UPAS L/C (Usance Payable At Sight Letter of Credit) là thư tín dụng trả chậm đối với người nhập khẩu nhưng lại có giá trị thanh toán ngay đối với người xuất khẩu. UPAS L/C là sản phẩm mới, nhưng do đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên được chấp nhận sử dụng và phát triển nhanh chóng. Nhìn chung, trong ngoại thương, người bán thường mong muốn được thanh toán tiền hàng càng sớm càng tốt để tăng cường năng lực tài chính và tránh được rủi ro trong thanh toán; ngược lại, đối với người mua, thường mong muốn được mua hàng trả chậm do thiếu tiền để thanh toán ngay. Để đáp ứng đồng thời nhu cầu thanh toán sớm của người bán và nhu cầu thanh toán chậm của người mua, UPAS L/C đã ra đời.
Giao dịch L/C nói chung và UPAS L/C nói riêng sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn rất phức tạp nhằm phản ánh các nghiệp vụ chuyên sâu của ngân hàng, đôi khi việc hiểu chúng là không thống nhất, dẫn đến hiểu lầm và tranh chấp xảy ra. Do đó, việc hiểu chính xác nội dung các thuật ngữ chuyên môn là cần thiết, là một trong những mục đích của bài viết này.
1. Đặc điểm chung của L/C
L/C là hợp đồng kinh tế giữa ngân hàng phát hành và người thụ hưởng (người xuất khẩu), thể hiện một cam kết chắc chắn, không hủy ngang của ngân hàng phát hành về việc thanh toán cho người xuất khẩu khi người này xuất trình bộ chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của L/C với UCP (The Uniform Custom and Practice for Documentary Credit - Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ) và với ISBP (International Standard Banking Practice - Tiêu chuẩn thực hành ngân hàng quốc tế).
L/C độc lập với hợp đồng cơ sở (hợp đồng ngoại thương) và với hàng hóa, việc thanh toán của ngân hàng phát hành chỉ căn cứ vào chứng từ xuất trình mà không phụ thuộc vào việc thực hiện hợp đồng ngoại thương (là cơ sở để mở L/C), tình trạng thực tế của hàng hóa, hay các thực hiện khác.
Trong giao dịch L/C, các chức năng (nghiệp vụ) cơ bản của các ngân hàng đã được đề cập trong UCP, bao gồm: phát hành, thông báo, trả tiền, thương lượng chiết khấu, chấp nhận hối phiếu, cam kết trả chậm, xác nhận, chuyển nhượng và hoàn trả.
Hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh trực tiếp giao dịch L/C là các văn bản có tính chất pháp lý tùy ý, bao gồm: UCP, eUCP, ISBP và URR (Uniform Rules for Bank-to-Bank Reimbursements - Quy tắc thống nhất về hoàn trả giữa các ngân hàng).
2. Nhu cầu tài trợ của người nhập khẩu và người xuất khẩu
Để thấy được sự khác biệt căn bản giữa UPAS L/C với các L/C hiện hành, ta cần phân tích chức năng tài trợ của một số loại L/C cơ bản đối với người xuất khẩu và người nhập khẩu để làm cơ sở so sánh với UPAS L/C.
2.1. Phân tích chức năng tài trợ của một số loại L/C
2.1.1. L/C trả ngay (Sight payment L/C)
- Đối với người xuất khẩu: Đặc điểm cơ bản của loại L/C này là người xuất khẩu được thanh toán ngay khi xuất trình bộ chứng từ phù hợp. Thanh toán ngay được hiểu là trong vòng 05 ngày làm việc của ngân hàng. Do được thanh toán ngay, nên về cơ bản người xuất khẩu sẽ không có nhu cầu tài trợ sau khi giao hàng.
- Đối với người nhập khẩu: Do phải thanh toán ngay tiền hàng, nên trong trường hợp không có sẵn tiền, thì người nhập khẩu phải tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài, mà chủ yếu là vay từ ngân hàng phát hành (là ngân hàng phục vụ người nhập khẩu).
Như vậy, L/C trả ngay đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người xuất khẩu, nhưng lại gây bất lợi cho người nhập khẩu do không được cấp tín dụng thương mại và phải đi vay để thanh toán ngay. Vậy, làm thế nào để đáp ứng được đồng thời nhu cầu của người nhập khẩu là được mua hàng trả chậm (tức là được cấp tín dụng thương mại) và nhu cầu của người xuất khẩu là được thanh toán ngay. Đây là một trong những lý do để UPAS L/C ra đời.
2.1.2. L/C cam kết trả chậm (Deferred payment L/C)
L/C cam kết trả chậm thể hiện một cam kết chắc chắn và không hủy ngang của ngân hàng phát hành về việc thanh toán cho người xuất khẩu khi cam kết thanh toán đến hạn. Đây là loại L/C trả chậm nhưng không yêu cầu xuất trình hối phiếu để chấp nhận, mà thay vào đó là ngân hàng phát hành cam kết (viết giấy nhận nợ) thanh toán dần dần thành nhiều đợt trong một thời hạn nhất định.
- Đối với người xuất khẩu: Mặc dù được thanh toán chắc chắn và không hủy ngang khi cam kết đến hạn, nhưng người xuất khẩu có thể sẽ thiếu vốn để tiếp tục chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Người xuất khẩu có thể phải đi vay ngân hàng, dó đó, ngân hàng sẽ ghi nợ và áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay và kiểm soát tín dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, vì cam kết trả chậm của ngân hàng là một cam kết thanh toán chắc chắn và không hủy ngang, nên có độ tin cậy rất cao. Do đó, người xuất khẩu có thể đến ngân hàng xin chiết khấu để nhận tiền ngay. Tuy có thể được chiết khấu nhận tiền ngay, nhưng người xuất khẩu có thể gặp một số bất lợi sau:
+ Việc có được chiết khấu hay không là phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng chiết khấu. Ngân hàng chiết khấu có thể từ chối chiết khấu khi có thông tin cho rằng năng lực tài chính của ngân hàng phát hành đang bị suy yếu, hay nước ngân hàng phát hành bị cấm vận hoặc bị trừng phạt quốc tế, hay bản thân người xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu cấp tín dụng của ngân hàng.
+ Cam kết trả chậm của ngân hàng phát hành là cam kết với người xuất khẩu (không phải với ngân hàng chiết khấu), do đó, hành vi chiết khấu chỉ là mối quan hệ nội bộ giữa ngân hàng chiết khấu với người xuất khẩu, không ràng buộc bất kỳ trách nhiệm hay nghĩa vụ nào của ngân hàng phát hành đối với ngân hàng chiết khấu. Do đó, ngân hàng chiết khấu thường áp dụng phương thức chiết khấu có truy đòi, nó có nghĩa là, nếu vì bất kỳ lý do nào mà khoản tiền không được ngân hàng phát hành thanh toán khi đến hạn thì ngân hàng chiết khấu sẽ được quyền truy đòi lại từ người xuất khẩu. Do đó, khoản tiền chiết khấu mà người xuất khẩu nhận được chỉ được xem là khoản tiền ứng trước (không phải là khoản tiền thanh toán miễn truy đòi).
+ Cho dù được cam kết chắc chắn và không hủy ngang của ngân hàng phát hành là sẽ thanh toán khi đến hạn, nhưng người xuất khẩu vẫn có thể gặp một số rủi ro thanh toán, như: Ngân hàng phát hành bị phá sản, hoặc vì lý do thực hiện hợp đồng hay lý do tình trạng hàng hóa mà tòa án địa phương (ở nước người nhập khẩu) có thể ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phát hành tạm ngưng hay hủy thanh toán, hoặc nước ngân hàng phát hành bị cấm vận hay bị trừng phạt quốc tế.
- Đối với người nhập khẩu: Với L/C cam kết trả chậm thì thực chất là người nhập khẩu đã được người xuất khẩu cấp tín dụng thương mại. Do chỉ phải thanh toán tiền hàng khi đến hạn, nên người nhập khẩu không phải đi vay ngân hàng, hay tìm nguồn tài trợ khác. Khi phát hành L/C trả chậm thì ngân hàng phát hành đã cam kết thanh toán chắc chắn và không hủy ngang cho người xuất khẩu, tức ngân hàng phát hành đã cấp tín dụng (cho vay tín chấp) cho người nhập khẩu. Do đó, ngân hàng phát hành thường áp dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng như một khoản cho vay thông thường đối với người nhập khẩu.
Như vậy, L/C cam kết trả chậm đáp ứng được nhu cầu tài trợ của người nhập khẩu, nhưng lại gây ra một số bất lợi cho người xuất khẩu do không phải lúc nào cũng được ứng vốn và nếu được ứng vốn thì thường là với điều kiện có truy đòi và phải chấp hành các biện pháp kiểm soát tín dụng của ngân hàng. Trong trường hợp này UPAS L/C đáp ứng được nhu cầu của người xuất khẩu là được thanh toán ngay, miễn truy đòi.
2.1.3. L/C chấp nhận (Acceptance L/C)
Là việc ngân hàng phát hành chấp nhận hối phiếu, thể hiện một cam kết chắc chắn, không hủy ngang về việc thanh toán cho người xuất khẩu khi hối phiếu đến hạn. Đây là loại L/C trả chậm yêu cầu xuất trình hối phiếu để chấp nhận, thường được thanh toán một lần (bullet payment) cho mỗi lần xuất trình.
- Đối với người xuất khẩu: Mặc dù được ngân hàng phát hành cam kết thanh toán chắc chắn, không hủy ngang khi hối phiếu đến hạn, nhưng người xuất khẩu có thể sẽ thiếu vốn để tiếp tục chu kỳ kinh doanh tiếp theo, do đó, người xuất khẩu có thể phải đi vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế, vì hối phiếu đã được ngân hàng phát hành chấp nhận, gọi là chấp phiếu ngân hàng (Banker’s Acceptance - BA’s), là một cam kết thanh toán chắc chắn, nên có độ thanh khoản cao. Do đó, người xuất khẩu có thể đến ngân hàng xin chiết khấu hối phiếu để lấy tiền ngay. Tuy có thể được chiết khấu lấy tiền ngay, nhưng người xuất khẩu có thể gặp một bất lợi sau:
+ Việc có được chiết khấu hối phiếu hay không là phụ thuộc vào chính sách tín dụng của ngân hàng chiết khấu. Ngân hàng chiết khấu có thể từ chối chiết khấu hối phiếu với các lý do tương tự như L/C cam kết trả chậm.
+ Chấp nhận hối phiếu là cam kết của ngân hàng phát hành với người xuất khẩu (không phải với ngân hàng chiết khấu), do đó, hành vi chiết khấu hối phiếu chỉ là mối quan hệ nội bộ giữa ngân hàng chiết khấu với người thụ hưởng, không ràng buộc bất kỳ trách nhiệm hay nghĩa vụ nào của ngân hàng phát hành đối với ngân hàng chiết khấu. Do đó, ngân hàng chiết khấu thường áp dụng chiết khấu hối phiếu có truy đòi.
+ Cho dù được cam kết bởi ngân hàng phát hành là sẽ thanh toán hối phiếu khi đến hạn, nhưng người xuất khẩu vẫn có thể gặp một số rủi ro như: Ngân hàng phát hành bị phá sản, hoặc vì lý do thực hiện hợp đồng hay lý do tình trạng hàng hóa mà tòa án địa phương có thể ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phát hành tạm ngưng hay hủy thanh toán hối phiếu, hay nước ngân hàng phát hành bị cấm vận hay bị trừng phạt quốc tế.
- Đối với người nhập khẩu: Giống như L/C cam kết trả chậm, L/C chấp nhận thực chất là người xuất khẩu đã cấp tín dụng thương mại cho người nhập khẩu. Do chỉ phải thanh toán tiền hàng khi đến hạn, nên người nhập khẩu không phải đi vay ngân hàng, hay tìm nguồn tài trợ khác. Khi hối phiếu đến hạn, người nhập khẩu mới phải trả tiền cho ngân hàng phát hành. Khi phát hành L/C chấp nhận, thì ngân hàng phát hành thường áp dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng như một khoản cho vay thông thường đối với người nhập khẩu.
Như vậy, giống như L/C cam kết trả chậm, L/C chấp nhận đáp ứng được nhu cầu tài trợ của người nhập khẩu, nhưng lại gây ra một số bất lợi cho người thụ hưởng do không phải lúc nào cũng được chiết khấu hối phiếu và nếu được chiếu khấu hối phiếu thì thường là với điều kiện có truy đòi và phải chấp hành các biện pháp kiểm soát tín dụng của ngân hàng chiết khấu. UPAS L/C có thể giảm thiểu được những bất lợi đối với người xuất khẩu khi thanh toán bằng L/C chấp nhận.
2.2. Lựa chọn của người xuất khẩu và người nhập khẩu
2.2.1. Đối với người xuất khẩu: L/C trả ngay hay UPAS L/C?
- Xét về mặt thời điểm thanh toán: L/C trả ngay và UPAS L/C là như nhau đối với người xuất khẩu, tức đều được thanh toán ngay khi xuất trình phù hợp.
- Xét về mặt rủi ro thanh toán: L/C trả ngay và UPAS L/C là như nhau đối với người xuất khẩu, tức người xuất khẩu luôn được bảo đảm rằng việc thanh toán ngay là chắc chắn và không hủy ngang của ngân hàng phát hành. Nếu vì lý do khách quan hay chủ quan khiến cho ngân hàng tài trợ ngừng việc tài trợ cho UPAS L/C thì ngay lập tức ngân hàng phát hành sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán không hủy ngang của mình. Trong trường hợp này, người nhập khẩu phải hoàn trả ngay giá trị L/C cho ngân hàng phát hành, hoặc ngân hàng phát hành sẽ tiến hành ghi nợ người nhập khẩu giá trị L/C đã thanh toán.
- UPAS L/C có thể làm phát sinh thêm một số giao dịch liên ngân hàng đối với ngân hàng phát hành, do đó, ngân hàng phát hành có thể thu phí đối với người xuất khẩu bằng cách khấu trừ vào giá trị thanh toán L/C. Khoản phí này (nếu có), sẽ được thể hiện trong bức điện MT799, tại trường “71D: Charges” với nội dung “Handling charge”. Cần lưu ý là, khoản phí này nằm bên ngoài nước người xuất khẩu, tuy không lớn, nhưng người xuất khẩu thường không được thông báo trước.
Vậy, tại sao người xuất khẩu lại chấp nhận UPAS L/C thay cho Sight payment L/C? Điều này là do người nhập khẩu đề nghị (thương lượng) để được mua hàng với điều kiện trả chậm theo phương thức UPAS L/C, có như vậy hợp đồng ngoại thương mới được ký kết.
2.2.2. Đối với người nhập khẩu: L/C chấp nhận hay UPAS L/C?
Nếu bỏ qua chi phí dịch vụ, mà chỉ xét về giác độ tài trợ vốn thì L/C chấp nhận và UPAS L/C đối với người nhập khẩu về cơ bản là như nhau. Trên thực tế, có thể phát sinh tình huống khiến cho hai hình thức tài trợ này khác nhau, đó là: Đối với L/C chấp nhận thì người nhập khẩu chắc chắn chỉ phải thanh toán cho ngân hàng phát hành khi hối phiếu đến hạn; còn đối với UPAS L/C, nếu ngân hàng tài trợ quyết định hủy ngang cam kết tài trợ cho UPAS L/C, thì người nhập khẩu phải trả tiền ngay cho ngân hàng phát hành, nếu không có sẵn tiền để trả ngay thì ngân hàng phát hành sẽ ghi nợ người nhập khẩu. Điểm cần lưu ý là, nghĩa vụ trả tiền của ngân hàng phát hành đối với ngân hàng tài trợ là hoàn toàn độc lập với nghĩa vụ trả tiền của người nhập khẩu đối với ngân hàng phát hành.
Vậy, tại sao người nhập khẩu lại chấp nhận UPAS L/C thay cho Acceptance L/C? Điều này là do người xuất khẩu đề nghị (thương lượng) để được thanh toán ngay, có như vậy hợp đồng ngoại thương mới được ký kết.
2.2.3. Quy luật tất yếu của thị trường
Trên cơ sở công nghệ ngân hàng hiện đại, thị trường tiền tệ (thị trường liên ngân hàng) ngày nay đã phát triển mạnh mẽ, kết nối các nhu cầu đi vay và cho vay trên phạm vi quốc tế. Việc các ngân hàng cấp tín dụng cho nhau bằng các đồng tiền khác nhau trên phạm vi quốc tế diễn ra với quy mô ngày càng lớn và với tần suất thường xuyên hơn. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu huy động vốn và nhu cầu thanh khoản, thì việc các ngân hàng cấp tín dụng cho nhau còn nhằm mục đích tài trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu, làm phát sinh hình thức tài trợ mới, đó là UPAS L/C.
Trong thực tế, để đáp ứng nhu cầu được thanh toán ngay cho người xuất khẩu thì điều kiện tiên quyết là ngân hàng phát hành phải có sẵn tiền và/hoặc người nhập khẩu phải thanh toán ngay cho ngân hàng phát hành. Vậy, trong trường hợp cả người nhập khẩu và ngân hàng phát hành đều không có sẵn tiền thì làm thế nào để người xuất khẩu vẫn được thanh toán ngay và người nhập khẩu vẫn mua được hàng với điều kiện thanh toán chậm. Để giải quyết vấn đề này, cần sử dụng UPAS L/C.
Do các đồng tiền khác nhau thường có mức lãi suất khác nhau, do đó, việc sử dụng UPAS L/C đã cho phép nhà kinh doanh xuất nhập khẩu có cơ hội lựa chọn đồng tiền tài trợ (nội tệ hay ngoại tệ) để tận dụng chênh lệch lãi suất trên thị trường tiền tệ, trong khi đó các ngân hàng sẽ thu thêm được các khoản phí dịch vụ.
3. Một số lưu ý về nghiệp vụ upas L/C
3.1. Cần thống nhất thuật ngữ
Trong giao dịch L/C nói chung, ngân hàng thực hiện rất nhiều chức năng (nghiệp vụ), và mỗi chức năng được gắn với tên gọi riêng. Do đó, nếu không thống nhất được cách gọi (bằng tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt) sẽ gây nhầm lẫn về chức năng, từ đó làm sai lệch về bản chất giao dịch. Về cơ bản, các thuật ngữ bằng tiếng Anh dùng cho các ngân hàng trong giao dịch L/C đã được UCP định nghĩa. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt vẫn còn có sự chưa thống nhất và một số thuật ngữ mới liên quan đến UPAS L/C mà UCP chưa định nghĩa thì càng cần phải thống nhất. (Bảng 1)
Bảng 1: Các thuật ngữ về nghiệp vụ upas L/C
3.2. Các nghiệp vụ của ngân hàng được chỉ định
Theo UCP600, ngân hàng được chỉ định là ngân hàng được ngân hàng phát hành chỉ định thực hiện một/một số nghiệp vụ như sau:
- Sight payment = Trả tiền ngay.
- Negotiation = Thương lượng bộ chứng từ hay chiết khấu bộ chứng từ.
- Deferred payment: Cam kết trả chậm.
- Acceptance: Chấp nhận hối phiếu.
- Transferring: Chuyển nhượng L/C.
- Confirm: Xác nhận L/C.
Do cam kết của ngân hàng xác nhận giống như ngân hàng phát hành, tức thanh toán không hủy ngang và miễn truy đòi cho người xuất khẩu, điều này khác với cam kết của ngân hàng được chỉ định là thanh toán có thể hủy ngang và có thể truy đòi, do đó, chức năng xác nhận L/C của ngân hàng được quy định riêng thành một điều khoản trong UCP, độc lập với các chức năng được chỉ định khác của ngân hàng được chỉ định.
Trong UCP600 chưa có quy định về chức năng tài trợ UPAS L/C của ngân hàng, do đó, cần xem xét bổ sung định nghĩa và nội dung của chức năng này trong UCP tiếp theo, đồng thời xếp chức năng này vào nhóm các chức năng của ngân hàng được chỉ định.
3.3. Phân biệt nghiệp vụ hoàn trả với nghiệp vụ tài trợ UPAS L/C
Cần lưu ý rằng, theo URR725, ngân hàng hoàn trả là ngân hàng thực hiện chức năng thanh toán liên hàng “ghi có cho ngân hàng chiết khấu và ghi nợ ngân hàng phát hành”, tức không bao gồm chức năng tài trợ (cấp tín dụng) cho UPAS L/C.
Ngân hàng tài trợ UPAS L/C là ngân hàng thực hiện thanh toán ngay cho ngân hàng chiết khấu và sẽ đòi tiền ngân hàng phát hành khi UPAS L/C đến hạn thanh toán. Trong một số tài liệu, ngân hàng tài trợ được gọi là ngân hàng chiết khấu, nên chức năng đàm phán và chức năng tài chính của ngân hàng là trùng nhau. Điều này có thể làm phát sinh hiểu lầm dẫn đến tranh chấp giữa các bên liên quan.
Hiện nay, trong UCP chưa có định nghĩa chức năng của ngân hàng tài trợ UPAS L/C. Tuy nhiên, trong hầu hết các tài liệu và trong các L/C do ngân hàng phát hành, thì ngân hàng tài trợ UPAS L/C được gọi là ngân hàng hoàn trả. Về bản chất, chức năng hoàn trả và chức năng tài trợ của ngân hàng (cấp tín dụng) là khác nhau. Một ngân hàng có thể thực hiện đồng thời hai chức năng này, nhưng cũng có thể cần tới hai ngân hàng thực hiện độc lập hai chức năng này. Ví dụ, nếu ngân hàng tài trợ UPAS L/C không có quan hệ đại lý (RMA - Relationship Management Application) với ngân hàng chiết khấu thì phải có một ngân hàng khác có RMA đồng thời với ngân hàng tài trợ và ngân hàng chiết khấu để thực hiện việc hoàn trả theo UPAS L/C. Do đó, về mặt lý luận cần phân biệt rõ ràng chức năng tài trợ với chức năng hoàn trả của ngân hàng trong giao dịch UPAS L/C.
Chức năng tài trợ cho UPAS L/C không được quy định trong UCP, vậy, nếu có tranh chấp xảy ra trong giao dịch UPAS L/C thì cơ sở pháp lý để giải quyết là gì? Chúng ta cần nhớ lại rằng, UCP là văn bản pháp lý tùy ý, do đó:
- UCP chỉ có hiệu lực pháp lý bắt buộc thực hiện khi có dẫn chiếu áp dụng.
- Các bên có thể thỏa thuận loại trừ, bổ sung hay điều chỉnh một hay một số điều khoản của UCP.
Vì vậy, về mặt logic pháp lý, thì những nội dung quy định cụ thể trong L/C phải được ưu tiên thực hiện và có tính chất pháp lý cao hơn UCP. Điều này có nghĩa là, nếu L/C có nội dung khác với quy định của UCP thì những nội dung trong L/C sẽ có giá trị thực hiện. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra trong giao dịch UPAS L/C (và các L/C nói chung), thì cơ sở pháp lý giải quyết theo trình tự pháp lý sẽ là: Những nội dung quy định cụ thể trong L/C, UCP, sau đó là ISBP. Chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, tính chất đa dạng của L/C được thể hiện ngay tại Điều 2, UCP600: “Tín dụng chứng từ là một thỏa thuận bất kỳ, cho dù được gọi tên hoặc mô tả như thế nào, thể hiện một cam kết chắc chắn và không hủy ngang của ngân hàng phát hành về việc thanh toán khi chứng từ xuất trình hợp lệ”.
3.4. Một số lưu ý khác
(i) Ngân hàng tài trợ UPAS L/C không nhất thiết phải là ngân hàng ở nước ngoài, mà là bất kỳ ngân hàng nào (không phải ngân hàng phát hành) ở nước người xuất khẩu, người nhập khẩu hay nước thứ ba, miễn là có ký thỏa thuận với ngân hàng phát hành về hạn mức tín dụng chuyên biệt tài trợ UPAS L/C.
(ii) Đồng tiền tài trợ: Chỉ bao gồm các đồng tiền được quy định trong thỏa thuận về hạn mức tín dụng liên ngân hàng, thường là các đồng tiền chính được sử dụng trong thanh toán ngoại thương.
(iii) Mỗi thương vụ, sau khi chấp nhận thanh toán, ngân hàng phát hành sẽ chỉ thị cho ngân hàng tài trợ trả tiền, đồng thời chỉ thị cho ngân hàng chiết khấu đòi tiền ngân hàng tài trợ. Sau khi nhận được điện từ ngân hàng phát hành và ngân hàng chiết khấu thì ngân hàng tài trợ tiến hành ghi có cho ngân hàng chiết khấu, trên cơ sở đó, ngân hàng chiết khấu sẽ ghi có lại cho người xuất khẩu. Việc người xuất khẩu được ghi có là miễn truy đòi.
(iv) Hối phiếu phải được ký phát có kỳ hạn nhưng được thanh toán ngay theo mệnh giá. Cần lưu ý là, kỳ hạn hối phiếu do ngân hàng phát hành và người nhập khẩu thỏa thuận trên cơ sở vòng quay của hàng hóa nhập khẩu và thời hạn tài trợ tối đa được quy định trong thỏa thuận hạn mức tín dụng liên ngân hàng. Do đó, người xuất khẩu không cần quan tâm đến kỳ hạn của hối phiếu. Trong trường hợp không có hối phiếu, thì ngân hàng phát hành sẽ chấp nhận “hóa đơn có kỳ hạn được thanh toán ngay” tương tự như hối phiếu.
4. Điều kiện để một UPAS L/C vận hành
Thứ nhất, về hạn mức tín dụng liên ngân hàng: Để UPAS L/C vận hành được thì trước hết giữa các ngân hàng phải ký kết thỏa thuận về hạn mức tín dụng liên ngân hàng nhằm mục đích tài trợ chuyên biệt cho các UPAS L/C. Trong thỏa thuận này, cần quy định rõ một số nội dung:
- Giá trị và thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng là bao nhiêu? Có được tuần hoàn không?
- Thời hạn tài trợ cho mỗi thương vụ tối đa là bao nhiêu ngày? Thường là ngắn hạn đến 180 ngày (trừ một số trường hợp có thể đến 365 ngày).
- Các đồng tiền được tài trợ.
- Điều kiện rút vốn.
- Cơ sở tính lãi suất của ngân hàng. Ví dụ, nếu là USD thì thường là lãi suất thả nổi Libor 6 tháng + (0,7 - 0,8%).
- Các khoản phí phát sinh sẽ được tính theo biểu phí hiện hành của ngân hàng tài trợ (bao gồm điện phí và phí dịch vụ của ngân hàng).
- Điều kiện để gia hạn hạn mức tín dụng.
- Các quy định khác.
Tại sao các ngân hàng phải có thỏa thuận liên ngân hàng về một hạn mức tín dụng chuyên biệt để tài trợ cho UPAS L/C? Điều này xuất phát từ nguyên tắc cấp tín dụng của ngân hàng, đó là tín dụng được cấp phải đúng mục đích và có bảo đảm. Giá trị bộ chứng từ thanh toán là đại diện cho giá trị hàng hóa mua bán, do đó, việc ngân hàng tiến hành tài trợ cho UPAS L/C tức tài trợ cho một thương vụ mua bán hàng hóa cụ thể là có mục đích rõ ràng. Hơn nữa, việc tài trợ cho một thương vụ mà đã được ngân hàng phát hành chấp nhận thanh toán luôn có độ an toàn (bảo đảm thanh toán) rất cao, đây được xem là hoạt động tài trợ mang tính tự giải (self liquidity) và được bảo đảm thanh toán hai lần, đó là:
(i) Bản thân giá trị bộ chứng từ mà người nhập khẩu phải thanh toán; (ii) Cam kết thanh toán không hủy ngang của ngân hàng phát hành.
Thứ hai, ngân hàng phát hành và người nhập khẩu phải có thỏa thuận về việc sẽ phát hành UPAS L/C phù hợp với các điều kiện và điều khoản của hạn mức tín dụng liên ngân hàng đã ký kết và các khoản phí phát sinh liên quan đến UPAS L/C.
Thứ ba, trong hợp đồng ngoại thương được ký kết bởi người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có điều khoản thanh toán quy định là thanh toán ngay hay sử dụng UPAS L/C. Quy định này trong hợp đồng ngoại thương làm cơ sở để người nhập khẩu làm đơn đề nghị ngân hàng phục vụ mình phát hành UPAS L/C.
Thứ tư, về mặt pháp lý, các ngân hàng thương mại Việt Nam khi phát hành UPAS L/C phải tuân thủ đầy đủ nội dung của Quyết định số 711/2001/QĐ-NHNN ngày 25/5/2001 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm.
Kết luận
Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã triển khai thực hiện UPAS L/C (nghiệp vụ phát hành và nghiệp vụ tài trợ) với quy mô và tốc độ ngày càng tăng. Nội dung UPAS L/C luôn được hoàn thiện và cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của khách hàng. Ví dụ, đã bổ sung loại hình mới như Deferred UPAS L/C, theo đó, người xuất khẩu sẽ được ngân hàng tài trợ thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi xuất trình bộ chứng từ nhưng trước khi hối phiếu đến hạn; hay UPAS L/C nội địa cũng đang được các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện.
Nghiệp vụ L/C luôn là một nghiệp vụ phức tạp, nhất là đối với một sản phẩm mới như UPAS L/C. Trong bài viết này, tác giả mong muốn bổ sung thêm một số thông tin về UPAS L/C đến bạn đọc nhằm giúp hiểu chính xác nội dung các thuật ngữ để tránh hiểu lầm, hạn chế tranh chấp xảy ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Tiến (2017): Cẩm nang Thanh toán quốc tế và Tài trợ ngoại thương. NXB Lao động.
2. Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thị Hồng Hải (2021): Giáo trình Thanh toán quốc tế và Tài trợ ngoại thương. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. Nguyễn Văn Tiến (2021): Bài tập và Bài giải Thanh toán quốc tế. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
4. Lê Thị Thanh Hà (2014), Giải pháp phát triển sản phẩm UPAS L/C tại Sacombank.
5. Đặng Hoài Linh (2022): Một số khuyến nghị trong triển khai nghiệp vụ UPAS L/C của các NHTM tại Việt Nam hiện nay. Tạp chí Ngân hàng.