Hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU: Vấn đề đặt ra và giải pháp
Tóm tắt: IUU là viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Đây là những hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định về đánh bắt cá nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững. Chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Bài viết gồm 3 nội dung chính: Tìm hiểu hoạt động IUU và tác động của việc bị áp thẻ vàng IUU (thẻ vàng) đến ngành thủy sản Việt Nam; đánh giá thành tựu đạt được và hạn chế, tồn tại trong hoạt động gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam; đề xuất 4 giải pháp nhằm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU để mở cơ hội lớn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không chỉ vào thị trường châu Âu (EU) mà cả các thị trường cao cấp khác.
Từ khóa: Hoạt động IUU, thành tựu, hạn chế, giải pháp.
THE IUU YELLOW CARD: PROBLEMS AND SOLUTIONS
Abstract: Activities against illegal, unreported and unregulated seafood exploitation (Illegal, Unreported and Unregulated (IUU) fishing) are considered an important, urgent task with long-term significance for sustainable development of Vietnam’s fisheries industry. This article includes 3 main contents: (i) Exploring IUU mining activities and the impacts of the IUU yellow card on Vietnam's fisheries industry; (ii) Evaluating the achievements as well as existing limitations in Vietnam's yellow card removal activities; (iii) Proposing 4 solutions to remove the IUU yellow card in order to open great opportunities for Vietnam's seafood exports not only to the EU market but also to other high-class markets.
Keywords: IUU fishing, achievement, limitation, solution.
1. Hoạt động IUU và tác động đến ngành thủy sản Việt Nam
Năm 2024, chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Các quy định IUU được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU vào thị trường EU nhằm hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Hoạt động IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành năm 2010 nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động IUU vào thị trường EU. Năm 2017, EC đã đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động IUU.
Hoạt động IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam là một trong 21 quốc gia bị EC cảnh báo thẻ vàng. Điều này đồng nghĩa với việc thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất, nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Thị trường EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU khá thuận lợi, liên tục tăng mạnh (từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỉ USD năm 2017). Sau 3 năm bị áp thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU giảm xuống còn 1,22 tỉ USD năm 2020. Thẻ vàng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, thủ tục chỉ mất 1 - 3 ngày, sau khi áp thẻ vàng, thủ tục kéo dài 2 - 3 tuần, không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thủy sản và vị thế của Việt Nam.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng thể hiện trách nhiệm, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế (Ảnh: Nam Hải)
Quy định hoạt động IUU được EC đưa ra là bởi trong nhiều thập kỷ qua, nguồn lợi hải sản đã bị khai thác tới mức cạn kiệt do các hành vi khai thác tận diệt (dùng thuốc nổ, dùng lưới vét bắt tất cả, không phân biệt kích thước, dùng các biện pháp khai thác gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đe dọa tính bền vững của đàn cá…). Hoạt động IUU được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động IUU vào thị trường EU.
Năm 2017, khi nhận cảnh báo thẻ vàng của EC, Việt Nam cũng nhận thức được những tác động tiêu cực của hoạt động IUU đối với phát triển ngành thủy sản. Việc bị áp dụng thẻ vàng kéo dài nhiều năm khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục. Chỉ sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU sụt giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD (năm 2019). Xu hướng giảm còn nặng nề hơn nữa vào năm 2020, do tác động kép bởi dịch Covid-19 và thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản sang EU tiếp tục giảm thêm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Năm 2022, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc).
Ngay sau khi Việt Nam bị thẻ vàng, gần 100% hàng hóa bị dừng tại hải quan EU để kiểm tra, gây phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm đến 20 - 30%. Một số mặt hàng đặc thù của thị trường EU muốn chuyển hướng sang thị trường khác cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, khi các thị trường khác biết Việt Nam gặp khó ở EU cũng kiếm cớ để ép giá, sự tác động dây chuyền của thẻ vàng rất lớn.
Việc cảnh báo thẻ vàng của EC cũng gây nhiều khó khăn, thiệt hại về tài chính, về sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến EU bị kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất), chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên. Ngành thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), sau 5 năm bị áp thẻ vàng, tỉ trọng hàng hóa sang thị trường EU giảm còn 9,4% (năm 2022). Nếu thẻ vàng chuyển thành thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên đến 518 triệu USD. Ngành khai thác, chế biến thủy sản có khả năng giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại.
Năm 2018, năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của thẻ vàng, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam sang EU giảm 6%. Trong số các sản phẩm khai thác biển, xuất khẩu bạch tuộc giảm 22%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%, cua giảm 14% và các loài cá biển khác giảm 4%. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỉ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU giảm 12% (năm 2019), tương đương 183,5 triệu USD. Đặc biệt, 3 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính sang thị trường EU đều giảm mạnh: Bạch tuộc tiếp tục giảm 19%, cá ngừ giảm 12%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm mạnh 19% (năm 2020).
Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Trong khi EU là thị trường tiêu thụ thủy sản rất lớn, khoảng 22 kg/người/năm. Nếu Việt Nam không gỡ được thẻ vàng thì ngoài ảnh hưởng trên 500 triệu USD xuất khẩu sang EU, còn ảnh hưởng vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế. Hạ tầng thủy sản, hạ tầng khai thác cũng là vấn đề tồn đọng nhiều năm, vừa thiếu số lượng, kém chất lượng.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16 - 18 tỉ USD năm 2030, Việt Nam phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm đạt 7 - 9% trong 10 năm tới (2021 - 2030). Với kịch bản thẻ vàng không được gỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản 9%/năm chắc chắn không thể đạt được. Nếu bị cảnh báo thẻ đỏ, rất khó để duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tới, thiệt hại sẽ lớn hơn con số 480 triệu USD, không chỉ ảnh hưởng trên thị trường EU mà còn liên lụy sang hầu hết các thị trường khác, khi đó giá trị xuất khẩu sẽ giảm nghiêm trọng. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính khác như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Đồng thời, giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường khác cũng sẽ giảm do các nhà nhập khẩu cố tình hạ giá hoặc do thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước khác. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thủy sản, làm giảm uy tín của không chỉ sản phẩm thủy sản khai thác mà còn cả sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam trên thị trường thế giới. Khi đó, nền kinh tế thủy sản suy giảm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ít nhất 4,7 triệu lao động Việt Nam và tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động của ngành thủy sản.
2. Thành tựu đạt được trong hoạt động gỡ thẻ vàng của Việt Nam
Sau 7 năm bị áp thẻ vàng (2017 - 2024) và qua 4 đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã cố gắng để xóa thẻ vàng và đã đạt được một số kết quả sau:
Để tuân theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản (năm 2017) và các văn bản hướng tới việc phát triển thủy sản và nghề cá bền vững. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống hoạt động IUU và yêu cầu các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS. Lắp đặt VMS trên tàu cá hỗ trợ ngư dân theo dõi vị trí, lộ trình, ngư trường khai thác; hỗ trợ công nghệ để ngư dân nhập nhật ký khai thác, theo dõi hiệu quả khai thác. Điều này giúp như dân dễ dàng quản lý được quá trình khai thác, từ đó có được lộ trình phù hợp hơn, tối ưu chi phí cho mỗi lần ra khơi.
Trải qua 4 đợt thanh tra của EU (vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023), công tác chống hoạt động IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ. Năm 2019, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống hoạt động IUU. Chính phủ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý cho phù hợp thực tiễn nghề cá của Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC.
Lắp đặt VMS cho tàu trên 24m đã cơ bản hoàn thành. Việc đánh giá, đánh dấu tàu cá đã đạt trên 90%. Công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá được chỉ định cho tàu cá khai thác cơ bản đảm bảo. Công tác chứng nhận đáp ứng được yêu cầu của các chủ hàng xuất khẩu. Việt Nam cũng mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động IUU. Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt 2.468 vụ, với số tiền 61 tỉ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất gần 1 tỉ đồng. Năm 2022 xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số tiền trên 16 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền hơn 44 tỉ đồng1.
Theo khuyến nghị của EC, Việt Nam đã cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác. Đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Kết quả rà soát, Việt Nam có 86.820 tàu cá (năm 2022) có chiều dài từ 6 m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15 m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).
Năm 2020, số lượng tàu cá lắp đặt VMS là 24.851/30.851 tàu từ 15 m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%. Trong đó, tàu cá từ 24 m trở lên là 2.204/2.600 tàu, đạt tỉ lệ 84,77%. Tàu cá từ 15 m đến dưới 24 m đã lắp đặt 22.667/28.251 tàu, đạt tỉ lệ 80,23%2.
Năm 2023, đã lắp đặt VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).
Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được giám sát và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việt Nam tích cực triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản trong chuỗi cung ứng thủy sản theo công đoạn từ giám sát đánh bắt, cập cảng, nhập khẩu cho đến chế biến và lưu thông trên thị trường; kiểm soát tốt việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng; hoạt động đóng tàu mới đều theo tiêu chuẩn luật quy định và tiêu chuẩn của EU.
Công tác chống hoạt động IUU đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc củng cố hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế; có các biện pháp về công nghệ, hành chính… để tăng cường quản lý tàu cá phù hợp tình hình cụ thể của mỗi địa phương; kiểm soát việc khai thác ngoài khơi; có các biện pháp tương đối quyết liệt để xử lý vi phạm, kể cả xử lý hình sự; phối hợp giữa các địa phương chặt chẽ, hiệu quả; kết quả triển khai thực hiện chống hoạt động IUU đã có sự chuyển biến.
Việt Nam đã lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy hoạch lại đội tàu khai thác cho phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đóng góp sáng kiến cho các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá bền vững như Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA); Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống hoạt động IUU; thành lập mạng lưới chống hoạt động IUU của các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN IUU Network).
3. Hạn chế, tồn tại
Mặc dù công tác chống hoạt động IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC đã đạt được một số kết quả và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kết quả chưa đạt được như mong muốn và còn nhiều việc phải tiếp tục giải quyết như: Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm có nơi, có lúc còn chưa thực sự nghiêm túc.
Việc chống hoạt động IUU vẫn còn nhiều tồn tại. Hoạt động thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đồng bộ, chậm trễ trong điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm; đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu. Những điều này dẫn đến nguy cơ cao EU nâng cảnh báo lên thẻ đỏ.
Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Kiểm soát tàu cá ra/vào cảng còn hạn chế, thực thi pháp luật chống hoạt động IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sau thanh tra đợt 3 (năm 2022) vẫn còn một số hạn chế như: Việc thực thi các quy định của tuyến cơ sở còn yếu, trong đó, đội tàu vẫn còn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu vẫn chưa hoàn thành; tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển diễn ra phổ biến; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa phương còn hạn chế; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn nhiều thiếu sót. Tất cả các trường hợp vi phạm cần được xử lý mà không có ngoại lệ; cường lực khai thác hải sản còn cao, cần cân đối giữa nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác. Ngoài ra, công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá chưa quyết liệt, chặt chẽ, đảm bảo theo quy định.
Thẻ vàng đã kéo giảm nhu cầu hải sản khai thác từ Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận, xác nhận nguồn gốc khai thác. Nếu không giải quyết được những bất cập trên thì khó có thể gỡ được cảnh báo thẻ vàng, khi đó thủy sản Việt Nam có thể mất thị trường xuất khẩu EU, kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, không chỉ EU mà nhiều thị trường khác cũng bắt đầu áp dụng chống hoạt động IUU đối với thủy sản nhập khẩu.
Trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực lớn nhưng vẫn còn diễn ra một số vụ vi phạm trong đánh bắt hải sản, bị các nước bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân: Thứ nhất, do việc đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài mang lại lợi ích cho ngư dân lớn hơn so khai thác ở trong nước; thứ hai, vẫn còn tồn tại một số ngư dân, chủ tàu mặc dù nhận thức rõ, đây là hành vi cấm, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng vẫn cố ý, cố tình thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật; thứ ba, ở những vùng biển tiếp giáp, hoặc chưa phân định, hoặc còn chồng lấn với các nước khác, vẫn tồn tại những đường dây môi giới, "móc nối" để tổ chức đưa tàu và người của Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm. Chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng.
4. Giải pháp xóa thẻ vàng
EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, chống hoạt động IUU và nỗ lực xóa thẻ vàng là điều Việt Nam đang phải làm. Xóa được thẻ vàng để tránh bị thẻ đỏ là cơ hội để thủy sản Việt Nam nâng cấp chính mình, tăng thêm uy tín và mở cơ hội lớn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Những giải pháp Việt Nam đã và đang thực hiện, đó là:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho ngư dân, tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia ký kết không vi phạm hoạt động IUU.
Tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển, khai thác, đánh bắt hiệu quả nhưng bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ.
Tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá cùng ngư dân nâng cao ý thức chấp hành quy định về khai thác hải sản trên biển, qua đó hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm; tuyên truyền để người dân hiểu rõ không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quốc gia; phát huy ý thức, trách nhiệm của người dân trong khai thác nguồn lợi đại dương và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đẩy mạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó có công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến hải sản, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân; hoạt động đánh bắt cần theo hướng phát triển bền vững; tuyên truyền, giáo dục, động viên ngư dân hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; tuyên truyền cho ngư dân, vận động ngư dân tham gia ký kết không vi phạm hoạt động IUU chính là một trong những giải pháp để Việt Nam sớm xóa thẻ vàng.
Nâng cao nhận thức của người dân, kiên quyết không tham gia và không vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực nhằm gỡ thẻ vàng của EC để nâng cao hiệu quả đánh bắt; đánh bắt hợp pháp, đàng hoàng để sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu EU được nâng cao giá trị, từ đó ngư dân tăng thu nhập.
Việt Nam gỡ được thẻ vàng tùy thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của chính ngư dân trực tiếp khai thác hằng ngày trên biển. Đến nay, Việt Nam đã tạo sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và đạt sự đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định và khuyến nghị của EC để phòng, chống các hoạt động IUU. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá và chống hoạt động IUU. Khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống hoạt động IUU mà Việt Nam đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, giải quyết dứt điểm khuyến cáo của các nước, tổ chức quốc tế và của EC.
Kiên quyết xử lý đúng theo quy định pháp luật những tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi phải có giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật, lắp đặt VMS, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; đặc biệt các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); bên cạnh đó, cần chăm lo, hỗ trợ sinh kế người dân, đồng thời đề cao ý thức và trách nhiệm của người dân, tránh vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, tránh vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà quên đi lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống hoạt động IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “ba không” nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hoạt động IUU, đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch
Thứ ba, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, với tổng sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp3. Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Xử lý các trường hợp vi phạm phù hợp với luật pháp quốc tế trên tinh thần nhân văn, nhân đạo, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam và ngư dân Việt Nam; tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến; tăng cường kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của PSMA. Bên cạnh đó, cần giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo; phát triển ngành thủy sản bền vững là hình mẫu của thế giới.
Thứ tư, quản lý chặt chẽ đối với tàu cá “3 không”
Kiểm tra, hướng dẫn ngư dân các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống hoạt động IUU; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu cá chưa lắp đặt VMS, những tàu mất kết nối VMS trên 10 ngày, thậm chí nhiều tháng, có tàu mất kết nối cả năm thì phải xử lý hết sức quyết liệt. Hiện mới chỉ xử lý được hơn 10% tàu vi phạm về mất kết nối; việc phát hiện, xử lý vi phạm với tàu mất kết nối cũng chưa đúng với những quy định và mức phạt phải cao hơn mới có tính răn đe.
Bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) cho các lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống hoạt động IUU. Thực hiện các quy định về hoạt động IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động IUU.
Năm 2023, Việt Nam có 98% tàu cá dài trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đang nằm bờ, ngưng hoạt động. Hơn 73.200 chiếc tàu từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở VNFishbase - Dữ liệu nghề cá quốc gia. Việc chia sẻ dữ liệu, kết nối giữa các cơ quan theo dõi hoạt động tàu cá trên biển được tiến hành thường xuyên. Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các khuyến nghị của EC, tuy nhiên hiện vẫn còn địa phương gặp vướng mắc hoặc còn tình trạng tàu cá vi phạm khi đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư) đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Việt Nam cũng mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động IUU. Năm 2022, xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền hơn 44 tỉ đồng4.
Chống hoạt động IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Xóa bỏ thẻ vàng giúp không chỉ để tăng xuất khẩu sang EU mà còn tạo cơ hội phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam. Cảnh báo thẻ vàng là một nguy cơ lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam, nhưng dưới góc độ tích cực, đây là đợt “sát hạch” quan trọng để Việt Nam nhìn lại mình. Gỡ được thẻ vàng, tránh bị "thẻ đỏ" là cơ hội để hải sản Việt nâng cấp, tăng thêm uy tín và mở ra cơ hội lớn vào các thị trường khó tính. Thẻ vàng là động lực để đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Thị trường EU có những yêu cầu khắt khe, khi khắc phục được khuyến cáo của EC đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tạo ra được chuỗi sản xuất bền vững, tự tin xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang các thị trường khác.
Vì vậy, quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng không chỉ để đối phó với EC mà còn là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nỗ lực gỡ thẻ vàng còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng xác định vấn đề thẻ vàng là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.
1 Phạm Duy (2023), Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU: Đón nhận nhiều kết quả tích cực, https://vtcnews.vn/viet-nam-no-luc-go-the-vang-iuu-don-nhan-nhieu-ket-qua-tich-cuc-ar825959.html, truy cập ngày 11/10/2023.
2 Kim Sơ (2020), Việt Nam đang rất nỗ lực chống khai thác, https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-dang-rat-no-luc-chong-khai-thac-iuu-20201013095828941.htm, truy cập ngày 13/10/2020.
3 Thu Hằng (2024), Ban Bí thư yêu cầu quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024, https://vietnamnet.vn/ban-bi-thu-yeu-cau-quyet-tam-go-canh-bao-the-vang-trong-nam-2024-2269552.html, truy cập ngày 11/4/2024.
4 Phạm Duy (2023), Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU: Đón nhận nhiều kết quả tích cực, https://vtcnews.vn/viet-nam-no-luc-go-the-vang-iuu-don-nhan-nhieu-ket-qua-tich-cuc-ar825959.html, truy cập ngày 11/10/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc Cường (2024), Liên minh Châu Âu ghi nhận nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam - Nhịp sống kinh tế Việt Nam và Thế giới https://vneconomy.vn/lien-minh-chau-au-ghi-nhan-no-luc-go-the-vang-iuu-cua-viet-nam.htm, truy cập ngày 06/4/2024 .
2. Sơn Bình (2024), IUU: Quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quyet-tam-go-canh-bao-the-vang-trong-nam-2024-780303, truy cập ngày 08/6/2024.
3. Thu Hằng (2024), Ban Bí thư yêu cầu quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024 , https://vietnamnet.vn/ban-bi-thu-yeu-cau-quyet-tam-go-canh-bao-the-vang-trong-nam-2024-2269552.html, truy cập ngày 11/4/2024.
4. Phan Phương (2024), Hành động quyết liệt, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2024, https://www.vietnamplus.vn/hanh-dong-quyet-liet-quyet-tam-go-the-vang-iuu-trong-nam-2024-post941577.vnp, truy cập ngày 22/4/2024.
5. Thu Thủy (2024), Cơ hội vàng gỡ "thẻ vàng" cảnh báo IUU https://nhandan.vn/co-hoi-vang-go-the-vang-canh-bao-iuu-post810766.html 24/05/2024, truy cập ngày 24/5/2024.
6. Cung Nguyễn (2024), Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2024, https://vtv.vn/kinh-te/quyet-tam-go-the-vang-iuu-trong-nam-2024-20240620170405165.htm, truy cập ngày 20/6/2024.
7. Phạm Duy (2023), Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU: Đón nhận nhiều kết quả tích cực, https://vtcnews.vn/viet-nam-no-luc-go-the-vang-iuu-don-nhan-nhieu-ket-qua-tich-cuc-ar825959.html, truy cập ngày 11/10/2023.
8. Hồng Kiều (2023), Gỡ "Thẻ vàng" IUU: Khẩn trương giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế, https://www.vietnamplus.vn/go-the-vang-iuu-khan-truong-giai-quyet-dut-diem-ton-tai-han-che-post906445.vnp, truy cập ngày 07/11/2023.
9. Nam Phương (2023), IUU là gì? Vì sao Việt Nam đang phải nỗ lực gỡ thẻ vàng? https://vietnamnet.vn/iuu-la-gi-vi-sao-viet-nam-dang-phai-no-luc-go-the-vang-2245811.html, truy cập ngày 26/6/2024.
10. Kim Sơ (2020), Việt Nam đang rất nỗ lực chống khai thác, https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-dang-rat-no-luc-chong-khai-thac-iuu-20201013095828941.htm, truy cập ngày 13/10/2020.
Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội)
Vũ Nhật Quang (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)