Phát huy tính bổ sung các lợi thế để tối đa hóa lợi ích thương mại nông sản xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn mới
24/10/2022 2.850 lượt xem
Tóm tắt:
 
Bài viết phân tích cơ chế tối đa hóa lợi ích thương mại từ khai thác tính bổ sung các loại lợi thế cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Mỗi loại lợi thế tạo ra một loại lợi ích nhất định và khi chúng bổ sung cho nhau sẽ tạo ra lợi ích lớn nhất. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới và xu hướng này càng tăng lên khi nông sản Việt Nam đang có vị thế ngày càng cao trên thị trường trong điều kiện có khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do chiến tranh, dịch bệnh hay biến đổi khí hậu. Việc tối đa hóa lợi ích thương mại nông sản xuất khẩu Việt Nam sẽ trở thành hiện thực nếu phát huy được tính bổ sung các loại lợi thế - đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Dựa trên tính bổ sung các loại lợi thế, các tác nhân liên quan đến tối đa hóa lợi ích thương mại nông sản xuất khẩu thông qua phát huy lợi thế được kích hoạt bằng giải pháp phù hợp.
 
Từ khóa: Tính bổ sung, lợi thế, tối đa hóa, lợi ích thương mại, nông sản, xuất khẩu.
 
PROMOTING THE COMPLEMENTARITY OF ADVANTAGES TO MAXIMIZE THE BENEFITS OF EXPORTING VIETNAM’S AGRICULTURAL PRODUCTS IN A NEW PERIOD
 
Abstract: The article analyzes the mechanism to maximize trade benefits from exploiting the complementarity of different types of advantages. Each type of advantage produces a certain type of benefit, and when they complement each other the greatest benefit will be created. Vietnam is a major exporter of agricultural products and the trend is revealing as Vietnamese agricultural products are gaining a larger position in the market in the context of the possibility of disruption of the agricultural product supply chain due to wars and epidemics, or climate change. The maximization of trade benefits of Vietnam's exported agricultural products, if the complementarity of advantages can be promoted, will be realized. This is the most important goal of exporting Vietnam's agricultural products. Based on the complementarity of advantage types, the actors involved in maximizing the export benefit of agricultural products through promoting the advantages are activated by the right solutions.
 
Keywords: Complementarity, advantage, maximization, trade benefit, agricultural products, export.
 
1. Giới thiệu
 
Lợi ích xuất khẩu và/hoặc nhập khẩu (lợi ích thương mại) được hình thành từ phát huy lợi thế. Các loại lợi thế hình thành khách quan và khi nhận thức đầy đủ sẽ phát huy được vai trò trong việc tạo lợi ích lớn nhất. Các loại lợi thế cấu thành lợi ích thương mại bao gồm: Lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh, lợi thế quy mô, lợi thế cạnh tranh và lợi thế dẫn đầu thị trường hoặc độc quyền.
 
Các loại lợi thế được phân tích, nghiên cứu và đánh giá đầy đủ trong phần lý thuyết thương mại (Salvatore, 2011) của Giáo trình Kinh tế quốc tế hoặc Thương mại quốc tế. Mỗi loại lợi thế sáng tạo một lượng giá trị nhất định trong tổng lợi ích thương mại thu được và có các tác nhân đóng vai trò chính trong phát huy từng loại lợi thế.
 
Bài viết chỉ ra vị trí, vai trò cơ chế tác động từng loại lợi thế đến sáng tạo lợi ích thương mại. Với vai trò bổ sung lẫn nhau các loại lợi thế, lợi ích thương mại khi xuất khẩu/nhập khẩu được hiểu rõ cơ chế vận hành, theo đó sẽ nhận thức được cách thức tối đa hóa lợi ích thương mại. Để giải quyết vấn đề đặt ra, bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh với dữ liệu thu thập từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, các nghiên cứu chuyên sâu khác và quan sát của tác giả về nền nông nghiệp Việt Nam từ sau thời điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước đến nay.
 
2. Lợi thế là cơ sở lợi ích thương mại
 
Lý thuyết thương mại quốc tế xoay quanh việc làm rõ bản chất lợi thế. Lợi thế được hiểu là điều kiện tạo cơ hội lớn hơn cho thành công (Cambridge Dictionary). Đó là khả năng huy động mọi nguồn lực nhằm tạo vị thế để chủ thể thu lợi thương mại. Lợi thế theo nghĩa đơn giản là khả năng sản xuất sản phẩm với chi phí thấp nhất tuyệt đối hay tương đối. Giả định cơ bản ở đây là mọi người đều theo chủ nghĩa vị lợi, nghĩa là luôn mong muốn lợi ích đạt được tối đa (Thomas Mumn) để tổng số lợi ích tối đa của tất cả cá nhân hoặc tác nhân toàn xã hội sẽ bảo đảm tối đa cho lợi ích xã hội. 
 
Một trong những câu hỏi được lý thuyết thương mại quốc tế tập trung giải đáp là lợi ích nào thu được từ thương mại và khi lợi thế phát huy tác dụng, lợi ích thu được từ thương mại phải đạt được tối đa. Câu hỏi này được hình thành trên cơ sở 02 câu hỏi dẫn dắt khác là tại sao quốc gia tham gia thương mại với nhau một cách tự nguyện và hàng hóa nào đưa ra trao đổi để lợi ích thu được lớn nhất. Các câu hỏi này là căn cứ để thực hiện sự lựa chọn: Đối tác nào nên buôn bán để lợi ích tối đa và loại hàng hóa nào hay rộng hơn với cơ cấu xuất khẩu nào là tối ưu để lợi ích thu được tối đa.
 
Lợi thế càng cao lợi ích thu được càng lớn - đây là quan hệ tỷ lệ thuận. Vì thế, các chủ thể liên quan đến lợi thế đều mong muốn cải thiện lợi thế thông qua huy động tổng hợp nguồn lực sẵn có, khai thác vai trò của các tác nhân liên quan như Nhà nước, đầu tư hoặc các loại kỹ thuật thương mại khác. Lợi ích xuất khẩu sản phẩm thu được tối đa khi chi phí sản xuất sản phẩm thấp nhất và giá xuất khẩu đạt được với giá cao nhất. Để đạt được mục tiêu đó, cần khai thác các loại lợi thế hiệu quả.
 
3. Các loại lợi thế cấu thành lợi ích thương mại tổng thể
 
Có nhiều loại lợi thế tạo khả năng hình thành lợi ích thương mại được phân tích, giải thích trong các lý thuyết thương mại quốc tế. Lịch sử khoa học thương mại quốc tế thực chất là lịch sử phát triển nhận thức về lợi thế. Các loại lợi thế tạo nên lợi ích do khai thác sự khác biệt lợi thế giữa các quốc gia, mức độ khác biệt lợi thế dẫn đến sự bổ sung lợi thế lẫn nhau, tạo cơ chế xuất hiện lợi ích thương mại. Đó là các khoản lợi ích tương hỗ nghĩa là cần có sự hợp tác giữa các bên để lợi ích thu được quốc gia này không phải dựa trên sự thua thiệt lợi ích của quốc gia khác.  
 
Lợi thế 1 - lợi thế tuyệt đối (A.Smith, 1776) được hình thành từ chi phí sản xuất sản phẩm xuất khẩu thấp hơn tuyệt đối so với sản phẩm nước khác. Do đó, lợi ích thu được là khoản chênh lệch giữa giá bán cuối cùng với chi phí sản xuất thấp nhất. Lợi thế tuyệt đối tạo được quan niệm và cách nhìn nhận về chi phí sản xuất thấp nhất trong số các chi phí được đối tác thực hiện. Chi phí lao động là yếu tố chi phí sản xuất duy nhất kết tinh trong sản phẩm sản xuất. Quốc gia có giá lao động thấp nhất thường là quốc gia tạo được mức chi phí nhỏ nhất trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu, do đó, quốc gia đó sẽ có giá thấp nhất trong số các nước xuất khẩu, thậm chí sẽ là giá xuất khẩu thấp nhất thế giới.
 
Lợi thế 2 - lợi thế so sánh (D. Ricardo, 1817) được hình thành từ chi phí sản xuất tương đối hay chi phí sản xuất so sánh thấp hơn tuyệt đối. Trong tương quan giữa hai quốc gia có chi phí thấp hơn tuyệt đối và thấp hơn so sánh, quốc gia bất lợi tuyệt đối không phải thu lợi ích lớn nhất mà chịu thiệt ít nhất. Đây là trạng thái tìm lợi ích trên nền tảng của sự bất lợi tuyệt đối. Khái niệm chi phí được sử dụng ở đây là chi phí lao động và không tính đến yếu tố công nghệ. Lợi thế so sánh còn có thể xác định dựa vào trạng thái chi phí cơ hội thấp hơn tuyệt đối (G. Haberler, 1970) hoặc mức độ dồi dào tương đối yếu tố để chi phí vốn tương đối hay chi phí lao động tương đối thấp hơn tuyệt đối (Heskcher-Ohlin, 1970).
 
Lợi thế 3 - lợi thế quy mô (P. Krugman, 1970) cũng để nhằm tối thiểu hóa chi phí nhờ gia tăng quy mô. Đây là cách thức nhằm giảm giá sản phẩm xuất khẩu đến mức thấp nhất có thể để xuất khẩu với mức giá cao nhất. Cạnh tranh về chi phí xuất hiện khi có nhiều đối thủ cạnh tranh và chất lượng, kiểu dáng sản phẩm tương đồng nhau. Giảm giá mạnh sẽ tạo khả năng thu hút được nhiều khách hàng, tăng thị phần, tăng doanh thu. Lợi thế quy mô tạo khả năng vượt trội thậm chí “lấn át” các đối thủ, tích lũy mạnh nguồn lực nhất là nguồn lực tài chính, mạng lưới để hướng tới vị thế dẫn đầu thị trường. 
 
Lợi thế 4 - lợi thế cạnh tranh (M. Porter, 2008) được tạo ra khi khai thác các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh gồm chiến lược, cơ cấu, cạnh tranh nội bộ ngành, cung, cầu, công nghiệp hỗ trợ và thay thế cùng với vai trò Chính phủ. Lợi thế cạnh tranh là một phạm trù tổng hợp và bao trùm liên quan đến việc huy động tất cả các nguồn lực tinh hoa và coi trọng đổi mới sáng tạo liên tục. Chính phủ với chính sách thương mại chiến lược sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Chính phủ còn phải đóng vai trò kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, chi phí thấp, dịch vụ công chất lượng cao để hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm.  
 
Lợi thế 5 - lợi thế độc quyền dựa trên sự khác biệt sản phẩm và khác biệt giá (P. Krugman, 1970). Lợi thế này được hiểu là lợi thế dẫn đầu thị trường vì sự độc quyền có thể vi phạm luật chống độc quyền hoặc luật cạnh tranh. Trạng thái độc quyền này có thể là độc quyền tự nhiên hoặc độc quyền tự tạo nhờ đổi mới sáng tạo, có bằng sáng chế tạo ra được sản phẩm duy nhất, độc nhất và độc đáo trên thị trường. Do đó, họ có quyền định giá độc quyền để thu lợi nhuận độc quyền khi chưa có đối thủ cạnh tranh hoặc đối thủ tiềm ẩn. Nhà độc quyền sẽ là người quyết định giá hay làm giá, dẫn dắt thị trường. Đường cầu trong trạng thái độc quyền cao hơn đường cầu cạnh tranh và giá cả cũng cao hơn (G. Mankiw, 1997). Khi sản phẩm giữ vị trí độc quyền hoặc chiếm gần 80% thị phần để tránh tình trạng rơi vào trạng thái vi phạm luật chống độc quyền, lợi nhuận độc quyền cao nhất và điều đó cùng đồng nghĩa lợi ích thương mại lớn nhất. Đây là trạng thái cao nhất của sản phẩm trên thị trường. Các hoạt động và chi phí nghiên cứu và phát triển, quá trình sao chép, bắt chước, đồng hóa sản phẩm làm xuất hiện nhiều sản phẩm cạnh tranh, thay thế, bổ sung và dần dần làm suy yếu vị thế nảy. Lợi thế dẫn đầu thị trường có thể xuất hiện gắn với thương mại nội ngành, sự tương đồng nhu cầu nhưng khác biệt hóa sản phẩm hợp lý. Tuy nhiên, nông sản thường có hàm lượng xuất xứ toàn bộ khác với hàng công nghiệp có thể dựa trên các loại chi tiết, bộ phận có nguồn gốc khác nhau được lắp ráp với nhau để thành sản phẩm hoàn chỉnh. 
 
Các lợi thế trên có mối quan hệ với nhau và cùng tạo cho sản phẩm cách thức được tạo ra chi phí thấp nhất và bán trên thị trường với giá cao nhất. Với trạng thái đạt được như thế, lợi ích thương mại thu được ở trạng thái dẫn đầu thị trường là cao nhất. Đây là cách thức để sản phẩm đạt được khả năng tạo lợi ích thương mại lớn nhất dựa trên cơ sở kết hợp sự bổ sung của các lợi thế. (Hình 1)
 
Hình 1: Sự bổ sung giữa 5 loại lợi thế tạo lợi ích thương mại tối đa


Nguồn: Tác giả

Từ Hình 1 có thể thấy các loại lợi thế có sự bổ sung lẫn nhau. Một sản phẩm ban đầu cần có lợi thế tuyệt đối để thể hiện vị thế cao. Khi bước ra thị trường, cần khai thác lợi thế so sánh để thâm nhập. Sau khi thâm nhập bước đầu đạt kết quả, cần khai thác lợi thế quy mô để mở rộng thị phần, thâm nhập theo chiều sâu. Khi đứng vững trên thị trường nước ngoài và thị trường thế giới, cần cải thiện năng lực cạnh tranh liên tục dựa trên đổi mới, sáng tạo để tồn tại trên thị trường. Để tạo vị thế độc quyền cần đổi mới sản phẩm, tạo sự khác biệt thậm chí đầu tư sản phẩm mới, chưa từng có trên thị trường để tạo vị thế độc quyền, thu lợi nhuận độc quyền cao. Khi kết hợp được các loại lợi thế đó, sản phẩm sẽ được sản xuất ở nơi có chi phí thấp nhất và tiêu thụ ở nơi có giá cao nhất thế giới, như vậy ta đã tối đa hóa được lợi ích thương mại. Do đó, quy mô càng lớn, lợi ích thu được càng nhiều. Mọi sự sai sót trong tư duy và hành động khi phân tích và phát huy lợi thế có thể dẫn đến không thành công, thậm chí thất bại trên thị trường.
 
Các lợi thế bổ sung lẫn nhau, có thể thay thế lẫn nhau, thường xuyên biến động, xuất hiện và mất đi cho nên cần thường xuyên đánh giá lợi thế. Các loại lợi thế này tạo ra một phần giá trị nhất định và có thể kết hợp để hình thành chuỗi giá trị của hàng xuất khẩu. Mỗi loại lợi thế đều có một tác nhân chịu trách nhiệm chính. Lợi thế tuyệt đối phụ thuộc trực tiếp vào năng suất lao động và chi phí nhân công (năng suất lao động cao và chi phí nhân công thấp sẽ tạo được lợi thế này). Lợi thế so sánh chủ yếu xác định mặt hàng không có lợi thế tuyệt đối để tiết kiệm chi phí. Lợi thế quy mô nhằm xác định quy mô hợp lý để có chi phí thấp nhất, lợi thế tuyệt đối. Lợi thế cạnh tranh kết hợp giữa chi phí với các yếu tố phi chí phí (chất lượng, kiểu dáng, dịch vụ đi kèm), do vậy, lợi thế này mang tính tổng hợp cao và chú trọng nhiều đến khía cạnh đổi mới sáng tạo và marketing. Lợi thế dẫn đầu thị trường hay độc quyền sẽ là lợi thế tạo vị thế cao nhất vì vừa quyết định được giá có lợi vừa định hướng sản phẩm thị trường (đây là lợi thế bao trùm các loại lợi thế khác). 
 
Nếu xem xét về phạm vi, lợi thế tuyệt đối hình thành từ quá trình sản xuất trong nước. Nếu không có lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh được sử dụng để xác định mặt hàng xuất khẩu. Khi sản phẩm vượt ra ngoài biên giới quốc gia, lợi thế quy mô và lợi thế cạnh tranh được phát huy. Nếu đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, sản phẩm mới ra đời sẽ tạo lợi thế dẫn đầu thị trường hay độc quyền. Trạng thái này cao nhất và thường được các công ty coi trọng dựa vào đổi mới sản phẩm, áp dụng nhanh chóng tiến bộ công nghệ. 
 
Để rút ngắn quá trình phát huy lợi thế các loại, cần đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển. Đây là sự lựa chọn chiến lược được nhiều tập đoàn đa quốc gia thực hiện và đã đạt thành công như: Tập đoàn bán lẻ toàn cầu Wall-Mart xây dựng được chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất theo đó tạo được lợi thế quy mô, tạo vị thế đàm phán mua sản phẩm với giá thấp nhất để trong tiêu thụ sản phẩm cho các nhà cung ứng; Tập đoàn Samsung đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển, công bố sản xuất được các vi mạch điện tử với kích thức 03 nanômét (tháng 7/2022) đang cố gắng dẫn đầu thị trường chất bán dẫn này toàn cầu, có khả năng quyết định giá cả và dẫn dắt thị trường sản phẩm công nghệ cao… Do vậy, lợi ích thu được của những tập đoàn này từ thương mại có thể đạt tối đa. Mức tối đa này có thể thay đổi do tác động của biến động thị trường, cạnh tranh và tác động của các yếu tố bất ngờ như đại dịch, cấm vận, chiến tranh…     
 
4. Các loại lợi thế của nông sản xuất khẩu Việt Nam
 
Việt Nam xuất khẩu nhiều loại nông sản và kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng lên ở hầu hết các mặt hàng. Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, đói nghèo trở thành nước xuất khẩu gạo đầu tiên vào năm 1988. Danh mục xuất khẩu nông sản mở rộng, quy mô sản lượng và kim ngạch đều tăng lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 40 tỷ USD. Với điều kiện thương mại cải thiện cùng với coi trọng đầu tư để phát huy lợi thế đổi mới sáng tạo, con số này chắc chắn còn tăng lên. Tính đến hết năm 2021, trong số 08 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu, có 06 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đó là: Thủy sản (8,9 tỷ USD); hạt điều nhân (3,6 tỷ USD); rau, hoa, quả (3,5 tỷ USD); gạo (3,3 tỷ USD); cà phê (3,1 tỷ USD); sắn và các sản phẩm sắn (1,2 tỷ USD) (Bảng 1).
 
Bảng 1: Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2011 - 2021

                                                                                                                                                   Đơn vị: Triệu USD

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 48,6 tỷ USD. Với điều kiện thương mại cải thiện, cùng với coi trọng đầu tư để phát huy lợi thế đổi mới sáng tạo, con số này chắc chắn còn tăng lên.
 
Giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam thường ở mức trung bình so với giá nông sản xuất khẩu của các nước trên thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó, theo tác giả, là do thiếu khai thác hiệu quả tính bổ sung của các loại lợi thế. Hầu như các loại lợi thế tạo nên lợi ích thương mại chưa được phát huy hiệu quả tương xứng với vị trí và vai trò của chúng.
 
Lợi thế 1 - Lợi thế tuyệt đối trong sản xuất nông sản xuất khẩu của Việt Nam dựa trên lợi thế tự nhiên là khí hậu thuận lợi, đất đai và điều kiện nuôi trồng dễ dàng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là lợi thế làm giảm gần như tối đa chi phí sản xuất nông nghiệp trong điều kiện duy trì chi phí giống, phân bón và điều kiện lao động ổn định, mức trang bị kỹ thuật không cao. Đất đai, mặt nước, mặt biển chưa phải là hàng hóa theo nghĩa đầy đủ cho nên việc hạch toán thường không phản ánh đúng giá thị trường nếu chưa nói là thường có mức thấp hơn bình thường thị trường. Việc tận dụng các yếu tố chưa được thị trường hóa đầy đủ càng nhiều, càng tăng nguy cơ cáo buộc xuất khẩu có trợ cấp và bán phá giá nông sản trên các thị trường phát triển. Bên cạnh đó, chi phí lao động nông dân khá thấp khoảng 1 USD/giờ hoặc 25 nghìn đồng Việt Nam/giờ càng tạo khả năng giảm chi phí đến mức thấp nhất tuyệt đối để tạo nên lợi thế tuyệt đối thậm chí lợi thế tuyệt đối trên thế giới. 
 
Lợi thế 2 - Lợi thế so sánh chưa được nhận dạng đầy đủ và đầu tư thỏa đáng cho nên nhiều khoản lợi ích không được thu nhận. Điều đó gây ra sự lãng phí lợi thế. Nhiều nông sản có lợi thế so sánh chưa được đầu tư để xuất khẩu hoặc chỉ được xuất khẩu với quy mô hạn chế so với tiềm năng to lớn. Nói cách khác tiềm năng lợi thế chưa được phát huy để chuyển hóa thành lợi ích thương mại.
 
Lợi thế 3 - Lợi thế quy mô chưa được khai thác để bổ sung tác động vào tăng lợi thế tổng thể. Nếu tính giá đơn vị cá biệt, đơn lẻ, chi phí của Việt Nam thấp hơn chi phí nông sản Trung Quốc nhưng nếu tính chi phí trung bình, chi phí này của Việt Nam cao hơn do thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn để tạo được lợi thế quy mô. Mức lợi thế này chỉ đạt được khi quy mô sản xuất đạt đến ngưỡng nhất định, loại bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy mô lớn, hợp đồng xuất khẩu lớn, ổn định khối lượng, chất lượng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu thị trường, tuân thủ đầy đủ cam kết.
 
Lợi thế 4 - Lợi thế cạnh tranh chưa được phát huy đồng bộ, nhất là khâu tiếp cận thị trường hiệu quả bằng nhiều kênh phân phối kết nối khác nhau. Vai trò nhà nước trong hoàn thiện thể chế vẫn được thực hiện kiên trì và bền bỉ, nhất là nỗ lực để tuân thủ đầy đủ và triệt để các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ hàng nông sản. Quá trình cạnh tranh nông sản chủ yếu thu lợi nhuận bình quân giữa các đối thủ cùng cung ứng nông sản. Việc đáp ứng cam kết đầy đủ và hiệu quả góp phần vượt qua rào cản này để mở rộng quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đáp ứng cam kết chưa trở thành động lực để khai thác hiệu quả lợi thế quy mô. 
 
Lợi thế 5 - Lợi thế tăng khả năng dẫn dắt, kiểm soát thị trường để thu lợi ích độc quyền trong phạm vi cho phép. Những biểu hiện của việc khai thác lợi thế này đã được coi trọng nhất là việc coi trọng đầu tư nâng cao chất lượng nông sản. Việc gạo Việt Nam (ST25) đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và gạo ngon nhì thế giới năm 2020 cho thấy quyết tâm và sức trỗi dậy mạnh mẽ của nông sản Việt Nam nhằm cố gắng dẫn đầu thế giới bằng tiến bộ công nghệ nông sản. Với sự kiện quan trọng này, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã có thay đổi quan trọng theo hướng tăng lên, tạo khả năng tối đa hóa lợi ích thương mại xuất khẩu mặt hàng gạo hàng đầu thế giới. Có 100 tấn gạo Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” sang châu Âu ngày 30/6/2022 (Trà Sư, 2022) cho thấy lợi ích thương mại xuất khẩu nông sản đang được thực hiện theo hướng tối đa hóa từng bước. Tuy nhiên, nỗ lực duy trì vị trí này cần được thực hiện liên tục để lợi ích được cải thiện không ngừng nhằm đạt đến ngưỡng tối đa.   
 
Những hạn chế trong tăng tính bổ sung của các loại lợi thế nhằm tăng lợi ích thương mại tối đa tổng thể trong xuất khẩu nông sản, mặc dù được nhận dạng cục bộ và có giải pháp tận dụng khá kịp thời nhất là sử dụng mô hình bán hàng đa kênh dựa trên các nền tảng thương mại điện tử đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, nông sản là mặt hàng cầu ít co giãn theo giá cho nên khó có thể áp dụng biện pháp giảm giá để tăng cầu tối đa ngoại trừ xuất hiện các tác động bất ngờ về đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến tranh… Tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ cung ứng cùng với chính sách bảo hộ thị trường nông sản của các nước gây khó khăn xuất khẩu nhất là chi phí tuân thủ quy định kỹ thuật (TBT) và vệ sinh dịch tễ (SPS) tăng cao. Về chủ quan, việc nhận dạng đầy đủ bản chất các loại lợi thế để khai thác tính bổ sung lẫn nhau nhằm phát huy lợi thế lớn nhất tạo điều kiện để tối đa hóa lợi ích thương mại từ xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Các loại lợi thế được phát huy mang tính cục bộ. Tính đồng bộ và phương thức khai thác lợi thế theo thị trường còn hạn chế. Việc phân tích, đánh giá và ưu tiên đầu tư phát huy lợi thế có tác động lớn nhất đến tối đa hóa lợi ích thương mại chưa được thực hiện cho nên lợi thế lớn nhất chưa được đầu tư đủ mức.
 
5. Giải pháp tối đa hóa lợi ích thương mại xuất khẩu nông sản Việt Nam
 
Giải pháp 1: Nhận dạng và đánh giá đúng vị trí, vai trò từng loại lợi thế trong hệ thống các lợi thế xuất khẩu nông sản Việt Nam. Lợi thế tuyệt đối trong sản xuất nông sản Việt Nam hoàn toàn hiện hữu nhưng chưa được phát huy để tạo ra chi phí sản xuất thấp nhất thế giới về mặt hàng này. Trong giai đoạn quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều yếu tố sản xuất chưa phản ánh tính chất thị trường đầy đủ hoàn toàn như đất đai, lao động, cho nên có thể tận dụng triệt để khoảng thời gian này để giảm thiểu chi phí. Năng suất lao động cần được cải thiện, đời sống nông dân cần được nâng cao để tăng động lực cải thiện năng suất. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần được khai thác triệt để. 
 
Giải pháp 2: Cần ưu tiên đầu tư vào lợi thế có mức độ ảnh hưởng cao nhất và xuyên suốt trong cấu thành lợi ích thương mại từ xuất khẩu nông sản. Lợi thế đó đến từ đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Các tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp, các sáng chế về giống cây và giống con mới cần được đầu tư phát triển hiệu quả hơn thông qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, hợp tác xã và hộ gia đình. Do đó, cần khuyến khích phát triển thị trường khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao, thu hút nhiều hơn nguồn lực tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành và phát triển nông sản thế hệ mới. Khẩu hiệu “tam” nông cần phát triển thành “tứ” nông là “nông dân, nông nghiệp, nông thôn và nông sản” và thuật ngữ nông dân cần đổi thành “công nhân nông nghiệp công nghệ cao” (hay nhân nghệ cao) để giảm thiểu định kiến nông dân thường là giai cấp luôn đứng sau giai cấp công nhân khi ranh giới này trong sáng tạo công nghệ mới và công nghệ cao không còn có giá trị thực sự giữa công nhân và nông dân.  
 
Giải pháp 3: Cần tăng tính bổ sung lẫn nhau giữa các loại lợi thế trong tạo sự cộng hưởng cao nhất đối với tối đa hóa lợi ích thương mại. Lợi thế tuyệt đối cần được phát huy trong từng khâu sáng tạo giá trị và trở thành hạt nhân hay yếu tố cốt lõi của các loại lợi thế. Lợi thế này kết hợp với đổi mới sáng tạo sẽ tạo được nông sản có chi phí thấp nhất và giá bán cao nhất. Mỗi loại lợi thế cần được tận dụng triệt để thông qua phát huy vai trò từng tác nhân. Tính bổ sung này là cơ sở khoa học của mối liên kết các nhà gồm nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng) và nhà mạng. Mô hình “lục giác tác nhân” hay “liên kết 6 nhà” cần là hệ sinh thái phát huy tính bổ sung các loại lợi thế để cùng tạo ảnh hưởng đồng bộ đến tối đa hóa lợi ích thương mại xuất khẩu nông sản. (Hình 2)

Hình 2: Mô hình lục giác tác nhân hệ sinh thái 
phát huy tính bổ sung các loại lợi thế


Nguồn: Tác giả

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, chi phí thấp, thể chế rõ ràng, hỗ trợ kết nối tối ưu. Nhà nông là lực lượng lao động chính trong sáng tạo giá trị nông sản. Chi phí lao động thấp của nông dân là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến tạo lợi thế tuyệt đối của nông sản. Nhà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, cung ứng nông sản theo chuỗi, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, ổn định, lâu dài. Nhà băng (ngân hàng) cung ứng nguồn vốn dồi dào, sẵn có, thủ tục thuận lợi, tư vấn đầu tư chương trình, dự án sâu sắc, hiệu quả, hỗ trợ dịch vụ thanh toán nhanh chóng, đồng bộ, tin cậy, an toàn tuyệt đối để tăng lợi ích thu được đối với tất cả tác nhân. Đồng thời, ngân hàng cần là tác nhân tích cực, chủ động xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững. Nhà khoa học nhất là nhà nông học đầu ngành, là đội ngũ cung cấp các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa… đặc biệt là các loại giống cây và giống con mới với các đặc tính độc đáo, khác biệt, duy nhất để tạo vị thế dẫn đầu thị trường. Nhà mạng cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng thông tin hiện đại, tốc độ cao, phát triển các ứng dụng thông minh để các giao dịch diễn ra thuận lợi, thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất, mạng lưới rộng nhất trên các sàn giao dịch do Việt Nam làm chủ. Nhà mạng cần có sứ mệnh cung cấp thông tin thị trường nông sản thế giới cho các tác nhân khác.   
 
Giải pháp 4: Không ngừng tăng cường học hỏi, tiếp cận và tiếp nhận mô hình kết hợp lợi thế của các đối tác nước ngoài đạt nhiều thành công trong đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Những đối tác này tạo được vị thế nông sản rất cao và giá cả của họ gấp giá nông sản Việt Nam hàng chục lần như chè (Nhật Bản) và thịt bò Kobe (Nhật Bản). Trung Quốc năm 2020 đang dẫn đầu thế giới về số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa (WIPO, 2022) cho nên khả năng dẫn đầu thị trường nhiều sản phẩm trong tương lai khi các đối tượng này được thương mại hóa. Việc chủ động, tích cực học tập và vận dụng sáng tạo mô hình khai thác tính bổ sung của các loại lợi thế gắn với điều kiện đặc thù quốc gia, tập quán địa phương từ các nước vào Việt Nam là cách thức rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển, tiết kiệm chi phí và tạo khả năng đột phá lợi ích thương mại xuất khẩu nông sản Việt Nam trong xu hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp giai đoạn mới. 
 
6. Kết luận
 
Các loại lợi thế bổ sung lẫn nhau tạo điều kiện để tối đa hóa lợi ích thương mại. Đây là cách tiếp cận góp phần làm rõ cơ chế tối đa hóa lợi ích khác với cách tiếp cận chuỗi giá trị. Trên cơ sở hiểu rõ cơ chế này, loại lợi thế mang tính quyết định đến lợi ích thương mại tối đa được nhận dạng, là lợi thế của việc dẫn đầu thị trường hoặc độc quyền trong phạm vi cho phép. Cách tiếp cận lợi thế góp phần nhận thức đầy đủ hơn chuỗi giá trị để tác nhân có tác động phù hợp.
 
Nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới với nhiều lợi thế bổ sung và tích hợp vào lợi ích thương mại. Giai đoạn phát triển mới đòi hỏi đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi trong chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy nông sản Việt Nam đạt lợi ích thương mại tối đa khi sử dụng thỏa đáng kết quả đổi mới sáng tạo nhất là loại giống mới và kết quả phân hạng toàn thế giới về nông sản. Điều này hàm ý cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp để tăng khả năng tối đa hóa lợi ích thương mại nông sản Việt Nam xuất khẩu. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần gắn với nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh và nông sản chất lượng cao cấp hàng đầu thế giới. Các chính sách hỗ trợ cần làm bộc lộ đầy đủ các loại lợi thế này để đưa ra giải pháp tăng tính bổ sung các lợi thế chuyển hóa thành lợi ích thương mại hàng xuất khẩu.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Bộ Công Thương (2021), Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, https://sct.kiengiang.gov.vn/Lists/QuanLyVanBan/Attachments/379/4.%20Du%20thao%20Chien%20luoc%20XNK%20hang%20hoa%202021-2030.pdf
2. Cambridge Dictionary, What is advantage?, https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/advantage
3. Kỹ sư Hồ Quang Cua, Từ cây lúa lạ đến loại gạo ngon nhất thế giới, https://www.google.com/search?q=G%E1%BB%93+quan+cua&oq=G%E1%BB%93+quan+cua&aqs=chrome..69i57j46i13j0i13j0i13i30j0i5i13i30l5.6873j0j4&sourceid=chrome&ie=UTF-8
4. Krugman P. (1998), International Economics, Bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1998.
5. Mankiw G. (1997), Kinh tế học, Bản dịch của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
6. OCOP, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, http://ocop.gov.vn
7. Porter M. (2008), Năng lực cạnh tranh quốc gia. Bản dịch của Nhà xuất bán Trẻ 2008.
8. Quốc hội, Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
9. Ricardo D. (1817), The Political Economy and Taxation, Bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1998.
10. Salvatore D. (2011), International Economics, McGraw Hill Publishing House.
11.  Smith A. (1776), The Wealth of Nations, Bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 1998.
12. Trà Sư (2022), Xuất 500 tấn gạo thơm thương hiệu Lộc Trời sang châu Âu, https://laodong.vn/kinh-te/xuat-500-tan-gao-thom-thuong-hieu-loc-troi-sang-chau-au-1062642.ldo
13. Tổng cục Thống kê, Số liệu nông sản xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2021. 
14. Trung tâm WTO, Các hiệp định thương mại tự do, www.trungtamwto.org
15. WIPO (2022), World Intellectual Property Report 2022, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-944-2022-en-world-intellectual-property-report-2022.pdf
 

PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng 
Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Nhận diện một số thách thức pháp lý trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Nhận diện một số thách thức pháp lý trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
22/04/2024 237 lượt xem
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động ngân hàng cũng không nằm ngoài sự chuyển đổi đó. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành Ngân hàng luôn là một trong những ngành có tỉ lệ chuyển đổi số nhanh nhất.
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
17/04/2024 582 lượt xem
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế.
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính -  Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính - Một số khuyến nghị cho Việt Nam
12/04/2024 1.015 lượt xem
Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, góp phần thúc đẩy và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của dân số, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và thu nhập, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính.
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
16/03/2024 3.520 lượt xem
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, mặt bằng lãi suất còn cao, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn cao…; ở trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do bối cảnh cầu thế giới, thương mại quốc tế chậm phục hồi, bảo hộ thương mại gia tăng; sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn tương đối thấp; những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn chưa được xử lý căn cơ, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
15/03/2024 3.111 lượt xem
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023.
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
14/03/2024 6.360 lượt xem
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN đã điều hành tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt là tỷ giá với các ngoại tệ như Đô la Mỹ, Euro và các ngoại tệ khác tại các quốc gia có quan hệ giao thương đáng kể với Việt Nam nhằm duy trì ổn định vĩ mô trong nước, hỗ trợ đầu tư, sản xuất phát triển.
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
13/03/2024 3.166 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
06/03/2024 3.252 lượt xem
Một trong những sứ mệnh của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Ngành Ngân hàng luôn phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, trong đó có hướng đến phổ cập tài chính tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
05/03/2024 8.699 lượt xem
Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/02/2024 3.194 lượt xem
Trải qua hơn 10 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, công tác thống kê tiền tệ phục vụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
24/02/2024 4.297 lượt xem
Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới, nổi bật là việc các ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
13/02/2024 3.160 lượt xem
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước đã thừa nhận sự cần thiết của chính sách an toàn vĩ mô (ATVM) trong ổn định tài chính và đặt chính sách ATVM vào vị trí trung tâm của sự tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chính sách an toàn vi mô.
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
11/02/2024 3.982 lượt xem
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Căng thẳng địa chính trị, tranh chấp giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas diễn biến bất ngờ, lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại.
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
07/02/2024 3.466 lượt xem
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
31/01/2024 3.772 lượt xem
Năm 2023 đã đi qua với nhiều câu chuyện kinh tế nổi bật và một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm rất lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng là vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?