Về phương diện pháp lý, Kiểm toán nội bộ NHNN đã được quy định khá đầy đủ, cụ thể trong Luật NHNN năm 2010 với mục tiêu là đánh giá về hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm độ tin cậy của báo cáo tài chính, hiệu lực của các hoạt động, tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình của NHNN, bảo đảm an toàn tài sản. Trong những năm qua, Kiểm toán nội bộ NHNN đã có nhiều chuyển biến phù hợp với sự phát triển của NHNN qua các thời kỳ. Xuyên suốt quá trình hoạt động của mình, Kiểm toán nội bộ NHNN luôn được duy trì, giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu, giúp Thống đốc và Ban Lãnh đạo NHNN duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ hoạt động các đơn vị thuộc NHNN, góp phần đảm bảo sự ổn định, lành mạnh, hiệu lực, hiệu quả trong các mặt hoạt động của NHNN, đảm bảo an toàn về tiền, tài sản được Nhà nước giao cho NHNN quản lý, bảo quản.
1. Sự cần thiết của việc ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN
Trong những năm gần đây, công tác kiểm toán nội bộ đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các bộ, ngành với khuôn khổ pháp lý về kiểm toán nội bộ đã dần được hình thành, cụ thể: Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ (Nghị định số 05/2019/NĐ-CP); Thông tư số 67/2020/TT-BTC ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 08/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc nghiên cứu về hoạt động kiểm toán nội bộ còn khá mới mẻ, mới dừng lại ở việc ban hành các Sổ tay kiểm toán dùng trong nội bộ các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) và Sổ tay mẫu do Bộ Tài chính ban hành theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP; tuy nhiên, các Sổ tay và hướng dẫn trên không hướng dẫn đối với mô hình, tổ chức hoạt động Kiểm toán nội bộ của NHNN. Mặt khác, tháng 11/2004, trên cơ sở hỗ trợ và tài liệu cung cấp của các chuyên gia dự án GTZ (Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức), NHNN đã ban hành cuốn "Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN" đầu tiên; tuy nhiên, sau 20 năm ban hành, cuốn Sổ tay chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung và cập nhật định kỳ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở ban hành Sổ tay, quy định, quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ đã có nhiều thay đổi và một số phương pháp, kỹ năng thực hành kiểm toán mới chưa được đề cập theo chuẩn mực quốc tế cũng như quy định mới của NHNN về kiểm toán nội bộ.
Đồng thời, căn cứ kết quả làm việc của Đoàn công tác Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ kỹ thuật về nâng cao chức năng kiểm toán nội bộ tại NHNN trong giai đoạn 2022 - 2023, Đoàn công tác đã đưa ra khuyến nghị về việc NHNN cần xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ toàn diện dựa trên Điều lệ mẫu của IIA nhằm xác định rõ trách nhiệm giải trình và phạm vi công việc của Vụ Kiểm toán nội bộ; mô tả cách thức đạt được phạm vi kiểm toán tổng thể và cách xếp hạng từng đơn vị được kiểm toán trong phạm vi tổng thể dựa trên mức độ rủi ro được đánh giá; hướng dẫn cách thức thực hiện các cuộc kiểm toán; hướng dẫn về cách lập kế hoạch, thực hiện, báo cáo và theo dõi các cuộc kiểm toán và xây dựng, lưu giữ các hồ sơ kiểm toán.
Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với hoạt động kiểm toán nội bộ tại NHNN là việc phải thực hiện tập hợp và xây dựng cuốn Sổ tay để làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động kiểm toán được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ban Lãnh đạo NHNN, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác kiểm toán nội bộ thông qua việc cung cấp cho người làm công tác kiểm toán nội bộ phương tiện hiệu quả trong quá trình tác nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đặc thù công việc kiểm toán và yêu cầu cập nhật đồng bộ các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới.
2. Nội dung của Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN
Thứ nhất, về cấu trúc Sổ tay, trên cơ sở Quyết định số 1207/QĐ-NHNN ngày 21/6/2023 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng cấp Bộ năm 2023 của NHNN, cùng kết quả nghiên cứu, xây dựng của Nhóm xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN, Sổ tay được xây dựng bao gồm các nội dung sau: (1) Quy định chung về kiểm toán nội bộ; (2) Quy trình kiểm toán nội bộ; (3) Quy trình về đảm bảo và cải tiến chất lượng kiểm toán nội bộ; (4) Định hướng xây dựng phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro kèm bốn phụ lục liên quan về các mẫu biểu kiểm toán nội bộ, chuẩn mực kiểm toán theo IIA, lưu đồ quy trình kiểm toán nội bộ và chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ được rút gọn trên nội dung Đề án xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN. Sổ tay đưa ra cụ thể mục tiêu, phạm vi, cơ cấu tổ chức, quy chế, cơ chế báo cáo, công nghệ thông tin, đào tạo, phát triển nghề nghiệp của kiểm toán nội bộ; tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nội bộ; quy trình lập kế hoạch kiểm toán nội bộ; quy trình kiểm toán nội bộ cho từng cuộc kiểm toán và quy trình kiểm toán các nghiệp vụ: Tài chính, tuân thủ và hoạt động, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hệ thống công nghệ thông tin, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và hoạt động an toàn kho quỹ. Mỗi quy trình kiểm toán nghiệp vụ nêu cụ thể về nội dung kiểm toán, diễn giải chi tiết các bước thực hiện kiểm toán và đưa ra một số rủi ro trọng yếu.
Thứ hai, điểm mới của Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN là đề cập đến việc xây dựng phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro, đây là nội dung chính định hướng phát triển và hoàn thiện cơ chế chính sách của hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN trong thời gian tới nhằm tiệm cận với thông lệ quốc tế của Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ của IIA, mô hình về Quản trị rủi ro và Kiểm soát nội bộ COSO (Committee of Sponsoring Organizations - Ủy ban các tổ chức tài trợ thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính), hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000:2018 và các quy định có liên quan khác.
Phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro là phương pháp kiểm toán xuất phát từ việc xác định, đánh giá các rủi ro của tổ chức để xây dựng kế hoạch kiểm toán và lựa chọn các thủ tục kiểm toán nhằm đưa ra sự đảm bảo cho các nhà lãnh đạo, quản lý về tính hiệu quả và tính hiệu lực của các quy trình quản lý rủi ro. Phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro nhằm: (i) Đảm bảo các công chức thực hiện kiểm toán nội bộ NHNN nắm rõ hiểu biết tổng quát về đối tượng kiểm toán và các hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ của đối tượng kiểm toán; (ii) Thực hiện kiểm toán nội bộ tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao và trọng yếu đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; (iii) Lãnh đạo Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm tham gia vào giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán nội bộ, giai đoạn đòi hỏi kỹ năng chuyên môn thành thạo và kinh nghiệm đảm bảo phân bổ nguồn lực cho các giai đoạn thực hiện kiểm toán nội bộ.
Phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro được điều chỉnh phù hợp với mức độ hoàn thiện chức năng quản lý rủi ro của đối tượng kiểm toán:
(1) Đối với đối tượng kiểm toán chưa có chức năng quản lý rủi ro thì người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện: (i) Trao đổi chính thức với lãnh đạo và các cấp quản lý của đơn vị được kiểm toán về trách nhiệm của các cấp trong việc nắm bắt, quản lý và giám sát được các rủi ro của đơn vị mình; (ii) Trao đổi chính thức với lãnh đạo và các cấp quản lý của đơn vị được kiểm toán về việc xác định mức độ hài lòng về hoạt động quản lý đang được vận hành trong đơn vị mình; (iii) Trao đổi chính thức với lãnh đạo và các cấp quản lý của đơn vị được kiểm toán để nắm bắt được các thông tin phù hợp nhằm thống nhất nhận diện và đánh giá các rủi ro trọng yếu cũng như cách thức các rủi ro này được quản lý và giám sát; (iv) Hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đánh giá và quản lý rủi ro, đồng thời báo cáo khuyến nghị việc kiện toàn chính sách, quy trình quản lý rủi ro của đơn vị được kiểm toán; (v) Tự thực hiện đánh giá rủi ro phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán nội bộ nhằm áp dụng phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro.
(2) Đối với đối tượng kiểm toán đã có chức năng quản lý rủi ro chính thức bao gồm cả chính sách và quy trình quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ thực hiện: (i) Tìm hiểu về chính sách và quy trình quản lý rủi ro; (ii) Thu thập các bằng chứng đầy đủ và phù hợp để đánh giá xem quy trình quản lý rủi ro có đạt được mục đích đề ra hay không?; (iii) Đưa ra ý kiến về mức độ phù hợp của các quy trình quản lý rủi ro.
Với định hướng xây dựng phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro là cơ sở để Kiểm toán nội bộ NHNN nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy chế nhằm chuyển đổi dần hoạt động kiểm toán nội bộ truyền thống sang kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro. Điều này đòi hỏi một quá trình dài nhằm áp dụng phù hợp các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ vào mô hình, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của NHNN, là định hướng quan trọng để hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới.
Thứ ba, xây dựng cơ chế đảm bảo và cải tiến chất lượng hoạt động kiểm toán, đây là một quy trình nhằm cụ thể hóa các tiêu chí, yêu cầu, mục tiêu và biện pháp đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN thông qua hình thức đánh giá nội bộ, đánh giá độc lập. Đánh giá nội bộ phải được thực hiện và báo cáo hằng năm nhằm đánh giá chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN với hai hình thức chính là giám sát thường xuyên và đánh giá định kỳ do Kiểm toán nội bộ NHNN tự đánh giá, đảm bảo tính độc lập của các đánh giá, kết luận đánh giá và kiến nghị khắc phục. Đánh giá độc lập được thực hiện bởi NHNN (một bên thứ ba) đối với hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN nhằm đánh giá về chất lượng và tính tuân thủ của Kiểm toán nội bộ, xem xét hiệu quả, hiệu suất của hoạt động Kiểm toán nội bộ và mức độ đáp ứng của hoạt động Kiểm toán nội bộ với kỳ vọng của NHNN. Đây là một cơ chế phù hợp để đánh giá hoạt động Kiểm toán nội bộ NHNN có đáp ứng các yêu cầu và kỳ vọng của NHNN theo hướng minh bạch, khách quan và gia tăng giá trị cho cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, thực hiện khảo sát về tính ứng dụng, hiệu quả của việc ban hành Sổ tay trong thực tiễn: Nhóm xây dựng Sổ tay đã thực hiện hai cuộc khảo sát đối với hai nhóm đối tượng: (1) Một số bộ, ngành đã ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ nhằm khảo sát tính ứng dụng và hiệu quả của Sổ tay Kiểm toán nội bộ của các bộ, ngành; (2) Các đơn vị thuộc NHNN nhằm khảo sát thực trạng công tác đánh giá, quản lý rủi ro của các nghiệp vụ thuộc NHNN làm cơ sở để Nhóm xây dựng Sổ tay đề xuất khung quản lý rủi ro tại NHNN và định hướng phát triển kiểm toán nội bộ theo phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro. Nội dung khảo sát dưới dạng bảng hỏi với kết cấu từ 08 - 26 câu hỏi, câu trả lời chấm theo thang điểm từ 1 đến 5, tương ứng với đánh giá từ Chưa tốt/Không cần thiết đến Tốt/Rất cần thiết. Kết quả khảo sát như sau:
(1) Đối với việc áp dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ tại một số bộ, ngành, thực hiện Nghị định số 05/2019/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phối hợp với WB xây dựng hai cuốn Sổ tay mẫu mang tính chất cẩm nang hướng dẫn kiểm toán nội bộ làm cơ sở tham chiếu cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng Sổ tay hướng dẫn riêng phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Đến nay, qua khảo sát, một số bộ, ngành đã xây dựng và ban hành Sổ tay, còn việc ứng dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ trong thực tế chưa được thực hiện, lý do chủ yếu xuất phát từ việc chưa có một quy định cụ thể yêu cầu phải áp dụng Sổ tay trong triển khai công tác kiểm toán nội bộ tại các cơ quan, đơn vị này. Điều này cũng phù hợp theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP chỉ quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ban hành quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị (nội dung này đã được hướng dẫn tại Thông tư số 67/2020/TT-BTC ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập). Hiện nay, hầu hết công tác kiểm toán nội bộ triển khai theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP tại các bộ, ngành được giao cho Thanh tra bộ triển khai thực hiện và chưa có một bộ phận riêng đảm nhiệm công tác kiểm toán nội bộ. Theo nghiên cứu của Nhóm xây dựng Sổ tay và tính cấp thiết của việc đề xuất xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN, việc xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ: Trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của đơn vị thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ, của người làm công tác kiểm toán nội bộ mong muốn xây dựng Sổ tay nhằm tạo hành lang hoạt động, hệ thống hóa và thống nhất về các nguyên tắc, quy trình, quy định để tổ chức và triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ tại cơ quan, đơn vị mình. Thứ hai, hiệu quả của việc sử dụng Sổ tay được đo lường thông qua tính hữu ích của các thông tin do Sổ tay mang lại, là công cụ giúp kiểm toán viên nội bộ và người làm công tác kiểm toán thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong hoạt động kiểm toán nội bộ. Thứ ba, việc xây dựng và ứng dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN hiệu quả là một tiền đề hữu ích để các cơ quan, đơn vị liên quan tham khảo và triển khai trong thời gian tới, giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng Sổ tay trong thực tiễn tại các bộ, ngành.
(2) Đối với thực trạng công tác đánh giá, quản lý rủi ro của các đơn vị thuộc NHNN, Nhóm xây dựng Sổ tay đã thực hiện khảo sát tại 89 đơn vị thuộc hệ thống NHNN bao gồm các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong đó có 78,7% đơn vị chưa xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho từng quy trình, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị này cơ bản đã đáp ứng việc phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng, chủ động và phù hợp ở từng quy trình, nghiệp vụ; thực hiện nguyên tắc kiểm soát kép trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động kiểm soát nội bộ được thiết lập, duy trì tại đơn vị; theo đó, mặc dù có nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc quản lý rủi ro nhưng đều chưa thực hiện quản lý rủi ro một cách có hệ thống tại đơn vị mình. Đối với 21,3% các đơn vị còn lại đã xây dựng quy trình quản lý rủi ro thì hầu hết mới chỉ xây dựng, triển khai quy trình quản lý rủi ro cho một số hoạt động chính của đơn vị, hình thành các chốt kiểm soát nhưng chưa xây dựng hồ sơ rủi ro, khẩu vị rủi ro, phân loại rủi ro cũng như chưa cập nhật các rủi ro thường xuyên, liên tục để kịp thời ứng phó và có biện pháp xử lý kịp thời, điều này làm giảm hiệu quả của việc quản lý rủi ro. Đây là một thực trạng chung của hầu hết các bộ, ngành và các cơ quan ngang bộ về quản lý rủi ro do chưa nhận diện được tầm quan trọng việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Qua khảo sát, các đơn vị thuộc hệ thống NHNN đều mong muốn NHNN ban hành một quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung cho toàn hệ thống về quản lý rủi ro để áp dụng và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đây là một đề xuất quan trọng cho thấy, việc định hướng phát triển Sổ tay theo phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro là phương hướng đúng đắn, là nhu cầu cấp thiết giúp các đơn vị và Kiểm toán nội bộ NHNN nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Giải pháp cập nhật và hoàn thiện Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN
Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN là cuốn sổ tay mở, được cập nhật và hoàn thiện theo quá trình phát triển của hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN; theo đó, để đảm bảo tính hiệu quả của Sổ tay, một yêu cầu đặt ra là phải thường xuyên cập nhật và hiệu đính để Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN đáp ứng và hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, yêu cầu của Ban Lãnh đạo NHNN và thông lệ quốc tế trong từng thời kỳ. Để làm được điều này, nhóm xây dựng Sổ tay đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, NHNN cần có quy định cụ thể về xây dựng cơ chế quản lý rủi ro cho các hoạt động của NHNN làm cơ sở cho việc chuyển đổi phương pháp kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro; thường xuyên thực hiện nghiên cứu cập nhật, hiệu đính Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN hằng năm, qua đó kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định hiện hành.
Việc xây dựng cơ chế quản lý rủi ro là một nhu cầu thiết thực, phù hợp với các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế nhằm bảo đảm cho tính liên tục, thông suốt, an toàn và hiệu quả cho toàn hệ thống, đặc biệt là các hoạt động chính của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế về mô hình “Ba tuyến phòng thủ” được khuyến nghị bởi IIA. Đồng thời, với việc ban hành một cơ chế về quản lý rủi ro áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống giúp Ban Lãnh đạo NHNN và Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN chủ động trong việc tập trung các nguồn lực giám sát, giảm thiểu các rủi ro trọng yếu ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Đây là cơ chế quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kiểm toán nội bộ phù hợp với xu hướng đã áp dụng tại ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trên thế giới.
Thứ hai, quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách về quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ, được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực kiểm toán nội bộ để nghiên cứu, xây dựng quy trình, quy chế, phương pháp kiểm toán nội bộ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn nhân lực chất lượng là yếu tố then chốt trong việc ứng dụng phù hợp các chuẩn mực, mô hình, hệ thống được khuyến nghị vào cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc hệ thống NHNN, vừa phát huy hiệu quả các kinh nghiệm từ NHTW các nước về quản lý rủi ro, vừa kế thừa và đổi mới các giá trị hiện có trong phân công, phân cấp, kiểm soát kép, kiểm soát nội bộ nhằm xây dựng các quy trình, quy định cụ thể về phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro đối với toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của NHNN.
Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng, trong đó để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thì phải được thực hiện ở tất cả các khía cạnh từ khâu tuyển dụng, đào tạo và cập nhật kiến thức, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc. Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về năng lực chuyên môn và kiến thức về quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ phù hợp, thông qua việc chủ động xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực này; tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước hướng dẫn việc triển khai và áp dụng phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro; tự đào tạo và đào tạo lại do các kiểm toán viên nội bộ có kinh nghiệm truyền đạt; khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường để người làm công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tham gia các kỳ thi chứng chỉ và bằng cấp chuyên ngành, đăng ký thành viên tại các hiệp hội nghề nghiệp và thực hiện cập nhật kiến thức do các hiệp hội nghề nghiệp cung cấp.
Thứ ba, áp dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN rộng rãi trong hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, trở thành công cụ đắc lực cho người làm công tác kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, từ đó có kiến nghị để phát triển Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN theo hướng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Việc áp dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN không chỉ với kiểm toán viên nội bộ, người làm công tác kiểm toán nội bộ mà cần khuyến nghị áp dụng đối với người làm công tác kiểm soát nội bộ tại các đơn vị thuộc NHNN, do đây là một tài liệu tham chiếu quan trọng giúp kiểm soát nội bộ tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị áp dụng xây dựng và triển khai hoạt động kiểm soát tại đơn vị mình phù hợp với cơ cấu tổ chức và thực tiễn hoạt động. Với nguồn lực kiểm soát nội bộ tại các đơn vị thuộc hệ thống NHNN mỏng như hiện nay, thì việc xây dựng một cơ chế kiểm soát nội bộ dựa trên đánh giá rủi ro là hoàn toàn phù hợp nhằm tư vấn hoàn thiện các công cụ quản lý rủi ro và giảm thiểu các rủi ro kiểm soát tại đơn vị.
Trong tương lai, để phát triển Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN theo hướng ngày càng hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu người sử dụng, NHNN cần xây dựng một cơ chế đánh giá; một bộ phận thường xuyên khảo sát, rà soát, cập nhật và hiệu đính kịp thời nhằm đảm bảo các nội dung Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng trong khai thác và sử dụng.
Thứ tư, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật từ các tổ chức, diễn đàn quốc tế, hiệp hội, các chuyên gia về kiểm toán nội bộ để cập nhật, hiệu đính Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN cho phù hợp.
Trong những năm gần đây, Kiểm toán nội bộ NHNN thường xuyên được Ban Lãnh đạo NHNN quan tâm, tạo điều kiện tham gia các Hội nghị thường niên mạng lưới các nhà lãnh đạo kiểm toán nội bộ NHTW các nước Đông Nam Á, tham gia thành viên của Nhóm công tác về rủi ro hoạt động quốc tế (International Operational Risk Working Group - IORWG), tham gia Mạng lưới chuyên gia rủi ro của Hội đồng tư vấn châu Á thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS)... và tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức GIZ (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức), IMF, WB, NHTW một số nước... trong hoạt động kiểm toán. Đây là cơ hội giúp Kiểm toán nội bộ NHNN tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai và ứng dụng Sổ tay Kiểm toán nội bộ vào hoạt động kiểm toán nội bộ, là cơ sở để đề xuất cơ chế cập nhật, hiệu đính nội dung Sổ tay Kiểm toán nội bộ thường xuyên trên cơ sở các kho dữ liệu về rủi ro, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro của NHTW các nước.
Có thể nói, việc xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN là một sự kiện đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nội bộ nói chung và kiểm toán nội bộ ngân hàng nói riêng. Đây là một bước khẳng định tính mới và xu hướng phát triển của hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN trong quá trình chuyển dịch để đáp ứng các yêu cầu về nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ban Lãnh đạo NHNN đối với hoạt động kiểm toán nội bộ và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của NHNN.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án (2024). Dự thảo Đề án cấp Bộ “Xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ của NHNN”.
2. Ara Chaiabyan và Azat Gabrielyan - IMF (2023). Báo cáo kỹ thuật về tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ NHNN.
3. Luật NHNN năm 2010.
4. Thông tư số 06/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHNN.
5. Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ.
6. Thông tư số 67/2020/TT-BTC ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
7. Thông tư số 08/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
8. Bộ Tài chính (2021), Sổ tay mẫu hướng dẫn triển khai công tác kiểm toán nội bộ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
9. Nor Hafizah Zainal Abidin (2017). Factors influencing the implementation of risk-based Auditing.
10. Saruhan, B. K. (2017). Risk-based internal audit and developing a risk matrix for audit planning of a bank (Doctoral dissertation, Istanbul Bilgi Universitesi).
11. IIA (2017). International Standards for the Professional Practice of Internal Auditing (IPPF).
ThS. Lê Quốc Nghị, ThS. Phạm Mai Trang, ThS. Bùi Thị Thanh Thủy