Phương thức thanh toán quốc tế BPO - Góc nhìn công nghệ số
12/12/2022 9.824 lượt xem
Tóm tắt: Sự ra đời của phương thức BPO (Bank Payment Obligations - Nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng) là sáng kiến nhằm cung cấp một công cụ thanh toán mới hỗ trợ hoạt động thương mại toàn cầu để thích ứng với sự phát triển của thời đại số. Bài viết không đi sâu khai thác phương thức BPO với những vấn đề lý luận ở phương diện thanh toán quốc tế, mà tập trung nghiên cứu phương thức này ở góc nhìn công nghệ số bằng phương pháp nghiên cứu định tính. Nghiên cứu cho thấy, phương thức BPO là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng với cơ chế giao dịch dựa trên việc so khớp dữ liệu tự động. Song, do một số nút thắt chưa được tháo gỡ nên cho đến nay, việc triển khai BPO chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Riêng tại Việt Nam, phương thức thanh toán BPO chưa được triển khai tại bất kỳ ngân hàng nào. Việc triển khai BPO gặp trở ngại hơn khi các công nghệ mới như Blockchain đang dần được ứng dụng trong hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng. Trong bối cảnh đó, bài viết đưa ra hai kịch bản về tương lai của BPO và một số khuyến nghị.
 
Từ khóa: BPO, công nghệ số, ngân hàng, thanh toán quốc tế.
 
BPO INTERNATIONAL PAYMENT METHOD - FROM THE DIGITAL TECHNOLOGY PERSPECTIVE
 
Abstract: The introduction of BPO (Bank Payment Obligations) is an initiative which provides a new payment instrument supporting global trade to adapt to the development of the digital age. This paper does not delve into researching the BPO method with theories of international payment but it focuses on studying the BPO method from digital technology perspective by qualitative research method. This research shows that the BPO method is an important step in applying digital technology to international payment activities through banks with the transaction mechanism based on automatic data matching. However, the implementation of BPO is still at the testing stage because of some problems which have not been solved. In Vietnam, the BPO payment method has not been implemented at any banks. The implementation of BPO is more difficult when new technologies such as blockchain are gradually being applied in international payment activities at banks. In that context, the paper offers two scenarios for the future of BPO and some recommendations.
 
Keywords: BPO, digital technology, bank, international payment.
 
1. Giới thiệu 
 
Năm 2011, Ủy ban Ngân hàng của ICC (International Chamber of Commerce - Phòng Thương mại quốc tế) và SWIFT (The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu) đã ký biên bản thỏa thuận mở đường cho sự phát triển của phương thức thanh toán BPO (ICC, 2013). Lần đầu tiên, một phương thức thanh toán quốc tế mới được nghiên cứu phát triển dựa trên việc ứng dụng công nghệ số để tạo ra sự khác biệt so với các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống trước đây. Mặc dù các công cụ và kỹ thuật mới đã được phát triển theo hướng số hóa chứng từ nhưng cho đến nay, chứng từ vật lý (physical documents), nghĩa là các chứng từ bằng văn bản hoặc bằng giấy, vẫn được sử dụng chủ yếu trong các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống và chuyển giao bởi các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh. Điều này kéo dài thời gian, làm chậm tốc độ thanh toán, phát sinh chi phí và có thể gây rủi ro trong khâu chuyển giao chứng từ, từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. Ở góc độ ngân hàng, trong nhiều thập kỷ qua, danh mục sản phẩm thanh toán quốc tế của ngân hàng gần như “bão hòa” với các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống như chuyển tiền (transfer), nhờ thu (collection) và tín dụng chứng từ (document credit). Trong xu thế hiện nay, khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao thì ngân hàng cần đổi mới sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì và phát triển quan hệ khách hàng. 
 
Cùng với sự phát triển của thời đại số, các chuyên gia tài trợ thương mại bắt đầu nghiên cứu phát triển các sản phẩm thanh toán quốc tế trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, sự ra đời của phương thức thanh toán BPO là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng. Điểm khởi đầu nổi bật nhất của phương thức BPO là cơ chế giao dịch dựa trên việc so khớp dữ liệu trong môi trường tự động hóa. Nhờ đó, phương thức BPO đã giải quyết một số vấn đề tồn tại trong các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống như số hóa chứng từ, giảm chi phí giấy tờ, rút ngắn thời gian, gia tăng tính minh bạch; đồng thời giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng danh mục sản phẩm thanh toán quốc tế để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ thương mại và trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số. 
 
Song, trải qua hơn 10 năm kể từ khi BPO chính thức ra đời, việc ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng theo phương thức BPO còn khiêm tốn. Điều đó đặt ra sự hoài nghi về tiềm năng áp dụng BPO trong tương lai, nhất là trong bối cảnh các công nghệ mới ngày càng phát triển mạnh mẽ và dần được ứng dụng vào lĩnh vực thanh toán quốc tế. Bài viết đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên bằng cách làm rõ khía cạnh công nghệ số trong phương thức BPO, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức BPO và đưa ra quan điểm về tương lai của BPO trong thời đại số cùng với các khuyến nghị. Phương thức thanh toán BPO là đề tài cũ nhưng tìm hiểu phương thức BPO ở góc nhìn công nghệ số là đề tài mới trong nghiên cứu. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, thống kê, mô tả và so sánh trên cơ sở sử dụng dữ liệu thứ cấp từ các nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu của ICC và SWIFT, thông cáo báo chí của các ngân hàng và thông tin trao đổi với các chuyên gia, những người thực hành nghiệp vụ thanh toán quốc tế tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
 
2. Công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức BPO
 
2.1. Phương thức thanh toán BPO
 
Cơ sở pháp lý điều chỉnh phương thức thanh toán BPO là URBPO (Uniform Rules for Bank Payment Obligation - Quy tắc thống nhất về Nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng) do ICC xuất bản vào năm 2013. Theo Điều 3 URBPO, BPO là một cam kết độc lập và không hủy ngang của ngân hàng có nghĩa vụ sẽ trả ngay hoặc cam kết thanh toán về sau và trả tiền khi đáo hạn một số tiền nhất định cho ngân hàng tiếp nhận sau khi xuất trình tất cả các bộ dữ liệu được yêu cầu bởi dữ liệu cơ sở đã được thiết lập và cho kết quả so khớp phù hợp hoặc đã chấp nhận so khớp không phù hợp (ICC, 2013). Trong đó, ngân hàng có nghĩa vụ là ngân hàng của người mua và ngân hàng tiếp nhận là ngân hàng của người bán.
 
Để tiến hành giao dịch thanh toán theo phương thức BPO, các bên tham gia cần ký “Thỏa thuận khách hàng với BPO” (BPO Customer Agreement). Trên cơ sở đó, giao dịch thanh toán theo BPO được thực hiện bao gồm ba giai đoạn sau (Hình 1): 
 
Hình 1: Quy trình giao dịch thanh toán quốc tế theo phương thức BPO


Nguồn: SWIFT (2016) và tác giả tổng hợp

Giai đoạn 1: Thiết lập dữ liệu cơ sở
 
- Bước 1: Người mua và người bán ký kết hợp đồng ngoại thương. 
 
- Bước 2 và 3: Người mua và người bán cung cấp các dữ liệu của hợp đồng và các điều kiện BPO cho ngân hàng của mình. 
 
- Bước 4 và 5: Ngân hàng cung cấp dữ liệu hợp đồng lên TSU (Trade Services Utility - Tiện ích dịch vụ thương mại). Nếu dữ liệu được so khớp thành công qua TMA (Transaction Matching Application - Hệ ứng dụng so khớp giao dịch) thì dữ liệu cơ sở chính thức được thiết lập. Người mua và người bán nhận được báo cáo phù hợp từ ngân hàng của mình.
 
Giai đoạn 2: So khớp bộ dữ liệu
 
- Bước 6: Người bán giao hàng cho người mua. 
 
- Bước 7: Người bán gửi trực tiếp các chứng từ cho người mua. 
 
- Bước 8: Người bán cung cấp dữ liệu của các chứng từ cho ngân hàng người bán. 
 
- Bước 9: Ngân hàng người bán gửi dữ liệu của các chứng từ lên TSU để so khớp với dữ liệu cơ sở đã được thiết lập qua TMA.
 
- Bước 10: TMA thông báo kết quả so khớp bộ dữ liệu đến ngân hàng người mua và ngân hàng người bán. Ngân hàng người mua trở thành ngân hàng có nghĩa vụ và ngân hàng người bán trở thành ngân hàng tiếp nhận BPO. 
 
- Bước 11: Ngân hàng có nghĩa vụ thông báo cho người mua biết kết quả so khớp bộ dữ liệu thành công. Nếu so khớp không thành công, người mua được xin ý kiến về việc chấp nhận các dữ liệu không khớp.
 
- Bước 12: Ngân hàng tiếp nhận thông báo cho người bán kết quả so khớp dữ liệu thành công và ngày đến hạn thanh toán theo thỏa thuận.
 
Giai đoạn 3: Thanh toán
 
- Bước 13: Ngân hàng có nghĩa vụ chuyển tiền cho ngân hàng tiếp nhận khi đến hạn.
 
Quy trình giao dịch trên cho thấy phương thức thanh toán BPO có một số điểm tương đồng với phương thức ghi sổ và phương thức tín dụng chứng từ. Điểm khác biệt của phương thức BPO chính là cơ chế hoạt động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để so khớp giao dịch.
 
2.2. Công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức BPO
 
BPO không phải là một nền tảng công nghệ mà là một phương thức thanh toán quốc tế hoạt động trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Công nghệ số ứng dụng trong phương thức BPO dựa trên sự tương tác nhất quán của hai yếu tố sau: (Hình 2)  
 
Hình 2: Công nghệ số trong phương thức thanh toán BPO


Nguồn: Tác giả tổng hợp từ ICC (2013) và The Boston Consulting Group (2015) 

Thứ nhất, một tập hợp các mẫu tin có cấu trúc để hỗ trợ việc trao đổi dữ liệu theo các tiêu chuẩn quy định của SWIFT. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng, giao dịch BPO được vận hành dựa trên các mẫu tin theo tiêu chuẩn ISO 20022 TSMT của SWIFT. Toàn bộ các thông tin liên quan đến giao dịch được ngân hàng nhập vào những trường điện của các mẫu tin này dưới dạng dữ liệu. Đó là: (i) Dữ liệu hợp đồng ngoại thương mà người mua và người bán cung cấp cho hai ngân hàng và (ii) Dữ liệu trích xuất từ các chứng từ thương mại mà người bán cung cấp cho ngân hàng người bán. Các bộ dữ liệu trích xuất từ các chứng từ thương mại bao gồm: (i) Dữ liệu thương mại, (ii) Dữ liệu vận tải, (iii) Dữ liệu bảo hiểm, (iv) Dữ liệu chứng nhận và (v) Dữ liệu khác (ICC, 2013).    
 
Thứ hai, một nền tảng công nghệ hỗ trợ cho việc vận hành cơ chế so khớp dữ liệu tự động trong phương thức BPO. Vào thời điểm BPO ra đời, dữ liệu giao dịch BPO được so khớp qua hệ ứng dụng so khớp giao dịch TMA của SWIFT. TMA hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Tổ chức quản lý, vận hành TMA là TSU. Muốn thực hiện giao dịch BPO, các ngân hàng phải đăng ký với SWIFT để hoạt động trên TSU. TSU chính thức được giới thiệu vào tháng 4/2007 như một dịch vụ mới của SWIFT nhằm cung cấp các tiện ích cho hoạt động thương mại. Theo SWIFT (2008), các tính năng của TSU là: (i) Dữ liệu thu thập từ các nguồn làm tăng độ tin cậy; (ii) Đối sánh dữ liệu chi tiết; và (iii) Thông báo cho ngân hàng về các sự kiện đã hoàn thành và các hành động được yêu cầu. TSU chỉ xử lý dữ liệu, không xử lý các chứng từ điện tử.  
 
Hai yếu tố trên đã tạo ra một nền tảng công nghệ giúp các giao dịch tương tác qua ngân hàng trong phương thức BPO thực hiện theo cơ chế trao đổi và đối sánh dữ liệu tự động để xác định sự phù hợp. Từ cam kết thanh toán BPO được phát hành cho đến việc xác định xuất trình phù hợp đều dựa trên nền tảng công nghệ so khớp dữ liệu giao dịch. Dựa trên những thông tin của hợp đồng do người mua và người bán cung cấp, các ngân hàng sẽ tạo lập dữ liệu cơ sở ban đầu của giao dịch lên TSU. Dữ liệu cơ sở ban đầu đã được so khớp thành công qua TMA sẽ hình thành nên dữ liệu cơ sở được thiết lập. Trong giao dịch BPO, người bán sẽ gửi các chứng từ vật lý hoặc chứng từ điện tử trực tiếp cho người mua mà không thông qua ngân hàng. Người bán chỉ cung cấp dữ liệu được trích xuất từ các chứng từ này cho ngân hàng và ngân hàng sẽ nhập dữ liệu lên TSU để thực hiện đối sánh dữ liệu tự động qua TMA. Chẳng hạn như người bán cung cấp dữ liệu của vận đơn đường biển (Bill of Lading - B/L) và ngân hàng nhập vào các trường điện của mẫu tin SWIFT trong bộ dữ liệu vận tải. Thông tin trong bộ dữ liệu vận tải sẽ được so khớp với thông tin trong dữ liệu cơ sở đã được thiết lập và thông tin trong các bộ dữ liệu khác. Ngân hàng có nghĩa vụ chỉ thanh toán cho ngân hàng tiếp nhận dựa trên kết quả so khớp thành công giữa bộ dữ liệu chứng từ với dữ liệu cơ sở đã được thiết lập. Như vậy, thanh toán quốc tế bằng phương thức BPO vận hành theo cơ chế đối sánh dữ liệu trên nền tảng công nghệ số và không liên quan trực tiếp đến bất kỳ chứng từ vật lý nào qua ngân hàng. Đây chính là điểm khác biệt giữa phương thức BPO và các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống trước đây. Cụ thể, tuy BPO và thư tín dụng (L/C) đều là cam kết thanh toán không hủy ngang của một ngân hàng đối với một bên thụ hưởng dựa trên sự xuất trình phù hợp nhưng xuất trình phù hợp trong BPO dựa trên sự đối sánh dữ liệu của chứng từ còn xuất trình phù hợp trong L/C dựa trên sự kiểm tra các chứng từ vật lý hoặc chứng từ điện tử. 
 
Xét ở khía cạnh công nghệ số, cơ chế so khớp giao dịch tự động trong phương thức BPO tạo ra những tác động tích cực cho hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng. 
 
Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ số trong phương thức BPO rút ngắn thời gian giao dịch hơn so với các phương thức thanh toán quốc tế dựa trên việc xuất trình chứng từ qua ngân hàng trước đây như nhờ thu kèm chứng từ và tín dụng chứng từ. Trong giao dịch BPO, chứng từ vật lý không được xuất trình qua ngân hàng nên lược bỏ được việc kiểm tra chứng từ thủ công. Toàn bộ thông tin giao dịch qua ngân hàng ở dạng dữ liệu và sự phù hợp của dữ liệu được xác định nhanh chóng trên nền tảng công nghệ so khớp tự động. Nhờ đó, người bán nhận được thanh toán nhanh hơn. (Hình 3)
 
Hình 3: Thời gian xử lý giao dịch L/C trả ngay và giao dịch BPO



Nguồn: SWIFT (2016)
Thứ hai, tuy phát sinh chi phí đăng ký gia nhập TSU nhưng chi phí thực hiện giao dịch BPO về cơ bản được tiết giảm vì công nghệ đối sánh dữ liệu tự động giúp loại bỏ thao tác xử lý chứng từ vật lý cũng như một số bước thủ công trong quy trình giao dịch (ICC, 2018). 
 
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ số trong phương thức BPO giúp đơn giản hóa thủ tục giấy tờ giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng cũng như giấy tờ lưu trữ tại ngân hàng. Theo URBPO, các ngân hàng hoàn toàn không phải lưu giữ bất kỳ chứng từ hay giấy tờ nào trong giao dịch BPO trừ các giấy tờ liên quan đến kiểm toán, thanh tra… theo quy định của mỗi ngân hàng (ICC, 2018).
 
Thứ tư, cơ chế so khớp giao dịch tự động trong phương thức BPO giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng. So với các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống trước đây, phương thức BPO đã loại bỏ yếu tố chủ quan của con người và đảm bảo tính khách quan độc lập trong việc quyết định sự xuất trình phù hợp, từ đó giảm thiểu các tranh chấp phát sinh trong thương mại và thanh toán quốc tế. 
 
Với giải pháp ứng dụng công nghệ số, BPO là kết quả nỗ lực của ICC và SWIFT trong việc tạo ra một phương thức thanh toán mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại số sau thời gian dài hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại diễn ra theo các phương thức truyền thống.   
 
3. Thực trạng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng theo phương thức BPO  
 
Vào thời điểm mới ra đời, phương thức thanh toán BPO là đề tài được các nhà nghiên cứu trên thế giới tập trung khai thác và bàn luận sôi nổi trong các diễn đàn trao đổi quốc tế. Bên cạnh đó, một số ngân hàng nước ngoài đã triển khai BPO và có đánh giá tích cực (Bảng 1). Khi URBPO chính thức được IC C thông qua vào năm 2013, có 09 ngân hàng đăng ký tham gia vào TSU hoạt động theo tiêu chuẩn điện ISO 20022 TSMT của SWIFT với hơn 30 doanh nghiệp (SWIFT, 2013). Năm 2016, có 21 ngân hàng và hơn 60 doanh nghiệp vận hành BPO (SWIFT, 2016). Năm 2018, hơn 100 ngân hàng đã đăng ký TSU để hỗ trợ các giao dịch BPO (ICC, 2018). Đến năm 2019, theo báo cáo của SWIFT, có 27 ngân hàng trên thế giới đã triển khai giao dịch BPO (Đào Minh Tuấn, 2019). Xét riêng khu vực châu Á, các ngân hàng đã tham gia TSU và triển khai BPO gồm có Maybank, China Merchants Bank, Bank of China, Bangkok Bank, Bank of Tokyo-Mitsubishi, Industrial and Commercial Bank of China, China Citic Bank… Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai BPO chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Sau thời gian triển khai nhưng không đạt kết quả mong muốn do quá ít ngân hàng tham gia TSU, SWIFT đã quyết định ngừng cung cấp hệ ứng dụng so khớp giao dịch TMA vào năm 2020. Để BPO tiếp tục được triển khai trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, ICC đã sử dụng Cmatch (CargoDocs Match) như một ứng dụng thay thế TMA của SWIFT. 

Bảng 1: Một số giao dịch BPO đã thực hiện giữa các ngân hàng trên thế giới


Nguồn: Tác giả tổng hợp 
 
Tại Việt Nam, các chuyên gia và những người thực hành nghiệp vụ thanh toán quốc tế ở các ngân hàng đã nắm bắt thông tin về BPO ngay từ khi phương thức này mới ra đời. Một số bài báo, tạp chí và công trình nghiên cứu khoa học đã khai thác đề tài về BPO, trong đó tiêu biểu là dự án “Nghiên cứu triển khai phương thức thanh toán BPO tại các NHTM Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì được nghiệm thu năm 2019 (NHNN, 2019). Tuy nhiên, đến nay, các NHTM Việt Nam vẫn chưa triển khai ứng dụng công nghệ số trong phương thức thanh toán BPO. Trong khi đó, những sản phẩm thanh toán quốc tế trên nền tảng công nghệ mới như chuyển tiền xuyên biên giới qua kênh SWIFT, L/C ứng dụng Blockchain đã được triển khai chính thức hoặc thí điểm tại một số ngân hàng. (Bảng 2) 

Bảng 2: Tình hình ứng dụng công nghệ số 
trong hoạt động thanh toán quốc tế tại các NHTM Việt Nam


Nguồn: SWIFT (2021) và tác giả tổng hợp

Thực trạng trên cho thấy mặc dù có những ưu điểm nhất định nhờ ứng dụng công nghệ số nhưng phương thức BPO vẫn ít được sử dụng trong thực tiễn hoạt động thanh toán quốc tế trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
 
- Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ số trong phương thức BPO chưa giải quyết triệt để các vấn đề của thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương. Công nghệ so khớp dữ liệu giao dịch trong phương thức BPO chỉ giải quyết được khâu xuất trình chứng từ qua ngân hàng mà chưa loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng chứng từ vật lý trong toàn bộ quy trình giao dịch. Trong giao dịch thanh toán quốc tế theo phương thức BPO, chứng từ vật lý được người bán gửi trực tiếp cho người mua, từ đó gây bất tiện cho hoạt động thương mại toàn cầu khi việc luân chuyển chứng từ bị cản trở trong những trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19, một số quốc gia đóng cửa đường bay. Mặt khác, nếu các bên có nhu cầu sử dụng chứng từ điện tử để thay thế chứng từ vật lý thì đây là một khó khăn chưa được tháo gỡ trong hoạt động thương mại và thanh toán quốc tế. Ngoài ra, công nghệ số ứng dụng trong phương thức BPO chưa đảm bảo tính minh bạch giữa tất cả các bên tham gia vì trong quy trình giao dịch BPO, việc cung cấp dữ liệu hoặc chuyển giao chứng từ được thực hiện theo từng đôi một: Người mua và người bán, người mua và ngân hàng, người bán và ngân hàng, ngân hàng người mua và ngân hàng người bán. Điều đó có thể tạo ra rủi ro gian lận trong giao dịch BPO, nhất là ở khâu người bán khai báo một bộ dữ liệu khác với nội dung của các chứng từ thực tế cho ngân hàng. Vì những hạn chế này, các bên tham gia nhận thấy phương thức BPO không tạo ra những giá trị khác biệt đáng kể so với các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống trước đây. 
 
Thứ hai, ngân hàng và doanh nghiệp gặp những rào cản nhất định khi triển khai BPO nên cả hai bên không có nhu cầu đối với phương thức thanh toán này. 
 
Về phía ngân hàng: 
 
- Việc triển khai BPO đòi hỏi ngân hàng phải dành thời gian và ngân sách để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về năng lực quản trị, tiếp thị, quản lý rủi ro, chuyên môn nghiệp vụ và đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo cho hệ thống công nghệ chia sẻ dữ liệu qua hệ ứng dụng so khớp giao dịch. Trong khi đó, các ngân hàng chưa thực sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển sản phẩm này. 
 
- Một số ngân hàng e ngại rằng BPO sẽ làm cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm thanh toán quốc tế hiện có, nhất là sản phẩm L/C, bị giảm trong khi sản phẩm này đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong thanh toán xuất nhập khẩu và mang lại nguồn thu phí hấp dẫn cho ngân hàng.
 
- Hiện nay, khi các nút thắt trong vấn đề số hóa chứng từ chưa được giải quyết thì chứng từ vật lý vẫn được sử dụng chủ yếu trong hoạt động thương mại toàn cầu. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, ngân hàng vẫn muốn kiểm soát quyền sở hữu hàng hóa bằng việc nắm giữ bản gốc bộ chứng từ giấy theo cách truyền thống. 
Về phía doanh nghiệp:  
 
- Thanh toán theo phương thức BPO đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi quy trình và hệ thống công nghệ để trao đổi dữ liệu với ngân hàng nên phát sinh chi phí. Ngoài ra, khi tham gia giao dịch BPO, doanh nghiệp phải tự thực hiện các khâu khai báo dữ liệu cho ngân hàng trong khi trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường có thói quen nhờ ngân hàng kê khai biểu mẫu và lập chứng từ.
 
- Các doanh nghiệp có rất ít động lực để áp dụng BPO khi các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống vẫn giải quyết được nhu cầu của doanh nghiệp trong khâu thanh toán. Theo số liệu báo cáo từ ICC, L/C vẫn phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự cân nhắc giữa yếu tố an toàn và yếu tố thời gian, chi phí khi sử dụng BPO chỉ phù hợp với nhu cầu của một bộ phận doanh nghiệp. 
 
- Khái niệm BPO vẫn còn sơ khai đối với doanh nghiệp. Tại Việt Nam, hiện nay, cơ sở lý thuyết về phương thức thanh toán BPO chưa được cập nhật trong giáo trình thanh toán quốc tế của các trường đại học chuyên ngành. Thêm vào đó, các ngân hàng không tích cực phổ cập kiến thức về BPO cho doanh nghiệp và cho chính nhân viên của ngân hàng, những người tiếp xúc trực tiếp và tư vấn cho doanh nghiệp. Từ khi BPO ra đời đến nay, các ngân hàng Việt Nam chưa tiến hành khảo sát nhận thức và nhu cầu sử dụng BPO của khách hàng doanh nghiệp.  
 
Thứ ba, cơ sở pháp lý và hạ tầng công nghệ chưa tạo ra các điều kiện cần thiết để công nghệ so khớp giao dịch trong phương thức BPO được ứng dụng phổ biến trong hoạt động thanh toán quốc tế. BPO liên quan chủ yếu đến vấn đề số hóa chứng từ trong môi trường tự động hóa mà các quy tắc thực hành của ICC và các văn bản pháp lý của Việt Nam chưa điều tiết hết được. Bên cạnh đó, thanh toán quốc tế liên quan đến các chủ thể ở các quốc gia khác nhau. Do đó, chỉ khi nào phần lớn các ngân hàng ở các quốc gia đã đăng ký sử dụng hệ ứng dụng so khớp giao dịch thì giao dịch BPO mới có thể triển khai áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.
 
4. Tương lai của BPO trong thời đại số và một số khuyến nghị 
 
Thực tế triển khai BPO trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, phương thức BPO với cơ chế giao dịch như hiện nay ít có tiềm năng phát triển, nhất là trong bối cảnh thời đại số. Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới là thách thức đối với khả năng triển khai BPO trong tương lai. Nổi trội lên trong số các công nghệ mới đã và đang được ứng dụng trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại là công nghệ Blockchain. Công nghệ Blockchain đã được các ngân hàng trên thế giới ứng dụng trong các giao dịch L/C như Ngân hàng Barclays ở Anh (năm 2016), Ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) ở Tây Ban Nha (năm 2017), Ngân hàng HSBC (năm 2018)… Tại Việt Nam, kể từ năm 2020, một số ngân hàng cũng bắt đầu triển khai thử nghiệm giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain như NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Quân Đội, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam và gần đây nhất là NHTM cổ phần Á Châu vào năm 2021. Xét về lý thuyết, mô hình giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain hoàn chỉnh có nhiều ưu điểm vượt trội hơn mô hình ứng dụng công nghệ số trong giao dịch BPO hiện tại như đảm bảo tính minh bạch giữa tất cả các bên tham gia, loại bỏ hoàn toàn chứng từ vật lý, nhanh và thông suốt theo cơ chế tự động hóa và nguyên tắc đồng thuận. Do đó, công nghệ số trong phương thức BPO có khả năng không còn phát huy tác dụng và bị lãng quên trên thị trường. Tuy nhiên, vì việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động thanh toán quốc tế đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn chỉnh nên có thể xảy ra hai kịch bản như sau: 
 
Kịch bản thứ nhất: Nếu công nghệ Blockchain không thể giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại trong thực tế hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và giao dịch L/C nói riêng, phương thức BPO có thể được tiếp tục nghiên cứu triển khai khi tháo gỡ các nút thắt sau:
 
Thứ nhất, chứng từ vật lý trong khâu chuyển giao chứng từ từ người bán sang người mua cần được loại bỏ ra khỏi giao dịch BPO và thay thế bằng chứng từ điện tử. Để ngăn chặn rủi ro gian lận trong việc khai báo dữ liệu cho ngân hàng, các ngân hàng cần thẩm định kỹ khách hàng để đảm bảo người mua và người bán tuân thủ thỏa thuận hợp đồng và cung cấp đúng dữ liệu trên ​​các chứng từ thực tế. Phương thức BPO chỉ có thể đảm bảo an toàn nếu có sự tin cậy giữa người mua và người bán cũng như các ngân hàng tham gia.  
 
Thứ hai, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần vượt qua các rào cản khi triển khai ứng dụng công nghệ số trong phương thức BPO. Về phía ngân hàng, việc triển khai BPO yêu cầu sự sẵn sàng ở ba yếu tố: (i) Kinh doanh, (ii) Vận hành và (iii) Kỹ thuật. Để sẵn sàng về kinh doanh, ngân hàng cần xây dựng một dự án ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế, trong đó tập trung vào các vấn đề nghiên cứu thị trường và tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng sản phẩm BPO, pháp lý, kế toán, tài sản đảm bảo, đào tạo bán hàng, phát triển và giới thiệu sản phẩm BPO. Để sẵn sàng về vận hành, ngân hàng cần xây dựng quy trình nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện giao dịch BPO, phổ cập kiến thức về BPO và cử nhân viên đến các ngân hàng nước ngoài đã triển khai thành công BPO để học hỏi kinh nghiệm. Để sẵn sàng về kỹ thuật, ngân hàng cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và đăng ký với ICC để thực hiện giao dịch BPO qua ứng dụng so khớp giao dịch Cmatch và thiết lập môi trường thử nghiệm. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kiến thức về phương thức thanh toán BPO và mạnh dạn hợp tác với ngân hàng trong quá trình triển khai.    
 
Kịch bản thứ hai: Nếu công nghệ Blockchain giải quyết được tất cả những vấn đề tồn tại trong thực tế hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và giao dịch L/C nói riêng thì BPO khó có tiềm năng phát triển trong tương lai. Lập luận này dựa trên những cơ sở nhất định. Trước hết, công nghệ số ứng dụng trong phương thức BPO chưa thể khắc phục hết các vấn đề trong hoạt động thanh toán quốc tế nên trên thực tế, các ngân hàng và doanh nghiệp đã không có nhu cầu sử dụng phương thức này trong vòng gần 10 năm qua. Việc ứng dụng công nghệ số trong phương thức BPO là nhằm số hóa chứng từ giao dịch qua ngân hàng. Nếu công nghệ Blockchain đã giải quyết được vấn đề này, đồng thời khắc phục các nhược điểm của phương thức BPO thì cả ngân hàng và doanh nghiệp càng không có nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức BPO. Thêm vào đó, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ Blockchain ngày càng tích cực tiếp cận các ngân hàng để giới thiệu những ứng dụng của công nghệ mới này trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Ở kịch bản này, một số chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán quốc tế có thể nghĩ đến phương án Blockchain sẽ hỗ trợ cho giao dịch BPO trong việc đối sánh dữ liệu giao dịch. Tuy nhiên, điều này là không khả thi bởi vì giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain cũng tự động hóa việc kiểm tra thông tin và chứng từ giao dịch. Hơn nữa, phương thức thanh toán bằng L/C đã được các doanh nghiệp sử dụng từ rất lâu và cho đến nay, L/C vẫn là một trong các sản phẩm thanh toán quốc tế chủ lực của ngân hàng. 
 
Dù ở kịch bản nào thì cần lưu ý các vấn đề sau:
 
- Chứng từ điện tử cần được sử dụng phổ biến trong hoạt động thương mại và thanh toán quốc tế. Hiện nay, vận đơn đường biển điện tử (e-B/L), giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O) đã được phát hành ở một số nước nhưng chưa được sử dụng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam do các rào cản về pháp lý và công nghệ. Do đó, các công ty vận tải, các cơ quan hữu quyền kiểm định và chứng nhận hàng hóa, các công ty bảo hiểm cần nghiên cứu để tiến đến việc cấp phát và lưu thông chứng từ điện tử rộng rãi cùng với cơ chế xác thực và bảo mật dữ liệu trong hoạt động thương mại toàn cầu. 
 
- Các ngân hàng cần triển khai ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động thanh toán quốc tế như nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition - OCR), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), học máy (Machine Learning). Chẳng hạn như ứng dụng Robot RPA trong việc thực hiện các khâu đơn giản trong hoạt động kiểm tra chứng từ và thanh toán.
 
- Cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế cần được hoàn thiện. Thanh toán quốc tế chủ yếu chịu sự điều chỉnh bởi các thông lệ và tập quán quốc tế của ICC. Hiện nay, ICC đã chính thức phát hành URDTT (Uniform Rules for Digital Trade Transactions - Quy tắc thống nhất về giao dịch thương mại số), tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo cho việc sử dụng chứng từ điện tử để xử lý các giao dịch thương mại kỹ thuật số. Bên cạnh đó, ICC cần cho ra đời các quy tắc hướng dẫn cụ thể cách thức tự động hóa việc kiểm tra chứng từ bằng các công nghệ mới. 
 
5. Kết luận
 
Với những bước tiến liên tục và mang tính đột phá, công nghệ số đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu mà thanh toán quốc tế qua ngân hàng là một mắt xích quan trọng. Trên phương diện lý thuyết, công nghệ số ứng dụng trong phương thức thanh toán BPO đã tạo ra những giá trị nhất định trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Song, phương thức này vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong thực tiễn. Trong kỷ nguyên số hóa, bài viết lật lại một vấn đề cũ nhưng ở một góc nhìn mới - góc nhìn công nghệ số, tìm hiểu thực trạng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức BPO và đề xuất hai kịch bản về tương lai của BPO trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và một số đề xuất liên quan đến việc khắc phục những nhược điểm trong phương thức BPO, vượt qua các rào cản đối với ngân hàng và doanh nghiệp, số hóa chứng từ và tạo lập hành lang pháp lý. Giải quyết được bài toán này, công nghệ số sẽ ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu.
 
Tài liệu tham khảo: 
 
1. Đào Minh Tuấn (2019). Phương thức thanh toán BPO và kinh nghiệm triển khai BPO trên thế giới, Tạp chí Ngân hàng số 7/2019.
2. ICC (2013). The ICC Guide to the Uniform Rules for Bank Payment Obligations.
3. ICC (2018). Bank Payment Obligation (BPO). Frequently Asked Questions (FAQs) - Banks. Document No. 010613.
4. NHNN (2019). Nghiên cứu triển khai phương thức thanh toán BPO tại các NHTM Việt Nam. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/kqcctdt/kqcctdt, ngày truy cập 01/10/2022.
5. SWIFT (2008). Trade Services Utility. Helping banks meet the supply chain challenge
6. SWIFT (2013). New BPO rules and tools to help banks transform their supply chain finance services. Truy cập tại https://www.swift.com/news-events/press-releases/new-bpo-rules-and-tools-to-help-banks-transform-their-supply-chain-finance-services, ngày truy cập 01/10/2022.
7. SWIFT (2016). Bank Payment Obligation - A new payment method.
8. SWIFT (2016). Digitising Trade Finance.
9. SWIFT (2021). Find a SWIFT GPI member. Truy cập tại https://www.swift.com/our-solutions/swift-gpi/about-swift-gpi/members, ngày truy cập 01/10/2022.
10. The Boston Consulting Group (2015), Embracing Digital in Trade Finance.

ThS. Nguyễn Nhi Quang, ThS. Hoàng Thị Thanh Thúy, Trần Thị Bình An 
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 487 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 1.897 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 3.780 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 7.615 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.361 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 7.449 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.177 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.089 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.396 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 7.826 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 8.626 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 9.971 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.217 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.334 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.179 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

Vàng SJC 5c

81.800

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.800

76.700

Vàng nữ trang 9999

74.700

76.000


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,100 25,440 26,252 27,714 30,724 32,055 157.77 167.11
BIDV 25,130 25,440 26,393 27,618 30,763 32,067 158.12 166.59
VietinBank 25,090 25,443 26,504 27,799 31,154 32,164 160.64 168.59
Agribank 25,100 25,440 26,325 27,607 30,757 31,897 159.58 167.50
Eximbank 25,040 25,440 26,425 27,239 30,914 31,866 160.82 165.77
ACB 25,110 25,442 26,596 27,279 31,230 31,905 161.07 166.37
Sacombank 25,170 25,420 26,701 27,261 31,332 31,835 162.03 167.05
Techcombank 25,192 25,442 26,362 27,707 30,760 32,094 157.36 169.78
LPBank 24,960 25,440 26,088 27,611 30,970 31,913 158.36 169.76
DongA Bank 25,170 25,440 26,570 27,260 31,080 31,940 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?