Keywords: Bank, bank performance measurement, sustainability, business model, TIMESe.
1. Giới thiệu
Tại sao các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay phải định hướng phát triển theo xu hướng bền vững? Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về khái niệm phát triển ngân hàng bền vững.
Khái niệm phát triển ngân hàng bền vững và hoạt động thực tiễn về nó bắt đầu vào những năm 1990 sau khi định nghĩa về phát triển bền vững chính thức được công bố vào năm 1987. Theo Liên hợp quốc (UN), "phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai" (Brundtland, Khalid và cộng sự, 1987). Ở một khía cạnh khác thì định nghĩa này được diễn dịch rộng ra cũng bởi UN như sau: "Phát triển bền vững là một quá trình thay đổi, trong đó việc khai thác tài nguyên, hướng đầu tư, định hướng công nghệ phát triển và thay đổi thể chế đều hài hòa và nâng cao tiềm năng cả hiện tại và tương lai để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của con người" (Fischler, Schmidpeter và Weidinger, 2014). Trong bài viết này, những luận giải về phát triển ngân hàng bền vững được tiếp cận bởi định nghĩa thứ hai và theo thực tiễn quản trị ngân hàng hiện đại.
2. Phát triển ngân hàng bền vững tại các nước trên thế giới
Một nghiên cứu của The United Nations Global Compact năm 2010 đối với 766 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty đa quốc gia (bao gồm 41 CEO của các ngân hàng toàn cầu) cho thấy 98% trong số họ đồng ý rằng việc định hướng phát triển bền vững và tích hợp phát triển bền vững vào hoạt động của doanh nghiệp là công thức thành công của các doanh nghiệp trong tương lai (Lacy, Cooper và cộng sự, 2010). Đối với ngân hàng, việc phát triển theo hướng bền vững hay tích hợp phát triển bền vững vào hoạt động của nó đã được triển khai từ những năm 2000 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Âu, khối APEC và ASEAN.
Về mặt lí thuyết, một số chuyên gia cho rằng, phát triển ngân hàng bền vững phải trải qua bốn giai đoạn: Ngân hàng xã hội (Social Banking), ngân hàng đạo đức (Ethical Banking), ngân hàng xanh (Green banking) và ngân hàng bền vững (Sustainable Banking) (Kumar và Prakash, 2019). Mặc dù, không có những định nghĩa chính thức về những khái niệm này, nhưng chúng được sử dụng một cách phổ biến trong nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Ngân hàng xã hội tích hợp các yếu tố về lợi nhuận (profits), môi trường (environment hay planet) và con người (people) vào mô hình kinh doanh để tạo ra lợi ích lâu dài cho khách hàng, các bên liên quan, cộng đồng và nền kinh tế (Weber, 2014). Hoạt động của ngân hàng xã hội liên quan đến hoạt động từ thiện, các chương trình phát triển cộng đồng và xã hội. Ngân hàng ABS (Thụy Sỹ) và ACU (Canada) là những ví dụ về ngân hàng xã hội. Các ngân hàng này đầu tư vào các dự án và doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà ở sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và năng lượng tái tạo. Tối đa hóa lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng xã hội mà cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội của các thành viên mới là mục tiêu và chiếc lược kinh doanh của nhóm ngân hàng này.
Ngân hàng đạo đức cung cấp tài chính trực tiếp thông qua cho vay và đầu tư để đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp được lựa chọn. Mục đích của ngân hàng đạo đức là nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người và đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp với các mối quan tâm về xã hội và môi trường là những vấn đề mà các doanh nghiệp trong thế giới toàn cầu hóa đang phải đối mặt (Arruda và Rok, 2016). Vì vậy, ngân hàng đạo đức theo đuổi một cộng đồng có giá trị bao gồm các học giả, học viên và nhà hoạch định chính sách liên quan đến đạo đức kinh doanh thực sự, quản lí môi trường và chính sách công (Clerck, 2009). Ngân hàng CB (Anh) là một ví dụ điển hình về ngân hàng đạo đức. “Đạo đức” là chủ đề trung tâm trong năm trụ cột kinh doanh của Ngân hàng này, bao gồm: Đạo đức ngân hàng; sản phẩm và dịch vụ có đạo đức; kinh doanh có đạo đức; văn hóa và nơi làm việc có đạo đức; chiến dịch quảng bá có đạo đức. Ngân hàng CB đã đạt được mức độ bền vững và mô hình của nó nên được nghiên cứu và quảng bá trên toàn cầu trong các ngân hàng ngày nay (Chew, Tan và Hamid, 2016).
Ngân hàng xanh là một khái niệm mới được các nước phát triển phương Tây giới thiệu vào năm 2003 với tầm nhìn là bảo vệ môi trường. Nhìn chung, ngân hàng xanh định hướng các hoạt động kinh doanh của họ theo hướng bảo tồn môi trường hoặc cải thiện môi trường. Để bảo vệ môi trường, ngân hàng xanh tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường, chẳng hạn như các dự án năng lượng tái tạo, cho vay nhà ở xanh và công nghệ xanh. Để cải thiện môi trường, ngân hàng xanh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường giúp giảm tác động của khí thải carbon từ các hoạt động của họ, chẳng hạn như ngân hàng trực tuyến và tư vấn trực tuyến. Các ngân hàng như Westpac (Úc) và Royal (Scotland) tiêu biểu cho các ngân hàng hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực cho vay và đầu tư để bảo vệ và cải thiện môi trường. Ngân hàng xanh là một cách tiếp cận tích cực liên quan đến phát triển bền vững của nền kinh tế (Meena, 2013).
Các khái niệm về ngân hàng xã hội, ngân hàng đạo đức, ngân hàng xanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nằm trong ranh giới của ngân hàng bền vững. Ngân hàng bền vững điều hành hoạt động của mình bằng cách tích hợp các mối quan tâm về môi trường, xã hội và đạo đức vào chính sách kinh doanh nhằm thúc đẩy tính bền vững. Ngân hàng Triodos (Hà Lan) và Westpac (Úc) là hai trong số những ngân hàng bền vững được xem là đang hoạt động dựa trên những nguyên lí này.
Vậy lợi ích của việc theo đuổi định hướng phát triển bền vững mang lại cho ngân hàng là gì? Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mô hình ngân hàng bền vững mang lại những lợi ích có thể thấy được cho ngân hàng như sau:
Thứ nhất, nâng cao danh tiếng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro hoạt động và thể hiện một hình ảnh tốt về thương hiệu.
Thứ hai, duy trì sự trung thành của khách hàng và cơ hội mở rộng khách hàng mới.
Thứ ba, nâng cao kết quả tài chính và hiệu quả hoạt động.
Thứ tư, gia tăng giá trị của cổ đông và các bên có liên quan.
Thứ năm, khuyến khích các bên có liên quan tham gia vào quá trình đánh giá hoạt động của ngân hàng.
Thứ sáu, đóng góp vào việc cải thiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của UN bằng cách giải quyết các vấn đề về nghèo đói, sức khỏe, phúc lợi, chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, nước sạch và cơ sở hạ tầng.
Thứ bảy, ở khía cạnh định lượng, nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng sẽ tăng 0,071% nếu ngân hàng tăng đầu tư 1% vào lĩnh vực môi trường có liên quan (Nizam, Ng và cộng sự 2019).
Một lợi ích không thể bỏ qua nữa là phát triển ngân hàng bền vững ngày nay là xu thế chung của các ngân hàng trên toàn thế giới. Vì vậy, trong một thế giới mở, việc hội nhập sâu với hệ thống tài chính khu vực và toàn cầu là hướng đi không thể tránh khỏi, do đó, việc áp dụng kiến thức phát triển bền vững vào hoạt động sẽ nâng cao vị thế của ngân hàng trên thương trường.
2.1. Phát triển ngân hàng bền vững từ các nước phát triển
Ngân hàng tại các nước phát triển tiếp cận thông tin và kiến thức về phát triển ngân hàng bền vững từ rất sớm, vào những năm 1990 - 1995. Bên cạnh đó, họ được tư vấn và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp về phát triển tài chính và ngân hàng bền vững như Nhóm Sáng kiến tài chính Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP FI) và Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Nhìn chung, mô hình phát triển bền vững của các ngân hàng trong khu vực này có những điểm nổi bật sau đây:
- Định hướng phát triển trong dài hạn: Phát triển ngân hàng bền vững là nội dung quan trọng được ghi rõ trong phần tầm nhìn và sứ mệnh của các ngân hàng.
- Cơ cấu tổ chức: Giống như các ủy ban quan trọng khác trực thuộc hội đồng quản trị (HĐQT) của ngân hàng như ủy ban nhân sự và ủy ban chiến lược. Ủy ban phát triển bền vững của ngân hàng trực thuộc quản lí của HĐQT và là ủy ban tối cao quyết định các chính sách liên quan đến hoạt động bền vững của ngân hàng.
- Sản phẩm và dịch vụ: Hoạt động cho vay tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến năng lượng sạch/khí hậu, thực phẩm/nông nghiệp bền vững và hoạt động gắn kết xã hội. Cũng như vậy, hoạt động đầu tư cũng tập trung vào các lĩnh vực tương tự, đặc biệt chú trọng đến đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu có tính chất ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và môi trường. Một điểm chú ý đặc biệt đến hoạt động tín dụng, đầu tư của những ngân hàng này là không tài trợ, đầu tư vào các lĩnh vực gây hại đến sức khỏe con người, động vật và môi trường như rượu bia, trò chơi, phim ảnh có nội dung khiêu dâm, thuốc lá, vũ khí.
- Đánh giá rủi ro và hệ thống quản trị rủi ro: Ngân hàng tích hợp những rủi ro môi trường và xã hội vào trong hệ thống phân tích và đánh giá rủi ro về hoạt động cho vay và đầu tư. Cụ thể là áp dụng, xem xét các rủi ro liên quan đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong quá trình kiểm soát rủi ro tín dụng và hoạt động đầu tư.
- Chính sách đối với xã hội: Khái niệm xã hội (cộng đồng) được hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm nhân viên, cổ đông, các đối tác có liên quan và công chúng. Các ngân hàng luôn coi nhân viên là “nguồn vốn con người” quan trọng và các cổ đông có liên quan là nguồn vốn tạo ra “mối quan hệ và xã hội”. Do vậy, chính sách phát triển cộng đồng tập trung chủ yếu vào tạo ra sự thay đổi tích cực và giải quyết các vấn đề cụ thể như tạo công việc cho người thất nghiệp và người chưa có tay nghề; hỗ trợ học bổng cho học tập và nghiên cứu; đầu tư phát triển vào những khu vực xa xôi, khó khăn về phát triển kinh tế và xã hội. Đặc biệt, các ngân hàng còn thiết lập các quỹ độc lập để tiếp nhận, quản lí các khoản tiền đóng góp từ nhân viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ cộng đồng thông qua các chương trình hành động cụ thể.
- Chính sách đối với môi trường: Ngân hàng ưu tiên tài trợ và đầu tư các dự án, công ty tạo ra sự tác động tích cực đến việc phát triển và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ngân hàng cũng có chương trình hành động cụ thể về thay đổi khí hậu tập trung hướng tới việc giảm lượng carbon bằng “0” (Net-zero carbon), giảm chất thải, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, rủi ro biến đổi khí hậu và rủi ro tài chính, báo cáo việc giảm khí thải liên quan đến sử dụng năng lượng, tiêu thụ giấy một cách có trách nhiệm và minh bạch.
- Phát triển công nghệ: Công nghệ kĩ thuật số được xem là trung tâm của sự phát triển. Ngân hàng tập trung xây dựng mô hình hoạt động kĩ thuật số nhằm số hóa các vấn đề nội bộ bên trong và giao tiếp với khách hàng bên ngoài.
- Công bố thông tin, báo cáo và tuân thủ: Áp dụng hướng dẫn từ tổ chức chuyên nghiệp như GRI hay MSCI1 để xây dựng quy trình công bố thông tin, thiếp lập các chỉ số định lượng phản ánh hoạt động của ngân hàng và báo cáo kết quả thực hiện một cách trách nhiệm, minh bạch và có giải trình.
- Phát triển mối quan hệ đối tác: Các ngân hàng xây dựng một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi một cách thường xuyên, lâu dài và có ý nghĩa thực tiễn với các tổ chức chuyên về phát triển bền vững như UNEP FI, GRI, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và các chuyên gia có tầm ảnh hưởng.
- Với các chỉ tiêu SDGs của UN: Nhằm góp phần vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu SDGs, các ngân hàng hoặc là chủ động gắn các giải pháp cụ thể với từng chỉ tiêu hoặc ban hành các chính sách tổng thể để thực hiện trong hoạt động cho vay, đầu tư và kết quả sẽ được trình bày trong báo cáo phát triển bền vững hằng năm.
Các điểm chính đề cập ở trên thể hiện sự khác biệt giữa các ngân hàng phát triển theo định hướng bền vững ở các nước phát triển và phần còn lại.
2.2. Phát triển ngân hàng bền vững tại Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trong bối cảnh này, hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng đã thực hiện những thay đổi to lớn về mặt cấu trúc và chính sách để đẩy mạnh việc áp dụng kiến thức phát triển bền vững vào trong hoạt động ngân hàng. Theo nghiên cứu của tác giả thì ngân hàng có chỉ số phát triển bền vững hàng đầu trong khối APEC (tính đến thời điểm 2020) là một ngân hàng Trung Quốc, không phải một ngân hàng đến từ Mỹ hay châu Âu.
Các ngân hàng Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc áp dụng chính sách tín dụng xanh từ rất sớm, vào năm 2007. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã yêu cầu các NHTM áp dụng chính sách “tín dụng xanh” (Green Credit Policy) vào trong quá trình xem xét, đánh giá, cho vay; đồng thời, báo cáo hoạt động tín dụng và đầu tư của ngân hàng. Chính sách này khuyến khích các NHTM thúc đẩy tín dụng xanh như là một chiến lược kinh doanh nhằm hỗ trợ nền kinh tế phát triển thông qua các mô hình: Xanh, ít carbon và tái chế thông qua đổi mới kinh doanh, quản lí rủi ro môi trường và xã hội cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường và xã hội của chính các ngân hàng. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc giai đoạn 2009 - 2013 được cải thiện về mặt tài chính và bền vững một cách rõ rệt. Phát triển tín dụng xanh là một lĩnh vực được các NHTM Trung Quốc tập trung khai thác bởi vì hướng phát triển này được định hướng và hướng dẫn bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cụ thể là văn bản “Hướng dẫn về việc thiết lập một hệ thống tài chính xanh” được ban hành năm 2016.
Ở một khía cạnh khác, các NHTM Trung Quốc cũng đã áp dụng tỉ số bình ổn ròng (NSFR) từ năm 2019, trong khi các nước phát triển khác như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn chưa áp dụng chỉ số này mặc dù Ủy ban Basel xác định hiệu lực của việc sử dụng chỉ số này là từ năm 2018. Chỉ số NSFR là quy định mới nằm trong khuôn khổ của Basel III, được dùng để đánh giá năng lực của các ngân hàng trong việc sử dụng quỹ bình ổn dài hạn để hỗ trợ phát triển kinh doanh của ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng tính bền vững hơn. Chỉ số này cũng được áp dụng để đánh giá việc hỗ trợ tín dụng xanh cho một nền kinh tế xanh đối với các ngân hàng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc áp dụng chỉ số NSFR góp phần làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng được ổn định và bền vững hơn.
2.3. Phát triển ngân hàng bền vững tại các nước ASEAN
Một số ngân hàng của các nước ASEAN bao gồm Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động hướng về phát triển bền vững từ những năm 2010. Biểu hiện cụ thể có thể nhận ra sự chuyển biến này là báo cáo phát triển bền vững được xuất bản hằng năm cung cấp thông tin về các hoạt động của ngân hàng trong các lĩnh vực: Mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng thông qua phát triển công nghệ; đào tạo kiến thức phát triển bền vững phục vụ hoạt động ngân hàng cho nhân viên; hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua đóng góp thiện nguyện; các hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng các chính sách giảm thiểu chất thải ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động của ngân hàng.
Báo cáo phát triển bền vững phản ánh tầm nhìn và hoạt động cụ thể của ngân hàng hướng vào sự bền vững. Các báo cáo này đã có sự thay đổi về nội dung từ năm 2015 trở về sau. Trước năm 2015, các báo cáo chủ yếu ở dạng định tính; nghĩa là chúng liệt kê các hoạt động về môi trường và xã hội của ngân hàng. Sau năm 2015, việc định lượng hóa kết quả của các hoạt động này đã được thực hiện. Ví dụ, một số chỉ số nổi bật liên quan hoạt động ảnh hưởng đến môi trường như lượng tiêu thụ hằng năm của nước, điện, giấy văn phòng, chất thải; đặc biệt là lượng phát thải khí nhà kính (GHG emissions) đã được ghi nhận. Việc định lượng hóa các kết quả hoạt động liên quan đến môi trường và xã hội cho thấy các ngân hàng đã ý thức được vai trò của mình trong việc giảm thiểu những tác động trực tiếp và gián tiếp đối với môi trường và xã hội từ hoạt động cho vay và đầu tư của mình. Từ đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững của UN dưới góc độ đóng góp của ngân hàng ở từng quốc gia khác nhau.
Đặc điểm mô hình phát triển bền vững của ngân hàng tại bốn quốc gia ASEAN này không có nhiều khác biệt với các nước phát triển và Trung Quốc. Một điểm khác biệt đáng kể so với các nước phát triển (và cũng là điểm tương đồng với các ngân hàng Trung Quốc) là ngân hàng của các quốc gia này áp dụng chỉ số NSFR trước các nước phát triển như Canada, Nhật Bản và Mỹ. Cụ thể Singapore, Thái Lan áp dụng chỉ số này năm 2018, Philippines năm 2019 (như Trung Quốc) và Malaysia năm 2020. Việc áp dụng và giám sát chỉ số NSFR từ cơ quan quản lí góp phần làm cho các NHTM vận hành ngày một an toàn và bền vững hơn theo như đánh giá của nhiều chuyên gia. Thực tế nghiên cứu hoạt động ngân hàng tại các nước APEC từ năm 2018 đến năm 2020 cho thấy 82,5% ngân hàng cải thiện tính bền vững khi áp dụng chỉ số NSFR trong hoạt động kinh doanh.
3. Mô hình phát triển ngân hàng bền vững của các nước thành viên APEC
Câu hỏi đặt ra là: Mô hình phát triển ngân hàng bền vững bao gồm những nhân tố nào? Tập hợp những nghiên cứu về mô hình phát triển ngân hàng bền vững và khảo sát thực tế hoạt động của các ngân hàng hướng vào phát triển bền vững cho thấy, mô hình phát triển ngân hàng bền vững bao gồm sáu nhân tố: Công nghệ (T, technology), thể chế (I, institution), quản trị (M, management), kinh tế (E, economics), xã hội (S, society) và môi trường (e, environment). Mô hình sáu nhân tố này được gọi là TIMESe.
Mô hình TIMESe có hai ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng. Thứ nhất, nó định hướng cho các ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát triển bền vững. Thứ hai, nó được sử dụng để đo lường mức độ bền vững của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh bằng chỉ số phát triển ngân hàng bền vững BSI (Bank Sustainability Index). Có một sự khác biệt giữa việc đo lường sự phát triển bền vững dựa trên tiêu chí phổ biến ESG và mô hình TIMESe. ESG là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp dưới góc nhìn của nhà đầu tư, còn mô hình TIMESe đo lường và đánh giá sự phát triển bền vững của ngân hàng dưới góc nhìn của nhà quản trị. Do đó, mô hình TIMESe cung cấp cái nhìn thực tế hơn, chi tiết hơn và thuận tiện hơn trong việc áp dụng đối với các nhà quản lí ngân hàng. Hình 1 mô tả sơ lược về sáu nhân tố của mô hình TIMESe. Nội dung của các nhân tố này được khái quát như sau:
Hình 1: Mô hình phát triển ngân hàng bền vững TIMESe
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Công nghệ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đầu tư phát triển công nghệ được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy phát triển ngân hàng kĩ thuật số, một nhân tố quan trọng của mô hình ngân hàng bền vững. Công nghệ ngày nay tham gia vào mọi hoạt động của ngân hàng như quản trị nguồn lực, quản trị khách hàng, giám sát tính tuân thủ, đổi mới sản phẩm/dịch vụ và hoạt động báo cáo. Theo nghiên cứu của tác giả, tỉ lệ trung bình khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng dưới hình thức online tại các nước thuộc khối APEC tăng từ 32% năm 2015 lên 50% năm 2020. Tỉ lệ này sẽ tiếp tục gia tăng khi các ngân hàng ngày nay tập trung phát triển ngân hàng kĩ thuật số để tiếp cận và phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. (Hình 2)
Hình 2: Tình hình tăng trưởng khách hàng điện tử tại các ngân hàng
ở các nước thuộc khối APEC giai đoạn 2015 - 2020
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Phát triển ngân hàng kĩ thuật số là một đóng góp quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển bền vững của ngân hàng. Về phía khách hàng, ngân hàng kĩ thuật số sẽ giúp họ giảm tần suất tiếp cận trực tiếp các chi nhánh ngân hàng; đồng thời cũng giảm việc tiếp nhận và sử dụng các báo cáo bằng giấy. Điều này góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm lượng nhiên liệu sử dụng (xăng và dầu) và giấy phát hành các báo cáo. Về phía ngân hàng, sử dụng ngân hàng kĩ thuật số góp phần giảm lượng lớn giấy tờ sử dụng cho hoạt động báo cáo và luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, ban và với khách hàng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Thể chế
Dưới giác độ phát triển ngân hàng bền vững, thể chế được hiểu là sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược, chính sách, quy định và quy chế mà ngân hàng áp dụng vào quá trình hoạt động kinh doanh. Để định hướng phát triển ngân hàng theo hướng bền vững thì những yếu tố về thế chế nói trên phải được hiểu, triển khai và đưa vào áp dụng trong tổng thể hoạt động của ngân hàng, nghĩa là toàn bộ nguồn lực con người của ngân hàng từ nhân viên đến cán bộ quản lí, thậm chí là khách hàng và các đối tác có liên quan đều hiểu và cùng chung tay vận dụng chúng vào hoạt động thực tiễn để đạt được trạng thái bền vững chung.
Quản trị
Quản trị ngân hàng bền vững được đề cập trong năm khía cạnh chính: Sản phẩm và dịch vụ, quản trị khách hàng, quản trị tài sản, quản trị rủi ro và quản trị tài chính (tính ổn định và bền vững về mặt tài chính trong dài hạn). Mỗi một khía cạnh có cách tiếp cận quản lí phù hợp thông qua các chỉ số định lượng cụ thể. Ví dụ, phát triển sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được xem là bước đi quan trọng đầu tiên và là bước đột phá trong việc nghiên cứu, thiết kế và triển khai. Việc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới thân thiện với môi trường sẽ làm cho khách hàng có cái nhìn thiện cảm hơn về hình ảnh của ngân hàng; thông qua đó sẽ kết nối nhiều khách hàng mới hơn. Kế đến, quản trị ổn định về mặt tài chính có ảnh hưởng rất lớn với hoạt động của ngân hàng trong ngắn, trung và dài hạn. Hiện nay, tại các ngân hàng áp dụng chỉ số vốn cấp 1 để đo lường sức mạnh tài chính của mình. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, chỉ số vốn cấp 1 chỉ đo lường tính ổn định tài chính của ngân hàng trong ngắn hạn, còn trong dài hạn thì chỉ số NSFR là một thước đo mà các ngân hàng nên áp dụng.
Kinh tế
Kết quả hoạt động của ngân hàng trước hết là vấn đề lợi ích cho các cổ đông và nhà đầu tư. Do đó, ngân hàng phát triển bền vững trước hết là phải mang lại lợi tức ổn định nhằm gia tăng cho các cổ đông và nhà đầu tư. Vì vậy, chỉ số ROE được xem là thông số quan trọng nhất mà các nhà quản lí và nghiên cứu sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nhiều nhà nghiên cứu đề xuất áp dụng tỉ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA). Tuy nhiên, chỉ số này trong thực tế bị bóp méo bởi các yếu tố ngoại bảng nên nó không phản ánh chính xác hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Xã hội
Sự đóng góp của ngân hàng đối với cộng đồng được thể hiện trên hai nội dung: Đối với nhân viên của ngân hàng và đối với các hoạt động xã hội. Nhân viên phải được xem là nguồn vốn con người trong sự tồn tại, hoạt động và phát triển của ngân hàng. Vì thế, họ cần được tạo điều kiện tốt nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng, an toàn lao động và trả công xứng đáng trong một môi trường làm việc thân thiện, công bằng.
Dưới giác độ xã hội, sự mở rộng cách tiếp cận dịch vụ tài chính đối với khách hàng, đặc biệt nhóm khách hàng ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ và dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thông qua việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, hệ thống ATM và qua Internet là sự đóng góp được nhìn thấy rõ nét nhất của ngân hàng. Ngoài ra, các hoạt động xã hội khác cũng thể hiện vai trò của ngân hàng đối với sự phát triển của cộng đồng như các chương trình hỗ trợ việc làm cho thanh niên vùng khó khăn, thanh niên khuyết tật, đóng góp ủng hộ những khu vực hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn do bị thiên tai (lũ lụt hay hạn hán). Những hoạt động xã hội này phải được ghi nhận vào báo cáo hằng năm, phản ánh trách nhiệm xã hội của ngân hàng với cộng đồng bằng những việc làm và những con số đóng góp cụ thể.
Môi trường
Đối với ngân hàng truyền thống, việc gắn kết yếu tố môi trường vào trong mô hình hoạt động hiện tại có thể khó xảy ra vì nó làm tăng chi phí vận hành và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng phát triển theo hướng bền vững, nhân tố môi trường được tích hợp vào mô hình kinh doanh được xem như một điều kiện tiên quyết. Trước hết, việc áp dụng các chính sách liên quan đến môi trường trong hoạt động cho vay và đầu tư (thông qua hoạt động đánh giá rủi ro) của ngân hàng phải được thể chế hóa (từ HĐQT). Kế đến là việc đo lường và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc giảm thiểu tác động của hoạt động ngân hàng lên môi trường phải được lượng hóa. Cụ thể, các dữ liệu về tiêu dùng nước, điện, giấy, chất thải và phát thải khí nhà kính phải được ghi nhận hằng năm, làm cơ sở để đánh giá sự đóng góp của ngân hàng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ hoạt động của ngân hàng lên môi trường. Hình 3 là một ví dụ cho thấy rằng, dữ liệu báo cáo về phát thải khí nhà kính của các ngân hàng trong khối APEC đã được lượng hóa và giảm dần đều qua các năm khi các ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng bền vững.
Hình 3: Tình hình phát thải khí nhà kính tại các ngân hàng
trong khối APEC giai đoạn 2015 - 2020
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Tóm lại, mô hình phát triển ngân hàng bền vững TIMESe dùng để định hướng và đo lường tính bền vững của ngân hàng. Về mặt định lượng, mô hình này có tổng cộng sáu nhân tố chính và 39 chỉ số. Việc tổng hợp 39 chỉ số này là một thách thức đối với ngân hàng truyền thống, nhưng nếu có một chiến lược phát triển đúng đắn thì ngân hàng sẽ có được bộ chỉ số này trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm.
4. Một số kiến nghị cho sự phát triển ngân hàng bền vững tại Việt Nam
Trong danh mục nghiên cứu về phát triển ngân hàng bền vững của 21 nước thành viên APEC, ngân hàng Việt Nam không có trong danh mục. Lí do chính là các ngân hàng chưa có bộ dữ liệu phản ánh hoạt động này một cách đúng nghĩa. Trong thời gian qua, có một vài ngân hàng ở Việt Nam xác định phát triển theo ESG là chiến lược cho những năm tới và đã được ghi nhận những thành quả bước đầu đáng khích lệ từ những tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển biến còn chậm; định hướng chiến lược và chính sách phát triển còn chưa rõ nét; báo cáo phát triển bền vững còn sơ khai và chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cả về định tính, định lượng; sản phẩm và dịch vụ liên quan còn ít và chưa được phổ biến. Do vậy, các NHTM Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để các nội dung liên quan đến ESG được tích hợp triệt để vào mô hình hoạt động kinh doanh hiện tại. Tác giả bài viết xin có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, đối với các NHTM
Các NHTM nước ta cần nhận thức đúng đắn rằng, trong xu thế hội nhập sâu, rộng của thị trường tài chính Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu thì định hướng phát triển ngân hàng bền vững là một xu thế tất yếu. Nếu như 10 năm trước đây việc định hướng phát triển bền vững đối với một tổ chức tài chính còn được xem là tự phát hay tự nguyện thì ngày nay đó là một yêu cầu cấp thiết mà các ngân hàng phải triển khai song song với quá trình kinh doanh theo mô hình truyền thống của mình. Theo tác giả, các nội dung cần quan tâm là:
Một là, về thể chế: Thuật ngữ “phát triển ngân hàng bền vững” phải được ghi rõ trong tầm nhìn của ngân hàng, vì như thế ngân hàng mới tập trung được sức mạnh và trí tuệ từ các nguồn lực liên quan trong công cuộc chuyển đổi mô hình. Ủy ban phát triển bền vững trực thuộc HĐQT là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm hoạch định và phê duyệt các chính sách, chiến lược phát triển bền vững cho ngân hàng trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại. Bên cạnh đó, việc mạnh dạn áp dụng các quy định tài chính mới từ Basel III với mục đích là tăng cường ổn định tài chính cho hoạt động của ngân hàng trong dài hạn hỗ trợ cho sự phát triển ổn định và bền vững (khi chưa có ràng buộc pháp lí từ cơ quan chức năng) như chỉ số NSFR là quyết định cần thiết. Điều này góp phần làm cho sự hòa nhập vào hệ thống tài chính khu vực và toàn cầu được diễn ra nhanh hơn như ngân hàng tại các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore trong khu vực ASEAN đã thực hiện.
Hai là, về sản phẩm và dịch vụ: Sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tài chính xanh và bền vững là một trong những nhân tố quan trọng khi các tổ chức quốc tế xem xét, đánh giá tính bền vững của ngân hàng. Có rất nhiều sản phẩm riêng lẻ hoặc chuỗi sản phẩm liên quan đến các ngành công nghiệp như xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và khai thác, năng lượng sạch và tái tạo mà ngân hàng có thể áp dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm như thế này vẫn còn ít hoặc chưa được thiết kế và áp dụng trong rổ sản phẩm của ngân hàng hiện tại. Do đó, việc thiết kế các sản phẩm tài chính bền vững và triển khai áp dụng chúng là việc làm cần thiết đối với ngân hàng hiện nay. Ý nghĩa nổi bật của việc làm này là cho thấy xu hướng tăng trưởng/suy giảm kết quả hoạt động của nhóm các sản phẩm tài chính bền vững trong tổng thể doanh số hoạt động của ngân hàng. Tỉ lệ phần trăm này là một trong những yếu tố định tính đánh giá và đo lường mức độ bền vững của ngân hàng.
Ba là, về quản trị rủi ro môi trường và xã hội: Rủi ro tiềm tàng về môi trường và xã hội từ khách hàng và những khoản vay hay dự án đầu tư của ngân hàng tác động trực tiếp và gián tiếp đến danh tiếng, lợi nhuận, tính tuân thủ và mối quan hệ nhiều tầng với các đối tác có liên quan của ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng bền vững xem rủi ro về môi trường và xã hội cũng giống như rủi ro về tín dụng hay thị trường; cần tích hợp chúng vào trong hệ thống đánh giá, quản trị rủi ro khi đánh giá, xếp hạng các khoản cho vay và đầu tư. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực về thời gian và chi phí đầu tư để xây dựng một quy trình đánh giá rủi ro ESG phù hợp với khẩu vị kinh doanh của từng ngân hàng, nhưng nó là nội dung mà ngân hàng bắt buộc phải thực hiện.
Bốn là, về báo cáo và công bố thông tin: Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải được thể hiện trong báo cáo phát triển bền vững. Tuy nhiên, thể hiện báo cáo như thế nào là một bài toán đối với ngân hàng vì nó phải minh bạch trên hai phương diện: Định tính và định lượng. Hiện nay, có nhiều mẫu báo cáo phát triển bền vững được tư vấn và áp dụng bởi các tổ chức quốc tế, nhưng việc áp dụng chúng cần phải được tinh chỉnh cho phù hợp và hài hòa với môi trường kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Các chỉ số định lượng liên quan đến sử dụng nước, năng lượng, giấy, nhiên liệu và khí phát thải phải được thu thập và trình bày theo quy chuẩn quốc tế. Do đó, việc sử dụng thông tin, sự kiện và dữ liệu để hình thành nên báo cáo phát triển bền vững phù hợp với quy chuẩn quốc tế, đáp ứng kì vọng của nhà đầu tư thì cần có sự nghiên cứu và kết hợp từ nhiều tài liệu khác nhau ví dụ như từ GRI, chỉ số phát triển bền vững Dow Jones2, chỉ số toàn cầu 1003 và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng trong nước có liên quan.
Năm là, về hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững là cách ngắn nhất giúp ngân hàng hòa nhập nhanh và sâu vào trong thị trường ngân hàng khu vực và toàn cầu. Các tổ chức quốc tế như UNEP FI, GRI, Lực lượng Đặc nhiệm về công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) và tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững “các nguyên tắc xích đạo” (EPs) sẽ cung cấp các kiến thức, thông tin và cách thức tích hợp bộ ba tiêu chuẩn ESG vào trong mô hình kinh doanh của ngân hàng. Điều này giúp ngân hàng có những kinh nghiệm được tích lũy từ các tổ chức quốc tế, vì thế việc thực thi và áp dụng chính sách phát triển ngân hàng bền vững sẽ thành công một cách nhanh nhất.
Sáu là, về phát triển công nghệ: Phát triển ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ đối với ngân hàng. Ngân hàng số không những tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng mà nó còn gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường thông qua việc giảm sử dụng giấy và khí phát thải. Ngoài ra, ngân hàng số còn mang đến nhiều tiện ích khác cho ngân hàng, trong đó có việc cung cấp dịch vụ ghi nhận dữ liệu và báo cáo toàn bộ hoạt động của ngân hàng một cách hệ thống. Ngân hàng số là tương lai và là cốt lõi của hoạt động ngân hàng.
Bảy là, về nhân sự và đào tạo: Nhiều nghiên cứu cho rằng, sự quan tâm và ủng hộ của cấp quản lí đối với các vấn đề môi trường và xã hội là một trong những yếu tố góp phần làm cho ngân hàng hoạt động ổn định, phát triển và bền vững. Nhân tố trọng tâm của vấn đề xã hội là nguồn nhân lực của ngân hàng. Do đó, việc cung cấp các chương trình đào tạo về phát triển bền vững thường xuyên để toàn bộ nhân viên hiểu được ý nghĩa và vận dụng những kiến thức này vào trong hoạt động là cần thiết. Điều này đều đã được ghi nhận qua nghiên cứu mô hình ngân hàng bền vững tại các nước thuộc khối APEC. Vì lẽ đó, có một đội ngũ nhân lực am hiểu về phát triển tài chính - ngân hàng bền vững là điều kiện tiên quyết để ngân hàng triển khai mô hình bền vững thành công.
Thứ hai, đối với cơ quan quản lí nhà nước
Ở góc độ quốc gia, việc tham gia các chương trình phát triển bền vững được tổ chức bởi UN hay các tổ chức quốc tế và cam kết thực thi những kiến nghị song phương và đa phương về các chỉ tiêu cũng như các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững là cần thiết. Việt Nam đã làm tốt chương trình này trong thời gian qua. Ở góc độ phát triển ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn để tăng tính liên kết quốc tế về tính bền vững, đồng thời hỗ trợ cho việc phát triển ngân hàng bền vững có được hành lang pháp lí rõ ràng. Tác giả xin có những đề xuất ban đầu:
Một là, việc ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thực hiện những sản phẩm và dịch vụ bền vững theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển chung là cần thiết bởi vì phát triển ngân hàng bền vững là xu thế không thể đảo ngược trong thực tiễn hoạt động ngân hàng hiện nay. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lí cho sự phát triển mô hình ngân hàng bền vững điển hình rất quan trọng đối với các ngân hàng vì trên cơ sở đó các NHTM sẽ điều chỉnh mô hình kinh doanh từ truyền thống sang mô hình bền vững bằng cách tích hợp dần các yếu tố bền vững nhằm tiếp cận mô hình ngân hàng phát triển bền vững hoàn chỉnh trong dài hạn.
Hai là, song song với việc tạo hành lang pháp lí cho mô hình phát triển ngân hàng bền vững thì hệ thống báo cáo đóng vai trò hết sức quan trọng. Văn bản báo cáo cần hướng dẫn cách thức công bố thông tin liên quan đến các tiêu chí bền vững về thể chế, công nghệ, tài chính, xã hội, môi trường một cách công khai, minh bạch và khoa học. Hệ thống báo cáo này sẽ phục vụ cho việc giám sát và thanh tra, đồng thời là cơ sở để đánh giá mức độ bền vững của từng ngân hàng nói riêng, tăng tính công khai và minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung.
5. Kết luận
Đứng ở góc độ quy mô, một ngân hàng nhỏ không đồng nghĩa là phát triển không bền vững và một ngân hàng lớn chưa chắc đã phát triển bền vững. Nghiên cứu hệ thống ngân hàng ở các nước thuộc khối APEC đã chỉ ra điều đó. Một số NHTM tại Việt Nam đã chủ động đưa ra những cam kết và hành động thực tế phát triển theo định hướng ngân hàng bền vững như tích hợp các yếu tố ESG vào trong mô hình kinh doanh, quản trị hiện tại và đã có những báo cáo bước đầu về kết quả hoạt động. Tuy nhiên, sự tích hợp còn mang tính tự phát và thiếu tính hệ thống bởi vì nó cần một hành lang pháp lí để thực hiện.
Mô hình phát triển ngân hàng bền vững TIMESe được đúc kết từ việc nghiên cứu nguyên lí về phát triển bền vững và mô hình hoạt động từ các ngân hàng tại các quốc gia thành viên APEC. Nó là kết quả của một nghiên cứu thực tế và sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho các NHTM Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế ngân hàng bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Westpac - ngân hàng truyền thống của Úc với lịch sử lâu đời trên 200 năm đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bền vững từ năm 2001 và cơ bản hoàn thành vào năm 2010. Ngân hàng này đã đạt được rất nhiều giải thưởng về ngân hàng phát triển bền vững từ các tổ chức quốc tế. Một ví dụ khác, Ngân hàng Triodos của Hà Lan được thành lập cách đây 55 năm nhưng đã được xem là hình mẫu cho mô hình phát triển ngân hàng bền vững từ những năm 2010, tức là chỉ sau 40 năm hoạt động nó đã vươn lên trở thành hình mẫu của thế giới về phát triển ngân hàng bền vững. Điều này cho thấy rằng, phát triển ngân hàng bền vững không phải là cái gì quá khó và nó cũng không phụ thuộc vào quy mô ngân hàng lớn hay nhỏ, mà nó là thành quả của tầm nhìn dài hạn và chiến lược hành động đúng đắn mà những người quản trị ngân hàng đã quyết tâm thực hiện. Đa số các NHTM Việt Nam còn non trẻ và tấm gương của Ngân hàng Triodos sẽ là động lực trong việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đang triển khai và trong tương lai.
1 MSCI là tổ chức chuyên nghiệp cung cấp các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định đầu tư đa tài sản, EGS và các sản phẩm khí hậu.
2 https://www.spglobal.com/spdji/en/
3 https://www.corporateknights.com/rankings/global-100-rankings/
Tài liệu tham khảo: