1. Kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Trong những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thêm vốn sản xuất, kinh doanh đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Một trong những chính sách nổi bật và đã phát huy hiệu quả là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được đánh giá là bước đột phá mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và thủ tục vay so với các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trước đây.
Ngay sau khi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Thống đốc NHNN được ban hành, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ban, ngành và hội đoàn thể các cấp triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và định kì báo cáo NHNN tỉnh kết quả thực hiện.
Vốn tín dụng ngân hàng đã hỗ trợ người dân địa phương phát triển một số mô hình nông nghiệp sạch cho sản phẩm chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh (Nguồn: Internet)
Về phía các chi nhánh TCTD, đã tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên có liên quan về nội dung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Quy chế cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; các Quy chế cho vay qua tổ của các TCTD.
Ngoài ra, Agribank cấp thành phố, thị xã, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và phối hợp chính quyền các xã/phường tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Agribank Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã kí kết Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và các văn bản thỏa thuận về cho vay qua tổ vay vốn. Agribank Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử cán bộ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phổ biến và tiến hành cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thông qua hai hình thức: Cho vay qua tổ vay vốn và cho vay qua tổ liên kết đến các khu dân cư (khu vực, thôn).
Hằng năm, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với các chi nhánh TCTD trên địa bàn tiến hành khảo sát, đi thực tế nắm bắt nhu cầu về vốn của các chủ doanh nghiệp, trang trại, các hợp tác xã và hộ dân nhằm đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và áp dụng các hình thức khác nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức chính trị, xã hội; gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng, đặc biệt là khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP lồng ghép với các chính sách khác của Chính phủ như: Hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; phát triển thủy sản; nông nghiệp sạch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…; với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ, NHNN nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Những kết quả đạt được
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên, sau hơn 8 năm triển khai chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 14.331 tỉ đồng với hơn 152.000 khách hàng còn dư nợ, chiếm 20% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 10.992 tỉ đồng, gấp 3,29 lần so với thời điểm tháng 7/2015 (khi bắt đầu triển khai cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP).
Về chính sách cho vay không tài sản bảo đảm: Dư nợ cho vay không tài sản bảo đảm đến cuối tháng 8/2023 đạt 6.502 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 45,37% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, tăng gấp 5,2 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Về chất lượng tín dụng: Đến ngày 31/8/2023, nợ quá hạn ở mức 232 tỉ đồng, chiếm 1,62% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuất hiện các đợt mưa lũ hoặc bão đã ảnh hưởng không tốt đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, do đó, để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục hậu quả do mưa lũ cũng như khắc phục hậu quả do các cơn bão gây ra, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các chi nhánh TCTD chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng như: Cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tạo điều kiện cho vay mới; khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; đồng thời, các chi nhánh TCTD thực hiện thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại và thực hiện công tác an sinh xã hội đối với những hộ bị thiệt hại.
Việc thực hiện cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm đầu tư đúng mức, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội; góp phần tạo thêm việc làm, khôi phục ngành nghề truyền thống; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân đã có cơ hội sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương của mình.
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP bước đầu đã tác động tích cực trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, cấp thoát nước, giao thông vận tải, cơ sở sản xuất... tạo thêm nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự hỗ trợ của ngân hàng, người dân đã phát triển một số mô hình như hợp tác xã trồng rau sạch, lúa hữu cơ, trang trại trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà lưới, tưới phun sương tiết kiệm nước; hay mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình công nghệ chuồng khép kín, có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, máng ăn uống tự động … đã cho sản phẩm chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 25/7/2015, tuy nhiên việc phối hợp triển khai giữa các ban, ngành chưa kịp thời và đồng bộ, do vậy, vẫn có nơi cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản còn thu tiền lệ phí công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đầu tư vốn; chủ trương dồn điền, đổi thửa để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất tại một số địa phương còn chưa tốt, chưa thu hút được vốn đầu tư; thủ tục cấp giấy xác nhận nông sản sạch còn khá phức tạp đối với người nông dân.
Hầu hết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu vực nông thôn chỉ mới được cấp quyền sử dụng đất, còn phần tài sản gắn liền trên đất không được các cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sở hữu nên khi thực hiện công chứng tài sản thế chấp, các văn phòng công chứng chỉ công nhận việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất còn tài sản gắn liền trên đất chưa được cấp quyền sở hữu.
Nhiều hộ làm trang trại có nhu cầu vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, nhưng không được tiếp cận vốn vay do nhiều năm vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Hộ sản xuất không được vay vốn với số lượng lớn do việc định giá giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp theo khung giá do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là rất thấp nên không có đủ tài sản bảo đảm tiền vay.
Cho vay hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn như: Quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, liên hoàn, hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; hiệu quả kinh doanh thấp, thiếu tính nhạy bén và năng động trong điều hành sản xuất, kinh doanh là những khó khăn chính; không có phương án vay vốn rõ ràng, không có trụ sở nên khó tạo niềm tin vay vốn.
Nhìn chung, hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, môi trường kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm kém bền vững, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ khách hàng không có đủ nguồn thu để trả ngân hàng.
Việc cho vay không tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng nhưng chế tài xử lí đối với trường hợp người vay chây ỳ chưa trả nợ dẫn đến khó khăn cho ngân hàng khi xử lí thu hồi nợ đối với những trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm.
Công tác quy hoạch vùng sản xuất, vùng sản phẩm, quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ, bảo đảm cho nhu cầu phát triển, cơ giới hóa, hiện đại hóa dẫn đến một số nơi còn tình trạng được mùa rớt giá, người nông dân, người sản xuất thua lỗ.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trên là do:
Thứ nhất, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ngân hàng trong quá trình tổ chức thực hiện, trao đổi, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa thường xuyên.
Thứ hai, một số địa phương, ban ngành còn xem việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ là việc của các TCTD nên công tác phối hợp còn hạn chế, chưa được đồng bộ.
Thứ ba, một số khách hàng chưa hiểu đúng về chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, cứ là hộ nông dân thì ngân hàng phải cho vay không có bảo đảm bằng tài sản 200 triệu đồng hoặc có giấy chứng nhận trang trại thì ngân hàng phải cho vay 01 tỉ đồng mà không chứng minh vay để đầu tư vào đâu, khả năng tài chính để trả nợ ra sao; bên cạnh đó, một số chủ trang trại thiếu kinh nghiệm quản lí, có tình trạng sản xuất, chăn nuôi theo phong trào nên dễ dẫn dến nhiều rủi ro.
2. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trong thời gian tới
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cần nêu rõ, chi tiết trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là việc phối hợp với ngân hàng trong việc xử lí tài sản thế chấp, tài sản giữ hộ và tài sản là đất ở thực tế, hiện hữu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nội dung: “Trường hợp TCTD cho vay giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi phải xử lí quyền sử dụng đất của khách hàng để thực hiện các nghĩa vụ dân sự, phải ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ tại TCTD cho vay”.
Liên quan đến nguồn lực thực hiện để đảm bảo hiệu quả Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cần có chính sách vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổng công ty, bảo hiểm, Kho bạc Nhà nước... đóng trên địa bàn có các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi mở tài khoản tiền gửi, chi trả lương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua tài khoản tại ngân hàng thương mại có tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn, hỗ trợ các ngân hàng này huy động được nhiều vốn với lãi suất hợp lí để đáp ứng nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng lãi suất thấp hơn cho vay các lĩnh vực, đối tượng khác.
Đối với Chính phủ
Do thực trạng nền kinh tế còn khó khăn nên đã ảnh hưởng và tác động tới hoạt động của khách hàng thuộc đối tượng nông nghiệp, nông thôn, nông dân dẫn đến khó khăn trong quá trình cấp tín dụng, đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ về cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ không khống chế thời gian.
Đầu tư cho vay cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân gặp nhiều rủi ro khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… trình độ dân trí hạn chế, năng lực và kinh nghiệm quản lí doanh nghiệp ở nông thôn và hợp tác xã chưa cao, khả năng tài chính yếu, giá trị tài sản bảo đảm rất thấp và cơ sở pháp lí chưa rõ ràng, trong khi đó cơ chế xử lí rủi ro theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP mới chỉ quy định xử lí rủi ro trên phạm vi rộng mà chưa hỗ trợ đối với rủi ro khách quan, bất khả kháng trong phạm vi hẹp, đặc biệt là cho vay lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thường xuyên bị dịch bệnh, trong khi đó, bảo hiểm cho các đối tượng này còn nhiều hạn chế. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ về cơ chế xử lí rủi ro phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, có cơ chế để các khoản cho vay bù đắp tài chính đối với các khách hàng là hộ nông dân được hỗ trợ lãi suất.
Đối với Bộ Tài chính
Thực hiện quyết toán tài chính kịp thời đối với các khoản hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất đối với các chương trình tín dụng chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng nguồn lực cho các ngân hàng khi tích cực thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp, quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn ổn định và lâu dài; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, thủy nông, nội đồng, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản, ngập úng trong trồng lúa, trồng màu... Chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát con giống, cây giống... Ban hành các chính sách thiết thực phù hợp với địa phương nhằm hỗ trợ nông dân về khoa học kĩ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Tăng cường xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... hỗ trợ người dân có môi trường sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Có cơ chế thu hút các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa ngân hàng, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể trong việc đầu tư tín dụng, xử lí nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn vay và nâng cao chất lượng tín dụng.
Tài liệu tham khảo:
NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (2023), Báo cáo tổng kết đánh giá 8 năm triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Hoàng Đăng Đích - Nguyễn Thị Mão
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế