Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay chỉ đạt 5,10%, mức tăng thấp nhất của quý 1 trong 3 năm gần đây; song kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp phục hồi và niềm tin kinh doanh tăng cao sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc trong thời gian tới.
Tăng trưởng thấp hơn, nhưng vĩ mô ổn định
Đúng như lo ngại của không ít chuyên gia, GDP quý I/2017 ước tính chỉ tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, tuy có cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Ước tính nền kinh tế nhập siêu 1,9 tỷ USD trong quý đầu năm
Nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm lại của khu vực công nghiệp và xây dựng. Theo đó, trong quý 1/2017, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở về đây. Trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, chỉ bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng cũng chỉ tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.
Xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 8,50%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Mặc dù tăng trưởng chậm lại, song kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2017 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 0,90% so với tháng 12/2016 và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, tuy cao hơn so với mức của cùng kỳ 3 năm gần đây song chủ yếu là do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng và việc tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý
Trong khi lạm phát cơ bản tháng 3/2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP, cao hơn mục tiêu đã đề ra; bội chi ngân sách ở mức thấp…
Đáng chú ý, mặc dù thị trường tài chính thế giới tiếp tục biến động khá mạnh trong những tháng đầu năm, song thị trường tài chính – tiền tệ trong nước vẫn được giữ vững; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Nền tảng vững hơn sẽ tạo đà tăng tốc
Điều khiến không ít chuyên gia mừng hơn cả là nền tảng của nền kinh tế dường như vững vàng hơn. Theo đó, sản xuất nông nghiệp – một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế - đang phục hồi mạnh khi 3 tháng đầu năm sản xuất nông nghiệp tăng 1,38% so với cùng kỳ (trong khi quý 1/2016 giảm 2,69%), qua đó đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng 0,24% của lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thủy sản.
Đặc biệt, niềm tin đang tăng cao trong cộng đồng DN khi môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Bằng chứng là trong 3 tháng đầu năm cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số DN và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, còn có 9.271 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay lên hơn 35,7 nghìn DN.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 cũng cho thấy số DN lạc quan về triển vọng kinh doanh chiếm một tỷ trọng lớn. Cụ thể có 33,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; trong khi chỉ có 24,5% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 57,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; trong khi chỉ có 9,8% số DN dự báo khó khăn hơn.
Niềm tin kinh doanh tăng lên khiến nhu cầu vay vốn cũng tăng cao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đạt tới 2,81% - mức tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt.
“DN chính là hạt nhân của nền kinh tế. Niềm tin của cộng đồng DN tăng cao sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới”, một chuyên gia cho biết. Trong buổi trao đổi với báo giới mới đây, bà Kristalina Georgieva – Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, theo dự báo của WB, năm 2017 Việt Nam sẽ tăng trưởng trong khoảng 6,5-6,7%.
Phương Linh
(Nguồn: http://thoibaonganhang.vn)