Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
13/03/2023 5.818 lượt xem
Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Với dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát 189 cán bộ thẩm định tín dụng và phỏng vấn sâu 11 chuyên gia là lãnh đạo của các NHTM Việt Nam, bằng việc sử dụng phương pháp thống kê mô tả dựa trên kĩ thuật phân tích thống kê so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần phải thay đổi. Vì vậy, để giúp các NHTM Việt Nam có thể vận dụng tốt hơn những công cụ đánh giá rủi ro tín dụng, qua đó nâng tầm quản trị rủi ro tín dụng, bài viết đã gợi ý một số giải pháp giúp các NHTM Việt Nam khắc phục những hạn chế này. 
 
Từ khóa: Rủi ro tín dụng, rủi ro danh mục, xếp hạng nội bộ.
 
USING CREDIT RISK ASSESSMENT TOOLS AT VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS
 
Abstract: The article analyzes the current situation of using credit risk assessment tools at Vietnamese commercial banks. With primary data collected through a survey of 189 credit appraisers and in-depth interviews with 11 experts who are leaders of Vietnamese commercial banks, by using descriptive statistics based on comparative stastical analysis techniques; research results show that the use of credit risk assessment tools at Vietnamese commercial banks have many positive changes. However, these are also some limitations that need to be changed. Therefore, to help Vietnamese commercial banks better apply credit risk assessment tools, thereby improving credit risk management; the article has suggested some solutions to help Vietnamese commercial banks overcome these limitations.
 
Keywords: Credit risk, portfolio risk, internal ratings. 
 
1. Giới thiệu
 
Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thì “rủi ro tín dụng là rủi ro xảy ra tổn thất xuất phát từ sự vi phạm bởi người vay hoặc đối tác” (Bank for International Settlements/BIS, 2001). Trong khái niệm này, sự tổn thất bởi rủi ro tín dụng bắt nguồn từ sự vi phạm của người vay hoặc đối tác. Trong đó, với hoạt động cho vay, rủi ro tín dụng mặc dù xuất phát từ sự vi phạm bởi người vay, nhưng việc lựa chọn người vay có đủ thiện chí và khả năng trả nợ để có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã cam kết là công việc của ngân hàng. Do đó, sự thiếu sót, sai lầm của ngân hàng trong việc thu thập hoặc xử lý thông tin khi đánh giá, giám sát người vay lại là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro tín dụng của khoản vay, có thể gọi đây là rủi ro giao dịch. Bên cạnh đó, trong hoạt động cho vay, ngân hàng không chỉ thực hiện một giao dịch cho vay đơn lẻ mà còn thực hiện nhiều giao dịch cho vay khác. Tại một thời điểm bất kì, tất cả các khoản vay này đều có khả năng xảy ra rủi ro tín dụng. Vì thế, rủi ro tín dụng được tạo ra bởi tất cả các khoản vay hiện đang tồn tại trong danh mục, sẽ góp phần tạo nên rủi ro tín dụng tổng thể của ngân hàng, đây có thể gọi là rủi ro danh mục. Để hạn chế rủi ro tín dụng, ngoài đội ngũ nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở dữ liệu và công nghệ thông tin tốt, các ngân hàng cũng cần phải phát triển và sử dụng tốt những công cụ đánh giá rủi ro tín dụng, đặc biệt là các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. 
 
2. Cơ sở lý thuyết về công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại ngân hàng
 
Công cụ đánh giá rủi ro tín dụng, nếu xét ở phạm vi hẹp, được biểu thị là phương pháp đánh giá được ngân hàng tiếp cận, còn ở phạm vi rộng, được biểu thị là toàn bộ hệ thống đánh giá, phương pháp, quy trình, sự kiểm soát, thu thập dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc đánh giá rủi ro tín dụng. Sự khác nhau căn bản giữa các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng là cách tiếp cận của ngân hàng về phương pháp đánh giá (BIS, 2006). Cấu trúc rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay bao gồm rủi ro giao dịch và rủi ro danh mục. Vì vậy, để đánh giá rủi ro tín dụng, các ngân hàng cần phải phát triển và sử dụng được những công cụ đánh giá rủi ro giao dịch và rủi ro danh mục.
 
- Về các công cụ đánh giá rủi ro giao dịch: Các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng đối với người vay hiện nay khá đa dạng, tuy nhiên những công cụ đang được các ngân hàng sử dụng phổ biến là công cụ đánh giá rủi ro tín dụng dựa vào phương pháp phán đoán, hệ thống điểm số tín dụng và phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal Ratings Based/IRB) (Allen và cộng sự, 2004; Colquitt, 2007). Trong đó, phương pháp phán đoán là phương pháp đánh giá khả năng hoàn trả nợ của người vay dựa trên phán đoán chủ quan của những người được đào tạo chuyên nghiệp (Caouette và cộng sự, 2008). Để đánh giá rủi ro tín dụng đối với người vay bằng phương pháp phán đoán, các ngân hàng thường tập trung vào việc đánh giá sự tác động của mô hình 5Cs về tín dụng đến rủi ro tín dụng của người vay1 (Beaulieu, 1994; Gestel và Baesens, 2009; Global Association of Risk Professionals/GARP, 2018). Về phương pháp IRB, là phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng đối với người vay được dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, các ngân hàng sẽ ước lượng xác suất vỡ nợ của người vay, tổn thất khi vỡ nợ và giá trị chịu rủi ro tại thời điểm vỡ nợ của khoản vay, qua đó xác định mức tổn thất đối với từng người vay/khoản vay (BIS, 2006; GARP, 2018).
 
- Về các công cụ đánh giá rủi ro danh mục: Để đánh giá rủi ro danh mục, bên cạnh cách tiếp cận truyền thống là đánh giá rủi ro tín dụng thông qua phân tích rủi ro tập trung (Gupton và cộng sự, 1997; Altman và Saunders, 1998), các ngân hàng có thể sử dụng những mô hình định lượng rủi ro danh mục như mô hình CreditMetrics, PortfolioManager, CreditPortfolioView hoặc CreditRisk+ (Crouhy và cộng sự, 2000; Bessis, 2015). Ngoài ra, để đo lường hiệu quả của vốn được điều chỉnh theo rủi ro, các ngân hàng còn sử dụng mô hình RAROC (Gestel và Baesens, 2009; Hull, 2015).
 
3. Thực trạng sử dụng các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam
 
Từ tổng hợp kết quả khảo sát và phỏng vấn cho thấy: (i) Để đánh giá rủi ro giao dịch, các NHTM Việt Nam hiện đang sử dụng đồng thời hai công cụ đánh giá rủi ro tín dụng, đó là phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs và phương pháp IRB; (ii) Để đánh giá rủi ro danh mục, các ngân hàng chỉ sử dụng công cụ đánh giá rủi ro danh mục thông qua phân tích rủi ro tập trung. Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia được phỏng vấn, các NHTM Việt Nam hiện nay chưa sử dụng các mô hình định lượng rủi ro danh mục và chưa sử dụng mô hình RAROC. Vì vậy, bài viết này tổng hợp lại và phân tích kết quả nghiên cứu từ khảo sát các cán bộ thẩm định tín dụng và phỏng vấn các chuyên gia về thực trạng sử dụng các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam, từ đó gợi ý một số giải pháp góp phần hỗ trợ cho các NHTM Việt Nam vận dụng tốt hơn các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng.
 
3.1. Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs
 
Phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs là một trong những công cụ hiện đang được các NHTM Việt Nam sử dụng để đánh giá rủi ro giao dịch. Với công cụ này, độ tin cậy trong kết quả đánh rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay, bên cạnh sự phụ thuộc vào hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn của người thẩm định tín dụng, chúng còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân hàng đối với người thẩm định tín dụng trong việc đánh giá khách hàng vay. Để phân tích thực trạng sử dụng công cụ đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs, chúng tôi đã thực hiện đánh giá sự hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn của người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam thông qua phân tích khả năng vận dụng các nhân tố thuộc mô hình 5Cs về tín dụng của người vay trong mô hình phân tích, cùng với đó là phân tích khả năng thu thập, khai thác thông tin về khách hàng vay bởi người thẩm định tín dụng. Đồng thời tiến hành đánh giá sự hỗ trợ của các NHTM Việt Nam đối với người thẩm định tín dụng trong việc đánh giá khách hàng vay thông qua phân tích khả năng định hướng của hướng dẫn thẩm định và sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ khi thẩm định khách hàng vay.
 
- Khả năng vận dụng các nhân tố thuộc mô hình 5Cs về tín dụng trong mô hình phân tích 
 
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số các nhân tố thuộc mô hình 5Cs về tín dụng, chỉ có ba nhân tố được phần lớn những người thẩm định tín dụng đưa vào mô hình phân tích, đó là: Năng lực của khách hàng vay là 97,88%, tư cách của khách hàng vay là 92,59%, tài sản bảo đảm của khách hàng vay là 92,59%. Với hai nhân tố còn lại, đó là điều kiện kinh doanh và vốn của khách hàng vay chỉ lần lượt là 67,20% và 60,85% số người trong tổng số người được khảo sát sử dụng trong mô hình phân tích. Ngoài ra, còn có 7,41% số người trong tổng số người được khảo sát cho rằng, khi đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs, họ còn sử dụng thêm nhân tố khác như ngành nghề, mục đích vay. (Hình 1)
 
Hình 1: Các nhân tố được tập trung phân tích bằng phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs bởi người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam 

                                                                                                         Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát
 
Với kết quả khảo sát đã được trình bày ở trên cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam chưa sử dụng đầy đủ các nhân tố thuộc mô hình 5Cs về tín dụng trong mô hình phân tích. Sự thiếu đầy đủ về các nhân tố đầu vào trong mô hình phân tích là một trong những biểu hiện cho thấy sự hạn chế về sự hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn của người thẩm định tín dụng và hệ quả là làm giảm độ tin cậy trong kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay. Ngoài ra, phương pháp phán đoán dựa vào mô hình 5Cs, không đưa ra trọng số mà mỗi nhân tố thuộc mô hình 5Cs về tín dụng sẽ tác động đến rủi ro tín dụng của khách hàng vay. Việc xác định trọng số tương ứng với mỗi nhân tố này phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn của mỗi người thẩm định tín dụng. Trong các nhân tố thuộc mô hình 5Cs, về lí thuyết lẫn thực tiễn thì nhân tố tài sản bảo đảm thường chỉ được xem là nhân tố bổ sung, các ngân hàng không được phép cho vay chỉ dựa trên tài sản bảo đảm. Tuy vậy, nhân tố này có thể vẫn được xem trọng khi người thẩm định tín dụng thiếu thông tin hoặc hạn chế về chuyên môn. Vì thế, kết quả khảo sát vẫn có đến 10,05% số người được khảo sát cho rằng tài sản bảo đảm của khách hàng vay là nhân tố quan trọng nhất (Hình 2), điều này cho thấy sự hạn chế nhất định của người thẩm định tín dụng về sự hiểu biết, kinh nghiệm cũng như kĩ năng chuyên môn.

Hình 2: Nhân tố được cho là quan trọng nhất để quyết định cho vay 
đối với khách hàng vay bởi người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam
 
                                                                                                            Đơn vị tính: %  

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

 
 - Khả năng thu thập và khai thác thông tin về khách hàng vay
 
Kết quả khảo sát cho thấy, để thu thập thông tin đối với khách hàng vay, ngoài hai nguồn thông tin là từ khách hàng vay và từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đạt được tỉ lệ 100% số người được khảo sát sử dụng, các nguồn thông tin còn lại đều không đạt được tỉ lệ 100%. Cụ thể, từ nguồn thông tin nội bộ của chính ngân hàng chỉ chiếm 79,89%; từ đối tác đầu vào và/hoặc đầu ra của khách hàng chỉ chiếm 74,07%; từ các cơ quan quản lí Nhà nước chỉ chiếm 53,97%; từ Internet chỉ chiếm 68,78%; từ nguồn khác chỉ chiếm 7,94%. (Hình 3)

Hình 3: Nguồn thông tin được sử dụng để thu thập thông tin 
về khách hàng vay bởi người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam
 
                                                                                                           Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

 
Sử dụng đa dạng nguồn thông tin để thu thập thông tin về khách hàng vay không những giúp người thẩm định tín dụng gia tăng được số lượng thông tin mà còn giúp họ đánh giá được chất lượng thông tin về khách hàng vay thông qua việc đối chiếu giữa thông tin do khách hàng vay cung cấp và thông tin được người thẩm định tín dụng thu thập từ những nguồn khác, đặc biệt là nguồn thông tin nội bộ của chính ngân hàng. Với kết quả khảo sát ở trên cho thấy, vẫn còn một số người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam đã không tận dụng được hết các nguồn để thu thập thông tin đối với khách hàng vay. Điều này là một trong những biểu hiện cho thấy những hạn chế về kĩ năng chuyên môn của người thẩm định tín dụng - liên quan đến khả năng thu thập và khai thác thông tin về khách hàng vay và hệ quả của chúng là làm giảm mức độ tin cậy trong kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với người vay.
 
- Khả năng định hướng của hướng dẫn thẩm định và sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ về khách hàng vay

Hình 4: Mức độ định hướng của hướng dẫn thẩm định khách hàng vay 
của các NHTM Việt Nam

                                                                                                           Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh những người thẩm định tín dụng cho rằng, hướng dẫn thẩm định khách hàng vay của ngân hàng mình có tính định hướng rất cao (23,81%) và tính định hướng cao (62,96%); vẫn còn 12,17% số người trong tổng số người được khảo sát cho rằng, chúng có tính định hướng thấp và đặc biệt là có 1,06% cho rằng chúng rất thấp (Hình 4). Về sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ đối với khách hàng vay, bên cạnh những người thẩm định tín dụng cho rằng, chúng rất thuận tiện (41,27%), khá thuận tiện (38,62%); vẫn có 17,46% số người trong tổng số người được khảo sát cho rằng chúng ít thuận tiện, đặc biệt là 2,65% số người cho rằng không thuận tiện. (Hình 5) 

Hình 5: Mức độ thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ 
đối với khách hàng vay của các NHTM Việt Nam

                                                                                                         Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Sự hỗ trợ tốt bởi các NHTM Việt Nam đối với người thẩm định tín dụng trong việc đánh giá rủi ro tín dụng của khách hàng vay không chỉ tạo thuận lợi cho việc đánh giá rủi ro giao dịch mà còn giúp gia tăng mức độ tin cậy trong kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay. Tuy nhiên, kết quả được khảo sát ở trên cho thấy, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam đánh giá về tính định hướng của hướng dẫn thẩm định khách hàng vay ở mức độ thấp (12,17%), hoặc rất thấp (1,06%). Sự đánh giá thấp về tính định hướng của hướng dẫn thẩm định khách hàng vay bởi người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có hai nguyên nhân chính: 
 
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn thẩm định khách hàng vay của một số NHTM Việt Nam có chất lượng chưa cao, thể hiện ở những nguyên tắc và các tiêu chí đưa ra trong nội dung hướng dẫn thiếu toàn diện, trừu tượng và đặc biệt là không phù hợp với tiêu chí thẩm định khách hàng vay trong thực tiễn. Thứ hai, người thẩm định tín dụng tại một số NHTM Việt Nam thiếu khả năng tiếp nhận những nội dung của hướng dẫn thẩm định khách hàng vay, thể hiện ở khả năng hiểu và vận dụng chưa tốt những nội dung của hướng dẫn vào việc thẩm định khách hàng vay trong thực tiễn. Ngoài ra, đối với sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ đối với khách hàng vay, cũng còn một tỉ lệ không nhỏ người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam đánh giá chúng ở mức độ ít thuận tiện (17,46%) và ở mức độ không thuận tiện (2,65%). Sự đánh giá việc truy xuất thông tin nội bộ đối với khách hàng vay ở mức độ ít thuận tiện hoặc không thuận tiện bởi người thẩm định tín dụng tại các NHTM Việt Nam có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, kho dữ liệu của một số NHTM Việt Nam có tính hệ thống chưa cao hoặc có ít thông tin. 
 
Thứ hai, sự hạn chế về khả năng khai thác thông tin nội bộ bởi chính những người thẩm định tín dụng. Như vậy, tại các NHTM Việt Nam hiện nay vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ người thẩm định tín dụng đánh giá về tính định hướng của hướng dẫn thẩm định khách hàng vay ở mức độ thấp hoặc rất thấp, cũng như đánh giá về sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ đối với khách hàng vay ở mức độ ít thuận tiện hoặc không thuận tiện. Điều này là một trong những biểu hiện cho thấy, sự hỗ trợ của một số NHTM Việt Nam đối với người thẩm định tín dụng trong việc đánh giá rủi ro tín dụng của khách hàng vay là chưa thật sự tốt.
 
3.2. Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp IRB
 
Phương pháp IRB là một trong những công cụ hiện đang được các NHTM Việt Nam sử dụng để đánh giá rủi ro giao dịch. Với phương pháp này, độ tin cậy trong kết quả đánh rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay không những phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chúng còn phụ thuộc vào tính hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai, ứng dụng phương pháp IRB của các NHTM Việt Nam. Để phân tích thực trạng sử dụng công cụ đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp IRB, chúng tôi tiến hành đánh giá chất lượng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ thông qua phân tích quá trình xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các NHTM Việt Nam. Đồng thời đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai và ứng dụng IRB thông qua phân tích chất lượng dữ liệu, sử dụng kết quả đầu ra của phương pháp IRB, sử dụng nội bộ bởi người phân tích tại các NHTM Việt Nam.
 
- Quá trình xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các NHTM  Việt Nam   
 
Từ tổng hợp kết quả phỏng vấn sâu các chuyên gia cho thấy, các NHTM Việt Nam khi xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đều hướng đến việc tuân theo các chuẩn mực tối thiểu để hệ thống có thể đáp ứng các yêu cầu được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cũng như được khuyến nghị bởi Hiệp ước an toàn vốn Basel II. Quá trình xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các NHTM Việt Nam thường được thực hiện thông qua ba công đoạn chính: (i) Xác định hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mục tiêu; (ii) Thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu; (iii) Phát triển hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
 
Từ kết quả phỏng vấn các chuyên gia cho thấy, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được các NHTM Việt Nam xây dựng và phê chuẩn nhìn chung có chất lượng khá tốt, nhưng để có thể sử dụng phương pháp IRB trong đánh giá rủi ro tín dụng, đặc biệt là sử dụng phương pháp IRB để phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tính toán tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ sau khi được xây dựng và phê chuẩn bởi chính các NHTM Việt Nam, còn phải nhận được sự phê chuẩn 
bởi NHNN.
 
- Chất lượng dữ liệu, sử dụng kết quả đầu ra của phương pháp, sử dụng nội bộ bởi người phân tích tại các NHTM Việt Nam 
 
Từ tổng hợp kết quả phỏng vấn sâu các chuyên gia cho thấy, bên cạnh những NHTM Việt Nam đã triển khai phương pháp IRB khá hiệu lực, hiệu quả, cũng còn một số NHTM Việt Nam chậm triển khai phương pháp IRB trong quản trị rủi ro tín dụng.
 
Để kết quả đánh giá rủi ro giao dịch bằng phương pháp IRB có được độ tin cậy cao, không chỉ đòi hỏi hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải có chất lượng tốt mà còn đòi hỏi việc triển khai, ứng dụng phương pháp IRB có tính hiệu lực và hiệu quả cao, một trong những biểu hiện được thể hiện thông qua: (i) Chất lượng dữ liệu; (ii) Sử dụng kết quả đầu ra của phương pháp IRB và (iii) Sử dụng nội bộ bởi người phân tích tại các NHTM Việt Nam. Nếu như chất lượng của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được xem là điều kiện cần thì hiệu lực và hiệu quả trong việc triển khai, ứng dụng phương pháp IRB được xem là điều kiện đủ để kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay bằng phương pháp IRB có được độ tin cậy cao. Với kết quả từ việc phỏng vấn chuyên gia tại các ngân hàng cho thấy, trong số ba thành phần có liên quan đến tính hiệu lực và hiệu quả của việc triển khai, ứng dụng phương pháp IRB, ngoài một số ít NHTM Việt Nam được đánh giá chưa cao đối với hai thành phần là sử dụng kết quả đầu ra của phương pháp IRB và sử dụng nội bộ bởi người phân tích, phần lớn NHTM Việt Nam khác được các chuyên gia đánh giá cao đối với hai thành phần này. Trong khi đó, đối với chất lượng dữ liệu đầu vào, phần lớn các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề cần phải được quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, tại một số NHTM Việt Nam việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xếp hạng tín dụng nội bộ cũng còn có hạn chế, đòi hỏi cần phải có các giải pháp để cải thiện.
 
3.3. Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro danh mục thông qua phân tích rủi ro tập trung
 
Phân tích rủi ro tập trung là phương pháp hiện đang được các NHTM Việt Nam sử dụng để đánh giá rủi ro danh mục. Với phương pháp này, khả năng hỗ trợ đối với quản trị rủi ro danh mục phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong việc phản ánh về những loại rủi ro tập trung tín dụng. Để phân tích thực trạng đánh giá rủi ro danh mục thông qua phân tích rủi ro tập trung tại các NHTM Việt Nam, chúng tôi thực hiện đánh giá mức độ toàn diện trong việc phản ánh về các loại rủi ro tập trung tín dụng thông qua phân tích các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng được các NHTM Việt Nam xác lập. 
 
Từ tổng hợp kết quả phỏng vấn sâu các chuyên gia cho thấy, các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng được hầu hết các NHTM Việt Nam xác lập, đó là hạn mức cấp tín dụng khách hàng và người có liên quan; hạn mức tập trung tín dụng từng sản phẩm cho vay, ngành, lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, tùy tình hình thực tế quản trị rủi ro tín dụng trong từng thời kì, ngoài các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng được đề cập ở trên, các NHTM Việt Nam còn xác lập thêm một số loại giới hạn rủi ro tập trung tín dụng, chẳng hạn như hạn mức tín dụng dựa vào thời hạn cho vay, loại tiền tệ cho vay, loại tài sản bảo đảm.   
 
Hiện nay, việc xác lập các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng không chỉ xuất phát từ nhu cầu quản trị rủi ro tín dụng bởi chính các NHTM Việt Nam, chúng còn là một nhiệm vụ mang tính pháp lý được quy định bởi NHNN. Cụ thể, theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với hoạt động tín dụng, hạn mức rủi ro tập trung tối thiểu bao gồm: (i) Hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng, khách hàng và người có liên quan so với tổng dư nợ; (ii) Hạn mức tập trung tín dụng cho sản phẩm tín dụng, ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở tỉ trọng dư nợ sản phẩm tín dụng, ngành, lĩnh vực kinh tế so với tổng dư nợ. Ngoài ra, theo quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỉ lệ an toàn đối vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc xác lập các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng và phân bổ vốn vay thông qua các loại giới hạn/hạn mức này, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM Việt Nam. Với kết quả từ việc phỏng vấn các chuyên gia cho thấy, các NHTM Việt Nam không những đã xác lập khá đầy đủ các loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng theo quy định pháp lí, tùy thuộc vào nhu cầu thực tế quản trị rủi ro tín dụng trong từng thời kì, một số NHTM Việt Nam còn xác lập thêm những loại giới hạn/hạn mức rủi ro tập trung tín dụng khác.
 
4. Gợi ý một số giải pháp
 
4.1. Hoàn thiện phương pháp phán đoán
 
Hiện nay, phương pháp phán đoán dựa trên mô hình 5Cs vẫn là một trong những phương pháp chủ yếu được các NHTM Việt Nam sử dụng để đánh giá rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, để có thể phát triển và đưa vào sử dụng các công cụ có khả năng định lượng rủi ro giao dịch, các NHTM Việt Nam cần phải có thêm thời gian. Vì vậy, độ tin cậy trong kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay bằng phương pháp phán đoán dựa trên mô hình 5Cs vẫn đang là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro tín dụng. 
 
Với thực trạng đã được phân tích ở trên cho thấy, các hạn chế trong việc sử dụng phương pháp phán đoán dựa trên mô hình 5Cs tại các NHTM Việt Nam, ngoài những nguyên nhân bắt nguồn từ sự hạn chế về hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng chuyên môn của người thẩm định tín dụng, còn có nguyên nhân là chưa có sự thuận tiện trong việc truy xuất thông tin nội bộ về khách hàng vay. Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến những hạn chế này, đó là hướng dẫn thẩm định khách hàng vay của một số NHTM Việt Nam chưa có tính định hướng rõ ràng. Vì vậy, để cải thiện chất lượng kết quả đánh giá rủi ro tín dụng đối với khách hàng vay bằng phương pháp phán đoán dựa trên mô hình 5Cs, bên cạnh việc đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu, các NHTM Việt Nam cũng cần phải có giải pháp nhằm cụ thể hóa hướng dẫn thẩm định theo từng loại đối tượng khách hàng vay, cụ thể như sau: 
 
Thứ nhất, về khách hàng doanh nghiệp, các NHTM Việt Nam cần phân chia khách hàng vay thông qua sự kết hợp giữa các tiêu chí như mục đích sử dụng vốn, ngành nghề kinh doanh và quy mô doanh nghiệp. Trong đó, với tiêu chí quy mô doanh nghiệp, có thể được phân chia thành quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ, quy mô siêu nhỏ tương ứng với mỗi loại khách hàng doanh nghiệp, việc phân chia dựa vào tổ hợp các tiêu chí này cần được các NHTM Việt Nam xây dựng hướng dẫn thẩm định cụ thể. 
 
Thứ hai, về khách hàng cá nhân vay kinh doanh, các NHTM Việt Nam cần phân chia thông qua sự kết hợp giữa các tiêu chí như mục đích sử dụng vốn, ngành nghề kinh doanh và loại tài sản bảo đảm tương ứng với mỗi loại khách hàng cá nhân vay kinh doanh, việc phân chia dựa vào tổ hợp các tiêu chí này cần được các NHTM Việt Nam xây dựng hướng dẫn thẩm định cụ thể.  
 
Thứ ba, về khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, các NHTM Việt Nam cần phân chia thông qua sự kết hợp giữa các tiêu chí như mục đích sử dụng vốn, nguồn trả nợ và loại tài sản bảo đảm, tương ứng với mỗi loại khách hàng cá nhân vay tiêu dùng được phân chia dựa vào tổ hợp các tiêu chí này, chúng cần được các NHTM Việt Nam xây dựng hướng dẫn thẩm định cụ thể.
 
4.2. Hoàn thiện phương pháp IRB
 
Hiện nay phương pháp IRB được đưa ra trong khuyến nghị của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, được xem là phương pháp phù hợp nhất để các ngân hàng đo lường rủi ro tín dụng đối với người vay. Bên cạnh đó, đối với các NHTM Việt Nam thì việc triển khai phương pháp IRB còn là một trong những nhiệm vụ mang tính pháp lí được quy định tại Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 của NHNN về việc triển khai thực hiện Basel II trên toàn hệ thống theo lộ trình đến năm 2020. Với thực trạng đã được phân tích ở trên cho thấy, bên cạnh những NHTM Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp IRB cơ bản và đang tiến tới áp dụng phương pháp IRB nâng cao, hiện tại vẫn còn một số NHTM Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để có thể áp dụng phương pháp IRB trong quản trị rủi ro tín dụng. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, đồng thời tuân thủ quy định của NHNN trong việc triển khai Hiệp ước an toàn vốn Basel II, các NHTM Việt Nam cần hoàn thiện phương pháp IRB, trước tiên là phương pháp IRB cơ bản, sau đó là phương pháp IRB nâng cao. Để thực hiện được điều này, các NHTM Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau: 
 
Thứ nhất, đối với các NHTM đã được NHNN phê chuẩn triển khai thành công Basel II, cần tiến hành kiểm định thực tế định kì, qua đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thiện phương pháp IRB cơ bản hoặc phương pháp IRB nâng cao, các nội dung cần tập trung là hệ thống xếp hạng và/hoặc quy trình xếp hạng tín dụng nội bộ. 
 
Thứ hai, đối với các NHTM chưa được NHNN phê chuẩn triển khai thành công Basel II, cần đối chiếu giữa điều kiện được yêu cầu bởi NHNN và mức độ đáp ứng thực tế của mình, qua đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện cụ thể, các nội dung cần tập trung, đó là việc lựa chọn phương pháp, kĩ thuật để ước lượng tổ hợp; lựa chọn mô hình để ước lượng; lựa chọn cách tiếp cận để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện phương pháp IRB cơ bản và tiến tới hoàn thiện phương pháp IRB nâng cao.  
 
4.3. Phát triển các mô hình định lượng rủi ro danh mục 
 
Để có thể quản trị rủi ro tín dụng hiệu lực và hiệu quả, một trong những điều kiện các NHTM Việt Nam cần đáp ứng, đó là cần phải sử dụng được những mô hình định lượng rủi ro danh mục và mô hình RAROC. Với thực trạng như đã phân tích ở phần trên cho thấy, phần lớn NHTM Việt Nam hiện nay chưa sử dụng các mô hình định lượng rủi ro danh mục và mô hình RAROC. Vì vậy, việc phát triển và đưa vào sử dụng các mô hình đo lường rủi ro danh mục và mô hình RAROC cần phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của các NHTM Việt Nam. Để hiện thực hóa được điều này, các NHTM Việt Nam cần phải có những định hướng đối với việc phát triển các mô hình định lượng rủi ro danh mục. Trong đó, cần quan tâm đến một số vấn đề sau: 
 
Thứ nhất, các NHTM Việt Nam hiện nay mặc dù có thể tiếp cận nhiều phương pháp với nhiều loại mô hình để phát triển các mô hình định lượng rủi ro danh mục như mô hình CreditMetrics, PortfolioManager, CreditPortfolioView, CreditRisk+, nhưng mỗi mô hình này, chúng đều có ưu điểm, hạn chế riêng. Vì thế, việc lựa chọn mô hình định lượng rủi ro danh mục nào để phát triển, sau đó là đưa vào sử dụng trong quá trình quản trị rủi ro tín dụng sẽ tùy thuộc vào đặc điểm và khả năng của mỗi NHTM Việt Nam.
 
Thứ hai, các NHTM Việt Nam chỉ có thể triển khai hiệu lực, hiệu quả việc sử dụng các mô hình định lượng rủi ro danh mục hiện đại, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về hệ thống cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin và đặc biệt là đội ngũ nguồn nhân lực. Các mô hình định lượng rủi ro danh mục hiện đại chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi được sử dụng bởi những người có khả năng làm chủ được những mô hình này. Vì vậy, bên cạnh việc hoạch định lộ trình triển khai việc phát triển và sử dụng các mô hình định lượng rủi ro danh mục, các NHTM Việt Nam cũng cần phải hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở dữ liệu và công nghệ thông tin được dựa trên nền tảng số.    
 
5. Kết luận
 
Từ kết quả khảo sát các cán bộ thẩm định tín dụng và phỏng vấn sâu một số lãnh đạo của các NHTM Việt Nam, bằng phương pháp thống kê mô tả dựa trên kĩ thuật phân tích thống kê so sánh, bài viết đã tổng hợp, phân tích để làm rõ bức tranh về thực trạng sử dụng các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam. Với kết quả nghiên cứu này, bài viết không chỉ cung cấp thêm bằng chứng thực tiễn liên quan đến việc sử dụng các công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam mà còn cung cấp thêm cơ sở khoa học cho những nhà hoạch định chính sách, quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình triển khai các công cụ/mô hình đánh giá, đo lường rủi ro tín dụng hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực 
quốc tế.
 
 
5Cs là viết tắt của năm nhân tố có tác động đến rủi ro tín dụng của người vay, bao gồm: Tính cách (Character), năng lực (Capacity), vốn (Capital), điều kiện (Condition), tài sản bảo đảm (Collateral) của người vay (Beaulieu, 1994).
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Allen, L., Delong, G. & Saunders A. (2004), “Issues in the credit risk modeling of retail markets”, Journal of Banking & Finance 28, pp. 727 - 752.
2. Altman, E.I. and Saunders, A. 1998, “Credit risk measurement: Developments over the last 20 years”, Journal of Banking & Finance 21, pp. 1721 - 1742.
3. Beaulieu, P.R. 1994, “Commercial lenders’ use of accounting information in interaction with source credibility”, Contemporary Accounting Research, Vol. 10, No. 2, pp. 557 - 585.
4. Bessis, J. (2015), Risk Management in Banking, 4th edn, John Wiley & Sons, Ltd.
5. Bank for International Settlements (2001), The New Basel Capital Accord: an explanatory note.
6. Bank for International Settlements (2006), International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards.
7. Caouette, J. B., Altman, E. I., Narayanan, P. & Nimmo, R. (2008), Managing Credit Risk: The Great Challenge for the Global Financial Markets, 2nd edn, John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey.
8. Colquitt, J. (2007), Credit risk management: How to avoid lending disasters and maximize earnings, 3th edn, McGraw-Hill Companies, Inc.
9. Crouhy, M., Galai, D. & Mark, R. (2000), “A comparative analysis of current credit risk models”, Journal of Banking & Finance 24, pp. 59 - 117.
10. Gestel, T. V. & Baesens, B. (2009), Credit Risk Management Basic Concepts: financial risk components, rating analysis, models, economic and regulatory capital, Oxford University Press Inc, New York.
11. Global Association of Risk Professionals (2018), Financial Risk Manager: Credit Risk Measurement and Management, 7th edn, Pearson Education, Inc.
12. Gupton, G. M., Finger, C. C. &  Bhatia, M. (1997), CreditMetrics™ Technical Document, J. P. Morgan & Co. Incorporated.
13. Hull, J. C. (2015), Risk Management and Financial institutions, 4th edn, John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey.
14. Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
15. Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

PGS., TS. Nguyễn Thị Nhung (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)
TS. Trần Chí Chinh (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 166 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 833 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 1.488 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.113 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 2.308 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.150 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
Vai trò, tầm quan trọng của ESG trong phát triển bền vững tại ngân hàng thương mại Việt Nam
05/03/2024 2.965 lượt xem
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 2.678 lượt xem
Mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức.
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
20/02/2024 2.934 lượt xem
Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
Nỗ lực nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam
19/02/2024 2.384 lượt xem
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021 đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
16/02/2024 6.779 lượt xem
Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc (chỉ đạt 5,05% GDP so với 8% GDP năm 2022) do bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI.
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2023 - Nhận định dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
15/02/2024 3.311 lượt xem
Kinh tế thế giới năm 2023 cho thấy nhiều bất định đến từ căng thẳng địa chính trị cũng như áp lực về tăng trưởng và lạm phát, kéo theo sự điều chỉnh về chính sách tiền tệ (CSTT) của các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
Việt Nam vững mạnh, vươn cao trong năm Rồng
13/02/2024 2.276 lượt xem
Năm 2024, chúng ta có thể tin tưởng, những khó khăn nhất đã ở phía sau. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý IV/2023 đã phục hồi lên 6,72% so với cùng kì năm 2022, góp phần vào tổng mức tăng trưởng cả năm 2023 đạt 5,05%. Đóng góp cho đà hồi phục này là nhờ sự cải thiện về thương mại bắt đầu trong quý cuối cùng của năm 2023.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Kiên cường và đầy hứa hẹn trước những thách thức
12/02/2024 2.551 lượt xem
Nhìn chung, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị, tuy nhiên, vẫn còn chậm và chưa đồng đều.
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
17/01/2024 4.292 lượt xem
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện nay, vấn đề quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.000

80.000

Vàng SJC 5c

78.000

80.020

Vàng nhẫn 9999

68.000

69.300

Vàng nữ trang 9999

67.900

68.800


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,550 24,920 26,090 27,522 30,409 31,703 158.80 168.08
BIDV 24,625 24,935 26,276 27,495 30,531 31,832 159.54 168.07
VietinBank 24,512 24,932 26,321 27,616 30,837 31,847 160.42 168.37
Agribank 24,600 24,930 26,213 27,483 30,551 31,684 159.87 167.97
Eximbank 24,520 24,910 26,361 27,131 30,735 31,632 161.25 165.95
ACB 24,570 24,970 26,457 27,114 30,964 31,606 161.07 166.23
Sacombank 24,552 24,947 26,529 27,087 31,020 31,531 161.74 166.78
Techcombank 24,561 24,933 26,174 27,513 30,438 31,764 157.07 169.48
LPBank 24,380 25,100 26,095 27,625 30,866 31,814 159.15 170.67
DongA Bank 24,610 24,960 26,400 27,080 30,780 31,620 159.00 166.10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?