Một phân tích về hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế ở 24 quốc gia trong hơn 50 năm qua đã chỉ ra rằng, việc các nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng trước đó sau suy thoái là khó dự đoán, vì còn phụ thuộc vào độ sâu của suy thoái. Những tác động tiêu cực của suy thoái nghiêm trọng mang tính dai dẳng và lâu dài.
Triển vọng kinh tế ngắn hạn đối với thế giới là khá ảm đạm
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong bối cảnh lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỉ, khủng hoảng năng lượng, đại dịch Covid-19 kéo dài và xung đột quân sự ở Ukraine, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm gần một nửa trong năm 2023 so với mức 6% của năm 2022 và tốc độ giảm thậm chí mạnh hơn đến mức trì trệ 2,7% vào năm 2023. Liệu các nền kinh tế lớn có tránh được suy thoái trong bối cảnh bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát - là câu hỏi luôn được đưa ra trong các cuộc thảo luận. Trong khi đó, việc các nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai là điều không gây bàn cãi.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP ở nhiều nước phát triển vẫn thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước khủng hoảng trong một thời gian dài. Năm 2015, 23 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mất bình quân 8,4% sản lượng tiềm năng, tương đương 4,3 nghìn tỉ USD - tổn thất về sản lượng tiềm năng có sự khác biệt giữa các nước, dao động từ gần như bằng 0 ở Thụy Sĩ và Úc đến hơn 30% ở Hy Lạp, Hungary và Ireland (Laurence B. Ball, 2014). Có hai kết luận có thể rút ra từ dữ liệu trên: (i) Ở hầu hết các quốc gia, tổn thất sản lượng tiềm năng lớn gần bằng mức thiếu hụt sản lượng thực tế so với xu hướng trước khủng hoảng. Điều này ngụ ý rằng hiệu ứng trễ đã rất mạnh trong cuộc Đại suy thoái 2008 - 2009; (ii) Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái, tốc độ tăng trưởng của sản lượng tiềm năng ngày nay thấp hơn đáng kể so với trước năm 2008. Tốc độ tăng trưởng chậm lại này có nghĩa là mức sản lượng tiềm năng có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa so với xu hướng trước khủng hoảng trong những năm tới.
Ngay cả những tác động ngắn hạn cũng có thể có hậu quả lâu dài - khủng hoảng có thể để lại "vết sẹo" cho nền kinh tế, đó là lí do tại sao khả năng phục hồi hoàn toàn là khó xảy ra.
Tuy nhiên, làm thế nào để xác định được liệu một cuộc khủng hoảng cụ thể có để lại “vết sẹo” hay không? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả bao gồm David Aikman, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Hoàng gia London; Mikael Juselius, cố vấn nghiên cứu tại Ngân hàng Phần Lan; Matthias Dremann, nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Xiaochuan Xing từ Đại học Yale đã thực hiện nghiên cứu các hiệu ứng đối với tăng trưởng từ các đợt suy giảm sâu. Nhóm tác giả kết luận rằng, thông thường, chỉ suy thoái sâu mới có tác động kìm hãm tăng trưởng dài hạn, trong khi những hiệu ứng của việc hạ cánh mềm có thể được các nền kinh tế xử lí tương đối nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng (David Aikman et al., 2022).
Tích lũy vốn trong quá trình mở rộng kinh tế có thể có tác động tích cực dài hạn đến tăng trưởng GDP (Ảnh internet)
Khủng hoảng đặc biệt nguy hiểm
Sau khi nghiên cứu các cuộc khủng hoảng trong vòng 50 năm kể từ năm 1970 tại 24 quốc gia (19 nước phát triển và 5 nước đang phát triển); so sánh quỹ đạo dự báo tăng trưởng trước khủng hoảng của các nền kinh tế này trong 10 năm tới với quỹ đạo thực tế sau khủng hoảng, Aikman và các cộng sự nhận thấy, trong hầu hết các trường hợp, nền kinh tế nhanh chóng quay trở lại tốc độ tăng trưởng dài hạn trước khủng hoảng.
Các cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng đến động lực của GDP 10 năm sau đó chiếm tỉ trọng khoảng 20% trong mẫu nghiên cứu. Những “vết sẹo” tăng tỉ lệ thuận với độ sâu của suy thoái. Những "vết sẹo" sâu nhất vẫn còn sau những cuộc suy thoái sâu nhất, trung bình khoảng 5%: Sau các đợt suy thoái sâu, tăng trưởng kinh tế trong 10 năm sau đó ở mức 4,25 điểm phần trăm, thấp hơn so với khi chưa diễn ra khủng hoảng. Với mức giảm nhỏ hơn 3 - 4 lần, GDP thực trong thập kỉ sau đó đã chậm lại trung bình 1,05 điểm phần trăm (David Aikman et al., 2022).
Các cuộc suy thoái ít sâu hơn, nghĩa là, 80% còn lại trong mẫu nghiên cứu thường không gây ra hậu quả lâu dài. Sau “điểm tới hạn”, độ sâu của suy thoái để lại “vết sẹo”, có sự khác biệt tùy thuộc vào phương pháp đánh giá; tuy nhiên, kết luận chỉ ra một cuộc suy thoái tương đối mạnh mới gây ra tác động tiêu cực lâu dài đã được xác nhận bằng bất kì phương pháp tính toán, cho bất kì quốc gia và bất kì thời kì nào.
Để tìm hiểu xem liệu tất cả các cuộc suy thoái sâu hay chỉ một trong số chúng có thể gây ra các tổn thất dài hạn hay không, nghiên cứu tập trung vào một mẫu khảo sát gồm 198 cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất (từ 5% trở lên), sau khi xác định nguyên nhân của chúng. Hầu hết các cuộc suy thoái này đều do một trong ba nguyên nhân: 100 trường hợp - khủng hoảng tài chính ngân hàng; 19 trường hợp - cú sốc dầu mỏ đầu những năm 1970; 51 trường hợp - thắt chặt tiền tệ.
Các tính toán đã chỉ ra rằng, một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong 10 năm tới, trung bình 5,6 điểm phần trăm, tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ có cường độ yếu gần gấp đôi. Các cuộc khủng hoảng dầu mỏ để lại những "vết sẹo" sâu sắc nhất - chúng làm chậm tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong dài hạn gấp 1,5 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất. Nhưng nói chung, nguyên nhân cụ thể của suy thoái kinh tế không có ý nghĩa đối với việc, liệu nó có “đánh bật” nền kinh tế khỏi quỹ đạo tăng trưởng trước đó hay không.
Hậu quả của các cuộc khủng hoảng
Các cuộc suy thoái gây ra bởi những cú sốc bên ngoài cũng như những sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô và khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến tổn thất dài hạn cho nền kinh tế là một trong những gợi ý đầu tiên vào những năm 2000 của các nhà kinh tế IMF Valerie Serra và Sveta Chaman Saxena. Theo tính toán của họ, dựa trên dữ liệu từ 190 quốc gia kể từ năm 1960, khủng hoảng cán cân thanh toán dẫn đến tổn thất dài hạn trung bình khoảng 5 điểm phần trăm tăng trưởng, khủng hoảng ngân hàng khoảng 10 điểm phần trăm tăng trưởng và nếu nó đi kèm với khủng hoảng tiền tệ, thì tổng thiệt hại dài hạn có thể lên tới 15 điểm phần trăm (Valerie Cerra et al.,2018).
|
Các nghiên cứu kinh tế đã phân tích một số cơ chế gây nên những “vết sẹo” sau khủng hoảng trên “cơ thể” nền kinh tế. Những "vết sẹo" này có thể do trong thời kì suy thoái, các hoạt động đổi mới mang lại ít lợi nhuận hơn và doanh nghiệp giảm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), làm "đóng băng" sự phát triển của công nghệ trong một thời gian dài; xói mòn nguồn nhân lực do thất nghiệp kéo dài; thay đổi hành vi kinh tế và niềm tin của người dân; cú sốc cầu kìm hãm tăng trưởng sản lượng; sự suy giảm năng suất trong dài hạn do sự phá sản của các công ty có năng suất lao động cao và quá trình “zombification” nền kinh tế¹; làm suy yếu động lực theo đuổi các cải cách dài hạn của chính phủ. Ở giai đoạn này, quá trình phi toàn cầu hóa và phân mảnh nền kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự kích hoạt, có thể trở thành một xúc tác bổ sung.
Nhưng nếu suy thoái mạnh có tác động tiêu cực trong dài hạn, thì các giai đoạn tăng trưởng nhanh có thể có tác động dài hạn tương tự, nhưng liệu có tích cực hay không? Khả năng này xuất phát từ lí thuyết tăng trưởng nội sinh, theo đó, tích lũy vốn trong quá trình mở rộng kinh tế có thể có tác động tích cực dài hạn đến động lực GDP do lợi nhuận không thể giảm theo quy mô. Tuy nhiên, các tính toán cho thấy rằng, ngay cả tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thực tế cũng không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tiếp theo trong khoảng thời gian 10 năm (sau một thời gian mở rộng, chúng sẽ tiệm cận gần mức trung bình được quan sát trước khi tăng tốc).
Do đó, các tác động dài hạn là phi tuyến tính và bất đối xứng. Trong khi suy thoái kinh tế mạnh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, thì suy thoái nông không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Các tác giả cho biết, kết quả của nghiên cứu mang ý nghĩa tức thời đối với các nhà hoạch định chính sách. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là những cú sốc kinh tế mạnh có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP trong nhiều năm, vì vậy, nỗ lực chính của những người ra quyết định trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, tài khóa, điều tiết vĩ mô cần tập trung vào việc ngăn chặn các đợt suy thoái kinh tế sâu. Thứ hai, nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng đã xảy ra thì không nên kì vọng rằng nền kinh tế sẽ sớm trở lại xu hướng trước khủng hoảng. Một ảo tưởng như vậy có thể dẫn đến việc đánh giá sai lầm chênh lệch sản lượng - chỉ số cho thấy mức độ tiệm cận sản lượng hiện tại với mức sản lượng tiềm năng dài hạn và mức chênh lệch sản lượng mà ngân hàng trung ương tính đến trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cảnh báo, những cuộc suy thoái sâu kéo theo thời gian dài tăng trưởng thấp có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức nợ bền vững - cho cả cá nhân và nhà nước.
Năm 2014, Olivier Blanchard, nguyên Cố vấn kinh tế và Trưởng bộ phận nghiên cứu của IMF, khi suy ngẫm về những bài học của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã nhấn mạnh bài học chủ yếu cho chính sách rất đơn giản: “Hãy tránh xa những góc tối” - những tình huống, trong đó, nền kinh tế có thể gặp trục trặc nghiêm trọng. Với một số biến động lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu các nhà hoạch định chính sách có các công cụ để tránh hiện thực hóa những góc tối như vậy hay không? Aikman và cộng sự lập luận rằng: Có thể tác động của cuộc khủng hoảng hiện tại bị hạn chế, nhưng cũng có thể, ví dụ, sự gián đoạn nguồn cung sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc đại dịch sẽ bùng phát trở lại. “Nhưng điều rõ ràng là việc tập trung vào các mô hình kinh tế vĩ mô chuẩn với giả định rằng nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi theo xu hướng trước đó sau một cú sốc, có thể gây hiểu nhầm, đặc biệt là vào những thời điểm rủi ro cao”.
¹The zombification of the economy đề cập đến tình huống, trong đó, các chương trình hỗ trợ của chính phủ và hoạt động cho vay của ngân hàng khiến các doanh nghiệp không thể sống sót vẫn tồn tại trên thị trường (doanh nghiệp zombie).
Tài liệu tham khảo
1. David Aikman et al. (2022). The scarring effects of deep contractions. Bank of Finland Research Discussion Papers. 12.2022.
2. Đại dịch doanh nghiệp zombie lan tràn khắp thế giới. https://cafebiz.vn/dai-dich-doanh-nghiep-zombie-lan-tran-khap-the-gioi176221121090824981.chn
3. Glenn Schepens et al (2020). Zombification in Europe in times of pandemic. https://cepr.org/voxeu/columns/zombification-europe-times-pandemic
4. Laurence M. Ball (2014). Long-term damage from the Great Ression in OECD countries. NBER.
5. Olivier Blanchard (2014). Where danger lurks. Finance & Development, September 2014, Vol 52, No 3.
6. Valerie Cerra et al. (2018). The Economic Scars of Crises and Recessions. https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2018/03/21/the-economic-scars-of-crises-and-recessions, truy cập ngày 15/12/2022.