Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên, một số hạn chế, thách thức trong phối hợp CSTK và CSTT hiện nay khi thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng tăng trưởng chậm lại và nợ xấu được dự báo sẽ tăng đến cuối năm 2021 đòi hỏi đề xuất các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp.
Từ đầu năm 2021 đến nay, sự phối hợp CSTK - CSTT đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội
1. Kết quả đạt được trong điều hành CSTK, CSTT trong thời gian qua
Hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19
Từ đầu năm 2021 đến nay, CSTK và CSTT đã được mở rộng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trong các giai đoạn giãn cách xã hội trên diện rộng làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Về CSTK: Gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng - GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN, thuế thu nhập cá nhân - TNCN) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không; thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngoài ra, trước làn sóng bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với trọng tâm: (i) Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2019); (ii) Miễn thuế trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh; (iii) Giảm thuế GTGT từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; (iv) Miễn tiền chậm nộp trong năm 2020 và năm 2021 đối với các doanh nghiệp phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020. Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng... Tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng trên 139 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 24,3 nghìn tỷ đồng.
Về CSTT: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch Covid-19. NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, những quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đối với các lĩnh vực ưu tiên thì trần lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay chỉ ở mức 4,5%/năm. Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/6/2021, 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 16 ngân hàng này đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 NHTM cổ phần Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Bên cạnh đó, CSTK và CSTT đã phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá cả và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp điều hành giá, đảm bảo ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. NHNN cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát tăng trưởng cung tiền, tín dụng phù hợp với tăng trưởng kinh tế tránh nguy cơ dòng tiền chảy vào các kênh rủi ro gây ra lạm phát cao. Ngoài ra, Bộ Tài chính và NHNN thời gian qua thường xuyên trao đổi thông tin trong việc theo dõi và đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường (chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối…), tình hình giá cả thế giới và trong nước để thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Bộ Tài chính và NHNN đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp kết hợp điều hành CSTK và CSTT trong quá trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Nhờ vậy, lạm phát trung bình 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,82% dưới mục tiêu 4%, giúp tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý.
Đảm bảo an sinh xã hội
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP), các CSTK đã hỗ trợ người lao động thông qua chi trực tiếp tiền mặt cho những người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, lao động chấm dứt hợp đồng lao động, chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em sẽ giúp những người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm do dịch Covid-19 có thêm thanh khoản tiền mặt để chi tiêu tạm thời trong một khoảng thời gian trước khi tìm kiếm các công việc mới. Tính đến ngày 03/10/2021, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 10,24 nghìn tỷ đồng hỗ trợ gần 6,98 triệu đối tượng1. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Đến ngày 04/10/2021, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 đã huy động được 8.692,6 tỷ đồng. Quỹ đã thực hiện đúng quy định, kịp thời chi cho công tác phòng dịch, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi từ quỹ 5,2 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin (2,55 nghìn tỷ đồng theo Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 30/6/2021 và 2,65 nghìn tỷ đồng theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 17/9/2021).
Ngoài ra, trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, CSTT đã hỗ trợ gián tiếp cho người lao động thông qua chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tính đến ngày 03/10/2021, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách cho vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đã có hồ sơ của 927 lượt doanh nghiệp sử dụng lao động và 132.400 lượt người lao động được phê duyệt với số kinh phí trên 466,4 tỷ đồng; đã giải ngân gần 462 tỷ đồng (chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết số 68/NQ-CP), hỗ trợ 922 lượt doanh nghiệp sử dụng lao động để trả lương cho 132.400 lượt người lao động2.
2. Hạn chế, nguyên nhân
Phối hợp CSTK - CSTT từ đầu năm 2021 đến nay về cơ bản đã đạt được các mục tiêu hỗ trợ người dân, nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số rủi ro thách thức về phối hợp CSTK - CSTT vẫn còn hiện hữu. Về CSTK, thu NSNN có xu hướng tăng chậm lại. Số thu nội địa đang có xu hướng giảm dần trong các tháng gần đây3; đồng thời tốc độ tăng thu so với cùng kỳ năm 2020 cũng giảm nhanh4, cho thấy nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì thu ngân sách có khả năng bị ảnh hưởng mạnh. Đầu tư công hiện là một trong các yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng giải ngân vẫn chậm tiến độ, 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 276,3 nghìn tỷ đồng, bằng 57,3% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 bằng 58% và tăng 30,6%). Đối với CSTT, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng cao ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%5. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng chưa khả quan khi tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh lan rộng, diễn biến phức tạp từ tháng 5/2021 đến nay làm trì trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế khiến hụt thu NSNN và tăng tỷ lệ nợ xấu do nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, phá sản, giải thể. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí trong thời gian qua cũng ảnh hưởng làm giảm số thu NSNN trong năm 2021. Đầu tư công giải ngân chậm có nguyên nhân từ các vướng mắc về mặt thủ tục, giải ngân vốn đầu tư công, dịch bùng phát và giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu.
Ngoài ra, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ của Việt Nam được đánh giá chỉ ở mức vừa phải so với các nước phát triển trên thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 20216 là 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP năm 2020. Trong khi, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tính đến hết quý 2/2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ. Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch Covid-19 tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP. Nguyên nhân, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và tiềm lực về ngân sách có giới hạn cùng với thị trường tài chính - tiền tệ chưa theo kịp các nước phát triển trên thế giới.
3. Các giải pháp về phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ
Thứ nhất, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội để có các phương án, chủ động phòng tránh, ứng phó đối với các tác động bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Tiếp tục xây dựng và củng cố các nền tảng để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, kết hợp hài hòa CSTK với CSTT nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp.
Thứ hai, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo đảm dự toán NSNN, trong bối cảnh một phần nguồn thu NSNN hiện nay sẽ bị giảm do các chính sách ưu đãi tài khóa được thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. Cần có các biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ đã đề ra. CSTT cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong những lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, và dòng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp từ hệ thống ngân hàng, tăng cường công tác quản trị rủi ro kiểm soát nợ xấu tăng cao đến cuối năm 2021.
Thứ ba, Bộ Tài chính và NHNN cần tiếp tục phối hợp theo dõi sát diễn biến của nền kinh tế để ứng phó kịp thời với các cú sốc và triển khai các giải pháp hỗ trợ kinh tế phục hồi ngay khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát trong thời gian tới. Sự phối hợp CSTK và CSTT đều phải được xem xét kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đạt được các mục tiêu vĩ mô và hạn chế tối đa các rủi ro tài khóa - tiền tệ đối với nền kinh tế.
Thứ tư, mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 vẫn cần cải thiện. Tuy nhiên, dư địa để mở rộng CSTK hiện nay của Việt Nam không còn nhiều do thu NSNN tăng trưởng chậm lại. Trong khi CSTT đã nới lỏng hơn tương đối so với cùng kỳ năm 2020 và dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng không khả thi trong thời gian tới. Do đó, ngoài các biện pháp về CSTK - CSTT, thì Chính phủ cần tập trung các giải pháp khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chính sách về thương mại, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ khác.
1 http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Da-chi-tra-ho-tro-gan-158-nghin-ty-dong-theo-Nghi-quyet-68/448567.vgp
2 http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Da-chi-tra-ho-tro-gan-158-nghin-ty-dong-theo-Nghi-quyet-68/448567.vgp
3 Tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng; tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế TNDN kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế TNDN nộp theo quý), tháng 9 thu được 65.200 tỷ đồng.
4 4 tháng đầu năm tăng 16%, đến tháng 6 chỉ tăng 10,5%, tháng 7 giảm 6,8% và tháng 8 giảm 19,8% so với cùng kỳ.
5 https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/bao-dong-suc-khoe-ngan-hang-khi-no-xau-co-the-len-toi-8-339636.html
6 Tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí.
Tài liệu tham khảo:
1. ThS. Phạm Thanh Hà (2021), Phối hợp CSTK và CSTT: Thành tựu năm 2020 và định hướng năm 2021, Tạp chí Tài chính số 1-2 tháng 01/2021.
2. Mai Lâm (2021), Chính sách tài khóa và tiền tệ: Phối hợp chặt chẽ để thực hiện mục tiêu kép, Thời báo Tài chính Việt Nam tháng 9/2021.
3. Một số tài liệu liên quan khác.
ThS. Hồ Ngọc Tú (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính)