1. Đặt vấn đề
Từ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài. NHNN và các NHTM đã sử dụng các công cụ như điều chỉnh lãi suất, giãn nợ… nhằm kích thích phát triển kinh tế, tăng cầu về vốn, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay không đạt được mức kì vọng. Đến ngày 27/6/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 4,03% so với cuối năm 2022, tăng 9,08% so với cùng kì, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% của năm 2023. Các kênh huy động, dẫn vốn hiện nay như trái phiếu, cổ phiếu... đang gặp khó khăn nên doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Trong bối cảnh ngày càng phát triển của lĩnh vực tài chính, ngân hàng gắn với sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của người dân, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng số hóa với hàm lượng công nghệ cao, việc ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay nói chung và chấm điểm dựa trên dữ liệu dân cư nói riêng đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong quá trình thẩm định và phê duyệt tín dụng. Điều này giúp tối ưu hóa quá trình đánh giá khả năng trả nợ của người vay và hỗ trợ ngân hàng ra quyết định cho vay một cách nhanh chóng, đáng tin cậy. Đồng thời, thông qua đánh giá khả tín khách hàng vay từ dữ liệu dân cư một cách khách quan, minh bạch, ngân hàng và các tổ chức tài chính có thêm công cụ để đẩy mạnh cấp tín dụng đến người dân một cách chính thống, đa kênh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, lành mạnh hóa hoạt động cho vay, tăng cường công tác an sinh xã hội.
2. Tổng quan về CSDLDC
2.1. Nội dung, mục đích và vai trò của CSDLDC
Dữ liệu công dân là dữ liệu nền tảng cho các hoạt động quản lí nhà nước, hiện diện trong mọi hoạt động giao dịch của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu công dân, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Đây là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lí bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lí nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 4, Điều 3, Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014). Nội dung thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào CSDLDC được tổng hợp tại Bảng 1.
Bảng 1: Nội dung thông tin công dân được thu thập, cập nhật vào CSDLDC
Nguồn: Luật CCCD năm 2014
Về mục tiêu của CSDLDC, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), CSDLDC (cùng với hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử) được triển khai ứng dụng nhằm hướng tới: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Với những mục tiêu trên, việc ứng dụng CSDLDC có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lí nhà nước và phục vụ nhân dân. Thứ nhất, CSDLDC giúp hỗ trợ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, CSDLDC là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lí xây dựng lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân. Thứ ba, việc tra cứu thông tin trong CSDLDC khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian xử lí và chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Thứ tư, CSDLDC giúp nâng cao hiệu quả quản lí dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thứ năm, CSDLDC làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm kinh phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các CSDL chuyên ngành (CSDLCN).
2.2. Kết nối, chia sẻ giữa CSDLDC và CSDLCN
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có quy định riêng về việc kết nối CSDLDC với các CSDLCN nhằm cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân một cách toàn diện, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDLDC và CSDLCN được luật hóa cụ thể tại Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, các cơ quan quản lí CSDL quốc gia, CSDLCN khi có thông tin về công dân trong CSDLDC thì phải bảo đảm điều kiện theo Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ (có cơ sở hạ tầng thông tin để kết nối và đáp ứng một số tiêu chuẩn về kết nối). Cùng với đó, việc kết nối, chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL phải bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định pháp luật hiện hành. Mặt khác, việc sử dụng thông tin công dân trong CSDLDC cần phải đảm bảo bí mật, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân/gia đình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg, các thông tin được chia sẻ cho hệ thống CSDLDC bao gồm: CSDL hộ tịch điện tử dùng chung, CSDL về cư trú, CSDL CCCD, CSDL về y tế và CSDLCN. Về việc chia sẻ thông tin công dân, cơ quan quản lí CSDLCN (gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) cần cung cấp thông tin về công dân cho CSDLDC theo quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin. Ngoài ra, các cơ quan này cũng có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực quản lí để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lí nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Về mặt quyền lợi, cơ quan, tổ chức có hoạt động kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin với CSDLDC có thể khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLDC theo chức năng, nhiệm vụ và mục đích đăng kí với cơ quan quản lí CSDLDC, cũng như đề nghị cơ quan quản lí CSDLDC giải quyết các vướng mắc làm ảnh hưởng đến quyền khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLDC.
Như vậy, có thể khẳng định Quyết định số 1911/QĐ-TTg quy định chi tiết hoạt động kết nối, chia sẻ giữa CSDLDC và CSDLCN là một tiền đề pháp lí quan trọng cho sự ra đời Đề án 06 nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện và ứng dụng CSDLDC phục vụ việc triển khai các mục tiêu an sinh - xã hội của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
3. Hệ thống chấm điểm khả tín của khách hàng
Khoản tín dụng đầu tiên trên thế giới được hình thành tại thành phố Uruk bởi người Sumer vào khoảng 4.000 năm trước công nguyên. Kể từ đó, các hình thức cấp tín dụng, đặc biệt là tín dụng ngân hàng dần phát triển và trở nên phổ biến. Tín dụng ngân hàng, theo Phillips (1922), được hiểu là hoạt động cấp vốn của ngân hàng cho người đi vay. Trong đó, nền tảng của sự đồng thuận cấp vốn được tạo nên thông qua “sự tín nhiệm” của khách hàng đối với ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều lí thuyết, mô hình khác nhau đã được đưa ra nhằm đo lường, lượng hóa “sự tín nhiệm” - điểm khả tín của khách hàng, qua đó tạo cơ sở vững chắc cho ngân hàng trong việc đưa ra quyết định tín dụng.
Theo Thomas (2000), thông tin cơ bản cần thiết để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng cá nhân được đưa ra từ mô hình 5C, bao gồm: Tính cách (character), năng lực tài chính (capital), năng lực trả nợ (capacity), điều kiện (conditions) và tài sản thế chấp (collateral). Mô hình này được xem là nguyên lí cơ bản trong cho vay nói riêng và cấp tín dụng nói chung, do đó đã được nhiều ngân hàng trên thế giới công nhận và áp dụng trong việc chấm điểm khả tín của khách hàng (Baiden, 2011). Ngoài ra, một số mô hình chấm điểm khả tín được xây dựng bởi các tổ chức xếp hạng nổi tiếng như của FICO, mô hình điểm số tín dụng Vantage Score và mô hình xếp hạng tín dụng cá nhân của EY cũng được tin dùng. Trong đó, mô hình của FICO được xây dựng dựa trên dữ liệu về lịch sử trả nợ; dư nợ tại các TCTD; độ dài của lịch sử tín dụng; số lần vay nợ mới và các loại tín dụng đã sử dụng. Mô hình này khá giống mô hình của Vantage Score khi tập trung khai thác các dữ liệu lịch sử tín dụng như lịch sử trả nợ; tình trạng sử dụng tín dụng; số dư tín dụng; độ sâu tín dụng; tình trạng tín dụng gần đây và tình trạng tín dụng sẵn có để đo lường mức độ khả tín của khách hàng. Cuối cùng, EY áp dụng một mô hình khá đơn giản với hai căn cứ bao gồm khả năng trả nợ và nhân thân để đánh giá điểm khả tín của khách hàng.
Như vậy, có thể thấy, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc lựa chọn loại thông tin sử dụng để đo lường mức độ khả tín của khách hàng phụ thuộc vào quan điểm về “sự tín nhiệm”, sự sẵn có của thông tin, đối tượng khách hàng… Chính vì vậy, để đảm bảo sự đồng nhất trong việc đánh giá khách hàng vay vốn tại các NHTM Việt Nam, cũng như đảm bảo sự an toàn, hiệu quả của hệ thống, NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó đưa ra quy chuẩn về điều kiện vay vốn của khách hàng, tạo nền tảng và kim chỉ nam cho các NHTM trong việc đưa ra quy định nội bộ về điều kiện vay vốn. Cụ thể, Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã chỉ ra 04 điều kiện vay vốn cơ bản của khách hàng:
(1) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
(2) Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
(3) Có phương án sử dụng vốn khả thi.
(4) Có khả năng tài chính để trả nợ.
Ngoài ra, Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng quy định “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do TCTD và khách hàng thỏa thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của TCTD với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan”. Do đó, điều kiện về áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay là một điều kiện không bắt buộc và được bổ sung trong một số trường hợp theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật, mức độ khả tín của khách hàng sẽ được đánh giá dựa trên các nhóm tiêu chí bao gồm năng lực pháp lí (tương ứng với khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN); năng lực sử dụng vốn (tương ứng khoản 2 và 3 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN); năng lực tài chính (tương ứng với khoản 4 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) và việc thực hiện bảo đảm tiền vay (theo Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN).
Với các điều kiện vay vốn kể trên, các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cụ thể hóa các thông tin cần xác thực nhằm đảm bảo cho quá trình thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng tuân thủ đúng quy định. Bảng 2 đưa ra ví dụ cụ thể về danh mục thông tin yêu cầu thẩm định đối với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.
Bảng 2: Thông tin sử dụng trong chấm điểm khả tín
của khách hàng cá nhân vay tiêu dùng
Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu từ các NHTM
Dữ liệu Bảng 2 cho thấy, ứng với mỗi điều kiện vay vốn các ngân hàng sẽ thiết kế các nội dung chấm điểm khác nhau. Quan trọng hơn, với mỗi nội dung chấm điểm, cán bộ ngân hàng sẽ phải tiếp cận với nhiều nguồn CSDL khác nhau để có thể thu thập cũng như kiểm chứng thông tin khách hàng. Trong đó, hai nguồn dữ liệu lớn cán bộ ngân hàng có thể tiếp cận là nguồn thông tin từ nội bộ ngân hàng (hồ sơ khách hàng cung cấp, thông tin của khách hàng tại ngân hàng mình, thông tin thu thập được qua quá trình phỏng vấn, điều tra trực tiếp) và nguồn thông tin đến từ các nguồn bên ngoài (Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), cơ quan hữu quan, cơ quan/tổ chức/cá nhân có liên quan tới khách hàng vay vốn).
Việc sử dụng nhiều nguồn dữ liệu song song và đặc biệt đa phần phụ thuộc nhiều vào thông tin do khách hàng cung cấp gây ra một số khó khăn, hạn chế nhất định cho cán bộ tín dụng trong quá trình tra soát, so sánh, kiểm định thông tin. Cụ thể, một số hạn chế của nguồn dữ liệu hiện tại, bao gồm:
- Chất lượng thông tin phụ thuộc vào năng lực của cán bộ ngân hàng trong quá trình thu thập thông tin và phỏng vấn khách hàng.
- Thông tin thu nhận được từ các cơ quan/tổ chức đôi khi không đồng nhất.
- Mất nhiều thời gian và chi phí trong việc thu thập và kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Xuất phát từ các hạn chế trên, trong những năm gần đây, các NHTM Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận xu hướng quốc tế, bao gồm việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), kĩ thuật về máy học, trí thông minh nhân tạo (AI) trong thu thập dữ liệu, phân tích khách hàng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn, NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng thiết lập phương thức chấm điểm khách hàng dựa trên kết quả xây dựng từ nhiều mô hình kinh tế. Mô hình này được xây dựng từ việc xử lí hệ thống dữ liệu khổng lồ và tương đối phức tạp. NHTM cổ phần Tiên Phong hợp tác với nhà bán lẻ Nice (Hàn Quốc) trong việc tích hợp các bộ đếm thẻ với các tệp dữ liệu đã được tổng hợp đa chiều để xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.
4. Ứng dụng CSDLDC để đánh giá điểm khả tín của khách hàng
Việc các NHTM và công ty công nghệ chủ động đầu tư vào những dự án thu thập, xử lí thông tin tín dụng khách hàng dựa trên nền tảng số được nhiều chuyên gia đánh giá là một xu hướng đầu tư bền vững và có triển vọng phát triển mạnh. CSDLDC đang được Bộ Công an tích cực hoàn thiện, cùng với các chính sách phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và NHNN sẽ mở ra nhiều cơ hội cho NHTM khai thác và sử dụng dữ liệu thay thế từ CSDLDC một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng cho khách hàng cá nhân, từ đó sẽ mang lại lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho NHTM, góp phần phát triển bền vững thị trường tín dụng bán lẻ tại Việt Nam. (Hình 1)
Hình 1: Mức độ bao phủ của CSDLDC - CSDLCN với thông tin chấm điểm khả tín khách hàng
Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu
Từ việc nghiên cứu mức độ bao phủ của các thông tin trong CSDLDC và CSDLCN với thông tin chấm điểm khả tín khách hàng, Nhóm nghiên cứu phân tích một số khả năng ứng dụng CSDLDC trong đánh giá điểm khả tín của khách hàng, đặc biệt là các đối tượng khách hàng yếu thế, hiệu quả mang lại cho các bên và góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện như sau:
Thứ nhất, khi thông tin CSDLDC được liên thông đến các TCTD sẽ là cơ sở hữu ích để các TCTD đơn giản hóa thủ tục cho vay ngay từ bước lập hồ sơ vay vốn. Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, trong đó đưa ra định hướng thúc đẩy các TCTD có giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn đối với khách hàng. Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang chuyển đổi số mạnh mẽ cũng là động lực để các NHTM tích cực trong việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại để khai thác các nguồn thông tin thay thế (trong đó CSDLDC được xác định là nguồn thông tin tiềm năng quan trọng) nhằm tăng tiện ích thuận lợi cho khách hàng mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối và mang lại hiệu quả cho ngân hàng.
Trước đây, hồ sơ tín dụng yêu cầu khá nhiều các loại giấy tờ: Đơn xin vay vốn, hồ sơ pháp lí, hồ sơ tài chính, hồ sơ thuyết minh vay vốn, hồ sơ tài sản bảo đảm phần lớn đều dựa vào nguồn thông tin khách hàng cung cấp, ngân hàng sẽ hướng dẫn khách hàng nộp bản sao công chứng sau kèm đối chiếu bản gốc của một số loại giấy tờ hoặc cần liên hệ với các cơ quan quản lí để xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của các giấy tờ do khách hàng cung cấp. Quy trình này sẽ tốn thời gian, công sức và chi phí của cả khách hàng và ngân hàng. Hạn chế này sẽ được khắc phục khi một số thông tin trong hồ sơ vay vốn như: Giấy tờ định danh khách hàng, tình trạng pháp lí khách hàng… đã được tích hợp trên CSDLDC và đảm bảo khách quan, tin cậy. Ngân hàng sẽ tự động trích xuất, kiểm tra thông tin khách hàng mà không cần yêu cầu khách hàng cung cấp, giúp rút ngắn thời gian lập hồ sơ và gia tăng hiệu quả của giai đoạn lập hồ sơ vay vốn.
Thứ hai, thông tin trên CSDLDC sẽ giúp các NHTM tăng độ bao phủ và tin cậy của dữ liệu đầu vào. Thực tế thì hiệu quả của chất lượng tín dụng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thông tin, do đó đòi hỏi cán bộ tín dụng phải nhanh nhạy trong việc tổ chức, điều tra về khách hàng, về tính trung thực của khách hàng. Thông tin cần được xử lí kịp thời, đầy đủ, chính xác. CSDLDC sẽ là giải pháp tiềm năng giúp các NHTM có thêm dữ liệu thay thế trong đánh giá tín nhiệm toàn diện về khách hàng thay vì chỉ sử dụng dữ liệu truyền thống. (Bảng 3)
Bảng 3: Một số loại dữ liệu truyền thống và dữ liệu thay thế
trong đánh giá điểm khả tín của khách hàng cá nhân
Nguồn: FICO (2017)
CSDLDC tuy mới được tạo lập song sẽ được cập nhật thường xuyên, trong khi kho dữ liệu truyền thống ít được cập nhật và trong tình trạng không theo dõi thường xuyên. CSDLDC có khả năng bao phủ một lượng lớn quan sát, đồng thời với một lượng lớn trường dữ liệu sẽ cho phép khai thác để cung cấp nhiều thông tin trên nhiều khía cạnh khác nhau về cùng một chủ thể. Điều này giúp các NHTM có thể thực hiện việc phân tích nhanh chóng, tăng cường quy mô và độ bao phủ của dữ liệu phân tích.
Thứ ba, CSDLDC khi được cập nhật thường xuyên sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các NHTM để kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm rủi ro đối với khách hàng sau khi vay vốn. Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng với các khái niệm đưa ra như trên được hiểu là một chương trình kiểm tra, giám sát, đánh giá tính tuân thủ của khách hàng và đơn vị kinh doanh sau cấp tín dụng, cảnh báo sớm với trường hợp có dấu hiệu rủi ro và có thể chuyển nhóm nợ cao hơn để đưa ra các biện pháp xử lí kịp thời nhằm giảm tỉ lệ nợ chuyển nhóm. Như vậy, hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng tại các NHTM có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng tín dụng. Trong khi các thông tin trong hệ thống giám sát tín dụng tại các NHTM chỉ tập trung cung cấp những thông tin cơ bản, thường là liên quan trực tiếp đến nội dung phân tích tín dụng thì CSDLDC cung cấp thông tin trên nhiều lĩnh vực hơn dẫn tới việc dự đoán xu hướng và diễn biến độ khả tín của khách hàng tốt hơn, trong thời gian xa hơn.
Đỗ Thị Thu Hà, Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thị Hương Trà
Học viện Ngân hàng