Quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị
29/03/2023 2.621 lượt xem
Tóm tắt: Phát triển kinh tế tập thể được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay và đây cũng chính là thành phần kinh tế quan trọng bên cạnh kinh tế nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể hay mô hình hợp tác xã của nước ta ở thời điểm hiện tại chưa thực sự phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu, chính sách của Nhà nước. Do vậy, cần phải có giải pháp để phát huy và nâng cao tiềm lực của kinh tế tập thể, đặc biệt là đối với công tác quản lí nhà nước. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết sẽ phân tích tình hình quản lí nhà nước đối với mô hình hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay, chỉ ra một số khó khăn, thách thức; cuối cùng, đề xuất các giải pháp.
 
Từ khóa: Kinh tế tập thể, hợp tác xã, quản lí nhà nước.
 
STATE MANAGEMENT OF THE COOPERATIVE ECONOMIC MODEL IN VIETNAM TODAY AND SOME RECOMMENDATIONS
 
Abstract: Collective economic development is considered an inevitable trend in the context of deep and wide international integration today and this is also an important economic component besides the state economic component of the socialist-oriented market economy in Vietnam. However, the collective economic sector or cooperative model of our country at the present time has not really promoted effectively in accordance with the goals and policies of the State. Therefore, it is necessary to have solutions to promote and improve the potential of the collective economy, especially for state management. Stemming from this practice, the article will analyze current situation of the state management for the cooperative model, pointing out some difficulties and challenges; finally, proposes solutions.
 
Keywords: Collective economy, cooperatives, state management.
 
1. Đặt vấn đề
 
Kinh tế tập thể hay kinh tế hợp tác xã là những thuật ngữ đã được ra đời từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa lí luận phát triển hợp tác xã vào nước ta và chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã từ năm 1946. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quyết tâm thực hiện các chính sách, chủ trương nhằm phát huy và nâng cao tiềm lực của các mô hình kinh tế này. Kinh tế tập thể được hiểu là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lí theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, trong đó, hợp tác xã được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể1. Quản lí nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã là sự tác động có tổ chức thông qua hệ thống chính sách pháp luật cùng với các công cụ quản lí kinh tế lên hệ thống kinh tế tập thể nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, kết hợp với việc tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước để thích ứng với bối cảnh mở cửa giữa các quốc gia và tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa. 
 
Phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Cho đến nay, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn giữ nguyên bản chất và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế đất nước, ngay từ khi đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế này, trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”2. Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa phát huy hết vai trò, thế mạnh của mình, đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng như hiện nay. 
 
Từ thực tiễn nêu trên, nhóm tác giả nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế này, từ đó vấn đề cấp thiết đặt ra là cần phải nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lí của nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. 
 
2. Thực trạng quản lí nhà nước đối với phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay 
 
Theo báo cáo gần đây của Liên đoàn Hợp tác xã quốc tế (IAC), mô hình hợp tác xã liên tục phát triển ở hầu hết các quốc gia, đến nay có hơn 3 triệu hợp tác xã đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới, điển hình như: Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân là thành viên hợp tác xã, sản xuất từ 30% - 90% sản lượng lương thực, thực phẩm, chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn; Hà Lan có 25,5 triệu thành viên hợp tác xã, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản, có 65 triệu thành viên hợp tác xã, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; Trung Quốc có 30.287 hợp tác xã, thu hút hơn 80% hộ nông dân tham gia thành viên; Thái Lan có 6.626 hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp, đóng góp 13% GDP; Hoa Kỳ có 50.000 hợp tác xã, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ3... 
 
Còn ở Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã hình thành và phát triển gần 70 năm, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời kì 1955 - 1986, hợp tác xã phát triển nhanh về số lượng ở cả địa bàn nông thôn và thành thị; thời kì 1986 - 2002, tại các khu vực nông thôn đã thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, lúc này, cơ chế quản lí hợp tác xã chưa được đổi mới, số lượng và hiệu quả kinh tế hợp tác xã giảm thấp do phải củng cố và tổ chức lại cho phù hợp; thời kì 2002 - 2021, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
 
Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó, nòng cốt là hợp tác xã. Đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng khi đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, được khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất và lượng; đồng thời, ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mà mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đạt được nhiều thành tựu, có bước chuyển mình trong quá trình vận hành và phát triển suốt nhiều thập kỉ qua. Để phát huy tối đa tiềm lực của mô hình kinh tế này, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác quản lí nhà nước, đề ra các chủ trương, chính sách kinh tế, tiến hành quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật liên quan đến mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm tiến đến đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. 
 
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 134/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chương trình hành động nhằm mục đích tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Bên cạnh đó, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả. Đồng thời đề ra nhiệm vụ của chương trình hành động là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhất là hợp tác xã kiểu mới; vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/02/2022, Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là Luật Hợp tác xã trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012, trình Chính phủ trong năm 2022. Báo cáo đã đánh giá tác động của 05 chính sách: (1) Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; (2) Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể và tổ chức đại diện; (3) Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn của hợp tác xã, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; (4) Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lí, điều hành hợp tác xã; (5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể4. Bên cạnh đó, ngày 13/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình Luật, Pháp lệnh năm 2022, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Dự thảo với tên gọi “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”.
 
Đảng và Nhà nước ta luôn nghiên cứu, rà soát, cập nhật và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lí chặt chẽ, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh tế này. Nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Đảng và Nhà nước, mô hình kinh tế tập thể đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 29.021 hợp tác xã, trong đó có 19.395 hợp tác xã nông nghiệp; 2.448 hợp tác xã công nghiệp thủ công nghiệp; 2.329 hợp tác xã thương mại dịch vụ; 1.662 hợp tác xã giao thông vận tải; 877 hợp tác xã xây dựng; 554 hợp tác xã môi trường; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân; 575 hợp tác xã lĩnh vực khác5. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỉ đồng, bình quân 1,86 tỉ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỉ đồng, bình quân 6,5 tỉ đồng/hợp tác xã, tăng 8,7% so với năm 20216.  Trong năm 2022, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt 3,5 tỉ đồng, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021; lãi bình quân của một hợp tác xã là 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, tương đương khoảng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương khoảng 8% so với năm 20217. Bộ phận lớn hợp tác xã cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
 
Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều thành tựu nổi bật và từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân, song, nhóm tác giả cho rằng, mô hình kinh tế này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Đặc biệt, những hạn chế trong quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước triển khai trong thực tiễn chưa thực sự hiệu quả, cụ thể như: 
 
Thứ nhất, khung pháp lí, chính sách về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo, việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình quản lí, tổ chức triển khai thi hành luật của nhà nước. Quy định tại Điều 59 và Điều 60 Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa làm rõ được trách nhiệm quản lí nhà nước đối với hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay, đó là đề cao vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lí hợp tác xã và sự phối hợp, trao đổi, quản lí thông tin về hợp tác xã giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các cấp. Ngoài ra, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về cơ quan chuyên trách trong việc quản lí hợp tác xã, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hợp tác xã thống nhất trên cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan giúp Chính phủ quản lí nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nhưng thực tế, để thực hiện hoạt động quản lí nhà nước đối với hợp tác xã, Chính phủ đã thành lập hai cơ quan được giao chức năng quản lí hợp tác xã đó là: Cục Kinh tế hợp tác (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đó dẫn đến sự chồng chéo, hạn chế hiệu quả hoạt động8.
 
Thứ hai, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng và chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, còn lúng túng, lo ngại về sự thành công của kinh tế tập thể. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, thiếu cụ thể, hiệu quả chưa cao9. Công tác quản lí nhà nước về kinh tế tập thể ở một số nơi còn xảy ra tình trạng buông lỏng quản lí hoặc can thiệp quá sâu; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển kinh tế tập thể chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải, phân tán nên hiệu quả không đạt như mong muốn. Đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo bài bản để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đặt ra…
 
Thứ ba, tại các địa phương hiện nay chưa có phòng/ban chuyên trách về quản lí hợp tác xã, cán bộ quản lí nhà nước về hợp tác xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên, dẫn đến việc quản lí nhà nước đối với hợp tác xã chưa đạt hiệu quả cao10. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí nhà nước về kinh tế tập thể hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện mô hình kinh tế này còn lỏng lẻo, chưa kịp thời xử lí vi phạm pháp luật của hợp tác xã, cá nhân, tổ chức liên quan.
 
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao công tác quản lí của Nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam 
 
Thực trạng quản lí nhà nước đối với phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Do đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lí của nhà nước để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. 
 
3.1. Giải pháp về chính sách pháp luật
 
Hiện nay, một số quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như thiếu sự linh hoạt khi triển khai áp dụng các quy định của Luật này trên thực tế, trong đó, các quy định về công tác quản lí nhà nước đối với mô hình hợp tác xã chưa thật sự hoàn thiện. Do đó, Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi với kì vọng nâng cao hơn hiệu quả quản lí nhà nước trong quá trình phát triển mô hình hợp tác xã, với nhiều quy định về chính sách hỗ trợ và quản lí nhà nước đối với hợp tác xã đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, để nâng cao công tác quản lí của Nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam thì đòi hỏi cần phải:
 
Thứ nhất, sửa đổi và tách biệt quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan quản lí nhà nước và các tổ chức kinh tế hợp tác. Việc tách biệt này đã tạo ra sự rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm của từng chủ thể đối với hành vi vi phạm, đặc biệt, giúp cho công tác quản lí của cơ quan chuyên môn được dễ dàng. Tại Điều 7 Dự thảo quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan quản lí nhà nước, nghĩa là bổ sung thêm 04 hành vi bị nghiêm cấm: (i) Hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; (ii) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái với các quy định của pháp luật về hỗ trợ, ưu đãi cho tổ chức kinh tế hợp tác; (iii) Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức, cá nhân thực hiện hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác; (iv) Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác. Đây chính là một trong những sửa đổi quan trọng về khía cạnh quản lí nhà nước giúp kiểm soát các hành vi vi phạm, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác xã. Tuy nhiên, vì Dự thảo đã bổ sung quy định hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ đối với mô hình kinh tế này, trong đó, trách nhiệm quản lí của cơ quan nhà nước cũng đã được đặt ra. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả quản lí nhà nước đối với những hoạt động này thì Dự thảo cần thiết bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm có thể phát sinh hoặc có thể bổ sung một điều luật dự trù để đảm bảo khi có hành vi xảy ra trên thực tế thì cơ quan có thẩm quyền cũng không gặp lúng túng trong quá trình xử lí.
 
Thứ hai, hoàn thiện chính sách hỗ trợ và quản lí nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác. Các chính sách này hướng đến việc phát huy khả năng, thế mạnh của các mô hình kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Cụ thể: (1) Hoàn thiện quy định hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác. Trong công tác quản lí nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác thì việc xây dựng hệ thống thông tin quốc gia là điều rất quan trọng. Thực tế, thông tin được xem là hệ thống thần kinh của hệ thống điều hành quản lí vì cung cấp dữ liệu để ra các quyết định lãnh đạo, quản lí, đồng thời giúp truyền đi các thông điệp để thực hiện các quyết định đó11. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ tạo ra sự thống nhất, kết nối dễ dàng cho cơ quan chuyên môn quản lí hiệu quả. Nắm bắt được tầm quan trọng này, Dự thảo đã bổ sung quy định về hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác mà trước đây, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa quy định. Mặc dù có sự ghi nhận trong Dự thảo về vấn đề này nhưng những nội dung cụ thể về các khía cạnh của một hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác thì lại chưa được quy định cụ thể. Đơn cử, Dự thảo chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra khái niệm tại khoản 10 Điều 4 của Dự thảo. Vì vậy, để nội dung về hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác cũng như hiệu quả quản lí nhà nước thực sự có hiệu quả thì Dự thảo cần bổ sung các nội dung chi tiết quy định về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, quản lí vận hành hệ thống, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác, thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác khi sử dụng hệ thống. (2) Bổ sung một số quy định về quản lí nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác. Dự thảo đã hoàn thiện hơn về các quy định về quản lí nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác so với Luật Hợp tác xã năm 2012. Cụ thể là sửa đổi Điều 59 về nội dung quản lí nhà nước và Điều 60 về trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước của Luật Hợp tác xã năm 2012. Các sửa đổi, bổ sung được đánh giá là sẽ giúp cho công tác quản lí nhà nước trong tương lai đạt được nhiều kết quả và tạo điều kiện phát triển cho các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, nhóm tác giả đề xuất hoàn thiện thêm các quy định cụ thể đối với nội dung quản lí hợp tác quốc tế về phát triển tổ chức kinh tế hợp tác. Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, nên giữ lại quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong thực hiện quản lí nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác thay vì bãi bỏ như Dự thảo. Bởi lẽ, các mô hình kinh tế hợp tác phần lớn hiện nay có quy mô nhỏ và tập trung nhiều ở các vùng nông thôn. Để công tác quản lí đối với các khu vực kinh tế hợp tác xã hiệu quả thì phải bắt đầu từ khâu quản lí ở cấp xã, huyện. Việc chỉ đưa ra trách nhiệm quản lí ở cấp tỉnh vô hình trung xóa bỏ trách nhiệm của các cơ quan cấp dưới, dẫn đến hiệu quả quản lí nhà nước tại các khu vực này không cao.
 
3.2. Giải pháp về mặt thực thi áp dụng pháp luật
 
Thứ nhất, để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần được tăng cường hơn nữa. Đội ngũ cán bộ quản lí phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, được đào tạo bài bản, có tư tưởng chính trị vững vàng để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Cần tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức người dân, người trẻ tuổi, đối tượng tiềm năng trở thành thành viên hợp tác xã.
 
Thứ hai, tiếp tục cải tổ bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục hành chính. Quản lí nhà nước một cách tập trung, thống nhất, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ lãnh đạo, quản lí có chuyên môn cao, đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong quản lí nhà nước về kinh tế tập thể, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả; phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi sai phạm cũng như kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển kinh tế tập thể. Ngoài ra, cần thành lập, cơ cấu các phòng/ban chuyên trách về quản lí mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ở địa phương. Thay các cán bộ quản lí nhà nước về hợp tác xã từ cán bộ kiêm nhiệm sang cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này, nhằm nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt vai trò quản lí nhà nước đối với mô hình kinh tế này.
 
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác với các tổ chức hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở các nước trên thế giới cũng như liên minh hợp tác xã quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ về vốn, tài chính, máy móc, trang thiết bị, thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng, triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng; thiết lập và triển khai hệ thống đào tạo về hợp tác xã thống nhất từ giáo dục phổ thông đến các trường nghề, giáo dục đại học.
 
4. Kết luận
 
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước để trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn 2025 - 2045 là tập trung phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa12. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, vững mạnh, giàu tiềm lực kinh tế đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, đủ năng lực và đặc biệt cần phải nâng cao hiệu quả quản lí của nhà nước đối với mô hình kinh tế này thông qua sửa đổi và hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012.
 

1 Nhị Lê, Nguyễn Thị Thu Huyền (2022), Phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã: Con đường của thế giới và nhu cầu tất yếu với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 03/12/2022, <https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825785/phat-trien-kinh-te-tap-the-va-hop-tac-xa--con-duong-cua-the-gioi-va-nhu-cau-tat-yeu-voi-viet-nam.aspx>.
2 Hoàng Thu Trang (2022), Đánh giá đúng vai trò của nền kinh tế tập thể, Báo Nhân dân, truy cập ngày 03/12/2022, <https://nhandan.vn/danh-gia-dung-vai-tro-cua-kinh-te-tap-the-post713881.html>.
3 Nguyễn Xuân Phúc (2022), Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, truy cập ngày 03/12/2022, < https://special.nhandan.vn/phat-trien-kinh-te-HTX-la-tat-yeu-khach-quan/index.html>.
4 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, truy cập ngày 03/12/2022, <https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/duthaovbpl/bao_cao_danh_gia_tac_dong_chinh_sach_trong_hsdnxd_luat_htx_-sua_doi-.pdf>.
5,6 Nhật Hạ (2022), Cả nước có hơn 29.000 hợp tác xã, thu hút gần 7 triệu lao động, Đầu tư Online, truy cập ngày 03/5/2023, <https://baodautu.vn/ca-nuoc-co-hon-29000-hop-tac-xa-thu-hut-gan-7-trieu-lao-dong-d177367.html>.
7 Nhung Bùi (2022), Hoạt động hợp tác xã có nhiều khởi sắc hậu đại dịch, Đầu tư Online, truy cập ngày 05/3/2023, <https://baodautu.vn/hoat-dong-hop-tac-xa-co-nhieu-khoi-sac-hau-dai-dich-d181290.html#:~:
text=Trong%20n%C4%83m%202022%2C%20doanh%20thu,71%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202021>.
8 Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã; Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 
9 Báo Điện tử Chính phủ (2022), Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể,  truy cập ngày 03/12/2022, <https://baochinhphu.vn/phai-thuong-xuyen-quan-tam-doi-moi-phat-trien-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-102220510171310261.htm>.
10 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, truy cập ngày 05/12/2022, <https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/duthaovbpl/bao_cao_danh_gia_tac_dong_chinh_sach_trong_hsdnxd_luat_htx_-sua_doi-.pdf>. 
11 Phạm Thị Thành, Nguyễn Huyền Trang (2022), Vai trò của thông tin đối với hoạt động lãnh đạo, quản lí, Tạp chí Lý luận và Truyền thông, truy cập ngày 09/12/2022, <https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/vai-tro-cua-thong-tin-voi-hoat-dong-lanh-dao-quan-ly-p26456.html>.
12 Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Luật Hợp tác xã năm 2012.
2. Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. 
3. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 
4. Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã.
5. Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 
6. Báo Điện tử Chính phủ (2022), Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, truy cập ngày 03/12/2022, <https://baochinhphu.vn/phai-thuong-xuyen-quan-tam-doi-moi-phat-trien-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-102220510171310261.htm>.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, truy cập ngày 03/12/2022, <https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/duthaovbpl/bao_cao_danh_gia_tac_dong_chinh_sach_trong_hsdnxd_luat_htx_-sua_doi-.pdf>.
8. Nhung Bùi (2022), Hoạt động hợp tác xã có nhiều khởi sắc hậu đại dịch, Đầu tư Online, truy cập ngày 05/03/2023, <https://baodautu.vn/hoat-dong-hop-tac-xa-co-nhieu-khoi-sac-hau-dai-dich>.
9. Nhật Hạ (2022), Cả nước có hơn 29.000 hợp tác xã, thu hút gần 7 triệu lao động, Đầu tư Online, truy cập ngày 03/5/2023, <https://baodautu.vn/ca-nuoc-co-hon-29000-hop-tac-xa-thu-hut-gan-7-trieu-lao-dong-d177367.html>.
10. Nhị Lê, Nguyễn Thị Thu Huyền (2022), Phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã: Con đường của thế giới và nhu cầu tất yếu với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 03/12/2022, <https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825785/phat-trien-kinh-te-tap-the-va-hop-tac-xa--con-duong-cua-the-gioi-va-nhu-cau-tat-yeu-voi-viet-nam.aspx>.
11. Nguyễn Xuân Phúc (2022), Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, truy cập ngày 03/12/2022, < https://special.nhandan.vn/phat-trien-kinh-te-HTX-la-tat-yeu-khach-quan/index.html>.
12. Hoàng Thu Trang (2022), Đánh giá đúng vai trò của nền kinh tế tập thể, Báo Nhân dân, truy cập ngày 03/12/2022, <https://nhandan.vn/danh-gia-dung-vai-tro-cua-kinh-te-tap-the-post713881.html>.
13. Phạm Thị Thành, Nguyễn Huyền Trang (2022), Vai trò của thông tin đối với hoạt động lãnh đạo, quản lí, Tạp chí Lý luận và Truyền thông, truy cập ngày 09/12/2022, <https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/vai-tro-cua-thong-tin-voi-hoat-dong-lanh-dao-quan-ly-p26456.html>.

ThS. Trần Linh Huân, Trần Thị Bảo Chân, Nguyễn Phạm Thanh Hoa (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Phạm Thị Hải Vân (Trường Đại học Phan Thiết)
 
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
Ổn định tài chính trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao
23/05/2023 640 lượt xem
Báo cáo cập nhật về ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá tình hình tài chính hiện nay trong bối cảnh lạm phát và rủi ro địa chính trị leo thang.
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
Khó khăn và thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện nay
22/05/2023 748 lượt xem
Có thể nói, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hiện nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải rất linh hoạt, chủ động thích ứng, kịp thời tham mưu để đề xuất các giải pháp điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khi chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu đã được luật hóa trong Luật NHNN là kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp lửa cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Tiếp lửa" cho đà cải thiện môi trường kinh doanh
16/05/2023 887 lượt xem
Với vai trò huyết mạch tiền tệ và thanh toán của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn đi đầu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia theo định hướng của Chính phủ với 3 trọng tâm đột phá: (i) Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; (ii) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng; (iii) Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh
11/05/2023 1.126 lượt xem
Thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến kém tích cực do hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, rủi ro bất ổn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc. Lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến ngân hàng trung ương (NHTW) các nước giữ lãi suất điều hành ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng.
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng dưới khía cạnh pháp lí - Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng dưới khía cạnh pháp lí - Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện
03/05/2023 1.553 lượt xem
Chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là một trong những hoạt động cần thiết bởi điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự bình đẳng, trung thực và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, khung pháp lí điều chỉnh về vấn đề này chưa thật sự đầy đủ, thống nhất, do đó đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số định hướng hoàn thiện
02/05/2023 2.215 lượt xem
Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, việc tích cực đẩy mạnh tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào “sân chơi” mới, đưa những sản phẩm của Việt Nam đến gần hơn với thị trường thế giới.
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
28/04/2023 2.340 lượt xem
Năm 2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021 (2,98%). Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng rất cao so với mức tăng bình quân 5 năm như giao thông, đồ uống, thiết bị đồ dùng gia đình, văn hóa giải trí; một số nhóm hàng giảm giá mạnh, chủ yếu là nhóm hàng thuộc quản lí của Nhà nước như y tế, giáo dục
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
18/04/2023 1.758 lượt xem
Năm 2023, Việt Nam có được những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022. Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới (đạt gần 740 tỉ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
Phát hành cam kết bảo lãnh ngân hàng theo ISP98
11/04/2023 2.195 lượt xem
Bảo lãnh ngân hàng là một sản phẩm tài chính có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Cùng với bảo lãnh độc lập (demand guarantee), thư tín dụng dự phòng (standby letter of credit) là một hình thức bảo lãnh ngân hàng được sử dụng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi có đối tác đến từ Hoa Kì.
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
30/03/2023 4.884 lượt xem
Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đang là chủ đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Mô hình tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
30/03/2023 2.769 lượt xem
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1813). Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1813, hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lí và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Basel III: Quá trình thực hiện tại Việt Nam và một số khuyến nghị
27/03/2023 6.186 lượt xem
Hiện nay, bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã áp dụng Basel III, IFRS 9. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng Ngành. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng nói chung phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng Basel III vẫn còn nhiều vướng mắc bởi Hiệp ước này có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn.
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong giao dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam
22/03/2023 2.978 lượt xem
Xử lí nợ nhanh chóng và hiệu quả luôn được coi là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Có nhiều phương thức khác nhau để TCTD xử lí nợ và trong những năm gần đây, TCTD có xu hướng lựa chọn nhiều hơn việc xử lí nợ thông qua mua, bán nợ với các chủ thể có nhu cầu trên thị trường.
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
Tác động của quy định mới về đăng kí biện pháp bảo đảm đến các tổ chức tín dụng
22/03/2023 2.471 lượt xem
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023 được cho rằng sẽ đồng bộ hành lang pháp lí với Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21) và sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong 05 năm triển khai Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng kí biện pháp bảo đảm...
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

66.450

67.050

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

66.450

67.050

Vàng SJC 5c

66.450

67.070

Vàng nhẫn 9999

55.600

56.550

Vàng nữ trang 9999

55.600

56.650


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 23,290 23,660 24,463 25,833 28,475 29,689 164.04 173.66
BIDV 23,345 23,645 24,640 25,823 28,589 29,852 164.82 173.61
VietinBank 23,232 23,652 24,706 25,841 28,825 29,835 165.1 173.05
Agribank 23,285 23,645 24,701 25,701 28,715 29,544 166.24 173.05
Eximbank 23,270 23,650 24,760 25,434 28,812 29,596 166.31 170.84
ACB 23,200 23,700 24,766 25,391 28,946 29,558 165.95 170.31
Sacombank 23,280 23,683 24,902 25,415 29,011 29,518 166.42 171.98
Techcombank 23,312 23,656 24,501 25,826 28,441 29,726 161.77 174.06
LPBank 23,290 23,890 24,739 26,073 28,836 29,778 163.78 175.23
DongA Bank 23,350 23,680 24,750 25,440 28,810 29,600 163.9 171.2
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
BIDV
0,10
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,90
7,20
7,20
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,20
Cake by VPBank
1,00
-
-
-
6,00
-
6,00
8,90
-
9,00
9,00
ACB
-
0,50
0,50
0,50
4,60
4,70
4,80
6,40
6,60
6,80
6,90
Sacombank
-
-
-
-
5,30
5,40
5,50
7,30
7,40
7,60
7,90
Techcombank
0,10
-
-
-
5,40
5,40
5,40
7,10
7,10
7,10
7,10
LPBank
-
0,20
0,20
0,20
5,00
5,00
5,00
7,30
7,30
7,70
8,00
DongA Bank
1,00
1,00
1,00
1,00
5,50
5,50
5,50
7,90
7,95
8,00
8,30
Agribank
0,30
-
-
-
4,60
4,60
5,10
5,80
5,80
7,20
7,00
Eximbank
0,20
0,50
0,50
0,50
5,50
5,50
5,50
6,30
6,60
7,10
7,50

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?