Phương pháp phát hiện dữ liệu bất thường trong giám sát trực tuyến an toàn thông tin tài chính, ngân hàng
14/10/2022 4.082 lượt xem
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu, mô hình hóa các bài toán chuỗi thời gian thực tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và ứng dụng các kỹ thuật học máy thống kê để giải quyết chúng. Trong đó, bài toán phát hiện dữ liệu bất thường trong kịch bản trực tuyến là một trong những bài toán được quan tâm rộng rãi bởi khả năng ứng dụng cao trong các quá trình giám sát, phân tích dữ liệu thu thập được và báo cáo các quan sát bất thường để đảm bảo môi trường vận hành an toàn. Trong kịch bản trực tuyến, mô hình chỉ sử dụng dữ liệu lịch sử và thuật toán phát hiện bất thường cần đảm bảo thời gian thực thi thấp. Phương pháp phổ biến thường được sử dụng là giả định dữ liệu tuân theo phân phối chuẩn và dùng thuật toán ngưỡng để phân loại. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một thuật toán hai bước sử dụng thuật toán ngưỡng để tiền phân loại và phương pháp phân cụm để xác nhận nhãn của điểm dữ liệu mới nhằm làm giảm tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả. Các thí nghiệm được thực hiện trên hai bộ dữ liệu bao gồm một bộ dữ liệu tự sinh và một bộ dữ liệu thực mô tả các giao dịch bằng thẻ tín dụng của khách hàng ở châu Âu. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng, thuật toán đề xuất làm giảm đáng kể tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả so với thuật toán thường hay sử dụng. Mô hình và thuật toán đề xuất có thể được ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống giám sát thông tin giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính kịp thời phát hiện các cuộc tấn công hoặc gian lận trong sử dụng dịch vụ.
 
Từ khóa: Phát hiện bất thường, giám sát trực tuyến, gian lận tài chính.
 
A PROPOSED ABNORMAL DETECTION ALGORITHM FOR MONITORING INFORMATION SECURITY OF BANKING AND FINANCE IN ONLINE SCENARIO
 
Abstract: Recently, many researchers have studied problems of time series processes in banking and finance sector and applied statistical learning techniques to solve them. In particular, the abnormal detection problem in an online scenario is one of the most widely-studied problems due to its high applicability in information security. In the online scenario, abnormal detection models are required to use only historical data and ensure low execution time. The popular statistical approaches often assumed that data followed a normal distribution and used threshold values for classification. In this paper, we propose a new two-step algorithm for abnormal detection in the online scenario. The first step uses a threshold algorithm to predict a label of a new data point. The second step validates the predicted label by using a clustering method to reduce the false-positive and false-negative rates. Experimental results on an artificial dataset and a real credit card transaction dataset show the efficiency and applicability of the proposed algorithm for information monitoring and abnormal warning in the banking and finance sector.

Keywords: Abnormal detection, online monitoring, financial fraud.
 
I. Giới thiệu
 

 
Hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập sự ổn định tài chính của mỗi quốc gia. Hơn nữa, sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế và công nghệ đã đẩy mạnh nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính của người dân một cách an toàn, hiệu quả. Do đó, những người ra quyết định trong ngành này rất cần các công cụ phân tích dữ liệu lớn để dự đoán, phân loại thông tin, kịp thời đưa ra các cảnh báo khi dữ liệu thu thập được có dấu hiệu bất thường. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã mô hình hóa các bài toán chuỗi thời gian thực tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và ứng dụng các kỹ thuật học máy để giải quyết chúng. Trong đó, bài toán phát hiện dữ liệu bất thường trong kịch bản trực tuyến là một trong những bài toán được quan tâm rộng rãi bởi khả năng ứng dụng cao trong các quá trình giám sát, phân tích dữ liệu thu thập được và báo cáo bất kỳ quan sát bất thường nào để đảm bảo môi trường hoạt động và vận hành an toàn. Đây là một chủ đề có tính ứng dụng cao do hầu hết dữ liệu hoạt động và vận hành đều đến từ các quá trình ngẫu nhiên theo thời gian (ví dụ như số lượt đọc/ghi dữ liệu hằng giờ của một máy trạm, phần trăm sử dụng tài nguyên số của một nhân viên ngân hàng hằng ngày, số lượt truy cập vào một trang web, hay các giao dịch tín dụng). Việc giám sát và phát hiện dữ liệu bất thường theo thời gian thực cho phép người điều hành kịp thời ngăn chặn và khắc phục các hành vi gian lận hay phá hoại.

Hình 1: Ví dụ minh họa các điểm bất thường trong quá trình ngẫu nhiên theo thời gian

 
Bài toán phát hiện bất thường đề cập đến việc nhận dạng tự động các hiện tượng ngoại lệ được nhúng trong một lượng lớn dữ liệu bình thường (outlier detection) hoặc không lường trước được xuất hiện theo thời gian thực (novelty detection) (Hình 1). Trong các quá trình ngẫu nhiên theo thời gian, điểm ngoại lệ (outlier) thường được dùng để biểu diễn những quan sát bất thường chỉ kéo dài trong chốc lát, sau đó chuỗi thời gian trở lại bình thường. Điều này có nghĩa là chúng ta đã thu thập được các quan sát trong một khoảng thời gian trước và sau điểm ngoại lệ. Do đó, nó thường được áp dụng cho các bài toán phát hiện điểm bất thường dạng thức ngoại tuyến (offline detection). Trong bối cảnh dữ liệu đến theo thời gian thực (streaming data), có hai ràng buộc bổ sung đối với việc thiết kế mô hình phát hiện bất thường là: 
 
- Mô hình chỉ có thể sử dụng dữ liệu lịch sử để thực hiện phát hiện.
 
- Việc phát hiện phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (ngắn). 
 
Nếu hai yêu cầu này được thỏa mãn, phương pháp này được gọi là phát hiện bất thường trực tuyến (Online detection).
 
Phát hiện bất thường là một chủ đề đầy thách thức, chủ yếu là do khó có đủ kiến thức và định nghĩa chính xác của “tính bất thường” trong một vấn đề cụ thể, điều này làm giảm hiệu quả của việc sử dụng những kỹ thuật học giám sát. Trong nhiều trường hợp, không có định nghĩa chung được đưa ra cho tính bất thường trước khi phát hiện. Đồng thời, dữ liệu bất thường được nhúng trong một lượng lớn dữ liệu bình thường là không đủ để xây dựng một lớp mới để có thể phân loại. Do đó, phương pháp phát hiện mới, lạ được định nghĩa tốt nhất như một phương pháp học không giám sát, tức là không có nhãn nào có sẵn và việc phát hiện chỉ có thể dựa trên các thuộc tính nội tại của dữ liệu. 
 
Bất chấp thách thức của nó, trong những năm gần đây, phát hiện bất thường trở thành một chủ đề ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm và nhiều kỹ thuật đã được nghiên cứu, đề xuất để giải quyết. Các kỹ thuật này đã được thực nghiệm chứng minh là có hiệu quả trong một số trường hợp, trong khi chúng có thể thất bại trong các trường hợp khác. Ví dụ, một số phương pháp được thiết kế dựa trên giả định đã có các mô hình chính xác của vấn đề đang xem xét, hoặc giả định đã biết các điều kiện bất thường. Những giả định này thường không hiệu quả trong thế giới thực. Trong một số nghiên cứu khác, phát hiện bất thường được hiểu đơn giản là phát hiện ngoại lệ. Tuy nhiên, sự đơn giản hóa này tạo ra các phương pháp không thể phát hiện ra các mẫu mới được hình thành bởi các quá trình ngẫu nhiên theo thời gian. Đặc biệt, phương pháp phát hiện tính mới được đề xuất dựa trên một kỹ thuật   máy vector hỗ trợ (Support Vector Machine - SVM), trong đó, một số mẫu mới buộc phải được xác định trước trong tập dữ liệu đã có. Thay vì sử dụng thuật toán One-class SVM, các phương pháp phân loại bán giám sát cũng đã được phát triển trong đó mô hình được huấn luyện trên một số tập mẫu nhỏ đã được gán nhãn bình thường và bất thường, phương pháp phân loại không giám sát cũng được sử dụng cho phép tính điểm bất thường trong không gian được chiếu. Các tác giả Nguyen, H.T và Thái, NH (2019) đã đề xuất phương pháp phát hiện điểm bất thường trong cả kịch bản ngoại tuyến và trực tuyến, ứng dụng cho cả dữ liệu thời gian và không gian cho các cảm biến không dây. Phương pháp đề xuất được cải tiến từ phương pháp Hampel, dựa trên ngưỡng (rule-based), có thời gian thực thi thấp nên có khả năng ứng dụng cho các hệ thống giám sát trực tuyến. Mô hình có hạn chế là sử dụng giả định biết trước phân phối của dữ liệu và là dữ liệu độc lập và đồng nhất (IID). Tuy nhiên, nếu dữ liệu là không dừng (nonstationary), chẳng hạn như tồn tại các xu hướng hoặc tính thời vụ, thì phương pháp này có thể nhận được nhiều kết quả dương tính giả và/hoặc âm tính giả. Ví dụ, một điểm có thể được coi là bất thường nếu không tính đến yếu tố mùa vụ (season) nhưng được coi là một điểm bình thường nếu xem xét thêm yếu tố mùa vụ. Do đó, trong kịch bản trực tuyến, việc không có dữ liệu khiến việc xác định điểm bất thường trở nên phức tạp hơn rất nhiều và vẫn là chủ đề nghiên cứu có tính thời sự.
 
Trong bài viết này, chúng tôi xem xét một quá trình ngẫu nhiên thời gian rời rạc và đề xuất một thuật toán phi tham số cải tiến từ thuật toán ngưỡng nhằm làm giảm tỷ lệ dương tính giả (dữ liệu mới bị coi là điểm bất thường do nằm ngoài ngưỡng cho phép nhưng đã được phản ánh bởi một số ít dữ liệu trong quá khứ có tính mùa vụ) và giảm tỷ lệ âm tính giả (dữ liệu mới được coi là bình thường do nằm trong ngưỡng cho phép nhưng không được phản ánh bởi dữ liệu trong quá khứ). Thuật toán của chúng tôi được chia thành hai bước. Bước thứ nhất sử dụng thuật toán ngưỡng để tiền phân loại điểm dữ liệu mới. Bước thứ hai sử dụng thuật toán phân cụm để xác thực nhãn của điểm dữ liệu mới. Bước xác thực này làm giảm khả năng xảy ra ngụy biện sinh thái (Ecological fallacy). Do đó, làm giảm tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả. Các thí nghiệm được thực hiện trên hai bộ dữ liệu bao gồm một bộ dữ liệu tự sinh và một bộ dữ liệu thực mô tả các giao dịch bằng thẻ tín dụng của người dùng ở châu Âu. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng, thuật toán đề xuất giúp giảm thiểu đáng kể số lượng dương tính giả và âm tính giả so với thuật toán ngưỡng. Mô hình và thuật toán đề xuất có thể được ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống giám sát thông tin giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính kịp thời phát hiện các cuộc tấn công hoặc gian lận trong sử dụng dịch vụ.
 
II. Phát biểu bài toán
 
Cho một quá trình ngẫu nhiên thời gian rời rạc đại diện bởi χ(t) trong đó t=t0,t1,…,tN và xj là một trong những quan sát (các quan sát tuần tự theo thời gian rời rạc được gọi chung là điểm dữ liệu) của quá trình x tại thời điểm tj. Các quan sát này có thể là sự kiện, số lượt đọc/ghi dữ liệu, phần trăm sử dụng tài nguyên, ảnh, video, hoặc bất kỳ đối tượng nào được thu thập theo thời gian. Đặt Sn-1={x0,x1,…,xn-1} là một mẫu bao gồm toàn bộ quan sát thu thập được của quá trình x tính đến thời điểm tn-1. Tại thời điểm tn, hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến tiếp nhận quan sát mới xn. Hệ thống phân tích dữ liệu cần dựa trên mẫu Sn-1 đã thu thập được để phân loại xn là điểm bình thường hay bất thường với thời gian thực thi thấp.
 
III. Phương pháp đề xuất
 
Thuật toán ngưỡng (RB) sử dụng tham số ngưỡng để kiểm tra một điểm dữ liệu mới là bình thường (nếu nằm trong khoảng cho phép) hay bất thường. Ngưỡng thường được sử dụng là [μ-3σ, μ+3σ], trong đó dữ liệu được giả định tuân theo phân phối chuẩn, μ là giá trị trung bình, σ là phương sai. Ngưỡng này dựa trên quy tắc thực nghiệm được mô tả như sau:
 
Cho X là quan sát từ biến ngẫu nhiên có phân phối chuẩn, μ là giá trị trung bình của phân phối và σ là độ lệch chuẩn của nó, xác suất (P) để các giá trị của X nằm trong các khoảng tương ứng là:
 
P(μ - 1σ ≤ X ≤ μ + 1σ) ≈ 68,27%
 
P(μ - 2σ ≤ X ≤ μ + 2σ) ≈ 95,45%
 
P(μ - 3σ ≤ X ≤ μ + 3σ) ≈ 99,73%
 
Trong lý thuyết xác suất, bất đẳng thức Chebyshev tổng quát hơn, chứng minh rằng tối thiểu chỉ 75% giá trị phải nằm trong hai độ lệch chuẩn của giá trị trung bình và 88,89% trong ba độ lệch chuẩn đối với các phân phối xác suất khác nhau, tức là áp dụng cho các phân phối xác suất nói chung chứ không chỉ dành cho phân phối chuẩn. Cụ thể là:
 
P(|X - μ| ≥ m.σ) ≤ 1/m2 
 
Tuy nhiên, một điểm dữ liệu mới có thể được phân loại là bình thường bởi thuật toán ngưỡng (thuộc khoảng [μ-3σ, μ+3σ]) nhưng nó thực sự có phân bố khác với các điểm dữ liệu trong lịch sử (âm tính giả), hoặc nó được phân loại là bất thường nhưng đã từng xảy ra có tính chu kỳ (dương tính giả). Ví dụ minh họa cho các trường hợp này được thể hiện trong Hình 2. 

Hình 2: Minh họa một số trường hợp thất bại của thuật toán ngưỡng


 
Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một thuật toán cải tiến từ thuật toán ngưỡng mới (đặt tên là CRB) bằng cách sử dụng bất đẳng thức Chebyshev để làm ngưỡng tiền phân loại và kết hợp thuật toán phân cụm để xác thực nhãn của điểm dữ liệu. Với mục tiêu làm giảm tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả, thuật toán phân cụm được sử dụng để phân chia dữ liệu thành các cụm có tính đại diện và xem xét tính gắn kết giữa các quan sát trong cụm. Thuật toán k-means được sử dụng để phân cụm dữ liệu trong đó k ≥ m để đảm bảo bán kính lớn nhất của các cụm không vượt quá một phương sai σ. Một cụm có tính đại diện là cụm có số lượng quan sát tối thiểu để được coi là có sự tồn tại của yếu tố mùa vụ. Số lượng quan sát tối thiểu thường được xác định theo kinh nghiệm, một giá trị trong khoảng [3, 5] thường được sử dụng trong hầu hết các vấn đề. Mức độ gắn kết (d) của các quan sát trong cụm ci có tâm là oi được đo bởi trung bình của bình phương khoảng cách từ các quan sát tới tâm cụm:


 
Với sz(ci) là số lượng quan sát được phân vào cụm ci, ∀i= (1,k). Độ đo này có lợi thế về mặt thời gian tính toán do tử số đã được tính trong quá trình phân cụm bởi thuật toán k-means. Quá trình thực thi của thuật toán đề xuất được mô tả trực quan trong Hình 3. 
 
Hình 3: Thuật toán CRB phát hiện điểm dữ liệu bất thường trong kịch bản trực tuyến


 
Ở bước tiền phân loại, thuật toán RB được sử dụng để xác định phân loại của điểm dữ liệu mới. Ngưỡng được tính dựa trên tất cả các điểm dữ liệu lịch sử đã thu thập được (suy luận quần thể). Nếu điểm dữ liệu mới nằm trong ngưỡng cho phép, nhãn của điểm dữ liệu này được xác thực là bình thường nếu nó thuộc một cụm có tính đại diện. Bước xác nhận này làm giảm khả năng xảy ra âm tính giả. Nếu điểm dữ liệu mới nằm ngoài ngưỡng cho phép, nó chỉ thực sự là điểm bất thường khi thêm nó vào cụm gần nhất sẽ làm giảm mức độ gắn kết tối thiểu của các cụm đã có. Bước xác nhận này làm giảm khả năng xảy ra dương tính giả. Việc kết hợp thuật toán ngưỡng (đóng vai trò suy luận dựa trên quần thể) và thuật toán phân cụm (suy luận dựa trên cụm cá thể) giúp làm giảm nguy cơ xảy ra ngụy biện sinh thái.
 
IV. Thực nghiệm
 
1. Dữ liệu
 
Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng 02 bộ dữ liệu để thử nghiệm được mô tả như sau:
 
- Tập dữ liệu tự sinh (SD): Tái hiện từ Ma, Junshui và Perkins (2003) được tính theo công thức:


 
Trong đó, N=1200, n(t) là một nhiễu Gau với μ = 0, σ = 0,1

 
Với n1(t) là tuân theo phân phối chuẩn N(0, 0.5)


 
- Tập dữ liệu thực (RD): Chứa các giao dịch thực tế thực hiện bằng thẻ tín dụng của chủ thẻ châu Âu, thu thập bởi nhóm nghiên cứu Đại học Libre, Brussels, Bỉ (2015), trong đó có 492 gian lận được phát hiện trong tổng số 284.807 giao dịch. Các giao dịch đã được sắp xếp theo thứ tự thời gian giao dịch. Trong mô phỏng phát hiện giao dịch gian lận kịch bản trực tuyến, chúng tôi chỉ thực hiện trên 2.000 giao dịch đầu tiên để dễ dàng trình bày kết quả thí nghiệm.
 
2. Đánh giá hiệu quả của phương pháp đề xuất 
 
Chúng tôi thực hiện mô phỏng thuật toán phát hiện điểm bất thường trong kịch bản trực tuyến với 500 điểm dữ liệu đầu tiên được coi là dữ liệu lịch sử (dùng để xác định các thuộc tính của phân phối dữ liệu). Với mỗi điểm dữ liệu tiếp theo, chúng tôi sử dụng thuật toán đề xuất CRB để xác định phân loại là bình thường hay bất thường. Kết quả được so sánh với thuật toán RB thông qua các chỉ số:
 
- FN (âm tính giả): Số điểm có nhãn là bất thường nhưng được phân loại là bình thường.
 
- TN (âm tính thật): Số điểm có nhãn là bình thường và được phân loại là bình thường.
 
- FP (dương tính giả): Số điểm có nhãn là bình thường nhưng được phân loại là bất thường.
 
- TP (dương tính thật): Số điểm có nhãn là bất thường và được phân loại là bất thường.


 
Hình 4: Kết quả phát hiện điểm bất thường cho tập dữ liệu SD



Hình 5: Kết quả phát hiện điểm bất thường cho tập dữ liệu RD


 
Hình 4 và 5 trực quan hóa các điểm dữ liệu theo thời gian. Trong Hình 4, một số điểm dữ liệu có giá trị cao bất thường đều đã được đánh dấu là điểm bất thường. Điểm bất thường đầu tiên mặc dù có giá trị không quá cao so với các điểm trước đó nhưng nó làm xuất hiện cụm mới chưa từng được phản ánh trong dữ liệu lịch sử. Do đó, nó cũng được coi là bất thường. Điều này xảy ra tương tự trong Hình 5. Hơn nữa, điểm bất thường đầu tiên trong Hình 5 có giá trị thấp hơn so với các điểm dữ liệu trước đó và cũng tạo cụm mới nên được xem như một điểm bất thường.
 
Bảng 1: Chỉ số đánh giá hiệu quả thuật toán


 
So với thuật toán ngưỡng RB, thuật toán CRB thể hiện sự hiệu quả thông qua chỉ số FN, FP và F1score. Dựa vào Bảng 1 ta thấy, thuật toán CRB thu được FN và FP đều thấp hơn hoặc bằng so với thuật toán RB. Tức là, thuật toán CRB giúp làm giảm tỷ lệ âm tính giả và dương tính giả so với thuật toán RB. Hơn nữa, do tính chất hiếm của các điểm bất thường nên chúng tôi sử dụng thêm chỉ số F1score để đánh giá hiệu quả giữa các thuật toán. Bảng 1 cũng chỉ ra thuật toán CRB có chỉ số F1score cao hơn trên cả hai bộ dữ liệu. Chúng tôi lưu ý rằng chỉ số F1score không phản ánh độ chính xác của phân loại so với nhãn sẵn có trong dữ liệu do định nghĩa điểm bất thường là khác nhau. Do đó, nhìn chung, thuật toán đề xuất của chúng tôi đem lại kết quả tốt hơn so với thuật toán ngưỡng khi có cùng định nghĩa điểm bất thường trên hai bộ dữ liệu này.
 
V. Kết luận
 
Để góp phần phát triển các kỹ thuật giám sát và đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chúng tôi đã xem xét bài toán phát hiện điểm dữ liệu bất thường trực tuyến để kịp thời phát hiện thông tin đến từ các hoạt động phá hoại, gian lận và đưa ra cảnh báo. Chúng tôi đã đề xuất một thuật toán phát hiện bất thường dựa trên dữ liệu, được cải tiến từ thuật toán ngưỡng nhằm làm giảm tỷ lệ phân loại sai. Kết quả thực nghiệm trên cả bộ dữ liệu thực và tự sinh đã chỉ ra tính hiệu quả và khả năng ứng dụng thuật toán cho các bài toán thực tế. Đặc biệt, mô hình và thuật toán đề xuất có thể áp dụng rộng rãi cho các bài toán phát hiện bất thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có khối lượng giao dịch và thông tin cần xử lý hằng ngày là rất lớn, đòi hỏi tính chính xác cao và trả kết quả nhanh chóng. Với mục tiêu nâng cao an toàn hệ thống, các tổ chức tài chính, ngân hàng có thể áp dụng mô hình và thuật toán đề xuất để phát triển hệ thống giám sát và cảnh báo khi có các giao dịch hoặc hoạt động trên cơ sở dữ liệu bất thường.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Dasgupta, Dipanker, and Stephanie, Forrest, Novelty Detection in Time Series Data Using Ideas from Immunology, In Proceedings of the 5th International Conference on Intelligent Systems, Reno, Nevada, June 19-21, 1996.
2. Ypma, Alexander, and Rober P. Duin, Novelty Detection Using Self-Organizing Maps, in Progress in Connectionist Based Information Systems, pp 1322-1325, London: Springer, 1997.
3. Keogh, E., S Lonardi, and W Chiu, Finding Surprising Patterns in a Time Series Database In Linear Time and Space, In the 8th ACM SIGKDD International Conference on Knowledge Discovery and Data Mining, pp 550-556, Edmonton, Alberta, Canada, July 23 - 26, 2002.
4. Marco A.F. Pimentel, David A. Clifton, Lei Clifton, Lionel Tarassenko, A review of novelty detection, Signal Processing 99, 215-249, 2014.
5. Ma, Junshui, and Simon Perkins, Online novelty detection on temporal sequences, Proceedings of the ninth ACM SIGKDD international conference on Knowledge discovery and data mining. ACM, 2003.
6. Kozma, R., M. Kitamura, M. Sakuma, and Y. Yokoyama, Anomaly Detection by Neural Network Models and Statistical Time Series Analysis, in Proceedings of IEEE International Conference on Neural Networks, Orlando, Florida, June 27-29, 1994.  
7. Fabrizio Angiulli, Fabio Fassetti, and Luigi Palopoli, Detecting outlying properties of exceptional objects. ACM Transactions on Database Systems 34, 1, 1-62, 2009.
8. Samet Akcay, Amir Atapour-Abarghouei, and Toby P Breckon, GANomaly: Semi-supervised anomaly detection via adversarial training, In ACCV. Springer, 622 - 637, 2018.
9. Fabrizio Angiulli, Fabio Fassetti, Giuseppe Manco, and Luigi Palopoli, Outlying property detection with numerical attributes. Data Mining and Knowledge Discovery 31, 1, 134 - 163, 2017.
10. Guilherme O Campos, Arthur Zimek, Jorg Sander, Ricardo JGB Campello, Barbora Micenková, Erich Schubert, Ira Assent, and Michael E Houle, On the evaluation of unsupervised outlier detection: Measures, datasets, and an empirical study, Data Mining and Knowledge Discovery 30, 4 (2016), 891 - 927, 2017.
11. Azzedine Boukerche, Lining Zheng, and Omar Alfandi, Outlier Detection: Methods, Models and Classifications, Comput. Surveys, 2020.
12. Campbell, Colin, Kristin P. Bennett, A Linear Programming Approach to Novelty Detection, in Advances in Neural Information Processing Systems, vol 14, 2001.
13. Dan Xu, Elisa Ricci, Yan Yan, Jingkuan Song, and Nicu Sebe, Learning Deep Representations of Appearance and Motion for Anomalous Event Detection. In BMVC, 2015
14. Lukas Ruff, Robert A Vandermeulen, Nico Gornitz, Alexander Binder, Emmanuel Moller, Klaus-Robert Moller, and Marius Kloft, Deep semi-supervised anomaly detection, ICLR, 2020.
15. Radu Tudor Ionescu, Fahad Shahbaz Khan, Mariana-Iuliana Georgescu, and Ling Shao, Object-centric auto-encoders and dummy anomalies for abnormal event detection in video, In CVPR. 7842 - 7851, 2020.
16. Guansong Pang, Chunhua Shen, Longbing Cao, and Anton Van Den Hengel, Deep Learning for Anomaly Detection: A Review, ACM Comput. Surv. 54, 2, Article 38, 38 pages, 2022.
17. Nguyen, H.T. and Thai, N.H, Temporal and spatial outlier detection in wireless sensor networks. ETRI Journal, 41: 437-451, 2019.
18. Spinosa, Eduardo and de Carvalho, Andre and Gama, João., Novelty detection with application to data streams, Intell. Data Anal. 13. 405-422, 2009.
19. Ma, Junshui & Perkins, Simon, Online novelty detection on temporal sequences. Proceedings of the ACM SIGKDD International Conference on Knowledge Discovery and Data Mining, 613-618, 2003.
20. Dal Pozzolo, Andrea & Caelen, Olivier & Johnson, Reid & Bontempi, Gianluca, Calibrating Probability with Undersampling for Unbalanced Classification, IEEE Symposium Series on Computational Intelligence, 2015.

ThS. Nguyễn Văn Sơn, ThS. Nguyễn Văn Tân
Học viện Kỹ thuật Mật mã

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Nâng cao hiệu quả quản lý gian lận số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao hiệu quả quản lý gian lận số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
24/04/2024 209 lượt xem
Thời gian qua, quá trình số hóa diễn ra liên tục và mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đã mang lại những lợi ích đáng kể cho sự ổn định của khu vực tài chính nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Nhờ quá trình này mà các tổ chức tài chính có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chi phí thấp hơn, giúp nâng cao trải nghiệm và khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của khách hàng, tăng cường minh bạch trong giao dịch tài chính và phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng.
Chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp - định hướng  phát triển trong thời đại 4.0
Chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp - định hướng phát triển trong thời đại 4.0
23/04/2024 215 lượt xem
Dữ liệu đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp. Việc chia sẻ dữ liệu mở ra những cơ hội mới, tạo thêm nhiều giá trị, đồng thời góp phần bồi đắp kho dữ liệu hiện có, khai phá tiềm năng tối ưu hóa và đổi mới mô hình kinh doanh.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đám bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
19/04/2024 0 lượt xem
Do nhu cầu tài chính phục vụ cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp ngày càng cao nên thị trường tín dụng liên kết bền vững toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy và mở rộng hoạt động cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ở đa dạng ngành, nghề thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam
12/04/2024 1.035 lượt xem
Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
Thúc đẩy tín dụng liên kết bền vững đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam
10/04/2024 1.077 lượt xem
Bài viết đề xuất một số khuyến nghị về xây dựng, thực thi chính sách tín dụng liên kết bền vững để góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết Net-Zero Carbon và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam...
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thực tiễn triển khai ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
05/04/2024 1.357 lượt xem
Nghiên cứu trình bày về tầm quan trọng của ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) trong quá trình phát triển bền vững của ngân hàng, thực tiễn triển khai các hoạt động về ESG, các kết quả đạt được và thách thức, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
Tác động của minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
03/04/2024 1.250 lượt xem
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu tác động của tính minh bạch và công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
02/04/2024 1.142 lượt xem
Bài viết dựa trên cơ sở tổng quan về giám sát tài chính, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học và khuyến nghị đối với công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm thực thi chính sách tài chính khí hậu trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam
01/04/2024 1.142 lượt xem
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, hay còn gọi là tài chính khí hậu...
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/03/2024 1.222 lượt xem
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định về kiểm toán nội bộ của Việt Nam, một trong những yêu cầu hiện nay là nghiên cứu, rà soát, ban hành Sổ tay Kiểm toán nội bộ NHNN nhằm tập hợp, hệ thống hóa các quy định chung về kiểm toán nội bộ của NHNN.
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nâng cao chất lượng Chatbot chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
25/03/2024 1.620 lượt xem
Trong kỉ nguyên số, Chatbot đóng vai trò vô cùng quan trọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước
22/03/2024 2.370 lượt xem
Trong thị trường kinh tế, giao dịch phái sinh là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị các loại tài sản cơ sở khác nhau như hàng hóa, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu (giấy tờ có giá).
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
Văn hóa số và lộ trình xây dựng
11/03/2024 2.617 lượt xem
Hiện nay, quyết liệt chuyển đổi số, tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, tạo ra nền tảng phát triển bán lẻ, tăng doanh thu dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng chủ đạo của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Nhìn từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay
07/03/2024 3.653 lượt xem
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể.
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
Động lực và kì vọng mới cho tương lai
07/03/2024 2.474 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?