Giải pháp tín dụng hỗ trợ và phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh
Với vai trò đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân, hoạt động tín dụng ngân hàng hỗ trợ góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền phát biểu chỉ đạo
tại Hội nghị Sơ kết 8 tháng và triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2024 (Ảnh: Trần Trọng Triết)
Nỗ lực thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế
Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Về mạng lưới tổ chức hoạt động, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 45 tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm 24 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với tổng cộng 131 điểm hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tây Ninh tiếp tục tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng trong hệ thống ngân hàng của tỉnh Tây Ninh, trọng tâm là Quyết định số 1663/QĐ-NHNN ngày 06/8/2024 của Thống đốc NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông báo số 290/TB-NHNN ngày 15/8/2024 về Kết luận của Thống đốc NHNN tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; Công văn số 6198/NHNN-QLNH ngày 25/7/2024 của NHNN về việc tăng cường công tác quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; Công văn số 6341/NHNN-TTGSNH ngày 31/7/2024 của NHNN về xử lý vi phạm hành chính đối với TCTD; các thông báo kết luận của Thống đốc NHNN Việt Nam tại buổi làm việc với các NHTM Nhà nước và các văn bản triển khai các thông tư quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hoạt động đại lý thanh toán, mở tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức...
Các TCTD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp để thu hút tối đa lượng vốn nhàn rỗi trong dân cư. Kết quả hoạt động huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đến ngày 31/8/2024 đạt 68.400 tỉ đồng, tăng 3% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 2,4%); trong đó, vốn huy động trên 12 tháng đạt 5.400 tỉ đồng, chiếm 7,9% tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi của khách hàng đạt 67.780 tỉ đồng, tăng 3,1% so đầu năm, chiếm 99,1% tổng nguồn vốn huy động.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh tạo ra hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế. Kết quả đạt được trong 8 tháng năm 2024, tổng dư nợ cho vay đạt 103.300 tỉ đồng, tăng 5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,8%); trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 77.394 tỉ đồng, tăng 5,9% so đầu năm, chiếm 74,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 25.906 tỉ đồng, tăng 2,6% so đầu năm, chiếm 25,1% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 86.500 tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm 2024, chiếm 83,7% tổng dư nợ (trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 28.100 tỉ đồng, tăng 0,8% so đầu năm với 1.250 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 16.800 tỉ đồng, tăng 10,9% so đầu năm và chiếm 16,3% tổng dư nợ.
Phân theo các ngành kinh tế, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 16.200 tỉ đồng, tăng 2,8% so đầu năm, chiếm 15,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp - xây dựng đạt 23.500 tỉ đồng, chiếm 22,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các ngành thương mại - dịch vụ đạt 63.600 tỉ đồng, tăng 7,9% so đầu năm, chiếm 61,6% tổng dư nợ.
Nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế đã hồi phục, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; đồng thời, các TCTD thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn nên dư nợ cho vay tăng trưởng tốt. Các TCTD luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp; đến cuối tháng 8/2024, nợ xấu chiếm 1,7% tổng dư nợ.
Về thực hiện cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn, gồm: Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 5.465 tỉ đồng, cho vay xuất khẩu đạt 800 tỉ đồng, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.042 tỉ đồng.
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2025 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ đạt 60.200 tỉ đồng, tăng 6,5% so đầu năm và chiếm 58,3% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách đạt 4.235 tỉ đồng, tăng 5,9% so đầu năm; nợ xấu chiếm tỉ lệ 0,57% tổng dư nợ.
Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN, các chi nhánh NHTM đã triển khai quyết liệt. Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 380 tỉ đồng cho 140 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 353 tỉ đồng, dư nợ lãi là 27 tỉ đồng.
NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng quy chế, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, nhiều tiện ích, dễ sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều giải pháp tăng cường nhằm hỗ trợ khách hàng thu thập sinh trắc học, tạo điều kiện phát triển hệ thống thanh toán bảo mật, an toàn, thuận tiện và thông suốt cho khách hàng trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Hệ thống ATM/POS của các TCTD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 239 ATM và 941 POS, hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp.
Giải pháp đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024
Năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đề ra kế hoạch, mục tiêu về vốn huy động tăng 10 - 12% so năm trước; dư nợ tín dụng tăng từ 13 - 15% so năm 2023; tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.
Để đạt được kế hoạch mục tiêu đề ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quyết tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành Ngân hàng về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Tây Ninh; nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách để tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; kịp thời phản ánh, đề xuất, tham mưu chỉnh sửa cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, báo cáo NHNN, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hai là, theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2024/TT-NHNN); chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội và tín dụng 30.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản... đảm bảo thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.
Ba là, thực hiện tốt công tác thanh toán, tiền tệ kho quỹ và quản lý ngoại hối, vàng bạc trên địa bàn theo đúng quy định; thực hiện công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu cho TCTD, Kho bạc Nhà nước.
Bốn là, tiếp tục phối họp với các sở, ngành, địa phương và chỉ đạo các TCTD thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; các nhiệm vụ theo Đề án 06, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán.
Năm là, tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024; nghiêm túc thực hiện quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm túc các kiến nghị và kết luận thanh tra; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động các TCTD, kịp thời cảnh báo những rủi ro; thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; duy trì hoạt động của đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý kịp thời kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hoạt động của Ngành.
Sáu là, tiếp tục giám sát các QTDND triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong trao đổi thông tin, giám sát tình hình hoạt động QTDND trên địa bàn để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động và trong triển khai phương án xử lý QTDND hoạt động yếu kém.
Bảy là, thực hiện tốt công tác Quốc hội, quy chế phối hợp đã ký với các sở, ban, ngành tỉnh Tây Ninh; nhất là Quy chế phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Tây Ninh; phối hợp Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị đối thoại với TCTD trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành án dân sự.
Tám là, chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thuận tiện và dễ dàng hơn cũng như tạo sự đồng thuận trong dư luận về hoạt động của Ngành.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8/2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh.
2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2024 của Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh.
ThS. Trần Trọng Triết