Tóm tắt: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường. Bài viết nghiên cứu những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Việt Nam; từ đó, đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Từ khóa: Định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế; kinh tế thị trường.
DEVELOPING THE SOCIALIST-ORIENTED MARKET ECONOMY IN VIETNAM
IN THE CONTEXT OF CURRENT INTERNATIONAL INTEGRATION
Abstract: A socialist-oriented market economy is a modern market economy, internationally integrated, operating fully and synchronously according to the rules of the market economy. The article clarifies the cognitive process and characteristics of a socially oriented market economy in Vietnam; From there, we provide some policy implications to develop Vietnam's socialist-oriented market economy in the context of current international integration.
Keywords: Socialist orientation; international integration; market economy.
1. Nhận thức và những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kinh tế thị trường được xem là thành tựu chung của văn minh nhân loại, gắn liền với nền sản xuất hàng hóa phát triển ở trình độ cao. Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, vì vậy, các mô hình kinh tế thị trường đều có những đặc trưng chung, nhưng với điều kiện thực tiễn của các quốc gia xây dựng kinh tế thị trường sẽ có sự vận động phù hợp với quy luật.
Trải qua quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận cũng như thực tiễn vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội IX của Đảng (vào tháng 4/2001) đã nâng tầm lý luận về kinh tế thị trường ở Việt Nam lên một trình độ mới. Lần đầu tiên, Đảng đưa ra mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho đến Đại hội X của Đảng (vào tháng 4/2006) tiếp tục khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1.
Tiếp tục tư tưởng của Đại hội X của Đảng, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008, Hội nghị Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong mô hình kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng đóng vai trò quan trọng nhằm thu hút nguồn lực, tự do hóa thương mại để phát triển kinh tế của Việt Nam
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được khắc họa rõ nét và đầy đủ hơn tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016): “Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”2.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định mục tiêu tổng quát: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), Đảng đã khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”3. Các quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có một số đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, mục tiêu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng, hợp pháp; nâng cao đời sống Nhân dân.
Thứ hai, trong phát triển kinh tế thực hiện nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, khuyến khích Nhân dân làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm cho tất cả người dân Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tiến bộ và công bằng xã hội được thực hiện ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường…, vì mục tiêu phát triển toàn diện con người.
Thứ tư, trong nền kinh tế thị trường thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.
Thứ năm, phát huy quyền làm chủ xã hội của Nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa vận động đúng quy luật khách quan của kinh tế thị trường nói chung, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội, bảo đảm sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, với sự vận động phát triển không ngừng và những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế tri thức… các đặc trưng này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khi có những vấn đề mới phát sinh. Giữ vững những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là nhân tố bảo đảm cho con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công, là cơ sở nền tảng xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển bền vững.
2. Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hội nhập quốc tế được xem là một hướng đổi mới quan trọng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, tất yếu phù hợp với đặc điểm, điều kiện nước ta và yêu cầu hội nhập với thế giới. Trong mô hình kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng đóng vai trò quan trọng nhằm thu hút nguồn lực, tự do hóa thương mại để phát triển kinh tế của Việt Nam.
Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước. Thông qua các chủ trương, chính sách này, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng, giá trị thương hiệu quốc gia ngày càng được cải thiện và hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhìn chung, qua gần 40 năm thực hiện quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập4. Đường lối đổi mới kinh tế phù hợp với yêu cầu khách quan đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của nước ta tăng trưởng vượt bậc, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Qua đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao; hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế khu vực và thế giới, tạo thế, lực mới cho nền kinh tế.
Thực tiễn đổi mới ở Việt Nam cho thấy, việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng đắn của Đảng, cơ bản đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn và thực hiện cam kết hội nhập quốc tế. Cho đến nay, nhận thức về nền kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ hơn, cùng với đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Nhà nước cũng từng bước được đổi mới phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế… Mặc dù thời gian qua, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng, suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19 nhưng nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, sự vận dụng một cách sáng tạo, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên… Việt Nam từ một nước nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá tốt dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động qua các thời kỳ (giai đoạn đầu đổi mới 1986 - 1990 mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 4,4%/năm, giai đoạn 1991 - 2000 tăng trưởng GDP bình quân đã đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trưởng GDP bình quân là 5,95%/năm)5. Quy mô nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỉ USD thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 343 tỉ USD. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt về vật chất và tinh thần. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 101,9 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.284 USD, tốc độ tăng trưởng đạt 5,05%. Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi. Các chỉ số xếp hạng do các tổ chức quốc tế công bố thời gian gần đây đều được cải thiện đáng kể và cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Tuy vậy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế, một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả, thể chế bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn nhiều bất cập, đổi mới phương thức của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới về kinh tế.
3. Một số hàm ý chính sách
Một là, tiếp tục đổi mới về tư duy nhận thức
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm riêng của Việt Nam, do vậy đây là quá trình tìm tòi và thử nghiệm, vừa nâng cao nhận thức, vừa trải nghiệm thực tế. Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước là cơ sở để hội nhập quốc tế. Đồng thời, hội nhập quốc tế càng sâu rộng, toàn diện càng phải cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường thế giới, phù hợp luật lệ và thể chế của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế. Nếu không nâng tầm tư duy và nhận thức đầy đủ về nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, Việt Nam sẽ không thể hình thành những thể chế nói chung, thể chế kinh tế thị trường nói riêng một cách đầy đủ và đồng bộ.
Trong bối cảnh đổi mới của sự phát triển đất nước, cần nhận thức rõ về tính cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tiếp tục đổi mới tư duy mang tính đột phá theo kịp yêu cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường; nâng tầm nhận thức và tư duy hơn nữa để đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức về định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật kinh tế thị trường của Việt Nam; thực hiện việc đổi mới tư duy nhận thức về vận hành, thực thi thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; tăng cường năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo quyết định thể chế.
Hai là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các chủ thể kinh tế. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm tạo tiền đề cho kinh tế thị trường phát triển. Không ngừng hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chú trọng hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất. Trong phát triển kinh tế thị trường cần gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện chính sách xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế. Xác lập cơ chế tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế trong quá trình thực thi và điều chỉnh thể chế phát triển kinh tế thị trường.
Ba là, phát triển đồng bộ, hiện đại và vận hành thông suốt các loại thị trường
Chú trọng phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường quyền sử dụng đất, tài nguyên, vốn, lao động, khoa học và công nghệ, để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực xã hội. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức hiện đại gắn với chuyển đổi số. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm… Tập trung đổi mới và hoàn thiện thể chế về giá, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, giải quyết các tranh chấp kinh tế; xây dựng và thực hiện các quy định về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, đối với bảo vệ môi trường và thực hiện tốt nghĩa vụ đối với xã hội. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ cả thị trường trong nước phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động; tạo sự gắn kết cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo, đảm bảo tối đa lợi ích cho người lao động, đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, ổn định, có những cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và phát triển. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đối với thị trường khoa học và công nghệ, để các sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự trở thành hàng hóa để thúc đẩy thị trường phát triển.
Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế
Các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu trong đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện để Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Đồng thời, kết hợp hiệu quả giữa ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc để tháo gỡ và triển khai có hiệu quả trong thực tế. Khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực bên ngoài như vốn, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức vận hành nền kinh tế thị trường hiện đại để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp lại, phát triển và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp với cam kết WTO, các FTA đã ký và tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Năm là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng về kinh tế như: nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Đổi mới, kiện toàn bộ máy và phương thức hoạt động của Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới. Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý, môi trường kinh tế - xã hội như: Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc, tài chính, giáo dục, y tế và các dịch vụ khác để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện bình đẳng cho các chủ thể kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cải cách bộ máy và cơ chế điều tiết nền kinh tế của Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Hoàn thiện và sử dụng có hiệu lực các công cụ điều tiết nền kinh tế của Nhà nước về chính sách tiền tệ, tài chính và bằng các công cụ kinh tế như thuế, lãi suất, tỉ giá hối đoái và các công cụ hành chính để thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam trong tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 69
2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 25
3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. I, tr. 128
4 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. II, tr. 31
5 Phạm Minh Điển và nhóm tác giả (2021), Xây dựng khung tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 265
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t. I, II.
4. Phạm Minh Điển và nhóm tác giả (2021), Xây dựng khung tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Phạm Ngọc Hòa
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp