Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã giao năm 2023 là hơn 804.420 tỉ đồng (tăng 23% so với năm 2022), trong đó, hơn 752.877 tỉ đồng vốn giao trong năm 2023 và còn lại là vốn kéo dài các năm trước chuyển sang (không bao gồm 12.887,2 tỉ đồng chưa giao).
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước liên tục tăng nhanh qua các tháng cuối quý II, đầu quý III/2023 (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Việc quản lí và giải ngân đầu tư công thời gian gần đây đang có dấu hiệu cải thiện: Việc phân bổ vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh và theo đúng quy định; tình trạng quyết định đầu tư vượt khả năng đảm bảo nguồn vốn được hạn chế hơn nhờ tuân thủ chặt chẽ công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn. Ứng dụng số hóa vào quản lí đầu tư công được tăng cường, qua việc Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và tích hợp lên Cổng Thông tin Dịch vụ công Quốc gia; hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện phê duyệt dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lí ngân sách và kho bạc) và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, ban quản lí dự án trong công tác kiểm soát chi NSNN qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt hơn 291.000 tỉ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Trong đó, vốn Trung ương quản lí đạt 10.800 tỉ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lí 47.700 tỉ đồng, tăng 27,6%.
Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước liên tục tăng nhanh qua các tháng cuối quý II, đầu quý III/2023, ước đạt 35,49% kế hoạch tính đến hết tháng 7/2023 (so với mức đạt 30,49% vào cuối tháng 6/2023 và khoảng 20% vào cuối tháng 5/2023). Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỉ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhẹ so với mức 34,47% cùng kì năm 2022. Nhiều địa phương, bộ, ngành đã ghi dấu ấn nổi bật về lũy kế giải ngân vốn đầu tư công, điển hình là Hà Nội đạt trên 36,2%, Bến Tre đạt 41,8%, Long An trên 48,9%, Đồng Tháp trên 50,38%, Tiền Giang trên 52,81%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên 47,08% và Ngân hàng Phát triển đạt 100%.
Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 20%, trong đó có 37 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân chưa tới 15% kế hoạch vốn. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN hằng năm đã tạo sự chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng chậm, chưa đảm bảo quy định và nhiều lần điều chỉnh phân bổ kế hoạch. Một số bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động, còn né tránh, sợ sai và ngại trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công...
Để khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, các cơ quan chức năng và chủ thể dự án đầu tư công cần bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương; các quy định về hệ thống mẫu biểu quyết toán theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022); khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn bổ sung năm 2023 theo phân cấp và hoàn chỉnh thủ tục thanh toán đối với các dự án khởi công mới đến nay chưa đến Kho bạc Nhà nước mở tài khoản. Đối với các dự án chuyển tiếp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiêm túc thực hiện quy định về thời hạn nghiệm thu khối lượng và làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước; khắc phục khó khăn trong quá trình thi công; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, điều kiện cần thiết để sẵn sàng phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và triển khai các công việc thực hiện; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Bên cạnh đó, cần rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung và có quy trình, quy định phân cấp, phân quyền cụ thể và rõ ràng cho các ban quản lí dự án, chủ đầu tư để xử lí việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh cho kịp triển khai các dự án…
Ngoài ra, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban quản lí dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ trong thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, cũng như lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan; tăng tốc độ kí kết hợp đồng tư vấn thiết kế và giải phóng mặt bằng, tái định cư...; hơn nữa, liên tục rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay; sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án. Các chủ dự án tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, có kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lí ngay khi phát sinh vấn đề.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kịp thời phổ biến, quán triệt và cập nhật chế độ, chính sách trong lĩnh vực quản lí tài chính đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương, ban quản lí dự án; thống nhất cách hiểu, cách làm trong toàn quốc; sớm nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản hướng dẫn, quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ Mẫu cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở triển khai thực hiện bảo đảm nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả, đúng quy định hiện hành và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổ chức tốt hoạt động kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của 5 Tổ công tác của Chính phủ và các cơ quan chức năng theo phân công, nhận diện đầy đủ, chính xác và kịp thời xử lí các vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn của các dự án.
Đặc biệt, yếu tố then chốt để giải bài toán đẩy nhanh vốn đầu tư công trong thời gian tới vẫn là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, sớm có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2023, động lực tăng trưởng kinh tế có nhiều khó khăn gắn với sự suy giảm chung của các hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư và tiêu dùng, cả tổng cung và tổng cầu, trong khi gia tăng các áp lực lạm phát, lãi suất cao và tình trạng thời tiết cực đoan diện rộng, cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế; đầu tư tư nhân và thu hút FDI chậm lại và ADB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 chỉ đạt 5,8% GDP thay vì 6,5% GDP như đã đưa ra từ tháng 01 và tháng 4/2023, trong khi Chính phủ vẫn kiên định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đề ra...
Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước cần được đẩy mạnh. Phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 08/CT-TTg phải được coi là một nhiệm vụ chính trị - kinh tế - đầu tư trọng tâm, là trụ đỡ đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, trực tiếp và gián tiếp góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong tình hình mới./.
TS. Nguyễn Minh Phong