Tháng 10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động sâu rộng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có giải pháp phù hợp kịp thời với thực tiễn.
1. Bản chất và mục tiêu thuế tối thiểu toàn cầu
Ngày 09/7/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế, bao gồm: Trụ cột thứ nhất, phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kĩ thuật số. Trụ cột thứ hai, đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.
Ngày 16/12/2022, BEPS đã công bố có 138 nước đồng thuận đối với nội dung về Khung giải pháp Hai trụ cột nêu trên. Việt Nam là thành viên thứ 100 của BEPS và cũng là một trong những nước đồng thuận với nội dung này. Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp. Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2023.
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tạo thêm nhiều cơ hội để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI (Ảnh: Nguồn ảnh: Internet)
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hơn 20 tỉ EUR/năm (khoảng 20,7 tỉ USD/năm) và có tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên (mức giới hạn doanh thu có thể giảm xuống còn 10 tỉ EUR/năm sau 7 năm kể từ khi BEPS có hiệu lực). Theo dự tính, có khoảng 100 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới chịu sự điều chỉnh của trụ cột này.
Với quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất, dự tính thu được khoảng 150 tỉ USD doanh thu thuế toàn cầu hằng năm.
Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mới nổi và đang phát triển chịu sức ép lớn trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi về thuế, do đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất của các quốc gia này nhằm thu hút FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia.
Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các quốc gia (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate - ETR) tối thiểu.
Trong kì tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận trên toàn cầu thì công ty mẹ phải trả “thuế bổ sung” trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú).
Trong một số trường hợp nhất định, khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của tập đoàn, công ty đa quốc gia. Do đó, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước/khu vực mà công ty, tập đoàn đó có hoạt động.
Đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia có doanh thu hằng năm thấp hơn mức 750 triệu EUR, các nước vẫn có thể lựa chọn áp dụng thuế tối thiểu nếu trụ sở chính của công ty, tập đoàn đặt tại quốc gia đó. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế...
Với tinh thần đó, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
2. Sự cần thiết và tác động của áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào Việt Nam
Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một nội dung hoàn toàn mới, khác với các quy định (về các mức thuế suất) trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Vì vậy, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung này cần được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do chưa kịp điều chỉnh Luật Thuế thu nhập hiện hành, ngày 29/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu) với sự đồng thuận, thống nhất cao. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo Nghị quyết này, các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam với thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu EUR trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.
Việt Nam đã kí 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới, cũng như đã tham gia BEPS; nội luật hóa các quy định của OECD để giữ được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành Nghị quyết trên là cần thiết, vừa thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lí thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, củng cố mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong khi giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu sẽ tác động tới khoảng 122 tập đoàn nước ngoài thuộc diện chịu thuế, với khoản thuế khoảng 14.600 tỉ đồng mỗi năm. Điều này đồng nghĩa thu ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoản thu này và môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ cân bằng, rành mạch hơn với môi trường đầu tư với các quốc gia khác cùng áp dụng chế độ thuế tối thiểu toàn cầu.
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; đồng thời, ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối. Cụ thể, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nghĩa là, khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi về miễn, giảm thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn tác dụng, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Do đó, để giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, Chính phủ cần chủ động đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, cũng như làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam. Vấn đề chế độ thuế với các nhà đầu tư mới sẽ được Chính phủ tiếp tục giải quyết khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, cần giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế không còn hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của OECD, đồng thời phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tránh các hệ lụy cho ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị kĩ lưỡng để bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Theo tinh thần đó, trước mắt, khi chưa điều chỉnh Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó phải nộp lại khoản ưu đãi giảm thuế này và có thể được hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.
Ngoài ra, do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi, nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, vì vậy, có khả năng doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam sẽ khiếu kiện trong trường hợp muốn nộp khoản thuế này về quốc gia của mình. Chính phủ cần chủ động chuẩn bị và có các giải pháp, phương án xử lí hiệu quả, phù hợp trong trường hợp có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để bảo đảm môi trường đầu tư.
Đặc biệt, Chính phủ cần chuẩn bị các điều kiện, lộ trình triển khai các hoạt động hợp tác đa phương với các nước, tổ chức bộ máy trong nước để bảo đảm năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, người nộp thuế khi Việt Nam thu thuế này từ đầu năm 2024.
Tóm lại, cùng với việc tiếp tục đảm bảo chính trị ổn định, phát huy lợi thế vị trí thuận lợi và chính sách ngoại giao hòa bình, nâng cao năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, môi trường, trong năm 2024, Chính phủ cần rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; trong đó, có nhiệm vụ thành lập, quản lí và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để theo kịp xu hướng của thế giới vừa thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, vừa duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư...
Cơ quan thuế cần rà soát các chính sách pháp luật về thuế để trình sửa đổi và ban hành các quy định, quy trình pháp lí cần thiết nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lí tại Việt Nam; đồng thời, tăng cường truyền thông các chính sách, tập huấn cho cán bộ, các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các quy định pháp lí mới.
Tài liệu tham khảo:
1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-phu-se-trinh-quoc-hoi-cac-chinh-sach-lien-quan-thue-toi-thieu-toan-cau-119230726193534584.htm#:~:text=V%E1%BB%81%20b%C3%A1o%20c%C3%A1o,10%20n%C4%83m%202023;
2. https://nhandan.vn/chinh-thuc-ap-thue-toi-thieu-toan-cau-tu-112024-post784978.html;
3. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM294852
TS. Nguyễn Minh (Hà Nội)