có thể bao gồm khách hàng thanh toán, khách hàng gửi tiền, cổ đông, các công ty dịch vụ đối tác và chính phủ. Hoạt động quản trị công ty tại NHTM cũng phức tạp hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác, do đó, các quy tắc quản trị truyền thống sẽ không phù hợp với NHTM.
Như vậy, không giống như các doanh nghiệp phi tài chính, hoạt động quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều đặc điểm phức tạp, nhiều chủ thể tham gia hơn. Vai trò HĐQT của NHTM trở nên quan trọng trong việc cân bằng lợi ích của cổ đông và các bên liên quan như đối tác, người gửi tiền.
Về mô hình quản trị công ty, các nguyên tắc quản trị công ty được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra từ năm 19992 đã đề cập đến những khái niệm về mô hình công ty với trách nhiệm xã hội. Do đó, hiệu quả hoạt động của HĐQT cần được đo lường theo giá trị và quyền lợi của các cổ đông. Đây là mô hình đang được triển khai tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu khác. Trong mô hình này, bộ phận quản trị và điều hành công ty chỉ do một cơ quan đảm nhiệm là HĐQT. HĐQT được bầu chọn bởi Đại hội đồng cổ đông và có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hay các vấn đề quan trọng khác của công ty. Bên cạnh đó, HĐQT là những người có quyền chia cổ tức cho cổ đông và bổ nhiệm các thành viên cũng như quản trị nhân sự. Pháp luật công ty của các nước Anh, Mỹ không có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổng giám đốc mà quyền lực của tổng giám đốc sẽ do HĐQT quyết định trên cơ sở ủy nhiệm, vì thế không phải các tổng giám đốc đều có quyền lực như nhau (Nguyễn Hữu Trinh, 2022). Tuy nhiên, mô hình quản trị công ty tại Anh cũng có đôi chút khác biệt so với Mỹ.
Thứ nhất, với tính chất của hệ thống pháp luật nên các quy định về quản trị công ty tại Anh được phát triển theo những nguyên tắc được cơ quan có thẩm quyền khuyến nghị. Các công ty tại Anh có thể tự do lựa chọn quy tắc quản trị công ty sao cho phù hợp với ngành, nghề, quy mô và vị trí địa lý của mình. Tuy nhiên, các quy tắc này cần dựa trên Bộ nguyên tắc chung về quản trị công ty của Hội đồng Báo cáo tài chính (FRC) ban hành. Nếu không tuân thủ những nguyên tắc này, doanh nghiệp cần giải thích về bộ quy tắc của mình phù hợp hơn với điều kiện hiện tại nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn quản trị cao. Trong khi đó, hệ thống quy định về quản trị công ty tại Mỹ được xây dựng dựa trên Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và 1934 (được ban hành sau sự sụp đổ của Thị trường Chứng khoán năm 1929), các quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cũng như luật của từng tiểu bang. Các cơ quan liên bang khác cũng tác động đến quản trị công ty của Hoa Kỳ, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Tuy nhiên quy định pháp luật và quy tắc do các cơ quan có thẩm quyền ban hành có thể gây khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt là áp dụng giữa luật liên bang và luật tiểu bang. Do đó, quy định về quản trị công ty tại Anh mang tính chất linh hoạt hơn so với những quy định tại Mỹ.
Thứ hai, Vương quốc Anh được coi là ví dụ điển hình về mô hình quản trị công ty hiệu quả chủ yếu là do các tiêu chuẩn của HĐQT. Các công ty có một HĐQT duy nhất với một chủ tịch, giám đốc điều hành và giám đốc độc lập. Hằng năm có các cuộc đánh giá để đảm bảo quyền của cổ đông, tính minh bạch về việc bổ nhiệm, lương với sự tham gia các ủy ban kiểm toán độc lập3. Do đó, quy định tại Anh tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các tiêu chuẩn về nghề nghiệp, đạo đức của giám đốc điều hành, các hoạt động cần bảo đảm tính minh bạch của công ty, đặc biệt là hoạt động tài chính trong NHTM.
2. Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, cách tiếp cận truyền thống về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng thường có sự tham gia của cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng dựa vào thẩm quyền theo luật định để đưa ra các tiêu chuẩn quản trị chuyên nghiệp, thúc đẩy lợi ích của cổ đông, người gửi tiền và chủ thể khác. Quyền quản lý một phần bắt nguồn từ những tập quán thông thường, không chính thức của ngân hàng và các cơ quan khác có thẩm quyền trong việc giám sát ngành Ngân hàng. Các quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng đưa ra tiêu chuẩn và quy định quản lý, bao gồm nhiều yếu tố cốt lõi của quản trị công ty đối với các tổ chức tín dụng. Do đó, bên cạnh quy định chung trong các bộ luật về tài chính và doanh nghiệp, nguyên tắc, tiêu chuẩn do các tổ chức tài chính ban hành cũng được ngân hàng áp dụng rộng rãi, là kim chỉ nam quan trọng giúp các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng điều tiết được hoạt động quản trị của mình.
Xét về quy định pháp luật quản trị công ty, tại Vương quốc Anh có hai trụ cột chính là Đạo luật Công ty năm 2006 (Company Act) và Đạo luật Dịch vụ và Thị trường tài chính năm 2000 (Financial Services and Markets Act of 2000 - FSMA). Bên cạnh các quy định pháp luật, để điều chỉnh hoạt động quản trị công ty, còn có Bộ quy tắc quản trị công ty năm 2018 (2018 UK Corporate governance Code) do FRC ban hành, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2024 với một số quy định cập nhật và có hiệu lực vào tháng 01/20254. Phiên bản đầu tiên của Bộ nguyên tắc quản trị công ty của Vương quốc Anh được Ủy ban Cadbury xuất bản năm 1992. Bộ nguyên tắc này được biết đến với tên gọi Combined Code, là sự tổng hợp, sàng lọc một số báo cáo và quy tắc khác nhau, hướng đến mục tiêu quản trị công ty hiệu quả. Bộ nguyên tắc được biên soạn bởi Ủy ban do Sir Adrian Cadbury chủ trì, đây là nỗ lực cải thiện hoạt động quản trị công ty tại Anh sau khi xảy ra các vụ bê bối lớn liên quan đến thất bại trong quản trị ở Vương quốc Anh. Ủy ban được thành lập vào năm 1991 sau khi Polly Peck, một công ty lớn của Anh vỡ nợ sau nhiều năm làm sai lệch báo cáo tài chính. Ban đầu, bộ nguyên tắc chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn gian lận tài chính, nhưng khi các vụ bê bối của Ngân hàng Tín dụng và Thương mại quốc tế (BCCI) và Robert Maxwell xảy ra, quyền hạn của Cadbury được mở rộng sang quản trị công ty nói chung. Do đó, báo cáo cuối cùng đề cập đến các vấn đề tài chính, kiểm toán và quản trị công ty, đồng thời, đưa ra 3 khuyến nghị cơ bản sau: (i) Giám đốc điều hành và chủ tịch của các công ty nên được tách biệt để đảm bảo không có sự chồng chéo trong nghĩa vụ và quyền hạn của giám đốc điều hành; (ii) HĐQT phải có ít nhất 3 giám đốc không điều hành, 2 trong số đó không có mối quan hệ tài chính hoặc cá nhân với giám đốc điều hành; (iii) Mỗi HĐQT nên có một ủy ban kiểm toán bao gồm các giám đốc không điều hành. Như vậy, trong bộ nguyên tắc xác định quản trị công ty, HĐQT chịu trách nhiệm quản lý hoạt động; vai trò của cổ đông trong quản trị là bổ nhiệm các giám đốc và kiểm toán viên5. So với Bộ nguyên tắc cũ, Bộ nguyên tắc mới có 5 nội dung cơ bản: Sự lãnh đạo của HĐQT và mục tiêu của công ty; phân chia trách nhiệm của HĐQT; bổ nhiệm, kế nhiệm và đánh giá; kiểm toán, rủi ro và kiểm soát nội bộ; thù lao.
Về tính chất, Bộ nguyên tắc trên mang tính chất khuyến nghị. Bộ nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các công ty được thành lập tại Vương quốc Anh. Các công ty có thể lựa chọn tuân thủ nguyên tắc hoặc không nhưng nếu công ty lựa chọn không tuân thủ cần phải đưa ra các giải thích rõ ràng cho lựa chọn đó với FRC.
2.1. Quy định về HĐQT trong NHTM
Bộ nguyên tắc quản trị công ty của Vương quốc Anh đưa ra 18 nguyên tắc cơ bản về quản trị công ty, trong đó có 14 nguyên tắc hoạt động dành cho HĐQT trong các vấn đề như: Nguyên tắc lãnh đạo của HĐQT và mục tiêu của công ty; các điều khoản trách nhiệm; cơ cấu, điều kiện và đánh giá về HĐQT; kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro... Những nguyên tắc này mang tính cơ bản để xây dựng những quy định cụ thể dành cho HĐQT.
Thứ nhất, đối với những nguyên tắc đầu tiên về sự lãnh đạo và tuân thủ mục tiêu của công ty, HĐQT cần tuân theo các quy định từ Điều 1 đến Điều 8 của Bộ nguyên tắc. Theo đó, HĐQT cần thực hiện các hoạt động một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp và đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Bên cạnh đó, HĐQT cần là chủ thể kết nối giữa các cổ đông, giám đốc điều hành, không điều hành và bên thứ ba. Cụ thể, tại Điều 7 của Bộ nguyên tắc quy định: HĐQT nên hành động để xác định và quản lý các xung đột lợi ích, bao gồm xung đột phát sinh từ việc nắm giữ cổ phần đáng kể và đảm bảo rằng ảnh hưởng của bên thứ ba không làm tổn hại hoặc phủ nhận những quyết định độc lập6. HĐQT cần hiểu rõ lợi ích của cổ đông và các bên liên quan để báo cáo trong cuộc họp thường niên. HĐQT cũng cần gắn kết các nguồn nhân lực thông qua một số nguyên tắc bổ nhiệm như: Một giám đốc được bổ nhiệm từ lực lượng lao động; hội đồng cố vấn lực lượng lao động chính thức chỉ định một giám đốc không điều hành7.
Thứ hai, trách nhiệm của HĐQT được quy định từ Điều 9 đến Điều 16 của Bộ nguyên tắc. Trong đó, trách nhiệm chính của HĐQT là tạo môi trường làm việc cởi mở, lành mạnh cho các thành viên là giám đốc không điều hành với mục đích không để một cá nhân hay chủ thể nào nắm giữ nhiều quyền hành trong việc ra quyết định của HĐQT. Điều 11 quy định cụ thể: Ít nhất một nửa HĐQT, không tính chủ tịch, giữ chức giám đốc không điều hành mà HĐQT coi là độc lập8. Đặc biệt, tại Vương quốc Anh, các công ty bắt buộc phải có thư ký độc lập, đặc biệt là công ty cổ phần đại chúng. Theo Điều 16 Bộ nguyên tắc, thư ký công ty là người chịu trách nhiệm tư vấn cho HĐQT về mọi vấn đề quản trị và được bổ nhiệm hay bãi nhiệm bởi HĐQT. Do đó, tất cả các giám đốc đều cần nhận được lời khuyên hoặc tư vấn từ thư ký công ty.
Thứ ba, cơ cấu, điều kiện và đánh giá về HĐQT được quy định từ Điều 17 đến Điều 23 của Bộ nguyên tắc. Theo đó, HĐQT nên thành lập một ủy ban đề cử để lãnh đạo quá trình bổ nhiệm, bảo đảm sẵn sàng kế hoạch kế nhiệm một cách có trật tự cho cả các vị trí HĐQT và quản lý cấp cao. Đa số thành viên của ủy ban phải là những giám đốc không điều hành độc lập. Chủ tịch HĐQT không nên chủ trì ủy ban khi giải quyết việc bổ nhiệm người kế nhiệm. Chủ tịch không được giữ chức vụ quá 9 năm kể từ ngày được bổ nhiệm lần đầu vào HĐQT. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch kế nhiệm hiệu quả và phát triển một HĐQT đa dạng, khoảng thời gian này có thể được kéo dài trong một thời gian giới hạn, đặc biệt trong những trường hợp chủ tịch HĐQT hiện tại đã là giám đốc không điều hành được bổ nhiệm9.
Thứ tư, về kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro, HĐQT cần tuân thủ Điều 24 đến Điều 31 Bộ nguyên tắc. Theo đó, HĐQT nên thành lập một ủy ban kiểm toán gồm các giám đốc độc lập không điều hành, số lượng thành viên tối thiểu là ba người, hoặc trong trường hợp các công ty nhỏ hơn, là hai người. Chủ tịch HĐQT không nên là thành viên. HĐQT nên tự đảm bảo rằng ít nhất một thành viên có kinh nghiệm tài chính gần đây và có liên quan. Toàn bộ ủy ban phải có năng lực liên quan đến lĩnh vực mà công ty đang hoạt động10. HĐQT nên giám sát hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của công ty, hằng năm, tiến hành đánh giá hiệu quả của hệ thống và đưa vào báo cáo thường niên. Việc giám sát và đánh giá nên bao gồm tất cả các biện pháp kiểm soát quan trọng, bao gồm kiểm soát tài chính, hoạt động và tuân thủ11.
Như vậy, có thể thấy, tại Vương quốc Anh, các công ty cổ phần nói chung hay các NHTM nói riêng cần tuân thủ theo những quy định trong Bộ nguyên tắc về quản trị công ty. Đặc biệt, với HĐQT, chủ thể nắm giữ phần lớn quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành công ty cần đạt được những yêu cầu nhất định về chuyên môn cũng như tiêu chuẩn đạo đức, đặt lợi ích của cổ đông, các bên liên quan lên hàng đầu. Đây cũng là điều đặc biệt cần thiết trong các ngân hàng, khi mà số lượng bên liên quan nhiều hơn những doanh nghiệp khác.
2.2. Quy định về kiểm toán và kiểm soát nội bộ tại các NHTM
Kiểm toán và kiểm soát nội bộ trong các NHTM tại Vương quốc Anh tuân thủ Bộ nguyên tắc quản trị công ty. Cụ thể, ủy ban kiểm toán được HĐQT thành lập với thành viên là các giám đốc không điều hành độc lập. Vai trò và quyền hạn của ủy ban kiểm toán bao gồm: (i) Giám sát tính toàn vẹn các báo cáo tài chính của NHTM và bất kỳ thông báo chính thức nào liên quan đến hiệu quả tài chính của NHTM, xem xét các phán đoán báo cáo tài chính quan trọng; (ii) Cung cấp tư vấn (khi được HĐQT yêu cầu) về việc báo cáo thường niên, xét xem về tổng thể có công bằng, cân bằng và dễ hiểu hay không, cung cấp thông tin cần thiết để các cổ đông đánh giá vị thế và hiệu quả hoạt động, mô hình kinh doanh, chiến lược của NHTM; (iii) Xem xét các biện pháp kiểm soát tài chính nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của NHTM, trừ khi được giải quyết rõ ràng bởi một ủy ban rủi ro của HĐQT riêng biệt bao gồm các giám đốc độc lập không điều hành hoặc chính HĐQT; (iv) Giám sát và xem xét hiệu quả chức năng kiểm toán nội bộ của NHTM, nếu không có, xem xét hằng năm xem có cần thiết phải thực hiện kiểm toán nội bộ hay không và đưa ra khuyến nghị cho HĐQT; (v) Tiến hành quy trình đấu thầu và đưa ra khuyến nghị cho HĐQT về việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, bãi nhiệm kiểm toán viên bên ngoài, phê duyệt mức thù lao và các điều khoản hợp đồng của kiểm toán viên bên ngoài; (vi) Xem xét, giám sát tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên bên ngoài; (vii) Xem xét tính hiệu quả của quy trình kiểm toán bên ngoài, có tính đến các yêu cầu chuyên môn và quy định có liên quan của Vương quốc Anh; (viii) Xây dựng, triển khai chính sách về việc thuê kiểm toán viên bên ngoài để cung cấp các dịch vụ phi kiểm toán, đảm bảo có sự chấp thuận trước đối với các dịch vụ phi kiểm toán, xem xét tác động có thể gây ra đối với tính độc lập, có tính đến các quy định và hướng dẫn đạo đức liên quan về vấn đề này, báo cáo với HĐQT về bất kỳ cải tiến hoặc hành động nào cần thiết; (ix) Báo cáo với HĐQT về cách thức hội đồng đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Như vậy, ủy ban kiểm toán của các NHTM tại Vương quốc Anh đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tài chính của doanh nghiệp, bao gồm cả kiểm toán nội bộ cũng như kiểm toán bên ngoài.
2.3. Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và nghĩa vụ của giám đốc điều hành NHTM
Thứ nhất, Đạo luật Công ty năm 2006 cung cấp cơ chế pháp lý nhằm đảm bảo rằng các công ty của Vương quốc Anh được quản lý và vận hành hướng tới lợi ích của cổ đông. HĐQT có quyền duy nhất thiết lập và kiểm soát nội bộ. Như đã đề cập ở trên, hầu hết quy định của Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018 không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tạo thành một loại luật mềm trong hoạt động điều hành. Tuy nhiên, Đạo luật Công ty và Bộ nguyên tắc kết hợp cùng nhau tạo thành một khuôn khổ chặt chẽ để bảo đảm các doanh nghiệp tại Vương quốc Anh được quản lý vì lợi ích của cổ đông. Đạo luật này có riêng một phần quy định về giám đốc công ty, theo đó giám đốc doanh nghiệp tại Vương quốc Anh có nghĩa vụ với công ty, không cần có đối với các cổ đông cá nhân. Đây là một quan niệm truyền thống cho rằng các giám đốc có trách nhiệm và nghĩa vụ trực tiếp với cổ đông một cách có chọn lọc, dưới hình thức công ty, không phải cho cổ đông riêng lẻ. Những nghĩa vụ này bao gồm một số nội dung: Thực hiện đúng thẩm quyền; thúc đẩy sự thành công của công ty; thực hiện công việc độc lập; làm việc siêng năng, tận tụy và có năng lực; tránh các xung đột lợi ích; không nhận lợi ích của bên thứ ba; kê khai lợi ích hoặc thỏa thuận được mời giao kết.
Thứ hai, FSMA thay thế cho các đạo luật dịch vụ tài chính trước đó, bao gồm Đạo luật Ngân hàng năm 1987, Đạo luật Dịch vụ tài chính năm 1986 và Đạo luật Công ty bảo hiểm năm 1982. FSMA bao gồm những quy định có tác động trực tiếp lên tiêu chuẩn quản trị lãi suất doanh nghiệp dành cho các công ty tài chính của Vương quốc Anh thông qua yêu cầu về tiêu chuẩn ứng xử đối với nhà quản lý cấp cao và nhân sự quản lý chủ chốt của các tổ chức tài chính. Mục tiêu chính là đảm bảo tính minh bạch của thông tin, bởi nó là một phần không thể thiếu để các cơ quan giám sát của chính phủ thực hiện thẩm quyền giám sát của mình và yêu cầu tổ chức tài chính liên quan giải trình nếu cần thiết. Qua đó, cung cấp cho các cơ quan giám sát của chính phủ, chủ sở hữu ngân hàng, chủ nợ và những người tham gia thị trường khác đầy đủ thông tin, động cơ để đánh giá việc quản lý ngân hàng. Để đạt được mục tiêu này, FSA đã thông qua quy định toàn diện nhằm quy định trách nhiệm dân sự đối với các nhà quản lý cấp cao và giám đốc đối với vi phạm của công ty họ, ngay cả khi họ không có kiến thức trực tiếp hoặc liên quan đến vi phạm. Ví dụ, nếu cơ quan quản lý phát hiện ra một công ty đã vi phạm các quy tắc do hành động của một nhân viên lừa đảo, thực hiện giao dịch trái phép hoặc đánh cắp tiền của khách hàng, cơ quan quản lý có hành động chống lại quản lý cấp cao vì không thực hiện các hoạt động thích hợp để ngăn chặn điều này xảy ra.
Thứ ba, điều kiện tiêu chuẩn của giám đốc được quy định trong Đạo luật Công ty năm 2006 như sau: (i) Về độ tuổi, theo quy định tại khoản 1 Điều 157, giám đốc doanh nghiệp phải ít nhất đủ 16 tuổi tại thời điểm được bổ nhiệm. (ii) Trong một số trường hợp, tòa án có thể tuyên bố một người nào đó không đủ tiêu chuẩn làm giám đốc công ty (được quy định tại Điều 159A và được dẫn chiếu cụ thể đến Luật Tước bỏ tư cách giám đốc công ty năm 1986). Trong đó, một số trường hợp bị tước quyền làm giám đốc công ty như: Bị truy tố, liên tục vi phạm kỷ luật công ty, gian lận trong quá trình giải thể hoặc do một bản án có hiệu lực từ nước ngoài. (iii) Về số lượng giám đốc cần có của công ty được quy định tại Điều 154, trong đó: Một công ty tư nhân phải có ít nhất một giám đốc, một công ty đại chúng phải có ít nhất hai giám đốc. Theo Điều 155, một công ty phải có ít nhất một giám đốc là cá nhân. Như vậy, pháp luật tại Anh không quy định cụ thể về điều kiện kinh nghiệm hay bằng cấp của giám đốc. Một người có thể làm giám đốc công ty nếu đủ 16 tuổi, không vi phạm quy định bị tước bỏ tư cách giám đốc và không vi phạm hình sự. Tuy nhiên, luật pháp Vương quốc Anh lại tập trung vào nghĩa vụ của các giám đốc khi điều hành hoạt động của công ty, trong đó, bao gồm cả vấn đề về năng lực, đạo đức và trách nhiệm.
2.4. Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và nghĩa vụ của giám đốc không điều hành NHTM
Các quy định về giám đốc không điều hành không được xuất hiện trong các đạo luật của Vương quốc Anh nhưng lại được thể hiện khá rõ ràng trong Bộ nguyên tắc về quản trị công ty. Trong Bộ nguyên tắc, các giám đốc không điều hành được nhấn mạnh với yếu tố “độc lập”. Giám đốc không độc lập cần được nêu trong báo cáo thường niên của công ty và xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của giám đốc không điều hành. Cụ thể, giám đốc không điều hành không thể12: (i) Là hoặc đã từng là nhân viên của công ty hoặc tập đoàn trong 5 năm; (ii) Có (hoặc đã từng có trong 3 năm qua) mối quan hệ kinh doanh quan trọng với công ty, trực tiếp hoặc với tư cách là đối tác; (iii) Là cổ đông, giám đốc hoặc nhân viên cấp cao của một tổ chức có mối quan hệ như vậy với công ty; (iv) Đã nhận hoặc đang nhận thù lao bổ sung từ công ty ngoài thù lao giám đốc, tham gia vào quyền chọn cổ phiếu của công ty, chương trình trả lương theo hiệu suất hoặc là thành viên của chương trình lương hưu của công ty; (v) Có quan hệ gia đình chặt chẽ với bất kỳ cố vấn, giám đốc hoặc nhân viên cấp cao nào của công ty; (vi) Giữ chức giám đốc chéo hoặc có mối liên hệ quan trọng với các giám đốc khác thông qua việc tham gia vào các công ty hoặc tổ chức khác; (vii) Là đại diện cho một cổ đông quan trọng hoặc đã phục vụ trong HĐQT trong hơn 9 năm kể từ ngày được bổ nhiệm lần đầu.
Vai trò của giám đốc không điều hành trong các công ty tại Vương quốc Anh rất quan trọng. Tại Điều 12 Bộ nguyên tắc, HĐQT nên chỉ định một trong những giám đốc độc lập không điều hành làm giám đốc độc lập cấp cao để cung cấp một hội đồng tư vấn cho chủ tịch, đóng vai trò là trung gian cho các giám đốc và cổ đông khác. Dưới sự lãnh đạo của giám đốc độc lập cấp cao, các giám đốc không điều hành nên họp mà không có chủ tịch hiện diện ít nhất hằng năm để đánh giá hiệu suất của chủ tịch và vào các dịp khác khi cần thiết. Giám đốc không điều hành có vai trò chính trong việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các giám đốc điều hành. Các giám đốc không điều hành phải xem xét kỹ lưỡng, chịu trách nhiệm về hiệu suất của ban quản lý và từng giám đốc điều hành so với mục tiêu hiệu suất đã thỏa thuận. Chủ tịch phải họp với giám đốc không điều hành mà không có giám đốc điều hành có mặt. Có thể thấy, trong cơ cấu công ty tại Vương quốc Anh, giám đốc không điều hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát các hoạt động của các chủ thể điều hành khác trong công ty.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thông qua một số phân tích như trên, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam dựa trên thực trạng các quy định hiện hành về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh như sau:
Thứ nhất, tại nhiều quốc gia khác, các quy định tập trung vào việc quản lý, chia sẻ thẩm quyền giám sát giữa các chủ thể trong công ty và sử dụng những đạo luật bắt buộc để thi hành (Đức) hoặc quy định tổng thể giữa luật liên bang và tiểu bang (Mỹ) thì các quy định về quản trị công ty trong ngân hàng Anh tìm cách cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu với chủ nợ, giữa người gửi tiền và bên liên quan. Chính phủ Anh cho rằng, cần có sự phối hợp giữa việc quản lý tài chính và quản trị công ty để bảo vệ sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính, đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, quy định tại Vương quốc Anh là sự kết hợp quy định về quản trị công ty trong các công ty tài chính nói chung. Mô hình quản trị công ty này tập trung vào vai trò chủ động của cơ quan quản lý trong việc cân bằng lợi ích của các nhóm liên quan khác nhau. Đây là gợi ý cho Việt Nam trong việc xây dựng một cơ quan chủ quản có thể giám sát và quản lý độc lập cũng như ban hành bộ quy tắc chung về quản trị công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam cũng cần tiếp cận theo hướng hiện đại khi đề cao tầm quan trọng của các bên liên quan. Mục tiêu chính của quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng là phải bảo vệ lợi ích của các bên phù hợp với lợi ích cộng đồng trên cơ sở bền vững. Trong số các bên liên quan, lợi ích của cổ đông sẽ đứng thứ yếu so với lợi ích của người gửi tiền13.
Thứ hai, tuy Vương quốc Anh có lịch sử hoạt động doanh nghiệp và quản trị công ty lâu đời, nền tài chính phát triển nhưng vẫn chưa có đạo luật riêng về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng. Các quy định pháp luật hiện hành tại Anh đang điều chỉnh chung cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là các công ty niêm yết nói chung. Bên cạnh những quy tắc chung cho HĐQT, giám đốc không điều hành hay kiểm toán độc lập, Bộ nguyên tắc còn đưa ra một số nội dung bắt buộc trong báo cáo thường niên của các công ty tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Bộ nguyên tắc quản trị công ty có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính gợi mở, định hướng trong hoạt động quản trị công ty nói chung. Điều đó đồng nghĩa với việc những nguyên tắc này dựa trên sự tuân thủ tự nguyện nhiều hơn là sự bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ngân hàng lớn tại Vương quốc Anh như HSBC, Barclay, Lloyds Bank… đều đang áp dụng những nguyên tắc này để thực hiện báo cáo thường niên của mình và được công bố trên website một cách công khai. Điều này cho thấy mức độ thực thi của những nguyên tắc này khá hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức tự quản trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng bộ nguyên tắc quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng. Đây sẽ là tài liệu quan trọng, không chỉ đưa ra những hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công ty dành cho các tổ chức tín dụng ở Việt Nam mà còn giúp định hướng, hoàn thiện pháp luật quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng, hướng tới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, khi nhắc tới hoạt động kinh doanh tại các nước phương Tây, đặc biệt là Vương quốc Anh, các công ty rất coi trọng kinh nghiệm, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của giám đốc (bao gồm giám đốc điều hành, giám đốc không điều hành hay giám đốc giấu mặt).
Giám đốc công ty được coi như một nghề nghiệp với những yêu cầu cao và được tuyển chọn kỹ lưỡng. Điều này xuất phát từ văn hóa và lịch sử phát triển kinh doanh tại quốc gia này. Đối với Việt Nam, các quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng cần hướng tới điều chỉnh chi tiết hơn các nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn, nghĩa vụ và trách nhiệm với đối tượng kể trên. Bên cạnh đó, việc giáo dục, đào tạo hay tuyên truyền nhằm xây dựng những quan điểm, văn hóa kinh doanh và vai trò của giám đốc công ty cần được phát triển hơn tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, nơi mà nguồn nhân lực chất lượng đóng vai trò chủ đạo. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quản trị công ty trong tương lai tại Việt Nam.
1 Basel Committee on Banking Supervision (2015), Guidelines on Corporate Governance Principles for Banks, Bank for International Settlements, July 2015, page 3.
2 Ấn bản mới nhất của tài liệu này là Bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD, https://www.oecd.org/content/dam/oecd/vi/publications/reports/
2023/09/g20-oecd-principles-of-corporate-governance-2023_60836fcb/
5e30b009-vi.pdf
3 https://www.thecorporategovernanceinstitute.com/insights/news-analysis/difference-between-corporate-governance-uk-and-united-states/
4 https://media.frc.org.uk/documents/UK_Corporate_Governance_Code_2018.pdf
5 Bộ nguyên tắc quản trị công ty tại Anh năm 2018.
6 Điều 7 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
7 Điều 5 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
8 Điều 11 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
9 Điều 17 và 19 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
10 Điều 24 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
11Điều 29 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
12 Điều 10 Bộ nguyên tắc quản trị công ty năm 2018.
13 Basel Committee on Banking Supervision (2015), Guidelines on Corporate Governance Principles for Banks, Bank for International Settlements, July 2015, page 6.
Tài liệu tham khảo:
1. Adams, R. B. (2012). ‘Governance and the financial crisis. International Review of Finance, 12(1), pages 7-38.
2. Basel Committee on Banking Supervision (2015), Guidelines on Corporate Governance Principles for Banks, Bank for International Settlements, July 2015, page 6.
3. Bộ nguyên tắc quản trị công ty tại Anh năm 1992.
4. Bộ nguyên tắc quản trị công ty tại Anh năm 2018. https://media.frc.org.uk/documents/UK_Corporate_Governance_Code_2018.pdf
5. Kern Alexander (2004), Quản trị công ty và quy định ngân hàng tại Vương quốc Anh: Vai trò quản trị của cổ đông, Tạp chí Stetson Law Review, số 33, trang 991-1034.
6. Kirkpatrick, G. (2008). The corporate governance lessons from the financial crisis, Financial Market Trends report, OECD. http://www.oecd.org/finance/financial markets/42229620.pdf
7. Köhler, Matthias (2010), Quản trị công ty và quy định hiện hành trong hệ thống ngân hàng của Đức: tổng quan và những đánh giá , ZEW - Leibniz Centre for European Economic Research.
8. Nguyễn Hữu Trinh (2022), Quản trị công ty cổ phần của các quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/quan-tri-cong-ty-co-phan-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-87208.htm
9. The difference between corporate governance in the UK and the US (2023) https://www.thecorporategovernanceinstitute.com/insights/news-analysis/difference-between-corporate-governance-uk-and-united-states/
10. Walker, D. (2009). A review of corporate governance in UK banks and other financial industry entities.
ThS. Nguyễn Kim Anh
Khoa Luật, Học viện Ngân hàng