Đánh giá năng lực số của thanh thiếu niên Việt Nam
Tóm tắt: Nhóm nghiên cứu lập ra các câu hỏi đánh giá năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam; một công cụ đánh giá với công cụ website digicom14.com để thanh thiếu niên biết mình ở đâu trong đại dương số này, đồng thời, là công cụ cho giáo viên, các nhà quản lý định hướng, điều chỉnh và hỗ trợ học sinh trong quá trình sử dụng công cụ số. Qua khảo sát thực tế trên 1.500 các bạn thanh thiếu niên từ độ tuổi 13 - 19 trong thời gian từ ngày 02/10/2024 đến ngày 02/11/2024 bằng công cụ website tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên toàn quốc, nhóm nghiên cứu đã có được những dữ liệu khái quát về hiện trạng sử dụng năng lực số tại một số trường/lớp và có thể trích xuất ra để các thầy cô, các nhà quản lý tham khảo.
Từ khóa: Năng lực số, các thành phần năng lực số của học sinh, thanh thiếu niên, Việt Nam.
ASSESSING THE DIGITAL COMPETENCE OF VIETNAMESE ADOLESCENTS
Abstract: The research team developed a set of digital competency assessment questions for Vietnamese adolescents, integrated into the website tool digicom14.com. This tool not only helps adolescents understand their position in the digital landscape but also serves as a resource for teachers and administrators to guide, adjust, support students in their use of digital tools.
Through a survey conducted on 1.500 adolescents aged 13 to 19 from October 2, 2024 to November 2, 2024, using the website-based tool in Hanoi and several provinces across Vietnam, the research team collected comprehensive data on the current situation of digital competency usage in some schools and classes. The data can also be extracted to serve as a reference for educators and policymakers.
Keywords: Digital competency, components of student digital competency, adolescents, Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Theo xu hướng hiện nay, trẻ em từ bảy tuổi trở lên khi biết đọc, biết viết đã có thể sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để chơi một số trò chơi đơn giản và giao tiếp với các thành viên trong gia đình, bạn bè qua các ứng dụng trực tuyến như: Email, zalo, viber, tiktok, facebook… và càng phổ biến với các học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi. Tuy gia đình và nhà trường đã có một số hạn chế cho các em sử dụng điện thoại thông minh nhưng cũng không thể cấm học sinh do đây là một công cụ hữu ích để giao tiếp và sử dụng trong đời sống thường ngày và học tập của các em.
Việc sử dụng máy tính truy cập internet, điện thoại thông minh là một nhu cầu chính đáng của thanh thiếu niên. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra định nghĩa: “Năng lực số là khả năng truy cập, quản trị, thấu hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho thị trường lao động phổ thông, các công việc cao cấp và khởi nghiệp kinh doanh”. Nó bao gồm các năng lực thường được biết đến như năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin hay năng lực truyền thông. Năng lực số được thừa nhận rộng rãi, bao gồm kiến thức và kỹ năng, thái độ.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một công cụ nào tại Việt Nam đánh giá năng lực số cho đối tượng là thanh thiếu niên - độ tuổi tò mò và thay đổi lớn nhất cũng như là công cụ cho giáo viên, người quản lý nắm bắt được xu thế theo từng trường/lớp/độ tuổi/giới tính/ khu vực địa lý để điều chỉnh và theo dõi, định hướng cho học sinh. Việc lập một công cụ như website/phần mềm để đánh giá năng lực số và phân tích dữ liệu sử dụng năng lực số của thanh thiếu niên là hết sức cần thiết và cấp bách.
2. Tổng quan nghiên cứu
Đo lường năng lực số của thanh thiếu niên Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu hiện nay. Đây là bước chuẩn bị thiết yếu cho tương lai, khi kỹ năng số không chỉ cần thiết trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đánh giá này giúp xác định mức độ sẵn sàng của thanh thiếu niên trước những cơ hội và thách thức của nền kinh tế số hóa. Không chỉ vậy, kết quả từ việc đo lường còn cung cấp dữ liệu để cải thiện cách thức giáo dục và đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Đồng thời, năng lực số không chỉ dừng lại ở việc sử dụng công nghệ mà còn là khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc khắc nghiệt, đặc biệt trong thời điểm thế giới đang “khát” nhân lực tài năng hơn bao giờ hết. Hơn nữa, đo lường năng lực số giúp xác định sự hiểu biết của những người trẻ khác nhau, từ đó sắp xếp công việc phù hợp với năng suất và độ hiệu quả cao nhất. Những việc này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế của Việt Nam.
Trên thế giới đã có một số nền tảng Web giúp đo lường và đánh giá năng lực số bao gồm:
1. DigCompSat
Công cụ đánh giá năng lực số dựa trên khung DigComp (Digital Competence Framework) của Liên minh châu Âu. DigCompSAT giúp người dùng tự đánh giá kỹ năng số của mình theo các tiêu chí như khả năng tìm kiếm thông tin, giao tiếp, giải quyết vấn đề và bảo mật dữ liệu.
2. ICDL - International Computer Driving License
Chứng chỉ ICDL cung cấp các bài kiểm tra năng lực số tiêu chuẩn quốc tế, đo lường khả năng sử dụng các công cụ và phần mềm công nghệ cơ bản đến nâng cao.
3. Northstar Digital Literacy Assessment
4. Digital Competence Wheel
Công cụ trực tuyến này dựa trên khung năng lực số của châu Âu, giúp người dùng tự đánh giá kỹ năng số của mình và nhận phản hồi chi tiết về các lĩnh vực cần cải thiện.
Tại Việt Nam, ngày 02/5/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành khung năng lực số dành cho sinh viên với bảy tiêu chí đánh giá, đồng thời các trường đại học khác cũng đang triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo đề xuất khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa được ban hành.
Việc có một công cụ website để thanh thiếu niên tự đánh giá mình ở đâu trong đại dương số, biết mình có những gì, cần những gì và cung cấp cơ sở dữ liệu để các thầy cô giáo, các tổ chức liên quan điều chỉnh chính sách giáo dục và đào tạo, cải thiện nguồn nhân lực trẻ của đất nước, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ngay tại thời điểm này là hết sức cần thiết.
3. Phương pháp nghiên cứu
Đề xuất 20 câu hỏi dành cho thanh thiếu niên Việt Nam dựa trên khung năng lực số châu Âu trên 4 mức độ: Cơ bản, trung cấp, nâng cao, chuyên sâu, đồng thời cũng chỉ ra khả năng áp dụng các năng lực này cho 5 phạm vi và các năng lực được thể hiện như sau:
Phạm vi 1 - Thông tin (Information): Để xác định, định vị, truy xuất, lưu trữ, tổ chức và phân tích thông tin số, đánh giá mức độ phù hợp và mục đích của thông tin.
Phạm vi 2 - Giao tiếp (Communication): Mỗi cá nhân có thể giao tiếp trong môi trường số, chia sẻ các nguồn lực thông tin thông qua các công cụ trực tuyến, liên kết với người khác, cộng tác thông qua các công cụ kỹ thuật số, tương tác và tham gia vào các cộng đồng, mạng lưới, nhận thức sự giao thoa văn hóa.
Phạm vi 3 - Tạo lập nội dung (Content creation): Tạo lập và chỉnh sửa nội dung mới (từ xử lý văn bản đến hình ảnh và video); tích hợp và chỉnh sửa lại kiến thức và nội dung trước đó; tạo ra những cách diễn đạt, sản phẩm truyền thông và lập trình có tính sáng tạo; giải quyết, áp dụng các quyền và giấy phép sở hữu trí tuệ trong môi trường số.
Phạm vi 4 - An toàn (Safety): Bảo vệ cá nhân người sử dụng, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ danh tính số, các biện pháp bảo mật, sử dụng an toàn và bền vững.
Phạm vi 5 - Giải quyết vấn đề (Problem solving): Xác định nhu cầu và tài nguyên số, đưa ra quyết định sáng suốt về việc lựa chọn các công cụ kỹ thuật số phù hợp với mục đích hoặc nhu cầu.
Các câu hỏi có ngôn ngữ gần gũi, trực quan với các bạn thanh thiếu niên Việt Nam, có thể thay đổi tùy chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên được các nội dung trong phạm vi đánh giá năng lực số.
Nghiên cứu lập website digicom14.com và lập các cơ sở dữ liệu phân tích kết quả đánh giá.
Cơ sở dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu đánh giá từ người dùng. Thông qua các hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin từ hàng nghìn hoặc hàng triệu người dùng có thể được tổ chức, phân tích và đánh giá một cách toàn diện. Các dữ liệu này bao gồm thông tin về hành vi kỹ thuật số, kết quả kiểm tra và quá trình học tập. Cơ sở dữ liệu không chỉ hỗ trợ việc lưu trữ dữ liệu, mà còn cung cấp nền tảng cho các công cụ phân tích, từ đó đưa ra các báo cáo, biểu đồ và kết luận chi tiết. Điều này giúp cải thiện quá trình đánh giá và phát triển các chiến lược đào tạo dài hạn.
Lập trình web là công cụ để đánh giá Năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam theo 5 khía cạnh năng lực số để chấm điểm:
1. Kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và thiết bị số: Hiểu biết và khả năng sử dụng công nghệ số, phần mềm, ứng dụng, cũng như quản lý thiết bị.
2. Kỹ năng sử dụng công cụ số: Khả năng sử dụng các công cụ, phần mềm và ứng dụng phục vụ cho học tập, làm việc và giao tiếp trực tuyến.
3. An toàn và bảo mật thông tin số: Hiểu biết về quyền riêng tư, an toàn mạng, bảo mật thông tin và cách bảo vệ bản thân trên không gian số.
4. Tư duy phản biện và kỹ năng xử lý thông tin số: Khả năng phân biệt thông tin chính xác, giải quyết vấn đề kỹ thuật số và tìm kiếm thông tin hiệu quả.
5. Sáng tạo và giao tiếp trên môi trường số: Khả năng sáng tạo nội dung và giao tiếp, tương tác với người khác trong môi trường số.
4. Kết quả nghiên cứu
Digicom14.com đã hoàn thành nhằm mục đích ứng dụng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ tự đánh giá năng lực số cho cho thanh thiếu niên Việt Nam với 20 câu hỏi tham khảo từ các khung năng lực số quốc tế, có thể tùy chỉnh tùy theo tình hình thực tế, có thể truy cập nhanh từ mã QR:
Các câu hỏi trực quan, ngôn ngữ gần gũi; thuật toán thực tế giúp phân loại năng lực cho học sinh và thanh thiếu niên; tạo gợi ý riêng dựa trên kết quả đánh giá cá nhân. Đồng thời, có thể tự đánh giá kết quả cá nhân đóng góp vào một bộ dữ liệu có quy mô khá lớn, ví dụ một bảng đánh giá cá nhân như sau: Năng lực số của bạn: 54 điểm; năng lực số trung bình: 44,45 điểm; năng lực số tối đa: 60 điểm.
Digicom14.com thu thập dữ liệu nhanh theo cấu trúc mong muốn, có thể tùy chỉnh theo yêu cầu; dữ liệu được xử lý và xuất theo mẫu báo cáo tự động, có thể phục vụ tốt cho các nghiên cứu định hướng đào tạo hoặc chính sách.
Digicom14.com trích xuất được dữ liệu theo biểu đồ, ví dụ trích xuất dữ liệu 153 người dùng với các kết quả cụ thể: Năng lực số trung bình 46,15/ 60 điểm.
Và có thể trích xuất dữ liệu qua bảng biểu từng trường để giáo viên và nhà quản lý theo dõi.
5. Đề xuất một số giải pháp về đào tạo nhân lực số tại các cơ sở giáo dục
Trên thế giới và Việt Nam đã có một số nghiên cứu về năng lực số, tuy có thể cách tiếp cận khác nhau nhưng với tuổi thanh thiếu niên Việt Nam thì chưa có một công cụ nào đánh giá khảo sát đơn giản dễ hiểu, dễ dùng. Digicom14.com là trang web ứng dụng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam được nhóm tác giả lập ra với mục đích hỗ trợ tự đánh giá năng lực số cho cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Việc sử dụng trang web là một công cụ hỗ trợ cho các nhà giáo dục, nhà quản lý để định hướng chính sách và hỗ trợ học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ cần phải nâng cấp và chỉnh sửa tiếp cho phù hợp với tình hình thực tế.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực tương lai tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng như sau:
Một là, đổi mới chương trình đào tạo: Phát triển các chương trình đào tạo mới, thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế cho các học phần, chương trình đào tạo đã có, đặc biệt là đào tạo kỹ năng số. Bên cạnh đó, do sự chi phối của kinh tế số, ứng dụng số, rất nhiều vị trí việc làm của ngành tài chính - ngân hàng yêu cầu kỹ năng số vượt trội hơn các kỹ năng về chuyên môn tài chính - ngân hàng, điều này đòi hỏi sự thay đổi về chương trình đào tạo hay phát triển mã ngành đào tạo mới mà kỹ năng số chiếm tỉ trọng cao.
Hai là, cần duy trì liên tục trao đổi, nghiên cứu, làm việc giữa các tổ chức tài chính - ngân hàng và cơ sở giáo dục đào tạo: Để đảm bảo yếu tố năng lực chuyên môn đầu ra mong muốn nói chung và yếu tố năng lực số nói riêng, các tổ chức tài chính - ngân hàng cần tạo điều kiện cho cán bộ tại các cơ sở giáo dục đào tạo tham quan, học tập, làm việc và thâm nhập tổ chức. Từ đó, họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức thực tế cho hoạt động giáo dục, đem lại nguồn lực tốt cho tổ chức trong tương lai.
Ba là, quy định, quy chế về kỹ năng số cần thiết đối với sinh viên ngành tài chính - ngân hàng: Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần đưa ra những yêu cầu về kỹ năng số cần thiết đối với sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, coi đó là chuẩn đầu ra để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các tổ chức tài chính - ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1.https://all-digital.org/projects/digcompsat/
2. https://icdl.org/
3. https://www.digitalliteracyassessment.org/
4. https://digital-competence.eu/
5. https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/dao-tao/vnu-ussh-ban-hanh-khung-nang-luc-so-danh-cho-sinh-vien-22606.html
6.https://baochinhphu.vn/de-xuat-khung-nang-luc-so-ap-dung-cho-nguoi-hoc-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan-102240923092036247.htm
7. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/10/28/khung-nang-luc-so-chau-au-va-gia-tri-tham-khao-trong-xay-dung-khung-nang-luc-so-cho-can-bo-cong-chuc-o-viet-nam/
8. https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-nang-luc-so-cho-nhan-luc-nganh-ngan-hang-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-th.htm
Trần Nguyễn Bảo Anh; Bùi Chi Mai