1. Đặt vấn đề
Hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng. Cùng với sự cạn kiệt tài nguyên, nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới ngày càng tăng vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất. Nếu không có những biện pháp kịp thời, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn chịu tải của môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp giảm lượng tài nguyên cần sử dụng và lượng phế thải tạo ra, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm tác động gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, xem chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối với các hoạt động kinh tế khác, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Với kinh tế tuần hoàn, dòng vật chất có thể được sử dụng lâu nhất, được khôi phục và tái tạo ra các sản phẩm, vật liệu mới. Đây là hoạt động không dành riêng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào, nó cần sự tham gia và cố gắng của toàn hệ thống, toàn xã hội. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đề cập đến trong các chủ trương của Đảng như: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Hệ thống pháp luật điều chỉnh về hoạt động kinh tế tuần hoàn cũng được ban hành, tiêu biểu như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam... Mặc dù đã tiệm cận với mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể và tiếp cận một cách hệ thống về triển khai mô hình kinh tế này. Chính vì thế, đây là thời điểm thuận lợi và hợp lí để Việt Nam hoàn thiện pháp luật, khắc phục những bất cập còn tồn tại, đồng thời ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
2. Tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn xuất hiện từ giữa thế kỉ XVIII trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng phải đến thế kỉ XX mới trở thành một phạm trù kinh tế học chỉ mô hình kinh tế mới1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn được Pearce và Turner sử dụng lần đầu vào năm 1990, là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lí cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”2. Theo khoản 1 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hoạt động kinh tế tuần hoàn đối lập với kinh tế tuyến tính truyền thống đang được sử dụng rộng rãi. Với kinh tế tuyến tính, các tài nguyên được khai thác, sản xuất và sau khi sử dụng xong thì được thải ra môi trường, chúng di chuyển theo một chiều. Chất thải không được xử lí, phân loại và tái chế dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, tốn kém tiền bạc, đồng thời tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, các thành tựu của phát triển kinh tế vì thế mà cũng không còn giá trị. Như vậy, kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp khép kín, nhờ đó, giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, nhằm tối thiểu hóa tài nguyên được khai thác làm nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải do quá trình sản xuất tạo ra. Không những thế, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
Trong tình hình hiện tại, nhân loại đang đối mặt với những thách thức lớn như hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguyên nhân của những hiện tượng này xuất phát từ hoạt động sinh hoạt của con người và sản xuất của doanh nghiệp. Kinh tế càng phát triển, môi trường càng bị tổn thương, cuộc sống con người càng bị ảnh hưởng. Sự thật cho thấy, đại dịch Covid-19 làm các hoạt động phát triển kinh tế bị gián đoạn, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dài, làm cuộc sống con người trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Covid-19 cũng có những ảnh hưởng tích cực đến môi trường như chất lượng không khí được cải thiện, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng giảm đi đáng kể, tài nguyên thiên nhiên được phục hồi nhanh chóng. Để bảo vệ môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đảm bảo sản xuất phát triển, chúng ta buộc phải tìm ra những giải pháp hữu ích để thực hiện. Do đó, kinh tế tuần hoàn không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách tiếp cận, là con đường hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững3. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức và khó khăn, việc xây dựng lộ trình, chiến lược về kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, đối với môi trường, mô hình kinh tế tuần toàn sẽ góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Xuất phát từ nguyên lí “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, chất thải sẽ trải qua quá trình xử lí, loại bỏ các yếu tố độc hại để trở thành nguyên liệu cho hoạt động sản xuất mới, nhờ đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn, tiết kiệm được thời gian, chi phí xử lí đầu vào cho quá trình sản xuất, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với vấn đề chung của toàn cầu.
Hai là, đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí quản lí xã hội cũng như tạo ra thị trường mới, việc làm mới cho người dân. Vì quy trình xử lí chất thải để tái chế cần nhân lực giỏi và công nghệ cao nên nó có tiềm năng biến thành một ngành mới, tạo ra việc làm mới và nâng cao mức sống cho con người, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ba là, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh tế tuần hoàn thúc đẩy hình thành các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên, góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ4...
Có thể thấy rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường trong bối cảnh nguồn nguyên, nhiên liệu đang khan hiếm, đứt gãy, cạn kiệt hiện nay. Để giữ gìn môi trường sống và thực hiện phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có sự thay đổi, dịch chuyển mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn càng sớm càng có lợi cho nền kinh tế quốc gia.
3. Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay
Là một trong những quốc gia sớm ý thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã lựa chọn thay đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy chưa có hệ thống pháp luật quy định cụ thể nhưng Việt Nam đã thể hiện quan điểm của mình thông qua các chủ trương, văn kiện Đại hội Đảng các khóa, các văn bản pháp luật, các quyết định quy định về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hoạt động xử lí rác thải... Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường với quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống5. Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Có thể thấy, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển đổi sang mạng lưới kinh tế tuần hoàn như: Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khoa học và công nghệ đang góp phần hình thành những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và hiệu quả theo hướng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chi phí. Chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, mô hình kinh tế tuần hoàn được khuyến khích phát triển để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của mô hình sản xuất. Tầm nhìn đến năm 2023, Việt Nam cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu6. Bên cạnh đó, xu hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn trên thế giới ngày càng phổ biến. Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và nhà khoa học ủng hộ chủ trương chuyển đổi này ngày càng mạnh mẽ. Họ sẵn sàng cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nếu hoạt động kinh tế tuần hoàn được áp dụng rộng rãi ở từng lĩnh vực, hiệu quả kinh tế mà nó mang lại sẽ rất cao, vấn đề môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện đa phần ở các doanh nghiệp lớn, hoạt động của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hầu như chưa có sự thay đổi. Điều này chứng tỏ rằng, pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng, điều chỉnh hành vi, hoạt động của con người trong sản xuất, kinh doanh. Từ những thành tựu ban đầu mà kinh tế tuần hoàn mang lại, có thể thấy pháp luật vẫn còn những bất cập nhất định cần phải hoàn thiện, cụ thể là:
Một là, vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, tạo dựng, điều tiết hành vi của các chủ thể thị trường còn yếu. Hiện nay, vai trò của Nhà nước chỉ được thể hiện qua các chủ trương của Đảng. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự cụ thể và bao trùm lên toàn bộ xã hội, một số chủ thể vẫn chưa tiếp cận được những chính sách, văn bản pháp luật mà Nhà nước đề ra.
Hai là, pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán và thiếu tính hệ thống, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, vẫn chưa có sự đồng bộ giữa pháp luật về môi trường với pháp luật về đất đai, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, công nghệ trong thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Pháp luật về kinh tế tuần hoàn vẫn chưa được quy định chi tiết, đầy đủ; không dẫn chiếu, liên kết với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế. Trên thực tế, việc triển khai các văn bản pháp luật còn khoảng cách khá xa với người dân. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa chủ động triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, các quy định hiện hành chưa tạo ra áp lực và động lực để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức nhằm thực hiện các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn.
Ba là, trong quá trình thực thi, thiếu hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực có trình độ cao, thiếu hệ thống thông tin dữ liệu và cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện kinh tế tuần hoàn. Do vậy, cần có một cơ quan điều phối việc triển khai, thực thi các kế hoạch về kinh tế tuần hoàn. Pháp luật Việt Nam quy định về cơ chế quản lí việc thực thi chưa được rõ ràng, cụ thể, chỉ dừng lại ở việc phối hợp xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện; vấn đề kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể chưa được đề cập đến.
Bốn là, việc tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhận thức cho người dân còn hạn chế. Nói đến kinh tế tuần hoàn, nhiều người chưa hiểu biết về vấn đề này, chưa ý thức được những ảnh hưởng của kinh tế tuần hoàn đối với môi trường và các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn xuất phát từ tính tự giác. Một số cá nhân, tổ chức mặc dù đã biết về những lợi ích từ kinh tế tuần hoàn mang lại nhưng vì những lợi ích cá nhân mà họ không thực hiện hoặc thậm chí là vi phạm các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên và môi trường.
Như vậy, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng còn tồn tại những khó khăn, thách thức, những bất cập trong quy định pháp luật. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài, cần nhiều đầu tư và nhân lực tiềm năng. Vì thế, Việt Nam cần khắc phục những khó khăn, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí để các hoạt động kinh tế tuần hoàn được thực hiện thành công hơn trong tương lai.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thế giới. Khi môi trường sống toàn cầu đang bị đe dọa, cả thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề vừa tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường. Việt Nam đã bước đầu thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy vậy, pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện các quy định về mô hình mới này. Chính vì thế, việc hoàn thiện pháp luật là điều cần thiết để kinh tế tuần hoàn phát triển theo hệ thống, mạnh mẽ, an toàn hơn. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn được đề xuất như sau:
Một là, các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành theo hệ thống rõ ràng, cụ thể và mang tính chất bắt buộc thực hiện. Năm 2008, Trung Quốc thông qua Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và một loạt chính sách được ban hành để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nguyên liệu có khả năng tái tạo... Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc do vậy được xây dựng theo một lộ trình khá cụ thể. Nhật Bản cũng là một quốc gia tiếp cận với kinh tế tuần hoàn ở cấp độ sâu, rộng. Từ năm 1991, Nhật Bản bắt đầu xây dựng khung pháp lí để thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó các hoạt động thu gom chất thải và xử lí để tái chế được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Nhìn chung, các quốc gia ở châu Á đã có một hệ thống chính sách và công cụ hoàn chỉnh, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là bắt buộc đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia trên, Việt Nam cần ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế mới, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Do vậy, việc ban hành khung pháp luật có hiệu lực pháp lí cao, quy định tập trung và toàn diện là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật có liên quan về các lĩnh vực khác cũng cần được rà soát và sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Hai là, Việt Nam cần xây dựng cơ quan chuyên môn để quản lí việc vận hành và phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo việc thực hiện mô hình này đi theo đúng quỹ đạo của nó. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và doanh nghiệp là động lực trung tâm7. Thông qua pháp luật, Nhà nước tạo ra một lộ trình cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối, cá nhân tiêu dùng trong việc phân loại, tái chế các sản phẩm thải bỏ đã qua sử dụng... Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ thể này lại chưa được đề cập đến. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ quan chuyên môn để giám sát hoạt động này, đảm bảo rằng mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất đều phải triển khai thực hiện các chính sách pháp luật cũng như thực hiện tốt sản xuất xanh - sạch, xử lí rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển của các doanh nghiệp cũng cần có người kiểm tra, phê duyệt để đưa ra khuyến nghị, giải pháp kịp thời, tránh mắc sai lầm gây ảnh hưởng đến môi trường, lãng phí tài nguyên và tiền bạc. Để công cuộc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn được thuận lợi, Nhà nước cần tập trung các nguồn lực tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến, nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Ba là, Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, đất đai để xây dựng các cơ sở xử lí chất thải... Đây là động lực giúp các doanh nghiệp có những chiến lược dài hạn và hiệu quả, thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước nghiêm túc hơn, thúc đẩy các cơ sở kinh doanh tạo ra nhiều mô hình sản xuất sáng tạo mới, tạo việc làm cho người dân, đẩy nhanh tiến độ tăng trưởng kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Bốn là, huy động lực lượng toàn dân tham gia phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đây là một quá trình dài và có nhiều khó khăn, cần sự đồng lòng và nỗ lực của toàn xã hội. Do đó, cần phải tổ chức các buổi chuyên đề, tập huấn nhằm cung cấp cho người dân kiến thức về kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất; cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai8, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ là thực hiện nghĩa vụ đối với quốc gia, xã hội mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của mình đối với sự an toàn, khỏe mạnh của môi trường sống.
Năm là, Việt Nam cần xây dựng chiến lược, lộ trình dài hạn cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các quốc gia khác trên thế giới, có những chính sách ưu tiên cho các nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Đồng thời, các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn với nhau để các cơ quan chức năng nắm thông tin kịp thời, cùng nhau phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp để cả hệ thống phát triển mạnh mẽ, giữ vững sự ổn định nền kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu.
5. Kết luận
Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn không phải trong một thời gian ngắn là có thể làm được, đây là một quá trình lâu dài, cần sự cố gắng, nỗ lực, sự đồng lòng của toàn dân trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường. Mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất, tổ chức và doanh nghiệp cần phải ý thức được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống của mình, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Để mô hình kinh tế này diễn ra phổ biến, rộng rãi, đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần hoàn hiện hành lang pháp lí vững chắc, toàn diện. Từ đó vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc gia, vừa bảo vệ môi trường sống, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và giá trị kinh tế mà chúng ta tạo ra mới thực sự ý nghĩa. Với việc thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia đối với những vấn đề khó khăn chung của toàn cầu, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển vững mạnh hơn và thăng hạng trên trường quốc tế.
1 Lê Hải Đường, Đỗ Tiến Dũng (2022), “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (459), trang 48.
2 Pearce, D., & Turner, R. K. (1990). Economics of natural resources and the environment. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
3 Lê Hải Đường, Đỗ Tiến Dũng (2022), “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (459), trang 48.
4 Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Nẵng, “Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững”, http://tnmt.danang.gov.vn/thong-tin-chuyen-nganh/chi-tiet?id=2883&u=kinhtetuanhoanloigiaichophattrienbenvung
5 Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021), “Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Nhìn nhận từ những biểu hiện rào cản trên thực tiễn”, https://vietnamcirculareconomy.vn/learning/kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-de-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-nhin-nhan-tu-nhung-bieu-hien-rao-can-tren-thuc-tien/
6 Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
7 Lê Hải Đường, Đỗ Tiến Dũng (2022), “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (459), trang 56.
8 Lê Hải Đường, Đỗ Tiến Dũng (2022), “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (459), trang 57.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021), “Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Nhìn nhận từ những biểu hiện rào cản trên thực tiễn”, https://vietnamcirculareconomy.vn/learning/kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-de-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-nhin-nhan-tu-nhung-bieu-hien-rao-can-tren-thuc-tien/
3. Lê Hải Đường, Đỗ Tiến Dũng (2022), “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (459).
4. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
5. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
6. Pearce, D., & Turner, R. K. (1990). Economics of natural resources and the environment. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
7. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Nẵng, “Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững”, https://tnmt.danang.gov.vn/thong-tin-chuyen-nganh/chi%20tiet?id=2883&u=kinhtetuanhoanloigiaichophattrienbenvung
ThS. Trần Linh Huân, Lê Thị Châu Giang (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)