Xu hướng quản lý Bigtech trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
11/02/2022 08:35 3.692 lượt xem
KHÁI QUÁT CHUNG
 
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, đóng vai trò chủ chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nếu như trước đây, chúng ta thường chỉ biết đến ngân hàng hay tổ chức tài chính là những chủ thể thực hiện việc cung ứng vốn cũng như cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, thì hiện nay, các hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các chủ thể khác, bao gồm các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. 
 
Tại Việt Nam, từ năm 2008 đến nay đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cũng như hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngoài ra, nếu như năm 2015, cả thị trường chỉ có 39 tổ chức khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), thì đến nay, ước tính đã có hơn 150 tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam1
 
Bên cạnh đó, phải kể đến các tổ chức tài chính công nghệ lớn (Bigtech) - được hiểu là những tổ chức có quy mô lớn nhất, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số. Nếu các tổ chức Fintech chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính thì các tổ chức Bigtech coi việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính như là một phần trong hoạt động kinh doanh của mình2. Hiện nay, trên thế giới, một số tổ chức Bigtech như Google, Amazon, Facebook và Apple (gọi chung là GAFA) đã bắt đầu cung ứng các dịch vụ tài chính và dần trở thành tổ chức thích hợp trên thị trường do có quy mô, lượng khách hàng lớn và họ cũng là các chủ thể có khả năng tiếp cận một lượng lớn thông tin của khách hàng3 thu thập được trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ của mình. 
 
Hiện nay, một số Bigtech như Google, Facebook đang cung ứng các dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 69.280.000 người dùng sử dụng mạng xã hội Facebook, chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Tỉ lệ người dùng Facebook tại Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới, chỉ sau Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines4. Với số lượng khách hàng khổng lồ như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ được coi là điểm đến tiềm năng của Facebook cũng như các Bigtech khác. Khi GAFA mở rộng các hoạt động tài chính trên lãnh thổ Việt Nam sẽ đặt ra vấn đề về mặt chính sách quản lý đối với hoạt động của GAFA liên quan đến những tác động đối với sự ổn định tài chính. Vì vậy, việc nghiên cứu xu hướng quản lý của các quốc gia trên thế giới đối với hoạt động của các Bigtech như GAFA là cần thiết, nhằm gợi mở một số nội dung xây dựng chính sách quản lý đối với các nhóm đối tượng này.
 
Bài viết sẽ tổng hợp các lợi ích và rủi ro từ hoạt động tài chính của các Bigtech, xác định cách thức quản lý hoạt động tài chính của các Bigtech trên thế giới, từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
 
I- Sự bùng nổ của các tổ chức Bigtech
 
Về mặt địa lý, các tổ chức Bigtech tập trung mở rộng hoạt động tài chính ở những quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi hơn là ở những quốc gia có nền kinh tế đã phát triển5 do lượng cầu tiếp cận các dịch vụ ngân hàng giá rẻ ở những quốc gia này vẫn còn cao, trong khi đó, khuôn khổ pháp lý ở những quốc gia này còn nhiều điểm hạn chế. Các Bigtech tham gia vào lĩnh vực tài chính thường bắt đầu với lĩnh vực thanh toán, nơi họ đạt được thị phần khá lớn ở một số quốc gia như Trung Quốc, theo đó, hoạt động thanh toán của các Bigtech chiếm 38% GDP trong năm 2018. Tiếp đó, các Bigtech sẽ mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực tài chính khác như tham gia cấp tín dụng (đặc biệt là tín dụng tiêu dùng và khoản vay vi mô với kỳ hạn ngắn hơn), ngân hàng, gọi vốn, quản lý quỹ và bảo hiểm6. (Bảng 1)

 
Trong lĩnh vực thanh toán, các tổ chức Bigtech hướng tới việc đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng bằng sự đổi mới và số hóa, dẫn tới sự ra đời của các tài sản mã hóa và đồng tiền ổn định (Stablecoins)7 cho phép người dùng thực hiện thanh toán tại điểm giao dịch cũng như thanh toán qua các nền tảng và ứng dụng thương mại điện tử. Đến nay, một số Bigtech đã nghiên cứu để phát hành đồng tiền ổn định, dự báo sẽ được phát triển, chấp nhận rộng rãi một cách nhanh chóng8. Theo Ủy ban Ổn định tài chính (FSB), đồng tiền ổn định là một loại tài sản mã hóa nhằm duy trì giá trị ổn định gắn liền tới một tài sản cụ thể9. Ví dụ, giá trị của đồng tiền ổn định có thể được neo theo giá trị của tiền pháp định hoặc một rổ tài sản bao gồm tiền pháp định, tiền kỹ thuật số, chứng khoán đầu tư, hàng hóa và/hoặc bất động sản. Đồng tiền ổn định cũng được phân loại là tài sản ảo theo tiêu chuẩn của nhóm đặc nhiệm tài chính (FATF), dùng để chỉ những loại tài sản kỹ thuật số không có chức năng như tiền pháp định10
 
Bên cạnh đó, một số các Bigtech như Amazon, Alibaba, Baidu, Tencent,… cũng thực hiện việc gọi vốn cộng đồng, thông thường tiến hành thông qua hình thức phát hành đồng tiền ICO (Initial Coin Offering). Tương tự đồng tiền ổn định, đồng tiền phát hành thông qua hình thức ICO cũng được coi là tài sản ảo theo định nghĩa của FATF. 
 
1. Lợi ích từ hoạt động tài chính của các tổ chức Bigtech
 
Trong hoạt động cấp vốn, sự xuất hiện của các tổ chức Bigtech hay còn được biết đến như là các trung gian tài chính phi ngân hàng cho phép các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn huy động vốn bao gồm cả việc huy động vốn xuyên biên giới, từ đó làm gia tăng sự chia sẻ rủi ro, làm giảm tác động từ các cú sốc của một quốc gia hay của lĩnh vực ngân hàng đến nền kinh tế, và nhờ vậy giúp tăng cường ổn định tài chính11 ở một số khía cạnh.
 
Về mặt chi phí, thông thường, các tổ chức Bigtech thường đưa ra các mức phí thấp hơn so với các ngân hàng truyền thống do khai thác, tận dụng được nguồn lực (khách hàng) hiện có, với quy mô về mặt địa lý phân bổ rộng toàn khu vực, thậm chí mang tính toàn cầu, các tổ chức Bigtech thường không phải dành nhiều chi phí cho việc thiết lập và duy trì mạng lưới trụ sở, văn phòng giao dịch. Ngoài ra, nguồn lực cạnh tranh của các tổ chức Bigtech phụ thuộc vào bản chất của nền tảng hiện hành. Đối với các Bigtech có các nền tảng thương mại điện tử, việc thu thập dữ liệu người dùng từ các hoạt động của bên bán và bên mua, kết hợp chúng với các thông tin tài chính và sở thích của người tiêu dùng… là đầu vào có giá trị để chấm điểm tín dụng, đặc biệt là đối với các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay tiêu dùng, làm giảm bớt chi phí trong việc đánh giá năng lực tín dụng của khách hàng12
 
Bên cạnh đó, nếu như đối với các khoản vay truyền thống, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng cung cấp tài sản bảo đảm để xử lý các rủi ro mất khả năng thanh toán, thì các tổ chức Bigtech xử lý vấn đề giám sát và thực thi bằng cách khác giúp cho việc cung ứng các khoản vay cho doanh nghiệp của các tổ chức Bigtech không phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm. Ví dụ, việc cung ứng các khoản vay từ các tổ chức Bigtech sẽ ít nhạy cảm đối với thị trường nhà đất hơn so với các quyết định cho vay của ngân hàng truyền thống13
 
Nhờ vậy, sự tham gia của các Bigtech trong lĩnh vực tài chính là một trong những nhân tố chính giúp tăng cường tài chính toàn diện, khách hàng không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống sẽ có thêm lựa chọn tiếp cận các dịch vụ tài chính khác với chi phí phù hợp hơn.
 
2. Rủi ro từ hoạt động tài chính của các tổ chức Bigtech
 
Mặc dù các tổ chức Fintech và Bigtech đang hướng đến việc tăng cường trải nghiệm của khách hàng thông qua việc sử dụng phân tích dữ liệu, tiếp cận khách hàng đa kênh, cho vay ngang hàng thì các rủi ro trong hoạt động tài chính của các đối tượng này vẫn còn cao14, trong đó, các hoạt động của tổ chức Bigtech dễ dẫn tới một số rủi ro sau:
 
Khi Bigtech cung ứng dịch vụ tài chính thông qua việc liên danh và/hoặc có cổ phần tại các tổ chức tài chính đang hoạt động thì thông thường không cần phải được cấp giấy phép hoạt động riêng biệt. Tuy nhiên, mô hình này cũng đem lại rủi ro về trách nhiệm giải trình khi xảy ra rủi ro trong hoạt động của liên danh. Ngoài ra, việc “khuếch tán” trách nhiệm giải trình sẽ làm giảm trách nhiệm của Bigtech trong việc rà soát và kiểm soát khách hàng cũng như giao dịch của khách hàng; đồng thời, có những hành động mang tính rủi ro cao làm ảnh hưởng đến tài chính hoặc danh tiếng của tổ chức tài chính đối tác15.
 
Một tập đoàn Bigtech có thể có nhiều thực thể khác nhau và phụ thuộc vào nhau ở một khía cạnh nào đó. Do vậy, khi một thực thể gặp khó khăn thì có thể có tác động lan truyền sang các thực thể khác16. Ngoài ra, xuất phát từ bản chất của các hoạt động mang tính xuyên biên giới, việc sử dụng nguồn vốn xuyên biên giới ở một quốc gia nơi có các cú sốc về chính sách tiền tệ dẫn đến việc khủng hoảng có thể bị lan rộng sang các quốc gia khác một cách nhanh hơn và mạnh mẽ hơn17. Bên cạnh đó, sự tập trung ở các trung tâm tài chính, ở cấp khu vực cũng như cấp toàn cầu, nhằm khai thác sự nới lỏng về khuôn khổ pháp lý cũng như ưu đãi về thuế,… tạo ra những thách thức cho cơ quan quản lý trong việc thực hiện giám sát rủi ro. Đồng thời, hoạt động tài chính của một quốc gia gắn với tình trạng tài chính của quốc gia khác có thể tác động đến mức độ tinh vi và phức tạp cũng như minh bạch của các hoạt động đó, khiến các cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia gặp khó khăn hơn trong việc ngăn ngừa các rủi ro hệ thống và tạo ra thách thức cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý trong việc phối hợp với nhau để xử lý khủng hoảng18
 
Ngoài ra, một trong những rủi ro điển hình nhất từ việc phát triển của các Bigtech trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, gọi vốn và cho vay ngang hàng là rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố. Giao dịch liên quan đến tài sản ảo nói chung và đồng tiền ổn định nói riêng được thiết kế cho phép việc giao dịch được thực hiện một cách ẩn danh mà không cần sự thẩm định, nhận diện thông tin khách hàng, đồng thời việc thực hiện các giao dịch đó cũng không cần được sự chấp thuận của bất kỳ tổ chức trung gian đứng ra thực hiện việc giám sát giao dịch hay xác nhận sổ cái; thậm chí một số tài sản ảo như là các đồng tiền bí mật có thêm các phần mềm mã hóa làm che vết giao dịch và có các công cụ có thể làm tăng tính ẩn danh của giao dịch, tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố19
 
Như vậy, việc tham gia của các Bigtech vào lĩnh vực tài chính có tính hai mặt, nó vừa mang lại lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tình hình tài chính của một quốc gia và có thể ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu. Do vậy, việc quản lý hoạt động của các Bigtech ở khía cạnh cung cấp dịch vụ tài chính là cần thiết nhằm tận dụng, phát huy các lợi thế và hạn chế các rủi ro tiềm tàng.
 
II- Hạn chế rủi ro, tác động từ hoạt động của tổ chức Fintech
 
1. Quản lý tổ chức Fintech bằng công cụ pháp luật
 
Nếu như các hoạt động của ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống chịu sự quản lý tương đối nghiêm ngặt ở tất cả các quốc gia thì khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động tài chính của Bigtech hiện vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng việc cấm các Bigtech tham gia trong lĩnh vực tài chính dường như không phải là một biện pháp khả thi và phù hợp bởi nó ngầm hiểu rằng các hoạt động bị cấm sẽ không được đưa vào tầm ngắm của các công cụ phân tích. Như vậy thì, lệnh cấm sẽ đồng nghĩa với việc là các thực thể liên quan đến tài sản ảo không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và nằm ngoài đối tượng cần phải thực hiện thẩm định khách hàng20.  Bên cạnh đó, việc hạn chế sự tham gia của các Bigtech cũng không phải là một giải pháp hiệu quả nếu Bigtech sử dụng quyền lực của mình trong việc kiểm soát các nền tảng kỹ thuật số chủ chốt, hoặc khi sự kiểm soát đó có thể tạo ra những rào cản mang lại lợi thế cho tổ chức tài chính công nghệ và cản trở các sản phẩm của các tổ chức khác21
 
Như vậy, việc đầu tiên là cần xác định phạm vi quản lý bằng việc quyết định xem liệu việc tham gia thị trường của các Bigtech là được khuyến khích hay phải được cấp phép22. Ngoài ra, việc quản lý hoạt động của các Bigtech cần phải được thực hiện bằng công cụ pháp lý dựa trên cơ sở hoạt động cũng như thực thể cung ứng hoạt động, cụ thể là tổ chức cung ứng dịch vụ phải có giấy phép để thực hiện các hoạt động kinh doanh đặc thù trên cơ sở nguyên tắc “hoạt động giống nhau thì được quản lý giống nhau” nhằm đảm bảo rằng việc khai thác các khoảng trống pháp lý sẽ được hạn chế một cách tối đa23
 
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hoạt động tài chính cần có sự đánh giá về sự mất đối xứng trong tiếp cận thông tin giữa các ngân hàng truyền thống và các tổ chức tài chính công nghệ; đánh giá khuôn khổ pháp lý về chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức khác nhau nhằm tránh tạo ra những lợi thế cạnh tranh hay những quan ngại liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng24, đồng thời, yêu cầu các thực thể tiến hành các hoạt động tài chính liên quan đến tài sản ảo phải thực hiện nghĩa vụ về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố25 tương tự các tổ chức thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản truyền thống khác.
 
Để quản lý hoạt động tài chính của các Bigtech, cơ quan quản lý cần xác định Bigtech là đối tượng chịu sự điều chỉnh kết hợp của: (i) Các quy định đặc thù của lĩnh vực tài chính và do đó phải áp dụng các quy định của lĩnh vực mà Bigtech cung cấp như ngân hàng, cấp tín dụng hoặc thanh toán; và (ii) Các quy định chung áp dụng đối với các hoạt động tài chính và phi tài chính26. Theo đó, Bigtech cần phải sở hữu giấy phép để cung ứng các dịch vụ được quản lý. Trên thực tế, mặc dù các thực thể có thể được cấp các giấy phép như nhau, tuy nhiên, thực thể khác nhau thì có thể cần phải đáp ứng các điều kiện khác nhau do quy mô, bản chất kinh doanh của các thực thể này là không giống nhau27
 
Theo tổng hợp của Học viện Ổn định tài chính (FSI) - một trong những cơ quan, tổ chức  của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các Bigtech cung ứng dịch vụ tài chính như ngân hàng cấp tín dụng hoặc cung ứng dịch vụ thanh toán có thể xin cấp giấy phép độc lập hoặc hợp tác, liên kết với các tổ chức tài chính truyền thống để cung cấp dịch vụ tài chính. Ví dụ, Amazon khi cung cấp dịch vụ thanh toán tại Anh, Amazon được cấp phép để hoạt động một cách độc lập, trong khi đó, Apple mặc dù cũng cung cấp dịch vụ thanh toán tại Anh nhưng liên danh với tổ chức tài chính khác và vì thế không phải xin cấp giấy phép độc lập. (Bảng 2)

 
Bên cạnh đó, như các tổ chức tài chính truyền thống, các Bigtech là đối tượng cần phải tuân thủ các quy định áp dụng đối với hoạt động liên ngành như bảo vệ dữ liệu khách hàng, cạnh tranh, chia sẻ dữ liệu, phòng, chống rửa tiền,… Mặc dù ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng (bao gồm Bigtech) phải tuân thủ các yêu cầu như nhau nhưng các đối tượng này thuộc các cấp độ giám sát khác nhau từ các cơ quan quản lý khác nhau, trong đó, mỗi cơ quan có thẩm quyền và mục tiêu chính sách khác nhau28. (Hình 1)

 
2. Khắc phục hạn chế của hệ thống thanh toán truyền thống
 
Ngoài việc quản lý hoạt động tài chính của các Bigtech thông qua công cụ pháp lý, trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương (NHTW) đang xúc tiến việc nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số của NHTW nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống thanh toán truyền thống và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh: (i) Việc sử dụng tiền mặt không còn là phương tiện thanh toán chủ yếu của người tiêu dùng do sự phát triển và lớn mạnh của thương mại điện tử; (ii) Công nghệ thanh toán không chạm và các nền tảng thanh toán di động giúp cho việc thanh toán, chuyển tiền được tiến hành nhanh chóng. Vì vậy, sự thuận tiện, tốc độ và chi phí là các tính năng quan trọng29 của hệ thống thanh toán hiện đại. Bên cạnh đó, sự phát triển của đồng tiền ổn định hiện đang là một quan ngại lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền trên toàn thế giới bởi nó có thể tác động đến ổn định tài chính. Nói cách khác, việc các tổ chức tư nhân phát hành phương tiện thanh toán kỹ thuật số sẽ đặt ra những rủi ro gây sốc cho hệ thống ngân hàng và có thể làm thay đổi cấu trúc của trung gian tài chính30
 
Trên thực tế, các NHTW đã đưa ra rất nhiều chính sách để người dân và doanh nghiệp có thể có những lựa chọn thanh toán an toàn và hiệu quả. Ví dụ như ở Trung Quốc, NHTW nước này đã tăng tính minh bạch thông tin và đảm bảo rằng việc lưu thông tiền tệ bên ngoài ngân hàng sẽ trở lại hệ thống ngân hàng bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán cũng như đặt ra các quy định về an toàn thận trọng. Tuy nhiên, những giải pháp này có chi phí cao để xây dựng và thực thi. Trong khi đó, một số NHTW khác lựa chọn tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC) để điều hòa hệ thống thanh toán và tăng cường tính an toàn cho chính sách tiền tệ cũng như được kỳ vọng là xử lý được các rủi ro đến từ các phương tiện thanh toán do khối tư nhân vận hành31.
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng tiền ảo làm gia tăng tình trạng tội phạm, bao gồm tội phạm mạng, tấn công hệ thống với virus phát tán do tính chất ẩn danh và không được quản lý kịp thời tại các quốc gia. Ngoài ra, tiền ảo cũng mang đến những rủi ro trốn thuế và có thể được sử dụng để rửa tiền bởi tính ẩn danh và tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng, gần như ngay lập tức, khiến cho việc ngăn chặn giao dịch khó thực hiện. Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ không xảy ra với CBDC bởi vì CBDC được phát hành bởi NHTW và được NHTW giám sát việc lưu thông, sử dụng, giúp cho phương tiện thanh toán này an toàn hơn và các giao dịch có liên quan có thể được truy vết và ngăn chặn các hành vi phạm tội32
 
III- Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
 
Hiện nay khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã có quy định tương đối rõ ràng về quyền hoạt động ngân hàng, được ghi nhận tại Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Các tổ chức hiện đang được NHNN cấp giấy phép hoạt động bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Như vậy, các Bigtech khi muốn cung ứng một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam thì phải được NHNN cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, dường như sự phát triển trong mô hình hoạt động tài chính của các Bigtech trên thế giới đã tạo ra các thách thức đối với hệ thống pháp lý và khả năng quản lý của các cơ quan quản lý.
 
Bên cạnh đó, các Bigtech tham gia cung ứng dịch vụ tài chính có vai trò hợp tác với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiện pháp luật Việt Nam chỉ quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trong việc lựa chọn, sử dụng, quản lý các dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba33 mà không quy định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin do đối tượng này không phải là đối tượng quản lý của NHNN. 
 
Ngoài ra, pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa ghi nhận các tổ chức cung ứng dịch vụ công nghệ hay nền tảng thương mại điện tử như là một tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính34. Trong trường hợp, cơ quan quản lý Nhà nước xếp nhóm đối tượng này là “tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền” thì việc điều chỉnh, sửa đổi khái niệm “tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền theo FATF là cần thiết để “bắt kịp” xu hướng phát hành và sử dụng “tài sản ảo” trong thực tế.
 
Vì vậy, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phối hợp để đánh giá các mô hình kinh doanh của các Bigtech trên thế giới, từ đó có những biện pháp đón đầu, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tránh tình trạng các Bigtech khai thác các khoảng trống pháp lý của Việt Nam; việc quản lý cần được thực hiện đồng bộ, liên ngành trên cơ sở “các hoạt động kinh doanh như nhau thì cần phải được quản lý như nhau” mặc dù các thực thể khác nhau, quy mô hoạt động khác nhau thì có thể phải đáp ứng các điều kiện cấp phép khác nhau.  
 
Ngoài ra, liên quan đến việc phát hành CBDC, việc phát triển tiền kỹ thuật số của NHTW khá tốn kém và phải xử lý nhiều vấn đề về mặt pháp lý. Do vậy, cần phải có kế hoạch, định hướng rõ ràng35 về mô hình thiết kế (mô hình gián tiếp/trực tiếp hoặc hỗn hợp; phạm vi sử dụng trong nước hoặc xuyên biên giới; công nghệ hỗ trợ;…) nhằm đảm bảo nguyên tắc: (i) Không gây tổn hại, không làm suy yếu trách nhiệm của NHTW trong việc thực hiện thẩm quyền ổn định tiền tệ và tài chính của mình; (ii) Cùng tồn tại các hình thái tiền tệ khác nhau để hỗ trợ các mục tiêu chính sách công; và (iii) Đổi mới, hiệu quả, doanh nghiệp và người dân nên được tự do lựa chọn công cụ thanh toán nào họ muốn sử dụng khi tiến hành các giao dịch của mình36 và có các chiến lược giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống CBDC của Việt Nam. Theo đó, việc thành lập các nhóm nghiên cứu và xây dựng các mẫu thử nghiệm là cần thiết và được thực hiện theo tiến độ phù hợp cũng như xác định các khu vực, lĩnh vực để tiến hành thử nghiệm để đảm bảo khả năng hoàn thiện mô hình, hệ thống trước khi tổng kết, đánh giá và đưa vào vận hành thực tế. 
 
KẾT LUẬN
 
Dưới sự phát triển của công nghệ và sức hút cũng như tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính, các Bigtech đang dần trở thành các chủ thể tích cực trong cung ứng dịch vụ tài chính công nghệ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định tài chính và tránh các rủi ro lan truyền, hoạt động tài chính của các Bigtech cần phải được quản lý một cách phù hợp, tương xứng với các rủi ro tiềm tàng có thể phát sinh. Bên cạnh đó, việc chủ động nghiên cứu các mô hình thanh toán hiện đại như phát hành tiền kỹ thuật số của NHTW cũng có thể là một trong những giải pháp khả thi để đáp ứng nhu cầu, tăng cường trải nghiệm của khách hàng và hạn chế rủi ro đến từ hoạt động tài chính của các Bigtech. NHNN cần hợp tác với các cơ quan quản lý trong và ngoài nước để xây dựng các cơ chế, chính sách toàn diện, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển hài hòa, đa dạng hóa các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ tài chính, tăng cường tài chính toàn diện nhưng tránh những tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng tài chính hiện hành.
 
1 Trường Thinh, Thị trường Fintech Việt Nam 2021: Tiềm năng của công nghệ đầu tư tài chính, tháng 11/2021, xem tại https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-fintech-viet-nam-2021-tiem-nang-cua-cong-nghe-dau-tu-tai-chinh-20211108131226658.htm 
 
2 Jon Frost, Leonardo Gambacorta, Yi Huang, Huyn Song Shin và Pablo Zbinden, BIS Working paper N 779: Bigtech and the changing structure of financial intermediation, 4/2019. 
 
3 Fabio Panetta, Speech: Stay safe at the intersection: The confluence of big techs and global stablecoins, 08/10/2021.
 
4 Hải Ninh, Số liệu thống kê: Việt Nam có 69.280.000 người sử dụng Facebook, tháng 11/2020, xem tại https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/so-lieu-thong-ke-viet-nam-co-69-280-000-nguoi-su-dung-facebook-700013.html 
 
5 Juan Carlos Crisanto, Johannes Ehrentraud and Marcos Fabien, FSI Briefs No12, Bigtechs in finance: regulatory approaches and policy options, 3/2021.
 
6 Ghi chú 5. 
 
7 Ghi chú 3. 
 
8 Ghi chú 3. 
 
9 FSB, Addressing the regulatory, supervisory and oversight challenges raised by “global stablecoin” arrangements: Consultative document, 4/2020.
 
10 FATF, Report to the G20 Finance Ministers and Central bank Governors on So-called stablecoins, 6/2020.
 
11 Ghi chú 3.
 
12 Hyun Song Shin, Speech: Bigtech in finance: opportunities and risks, on the occasion of BIS Annual General Meeting in Basel on 30 June 2019.
 
13 Ghi chú 12. 
 
14 Petralia, K. Philippon, T. Rice, T. & Veron, N (2019), Banking disrupted? Financial Intermediation in an Era of transformational technology, Geneva: International center for monetary and banking studies (ICMB). 
 
15 Ghi chú 5. 
 
16 Juan Carlos Crisanto, Johannes Ehrentraud, The Bigtech risk in finance, 5/2021, xem tại https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2021/05/big-tech-fintech-and-financial-regulation-crisanto-ehrentraud.htm.
 
17 Ghi chú 3. 
 
18 Ghi chú 3. 
 
19 Ghi chú 10. 
 
20 Christopher P. Buttigieg, Christos Efthymiopoulos, Abigail Attard & Samantha Cuyle (2019) Anti-money laundering regulation of cryto assets in Europe’s smallest member state, Law and Financial Markets Review, 13:4, 211-227.
 
21 Ghi chú 12. 
 
22 Ghi chú 3.
 
23 Ghi chú 3.
 
24 Ghi chú 3.
 
25 FATF, Updated guidance for a risk-based approach: Virtual assets and virtual asset service providers, 10/2021. 
 
26 Ghi chú 5.
 
27 Ghi chú 5.
 
28 Ghi chú 5.
 
29 Andres Arauz, Rodney Garratt, Diego F. Ramos F. (2021), Dinero Electronico: The rise and fall of Ecuador’s central bank digital currency, Latin American Journal of central banking 2. 
 
30 Ghi chú 3.
 
31 Bastian Muzbar Zam et al, Designing central bank digital currency for Indonesia: The Delphi-analytic network process, Bulletin of Money Economics and banking, Vol 23, Bo3, 2020, p.411-438.
 
32 Sergio Luis Nanez Alonso et al (2020), Reasons fostering or discouraging the implementation of central bank-backed digital currency: a review, Economies 2020, 8, 41.
 
33 Mục 6 Chương II Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
 
34 Khoản 4 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
35 Ghi chú 31.
 
36 Group of central banks, “Central bank digital currencies: foundational principles and core features”, joint report, No 1, 10/2020.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Luật Các tổ chức tín dụng.
 
2. Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
3. Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
4. Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
5. Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
 
6. Andres Arauz, Rodney Garratt, Diego F. Ramos F. (2021), Dinero Electronico: The rise and fall of Ecuador’s central bank digital currency, Latin American Journal of central banking 2.
 
7. Bastian Muzbar Zam et al, Designing central bank digital currency for Indonesia: The Delphi-analytic network process, Bulletin of Money Economics and banking, Vol 23, Bo3, 2020, p.411 - 438.
 
8. Christopher P. Buttigieg, Christos Efthymiopoulos, Abigail Attard & Samantha Cuyle (2019) Anti-money laundering regulation of cryto assets in Europe’s smallest member state, Law and Financial Markets Review, 13:4, 211 - 227.
 
9. Fabio Panetta, Speech: Stay safe at the intersection: the confluence of big techs and global stablecoins, 8/10/2021.
 
10. FSB, Addressing the regulatory, supervisory and oversight challenges raised by “global stablecoin” arrangements: Consultative document, 4/2020.
 
11. FATF, Report to the G20 Finance Ministers and Central bank Governors on So-called stablecoins, 6/2020.
 
12. FATF, Updated guidance for a risk-based approach: Virtual assets and virtual asset service providers, 10/2021. 
 
13. Sergio Luis Nanez Alonso et al (2020), Reasons fostering or discouraging the implementation of central bank-backed digital currency: a review, Economies 2020, 8, 41.
 
14. Group of central banks, “Central bank digital currencies: foundational principles and core features”, joint report, No 1, 10/2020.
 
15. Hyun Song Shin, Speech: Big tech in finance: opportunities and risks, on the occasion of BIS Annual General.
 
16. Jon Frost, Leonardo Gambacorta, Yi Huang, Huyn Song Shin và Pablo Zbinden, BIS Working paper N 779: Big tech and the changing structure of financial intermediation, 4/2019. 
 
17. Juan Carlos Crisanto, Johannes Ehrentraud and Marcos Fabien, FSI Briefs No12, Big techs in finance: Regulatory approaches and policy options, 3/2021.
 
18. Juan Carlos Crisanto, Johannes Ehrentraud, The big tech risk in finance, 5/2021, xem tại https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2021/05/big-tech-fintech-and-financial-regulation-crisanto-ehrentraud.htm
 
19. Petralia, K. Philippon, T. Rice, T. & Veron, N (2019), Banking disrupted? Financial Intermediation in an Era of transformational technology, Geneva: International center for monetary and banking studies (ICMB). 
 
20. Trường Thinh, Thị trường Fintech Việt Nam 2021: Tiềm năng của công nghệ đầu tư tài chính, tháng 11/2021, xem tại https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-fintech-viet-nam-2021-tiem-nang-cua-cong-nghe-dau-tu-tai-chinh-20211108131226658.htm 
 
21. Hải Ninh, Số liệu thống kê: Việt Nam có 69.280.000 người sử dụng Facebook, tháng 11/2020, xem tại https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/so-lieu-thong-ke-viet-nam-co-69-280-000-nguoi-su-dung-facebook-700013.html
 
Tạ Quang Đôn
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?
13/12/2024 08:32 375 lượt xem
Bài viết giới thiệu nghiên cứu của Giáo sư Antonio Fatas (2024), trong đó phân tích những lý do dẫn đến “sự bất khả xâm phạm” đáng ngạc nhiên của châu Á, vốn trước đây, giống như tất cả các nền kinh tế đang phát triển, dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát ...
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam
09/12/2024 08:32 474 lượt xem
Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam
05/12/2024 07:51 715 lượt xem
Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
22/11/2024 10:50 1.223 lượt xem
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
15/11/2024 10:30 1.471 lượt xem
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho  Việt Nam
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho Việt Nam
11/11/2024 10:22 1.432 lượt xem
Xếp hạng tín nhiệm không phải là một thuật ngữ xa lạ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
03/11/2024 07:15 1.601 lượt xem
Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc năm 2023 xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu mà đã, đang và sẽ lan rộng sang khu vực châu Á, tạo ra những cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, xã hội.
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho  Việt Nam
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho Việt Nam
30/10/2024 09:30 1.560 lượt xem
Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và lĩnh vực tài chính trong những năm qua đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng và hệ thống tài chính trên toàn cầu.
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
23/10/2024 08:04 12.339 lượt xem
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 cho thấy có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, với dự báo tăng trưởng đạt 3,1 - 3,2% GDP và lạm phát giảm xuống 5,8 - 5,9%.
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
14/10/2024 15:40 1.713 lượt xem
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, kiều hối đang đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
08/10/2024 08:03 2.074 lượt xem
Ngân hàng mở là một khái niệm mới nổi trong ngành tài chính - ngân hàng, mang lại sự đổi mới và cách mạng hóa phương thức hoạt động của ngân hàng truyền thống.
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
03/10/2024 14:46 1.758 lượt xem
Nằm ở lưu vực sông Ấn và sông Hằng, Ấn Độ là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời với quy mô thị trường ước đạt 372,94 tỉ USD vào cuối năm 2024, dự kiến ​​sẽ đạt 473,72 tỉ USD vào năm 2029 (Mordorintelligence, 2024).
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
01/10/2024 16:10 2.912 lượt xem
Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động của địa chính trị đến thương mại toàn cầu thông qua phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ năng chính là khai thác, phân tích, tổng hợp và bình luận các thông tin thứ cấp từ các nghiên cứu có liên quan.
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
30/09/2024 08:01 1.921 lượt xem
Tập đoàn tài chính không phải là một hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới trên thị trường mà bắt đầu được hình thành từ những năm 60 tại Mỹ khi hiện tượng các ngân hàng với hoạt động cấp tín dụng kết nối các công ty bảo hiểm, chứng khoán thông qua sở hữu vốn...
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
26/09/2024 13:23 10.439 lượt xem
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

Vàng SJC 5c

81,600

83,620

Vàng nhẫn 9999

81,600

83,400

Vàng nữ trang 9999

81,500

83,000


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,153 25,483 26,041 27,469 31,401 32,736 158.95 168.19
BIDV 25,183 25,483 26,192 27,397 31,737 32,670 160.03 167.75
VietinBank 25,180 25,483 26,272 27,472 31,695 33,705 161.47 169.22
Agribank 25,210 25,483 26,181 27,385 31,604 32,695 160.79 168.44
Eximbank 25,170 25,483 26,272 27,228 31,706 32,816 161.8 167.71
ACB 25,190 25,483 26,288 27,190 31,818 32,778 161.82 168.21
Sacombank 25,210 25,483 26,231 27,206 31,686 32,853 161.86 168.91
Techcombank 25,222 25,483 26,070 27,413 31,464 32,808 158.16 170.62
LPBank 25,190 25,485 26,543 27,441 32,072 32,600 162.71 169.79
DongA Bank 25,220 25,483 26,310 27,150 31,740 32,770 160.10 167.80
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?