1. Triển vọng kinh tế toàn cầu
Nhìn chung, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị, tuy nhiên, vẫn còn chậm và chưa đồng đều. Mặc dù, nền kinh tế đang phục hồi trở lại từ đầu năm 2023 và lạm phát giảm so với mức đỉnh năm 2022, vẫn còn quá sớm để chúng ta cảm thấy yên tâm. Các hoạt động kinh tế vẫn chưa đạt được trạng thái như trước đại dịch Covid-19, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời, có sự khác biệt ngày càng lớn giữa các khu vực. Có rất nhiều lí do kìm hãm kinh tế phục hồi, ví dụ như từ hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19, những biến động địa chính trị và sự phân chia khu vực kinh tế ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, một số lí do khác có tính chất chu kì hơn, bao gồm tác động của việc chính sách tiền tệ thắt chặt cần thiết để giảm lạm phát, giảm hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ công cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, từ 3,5% vào năm 2022, 3,0% vào năm 2023 xuống còn 2,9% vào năm 2024. Nền kinh tế thế giới có thể sẽ bình ổn sau chu kì thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều năm, mặc dù có rất nhiều rủi ro. Tác động trễ của việc một số ngân hàng trung ương thắt chặt cung tiền có thể nhận thấy rõ ở các nền kinh tế phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, được dự báo khoảng 1% vào năm 2024.
Ngược lại, tốc độ tăng trưởng của châu Á trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt tới 4,9%, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc có thể không nổi bật, nhưng lĩnh vực xuất khẩu và du lịch được cải thiện sẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn ở các quốc gia châu Á khác. Đặc biệt ở Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng được kì vọng sẽ tăng lên sau bầu cử. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Đông và châu Phi đang được cải thiện. Các quốc gia Ả Rập như: Arab Saudi và UAE sẽ tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2024.
Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm dần, từ 8,7% năm 2022, 6,9% năm 2023 xuống còn 5,8% năm 2024. Tuy nhiên, dự báo cho năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm và thế giới có thể sẽ không đạt mức lạm phát mục tiêu cho tới năm 2025. Lạm phát kéo dài và những vấn đề địa chính trị là những rủi ro đối với triển vọng phục hồi toàn cầu. Những biến động địa chính trị, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 là những tác nhân chính gây ra rủi ro địa chính trị và chính trị, trong khi tình hình phân chia khu vực kinh tế ngày càng gia tăng. Về mặt lạm phát, trong khi các chính phủ đang liên tục nỗ lực giảm bớt áp lực giá cả, tuy nhiên, chưa rõ liệu lạm phát có thể chậm lại một cách bền vững hay không. Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức cao tại một số thị trường. Các yếu tố khác như thâm hụt tài chính và chi phí chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo có thể khiến lạm phát cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Giá dầu và xung đột địa chính trị cũng là lí do gây ra rủi ro lạm phát tăng cao.
Theo quan điểm của tác giả, chỉ số giá tiêu dùng nhìn chung sẽ giảm tốc vào năm 2024 ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt. Các hiệu ứng cơ sở, lạm phát giá năng lượng giảm gần đây và tác động trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ giúp làm giảm áp lực giá cả. Tuy nhiên, ở nhiều thị trường, ảnh hưởng của điều kiện thời tiết El Niño có nguy cơ làm tăng giá lương thực.
Giá dầu là nguyên nhân chính khiến rủi ro lạm phát tăng cao. Giá dầu Brent được nhận định sẽ đạt trung bình 98 USD/thùng vào năm 2024, tăng lên 109 USD/thùng vào năm 2025. Bất chấp kì vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm nhẹ vào năm 2024, mức tăng của giá dầu vẫn rất đáng kể. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu vẫn ở mức cao, cùng với tăng trưởng vững chắc ở châu Á và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 104 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2024. Tóm lại, những biến đổi về khí hậu và địa chính trị có thể khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao.
2. Triển vọng kinh tế vĩ mô và ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2024: Những khó khăn, thách thức đi qua, dấu hiệu phục hồi tích cực
Về cơ bản, năm 2023 là một năm đầy thách thức mà Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Những biến động kinh tế toàn cầu đã tác động đáng kể đến Việt Nam như tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực lên tỉ giá USD/VND, lạm phát cao hơn gây ra thách thức và áp lực cho ngành Ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2024 (6,2% trong nửa đầu năm 2024 và 6,9% trong nửa cuối năm 2024); lạm phát sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2024 từ mức 3,25% vào năm 2023, tăng trưởng kinh tế trung bình là 6,5 - 7,0% trong giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 15% vào năm 2024 là khả thi sau mức tăng trưởng tín dụng 13,71% vào năm 2023.
Theo số liệu thống kê, doanh số bán lẻ và khối lượng sản xuất công nghiệp của năm 2023 duy trì tăng trưởng mạnh mẽ dù có dấu hiệu chững lại vào thời điểm cuối năm; các khoản đầu tư vào sản xuất và xây dựng bắt đầu đóng góp vào tăng trưởng chung. Tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5,05% nhờ quý IV/2023 tăng trưởng vững chắc đạt 6,72% so với cùng kì năm 2022. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, vốn FDI được giải ngân tăng 3,5% so với cùng kì năm 2022, đạt khoảng 23,2 tỉ USD, trong khi vốn FDI cam kết tăng 32% so với cùng kì đạt khoảng 37 tỉ USD. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể tăng cao hơn, qua đó, đóng góp chung vào tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024.
Việt Nam có triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn vào năm 2024. Ngành sản xuất của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn để nắm bắt hoạt động sản xuất đang được chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc do giá lao động tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt khi nước này mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất phức tạp hơn như điện tử. Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 8/2023, Việt Nam đã kí kết và thực thi 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Phần lớn các FTA đã phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó, cho phép Việt Nam tận dụng các luồng thương mại gia tăng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế với dân số khoảng 100 triệu người và lực lượng lao động lên tới 56 triệu người, cao thứ hai trong ASEAN sau Indonesia; chi phí lao động tương đối thấp và có vị trí địa lí thuận lợi.
Ngành sản xuất đang ngày càng mở rộng, là trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang vươn lên là một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực điện tử, dệt may và các ngành công nghiệp khác, đồng thời, sẵn sàng củng cố vị thế là trung tâm sản xuất được lựa chọn trên thế giới vào năm 2024, thu hút thêm nguồn vốn FDI khi các công ty lớn tìm kiếm quốc gia để đặt cơ sở sản xuất. Xu hướng này dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào sản lượng công nghiệp và sản lượng xuất khẩu.
Cách tiếp cận chủ động của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế tiếp tục mang lại những lợi ích. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra những cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp định này góp phần giảm bớt các rào cản thương mại và mở rộng tiếp cận thị trường, là công cụ thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Để tận dụng được các cơ hội này, Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, nơi tỉ lệ lấp đầy cao và giá thuê tăng. Việt Nam cần tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng (đặc biệt là logistics) để hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Do sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất nên chất lượng không khí ở Việt Nam không cao. Vì thế, cần có lộ trình rõ ràng để giảm lượng khí thải carbon giúp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam.
Phát triển bền vững và công nghệ hóa là những ưu tiên chiến lược của Chính phủ Việt Nam với trọng tâm cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và số hóa với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn, nhưng đồng thời, cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, tăng dần tỉ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong việc phát triển nền kinh tế, đồng thời, đảm bảo thực thi tiêu chuẩn ESG. Trong quá trình này, sự đồng hành và chia sẻ của các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ quan quản lí nhà nước mà còn trong việc hỗ trợ nguồn tài chính và nguồn vốn trực tiếp cho các nhà đầu tư dự án xanh hướng tới phát triển bền vững. Thỏa thuận Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP) và Kế hoạch huy động nguồn lực được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị COP28 sẽ đảm bảo việc hiện thực hóa kế hoạch huy động nguồn lực thành các cơ hội đầu tư và tuân thủ ESG, từ đó, thực sự mang lại tác động cho nền kinh tế Việt Nam.
Ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ có những bước phát triển tích cực trong năm 2024. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện góp phần tạo môi trường kinh tế ổn định và kiểm soát lạm phát. Theo nhận định của chúng tôi, lãi suất tái cấp vốn có thể được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý III/2024 trước khi tăng 50 điểm cơ bản trong quý IV/2024, tuy nhiên, tỉ lệ này có thể giảm. Những nỗ lực kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Sự ổn định của ngành Ngân hàng cho thấy cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Bối cảnh phương tiện thanh toán phát triển nhanh chóng, cùng với sự phát triển của nền tảng thanh toán qua bên thứ ba và Fintech cũng như môi trường pháp lí thay đổi sẽ tiếp tục tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động ngân hàng, đồng thời sẽ mang đến nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Thực tế cho thấy, thông qua việc đổi mới liên tục và tăng cường mở rộng hợp tác sẽ tạo ra sự kết nối và hội nhập rộng rãi hơn, giúp Việt Nam đạt được sự tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ trong tương lai.
3. Một số khuyến nghị
Đối với Chính phủ
Một là, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm (đặc biệt là logistics) để tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới và tăng cường kết nối trong nước.
Hai là, thúc đẩy đổi mới và công nghệ hóa: Hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ, khuyến khích đổi mới và tăng cường áp dụng công nghệ số để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.
Ba là, phát triển bền vững: Thiết lập khuôn khổ pháp lí và cơ chế chính sách thúc đẩy thực thi ESG nhằm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời, đạt được mức phát thải carbon ròng bằng "0" vào năm 2050.
Bốn là, tăng cường giáo dục và đào tạo kĩ năng: Tập trung cải thiện hệ thống giáo dục và các chương trình đào tạo nghề để trang bị cho lực lượng lao động những kĩ năng cần thiết cho các ngành nghề, lĩnh vực mới nhằm bắt kịp xu hướng trên thế giới, giúp cho lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh và thích ứng cao hơn.
Năm là, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện nhằm đảm bảo một bộ phận lớn dân số có thể tiếp cận các dịch vụ và tín dụng ngân hàng, thúc đẩy sự tham gia kinh tế và giảm bất bình đẳng về thu nhập; tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đảm bảo phát triển kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần xã hội.
Sáu là, hợp tác khu vực: Tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và các đối tác quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và ổn định khu vực.
Đối với NHNN
Một là, tăng cường khuôn khổ pháp lí và cơ chế chính sách, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng Việt Nam cần cam kết đồng hành, phối hợp cùng NHNN khi được đề nghị hỗ trợ, hoặc khi có các vấn đề mới phát sinh.
Hai là, về chuyển đổi xanh, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy tài chính xanh - bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số. Các ngân hàng thương mại cần tích cực tham gia vào việc phát triển chiến lược số hóa toàn diện, phát triển các hệ thống thanh toán hiệu quả, thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính mạnh mẽ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, giám sát và điều hành chính sách chủ động, linh hoạt; thường xuyên đánh giá tác động của các chính sách được thực hiện, thu thập phản hồi từ các ngân hàng thương mại và các bên liên quan, đồng thời, linh hoạt điều chỉnh các chính sách dựa trên các tác động kinh tế và xã hội.
Triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam rất hứa hẹn nhờ những chính sách cởi mở và ổn định. Việt Nam đang lấy lại động lực phục hồi và phát triển với các triển vọng bên ngoài được cải thiện và những dấu hiệu phục hồi kinh tế vĩ mô tích cực. Ngân hàng Standard Chartered cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam và NHNN để đạt được một nền kinh tế phát triển bền vững.
Michele Wee
Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam