Bất chấp bước tiến chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì đà phát triển, đặc biệt kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008. Đây được xem là khung hợp tác sâu rộng nhất trong khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước trên thế giới. Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023), thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được phát huy và đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
1. Hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Năm 2008, Trung Quốc là nước đầu tiên cùng Việt Nam xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, kim ngạch thương mại của hai nước không ngừng tăng trưởng. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 20,8 tỉ USD, con số này đã tăng lên hơn 8 lần, đạt trên 175,5 tỉ USD năm 2022, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Giai đoạn 2008 - 2017: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất cao, từ 4.535,7 triệu USD năm 2008 lên 35.403,9 triệu USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 26,57%/năm.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng đa dạng, phong phú. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, điện thoại các loại. Mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỉ trọng 15,40%), tiếp đến là cao su (8,18%), điện thoại các loại và linh kiện (6,78%), xơ sợi dệt (6,14%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,97%).
Trong giai đoạn 2008 - 2017, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần xuất khẩu nhóm hàng thô và sơ chế. Xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2017 luôn đạt thành tích ấn tượng, tăng liên tục trong nhiều năm. Việt Nam đứng vị trí thứ 26 về quy mô xuất khẩu (đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Malaysia) với một số mặt hàng xuất khẩu đứng trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới như nhóm hàng về thiết vị văn phòng và viễn thông (thứ 9), dệt may (thứ 8), quần áo (thứ 4).
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu, gồm máy móc thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử... Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu các hàng hóa xa xỉ và cao cấp cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2008 - 2017.
Giai đoạn 2018 - 2023: Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đều hứng chịu những tác động từ đại dịch Covid-19, sự biến động của giá nhiên liệu, tình trạng lạm phát và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vượt 100 tỉ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 107 tỉ USD (năm 2018), tăng 13,5% so với năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 41 tỉ USD, tăng gần 17%; nhập khẩu đạt kim ngạch trên 65 tỉ USD, tăng gần 12%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn cho Việt Nam, cung cấp nhiều các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Với kim ngạch thương mại song phương đạt 133 tỉ USD (năm 2020), tăng 18,7% (theo số liệu của Hải quan Trung Quốc); năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỉ USD, tăng 24,6% so năm 2020 (chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN)1. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt trên 175 tỉ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ2.
Bảng 1: Hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc (2018-2023)
Đơn vị: tỉ USD
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan
Trung Quốc tiếp tục trở thành đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỉ USD (năm 2022), tăng 5,47%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỉ USD, tăng 3,18% so với cùng kì năm 2021; nhập khẩu đạt 117,86 tỉ USD, tăng 6,63%3.
Trong bối cảnh khó khăn chung, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 141 tỉ USD, ổn định nhất so với các đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam4. Trung Quốc ngày càng tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc theo hướng cân bằng cán cân thương mại, mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã cán mốc hơn 1,2 tỉ USD (năm 2022). Trung Quốc cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Thương mại song phương đạt 122,04 tỉ USD (9 tháng năm 2023), tương đương gần 70% kim ngạch của cả năm 20225. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% (tháng 01/2023) sang mức tăng 6,2% (tháng 11/2023), trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn khác đều giảm. Trung Quốc là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu và là thị trường quan trọng hàng đầu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh và được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử. Quảng Tây là địa phương duy nhất của Trung Quốc có cửa khẩu biên giới cùng hầu hết các loại hình giao thông (đường bộ, đường sông, đường sắt và đường biển) với Việt Nam. Quảng Tây tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) với nhiều cửa khẩu. Trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Quảng Tây của Việt Nam năm 2022 đã lên tới 22,65 tỉ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếm 96% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Các doanh nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc đã tham gia rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản của Việt Nam như Hội nghị thúc đẩy xoài của Sơn La, vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương. Quảng Tây tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; đồng thời, thí điểm nhập khẩu các loại nông sản trong khi chờ chính thức được cấp phép.
Quảng Tây được xem là một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và cũng là một trong những cửa ngõ quan trọng trong hợp tác Trung Quốc - ASEAN. Hợp tác thương mại với Quảng Tây trong các ngành nghề như thông tin, điện tử, dệt may, năng lượng mới, vật liệu mới và chế biến nông sản, đảm bảo hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi và thúc đẩy sự ổn định của chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, thúc đẩy hợp tác song phương đạt thành quả ngày càng thiết thực, đóng góp xứng đáng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài Quảng Tây, Sơn Đông cũng là một thị trường tiềm năng có quy mô lớn, với tổng sản phẩm trên địa bàn xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 ở Trung Quốc (quy mô dân số của Sơn Đông đạt 101,62 triệu người năm 2022). Sơn Đông có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, là tỉnh giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Sơn Đông cũng là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc với Việt Nam. Với vai trò, vị trí và quy mô thị trường lớn, tiềm năng và dư địa để khai thác, phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông rất lớn.
Bởi vậy, cần tăng cường hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc khi kinh tế hai quốc gia có tính bổ sung lẫn nhau bởi năng lực sản xuất của Trung Quốc kết hợp với lợi thế thương mại của Việt Nam trong việc kết nối các thị trường lớn, giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng khu vực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại.
2. Thành tựu và hạn chế
2.1. Thành tựu
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008), quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu thể hiện:
Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: Giảm tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản, tăng tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo.
Bảng 2: Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc
Đơn vị: %
Nguồn: VCCI (2019), TTWTO VCCI - Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
sang thị trường Trung Quốc: Thực trạng và giải pháp (trungtamwto.vn)
Vị trí của các nhóm hàng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được cải thiện. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đứng ở vị trí cuối cùng năm 2008 đã vươn lên vị trí thứ nhất năm 2017, chiếm tỉ trọng 72,28%), đẩy nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản và hàng hóa khác xuống vị trí thứ hai, thứ ba. Chất lượng các nhóm hàng được nâng cao theo hướng tăng tỉ trọng hàng chế biến, giảm tỉ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế.
Thứ hai, chất lượng hàng hóa xuất khẩu được nâng cấp với tỉ lệ đầu tư công nghệ và hàm lượng chất xám cao.
Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng khoáng sản thô, tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến trên cơ sở đầu tư công nghệ, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.
Bảng 3: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện về chất lượng
Nguồn: VCCI (2019), TTWTO VCCI - Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
sang thị trường Trung Quốc: Thực trạng và giải pháp (trungtamwto.vn)
Công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, nâng cao tỉ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, giảm tỉ trọng hàng có giá trị gia tăng thấp và hàng gia công, từ 72,55% và 80,04% năm 2008 xuống 55,64% và 60,34% năm 2017, tăng tỉ trọng hàng có giá trị gia tăng cao và hàng tự sản xuất từ 27,45% và 19,96% năm 2008 lên 44,36% và 39,66% năm 2017. Một số sản phẩm dệt may, da giầy… do doanh nghiệp Việt Nam tự thiết kế mẫu mã, sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có xu hướng chuyển dịch từ giảm các mặt hàng nguyên liệu thô, sơ chế sang tăng các mặt hàng có hàm lượng chế biến.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, tăng tỉ trọng hàng chế biến, chế tạo (gồm cả hàng nhiên liệu chế biến, hàng nông, thủy sản chế biến và hàng công nghiệp chế biến, chế tạo). Tỉ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế giảm từ 63,86% năm 2009 xuống 33,22% năm 2014 và xuống còn 20,49% năm 2017; tỉ trọng hàng chế biến, chế tạo tăng từ 36,14% năm 2009 lên 66,78% năm 2014 và 79,51% năm 2017.
2.2. Hạn chế
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Một là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch chưa hợp lí và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Mặc dù tỉ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2008 là 30,63%, đến năm 2017 giảm xuống 21,7%; bình quân cả giai đoạn 2008 - 2017 là 27,89%, trong khi tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp.
Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông, lâm, thủy sản vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sơ chế, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu làm gia công cho nước ngoài. Tỉ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế và hàng công nghiệp gia công trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm trung bình 72,42% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017.
Hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch giữa các nhóm hàng chậm, chưa ổn định. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giữa các nhóm hàng còn chậm và chưa ổn định, thể hiện ở tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, nhưng vẫn còn ở mức thấp khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN (từ 14,86% năm 2008 tăng lên 72,28% năm 2017), tỉ trọng nhóm hàng này của Thái Lan năm 2017 là 83,6%.
Tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản giảm xuống, nhưng tỉ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn còn ở mức cao (30,63% năm 2008 giảm xuống 21,7% năm 2017); trong khi đó, tỉ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Malaysia và Thái Lan sang Trung Quốc năm 2017 là 6,70% và 8,90%. Việc tăng hoặc giảm tỉ trọng của các nhóm hàng mới thể hiện được xu thế, chứ chưa tăng lên hoặc giảm xuống hàng năm.
Ba là, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong từng nhóm hàng thiếu tính bền vững và gây bất lợi cho Việt Nam. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thể hiện tính thiếu bền vững và gây bất lợi cho Việt Nam vì xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa nhưng hiệu quả thu được thấp, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (hàng dệt may, da giầy, máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại…) đều phải dựa vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, phụ kiện và thiết bị từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này, Việt Nam buộc phải gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu, khiến nhập siêu của Việt Nam tăng.
Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hàng nông, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc nhờ tận dụng tốt việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (tháng 01/2023). Tuy nhiên, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc. Các mặt hàng nông sản, thủy sản được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc chưa phong phú. Tiến độ đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng mới của Việt Nam chậm. Thói quen xuất khẩu tiểu ngạch vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc quản lí chất lượng hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc. Nhập siêu tuy đã có một số cải thiện nhưng vẫn còn khá lớn.
3. Hàm ý đối với Việt Nam
Mặc dù dịch Covid-19 và biến động địa - chính trị trên thế giới tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Để xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, theo quy mô công nghiệp và chất lượng đồng đều để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa… của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh phổ biến thông tin về nhu cầu thị trường, các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc của các cơ quan chức năng đối với hàng hóa.
Cơ sở hạ tầng vùng biên giới của Việt Nam; trong đó, có hạ tầng thương mại còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa song phương đang tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần tăng cường kết nối giao thông và hạ tầng cửa khẩu biên giới, nghiên cứu hợp tác trong việc lập quy hoạch và xây dựng một số tuyến đường sắt ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa cả song phương và qua nước thứ ba. Phát triển kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt.
Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kĩ về nhu cầu thị trường khu vực và thị trường Trung Quốc để từ đó, xác định mặt hàng trọng điểm. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do đó khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Đây là cơ hội, đồng thời gắn liền với thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện.
Nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương, tăng cường hợp tác nông nghiệp; hợp tác phòng vệ thương mại, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy mở rộng, nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng và nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh và nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan, cần đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khẩn trương khôi phục hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Phối hợp thực hiện đa dạng hóa cửa khẩu giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản, trái cây, tránh tình trạng tập trung hàng hóa tại một vài cửa khẩu biên giới. Một số cặp cửa khẩu biên giới với Quảng Tây như: Tà Lùng (Cao Bằng) - Thủy Khẩu; Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng có hạ tầng tốt và bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ thông quan trái cây, lương thực, thủy sản là một sự lựa chọn thay thế tốt cho doanh nghiệp hai bên.
Chú trọng rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính có thể gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Song song đó, thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của hai bên về các thay đổi trong chính sách thương mại biên giới cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp tháo gỡ. Phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, giao thương.
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam cần đa dạng danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm mới, có chất lượng cao, phù hợp với năng lực quốc gia. Chủ động tìm hiểu, nắm vững, bám sát nhu cầu, quy định, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu của thị trường Trung Quốc để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; xây dựng vùng sản xuất bền vững; thiết lập và quản lí mã số vùng trồng, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc để tạo nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, cần rà soát, có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn. Tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp. Việt Nam cần tận dụng những lợi thế của thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử phát triển, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ. Phát triển hệ thống logistics, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hải quan, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Để thúc đẩy thương mại, cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn, đặc biệt là nhập khẩu nông sản từ Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp. Tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; nhân rộng mô hình cửa khẩu thông minh tương tự mô hình cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn và Quảng Tây. Đây là giải pháp hiệu quả để tăng cường hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
4. Kết luận
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, việc duy trì quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ổn định, lành mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của mỗi nước cũng như đối với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. Qua 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu. Kim ngạch thương mại của hai nước không ngừng tăng trưởng. Bên cạnh những nhân tố thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa hai nền kinh tế như có vị trí tiếp giáp giữa hai quốc gia rất gần gũi, thuận lợi, thì nền tảng vững chắc thúc đẩy hợp tác thương mại chính là sự tin cậy chính trị cao. Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của Hiệp định RCEP. Sau hai năm thực thi Hiệp định (tháng 01/2022), RCEP đã trở thành bệ phóng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm cũng như số lượng và giá trị xuất khẩu tới các nước RCEP (trong đó, có Trung Quốc). Thêm nữa, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai là xây dựng thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Trong khi, Việt Nam cũng đang thực hiện mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, cải thiện hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
1 Bình An (2023), Việt Nam, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư/Mekong ASEAN
2 Huy Dương (2023), Xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam - Trung Quốc (moit.gov.vn)
3Uyên Hương (2023), Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương/Thông Tin Đối Ngoại - Ban Tuyên giáo Trung ương (ttdn.vn)
4Uyên Hương (2023), Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương/Thông Tin Đối Ngoại - Ban Tuyên giáo Trung ương (ttdn.vn)
5 Ngọc Thư (2023), Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển trên những nền tảng tích cực (qdnd.vn)
Tài liệu tham khảo:
1. Bình An (2023), Việt Nam, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư/Mekong ASEAN.
2. Trung Dũng (2023), Tiềm năng dồi dào cho hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam -Trung Quốc (qdnd.vn).
3. Huy Dương (2023), Xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam - Trung Quốc (moit.gov.vn).
4. Huyền My (2023), Doanh nghiệp Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc) ký kết 7 thỏa thuận hợp tác thương mại, đầu tư (tapchicongthuong.vn).
5. Ngọc Thư (2023), Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển trên những nền tảng tích cực (qdnd.vn).
6. Đỗ Văn Huân (2023), Quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Trung Quốc - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới (vneconomy.vn).
7. Uyên Hương (2023), Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương/Thông Tin Đối Ngoại - Ban Tuyên giáo Trung ương (ttdn.vn).
8. Hà Văn (2023), Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục mới (baochinhphu.vn).
9. Chính Phong (2023), Thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn).
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới