Từ khóa: Làm việc tại nhà, làm việc từ xa, Work From Home, WFH, mô hình kết hợp.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng và xáo trộn tồi tệ trên toàn thế giới, cũng như Việt Nam. Social distancing - giãn cách xã hội và làm việc tại nhà - WFH là những cụm từ được sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây.
Hai năm qua, các tổ chức, doanh nghiệp bị tác động rất mạnh bởi cơn bão đại dịch Covid-19, các dòng tiền bị dừng đột ngột, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu đều bị đình trệ, đứt gãy do đi lại bị phong tỏa, giãn cách. Để ngăn chặn sự lây nhiễm, tránh tình trạng đóng băng, thua lỗ và duy trì được hoạt động kinh doanh, công việc văn phòng thì làm việc từ xa trở thành giải pháp tối ưu của các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động. Một xu hướng tất yếu đó là phải tự chuyển đổi để thích nghi với hình thức WFH. Dù muốn hay không, hình thức làm việc từ xa có lẽ sẽ trở thành xu hướng nổi bật không chỉ ở thời điểm hiện tại mà chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để thay đổi trong tương lai.
1. WFH là gì?
WFH dịch theo tiếng Việt nghĩa là “Làm việc tại nhà” hay “Làm việc từ xa”. WFH chính là hình thức làm việc tại nhà hoặc tại các địa điểm ngoài văn phòng, doanh nghiệp, công ty, hình thức làm việc này đã xuất hiện từ rất lâu về trước và đã được áp dụng cho một số ngành nghề, công việc không yêu cầu người lao động phải làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.
WFH đang là xu hướng làm việc mới trên toàn cầu (Ảnh: TNT)
Trước đây, WFH không được các nhà quản lý khuyến khích bởi có thể nhân viên chưa tập trung trong công việc, người quản lý khó giám sát và theo dõi quy trình làm việc của nhân viên, không trực tiếp quản lý nhân viên cũng như thiếu các công cụ báo cáo, giám sát trực tiếp về công việc. Tuy nhiên, đến năm 2020, WFH lại được xem là xu hướng làm việc tất yếu mà các doanh nghiệp phải tuân thủ. WFH trong quá khứ không mang đến hiệu quả tối ưu, nguyên nhân là do các hạn chế về công nghệ. Do đó, nhân viên WFH thường chưa được xem là nhân viên quan trọng và chưa được đánh giá cao.
Hiện nay, nhờ có công nghệ phát triển, WFH có thể cho thấy các ưu điểm và lợi ích của mình. Công nghệ và phần mềm hỗ trợ giúp các nhà quản lý có thể giám sát và điều hành nhân sự của mình thông qua các thiết bị kết nối Internet. WFH có thể áp dụng cho nhiều hình thức kinh doanh khác nhau.
Đối với các nhân viên, họ sẽ gọi hình thức làm việc này là sự thay đổi chỗ làm từ văn phòng về nhà, “nhà ở đâu, làm việc ở đấy”. Đối với các lãnh đạo công ty, họ sẽ gọi là “làm việc từ xa”. Với họ, không chỉ thay đổi nơi làm việc, mà còn là thay đổi hình thức quản trị công ty, quản lý nhân viên và phân bổ công việc. Dù gọi với bất cứ cái tên nào đi chăng nữa thì sự thay đổi nào cũng cần thời gian và sự chấp nhận. Khi biết chấp nhận hoàn cảnh công việc mới, đó là lúc bạn đã sẵn sàng để tiếp thu những điều mới. Và cái tên gọi “Work From Home - WFH” được dùng chung cho cả người lao động và người sử dụng lao động khi nói về làm việc tại nhà.
2. Trước đại dịch Covid-19, WFH diễn ra như thế nào?
Vào những năm 1940, khi Nhật Bản đang cần thay đổi trước tình trạng nền kinh tế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đất nước này đã thay đổi cơ cấu tài chính từ tập đoàn gia đình trị Zaibatsu thành liên minh giữa các công ty, gọi là Keiretsu. Mỗi Keiretsu là một tổ chức tài chính và việc sở hữu cổ phần chéo giữa các công ty trong mạng lưới. Họ phải kinh doanh với những người làm việc ở các địa điểm và các ngành khác nhau, trong mối quan hệ hai chiều của sự trao đổi đầu tư. Với sự sáng tạo của hệ thống mạng lưới mới mẻ này, thế giới làm việc từ xa được hình thành.
Theo sự phát triển của Internet, hình thức làm việc từ xa dần dần có sự hỗ trợ của công nghệ. Đặc biệt, khi suy thoái xảy ra, nhiều công ty buộc phải tận dụng hình thức làm việc này đối với nhân viên. Xét về hình thức làm việc từ xa của các năm về trước với thời điểm hiện tại, tuy cách thức làm việc giống nhau, đều sử dụng công nghệ để làm việc từ xa, nhưng trạng thái tinh thần lại khác nhau.
Tại Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, chỉ 7,5% người khảo sát đã làm việc tại nhà.
3. Đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã xuất hiện từ đầu năm 2020 và bùng phát cao điểm lần thứ tư diễn ra nghiêm trọng với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm, lây lan rất nhanh, khó kiểm soát, đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, làm đảo ngược các thành quả phòng, chống dịch trước đây.
Đến ngày 30/9/2021, thế giới ghi nhận hơn 234 triệu ca mắc Covid-19, trên 4,7 triệu trường hợp tử vong. Việt Nam đã ghi nhận khoảng 787.000 ca mắc, 606.000 người đã khỏi bệnh (74%); có 13/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Tỷ lệ mắc bệnh trên một triệu dân của Việt Nam xếp thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ba đợt dịch trước đây, công tác phòng, chống dịch dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị và công thức 5K, đã thành công trong phòng, chống dịch với các chủng ban đầu.
Với hầu hết mọi người làm việc tại nhà, WFH đang là một tình thế bất đắc dĩ, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh, việc hạn chế đi lại và cách ly là điều bắt buộc. Đối với các nhân viên, có thể sẽ có nhiều người thích, nhiều người không. Nhưng đây, có thể là một hình thức làm việc mặc định giữa đại dịch lịch sử. Điều này khiến những nhân viên khi WFH dần học được sự linh hoạt trong phong cách làm việc, bởi WFH như một trải nghiệm thích ứng với tình hình mới. Các công ty, doanh nghiệp có triển khai được WFH như một cứu cánh hữu hiệu mùa dịch, vừa thực hiện đúng quy định giãn cách, giúp mọi người an toàn hơn trong mùa dịch mà vẫn tạo ra giá trị quan trọng cho tổ chức, tạo lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức không thực hiện được WFH.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, trong đợt dịch thứ tư này, có tới 81,8% nhân viên WFH. Trong đó, ngành Ngân hàng chiếm 67,8%; Kế toán, kiểm toán 6,3%; Công ty tài chính 4,1%; ngành khác 21,7%. Vẫn còn 10,7% nhân viên không thể WFH do tính chất công việc hoặc không đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ để WFH. (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Kết quả khảo sát mức độ WFH
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời với chính sách thận trọng trong phòng dịch tại Hà Nội, nên tỷ lệ nhân viên tại hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh WFH đã chiếm 74,1%, cao hơn các khu vực tỉnh, thành, khác như khu vực Miền Trung 13,9%; khu vực phía Bắc (ngoài Hà Nội) 5,6%; khu vực phía Nam (ngoài TP. Hồ Chí Minh) 6,4%.
Các lợi ích khi thực hiện WFH
Qua kết quả khảo sát, trên 70% người tham gia khảo sát cho rằng, WFH giúp phòng tránh dịch bệnh tốt hơn cho bản thân, tuân thủ các quy định, hưởng ứng tinh thần phòng dịch và có trách nhiệm hơn với cộng đồng trong phòng dịch. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19.Trên 50% người tham gia khảo sát cho rằng, WFH tạo cảm giác thoải mái hơn so với làm việc tại văn phòng vì trang phục làm việc thoải mái hơn, tạo cảm giác an toàn, thoải mái hơn khi không phải điều khiển phương tiện giao thông và có thời gian làm việc linh hoạt hơn.
54% nhân viên JP Morgan Chase thích địa điểm và thời gian làm việc được linh hoạt.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 48,6% người lao động WFH giúp họ gần gũi hơn với gia đình, so với trước đây khi làm việc toàn thời gian ở văn phòng họ chưa có được. (Biểu đồ 2).
Trong một cuộc khảo sát với 25.000 nhân viên từ các nước như Pháp, Úc, Nhật Bản, Nga... cho thấy, 2/3 trong số họ cảm thấy làm việc online hay từ xa hiệu quả hơn. Thực tế, con người luôn đòi hỏi công việc phải có sự cân bằng giữa công sở, gia đình, quan hệ xã hội và các lợi ích cá nhân, tính linh hoạt trong công việc… và hình thức làm việc từ xa cho phép nhân viên cân bằng được những nhu cầu này.
Theo Bloomberg, Fujitsu thông báo sẽ giảm 50% không gian văn phòng tại Nhật trong vòng 3 năm tới. Công ty cũng khuyến khích khoảng 80.000 người lao động WFH. Ngoài Fujitsu, nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Facebook, Google, Twitter, Amazon cũng đã có lựa chọn WFH cho nhân viên kể cả sau dịch.
Trong thời kỳ khảo sát, thời gian WFH bình quân một tuần 4,39 ngày/tuần. Trong đó, có 72% đang làm việc 100% tại nhà (cả 5 ngày/tuần). Với thời gian làm việc bình quân là 8,2 giờ/ngày, cao hơn mức quy định 8 giờ/ngày khi làm việc tại văn phòng, điều đó thể hiện sự tự giác và nỗ lực của nhân viên. (Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Thời gian WFH trung bình khi đại dịch Covid-19 (ngày/tuần)
Khi WFH, mỗi người tiết kiệm chi phí, thời gian khi không tham gia giao thông và 58% cảm thấy an toàn, thoải mái hơn khi không phải điều khiển phương tiện giao thông, giúp giảm tai nạn giao thông, giảm một phần chi phí đi lại.
Những người có năng suất cao hơn khi WFH là nhưng người nỗ lực làm việc khi ở nhà nhiều thời gian hơn (9 giờ/ngày). 53,4% nhân viên WFH có năng suất thấp hơn, một phần họ làm việc ít hơn (7,9 giờ/ngày) và có thể họ còn chưa quen với phương thức làm việc này hoặc chưa được hỗ trợ, kết nối tốt từ văn phòng. (Bảng 1).
Bảng 1: Kết quả khảo sát về năng suất làm việc khi WFH
Hạn chế khi thực hiện WFH
WFH cũng có những hạn chế nhất định: Tỷ lệ 44,5% người khảo sát cho rằng, WFH thiếu tiếp xúc trực tiếp làm giảm ý tưởng sáng tạo; 36,3% người khảo sát cảm thấy cô đơn, thiếu tính kết nối với tổ chức; 35,6% người khảo sát thấy nhớ đồng nghiệp (thấp hơn mức trên 50% tại cuộc khảo sát 29 quốc gia của IPSOS tại diễn đàn Kinh tế thế giới). (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4: Tỷ lệ đồng ý với các hạn chế mang lại khi WFH
Điều đáng lưu ý là 64% người có năng suất lao động thấp hơn là phụ nữ có con dưới 17 tuổi, với thời gian làm việc bình quân của họ cũng là 7,9 giờ/ngày, họ thiếu tập trung và bị ảnh hưởng tới công việc chăm sóc con và công việc nhà.
4. Xu hướng WFH trong tương lai và một số phát hiện từ nghiên cứu
WFH ngày càng quan trọng và cần thiết, đây không chỉ là một phương thức làm việc trong mùa dịch mà còn là trạng thái “bình thường mới” của các tập đoàn sau đại dịch Covid-19: Giờ làm việc của nhân viên được linh động hơn, giảm tai nạn giao thông, giảm một phần chi phí đi lại, giúp công ty “tối ưu chi phí”. Đây có thể nói là một “hướng đi” mới cho các doanh nghiệp khi vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh, vừa đạt được hiệu quả công việc và lợi ích sức khỏe cho nhân viên.
Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam về xu hướng làm việc trong tương lai tại khảo sát này đã chỉ ra:
(1) 36,5% ý kiến mong muốn tiếp tục WFH sau khi kết thúc đại dịch hoặc trong tương lai.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tai hại hơn mọi dự báo, đà hồi phục chậm hơn so với mong đợi kéo theo tình trạng người thất nghiệp quá nhanh. Các công ty cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên hoặc cắt giảm lương, hàng loạt người bị mất việc, nhiều người WFH trong thời gian giãn cách xã hội hòa chung vào thị trường lao động tự do. Khi đã làm quen được với hình thức WFH hoặc làm việc từ xa, có lẽ nhiều người chợt nhận ra, hóa ra làm việc từ xa cũng có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thị trường này sẽ trở thành một miếng bánh khó “nuốt” nếu bạn không có những lợi thế cạnh tranh về kỹ năng lẫn kinh nghiệm, nếu không chứng minh được mình có tiềm năng thì “cơ hội vượt trội” của bạn sẽ rất khó.
(2) Số người được hỏi mong muốn sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 hoặc trong tương lai WFH bình quân 2,55 ngày/tuần (cao hơn một chút so với khảo sát tại 29 quốc gia là 2,5 ngày. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức người lao động các nước châu Á muốn WFH lần lượt là 3,4 ngày/tuần tại Indonesia; 2,9 ngày/tuần tại Singapore và 2,8 ngày/tuần tại Malaysia.
Theo Harvard Business Review tháng 8/2021: Nhân viên muốn WFH trung bình 2,5 ngày một tuần và 80% người Mỹ muốn WFH ít nhất một ngày mỗi tuần; mong muốn WFH và cắt giảm việc đi lại đã tăng lên khi đại dịch vẫn kéo dài và nhiều người ngày càng trở nên thoải mái hơn với những tương tác từ xa giữa con người với nhau. Sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Delta cũng làm giảm động lực cho việc sớm quay trở lại văn phòng toàn thời gian.
(3) Chỉ có 10,7% người lao động làm công việc văn phòng không WFH trong thời điểm khảo sát từ ngày 19/9/2021 đến hết ngày 30/9/2021.
Cuộc khảo sát tại 29 quốc gia của IPSOS cho Diễn đàn Kinh tế thế giới nhấn mạnh sự chuyển đổi sang làm việc từ xa do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước đại dịch, chưa đến một phần tư (24%) làm việc chủ yếu ở nhà; trên toàn cầu, 53% cho biết họ chủ yếu hoặc luôn luôn làm việc trong văn phòng. Tại thời điểm khảo sát, được thực hiện từ ngày 21/5/2021 đến ngày 04/6/2021, con số đó đã giảm xuống còn 39% và mức độ mà mọi người đang làm việc chủ yếu hoặc hoàn toàn ở nhà rất khác nhau giữa các quốc gia: Từ ít nhất một nửa số người được khảo sát ở Nam Mỹ, Malaysia, Singapore và Nam Phi, đến 21% ở Nga và chỉ 15% ở Trung Quốc, tại Việt Nam là 36,5%.
(4) Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, người khảo sát có tỷ lệ WFH cao và đang dịch chuyển rất mạnh từ làm việc tại văn phòng sang WFH: Trước đại dịch, chỉ 7,5% WFH; trong đợt dịch lần thứ tư, con số này tăng lên 89,3% do hệ quả của đại dịch Covid-19 và có 36,5% người khảo sát vẫn mong muốn WFH khi đại dịch kết thúc hoặc trong tương lai.
Cuộc khảo sát 29 quốc gia của IPSOS: Ngày nay, khoảng ba phần tư (76%) hiện đang WFH cho biết đó là hệ quả của đại dịch Covid-19.
(5) Khoảng 3/4 người được hỏi mong muốn tổ chức cho phép người lao động duy trì sự linh hoạt trong công việc (lựa chọn địa điểm, lịch trình, thời gian làm việc và phương thức tuyển dụng linh hoạt).
(6) Gần 1/3 người được hỏi cân nhắc tìm việc khác với mức lương và trách nhiệm tương đương nếu công ty muốn họ quay lại văn phòng toàn thời gian.
Theo Harvard Business Review tháng 8/2021: Họ tiết lộ rằng, hơn 40% nhân viên Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tìm kiếm một công việc khác hoặc nghỉ việc ngay lập tức nếu được yêu cầu quay lại văn phòng toàn thời gian. Không có gì ngạc nhiên khi Goldman Sachs vừa công bố mức tăng lương 30% cho các nhân viên mới. Nếu bạn muốn nhân viên trở lại văn phòng toàn thời gian, bạn phải trả tiền cho việc đó.
Theo The Wall Street Journal ngày 06/7/2021: Các tập đoàn tài chính lớn như Goldman Sach và JPMorgan Chase đang thực hiện gọi nhân viên trở lại trực tiếp làm 5 ngày một tuần tại New York. Họ có thể mất đi một số nhân viên tài năng thích sự linh hoạt so với đối thủ sẵn sàng cạnh tranh như CityGroup vẫn áp dụng cho nhân viên WFH.
Để WFH hiệu quả hơn, kết quả khảo sát chỉ ra:
(1) Khoảng 9/10 người lao động WFH mong muốn tổ chức hỗ trợ họ hiểu và cải thiện quy trình phù hợp với WFH; chuẩn bị tốt các công cụ kết nối với văn phòng và dữ liệu; giao mục tiêu và đánh giá công việc phù hợp với phương thức WFH; đồng thời, cần thiết lập các cuộc họp, kết nối, quan tâm hỗ trợ họ cải thiện năng suất công việc kịp thời.
(2) Khoảng 8/10 người lao động cho rằng để làm việc WFH hiệu quả hơn họ cũng cần chủ động: Lên kế hoạch công việc và xác định sẵn các lịch làm việc nhóm; tạo một không gian văn phòng tại nhà, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị và công cụ kết nối với văn phòng.
5. Nhận định và một số khuyến nghị
Trong đại dịch Covid-19, WFH được xem là phương thức làm việc tất yếu mà các doanh nghiệp và người lao động phải tuân thủ. Từ năm 2020 đến nay, WFH giúp họ phòng tránh dịch bệnh tốt hơn; tuân thủ các quy định và hưởng ứng tinh thần phòng dịch và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm bùng dịch lần thứ tư tại Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Biểu đồ 5: Mong muốn của người lao động khi WFH
WFH không chỉ là một phương thức làm việc trong mùa dịch, thực ra nó là trạng thái “bình thường mới” của các tập đoàn, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Đây có thể là một xu hướng mới cho các doanh nghiệp để vừa duy trì được hoạt động kinh doanh, vừa đạt được hiệu quả công việc và mang lại lợi ích, sức khỏe cho nhân viên.
WFH đang là xu hướng mới trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động dịch chuyển theo xu hướng này tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh; để thu hút, giữ chân nhân tài và tạo ra giá trị cho cả tổ chức và người lao động.
Đối với doanh nghiệp
Để đạt hiệu quả hơn trong phương thức WFH theo mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà, doanh nghiệp cần lưu ý một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, cho phép người lao động lựa chọn phương thức làm việc linh hoạt giữa làm việc tại văn phòng và WFH phù hợp với đặc điểm kinh doanh, văn hóa của tổ chức.
Thứ hai, chuẩn bị tốt hơn công cụ kết nối văn phòng và dữ liệu từ xa, đảm bảo thuận tiện và an toàn. Cải thiện quy trình phù hợp khi làm việc từ xa.
Thứ ba, linh hoạt hơn trong tuyển dụng từ xa, cân nhắc cẩn trọng nếu chính sách yêu cầu người lao động phải làm việc toàn phần tại văn phòng để thu hút và giữ chân nhân tài, những người thích WFH nếu họ muốn chuyển đổi.
Thứ tư, đầu tư và thiết kế văn phòng linh hoạt, tối ưu phù hợp với xu hướng làm việc từ xa.
Thứ năm, tăng cường đào tạo và hỗ trợ cần thiết nhân viên WFH, kết nối với đội nhóm, đồng nghiệp, giúp nhân viên cảm thấy đỡ nhớ đồng nghiệp và gắn kết hơn với tổ chức.
Đối với người lao động
Để phương thức WFH theo mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà hiệu quả hơn, người lao động cần lưu ý một số khuyến nghị sau:
(1) Cần tạo một không gian văn phòng phù hợp nhất tại nhà.
(2) Chuẩn bị tốt nhất các công cụ làm việc và kết nối với văn phòng.
(3) Lập danh sách việc cần làm, ưu tiên công việc trọng tâm, tạo giá trị quan trọng. Chủ động chuẩn bị và hẹn giờ các lịch họp trước thời gian bắt đầu, kết nối tốt, chuyên nghiệp khi tương tác nhóm online.
(4) Chủ động hiểu các quy định liên quan đến công việc và tích cực góp ý tưởng cải thiện quy trình phù hợp với làm việc từ xa, tăng năng suất làm việc.
(5) Chủ động đề xuất sự hỗ trợ từ tổ chức, tham gia các hội, nhóm cải thiện công việc, nâng cao hiệu suất và sức khỏe tinh thần khi WFH.
Đại dịch Covid-19 vẫn trở thành thách thức với xã hội và chưa thể kiểm soát ngay trong thời gian tới, nhưng dù có khó khăn đến đâu, việc phải đối diện với nó là điều bắt buộc, bởi sự bùng phát này đã tạo ra sự thay đổi lâu dài trong cách con người làm việc và sinh hoạt. Thế giới thay đổi không ngừng, chúng ta phải tạo ra các cơ hội mới trong tình hình mới.
Làm việc từ xa hay làm việc tại công ty chỉ là hình thức làm việc, quan trọng là dù bạn làm ở đâu, trong môi trường, hoàn cảnh nào, cũng cần linh hoạt và nỗ lực học tập không ngừng, đó mới là vũ khí giúp bạn sống tốt giữa thời đại thiên biến vạn hóa rất nhanh này. Vì vậy, hãy WFH với “Cả trái tim và tinh thần nhiệt huyết”.