Hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long: 45 năm xây dựng và phát triển
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, có thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xóa đói, giảm nghèo. Hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng; sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; các loại hình tổ chức tín dụng từng bước được thành lập nhằm phục vụ cho tất cả các đối tượng khách hàng khác nhau. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 28 tổ chức tín dụng hoạt động với 117 điểm giao dịch được phân bố rộng khắp trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố.
Trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long (mới được đầu tư sửa chữa khang trang năm 2017)
Những năm đầu sau giải phóng và thời kỳ khôi phục kinh tế - xã hội chủ nghĩa (1975 - 1985)
Mặc dù mạng lưới hoạt động còn có nhiều khó khăn, hạn chế nhất định trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã có những đóng góp khá quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để tạo nguồn vốn đáp ứng các nhu cầu vốn thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; vượt qua các khó khăn để từng bước duy trì ổn định tình hình cung ứng tiền mặt cho nhu cầu thu chi nền kinh tế; từng bước kiểm soát được lạm phát để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý tốt ngoại hối để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế…
Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện thành công việc tiếp quản và thanh lý các ngân hàng của chế độ cũ vào tháng 5/1975, xây dựng hệ thống mạng lưới ngân hàng đến các huyện để tổ chức hoạt động theo quy định. Năm 1985, số dư huy động vốn đạt 152 triệu đồng, gấp 40,9 lần so với năm 1976; doanh số cho vay năm 1985 đạt 3.724 triệu đồng, gấp 39,6 lần so với năm 1976; dư nợ cho vay đạt 579 triệu đồng, gấp 30,5 lần so với năm 1976.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai thực hiện thành công ba lần đổi tiền: Ngày 22/9/1975 đổi tiền chế độ cũ sang tiền mới Miền Nam; ngày 02/5/1978 đổi tiền nhằm thống nhất đồng tiền chung cả nước; và ngày 14/9/1985 đổi tiền nhằm để điều chỉnh, ổn định sức mua của đồng tiền.
Những năm đầu sau đổi mới (1986 - 1991)
Những năm đầu đổi mới, thực hiện chủ trương của Đảng, ngành Ngân hàng chuyển đổi từ ngân hàng một cấp sang ngân hàng hai cấp, nhằm tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng để phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Cửu Long được thành lập tại thời điểm đó, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện chức năng kinh doanh, nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, bước đầu có 2 chi nhánh ngân hàng chuyên doanh là chi nhánh Ngân hàng Công thương và chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tại các huyện và thị xã. Bên cạnh đó, Công ty Kinh doanh vàng bạc đá quý tỉnh và các hợp tác xã tín dụng từng bước được thành lập (đến năm 1989 có 107 hợp tác xã tín dụng và 2 trung tâm tín dụng ngoài quốc doanh). Tháng 4/1990, thực hiện tách chức năng quản lý quỹ ngân sách Nhà nước sang Kho bạc Nhà nước. Trong năm 1991, số dư vốn huy động đạt 42.328 triệu đồng, gấp 278,5 lần so với năm 1985 và 11.257 lần so với năm 1976; dư nợ cho vay đạt 116.743 triệu đồng, gấp 201,6 lần so với năm 1985 và 6.144 lần so với năm 1976.
NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đón nhận Huân chương Lao động hạng II năm 2012
Sắp xếp lại hoạt động của hệ thống ngân hàng sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long “Ổn định hoạt động tạo đà cho sự phát triển” (1992 - 2000)
Thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, các chính sách tín dụng, ngân hàng từng bước được hoàn thiện, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự đổi mới trong nền kinh tế, hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long phải thực hiện đổi mới đồng bộ, phù hợp với sự ra đời của Pháp lệnh NHNN Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990. Các Pháp lệnh tiếp tục được nâng cấp, phát triển thành Luật NHNN Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng vào năm 1997, khi đó hệ thống ngân hàng đã có sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, hoạt động theo mô hình hai cấp ngày càng phát triển, hoàn thiện. Mạng lưới ngân hàng thương mại đã từng bước được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Năm 1992, toàn tỉnh có 14 điểm giao dịch (gồm các chi nhánh ngân hàng cấp 1, cấp 2, phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm), đến năm 2000 có 56 điểm giao dịch, tăng 42 điểm, các điểm giao dịch phân bổ tương đối đều và rộng khắp từ thành thị cho đến các vùng nông thôn để đáp ứng, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao dịch của Nhân dân. Tính đến cuối năm 2000, số dư vốn huy động đạt 672 tỷ đồng, gấp 17,7 lần so với năm 1992; dư nợ cho vay đạt 1.841tỷ đồng, gấp 17,2 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng luôn được chú trọng đổi mới, hiện đại hóa và đa dạng về hình thức để từng bước đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu của nền kinh tế.
Hệ thống tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng (2001 - 2011)
Có thể thấy, trong thời kỳ này, hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, ổn định và có hiệu quả; đóng vai trò là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Hệ thống ngân hàng được vận hành hoạt động theo Luật NHNN Việt Nam năm 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách tín dụng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ... Người dân và các nhà đầu tư, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, cũng như đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, thực hiện các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội khác…
Đến năm 2011, toàn tỉnh Vĩnh Long có 18 chi nhánh NHTM với 96 điểm giao dịch, tăng 40 điểm và tăng 15 tổ chức tín dụng so với năm 2000, xu hướng phát triển mạng lưới về các huyện và vùng nông thôn tăng mạnh để đáp ứng, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của Nhân dân nói chung và chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đến cuối năm 2011, số dư huy động vốn đạt 11.224 tỷ đồng, gấp 16,7 lần so với năm 2000 và 296,2 lần so với năm 1992; dư nợ cho vay đạt 13.417 tỷ đồng, gấp 7,3 lần so với năm 2000 và 125 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng hiện đại được quan tâm phát triển, trong đó hệ thống ATM, POS phát triển mạnh, các dịch vụ trả lương qua tài khoản ngân hàng tăng… giúp cho khách hàng giao dịch ngày càng nhanh chóng và tiện lợi.
Thực hiện cơ cấu lại hoạt động của tổ chức tín dụng, từng bước áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế (2012 đến nay)
Giai đoạn này, hoạt động tín dụng, ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ cuối năm 2011, sau thời gian phát triển nhanh, các tổ chức tín dụng trong nước đã bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém, rủi ro, thanh khoản gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, hiệu quả hoạt động giảm sút cùng các vấn đề sở hữu chéo, thiếu minh bạch và năng lực quản trị,… dẫn đến nguy cơ rủi ro đổ vỡ của một số NHTM; có khả năng tác động xấu đến tình hình kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, trong giai đoạn này, cùng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, cần thiết phải tiến hành ngay hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn rủi ro và sự đổ vỡ của các tổ chức tín dụng.
Ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm đảm bảo khung pháp lý để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tham mưu ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu. Đồng thời, tập trung thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.
Bên cạnh đó, NHNN đã thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm thực hiện cơ chế mua bán nợ xấu và từng bước tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam và xử lý các món nợ xấu lớn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Bước đầu phát huy được hiệu quả, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 2%/tổng dư nợ.
Thực hiện các chủ trương trên đã giúp các ngân hàng trên địa bàn từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh hơn, tính thanh khoản dần đảm bảo, xử lý căn bản những tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý hiệu quả nợ xấu… Mặc dù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long không có tổ chức tín dụng yếu kém nhưng vẫn tổ chức triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành nhằm đưa hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng ổn định, hiệu quả hơn.
Mạng lưới ngân hàng tiến hành sắp xếp lại hợp lý, hiệu quả hơn, chú trọng trong việc chuyển các điểm giao dịch từ thành phố Vĩnh Long về địa bàn các huyện. Đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 22 chi nhánh NHTM, 5 quỹ tín dụng nhân dân với 115 điểm giao dịch, tăng 21 điểm so với năm 2011, trong đó có 79 điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn, chiếm 69,23%/tổng số điểm giao dịch toàn tỉnh.
Thực hiện các cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, các biện pháp hành chính từng bước được thu hẹp, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, nhất là lãi suất cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh hiện còn khoảng 6 - 7%/năm, giảm một nửa so với năm 2011.
Nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng từng bước chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Đây là một thành công của hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long trong quá trình thích ứng, từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và được xem là cột mốc thay đổi quan trọng trong phương thức giao dịch ngân hàng. Đến tháng 3/2021, số dư huy động vốn đạt 42.121 tỷ đồng, gấp 3,75 lần so với năm 2011. Dư nợ cho vay đạt 35.489 tỷ đồng, gấp 2,73 lần so với năm 2011. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng điện tử trên nền tảng công nghệ hiện đại và dịch vụ ngân hàng mới được phát triển mạnh; các quy trình thủ tục thực hiện các dịch vụ ngân hàng ngày càng đơn giản… đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và tiện lợi của khách hàng.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phục vụ đắc lực các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, với sự ủng hộ, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng ngày càng cao, là nền tảng quan trọng để phát triển hơn nữa hệ thống ngân hàng tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.
Lý Nhật Trường - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long
Võ Thanh Lâm - Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long
Tạp chí Ngân hàng số 8/2021