Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Tóm tắt: Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Dù bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1986, phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo 6 vùng, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đồng bằng sông Hồng. Thông qua phân tích quá trình đầu tư phát triển kinh tế vùng của Hàn Quốc, các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”, bài viết rút ra kinh nghiệm trong quá trình triển khai các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.
Từ khóa: Kinh tế vùng, Hàn Quốc, đầu tư, phát triển.
SOUTH KOREA'S EXPERIENCE IN REGIONAL ECONOMIC DEVELOPMENT INVESTMENT
Abstract: Vietnam and South Korea share historical similarities, both having undergone periods of colonization, war and reconstruction under challenging circumstances. Athough Vietnam only has initiated economic reforms since 1986, faced numerous challenges and achieved significant positive results. In 2022, the Politburo issued 6 resolutions for the first time, addressing socio-economic development, national defense and security across 6 regions including: Northern Midland and Mountainous Region; Mekong Delta; Central Highlands; Southeast; North Central and Central Coastal Region; Red River Delta. By analyzing South Korea's regional economic development investment process and the key factors contributing to “the miracle on the Han River," this author draws lessons for Vietnam in implementing regional economic development policies.
Keywords: Regional economy, South Korea, investment, development.
1. Tổng quan về tình hình kinh tế Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia chịu tàn phá nặng nề trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản (1910 - 1945) và nội chiến kéo dài 3 năm (1950 - 1953). Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc có rất ít tài nguyên thiên nhiên, với chỉ 30% diện tích đất có thể canh tác được. Cũng trong giai đoạn này, kinh tế Hàn Quốc phải dựa nhiều vào viện trợ từ nước ngoài và được xếp vào nhóm nước thuộc “Thế giới thứ ba”.
Nguồn ảnh: Internet
Kể từ năm 1960, nền kinh tế Hàn Quốc đã có sự trỗi dậy thần kỳ với “kỳ tích sông Hàn” nhờ những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu và tái thiết nền kinh tế. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần từ 504,6 tỉ USD năm 2001 lên 1.651,4 tỉ USD vào năm 2019. Năm 2023, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới với quy mô GDP đạt 1.712,79 tỉ USD (Quỹ Tiền tệ quốc tế, 2024). Ngoại trừ những năm khủng hoảng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc luôn ở mức trên 6% mỗi năm (giai đoạn 1981 - 1997 là 9,24%, giai đoạn 1999 - 2007 là 6,31%). Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã chậm lại, nhưng vẫn ở mức 2 - 4% mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng từ 32,82 triệu USD vào năm 1960 lên 10 tỉ USD vào năm 1977 và tiếp tục tăng mạnh lên 542,2 tỉ USD vào năm 2019; năm 2022 xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 683,9 tỉ USD, đây là kim ngạch xuất khẩu lớn nhất từng ghi nhận được ở Hàn Quốc kể từ năm 1956. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 632,7 tỉ USD, giảm khoảng hơn 7% so với năm 2022. Vào thời điểm thành lập Chính phủ Hàn Quốc năm 1953, thu nhập bình quân đầu người của nước này chỉ ở mức khoảng 67 USD/người, nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên tới 32.100 USD/người và đạt 33.200 USD/người vào năm 2023, cao gấp gần 3 lần GDP đầu người năm 2000.
2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Với những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã chuyển từ một quốc gia nhận viện trợ quốc tế sang thành quốc gia cung cấp viện trợ quốc tế, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng cách cung cấp các khu phức hợp công nghiệp và phát triển mạnh mẽ một số vùng nhất định. Do đó, Hàn Quốc đã trở thành hình mẫu lý tưởng của một quốc gia phát triển có xuất phát điểm thuộc “Thế giới thứ ba”.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, một số vùng ở Hàn Quốc đã trải qua tình trạng trì trệ kinh tế tương đối, đầu tư vào các khu vực phi đô thị cũng chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khoảng cách giữa các vùng đã dần dần nới rộng. Do thu nhập quốc dân tăng lên, nhu cầu về các dịch vụ xã hội như phúc lợi và giáo dục công tăng lên, kỳ vọng về các hoạt động văn hóa được mở rộng hơn. Trước thực trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi mô hình chính sách phát triển kinh tế vùng. Trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
2.1. Xây dựng quy hoạch vùng dựa trên đặc điểm chính của khu vực và lợi thế so sánh, thành lập các quỹ tài chính riêng phục vụ cho phát triển kinh tế vùng
Đạo luật đặc biệt về Phát triển quốc gia cân bằng (SABND) của Hàn Quốc cung cấp cơ sở thể chế cho chính sách phát triển vùng tại quốc gia này. Phát triển vùng được định nghĩa là “kích hoạt các nền kinh tế trong vùng bằng cách tạo điều kiện cho phát triển theo vùng cụ thể, hợp tác liên vùng dựa trên quyền tự chủ, sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh vùng bằng cách cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”. SABND hỗ trợ phát triển theo từng vùng cụ thể theo các đặc điểm chính của vùng và lợi thế so sánh của vùng đó. Năm 2005, Hàn Quốc thành lập Quỹ đặc biệt cho SABND, Quỹ đặc biệt này sau đó được tách thành Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng sinh hoạt, Quỹ phát triển kinh tế và Quỹ địa phương tự quản...
Trong giai đoạn các đô thị cũ ở Hàn Quốc thoái trào, Chính phủ đã ban hành Chính sách tái thiết đô thị với ba giai đoạn phát triển: (i) Giai đoạn chuẩn bị với các hoạt động tái thiết hạ tầng đô thị; (ii) Giai đoạn cất cánh với việc soát xét lại các dự án tái thiết cũ và hình thành mô hình “xây dựng khu phố”; (iii) Giai đoạn tăng trưởng với việc hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch để thực hiện chiến lược hồi sinh đô thị, các dự án hồi sinh đô thị được chi tiết hóa để có thể triển khai trên thực tế.
Từ năm 2000 đến nay, Hàn Quốc đã hoàn thiện thể chế và xây dựng các chương trình gồm các hành động cụ thể để thực hiện chính sách tái thiết đô thị như Luật đặc biệt về xúc tiến, chỉnh trang đô thị năm 2005, Luật đặc biệt về Hỗ trợ và phát triển hồi sinh đô thị năm 2013, góp phần tạo dựng nền tảng pháp lý cho các dự án hồi sinh đô thị, với các chiến lược có quy mô và thống nhất hơn. Năm 2014, Hàn Quốc chỉ định 13 khu vực tiên phong trong hồi sinh đô thị và chỉ định 33 khu vực, dự án hồi sinh đô thị năm 2016. Năm 2017, chính sách hồi sinh đô thị của Hàn Quốc chuyển sang giai đoạn mới với tên gọi “Chính sách mới về hồi sinh đô thị” và Chính phủ Hàn Quốc triển khai chỉ định 68 khu vực thí điểm. Năm 2018, Chính phủ chỉ định 99 khu vực dự án chính sách mới hồi sinh đô thị và chỉ định 22 khu vực dự án chính sách mới hồi sinh đô thị năm 2019. Các dự án thực hiện từ năm 2000 đến nay được chia thành 57 mẫu dự án và được phân loại thành 5 mô hình tái thiết chính, tùy thuộc vào tính chất, quy mô, điều kiện hỗ trợ. Nguồn tài chính thực hiện tái thiết đô thị chủ yếu từ nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, 80% vốn dựa vào các quỹ của doanh nghiệp nhà nước cho vay, 20% vốn từ ngân sách hỗ trợ là vốn từ các tập đoàn xây dựng nhà ở và đất đai Hàn Quốc (như Tập đoàn LH), mỗi doanh nghiệp cho vay từ quỹ của doanh nghiệp với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Thêm nữa, trong thời gian qua, song song với tái thiết nền kinh tế, Hàn Quốc biến khu công nghiệp truyền thống thành đặc khu kinh tế (SEZ) nhằm thúc đẩy các ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. SEZ hiện được chia thành Khu thương mại tự do, Khu kinh tế tự do, Khu đầu tư nước ngoài, Đặc khu Saemangeum, Thành phố doanh nghiệp, Đặc khu nghiên cứu và phát triển, Vành đai doanh nghiệp khoa học quốc tế, Đặc khu kinh tế phát triển vùng. Trong số hàng chục yếu tố góp phần vào sự thành công của SEZ, Hàn Quốc chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng nhất là vị trí thuận lợi, thời điểm thiết lập, dịch vụ một cửa, sự lôi cuốn các công ty đa quốc gia hàng đầu và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền. Các SEZ được đặt ở những vị trí thuận lợi, có cơ sở hạ tầng chất lượng cao, dễ dàng vận chuyển hàng hóa, năng lượng và hệ thống thông tin liên lạc đầy đủ.
2.2. Xác định rõ mục tiêu trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế vùng
Hàn Quốc xây dựng chính sách phát triển vùng khá muộn1, song nội dung và hành động thực thi chính sách phát triển vùng ở Hàn Quốc đã bắt kịp nhanh chóng với nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cách tiếp cận về chính sách vùng ở Hàn Quốc chuyển từ tính hợp lý trong bù đắp chênh lệch (giữa vùng giàu hơn và vùng nghèo hơn) sang cách tiếp cận theo hướng tăng cường cơ hội cho chính quyền địa phương và tạo lập những hình thức khuyến khích phù hợp để các địa phương chủ động hợp tác (OECD, 2012).
Giai đoạn từ năm 1960 đến những năm 2000, các chính sách vùng được Hàn Quốc phát triển theo góc nhìn không gian và khu vực. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào các trung tâm phát triển, thúc đẩy công nghiệp hóa ở Seoul, Incheon và Ulsan bằng các dự án triển khai xây dựng đường sá, đập, cảng, hệ thống điện… (MOLIT, 2014); đồng thời, cung cấp các khoản trợ cấp để thúc đẩy tăng trưởng ở các vùng nông thôn kém phát triển. Giai đoạn 2000 - 2007, Hàn Quốc triển khai đầu tư thực hiện các dự án quốc gia lớn như xây dựng Thành phố hành chính đa chức năng, Thành phố đổi mới và Thành phố doanh nghiệp. Sang giai đoạn 2008 - 2013, Hàn Quốc chuyển sang chính sách phát triển vùng theo hướng tập trung vào các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Chính quyền đã cố gắng thúc đẩy các vùng kinh tế siêu việt 5+2, tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp và thực hiện các chính sách khu vực đa dạng như thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược khu vực. Từ năm 2013 đến nay, tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và tiếp tục các chính sách quốc gia trước đây.
Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định xây dựng Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp cho giai đoạn 10 năm. Từ những năm 2000, tầm nhìn của Quy hoạch lãnh thổ quốc gia được tăng từ 10 năm lên 20 năm. Quy hoạch lãnh thổ này được xây dựng như một chỉ dẫn và tài liệu quan trọng cho việc xây dựng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Quy hoạch lãnh thổ quốc gia vẫn thiết lập các định hướng phát triển dài hạn cho lãnh thổ quốc gia và được xem là nền tảng cho các quy hoạch lãnh thổ cấp tỉnh trở xuống.
Mục tiêu chính của Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp lần thứ nhất (1972 - 1981) là tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, chủ yếu dựa vào chiến lược hình thành cực tăng trưởng. Đặc biệt, tăng cường sự kết nối giữa khu vực thủ đô Seoul và thành phố Busan (thành phố biển lớn thứ 2 ở phía đông nam Hàn Quốc) bằng việc đẩy mạnh đầu tư cung cấp cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển cho vùng quanh cực tăng trưởng. Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp lần thứ 2 (1982 - 1991) đặt mục tiêu là sự lan tỏa các động lực tăng trưởng kinh tế đến các vùng khác bằng việc ngăn chặn tình trạng quá tập trung vào khu vực thủ đô và nuôi dưỡng các cực tăng trưởng với một hoặc hai ngành công nghiệp tiềm năng để thúc đẩy phát triển. Định hướng chính sách này tiếp tục được thể hiện trong Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp lần thứ 3 (1992 - 2001). Năm 1995, hệ thống tự chủ địa phương vốn đã bị loại bỏ vào đầu những năm 1960, được điều chỉnh với việc bầu cử rộng rãi người đứng đầu chính quyền địa phương. Đây là một bước nhảy quan trọng đối với sự phát triển vùng khi chính quyền địa phương được trao nhiều quyền tự chủ và có trách nhiệm giải trình hơn. Sau 20 năm, Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp lần thứ 4 (2000 - 2020) mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến phát triển cân bằng vùng và mở cửa, hội nhập biên giới quốc gia để tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu. Quy hoạch lãnh thổ quốc gia tổng hợp lần thứ 4 được chỉnh sửa vào năm 2011, trong đó, kết hợp chặt chẽ tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát thải khí carbon thấp và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Song song với việc xây dựng các kế hoạch và để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục và đào tạo nghề; xây dựng hạ tầng xã hội; tăng cường năng lực lập, thực hiện kế hoạch như phối hợp với các tổ chức quốc tế (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID, World Bank…) trong quy hoạch kinh tế và xây dựng các kế hoạch 5 năm; xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phát triển các khu công nghiệp, đầu tư cho điện lực; phát triển nông thôn, ổn định an ninh lương thực thông qua tăng tỉ lệ tự cấp tự túc gạo, huy động xây dựng nông thôn qua phong trào nông thôn mới; xây dựng và phát triển dự án rừng quốc gia…
2.3. Tăng cường tính trách nhiệm và tự nguyện của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế vùng
Hàn Quốc đã chuyển đổi hệ thống quản lý từ cách tiếp cận từ trên xuống do Chính phủ lãnh đạo sang cách tiếp cận từ dưới lên và sự hợp tác của nhiều chính quyền khu vực và địa phương ngoài thẩm quyền. Đối với hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác từ Chính phủ, trước đây được từng bộ thực hiện riêng lẻ và không được phối hợp nhiều. Tuy nhiên hiện nay, Hàn Quốc thực hiện phối hợp nhiều hơn “các gói chính sách” hướng đến bảo đảm đạt được mục tiêu về phát triển vùng.
Ở Hàn Quốc, hầu hết liên kết giữa các địa phương là liên kết tự nguyện và thường được Chính phủ khuyến khích, thậm chí được dẫn dắt thông qua các chính sách công nghiệp và chương trình phát triển cụm liên kết ngành của Trung ương. Các dự án liên kết vùng thường có sự phân chia rõ ràng về trách nhiệm, chức năng và nguồn lực thực hiện dự án của từng địa phương trên phương thức bắt buộc hoặc tự nguyện dưới một số hình thức: (i) Hình thức hợp đồng giữa các địa phương, chẳng hạn năm 2012, có gần 2 tỉ USD được tài trợ cho 67 dự án; trong đó, dự án kinh tế chiếm 87%, dự án hành chính chiếm 9,6%, dự án cung cấp dịch vụ công chiếm 3,4%; (ii) Hình thức chuyển giao chức năng nhằm khuyến khích các chính quyền địa phương liên kết phát triển. Hình thức này được thể chế hóa trong Đạo luật tự chủ địa phương năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Trong giai đoạn 1995 - 2012, có 50 dự án thúc đẩy liên kết vùng gồm khu chức năng hành chính (5 dự án), cung cấp dịch vụ giáo dục (5 dự án), giao thông vận tải (5 dự án) và cung cấp tiện ích dịch vụ công gồm cung cấp nước, chất thải, nghĩa trang (35 dự án). Hình thức thành lập Hiệp hội chính quyền địa phương cũng được quy định trong Đạo luật tự chủ địa phương năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Theo đó, từ 2 chính quyền địa phương có thể thành lập một Hiệp hội chính quyền địa phương dưới sự phê chuẩn của người đứng đầu chính quyền cấp cao hơn.
2.4. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế vùng có sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc
Trên thế giới, nhiều nước đã thừa nhận tầm quan trọng của liên kết nội vùng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và của vùng, quốc gia nói chung. Để thúc đẩy liên kết nội vùng tự nguyện, bắt đầu từ năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án liên kết vùng để khuyến khích các chính quyền địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác. Trong giai đoạn 2009 - 2012, Chính phủ đã hỗ trợ tài chính tương đương gần 2 tỉ USD cho 67 dự án liên kết vùng. Các dự án liên kết vùng nếu được lựa chọn, Chính phủ sẽ cung cấp, hỗ trợ phần lớn nguồn tài chính để thực hiện với mức hỗ trợ lên tới 50% tổng nguồn lực cần thiết để thực hiện kế hoạch được phê duyệt.
Thêm nữa, các SEZ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc để dẫn dắt sự phát triển và vận hành của các khu kinh tế tự do. Theo đó, các doanh nghiệp được thuê đất giá rẻ trong các đặc khu này và được hưởng các ưu đãi khác như giảm thuế, bảo đảm môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Các ưu đãi thuế khác nhau như giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập được áp dụng như nhau cho các Khu kinh tế tự do, Khu đầu tư nước ngoài, Khu thương mại tự do.
2.5. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển cơ chế dịch vụ một cửa
Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Chính phủ Hàn Quốc đã thể chế hóa các giao dịch tài chính và loại bỏ giới hạn FDI ở Hàn Quốc; đồng thời, các đạo luật liên quan đến kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán được ban hành buộc các tập đoàn kinh tế (chaebol) phải gửi báo cáo tài chính hằng năm và được kiểm toán bởi một công ty được công nhận hai lần một năm nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, đồng Won mất giá hơn 25,4% so với USD, thị trường chứng khoán tụt dốc với giá cổ phiếu giảm 27,2%. Trước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai chính sách tiền tệ chủ động thông qua các gói kích thích tài chính trị giá 4% tổng sản phẩm quốc gia (GNP), lãi suất giảm từ 5,25% xuống 2% và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng với việc tăng chi tiêu tài chính, hỗ trợ thuế, miễn thuế để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng quốc nội (Kim, 2014).
Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính như tư vấn đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh… được tiến hành ngay tại cơ quan quản lý đặc khu kinh tế. Sự hợp tác của các cơ quan hải quan, bưu điện, cứu hỏa, các tổ chức tài chính... giúp tối đa hóa hiệu quả về mặt hành chính. Theo World Bank, năm 2018, Hàn Quốc được xếp hạng thứ tư về chỉ số dễ dàng kinh doanh (DB) chung, trong khi Hoa Kỳ được xếp hạng số 6. Trong danh sách các tiêu chí, Hàn Quốc chiếm ưu thế về sự dễ dàng trong việc khởi nghiệp và thực thi hợp đồng. Tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư, sản xuất, truyền thông và tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc.
2.6. Tăng cường đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế vùng
Để thúc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế vùng, khung chính sách đầu tư (PFI) giúp Hàn Quốc huy động đầu tư tư nhân trong hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Trong đó, giảm bớt gánh nặng lớn cho doanh nghiệp nhỏ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi doanh số và nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy gói hỗ trợ nhằm giảm bớt ba gánh nặng (hóa đơn tiền điện, lãi suất cao, thuế) cho các doanh nghiệp nhỏ bằng cách bơm tiền công và điều chỉnh tiêu chí đánh thuế; hỗ trợ doanh số bán hàng của các doanh nghiệp nhỏ phục hồi bằng cách mở rộng điều kiện tham gia Quỹ Khởi đầu mới; tăng cường năng lực cạnh tranh cơ bản của các công ty bằng cách xây dựng các chiến lược phù hợp, bao gồm các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể:
Đối với việc hỗ trợ phục hồi đầu tư sớm thông qua hỗ trợ đặc biệt về thuế, tài chính và giải quyết các trở ngại: (i) Tăng ưu đãi thuế cho đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu và phát triển (R&D): Trên thực tế, Hàn Quốc hiện đang chi mức GDP lớn nhất cho R&D, thậm chí còn lớn hơn Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai trong số những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới dựa trên cường độ R&D; (ii) Bơm vốn đầu tư cơ sở vật chất trị giá 52.000 tỉ Won; (iii) Xem xét lại các dự án đầu tư chậm tiến độ và thúc đẩy thực hiện nhanh chóng theo chỉ đạo của Lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ đầu tư vùng” của Chính phủ.
Đối với phục hồi nền kinh tế địa phương và ngành xây dựng: (i) Ở các vùng trung tâm: Tạo ra bốn khu vực đặc biệt, bao gồm Khu vực cơ hội và phát triển, Khu phát triển giáo dục, Khu đổi mới đô thị và Khu văn hóa, cũng như chỉ định thêm ba khu đổi mới toàn cầu ngoài bốn khu vực hiện có với mục đích thúc đẩy các công ty kỳ lân công nghệ cao; (ii) Ở các thành phố đang phát triển chậm lại: Đẩy mạnh “ba dự án trọng điểm để phục hồi các thành phố đang thu hẹp”; mở rộng các ưu đãi cho việc sở hữu nhà và giao dịch bất động sản; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút du khách; tăng dân số thường trú bằng cách thúc đẩy dòng người nước ngoài đổ vào và xây dựng các chiến lược giải quyết tình trạng suy giảm dân số nông thôn để chống lại sự tuyệt chủng của khu vực; (iii) Về đầu tư xây dựng: Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng theo vùng. Tăng cường vai trò của khu vực công thông qua việc triển khai sớm các dự án vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc nới lỏng tạm thời các quy định về đầu tư để giảm bớt gánh nặng cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh bất ổn. Tiếp tục mở rộng nguồn cung nhà ở trong khu vực công.
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tăng sản lượng, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, Hàn Quốc áp dụng chính sách giảm nghĩa vụ thuế như: Giảm nghĩa vụ thuế được cấp cho các khoản đầu tư vào các cơ sở bảo vệ môi trường hoặc để cải thiện phúc lợi cho nhân viên. Chính sách ưu đãi về thuế của Hàn Quốc được thay đổi theo thời kỳ, thông thường là 4 - 5 năm.
2.7. Tăng cường đầu tư từ khu vực nhà nước cho phát triển kinh tế vùng
Vì nhiều khu vực, địa phương thiếu nguồn lực chuyên môn, tiềm năng tăng trưởng và lực lượng lao động sáng tạo so với các thành phố lớn, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp cho các khu vực, địa phương này gói hỗ trợ khác biệt bao gồm trợ cấp từ ngân sách và các ưu đãi khác nhau. Năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Nhóm đặc trách liên bộ để giải quyết những vấn đề còn tồn tại; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý đầu tư công. Nhóm đặc trách trực thuộc cả hai bộ, gồm: Bộ Kế hoạch và Ngân sách - nay là Bộ Chiến lược và Tài chính, Bộ Xây dựng và Giao thông - nay là Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải. Tháng 7/1999, Nhóm đặc trách ban hành “Kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công” (Khung quản lý đầu tư công) nhằm tăng cường hệ thống giám sát quy trình thực hiện dự án do cơ quan ngân sách thực hiện. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách thực hiện một hệ thống quản lý đầu tư công thống nhất, bao gồm quy trình đánh giá trước, trong và sau khi thực hiện dự án. Đặc điểm chính của Kế hoạch là tìm cách tiếp quản những nghiên cứu khả thi hiện có của các bộ chủ quản kể từ những năm 1970, cụ thể như việc chuyển giao sở hữu cho các cơ quan ngân sách. Đây là các khái niệm được đề cập cụ thể tại Báo cáo nghiên cứ khả thi sơ bộ về Hệ thống đánh giá đầu tư. Hệ thống này được cấp vốn bởi Trung tâm Quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng công và tư - đơn vị trực thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc. Bằng cách này, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hệ thống đánh giá trước khi triển khai các dự án đầu tư công.
Ngoài tăng cường đánh giá các dự án đầu tư công, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Hệ thống quản lý tổng chi phí dự án. Hệ thống này được đưa vào vận hành kể từ năm 1994, nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần điều chỉnh tổng chi phí dự án trong suốt chu kỳ triển khai, từ giai đoạn lập kế hoạch đến giai đoạn hoàn thành xây dựng sau khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh nghiên cứu xây dựng và vận hành hai hệ thống trên, Hàn Quốc cũng đưa vào thực hiện Hệ thống đánh giá lại tính khả thi (năm 1999) và Hệ thống đánh giá lại nhu cầu (năm 2006). Mục đích nhằm xác minh tính đầy đủ của chi phí dự án và dựa báo nhu cầu đối với các dự án đang trong giai đoạn xây dựng thiết kế hoặc xây dựng và quyết định xem dự án có thể tiếp tục không?
Thực tế cho thấy, Hệ thống đánh giá lại tính khả thi và Hệ thống đánh giá lại nhu cầu là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ Hàn Quốc kiểm soát nghiêm ngặt các dự án thuộc diện phải thực hiện được Quốc hội cấp ngân sách, cũng như để ngăn chặn dự báo nhu cầu và dự toán chi phí đầu tư công không chính xác. Bằng cách này, hệ thống quản lý và đánh giá trong khi thực hiện dự án đầu tư công của Hàn Quốc đã được tăng cường. Thêm vào đó, vấn đề thúc đẩy thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng cũng được Hàn Quốc xem là một trong những giải pháp hiệu quả cần tính đến trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.
3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thứ nhất, cần tạo được cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và chính quyền địa phương, nâng cao tính trách nhiệm, giải trình của chính quyền địa phương.
Thực tế tại Hàn Quốc cho thấy, việc hình thành các khu kinh tế đặc biệt hoặc các vùng kinh tế trọng điểm không thành công là do quá trình hình thành, phát triển không dựa trên nền tảng thể chế đủ mạnh và có tính cạnh tranh cao (so với các mô hình khu kinh tế trong một quốc gia và các nước trong khu vực, trên thế giới). Trong một số trường hợp, các khu kinh tế đặc biệt hoặc kinh tế vùng, cực tăng trưởng được thành lập nhưng không dựa trên một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thậm chí không có chính sách áp dụng riêng cho khu, vùng, khiến nhà đầu tư có nguy cơ đối mặt với rủi ro chính sách khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới, không nhận ra tiềm năng của mô hình khu, vùng hoặc không thừa nhận các cam kết của chính quyền nhiệm kỳ trước. Trong khi đó, sự thành công của một số khu, vùng kinh tế hoặc các cực tăng trưởng một phần nhờ sự nhanh nhạy, đồng lòng của các cấp chính quyền, đặc biệt là Chính phủ.
Như vậy, Chính phủ cần thể chế hóa đầy đủ việc thành lập các khu, vùng kinh tế, trong đó đưa ra quy định cụ thể: (i) Chiến lược chung về phát triển cho khu hoặc vùng kinh tế trong ngắn, trung và dài hạn; (ii) Quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư, chính quyền và người dân; (iii) Có cơ chế phân cấp, tạo sự tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm ở mức cao nhất về các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của khu, vùng kinh tế đã được phê duyệt. Quá trình thiết kế chính sách khu, vùng kinh tế cần lưu ý bảo đảm tính ưu đãi vượt trội và cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; bảo đảm tính nhất quán, ổn định, công khai, minh bạch; triển khai chính sách đồng bộ như chính sách đất đai, nhà ở, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thuế, phí, di chuyển hàng hóa đến cư trú, đi lại, thuê lao động, tiền lương, cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt; chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường và bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi chính sách.
Triển khai, áp dụng các ưu đãi về thuế, phí hoặc các hỗ trợ tài chính phù hợp để thúc đẩy và thu hút đầu tư vào các khu, vùng kinh tế, cụ thể: (i) Ưu đãi về thuế: Các chính sách miễn và giảm thuế như thuế quan, thuế mua lại, thuế tài sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư từ 5 - 15 năm... (ii) Hỗ trợ kinh doanh: Hỗ trợ tài chính cho chi phí liên quan đến đất đai, mua/thuê địa điểm kinh doanh, chi phí xây dựng và trợ cấp việc làm cho các doanh nghiệp; chi phí hỗ trợ về cơ sở hạ tầng liên quan đến xây dựng đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng, xử lý nước thải và chất thải; hỗ trợ liên quan đến giáo dục và nghiên cứu...
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, đơn giản, minh bạch cho các hoạt động đầu tư.
Mỗi khu, vùng kinh tế thường sẽ có các nhà quản lý dự án riêng lẻ, những người hỗ trợ tất cả các thủ tục đầu tư từ đánh giá sơ bộ đầu tư đến các bước quản lý tiếp theo. Nhà quản lý dự án không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh, cơ hội đầu tư, các đối tác đầu tư tiềm năng, mà còn hỗ trợ hành chính về vấn đề pháp lý, kế toán và quản lý thuế, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định kinh doanh nhanh chóng. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên thông giữa các đơn vị chức năng trong cung cấp thủ tục hành chính nhằm đảm bảo sự nhanh, gọn, thuận tiện về mặt thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư.
Thứ ba, việc thành lập các khu, vùng kinh tế cần có mục tiêu, kế hoạch và định hướng cụ thể, phù hợp với đặc điểm, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp, hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh vượt trội. Các ngành, nghề thu hút đầu tư được điều chỉnh, cập nhật liên tục, bắt kịp và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới với công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường, đồng thời xác định những đối tác chiến lược cụ thể để duy trì mức cạnh tranh cao của các khu, vùng kinh tế.
Thứ tư, xác định rõ vị trí chiến lược của khu, vùng kinh tế.
Phần lớn các khu, vùng kinh tế đặc biệt thành công đều được xây dựng tại những nơi có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (gần cảng biển, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế...), có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, liền kề khu vực kinh tế phát triển, có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực.
Thứ năm, phát triển chính sách thu hút nhân tài, thu hút nguồn vốn đặc biệt và sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình xây dựng các khu, vùng kinh tế.
Cần có chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ quản lý, kinh nghiệm làm việc nhằm nâng cao hiệu quả trong xây dựng kế hoạch và thực hiện các mục tiêu phát triển vùng.
Hàn Quốc rất đề cao việc tham gia của khu vực tư nhân trong chính sách ưu đãi phát triển kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng giúp phát triển các khu kinh tế đặc biệt, đồng thời là kênh kết nối giữa các khu này với phần còn lại của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào việc đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn đầu hình thành các điều kiện cần thiết để phát triển các khu kinh tế, sau đó vai trò được chuyển giao cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân.
1 Chính sách phát triển vùng ở Hàn Quốc bắt đầu được thực thi từ năm 1998 dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung thông qua các chương trình đặc biệt hướng vào sự phát triển vùng mục tiêu.
Tài liệu tham khảo:
1. Heo, U. & Woo, J. (2006), South Korea’s Experience with structural Reform: Lessons for other countries, Korean Social Science Journal, Vol.33, No.1, pages 1-24.
2. Kim, K. (2013), Chaebols and Their Effect on Economic Growth in South Korea, Korean Social Sciences Review, Vol.3 No.2, pages 1-28.
3. Soon-yang Kim (2014), South Korea’s Policy Responses to Global Economic Crisis, Proceedings of the First Middle East Conference on Global Business, Economics, Finance and Banking (ME14 DUBAI Conference), Dubai, 10-12 October 2014, pages 1-27.
4. OECD (2012), Industrial Policy and Territorial Development: Lessons from Korea, Development Centre Studies, OECD Publishing; http://dx.doi.org/10.1787/9789264173897-en
5. Soon Eun Kim (2014), Regional Policy and National Development in Korea, The Korean Journal of Policy Studies, Vol. 29, No. 1 (2014), pages 101-122.
6. Taebyung Kim & Junghwan Lim (2016), Regional Policy in the Republic of Korea: Principles and Experiences, Document Nº 189, this presentation at the International Conference on Territorial Inequality and Development at Puebla, Mexico, January 25-27, 2016.
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính