Tại nhiều nơi, nhất là các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Brazil, lãi suất thấp kéo dài đã khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhưng nhu cầu yếu ớt đã đẩy các doanh nghiệp bị chìm sâu trong nợ nần...
Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, hầu hết các nước trên thế giới đều tiến hành nới lỏng tài chính - tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và khắc phục hậu quả khủng hoảng. Tuy nhiên, việc bơm các khoản tài chính khổng lồ vào nền kinh tế nhưng thiếu sự phối hợp giữa các nền kinh tế lớn đã dẫn đến hậu quả là suy thoái kéo dài và nợ nần chồng chất.
Trên khắp thế giới, nhiều công ty đã bị cuốn hút vào nguồn tín dụng giá rẻ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nay phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và đang chật vật tìm kiếm người mua. Tình hình này đang trở nên trầm trọng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều yếu ớt, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại.
Theo báo cáo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào đầu tháng 10/2016, tổng nợ trong lĩnh vực phi tài chính chạm mốc 152.000 tỷ USD vào cuối năm 2015, tăng trên hai lần so với năm 2000. Mức nợ hiện tại dừng ở mốc kỷ lục 225% GDP toàn thế giới, với 2/3 tổng số nợ nằm ở khu vực tư nhân, còn lại là nợ công. Tuy chỉ chiếm tỷ trọng thấp, nhưng nợ công đã tăng từ 70% GDP vào năm 2015 lên 85% GDP năm 2016.
IMF cảnh báo, nợ nần sẽ tiếp tục tăng, bao gồm nợ của các Chính phủ, các doanh nghiệp không thuộc ngành tài chính và nợ hộ gia đình. Trong đó, kinh tế toàn cầu ì ạch gây khó khăn cho việc hoàn trả nợ vay. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn là tăng trưởng kinh tế thấp hơn cản trở quá trình giảm nợ và mức nợ cao trầm trọng hóa tăng trưởng èo uột, gây nguy cơ bất ổn tài chính.
Mặc dù phần lớn các khoản vay có từ thời bùng nổ nợ tư nhân trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các hộ gia đình và doanh nghiệp tại các nước phát triển bắt đầu hạn chế chi tiêu sau khủng hoảng nhưng quá trình giảm nợ chưa đồng đều. Trong một số trường hợp, nợ tiếp tục tăng, ảnh hưởng xấu đến bảng cân đối của Chính phủ. Tại nhiều nơi, nhất là các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Brazil, lãi suất thấp kéo dài đã khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhưng nhu cầu yếu ớt đã đẩy các doanh nghiệp bị chìm sâu trong nợ nần.
Trong sáu năm cho đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, do tác động của xu thế toàn cầu hóa hệ thống ngân hàng và nới lỏng điều kiện cho vay, nợ của khu vực phi tài chính tại các nước phát triển tăng 35%. Trong đó, hoạt động cho vay không chỉ bùng nổ trong lĩnh vực cầm cố tại Mỹ, mà mở rộng tại nhiều nước phát triển với trên 50% là nợ hộ gia đình. Tại các nước mới nổi, nợ doanh nghiệp tư nhân và nợ hộ gia đình cũng tăng, nhưng nhìn chung không được công bố cụ thể. Tại các nước thu nhập thấp, số liệu về nợ nần hầu như không được công bố.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nợ công tại các nước phát triển tăng rất nhanh, trong khi nợ tư nhân giảm dần. Trong năm 2012, nợ tư nhân tại các nước phát triển ghi nhận mức giảm sâu nhất, đặc biệt là tại những nước bước vào khủng hoảng với mức nợ nần cao nhất. Tuy nhiên, tại một số nước, nợ tư nhân tiếp tục tăng, nhất là tại Australia, Canada, Singapore. Khi nợ tư nhân tăng trở lại, nợ công cũng tăng tốc với mức tăng 25% GDP trong giai đoạn 2008-2015, bảng cân đối quốc gia cũng xấu dần, một phần bắt nguồn từ những khoản cứu vớt hỗ trợ một số ngân hàng tư nhân hàng đầu. Sau năm 2012, chỉ khoảng 1/3 số nước phát triển ghi nhận kết quả cải thiện tình trạng nợ nần, nhưng rất khiêm tốn.
Tại một số nước mới nổi, điều kiện tiếp cận tài chính dễ dàng trong thời kỳ sau khủng hoảng tài chính đã dẫn đến xu hướng bùng nổ tín dụng, nhất là các doanh nghiệp phi tài chính với tốc độ tăng trung bình trên 38% GDP.
Ngày 20/2/2017, Market Watch dẫn kết quả nghiên cứu của chuyên gia Ivan Martchev cho thấy, nếu tính cả những khoản nợ trong hệ thống ngân hàng, nợ của Trung Quốc tăng từ tỷ lệ gần 100% GDP vào năm 2000 lên gần 400% GDP vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, thống kê chính thức tại Trung Quốc hầu như không đề cập những khoản nợ ngân hàng. GDP của Trung Quốc tăng từ 1.094 tỷ USD vào cuối thế kỷ XX lên 11.750 tỷ USD vào cuối năm 2016. Trong thời gian này, kinh tế Trung Quốc tăng gấp 11 lần, nhưng tổng tín dụng tăng tới 40 lần. Trong những năm gần đây, kinh tế tăng chậm dần đã khiến người dân dè dặt trong chi tiêu, làm tăng các khoản nợ doanh nghiệp do khả năng trả nợ ngày càng khó khăn.
Các chuyên gia và nhà đầu tư đều thừa nhận, yếu tố cơ bản làm tăng gánh nặng nợ nần bắt nguồn từ nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu, ngoài ra là do các rào cản thương mại được dựng lên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng chậm.
Theo báo cáo của IMF, giao dịch thương mại toàn cầu chỉ tăng trung bình 3%/năm kể từ năm 2012, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trung bình 7%/năm trong 3 thập niên trước đó. Trong giai đoạn 1985-2007, thương mại toàn cầu tăng gấp 2 lần GDP toàn cầu. Trái lại, trong 5 năm 2012-2016, thương mại toàn cầu lại rất ì ạch và thấp hơn tăng trưởng GDP, đây là hiện tượng chưa có tiền lệ trong suốt 5 thập kỷ qua. IMF khuyến cáo, các xu hướng cản trở thương mại như thuế quan tăng lên có thể gây thiệt hại lâu dài cho kinh tế toàn cầu. Một số còn lo ngại, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng vì những diễn biến này.
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu do các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành và công bố vào cuối tháng 2/2017, kim ngạch trao đổi hàng hóa toàn cầu năm 2016 chỉ tăng 1,1%; thấp hơn kết quả tăng 2,0% vào năm 2015 và là năm tăng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Theo nhận xét của giáo sư Steven Davis đến từ Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, xu hướng bảo hộ đang gây nhiều rủi ro cho kinh tế toàn cầu, nhất là một số nước phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa, làm gia tăng mức độ bất định về chính sách khi các nhà tạo lập chính sách kinh tế quốc gia phải điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với những thay đổi trên toàn cầu, nhất là chính sách bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đều phàn nàn, thương mại tăng chậm lại và chủ nghĩa bảo hộ tăng lên là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến lợi nhuận của họ sa sút.
Thanh Vũ
Nguồn : Nguồn: Bloomberg, IMF, Market Watch, WB
(Tham khảo: Nguồn http://thoibaonganhang.vn)