Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn được giao từ đầu năm. Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực. Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến ngày 31/01/2023), tỉ lệ giải ngân của cả nước đạt khoảng 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉ lệ này thấp hơn so với cùng kì năm trước, nhưng là nỗ lực của cả hệ thống chính trị để đưa nguồn vốn đầu tư công phục hồi nền kinh tế - xã hội sau những ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã giao năm 2023 là 804.420,3 tỉ đồng (tăng 23% so với năm 2022), bao gồm: 752.877,5 tỉ đồng vốn giao trong năm 2023 và 51.542,7 tỉ đồng vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 (không bao gồm 12.887,2 tỉ đồng chưa giao).
Việc quản lí và giải ngân đầu tư công thời gian gần đây đang có những chuyển biến tích cực: Việc phân bổ vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh và theo đúng quy định; tình trạng quyết định đầu tư vượt khả năng đảm bảo nguồn vốn được kiểm soát hiệu quả hơn; nâng cao ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lí đầu tư công của Bộ Tài chính và hệ thống Kho bạc nhà nước...
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng hơn 291.000 tỉ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Trong đó, vốn trung ương quản lí đạt 10.800 tỉ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lí đạt 47.700 tỉ đồng, tăng 27,6%.
Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước liên tục tăng nhanh qua các tháng cuối quý II, đầu quý III/2023, đạt khoảng 35,49% kế hoạch tính đến hết tháng 7/2023 (so với mức đạt 30,49% vào cuối tháng 6/2023 và khoảng 20% vào cuối tháng 5/2023). Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỉ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhẹ so với mức 34,47% cùng kì năm 2022. Nhiều địa phương đã ghi dấn ấn nổi bật về lũy kế giải ngân vốn đầu tư công, điển hình là tỉnh Đồng Tháp trên 50,38%, tỉnh Tiền Giang trên 52,81%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên 47,08% và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 100%.
Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 20%. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước hằng năm đã tạo sự chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng chậm, chưa đảm bảo quy định và nhiều lần điều chỉnh phân bổ kế hoạch. Một số bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động, còn né tránh, sợ sai phạm và ngại trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công...
Năm 2023, động lực tăng trưởng kinh tế có nhiều khó khăn gắn với sự suy giảm chung trong các hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư và tiêu dùng, cả tổng cung và tổng cầu, trong khi gia tăng các áp lực lạm phát, lãi suất cao và tình trạng thời tiết cực đoan xảy ra diện rộng cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế; đầu tư tư nhân và thu hút FDI chậm lại và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 5,8% GDP thay vì 6,5% GDP như đã đưa ra từ tháng 01 và tháng 4/2023. Trong khi, Chính phủ vẫn kiên định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đề ra. Vì vậy, phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chỉ thị số 08/CT-TTg) phải được coi là một nhiệm vụ chính trị - kinh tế, đầu tư trọng tâm.
Nói cách khác, việc giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2023 cần được đẩy mạnh và có ý nghĩa quan trọng trong duy trì động lực tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa cho các hoạt động kinh tế chung của cả nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời, giúp giảm bớt chi phí huy động vốn do thời gian đọng vốn kéo dài và trả lãi cao. Đó cũng là trụ đỡ đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, trực tiếp và gián tiếp; góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong tình hình mới.
Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, theo đó:
Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân ở mọi ngành và cấp độ trên phạm vi cả nước, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác đầu tư, thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2023, dự án phải đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, cũng như Công văn số 03/BTC-ĐT ngày 03/01/2023 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc, phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách; điều chỉnh quy định pháp lí, giảm thủ tục hành chính quản lí và sử dụng vốn đầu tư công.
Để khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, các cơ quan chức năng và chủ thể dự án đầu tư công cần bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kì tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn bổ sung năm 2023 theo phân cấp và hoàn chỉnh thủ tục thanh toán đối với các dự án khởi công mới. Đối với các dự án chuyển tiếp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiêm túc thực hiện quy định về thời hạn nghiệm thu khối lượng và làm thủ tục thanh toán với Kho bạc nhà nước; thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, còn thiếu vốn; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và khắc phục khó khăn trong quá trình thi công; rà soát phân loại các đơn giá, định mức và có quy trình, quy định phân cấp, phân quyền cụ thể, rõ ràng, xử lí việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh cho kịp triển khai các dự án.
Các đơn vị và cơ quan chức năng cần thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; tập trung xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có kế hoạch giải ngân từng tháng đối với từng dự án, phân công các cán bộ có trách nhiệm theo dõi, vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, vừa bám sát công việc cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc, khó khăn có thẩm quyền của các chủ đầu tư để kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ từ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu; phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp các bên liên quan trong thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, lấy ý kiến của nhà tài trợ về hồ sơ có liên quan; phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên và sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định; có biện pháp giảm thiểu rủi ro khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án; điều phối, giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng và giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lí kịp thời.
Bên cạnh đó, cần kịp thời phổ biến, quán triệt và cập nhật chế độ, chính sách trong lĩnh vực quản lí tài chính đầu tư công; thống nhất cách hiểu, cách làm; sớm nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản hướng dẫn, quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ mẫu cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở triển khai thực hiện bảo đảm nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả, đúng quy định hiện hành và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổ chức tốt hoạt động kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ các Tổ công tác của Chính phủ và các cơ quan chức năng theo phân công; nhận diện đầy đủ, chính xác, kịp thời xử lí các vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn của các dự án.
Thứ ba, đề cao trách nhiệm cá nhân trong quản lí đầu tư công. Theo quy định hiện nay, các chức danh cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lí cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lí, phụ trách đầu tư công, trong đó, xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm và tiến độ cụ thể; tăng cường quản lí chặt chẽ, nâng cao kỉ luật, kỉ cương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu. Kết quả đánh giá, xếp loại trong giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỉ luật, đánh giá xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, yếu tố then chốt để giải bài toán đẩy nhanh vốn đầu tư công trong thời gian tới vẫn là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, sớm có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023 “Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của việc giải ngân đầu tư công, cần nhân rộng việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ và thời gian cụ thể cần đạt được cho từng vị trí lãnh đạo các cơ quan, các cấp… làm thước đo đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ theo kết quả công việc đạt được vào cuối năm.
TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)