Vai trò truyền thông chính sách về hoạt động ngân hàng đối với đời sống xã hội hiện nay
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, việc ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống thanh toán quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đang là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Hiện nay, mỗi một chính sách về tài chính, tiền tệ, ngân hàng khi được ban hành sẽ ảnh hưởng và tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống Nhân dân.
Để kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện của NHNN đến công chúng, thì truyền thông đóng vai trò quan trọng, trong đó truyền thông chính sách là trụ cột số một.
Các cơ quan báo chí ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, góp phần quan trọng trong hoạt động truyền thông chính sách
1. Chính sách, báo chí, truyền thông và truyền thông chính sách
Chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định1. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hiểu chính sách kinh tế là tập hợp các biện pháp và hành động do Chính phủ thực hiện để tác động đến hoạt động kinh tế của đất nước theo một lộ trình được xác định. Hay nói cách khác, chính sách là một tập hợp các biện pháp của Nhà nước nói chung và của Chính phủ được thể chế hóa và đảm bảo thực thi để giải quyết các vấn đề của xã hội. Chính sách tiền tệ là một tập hợp các biện pháp và quyết định được thực hiện bởi NHNN để điều chỉnh nguồn cung tiền tệ và lãi suất trong nền kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu chính như ổn định giá, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Đối với ngành Ngân hàng, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, như các chính sách về an sinh xã hội, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, nông lâm ngư nghiệp, cho vay tiêu dùng, hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, cải tạo, sửa chữa lại chung cư cũ… và rất nhiều chính sách có giá trị nhân văn khác.
Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử 2. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách3. Đến thời điểm hiện nay, ngành Ngân hàng có các cơ quan báo chí như Tạp chí Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á (thuộc Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh), Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng (thuộc Học viện Ngân hàng); Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam); bên cạnh đó, NHNN có Cổng thông tin điện tử và nhiều ngân hàng thương mại có tờ thông tin riêng. Trong số các cơ quan báo chí đó, Tạp chí Ngân hàng là cơ quan ngôn luận và diễn đàn về lý luận nghiệp vụ, khoa học và công nghệ ngân hàng, có chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động ngân hàng và những thành tựu về khoa học công nghệ ngân hàng. Cùng với Tạp chí Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng cũng là cơ quan ngôn luận của NHNN, là diễn đàn về xã hội và hoạt động ngân hàng.
Theo đó, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí trong ngành Ngân hàng đảm nhiệm chức năng thông tin, tuyên truyền, phổ biến góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đồng thời, phản ánh, hướng dẫn dư luận xã hội về hoạt động ngân hàng. Đây chính là các kênh kết nối tiếng nói giữa cơ quan quản lý, người thực hiện với người dân.
Truyền thông, là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm…, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng/xã hội.4 Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân. Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách. Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp5. Với tính chất đặc thù quan trọng của ngành Ngân hàng, một trong những những nhiệm vụ được Chính phủ giao NHNN đó là “Quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của NHNN”6; theo đó, tại Quyết định số 948/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 của Thống đốc NHNN quy định Vụ Truyền thông là đơn vị hành chính của NHNN có chức năng giúp Thống đốc NHNN thực hiện chức năng của cơ quan chủ quản báo chí đối với các cơ quan báo chí của NHNN theo quy định của pháp luật và của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Vai trò của truyền thông chính sách đối với hoạt động ngân hàng
Truyền thông đóng vai trò dẫn dắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Chính phủ, kế hoạch triển khai và hành động của ngành Ngân hàng về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến đông đảo công chúng. Do vậy, truyền thông chính sách về tiền tệ, tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lớn đến nhận thức của rất nhiều đối tượng khác nhau, qua đó giúp công chúng nhận thức rõ về các chính sách để ứng xử và hành động phù hợp một cách an toàn, bởi các hoạt động ngân hàng liên quan mật thiết và trực tiếp đến tài chính của từng cá nhân, tổ chức.
Ngành Ngân hàng đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Công nghệ số đang thay đổi cách thức hoạt động của ngân hàng, từ việc cung cấp dịch vụ cho đến quản lý rủi ro. Trong bối cảnh này, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngân hàng thích ứng với sự thay đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng đối với hoạt động ngân hàng, được thể hiện ở các vai trò sau:
Thứ nhất, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tiền tệ quốc gia để NHNN triển khai và tuyên truyền. Các chính sách của Chính phủ và NHNN có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính nói riêng và đặc biệt có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nhân dân. Do đó, việc cập nhật thông tin chính xác và kịp thời về các chính sách mới là vô cùng quan trọng. Truyền thông chính sách giúp rất nhiều đối tượng có liên quan, bao gồm cả các ngân hàng nắm bắt và hiểu rõ các quy định mới, từ đó đưa ra chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Thứ hai, truyền thông chính sách giúp ngân hàng giải thích các chính sách mới, các quy định chuyên ngành phức tạp cho khách hàng. Thông thường những chính sách của Chính phủ và NHNN thường được viết bằng ngôn ngữ pháp lý chuyên môn và các thiết kế kỹ thuật đặc thù nên cần có sự thuyết minh và giải thích sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng nắm bắt, hiểu và thực hiện. Truyền thông chính sách sẽ đóng vai trò giúp ngân hàng giải thích các quy định phức tạp cho khách hàng, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong cộng đồng.
Thứ ba, truyền thông chính sách cũng góp phần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của ngân hàng. Việc công khai thông tin hoạt động thông qua truyền thông chính sách giúp ngân hàng tăng cường sự giám sát của xã hội, từ đó nâng cao uy tín và thu hút khách hàng.
Thứ tư, truyền thông chính sách còn là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong ngành Ngân hàng. Thông qua việc tiếp cận các công nghệ mới và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
3. Giải pháp nâng cao vai trò truyền thông chính sách ngành Ngân hàng
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” là mục tiêu quan trọng để phát triển hệ thống báo chí, truyền thông trong thời gian tới. Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, trong đó đề ra mục tiêu “Tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Tại Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực nêu rõ: “Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị”. Theo đó, trong thời gian tới, truyền thông ngành Ngân hàng cần hướng tới các mục đích:
(i) Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN để chủ động kịp thời thông tin, truyền thông về các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành của NHNN, các vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng, qua đó, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư vào chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
(ii) Tăng cường hiệu quả truyền thông, nêu cao trách nhiệm của các đơn vị trong ngành Ngân hàng, nhất là các tổ chức tín dụng trong việc truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của truyền thông chính sách, NHNN cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả. Chiến lược truyền thông cần xác định mục tiêu, đối tượng, thông điệp và kênh truyền thông phù hợp. Mục tiêu của chiến lược truyền thông cần cụ thể, đo lường được, có tính khả thi, tính liên quan và có thời hạn. Bên cạnh đó, đối tượng truyền thông cần được xác định rõ ràng để lựa chọn thông điệp phù hợp.
Hai là, tăng cường đầu tư cho công tác truyền thông. Việc đầu tư vào công nghệ giúp ngân hàng truyền thông chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đầu tư vào con người giúp ngân hàng xây dựng đội ngũ nhân viên truyền thông chuyên nghiệp. Đầu tư vào nội dung giúp ngân hàng tạo ra các sản phẩm truyền thông chất lượng.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông. Việc phối hợp với các cơ quan truyền thông của Chính phủ, của các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội và các tổ chức tín dụng giúp ngân hàng tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách. Để làm tốt nội dung này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng, thực hiện trách nhiệm tham mưu của cơ quan chủ quản báo chí, thì Vụ Truyền thông NHNN sẽ là cơ quan tham mưu triển khai thực hiện.
Việc thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách sẽ giúp ngành Ngân hàng hoạt động hiệu quả, minh bạch và sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn ngành Ngân hàng và cả nền kinh tế./.
1 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
2 Luật Báo chí năm 2016.
3 Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
4 Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên) và Đỗ Thị Thu Hằng. Nxb Chính trị quốc gia; H. 2012.
5 Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
6 Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 146, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội năm 2021.
2. Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/4/2016.
3. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
4. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
5. PGS., TS. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), TS. Đỗ Thị Thu Hằng (2012). Truyền thông, lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. PGS., TS. Nguyễn Thành Lợi (2019). Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, Nxb. Thông tin và Truyền thông.
7. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
8. Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Hội đồng Lý luận Trung ương (2023). 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Khởi nguồn và động lực phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
9. Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN.
10.Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực.
ThS. Trần Phú Dũng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam