Keywords: Intellectual capital, creative economy, competitiveness, sustainable development.
1. Đặt vấn đề
Trong những thập kỉ qua, tài sản vô hình nói chung và vốn trí tuệ cũng như sự sáng tạo nói riêng được các học giả quốc tế thừa nhận như là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thông minh, bền vững và toàn diện. Điều này chủ yếu đến từ sự đóng góp ngày một gia tăng của các tài sản vô hình đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh kỉ nguyên số (Nguyen và Lu, 2023). Khi thế giới ngày càng dựa nhiều vào tri thức và đổi mới sáng tạo, tài sản vô hình đang tạo ra sự khác biệt trong cách thức mà các quốc gia lựa chọn sử dụng nguồn lực tài nguyên. Theo đó, việc khai thác và tận dụng tài sản vô hình đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược tạo dựng lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Hơn nữa, vốn trí tuệ và việc khai thác năng lực sáng tạo, khả năng đổi mới của người dân trong cộng đồng cũng là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển thông minh, bền vững và toàn diện trong dài hạn. Điều này cho thấy, một bước ngoặt trong kinh tế học khi chuyển từ lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên các yếu tố ngoại sinh như tài sản hữu hình và các yếu tố đầu vào trong sản xuất truyền thống sang lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên các yếu tố nội sinh như tài sản vô hình và năng lực cốt lõi của con người (Lữ Hữu Chí và cộng sự, 2022).
Trên tinh thần đó, việc tìm hiểu khái niệm về vốn trí tuệ (Intellectual capital) và nền kinh tế sáng tạo (Creative economy), đồng thời, đánh giá tác động của chúng đối với sự phát triển bền vững và toàn diện là điều cần thiết không những dưới góc độ vi mô (các doanh nghiệp), mà còn dưới góc độ vĩ mô (quốc gia). Thực tế cho thấy, không có một định nghĩa thống nhất và được chấp nhận rộng rãi cho cả vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo. Trong lịch sử kinh tế, các nhà kinh tế học thường đề cập đến sự giàu có của quốc gia dưới dạng đóng góp của các yếu tố sản xuất truyền thống như đất đai, tài nguyên thiên nhiên và vốn (Akpinar và Akdemir, 1999). Tuy vậy, công nghệ thông tin, tri thức và sáng tạo luôn được xem là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội thông minh, bền vững và toàn diện.
Phát triển thông minh, bền vững và toàn diện được coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thế giới ngày nay. Cốt lõi của việc thực hiện mục tiêu này là phải tính đến khả năng sử dụng vốn trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người để tạo ra các ý tưởng, giải pháp sáng tạo và đổi mới sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách và cần thiết. Vốn trí tuệ không chỉ mới xuất hiện như là thuộc tính cần thiết của nền kinh tế hiện đại. Từ xa xưa, tri thức hay vốn trí tuệ đã luôn là nguồn gốc của sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1961, nhưng nếu quay lại nửa sau của thế kỉ thứ XVIII, Adam Smith đã thừa nhận nguồn nhân lực là nhân tố thứ tư của một quá trình sản xuất (Smith, 1990). Ngày nay, ý nghĩa của các tài sản vô hình như vốn trí tuệ, kiến thức, sáng tạo và đổi mới được kết nối chặt chẽ với các cách tiếp cận mới liên quan đến quan điểm hiện đại về năng lực cạnh tranh dài hạn, tiến bộ, phát triển thông minh và bền vững.
Khi nhận thức về tầm quan trọng của vốn trí tuệ, tri thức, tính sáng tạo và đổi mới trong việc tạo ra, bảo tồn và gia tăng của cải và thịnh vượng, rất nhiều học giả đã quan tâm hơn đến việc tìm ra những cách thức để đánh giá các lĩnh vực của nền kinh tế mới nơi tri thức, vốn trí tuệ, sáng tạo và đổi mới có tác động lớn hơn. Do đó, loại hình kinh tế mới này được tích hợp trong các khái niệm rộng hơn như xã hội dựa trên tri thức và đổi mới, kỉ nguyên mạng và kĩ thuật số hay nền kinh tế văn hóa, sáng tạo. Một trong những kết luận chính mà các nhà nghiên cứu rút ra dựa trên những cách tiếp cận mới này là vốn trí tuệ, kiến thức và sự sáng tạo đã trở thành những nguồn quý giá trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh lâu dài và sự phát triển bền vững không chỉ đối với cộng đồng địa phương, mà còn là các tổ chức, tập đoàn và quốc gia về mặt kinh tế với sự nỗ lực tham gia ở cả cấp độ cá nhân, tổ chức và quốc gia (Florida, 2002).
2. Mối liên hệ giữa vốn trí tuệ, nền kinh tế sáng tạo và sự phát triển bền vững
Trước tiên, cần giải quyết vấn đề liên quan đến việc xác định cả vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo, đồng thời, đánh giá tác động của chúng đối với sự phát triển thông minh, bền vững và toàn diện. Một trong những thách thức chính là việc làm rõ hơn sự tương tác giữa hai khái niệm này (vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo) và xác định cách thức mà chúng tác động, chẳng hạn như cách xử lí tài sản vô hình hoặc tài sản trí tuệ (Chartered Institute of Management Accountants - CIMA, 2001).
Vốn trí tuệ liên quan đến tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm và năng lực của từng cá nhân và của nhóm người trong các tổ chức và/hoặc cộng đồng địa phương. Một số tác giả cho rằng nên nghiên cứu vốn tri thức tập trung vào cách tiếp cận vi mô theo từng cá nhân hơn là ở cấp độ tổ chức và quốc gia. Trên thực tế, tất cả các cấp độ của nền kinh tế thực (bao gồm cá nhân, tổ chức và quốc gia) đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tạo ra các tương tác, mối quan hệ trung hạn, dài hạn liên quan đến vốn tri thức như tài sản vô hình. Việc phát triển các mô hình định lượng để đo lường sự đóng góp của sáng tạo và đổi mới có thể gặp nhiều khó khăn vì tài sản vô hình không tuân theo các quy tắc kinh tế học truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế học nhận ra rằng, để hiểu rõ hơn các mô hình phát triển kinh tế khác nhau sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào vốn vật chất mà không đi sâu phân tích, đánh giá xem làm thế nào, tại sao và khi nào con người trở nên đủ sáng tạo để có khả năng và năng lực đối mặt với những thách thức trong việc biến tri thức, sáng tạo và đổi mới thành các yếu tố cạnh tranh chính tạo ra giá trị gia tăng, như một điều kiện tiên quyết của tăng trưởng và phát triển trung và dài hạn.
Theo CIMA (2001), IC là một khái niệm phức tạp thường được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm ba loại vốn khác nhau: Vốn con người, vốn quan hệ và vốn cấu trúc.
- Vốn con người là kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, năng lực và thái độ của nhân sự trong một tổ chức. Lí thuyết tổ chức giải thích vai trò chính của vốn con người là khả năng tương tác giữa những người lao động trong một công ty nhằm tìm ra các giải pháp có giá trị nhất để giải quyết vấn đề và để đạt được, duy trì và phát triển tổ chức một cách lâu dài.
- Vốn quan hệ là một phần của vốn trí tuệ có liên quan đến các mối quan hệ bên ngoài của công ty như khách hàng, nhà cung cấp hoặc các đối tác. Vốn quan hệ thể hiện uy tín của một tổ chức và khả năng sử dụng các mối quan hệ này để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình mới.
- Vốn cấu trúc liên quan đến các chiến lược và chính sách của tổ chức, đặc biệt tập trung vào tri thức tập thể, tổng hợp hệ thống các quy định, tài liệu chỉ dẫn, quy trình, cơ sở dữ liệu mà công ty sở hữu.
Khái niệm thứ hai, nền kinh tế sáng tạo giải thích một cách thú vị và nổi bật về vai trò ngày càng tăng của sáng tạo và đổi mới với vai trò là nguồn lực chính của sự thịnh vượng kinh tế và xã hội, đồng thời mang đến một tầm nhìn rộng hơn để thừa nhận mối liên hệ giữa sự phát triển thông minh, bền vững và toàn diện với khía cạnh văn hóa của sự phát triển.
Cốt lõi của nền kinh tế sáng tạo là khái niệm sáng tạo, một thuật ngữ được nhiều ngành khoa học xã hội chấp nhận và được Richard Florida phát triển, là nền tảng cơ bản của khái niệm mới về sáng tạo (Florida, 2002). Sự sáng tạo có thể được hiểu rõ hơn khi kết hợp với khái niệm về cá nhân. Sáng tạo là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của con người, đề cập đến khả năng cá nhân sử dụng kiến thức và kĩ năng không chỉ để tạo ra mà còn để quản lí và phát triển tốt hơn các ý tưởng, giải pháp có giá trị kinh tế, sau đó, có thể chuyển thành tài sản mang lại giá trị gia tăng cho cả cá nhân, tổ chức và cộng đồng địa phương, nơi những người này tương tác và giao tiếp. Là một trong những người tiên phong trong cách tiếp cận mới này, JK Galbraith đã gợi ý vào năm 1969 rằng, vốn trí tuệ sẽ được định nghĩa chính xác hơn khi được xem là một hành động trí tuệ hơn là kiến thức hay trí tuệ thuần túy. Từ quan điểm này, tính sáng tạo được đo lường khi các kết quả đánh giá dựa trên hiệu suất trung và dài hạn. Một phần của tính sáng tạo có thể được xác định dựa trên các phương pháp định chuẩn khác nhau, được sử dụng để đánh giá, xếp hạng các quốc gia và/hoặc khu vực dựa trên khả năng cạnh tranh. Tuy vậy, tiềm năng sáng tạo nằm trong từng cá nhân vẫn chưa được hiểu và phân tích rõ hơn.
Chuyển sang khái niệm phát triển bền vững, một trong những định nghĩa phổ biến nhất đã được đưa ra bởi Ủy ban Brundtland đó là: Khả năng làm cho sự phát triển trở nên bền vững nhằm đảm bảo rằng nó đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (USNRC) đã làm rõ hơn các định hướng chung về phát triển bền vững bằng cách xác định ba trong số các hoạt động chính cần được duy trì là: Tự nhiên, hỗ trợ cuộc sống và cộng đồng; ba yếu tố quan trọng nhất cần được phát triển là: Con người, kinh tế và xã hội (USNRC, 1999). Những yếu tố này cho thấy nỗ lực của thể chế, trách nhiệm của tổ chức là cần thiết nhưng cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi. Vốn trí tuệ là một mắt xích quan trọng giữa những gì cần được hỗ trợ và những gì cần được phát triển để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để các quá trình này được diễn ra đồng thời, tiềm năng sáng tạo của con người phải được khai thác và sử dụng bởi vì việc bộc lộ tiềm năng sáng tạo, tìm ra các giải pháp sáng tạo và đổi mới đóng góp rất nhiều cho sự phát triển thông minh, bền vững và sáng tạo ở cả cấp độ cá nhân, tổ chức và quốc gia.
Các hoạt động kinh tế và xã hội luôn dựa vào tài sản hữu hình và vô hình như kiến thức, vốn trí tuệ và sự sáng tạo để tạo ra giá trị và tăng hiệu suất. Sự thành công của một tổ chức cũng phụ thuộc vào hiệu suất trong quá trình quản lí tài nguyên phức tạp cả hữu hình và/hoặc vô hình. Trước đây, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào tài sản hữu hình và tài sản vô hình chỉ chiếm khoảng 20% tổng tài sản (Craciun và Scriosteanu, 2008). Đến năm 1999, khoảng 80% tài sản thuộc hầu hết các tổ chức là tài sản vô hình và ngày nay, các công ty như Google hay Microsoft gần như hoàn toàn dựa vào tài sản phi vật chất và vô hình.
Tri thức, sáng tạo và đổi mới trở thành động lực chính của phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò của vốn tri thức trong việc tạo ra tăng trưởng và phát triển bền vững. Với sự phát triển của nền kinh tế văn hóa và sáng tạo, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng: Điểm giao thoa giữa văn hóa, kinh tế, công nghệ và sáng tạo chính là vốn trí tuệ (UNCTAD, 2008). Do đó, vốn trí tuệ hầu hết được đánh giá cao và được sử dụng nhiều trong bối cảnh nền kinh tế sáng tạo vì nó có tiềm năng cao để tạo ra giá trị gia tăng và thu nhập, đồng thời, tạo ra việc làm mới và góp phần nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống.
Sáng tạo và đổi mới sáng tạo có thể được xem như chiếc cầu nối với vốn xã hội. Sự đổi mới và vốn xã hội có thể được áp dụng vào cách các tổ chức/thành phố/con người nhằm thích ứng và đổi mới nguồn nhân lực, mối quan hệ và cách thức tổ chức để phát triển phù hợp với những thách thức phát sinh trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Do đó, các nhà nghiên cứu đã bổ sung mối liên hệ giữa nền kinh tế sáng tạo vào mô hình vốn trí tuệ. Vốn trí tuệ thúc đẩy các kết quả tích cực dự kiến sẽ đạt được và phát triển trong bối cảnh phát triển bền vững dựa trên kiến thức và đổi mới. Hơn nữa, cả vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo có thể kết hợp cùng nhau để phát triển các yếu tố và nguồn lực định hướng chính, hỗ trợ sự phát triển bền vững và toàn diện trong dài hạn. Trong một nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, đồng thời phải đối mặt với một số “sự khác biệt về văn hóa” và sự đa dạng, bằng cách phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới, dựa trên các tài sản vô hình như vốn trí tuệ, chúng ta có thể đảm bảo một nền tảng vững chắc và rộng lớn hơn cho sự phát triển bền vững, trong đó kết hợp và khám phá nhiều mối liên kết giữa các khía cạnh xã hội, văn hóa và môi trường của sự phát triển. Mục tiêu và định hướng của phát triển bền vững là sử dụng nền kinh tế sáng tạo và vốn tri thức nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất cho các vấn đề phức tạp như năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, di cư, khả năng chống chịu của hệ sinh thái, an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác đòi hỏi kỉ luật chéo. Để đảm bảo việc sử dụng tốt nhất nguồn vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo, đồng thời nâng cao tiềm năng cạnh tranh và tính bền vững, chúng ta phải áp dụng các nguyên tắc của hiểu biết văn hóa.
Hiểu biết văn hóa dựa trên đối thoại và hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách tương tác với nhau ở mọi cấp độ hoạt động kinh tế (tổ chức, địa phương, quốc gia và quốc tế). Một bộ năng lực cốt lõi cao phải được áp dụng để đảm bảo và hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả sự kết hợp của các chính sách văn hóa xã hội, kinh tế và môi trường ở tất cả các cấp độ của hoạt động kinh tế.
3. Thực tiễn tiếp cận từ một số quốc gia châu Âu
3.1. Những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc nâng cao vốn trí tuệ và phát triển bền vững nền kinh tế sáng tạo
Vấn đề làm thế nào để xác định và định lượng giá trị kinh tế của sự sáng tạo là một chủ đề tương đối mới trong chương trình nghị sự của EU. Trong vài năm qua, EU đã thúc đẩy một số sáng kiến nhằm hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo như một động lực chính của sự giàu có và bền vững thông qua các chính sách bảo vệ bản quyền và cung cấp tài trợ đặc biệt cho người dân phát triển sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng trong lĩnh vực này.
Trong Chương trình châu Âu sáng tạo, EU đã nỗ lực lập bản đồ các cụm hoặc khu vực sáng tạo ở cấp độ châu Âu, nhưng khó khăn chính khi sắp xếp dữ liệu quốc gia là việc không thể phân loại chính xác một số công việc, hoạt động hoặc dịch vụ theo quy định. EU đã cố gắng tạo ra một khuôn khổ chung thể hiện thông qua các báo cáo về ngành công nghiệp văn hóa, trong đó hài hòa các khía cạnh lí thuyết và thuật ngữ cơ bản của ngành công nghiệp văn hóa. Báo cáo này kêu gọi các quốc gia thành viên tuân theo cùng một phương pháp trong việc định lượng và phân loại các hoạt động theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Tuy nhiên, việc tuân thủ nguyên tắc phân loại mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.
3.2. Vương quốc Anh: Sáng kiến về lập bản đồ các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tạo ra và chia sẻ chuyên môn và kiến thức trong lĩnh vực vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo. Nước Anh sáng tạo, một trong những sáng kiến được biết đến nhiều nhất, liên quan đến nền kinh tế sáng tạo bắt nguồn từ cuốn sách năm 1998 của Bộ trưởng Nội các Chính phủ Anh Chris Smith, trong đó ông dự đoán sức mạnh kinh tế và giá trị của các ngành công nghiệp sáng tạo cho Vương quốc Anh.
Hội đồng Anh là một trong những cơ quan cam kết phát triển nền kinh tế sáng tạo văn hóa và thúc đẩy các giá trị chung về sự đa dạng, tự do ngôn luận, công bằng và bền vững. Một trong những ấn phẩm chính của họ đưa ra những cách mới để định lượng giá trị kinh tế. Theo nghiên cứu này, một trong những công cụ hữu ích nhất để hiểu về nền kinh tế sáng tạo là lập bản đồ, vì các lĩnh vực sáng tạo dựa trên vốn trí tuệ là phi truyền thống theo nghĩa là chúng không tuân theo sự phân loại mà các tổ chức công thường sử dụng.
Các dự án lập bản đồ của Hội đồng Anh giúp nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế của một cộng đồng, thành phố, khu vực hoặc quốc gia, đồng thời, cung cấp phương tiện lập kế hoạch cho sự phát triển trong tương lai thông qua các chính sách được hoạch định tốt. Nghiên cứu một lĩnh vực đang thay đổi như nền kinh tế sáng tạo cũng đi kèm với thách thức như vấn đề với dữ liệu đáng tin cậy chưa được công khai. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này bao gồm cả việc thu thập dữ liệu thông qua các hiệp hội thương mại, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân hoặc trường đại học.
3.3. Trường hợp của Ru-ma-ni
Là một phần trong các sáng kiến EU về thúc đẩy vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo, Ru-ma-ni đã thiết lập một sáng kiến phát triển các chiến lược phù hợp với nền kinh tế và xã hội tri thức, sáng tạo để đóng góp vào nền kinh tế - xã hội thông minh, bền vững và phát triển toàn diện. Những cải tiến trong lĩnh vực này đã được bắt đầu trong vài năm qua. Cơ quan thực hiện việc nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực này là Viện Nghiên cứu và hình thành văn hóa quốc gia (The National Institute for Research and Cultural Formation - NIRCF), trực thuộc Bộ Văn hóa và Bản sắc dân tộc với mục tiêu là nghiên cứu và xuất bản các thống kê về lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng chú trọng hơn vào việc thu thập và phân phối dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo và coi các ngành này là các lĩnh vực đầu tư chiến lược quan trọng. Đối với mục tiêu này, các phương pháp tiếp cận khác nhau được áp dụng, đo lường không chỉ các đặc điểm của thị trường lao động mà còn cả mức độ hấp thụ văn hóa dưới hình thức các buổi hòa nhạc, lễ hội và các hoạt động văn hóa khác có tác động lớn đến sự phát triển của con người.
Như vậy, bên cạnh những nỗ lực của quốc gia và khu vực nhằm phát triển một khuôn khổ toàn diện hơn để hiểu được tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, EU đang cung cấp vô số nguồn lực nhằm khám phá những cách thức mới để đánh giá tiềm năng của các lĩnh vực đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận vi mô (tổ chức, doanh nghiệp) sang cách tiếp cận vĩ mô (quốc gia, khu vực) để có cái nhìn tổng quan hơn về các thành phố sáng tạo.
4. Chính sách phát triển vốn trí tuệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay
Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu về đổi mới sáng tạo trong 10 năm 2011 - 2020 và xếp hạng thứ 44/131 năm 2021. Chính phủ Việt Nam đã coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên của quốc gia, lấy các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả kinh tế như xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lí ảo, chuỗi cung ứng. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể học tập, ứng dụng, sáng tạo công nghệ và khắc phục những hạn chế của các quốc gia đi trước nhằm phát triển năng lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong nước. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững thể hiện ở chỉ số thấp ở nhóm các phát minh, sáng chế trong khi đây lại là nhóm định hướng và quyết định hiệu quả của đổi mới sáng tạo. Các chỉ số xếp hạng khoa học bao gồm: (i) Chỉ số xếp hạng các trường đại học trong nước so với quốc tế; (ii) Chỉ số bằng sáng chế nộp tại các cơ quan chuyên môn; (iii) Số lượng trích dẫn của các công trình nghiên cứu quốc tế ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á theo “The Global Innovation Index 2020”.
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được hỗ trợ đăng kí bảo hộ, quản lí và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Đến năm 2030, số lượng đơn đăng kí bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng kí bảo hộ, quản lí và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng kí nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.
Tóm lại, trong khi phát triển bền vững và toàn diện luôn là mục tiêu quan trọng đối với doanh nghiệp và quốc gia, đã có những nỗ lực đáng kể dưới cả góc độ nghiên cứu lẫn quản trị trong việc thiết lập và lượng hóa vai trò của vốn trí tuệ và nền kinh tế sáng tạo. Đối với Việt Nam, chúng tôi tin rằng, các cơ sở học thuật mà nhất là các trường đại học nên được xem là nơi tiên phong trong việc nghiên cứu trong lĩnh vực quan trọng này, nhất là sự cần thiết xây dựng bản đồ phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo - văn hóa như một số quốc gia tiên tiến đã và đang tiếp cận. Cần thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết Viện nghiên cứu - Trường đại học - Doanh nghiệp thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực để bứt phá nhanh... Bên cạnh đó, để phát triển nền kinh tế sáng tạo và vốn trí tuệ cần có sự thống nhất, nhất quán từ tư tưởng chỉ đạo đến sự vận hành của hệ thống chính sách, hệ thống quản trị công, thể chế hợp lí, kết cấu hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ một cách hoàn thiện và nguồn nhân lực có khả năng phát huy sáng tạo trong khoa học - công nghệ, đi kèm với các lộ trình cụ thể mang tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia. Về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, các nghiên cứu định lượng về vai trò của vốn trí tuệ và kinh tế sáng tạo cũng cần được thực hiện chuyên sâu hơn trong thời gian tới. Thông qua bài viết này, chúng tôi hi vọng sẽ mở đường cho các nghiên cứu mới liên quan đến chủ đề này trong tương lai gần.
Tài liệu tham khảo:
1. Akpinar, A., & Akdemir, A. (1999). Intellectual capital. Third European Conference, pages 332 - 340.
2. Chartered Institute of Management Accountant. (2001). Understanding corporate value: Managing and reporting intellectual capital. Retrieved from http://www.cimaglobal.com/Documents/ImportedDocuments/tech_techrep_understanding_corporate_value_2003.pdf
3. Craciun, L., & Scriosteanu, A. (2008). How to measure intellectual capital. Annals of University of Craiova - Economic Sciences Series, 3(36), pages 1239 - 1244.
4. Florida, R. (2002). The rise of the creative class: And how It’s transforming work, leisure, community and everyday life. New York: Basic Books.
5. Lữ Hữu Chí, Nguyễn Văn Thích và Lương Thị Thu Thủy (2022). Vai trò phát triển vốn trí tuệ đối với tăng trưởng cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, 20(10), trang 9 - 14.
6. Nguyen, T. V., & Lu, C. H. (2023). Financial intermediation in banks and the key role of intellectual capital: New analysis from an emerging market. Journal of Financial Services Marketing, pages 1 - 15. https://doi.org/10.1057/s41264-023-00220-0
7. Smith, A. (1990). An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (2nd ed.). London: Great Books of Western World.
8. Soumitra, D., Bruno, L., & Sacha, W.V. (2020), “The Global Innovation Index 2020”, WIPO. https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_gii_2020.pdf
9. U.S. National Research Council, Policy Division, Board on Sustainable Development. (1999). Our common journey: A transition toward sustainability. Washington, DC: National Academy Press.
10. UNCTAD (2008). Creative economy report. Retrieved from http://unctad.org/en/docs/ditc20082cer_en.pdf