admin Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam
22/02/2017 03:38 7.837 lượt xem
PGS., TS. Hà Văn Hội
 
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP), một Hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước thuộc hai bờ Thái Bình Dương, bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Ngày 05/10/2015, 12 thành viên TPP đã hoàn tất quá trình đàm phán các nội dung của Hiệp định.Việc kết thúc đàm phán TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại, đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong việc tiến sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Quá trình này  không những đem lại những cơ hội tốt cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, mà còn tạo sức ép đưa tới những thay đổi cần có trong chính sách quản lý của Chính phủ cũng như trong hoạt động của các ngân hàng thương mại nói riêng.
 
1. Một số quy định trong TPP liên quan tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng
TPP được đánh giá là một Hiệp định theo mô hình FTA thế hệ mới, không chỉ tập trung đẩy mạnh tự do hóa trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng. Những quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng được thể hiện trong 2 chương “Đầu tư” và “Dịch vụ tài chính”. Những quy định này nêu rõ, các nước tham gia TPP phải cam kết tuân thủ nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc.Với kỳ vọng đưa TPP trở thành hiệp định tự do hóa của thế kỷ 21, các nước thành viên đã cùng đưa ra những cam kết sâu rộng về tăng cường tiếp cận thị trường tài chính, đặc biệt là mở cửa các loại hình dịch vụ tài chính - ngân hàng.
1.1. Những cam kết tự do hóa trong lĩnh vực đầu tư
Khi xây dựng các quy định về đầu tư, các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp.
TPP cũng quy định sự bảo hộ đầu tư cơ bản như trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” đối với đầu tư trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế; nghiêm cấm việc trưng thu không vì mục đích công cộng, không theo quy trình thủ tục và không có bồi thường; tự do chuyển tiền liên quan đến đầu tư với các ngoại lệ trong Hiệp định TPP nhằm đảm bảo cho các Chính phủ giữ quyền linh hoạt quản lý các dòng vốn không ổn định, bao gồm thông qua biện pháp tự vệ tạm thời không phân biệt đối xử (chẳng hạn như kiểm soát vốn) nhằm hạn chế việc chuyển tiền liên quan đến đầu tư trong trường hợp khủng hoảng hoặc có nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, và các cuộc khủng hoảng kinh tế khác hoặc để đảm bảo sự toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính; nghiêm cấm “các yêu cầu thực hiện” chẳng hạn như yêu cầu về hàm lượng nội địa hoặc tỷ lệ nội địa hóa công nghệ; và tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không quan tâm đến quốc tịch.
Các thành viên chấp nhận các nghĩa vụ dựa trên cơ sở “một danh mục chọn bỏ”, nghĩa là thị trường các nước là mở hoàn toàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi các thành viên đưa ra một ngoại lệ (biện pháp bảo lưu không tương thích) trong một trong hai Phụ lục cụ thể của quốc gia đó đính kèm Hiệp định TPP: (1) Các biện pháp hiện hành, trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế hơn trong tương lai và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai; và (2) Các biện pháp và chính sách, mà theo đó, một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.
1.2. Những cam kết tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ tài chính
Những cam kết về tự do hóa thị trường dịch vụ tài chính của TPP đã cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới quan trọng. Đồng thời, TPP cũng đảm bảo rằng các thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.Chương này bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi tìm thấy trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: Đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, các quy định cụ thể của Chương Đầu tư, bao gồm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu (chẳng hạn như cho phép các khiếu nại bị từ chối tại tòa hoặc không được cung cấp bảo vệ an ninh) tuân theo các tập quán luật thương mại quốc tế (ví dụ như các khiếu nại về một số hành động của chính phủ không nằm trong nghĩa vụ pháp lý chung), cũng như các khiếu nại vì các thiệt hại do nội chiến (ví dụ như thua lỗ gây ra do xung đột vũ trang hoặc nội chiến); và mở cửa thị trường. Điều này cho phép việc bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP khác, mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các dịch vụ của mình – nhưng cho phép một thành viên TPP yêu cầu đăng ký hoặc được ủy quyền của nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới ở nước TPP khác, nhằm đảm bảo việc quản lý và giám sát thích hợp. Một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước TPP khác nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Các thành viên TPP có các ngoại lệ cụ thể của mình đối với một số các quy định trong hai phụ lục đính kèm Hiệp định TPP: (1) Các biện pháp hiện hành, trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế hơn trong tương lai và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai; và (2) Các biện pháp và chính sách, mà theo đó, một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.
Các thành viên TPP cũng đưa ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của quy trình hoạch định chính sách để giải quyết việc đưa ra các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Thêm vào đó, Hiệp định TPP bao gồm các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và chuyển thông tin để xử lý dữ liệu. Hiệp định cũng bao gồm các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác của Chương này.
Cuối cùng, Hiệp định bao gồm các ngoại lệ duy trì quyền linh hoạt lớn cho các nhà quản lý tài chính của TPP thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính, bao gồm các ngoại lệ thận trọng và ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ hoặc chính sách cụ thể khác.
2. Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam khi tham gia TPP
2.1. Những cơ hội mới
Những cam kết về tự do hóa nói chung và cam kết về dịch vụ tài chính, đầu tư nói riêng, trong TPP sẽ mang tới những cơ hội mới cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam.
Thứ nhất, các cam kết về dịch vụ tài chính trong TPP sẽ tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm:
- Về mở rộng cam kết trong việc mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa: So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: (i) mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; (ii) dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; (iii) mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.Như vậy, việc mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vốn vào Việt Nam.
- Về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài: Mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu (Minimum Standard of Treatment - MST). Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: nhà nước và nhà nước, nhà đầu tư và nhà nước, đặc biệt cơ chế nhà đầu tư với nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả. Đồng thời, việc áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nêu trên cũng có tác dụng đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
- Về việc đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước: TPP cho phép các nước áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn.Việc thực hiện cam kết đảm bảo không gian chính sách này chính là để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Bên cạnh đó, theo quy định của TPP, các nước thành viên phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày. Ngoài ra, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Thứ hai, việc gia nhập TPP cho phép các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế của Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước đối tác, phát triển mạng lưới kinh doanh, thị trường, tạo cơ sở quan trọng để các ngân hàng có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính và dịch vụ ngân hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tận dụng để phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, với việc cắt giảm thuế quan sâu, đồng thời đẩy mạnh thuận lợi hóa thương mại, sẽ tạo ra cú hích cho ngành thương mại Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… chính là lợi thế của Việt Nam trong việc mở rộng xuất khẩu sang các nước TPP. Chỉ tính riêng năm 2014, các quốc gia tham gia TPP chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu và 23% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam năm 2014. Ước tính, TPP sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của Việt Nam thêm hơn 37% trong giai đoạn 10 năm đến năm 2025. Đối với những thị trường lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia, thương mại tự do trong TPP sẽ cho phép Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn các thị trường này. Đây là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai. Như vậy, tự do hóa thương mại trong TPP chính là cơ hội mới đối với các NHTM Việt Nam trong việc mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, bảo lãnh, thanh toán quốc tế, hỗ trợ vốn và các dịch vụ ngân hàng khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ ba, mặt tích cực của sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường khi TPP có hiệu lực sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động và tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn, từ đó giữ vững được vị trí của mình trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế. Từ đó, làm cho vị thế của các ngân hàng ở Việt Nam sau sáp nhập, tái cơ cấu sẽ được nâng lên mạnh mẽ cả về lượng và chất, không những sẽ giúp thị phần trong nước được kiểm soát, bảo vệ, tăng trưởng, mà còn là cơ sở để phát triển kinh doanh ra các nước khác trong khối, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững.
Thứ tư, khi TPP có hiệu lực, với việc tạo thuận lợi và minh bạch hóa hoạt động đầu tư, thông qua thực hiện việc bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử, sẽ thúc đẩy các dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nước TPP vào Việt Nam đã đạt con số hơn 100 tỷ USD (chỉ tính vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực), chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam. Trong các nước TPP, Mỹ, Nhật Bản là những quốc gia có trình độ phát triển cao và có lượng vốn FDI vào Việt Nam khá lớn đã mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, trong đó có các dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng.
Đồng thời, các dòng vốn đầu tư từ các nước TPP nếu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới sẽ tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh, bởi chính sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI kéo theo nhu cầu vốn gia tăng và các khách hàng này cũng dần mở rộng quan hệ với ngân hàng Việt Nam. Đó cũng là một trong những thuận lợi để ngân hàng mở rộng thị phần dịch vụ cũng như tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, tại Vietcombank, dư nợ tín dụng của khách hàng FDI chiếm tỷ lệ tương đối lớn, từ 17 - 20% tổng dư nợ của Ngân hàng. Vì thế, Vietcombank không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động trên địa bàn này để phục vụ tốt hơn các khách hàng doanh nghiệp. Để mở rộng quan hệ tín dụng với các doanh nghiệp FDI cũng như phát huy được lợi thế cạnh tranh, sau khi hợp tác với đối tác chiến lược Nhật Bản, Vietcombank đã ký kết với 50 ngân hàng địa phương của Nhật Bản. Các ngân hàng này sẽ cung cấp L/C cho các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam nên Vietcombank có cơ sở để cung cấp tín dụng, dịch vụ thanh toán, mở L/C cho các doanh nghiệp Nhật trên cơ sở bảo lãnh của các ngân hàng đã ký hợp tác. Mặt khác, sau khi gia nhập TPP, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng lên, nhờ đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn, giúp cho ngành Ngân hàng Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn, đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII) nước từ các nước TPP thông qua việc tham gia của các nhà đầu tư FII cũng sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, giúp cho thị trường tài chính minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những dao động “phi thị trường” và góp phần giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).
Thứ năm, đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp… Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc thu hút FDI từ các ngân hàng lớn của Mỹ, Nhật, Austrialia… sẽ góp phần giúp ngân hàng thương mại Việt Nam tăng quy mô vốn, sử dụng công nghệ ngân hàng hiện đại cũng như nâng cao năng lực quản lý điều hành. Từ đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa Việt Nam. Đây được coi là nhân tố tích cực để công cuộc tái cơ cấu ngành Ngân hàng được phát triển thuận lợi hơn nữa trong tương lai.
2.2. Những thách thức
Bên cạnh những cơ hội mới như đã nêu trên, tham gia TPP cũng sẽ mang lại những thách thức lớn đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng của Việt Nam.
Thứ nhất, sau khi TPP có hiệu lực, tự do hóa hàng hóa và dịch vụ, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng sẽ được mở cửa rộng nhất nếu so sánh với các FTA của Việt Nam trước đây. Chẳng hạn, cam kết mở cửa dịch vụ tài chính ngân hàng trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ, được ký kết vào năm 2000, Việt Nam cam kết mở cửa rất hạn chế cho Mỹ tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng – tài chính. Trong khi đó, tham gia TPP, Việt Nam phải cam kết mở rộng ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện tiếp cận thị trường tài chính – ngân hàng và không chỉ cam kết với riêng Mỹ, mà còn phải mở cửa rộng hơn với 10 nước khác có trình độ phát triển khác nhau nên tác động của việc mở cửa dịch vụ tài chính – ngân hàng cũng sẽ lớn hơn. Như vậy, với sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng của các nước trong TPP, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Úc thì áp lực cạnh tranh trong ngành ngân hàng sẽ ngày càng tăng lên. Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp sẽ gia tăng sức ép đối với khối ngân hàng trong nước. Đặc biệt, khi TPP cho phép ngân hàng của các nước trong TPP được cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng xuyên biên giới. Nghĩa là ngân hàng ở Mỹ có thể cung cấp dịch vụ về thẻ, chuyển tiền… cho người dân Việt Nam mà không cần có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam thì thách thức về cạnh tranh dịch vụ lại càng gia tăng mạnh hơn.
Thứ hai, theo cam kết trong TPP, các điều kiện tiếp cận thị trường sẽ dần được xóa bỏ. Điều này cũng là một thách thức mà các ngân hàng thương mại Việt Nam phải đối mặt do những hạn chế của hệ thống ngân hàng. Việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam tuy đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khi việc “phủ sóng” của các ngân hàng thương mại chưa rộng. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới nói chung thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị phần khách hàng trong nước cho ngân hàng có bề dày và có chiến lược “bán lẻ” tốt với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu… của các nước như Mỹ, Nhật đầu tư vào Việt Nam. Đây là một nguy cơ đe dọa thị trường tiềm năng của ngân hàng trong nước, có thể khiến ngân hàng nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng. Bên cạnh đó, những bất cập về quản trị rủi ro tại các ngân hàng trong nước và nợ xấu hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Cùng với năng lực quản trị yếu kém và vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, chính là một trong các điểm yếu, làm giảm năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Thứ ba, các dịch vụ mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang cung cấp chưa phong phú và linh hoạt, chính vì vậy, nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay chủ yếu trông vào hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cũng chỉ chiếm có 26%, so với các ngân hàng trên thế giới khoảng 30% - 40% thì đây là mức thu cũng còn khiêm tốn. Đối với ngân hàng ở nước phát triển như Singapore có tỷ lệ này rất cao là 63%. Bên cạnh đó,khả năng sinh lời (ROE) của ngân hàng Việt Nam cũng rất thấp chỉ ở mức 5,5%, vì chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra chỉ khoảng 3%, thấp nhất so với ngân hàng khu vực. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam lại phải trích lập dự phòng rủi ro lớn để xử lý nợ xấu khiến tỷ lệ sinh lời rất thấp. Nếu không cải thiện thực trạng trên, các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn so với các ngân hàng khu vực. 
Thứ tư, thể chế dành cho ngành Ngân hàng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn bất cập. Cùng với đó là chất lượng của đội ngũ nhân lực quản lý cấp cao, khả năng quản trị rủi ro và định hướng chiến lược phát triển tập trung chưa cao. Mặt khác, gia nhập TPP có thể làm tăng các giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng trong điều kiện cơ chế quản lý chưa thật sự hoàn thiện, nhất là cơ chế thanh tra, giám sát, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM Việt Nam... Đồng thời, vấn đề liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn trong đàm phán TPP cũng đưa ra nhiều thách thức liên quan đến nội dung giao dịch xuyên biên giới (mặc dù cũng mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp xúc với luồng vốn ngoại của khu vực). Vướng mắc là thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường trong khu vực vẫn còn sự khác biệt, không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà quan trọng nhất là sự kết nối đó phải đảm bảo cho nhà đầu tư có thể giao dịch tại chỗ thông qua hệ thống thanh toán bù trừ tại các thị trường chứng khoán khác nhau. Hiện nay, một số quy định của nước ta vẫn là những rào cản cho việc kết nối này như quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp chỉ ở mức 49% (ở các ngân hàng là 30%), chưa tự do hóa tài khoản vốn (liên quan đến việc chuyển đổi giữa tiền đồng và ngoại tệ)...

 3. Một số khuyến nghị
3.1. Trên góc độ vĩ mô
Thứ nhất, thực tế của quá trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập TPP nói riêng vừa tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong việc kết nối nền kinh tế với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước thành viên khác của TPP. Tuy nhiên, với mức độ cam kết tự do hóa sâu và rộng hơn nhiều so với WTO, những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực chắc chắn sẽ rất lớn. Chúng ta đã có bài học từ việc tham gia và thực thi cam kết trong WTO trong thời gian qua như: một số cơ hội đã bị bỏ lỡ, những lợi ích và phí tổn tiềm tàng chưa được nhận rõ. Trong thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có hội gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng với quá trình tự do hóa thương mại sẽ làm gia tăng hơn nữa các lợi ích tiềm tàng của TPP. Như vậy, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội, khai thác được lợi ích và giảm phí tổn tiềm tàng từ TPP, Chính phủ Việt Nam cần quyết tâm, mạnh dạn đổi mới chính sách quản lý, điều hành, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để thiết lập môi trường vĩ mô ổn định cũng như chung tay hỗ trợ định hướng tầm nhìn phát triển chiến lược cho ngành Ngân hàng.  
Thứ hai, TPP đặt ra yêu cầu cao về khả năng kiểm soát tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính ngân hàng, bởi tham gia vào sân chơi TPP, những rủi ro hệ thống của các NHTM Việt Nam rất dễ xảy ra khi thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn hơn trước những biến động nhanh nhạy của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chính vì vậy, để tránh được rủi ro này, công tác thanh tra, giám sát vĩ mô và giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước phải dựa trên tiêu chuẩn thanh tra, giám sát quốc tế.
3.2. Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thứ nhất, để tham gia TPP một cách có hiệu quả, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần phải nhận thức rõ cơ hội, thách thức và chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa. Các ngân hàng thương mại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch hành động với chương trình cụ thể để ứng phó ngay với những thách thức khi TPP có hiệu lực. Đồng thời, việc không ngừng thay đổi để phù hợp với yêu cầu của những quy định của TPP cũng là yêu cầu cấp bách đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động cải tiến hoạt động, mở rộng và đa dạng hóa các dịch dụ ngân hàng, tạo điều kiện cho việc tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ do ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp, tránh để thị trường dịch vụ ngân hàng mất dần vào tay các ngân hàng nước ngoài. Việc cải tiến các hoạt động kinh doanh tiền tệ, cũng sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trở thành ngân hàng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh để có thể được xếp hạng cùng các ngân hàng khác trong khu vực và trên thế giới theo các tiêu chí về vốn, tổng tài sản, năng lực quản lý, lợi nhuận, khả năng thanh khoản, thông tin công khai, minh bạch và độ thích ứng với thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quản trị rủi ro trong ngân hàng.Cho đến nay, phần lớn các ngân hàng thuộc các nước thành viên TPP đã đi gần hết chặng đường trong việc áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II (Hiệp ước do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập) và đang bắt đầu tiếp cận với Basel III. Trong khi đó, theo lộ trình, phải đến năm 2018, 10 ngân hàng thương mại Việt Nam mới hoàn thành thí điểm thực hiện Basel II. Sự chậm chạm này có thể sẽ làm giảm hiệu quả của công tác quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại. Khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải nỗ lực đẩy mạnh việc nâng cấp các chuẩn mực quản trị, hướng đến các thông lệ quốc tế để đủ năng lực, tự tin tham gia vào “sân chơi” TPP cũng như hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.
Thứ tư, trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập TPP nói riêng, việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, cũng như tăng cường đầu tư vào con người, cải tiến chính sách tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ… sẽ tạo ra những thay đổi trong quản lý vận hành và cung cấp các dịch vụ ngân hàng có chất lượng, cũng như giảm bớt rủi ro ngân hàng, qua đó góp phần làm gia tăng giá trị, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với ngân hàng ngoại, các ngân hàng nội cũng phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, hợp nhất, tạo ra những ngân hàng mạnh, đủ tiềm lực đứng ra bảo lãnh các hợp đồng thương mại lớn. Cùng với việc đẩy nhanh tái cơ cấu, các ngân hàng cần chú trọng hơn đến vấn đề xử lý nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng đã về dưới mức 3%. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập TPP một cách sâu rộng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam cần linh hoạt hơn và phải có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu.
 
4. Kết luận
Trong thời gian tới, nếu Hiệp định TPP được quốc hội các nước thành viên thông qua, việc kịp thời nắm bắt những cơ hội để vươn lên khẳng định mình luôn là sự lựa chọn thông minh của tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định trước những thách thức để kịp thời đổi mới là việc làm cần thiết mà các ngành nghề kinh tế, nhất là lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng phải thực hiện. Có như vậy mới có thể mang lại những kết quả tăng trưởng tích cực như những gì mà nước ta đã đạt được vào khoảng thời gian gia nhập WTO vào năm 2007.
 
Tài liệu tham khảo:
1 - Brock R. Williams (2013), Trans-Pacific Partnership (TPP) Countries: Comparative Trade and Economic Analysis, CRS Report for Congress.
2 - Ha Van Hoi (2012),Agreement on Trans-Pacific partners: Opportunities and challenges  for Vietnam’s export, The conference TPP- Foreign Trade University, Hanoi.
3 - Phạm Duy Nghĩa (2013), Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội nào cho Việt Nam, Nxb. Thời Ðại TP. Hồ Chí Minh.
4 - Lê Phương Ninh và Vũ Thị Thu Hà (2013), những thách thức đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng khi tham gia TPP, Tạp chí Tài chính số 6 năm 2013;
5 - Partnership Miller & Chevalier Chartered (2011), Vietnam in the TPP Negotiations: Opportunities, Priorities and Challenges for U.S. Business, Washington, DC, February 3, 2011
6 - Nguyễn Thị Hương Thanh, tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) đến ngành ngân hàng Việt Nam, http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/pages/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc/
7 - http://trungtamwto.vn/tpp/cac-nuoc-tpp-cong-bo-ban-tom-tat-noi-dung-tpp.
 
(Tạp chí Ngân hàng sô 3+4, tháng 2/2016)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
19/11/2024 09:44 236 lượt xem
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống điện tử và Internet đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng...
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
18/11/2024 11:30 449 lượt xem
Sức khỏe tài chính của các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra do sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
11/11/2024 08:25 667 lượt xem
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
05/11/2024 08:10 803 lượt xem
Hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực được các NHTM chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên, nguồn nhân lực của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các ngân hàng.
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
04/11/2024 08:23 1.147 lượt xem
Nghiên cứu này nhằm chỉ ra mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng thông qua phương pháp khảo sát và phân tích hồi quy dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
31/10/2024 08:07 958 lượt xem
Biến đổi khí hậu trở thành rủi ro lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu (WEF, 2024). Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn, mà gần như bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, mô hình kinh tế tuần hoàn nổi lên như một công cụ quan trọng.
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
29/10/2024 15:02 3.825 lượt xem
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
22/10/2024 14:35 6.762 lượt xem
Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
21/10/2024 08:35 2.329 lượt xem
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
18/10/2024 08:05 2.102 lượt xem
Nghiên cứu này xem xét tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023.
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
17/10/2024 08:45 1.788 lượt xem
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến đời sống và kinh tế toàn cầu, nông nghiệp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trên hai khía cạnh thích ứng với môi trường và tác động tiêu cực đến môi trường.
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
16/10/2024 08:00 946 lượt xem
Quản trị lợi nhuận là một chiến lược có thể được ban quản lí cố ý sử dụng để điều chỉnh chỉ tiêu thu nhập của công ty với các mục tiêu đã xác định trước.
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
15/10/2024 08:02 559 lượt xem
Bảo lãnh tín dụng được coi là một công cụ hữu hiệu giúp khắc phục được “điểm nghẽn” về vốn cho phát triển “tam nông”. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản về bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
14/10/2024 08:00 806 lượt xem
Quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp về tiền tệ, tín dụng để khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
11/10/2024 09:58 504 lượt xem
Dự báo hiện tại (Nowcasting) rất quan trọng trong kinh tế học vì dữ liệu cho các chỉ số chính như GDP thường có độ trễ và sai số đo lường đáng kể (Giannone và cộng sự, 2008)...
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?